Ngày 26 tháng 3 năm 2025, Kristi Noem – Bộ trưởng An ninh Nội địa trong chính quyền Trump – đến thăm Trung tâm Giam giữ Khủng bố CECOT tại El Salvador, đi cùng với Bộ trưởng Tư pháp và An ninh Công cộng Gustavo Villatoro. Chuyến thăm này tái khẳng định thỏa thuận hợp tác giữa hai chính phủ: El Salvador sẽ nhận giam giữ di dân bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ.
CECOT, nhà tù nằm dưới chân núi lửa, vốn đã khét tiếng vì điều kiện giam giữ tàn bạo. Nhưng năm nay, nó tiếp nhận một loại tù nhân mới: di dân bị trục xuất từ Hoa Kỳ – không vì tội hình sự, mà vì chính sách mới của Tổng thống Donald Trump.
Trong phóng sự đặc biệt mang tựa đề “The Disappeared”, đăng trên tạp chí TIME ngày 23 tháng 6 năm 2025, hai ký giả Eric Cortellessa và Brian Bennett mô tả chuyến viếng thăm CECOT – nơi mà Trump bí mật đưa hàng trăm người Venezuela bị trục xuất, sử dụng Đạo luật Kẻ thù Ngoại bang năm 1798 – một đạo luật chỉ được viện dẫn bốn lần trong lịch sử Hoa Kỳ.
Tại Module 8, nơi giam 238 người Venezuela được đưa đến bằng ba chuyến bay hôm 15 tháng 3, tiếng hô “Libertad!” vang vọng khắp trại. Họ phản kháng, đòi quyền lợi. Nhưng chỉ cách đó vài bước chân, Module 7 – khu dành cho người tù Salvador đã ở lâu năm – là một thế giới khác: im lặng tuyệt đối, ánh mắt vô hồn, không TV, không điện thoại, không thư từ, không thăm nuôi. “Không ai vào đây mà được ra,” theo lời Tổng thống Bukele – một tuyên bố đã được áp dụng tuyệt đối.
Chuyện Hoa Kỳ đưa di dân sang giam ở một nhà tù nước ngoài nổi tiếng là tàn bạo như CECOT — mới năm ngoái thôi, còn là điều không ai tưởng tượng nổi. Thảm trạng tù nhân di dân ở El Salvador là kết quả của sự phối hợp giữa những người lãnh đạo chính sách di trú Hoa Kỳ và chính quyền Salvador. Vậy mà giờ đây, nó chỉ là một phần nhỏ trong kế hoạch trục xuất đầy kinh dị và chưa từng có của chính quyền Trump.
Kế hoạch trục xuất này được hình thành từ mùa hè 2024, khi dân biểu Matt Gaetz đến dự lễ nhậm chức của Bukele và đề xướng ý tưởng với Trump. Sau đó, Thượng nghị sĩ Marco Rubio sang thương lượng và đạt được thỏa thuận: mỗi người bị giam, phía Mỹ sẽ trả 20.000 đô la một năm cho El Salvador.
Ngày 15 tháng 3, Tổng thống Trump ký kích hoạt đạo luật lúc 3:53 chiều. Ba chuyến bay cất cánh lần lượt vào lúc 5:26, 5:44 và 7:36 tối – hai chiếc đã bay trước khi thẩm phán liên bang James Boasberg ra lệnh khẩn ngưng trục xuất.
Chính quyền Trump không công bố danh sách những người có mặt trên máy bay. Cũng không đưa ra bằng chứng rằng tất cả đều thuộc băng Tren de Aragua. Viện Cato xem xét và phát hiện hơn 50 người trong số đó đã làm đúng thủ tục để vào Mỹ. CBS News cũng điều tra, và thấy đa số không hề có tiền án, ở Mỹ lẫn quê nhà.
Trong số bị trục xuất có Abrego Garcia — sau này Bộ Tư pháp Hoa Kỳ thừa nhận đã trục xuất nhầm người. Một người khác là Franco Caraballo Tiapa, thợ hớt tóc ở Venezuela. Năm 2023, anh cùng vợ là Johanny vượt rừng Darién, ngủ lề đường, sống nhờ đồ ăn bỏ, rồi đến biên giới Hoa Kỳ xin tị nạn. Hai vợ chồng sau đó sống ở Sherman, Texas, cắt tóc kiếm sống.
Ngày 3 tháng Hai, Tiapa đến văn phòng ICE ở Dallas để kiểm tra định kỳ. Anh bị bắt. Chính quyền nói các hình xăm của anh là dấu hiệu của băng đảng Tren de Aragua. Một hình ghi tên con gái. Hình khác là sư tử, bông hồng, và lưỡi dao cạo trên cổ — theo lời vợ anh, đó là biểu tượng nghề nghiệp của một thợ cắt tóc. “Họ chỉ nhìn vào hình xăm,” Johanny nói. “Chồng tôi chưa từng có tiền án ở Mỹ hay Venezuela.”
Theo TIME, chính quyền Trump không chỉ đưa người đến CECOT, mà còn gửi di dân đến Panama, Vịnh Guantánamo (Cuba) và Nam Sudan. Các trung tâm giam giữ trong nước đang được mở rộng, với mục tiêu tăng gấp đôi công suất lên 100.000 người.
Trump đã trục xuất hơn 139.000 người kể từ khi trở lại Bạch Ốc. Quyền hạn của ICE được mở rộng tối đa, phối hợp cùng FBI, DEA, ATF, cảnh sát địa phương và cả Sở Thuế. Họ truy đuổi, bắt người ngay trên đường phố, trường học, công viên. Số người bị bắt vì lý do di trú đã tăng vọt 30%.
Hôm 7 tháng 6, Trump ra lệnh điều Vệ binh Quốc gia đến Los Angeles để trấn áp biểu tình phản đối ICE. Bạch Ốc cũng đang cân nhắc việc đình chỉ quyền ‘habeas corpus’ – một nguyên tắc căn bản trong Hiến pháp nhằm bảo vệ người dân khỏi bị giam giữ tùy tiện.
Trump gọi chiến dịch này là “khôi phục pháp luật.” Nhưng ngay cả luật pháp cũng không được phép bước chân vào CECOT, nơi chỉ dành cho những người di dân thấp cổ bé miệng bị nhân viên ICE truy đuổi trên đường phố khắp nước Mỹ bị bố ráp, tống giam, trục xuất. Chỉ trong vài chục tiếng đồng hồ, họ sẽ biến mất như không khí, trả về các nước thứ ba không phải là quê quán của họ, ở những nhà tù dành cho những tội phạm khét tiếng. Họ chỉ là những người di dân đang làm việc trong các nông trại, là công nhân ở các công trường xây dựng. Họ không phải là tội phạm. Họ đang làm những công việc người Mỹ không muốn làm vì quá cơ cực với đồng lương rẻ mạt. Họ không chỉ là nạn nhân của một mình tổng thống Trump và chính sách chống di dân hà khắc nhất lịch sử Hoa Kỳ này, mà phía sau chính sách này là những cái tên quen thuộc: Stephen Miller, Tom Homan, Russell Vought, cùng các tổ chức bảo thủ như Heritage Foundation, America First Institute và Project 2025. Họ bị biến thành mục tiêu. Và chính quyền biến việc trục xuất họ thành một chiến dịch quân sự.
Trump không chỉ trục xuất người. Ông trục xuất cả trách nhiệm. Bằng cách chuyển di dân đến nhà tù nước ngoài, ông khiến họ biến mất khỏi hệ thống pháp lý Hoa Kỳ, không thẩm phán, không luật sư, không ai chứng kiến. Ngay cả Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ cũng đứng về phía Ông. (2)
Mô hình này – nếu lan rộng – sẽ làm sụp đổ hệ thống bảo vệ người tị nạn quốc tế.
Câu hỏi cuối cùng mà tờ TIME đặt ra: Hoa Kỳ có còn chịu trách nhiệm gì với những con người mình vừa trục xuất?
Và với những người gốc di dân đang sống ở Mỹ – kể cả người Việt – câu hỏi kế tiếp là: còn ai an toàn nữa?
Dân Việt tổng hợp
Nguồn tham khảo:
(1) Eric Cortellessa & Brian Bennett, The Disappeared, TIME, ngày 23 tháng 6 năm 2025.
(1) Eric Cortellessa & Brian Bennett, The Disappeared, TIME, ngày 23 tháng 6 năm 2025.
(2) Phán quyết của Tối Cao Pháp Viện ngày 23 tháng 6, dỡ bỏ một phán quyết của tòa cấp dưới yêu cầu chính quyền Trump phải báo trước ít nhất 15 ngày trước khi trục xuất người di dân sang một quốc gia không phải quê hương họ.
Gửi ý kiến của bạn