Hôm nay,  

Phụ nữ Việt Nam trong xã hội đầu thế kỷ 20

23/03/202420:38:00(Xem: 1375)
phu nu vn
Thiếu nữ Việt Nam đầu thế kỷ XX.


Một thế hệ trí thức Việt Nam mới xuất hiện trong thập niên đầu thế kỷ XX, quyết tâm đấu tranh vì độc lập dân tộc và hiện đại hóa xã hội Việt Nam.
    Lúc đầu một cách mờ nhạt, sau đó mạch lạc hơn, một số người trong số họ hiểu rằng bất kỳ cuộc nổi dậy văn hóa nghiêm trọng nào cũng cần phải tấn công vào thế phụ thuộc của phụ nữ, cũng như bất kỳ cuộc đấu tranh dân tộc nghiêm túc nào cũng có cơ hội thành công cao hơn nhiều nếu được phụ nữ tham gia tích cực.
   Ngoài ra, sự tức giận trước sự bóc lột của thực dân Pháp đối với người Việt Nam thường mở rộng tầm mắt của nam giới đối với các hình thức bóc lột khác, trong đó có hình thức bóc lột phụ nữ bởi đàn ông, cũng như phụ nữ thường nhìn thấy nhanh nhất và nhạy bén nhất tính chất cơ bản của mối quan hệ thuộc địa. Trong khi phụ nữ phải mất thêm hai thập kỷ nữa mới có được tiếng nói của riêng mình trước công chúng và bắt đầu tổ chức một cách hiệu quả, gần như chắc chắn rằng vào những năm 1905-10, những thái độ cũ đã bắt đầu thay đổi ở ít nhất một phần nhỏ của dân chúng.
   Trong thời kỳ này, phụ nữ được công nhận là một phần của guồng máy quốc gia, ít nhất là trên lý thuyết. Các đề xuất cụ thể đã được đưa ra để mở rộng cơ hội giáo dục cho họ. Tại Đông Kinh Nghĩa Thục, tuy tồn tại trong thời gian ngắn nhưng có ảnh hưởng lớn, phụ nữ được khuyến khích tham dự các bài giảng cho công chúng về lịch sử, văn hóa và chính trị – vào thời điểm đó là một sự đổi mới căn bản. Các cuộc tụ họp lớn hơn, ít mang tính học thuật hơn được tổ chức bên ngoài, bao gồm các bài thuyết trình đầy kịch tính kể lại những truyền thuyết xung quanh Hai Bà Trưng anh hùng. Tại trường Đông Kinh Nghĩa Thục có hai phụ nữ, là con gái có học thức của những gia đình chữ nghĩa, đã được vinh dự chưa từng có khi được tham gia trường này với tư cách là giáo viên dạy tiếng Trung Hoa và quốc ngữ. Tuy nhiên, nam giới lại chiếm giữ mọi vị trí lãnh đạo trong trường và chính những người đàn ông này bị Pháp tống vào tù khi xảy ra cuộc đàn áp không thể tránh khỏi.
   Phan Bội Châu (1867-1940), người có vẻ quan tâm nhiều hơn hầu hết những người đàn ông cùng thời về địa vị của phụ nữ Việt Nam, đã viết một vở tuồng hấp dẫn về Hai Bà Trưng. Các nhân vật về cơ bản là những vai trò nguyên mẫu về thực dân và người chống thực dân trong trang phục thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Hầu như là chắc chắn mục đích chính của cụ Phan là tập trung vào vai trò của phụ nữ Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống thực dân sắp tới. Ông đặt ra một tình huống trong đó hành động của phụ nữ xuất phát từ những nguyên tắc yêu nước đã thúc đẩy cha, chồng và anh em của họ nhiều hơn là từ sự tôn trọng các khái niệm Nho giáo về sự phục tòng và bổn phận của phụ nữ. Cụ thể, trong khi hầu hết các nhà văn tiếp tục bước qua thế kỷ 20 vẫn nhấn mạnh đến Trưng Trắc như là người vợ trung thành báo thù cho chồng bị thái thú nhà Hán giết, cụ Phan miêu tả đây chỉ là chất xúc tác tiếp thêm sinh lực cho tình yêu đất nước có sẳn từ trước của bà và ý muốn đánh đuổi giặc ngoại xâm. Và trong khi em gái của Trưng Trắc là Trưng Nhị, từ lâu đã được miêu tả là tham gia đấu tranh vì nghĩa vụ chị em, thì cụ Phan đặt động lực này đứng thứ hai sau lòng yêu nước.
   Mặt khác, Phan Bội Châu vẫn vận dụng những đặc điểm nữ tính rập khuôn để khiến hai bà Trưng trở nên “thật” hơn với khán giả của mình. Trưng Trắc khóc thê thảm khi thi thể chồng được đưa về nhà. Trong nghịch cảnh sau đó, bà có lúc mất tinh thần, và người em gái phải thúc dục lòng can đảm của bà bằng lời kêu gọi: "Nào, chúng ta không thể nhường bước cho những cảm xúc tầm thường của nữ nhi. Chúng ta phải ra ngoài lo việc quân sự." Mười lăm năm sau khi Phan viết những dòng này, Trần Hữu Độ, một người có khuynh hướng chính trị tương tự, vẫn sử dụng phép ẩn dụ dùng hình ảnh phụ nữ để thể hiện một số thái độ tồi tệ nhất của con người cần phải đấu tranh, chẳng hạn như sự thụ động, sự yếu đuối về thể chất và tinh thần, chủ nghĩa nhục dục (sensualism), và đầu óc hẹp hòi. Trong quần thể lớn các anh hùng phương Tây đáng được noi theo của Trần Hữu Độ, chỉ có một người, Joan of Arc, là phụ nữ, trong khi trong số những nhân vật lịch sử vĩ đại của Việt Nam chỉ có hai Bà Trưng được xếp ngang hàng với nam giới. Điều tốt nhất có thể nói đối với Trần Hữu Độ về vấn đề này là ông đã không công kích những nỗ lực cố gắng khẳng định bản thân của phụ nữ Việt Nam, và đến cuối những năm 1930, ông đã thành công trong việc loại bỏ những định kiến tâm lý khỏi các tác phẩm của mình.
   Người Pháp, sau khi đóng cửa Đông Kinh Nghĩa Thục vào đầu năm 1908 và sau đó bỏ tù hoặc vô hiệu hóa hầu hết các học giả Việt Nam có khuynh hướng chống thực dân, đã dần dần chuyển sang thúc đẩy các giải pháp thay thế dễ chấp nhận hơn về mặt chính trị. Quan trọng nhất từ góc độ trí thức, ít nhất là trong bảy hoặc tám năm sau khi nó được sáng lập tại Hà Nội vào tháng 7 năm 1917, là tờ nguyệt san Nam Phong, đã được thảo luận trước đây. Chủ bút Phạm Quỳnh (1892-1945), cảm thấy mình có đủ tư cách để bình luận về mọi khía cạnh của sự tồn tại của con người, bao gồm cả vai trò của phụ nữ trong các xã hội khác nhau Đông và Tây, cũ và mới. Trong một bài tiểu luận năm 1917 có tựa đề "Sự giáo dục đàn bà con gái", Phạm Quỳnh đã phác họa một quan điểm cải cách rất thận trọng mà trong khoảng thập kỷ sau đó đã thu hút được sự ủng hộ của tầng lớp thượng lưu và trung lưu ở cả hai giới trước khi bị tấn công dữ dội và phần lớn bị chối bỏ.
   Rõ ràng, động cơ thúc đẩy bài viết của Phạm Quỳnh là mối lo ngại của ông rằng những tư tưởng mới lạ về “nam-nữ bình quyền” đang bắt đầu thẩm thấu vào Việt Nam trong lúc những chuẩn mực đạo đức cũ rỏ ràng đang suy thoái. Ông nói, nếu phụ nữ thực sự khao khát "tự trị" và “tự bào vệ”, họ sẽ cần một chế độ giáo dục cẩn thận, nếu không họ sẽ nhanh chóng rơi vào hố sâu mục nát và hoang tàn. Mặt khác, ông ta tấn công những người Việt Nam có "tâm lý thời trung cổ", những người cho rằng giải pháp duy nhất là giữ cho phụ nữ mù chữ và thiếu hiểu biết. Ông lập luận rằng tầm nhìn hạn chế như vậy sẽ chỉ dẫn đến sự mất tinh thần hơn nữa; ngoài ra, về lâu dài nó không thực tế. Vì vậy, Phạm Quỳnh được sự hậu thuẫn của các thành viên chính quyền thuộc địa Pháp, đã đề ra chính sách cực kỳ tiệm tiến để đối phó vớ các cơ hội hiện đại cho phụ nữ Việt Nam.
   Điểm mấu chốt trong quan niệm của Phạm Quỳnh là sự phân hóa chương trình giảng dạy dành cho nữ giới theo giai cấp. Ông đã dành hơn một nửa bài luận văn của mình để mô tả cẩn thận một mặt là việc giáo dục phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu (bao gồm tư sản cao cấp /haut bourgeois) và nửa bài kia là cho việc giáo dục tầng lớp trung lưu. Không đề cập đến việc hướng dẫn phụ nữ thuộc tầng lớp thấp hơn, hoặc vì Phạm Quỳnh coi họ là không đáng kể hoặc vì ông biết rằng gia đình họ hiếm khi có thể miễn cho họ việc đồng áng và việc nội trợ. Đối với tầng lớp thượng lưu, ông đề xuất mở một học viện tư nhân đặc biệt dành cho phụ nữ, với một phần các lớp học tiêu chuẩn dành cho các thiếu nữ và phần thứ hai gồm các bài giảng và thảo luận dành cho những thiếu nữ trình độ cao hơn và phụ nữ trưởng thành. Phần lớn nội dung giảng dạy sẽ bằng tiếng Việt và nhấn mạnh vào văn học dân gian, bắt đầu với Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm, Lục Vân Tiên, và các tác phẩm khác “phù hợp với bản chất phụ nữ”. Một số sinh viên thông minh hơn có thể học một ít chữ Hán và thậm chí có thể học một ít văn học Pháp. Tuy nhiên, ông ta phán một cách rầu rỉ rằng các cô gái sẽ chỉ có một khoảng thời gian giới hạn trong đời để học tập, và sau đó sẽ đến lúc kết hôn – một cuộc sống hoàn toàn mới.
   Đối với những cô gái trung lưu, Phạm Quỳnh cho rằng cần phải tìm kiếm những kết quả “thiết thực” hơn. Đối với ông, điều này có nghĩa là đặc biệt chú ý đến đức tính đầu tiên của phụ nữ truyền thống, “công”, khác biệt với “dung, ngôn, hạnh”. 'Công' có nghĩa là các lớp may, dệt và thêu, cộng với số học, để đáp ứng mối bận tâm được cho là của tầng lớp trung lưu với việc mua bán và duy trì sổ sách chi thu chính xác. Ngược lại, các cô gái thuộc tầng lớp thượng lưu được phép nghiên cứu các môn khoa học tự nhiên, vệ sinh, địa lý và lịch sử - mong rằng họ được tham gia vào các cuộc trò chuyện giao tiếp lịch sự khi trưởng thành. Và, trong khi tầng lớp thượng lưu có thể học văn học Trung Hoa hoặc Pháp, thì các cô gái thuộc tầng lớp trung lưu sẽ chỉ có một chút tiếng Pháp để có thể tham gia vào các mối quan hệ thương mại trực tiếp với người Pháp.
   Trong những năm tiếp theo, Phạm Quỳnh viết hoặc dịch các bài viết khác có liên quan đến vấn đề phụ nữ. Sự binh vực nổi tiếng của ông đối với nhân vật gái điếm Thúy Kiều dựa khá nhiều vào chủ nghĩa lãng mạn, trữ tình (lyricism) và “văn hóa của sự tuyệt vọng” (“culture of despair” [mô tả hoàn cảnh tuyệt vọng, thờ ơ và phục tùng của con người trong một xã hội bất công]) của phương Tây, thực sự khác xa với cuộc thảo luận có định hướng chính sách của ông về đạo đức đúng đắn và tính thực tiễn xã hội trong giáo dục phụ nữ. Sau khi lý tưởng hóa sự đa cảm cá nhân và đời sống tình cảm đa dạng đến khó tin của Thúy Kiều, Phạm Quỳnh dường như thấy không có gì bất thường khi ông quay lưng lại và tố cáo lối nói đương thời về “tự do và bình đẳng”, đặc biệt là mong muốn của một số phụ nữ làm điều gì đó khác hơn là giúp cho gia đình mình hoạt động hiệu quả. Ở mức độ mà ông ấy chịu trao cho phụ nữ một vai trò trí thức hoặc chính trị hiện đại nào, đó là vai trò bà chủ nhà trong phòng khách (hostess of salon) sau khi họ đã giúp chồng xây dựng sự nghiệp, gia đình và tài trợ cho các hoạt động từ thiện thời thượng.
   Trong số những người đóng góp cho Nam Phong nói chung, sự khác biệt về quan điểm liên quan đến phụ nữ thậm chí còn rõ ràng hơn. Ví dụ, khi Hoàng Ngọc Phách, một sinh viên ngành sư phạm sớm nổi tiếng là một tiểu thuyết gia tiên phong của Việt Nam, đã lên án Truyện Kiều và những tiểu thuyết lãng mạn mới hơn đã làm suy yếu tính hiệu quả của những quy định đạo đức Nho giáo lâu đời dành cho phụ nữ, làm cho họ dễ bị tổn thương hơn trước, ngay lập tức ông ta bị một số nữ độc giả thượng lưu công kích . Về cơ bản, họ nói với ông rằng phụ nữ không cần những người giám hộ đạo đức là nam giới để quyết định những gì họ nên hoặc không nên trải nghiệm.
   Họ coi những nhận xét của Hoàng Ngọc Phách là cực kỳ trịch thượng và có tiêu chuẩn kép về tình dục (sexual double standard)—ít nhất là khi áp dụng vào văn học—hoàn toàn không phù hợp với thời đại.
   Trong khi đó, Nguyễn Bá Học, một nhà văn nổi tiếng, tiếp tục không nao núng bảo vệ hôn nhân được sắp đặt và công khai chỉ trích Phạm Quỳnh vì đề nghị giáo dục hiện đại cho một thiểu số phụ nữ Việt Nam khi, ông nói, cả nước vẫn còn quá kém phát triển và thậm chí cả nam giới có học cũng không tìm được việc làm thích hợp. Ngoài ra, “Phụ nữ càng học cao thì càng hoang phí tiền thu nhập, ham muốn nhục dục càng bùng lên, và cuối cùng họ sẽ rơi vào cảnh bần cùng”. Phụ nữ sẽ mất hết ý thức về sự đoan trang nếu cư xử như đàn ông.Nguyễn Bá Học kết luận. Ngược lại, một ông quan cấp cao cọng tác với Pháp, Thân Trọng Huề, lại lập luận rằng những hướng dẫn cổ điển của Nho giáo về việc phụ nữ ở nhà chưa bao giờ được tuân thủ nghiêm nhặt ở Việt Nam, và chắc chắn không nên được phục hồi vào lúc này. Ông chỉ ra rằng từ lâu, việc phụ nữ Việt Nam làm việc đồng áng, chế tạo các đồ thủ công và ra chợ buôn bán món hàng dư dùng trong gia đình là điều khá bình thường. “Việc gì đàn ông làm được thì phụ nữ cũng làm được”, Thân Trọng Huề khẳng định, và điều này phải được ghi nhớ khi hoạch định chính sách của chính phủ hoặc tổ chức các nhóm công dân.
   Sau này, báo Nam Phong đã thực hiện một lập trường bảo thủ hỗn hợp (hybrid), về cơ bản là kết hợp những bài thơ hoài cổ khác lạ ca ngợi tinh thần nữ tính “phương Đông” với những cuộc tấn công rõ rệt nguồn gốc châu Âu vào sự giải phóng phụ nữ. Vì vậy, một mặt, đã xuất hiện một bản dịch và bình luận lý tưởng hóa và lãng mạn hóa gồm mười ba phần về nhiều phụ nữ Trung Quốc thời xưa. Các biên tập viên thậm chí đã phải lùi lại hai thiên niên kỷ để hồi sinh và dịch một bộ hướng dẫn dành cho phụ nữ của triều đại nhà Hán. Mặt khác, các nhà văn phương Tây ít tên tuổi như Henri Marion, Gina Lombroso, Félix Pécaut được nhập khẩu và dịch để chứng minh rằng nhiều người trong “thế giới văn minh” cũng tiếp tục duy trì quan điểm lấy gia đình làm trung tâm cho phụ nữ và phản đối hôn nhân tự do, bình đẳng giới tính và các trường học dành cho cả nam và nữ.
   Có lẽ hai mạch văn hóa này đã được kết hợp với nhau một cách khéo léo nhất trong bản dịch dài kỳ gồm năm phần của cuốn “Nhật ký sợ vợ”, thực ra là một bức tranh biếm họa tàn nhẫn về những người phụ nữ thành thị hiện đại hóa ở Trung Quốc đương đại.
   Theo lệnh của Toàn quyền, năm 1918, Phạm Quỳnh đi Nam Kỳ và cố gắng khích động sự quan tâm của một số gia đình học giả lâu đời trong việc hợp tác chặt chẽ hơn với người Pháp. Ông đặc biệt quan tâm đến gia đình Nguyễn Đình Chiểu, tác giả Lục Vân Tiên, và ba mươi năm sau khi nhà thơ qua đời, Nguyễn Đình Chiểu vẫn là biểu tượng cho sự bướng bỉnh của miền nam từ chối chấp nhận việc “đồng hóa” dưới sự cai trị trực tiếp của chính phủ thuộc địa. Một số con cháu kiên quyết từ chối nhưng Sương Nguyệt Anh (1864-1921), người làm thơ chữ Hán và chữ Nôm đồng ý tham gia. Kết quả là tờ báo định kỳ đầu tiên của Việt Nam đặc biệt hướng đến phụ nữ, có tên Nữ Giới Chung xuất bản tại Sài Gòn vào thứ Sáu hàng tuần bằng chữ quốc ngữ , và được kiểm soát về mặt tài chính bởi Henri Blaquière, giám đốc báo Le Courrier Saigonnais.
  Trong số đầu tiên của Nữ Giới Chung, ngày 2 tháng 2 năm 1918, Sương Nguyệt Anh cảm ơn Toàn quyền đã quan tâm, bày tỏ sẵn sàng hợp tác trong chương trình cải cách giáo dục của ông, đặc biệt là mở rộng giáo dục quốc ngữ, và hứa sẽ tránh những “vấn đề chính trị”. Bà cho biết, tạp chí định kỳ của mình sẽ nhấn mạnh đến việc duy trì các tiêu chuẩn đạo đức, hướng dẫn các công việc hàng ngày, thúc đẩy thương mại và sản xuất thủ công cũng như "mở rộng mối liên hệ giữa mọi người" nói chung. Sương Nguyệt Anh có lẽ đã hy vọng Nữ Giới Chung sẽ trở thành tạp chí phụ nữ cho toàn quốc. Thơ của bà thường gợi lên hình ảnh đoàn kết của người Việt Nam Bắc, Trung, Nam. Tuy nhiên, vào năm 1918, số phụ nữ thành thạo quốc ngữ vẫn còn khá ít, và sự thận trọng tột độ của người biên tập đối với các vấn đề chính trị có lẽ còn làm giảm lượng độc giả hơn nữa. Tệ hơn nữa, một số người ghi tên mua báo đã không thanh toán được hóa đơn của mình. Cuối năm 1918, sau chưa đầy một năm xuất bản, tuần báo này đã chấm dứt hoạt động.
    Sương Nguyệt Anh về mọi mặt vẫn là người gìn giữ các giá trị truyền thống.
   Thật vậy, việc sau khi chồng bà mất sớm, bà đã thề sẽ không bao giờ tái hôn và nêu giữ hình ảnh của người góa phụ cho mọi người chiêm ngưỡng , rõ ràng là một khía cạnh khác trong sức hấp dẫn của bà. Việc bà thường xuyên nhấn mạnh vai trò của con gái, người vợ và người mẹ trong gia đình Việt Nam mang một thông điệp có uy lực đặc biệt.
    Đã có hơn một nhà văn ngưỡng mộ so sánh bà với hình tượng Kiều Nguyệt Nga được lý tưởng hóa trong tác phẩm kinh điển Lục Vân Tiên của thân phụ bà. Tuy nhiên, việc một phụ nữ đảm nhận vai trò biên tập một tạp chí định kỳ lớn, dù chỉ trong thời gian ngắn, đã tạo động lực cụ thể cho những bà vợ thuộc tầng lớp thượng lưu khác muốn mạo hiểm vượt ra ngoài phạm vi gia đình.
    Mười lăm năm sau, Phan Văn Hùm, trí thức theo chủ nghĩa Trotsky, vẫn còn cố gắng giải thích cho chính mình và độc giả của mình tại sao một người phụ nữ có khuynh hướng truyền thống lại có thể truyền cảm hứng cho rất nhiều hành vi phi truyền thống. Câu trả lời của ông, hầu như không thỏa đáng, nhưng cũng không phải không có ý nghĩa văn hóa, đó là Sương Nguyệt Anh, mặc dù rất khắt khe với bản thân nhưng lại có xu hướng khá khoan dung với người khác. Cụ thể, mặc dù tỏ ra không quan tâm đến những ảnh hưởng trên bản thân của việc chế ngự tình dục, bà vẫn nhạy cảm với vấn đề này đối với người khác và không bao giờ yêu cầu tất cả các góa phụ phải tránh tái hôn. Ở mức độ mà điều này có thể đúng, những người đàn ông theo chủ nghĩa truyền thống đã cảm nhận được mối đe dọa và bắt đầu đưa ra những phản bác ngay cả trước khi báo Nữ Giới Chung phải đóng cửa.
 
– David Marr
Hồ văn Hiền dịch
 
Tác giả David Marr là một sĩ quan tình báo Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ tại Việt nam (1962-1963) và một nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Việt Nam (1967) trước khi trở thành một học giả nổi tiếng về lịch sử và văn hóa Việt Nam hiện đại.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
"Dự án Kênh Phù Nam tại Cam Bốt do Trung Quốc đỡ đầu, tuy nói là tuyến thủy vận thôi nhưng vẫn có thể là kênh dẫn thủy nhập điền. Trung Quốc có chiến lược khai thác mối hận thù giữa dân tộc Cam Bốt và Việt Nam để chia rẽ họ, đồng thời tài trợ hàng chục tỉ Mỹ kim mua chuộc Lào và Cam Bốt, ràng buộc họ thành con nợ, để cô lập Việt Nam. Bài tham luận này trình bày một chiến lược hoàn toàn mới cho Việt Nam và liên minh chiến lược cho Việt Nam và Cam Bốt để đối phó với Trung Quốc và Lào." Đó là lời Dẫn nhập bài biên khảo về dự án đào kênh Phù Nam của Cam Bốt, bài của kỹ sư Phạm Phan Long, một chuyên gia về Đồng bằng sông Cửu Long. Sau bài viết của nhà văn Ngô Thế Vinh, đây là tiếng chuông cảnh báo thứ hai về vấn đề này. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Trong công cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp để giành lại chủ quyền cho dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ cho đất nước Việt Nam, tiền nhân của chúng ta đã gian khổ cùng một lòng đánh đuổi bọn xâm lăng ra khỏi mảnh đất thân yêu mà Tổ tiên ta đã bao đời dầy công gầy dựng. Cho nên nhìn lại dòng lịch sử dân tộc từ Bắc vào Nam ở đâu và lúc nào cũng có những vị anh hùng dân tộc đứng lên liều mình cứu nước chống giặc ngoại xâm...
Dự án “Funan Techo Canal” nhằm phục hồi một hệ thống đường thủy đã được xây dựng và vận hành từ triều đại Đế chế Funan-Khmer [sic] có từ khoảng 500 năm trước Công Nguyên. Công trình này nhằm cải thiện giao thông đường thủy trong lãnh thổ Cam Bốt. Con kênh này có chiều dài 180 km, kết nối 4 tỉnh: Kandal, Takeo, Kampot, và Kep. Mục đích chính của dự án này như một kết nối lại với lịch sử và nhằm cải thiện giao thông đường thủy cho các cộng đồng cư dân địa phương. Triển khai dự án này phù hợp với cam kết của Cam Bốt theo điều khoản 1 và 2 của Hiệp Định Sông Mekong 1995, với sự bình đẳng về chủ quyền, tôn trọng những quyền hạn và các lợi ích chính đáng..
Người nhập cư Việt Nam được biết đến với “đạo đức làm việc” mạnh mẽ của họ. Họ sẵn sàng bỏ ra nhiều giờ và hy sinh để đạt được mục tiêu của mình. Tính cần cù này đã giúp họ thành công trong nhiều lĩnh vực, bao gồm kinh doanh, giáo dục và các ngành nghề khác...
Sau một vài năm ở Mỹ và đã quen hơn với vùng đất mới của họ, những người nhập cư Việt Nam đã chuyển đến các khu vực đô thị lớn để tạo ra các “biệt khu dân tộc” (ethnic enclaves) với những người Mỹ gốc Á khác...
Từ đợt đầu di tản sau biến cố 30/4/1975, chừng 125,000 người. Vào ngày 29 tháng 4 năm 1975, khi bộ đội miền Bắc tiến vào Sài Gòn, Hoa Kỳ đã ra lệnh sơ tán ngay lập tức nhân viên Hoa Kỳ và hàng nghìn quan chức quân sự và ngoại giao của miền Nam Việt Nam. Các kênh truyền hình tin tức Mỹ đã phát đi những hình ảnh đau lòng về cuộc không vận hỗn loạn, trong đó có đám đông công dân miền Nam Việt Nam tuyệt vọng tràn ngập ngoài cổng Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn. Làn sóng đầu tiên đến vào năm 1975 như một phần của 140.000 người của Đông Dương được sơ tán ban đầu qua lệnh của Tổng thống Gerald Ford. Những người tị nạn đó, hầu hết đều có trình độ học vấn và nói được một ít tiếng Anh, đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ công chúng Mỹ mong muốn được xóa bỏ ít nhiều mặc cảm tội lỗi về việc quân đội Mỹ đột ngột rời khỏi miền Nam Việt Nam. Đến năm 1978, kinh tế Mỹ bắt đầu suy thoái và sự chào đón nồng nhiệt này không còn nữa (1).
Giữa những hình ảnh cánh đồng hoa anh túc và những chiến hào sũng nước trong ký ức chung về Thế Chiến I, ít ai để ý đến sự hiện diện của các trại tù binh chiến tranh ở vùng đảo British Isles. Nhưng trong suốt cuộc chiến, Anh đã giam giữ gần 116,000 người trong các trại tù binh trên khắp đất nước, từ Cung điện Alexandra ở London đến một trang trại cũ trên Đảo Isle of Man. Trong số đó có một võ sĩ đấm bốc và nghệ sĩ biểu diễn xiếc người Đức tên là Joseph Pilates.
Cựu Trung tướng Phạm Quốc Thuần đã qua đời vào lúc 8 giờ sáng ngày Thứ Sáu 18-8-2023 tại Fountain Valley, California, hưởng thọ 98 tuổi. Ông sinh ngày 31-8-1926 tại Hà Đông. Trung tướng Phạm Quốc Thuần giữ chức vụ Chỉ huy trưởng trường Bộ Binh (Thủ Đức) ngày 20-8-1969...
Bát Nhã Tâm Kinh của Phật học có câu “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Từ “sắc” trong câu kinh dùng để chỉ vật chất và những gì có hình tướng. Còn “không” là cái không bao giờ xẩy ra. Từ “không” được nhắc đến nhiều trong đạo Phật chính là “Chân Không Diệu Hữu”. Như vậy, “sắc tức thị không, không tức thị sắc” là nói đến “thật tướng” của vạn pháp và đấy chính là “vô tướng”, từ “cái không” do nhân duyên hợp lại thành “cái có”. Và, ngược lại, từ “cái có” tất yếu trở về “cái không”. Chu kỳ ấy là bất diệt, cứ tiếp nối nhau đến vô tận. Đó là cách tiếp cận theo triết học tôn giáo hay siêu hình học. Nhìn từ nhãn quan vật lý học, “cái có” có thể đến từ “cái không” được không? Theo thuyết Big Bang thì có vẻ là như thế. Vật chất tồn tại như ta nhìn thấy – hàng tỉ tỉ dải thiên hà, mỗi thiên hà có hàng tỉ tỉ ngôi sao, mỗi ngôi sao là một hệ thái dương có thể có nhiều hành tinh, mỗi hành tinh là một thế giới như quả đất chúng ta đang sinh sống – đến từ “cái không có gì”,
Nhân Lễ Tưởng Niệm Nhị vị Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy và Nguyễn Văn Bông được tổ chức ngày hôm nay 13/08/2023 tại Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng tiểu bang Victoria-Úc, Ban Tổ Chức có nhờ tôi chia sẻ đề tài “Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy nhà hoạt động chính trị chân chính”, dưới đây là một số điều tôi được biết về cuộc đời chính trị của giáo sư Nguyễn Ngọc Huy.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.