Hôm nay,  

50 năm sau “Sổ tay” viết lại (Kỳ 4): Mùa Chịu Nạn, Mùa Giải Phóng

25/04/202500:00:00(Xem: 1626)

Picture1
 
I. Chuyện xưa

Điều thú vị nhất của nghề làm báo là luôn có sự mới lạ. Ngày nào cũng có chuyện mới, không nhàm chán, nhưng đôi khi cũng kẹt, vì bí đề tài. Người viết, người vẽ, mỗi khi băn khoăn tìm đề tài, cách tiện nhất là hỏi đồng nghiệp.

Ngày 26 tháng 3, 1975, hoạ sĩ Ngọc Dũng (Nguyễn Ngọc Dũng: 1931-2000), người dùng bút hiệu TUÝT, ký trên các biếm hoạ hàng ngày trên trang 3 Chính Luận, gặp người viết tại toà soạn, hỏi: “Bí quá ông ơi, vẽ cái gì bây giờ?”

Sắp đến Lễ Phục Sinh, lại gặp lúc tình hình đất nước quá bi đát, nhất là sau những trận mưa pháo tàn sát dân quân di tản từ Pleiku-Kontum mới xẩy ra trên đường số 7, được mô tả tỉ mỉ qua những bài Nguyễn Tú gửi về, tôi trả lời: “Ông theo đạo Phật, nhưng chắc cũng biết Tượng Chịu Nạn của Công Giáo, Chúa bị đóng đinh trên Thập Giá như thế nào. Ông có thể vẽ cảnh này, nhưng trên Thập Giá, thay vì Chúa, là Việt Nam bị đóng đinh”.

Tôi còn góp một số chi tiết: Phía Bắc VN, giáp giới với Tầu, giống hình nón, có thể vẽ thành cái nón cho người dân Việt khốn khổ đội. Thân hình người bị đóng đinh oằn đi vì đau đớn, là bản đồ VN. Phía dưới, “vòng số 3” gồm cái rún là Sài Gòn, và đồng bằng Sông Cửu Long. Thêm tay chân chỉ còn da bọc xương, là có một cảnh “Việt Chịu Nạn” hoàn hảo.

Qua hình ảnh quen thuộc về cuộc khổ nạn của Chúa, Giáo Dân còn thấy mấy tên lính, một tên cầm giáo, đứng dưới chân Thập Giá, ngửa mặt nhìn lên. Theo dõi khi nào nạn nhân thực sự qua đời. Nhóm này thường được gọi chung là “quân dữ”.

Tôi đề nghị với Ngọc Dũng, đám “quân dữ” này, ông chỉ cần vẽ ba tên: Một tên, mặc quần áo cao bồi, đeo súng ngắn. ông biết là ai rồi. Hai tên kia, mập, y phục và dáng vẻ lãnh tụ; ông cũng biết họ là ai rồi. Thế là đủ.

Đã có đề tài, Ngọc Dũng vui vẻ chào, vội ra về, để vẽ.

Đêm hôm đó, ba người của Chính Luận bị bắt, trong đó có tôi.

Picture2
Trên báo Chính Luận, số đề ngày 28-3-75, phát hành chiều 27-3, mẩu tin một cột bên cạnh tên báo, viết:

Đêm qua nhà chức trách bắt giữ 3 ký giả NHẬT BÁO CHÍNH LUẬN.

SAIGON. 27-3, Đêm qua, nhà chức trách đã bắt giữ ba ký giả hiện đang cộng tác với nhật báo Chính Luận. Ba ký giả đó là các ông Đậu phi Lục, Nguyễn hữu Dương và Đinh từ Thức.

Gia đình ba ký giả trên đã cho biết việc bắt giữ xẩy ra vào khoảng 1 giờ đêm sau khi xét nhà lâu khoảng 1 tiếng đồng hồ. Cũng theo tin trên, biên bản xét nhà ghi nhận không thấy có tang chứng gì về tình trạng bất hợp pháp của các người bị bắt.

Chúng tôi đã không bị bắt vì hí hoạ của TUÝT, mà là nạn nhân của “chiến dịch Trường Giang”, một cuộc tảo thanh loại trừ “âm mưu đảo chính”. Một “âm mưu” tưởng tượng của vị tổng thống cực kỳ lo sợ đảo chính, sau khi chính ông đã tham dự và chứng kiến hậu quả cuộc đảo chính đẫm máu 1963 (Tôi đã viết về điều này trong loạt bài “Từ trại giam đến trại Guam” vào tháng 2, 2015).

Cũng trên trang 3 cùng số báo này, có đăng biếm hoạ “Việt Chịu Nạn” của TUÝT.

Tất nhiên, tôi đã không được nhìn thấy bức biếm hoạ trên đây cho đến mấy chục năm sau, khi tìm lại được Chính Luận trong kho sách của Quán Ven Đường, khi cả Ngọc Dũng và những người bị bắt với tôi đều không còn nữa. Nửa thế kỷ sau, nhìn hình vẽ cũ, không phải chỉ nhớ đến những người bạn ở Chính Luận đã ra đi, mà nhớ đến cả một “Mùa Chịu Nạn” của hàng trăm ngàn người Việt đã tức tưởi ra đi. Ra đi trên núi rừng Trường Sơn; với niềm tin bị nhồi sọ là “giải phóng Miền Nam”, ra đi trên “Đường Máu số 7”; để khỏi bị “giải phóng”, và ra đi trên Biển Đông; liều chết để tìm lẽ sống. Buồn khôn tả!
Chúa chịu nạn, sau ba ngày, sống lại.

Việt chịu nạn, sau 50 năm, bao giờ thoát nạn?
  
II. Chuyện nay

Phần trên là chuyện cũ ở VN. Phần này là chuyện hiện tại.

Trước hết, mời quý bạn đọc coi một biếm hoạ, do Trí tuệ Nhân tạo (Artificial Intelligence=AI) vẽ, theo lời yêu cầu của người viết, mô tả hoàn cảnh nước Mỹ vào thời gian trước cuộc bầu cử năm ngoái.
 
Picture3
 
Cuối loạt bài về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm 2024, người viết đã đề cập tới hình ảnh nước Mỹ như một người khổng lồ nặng 250 kí lô, bị vấp ngã, nằm trên lề Đại Lộ Constitution, ở Washington,D.C. Vấp ngã là chuyện thường xẩy ra trong cuộc sống mọi người. Với bọn trẻ, mỗi khi ngã, có thể bật dậy ngay, phủi bụi trên quần áo, rồi tiếp tục cuộc chơi. Nhưng với người già, hoặc thân thể quá đồ sộ, chẳng may bị ngã, thường không tự mình dậy được, cần phải có nhiều người hợp sức vực dậy. Nếu không được cứu cấp kịp thời, có thể nguy tới tính mạng.

Những nền dân chủ non trẻ, như Đại Hàn, có sức phục hồi vô cùng mau lẹ. Mỗi khi bị vấp ngã, có thể bật dậy ngay. Thí dụ gần nhất, mới tháng 12 vừa qua, Tổng Thống Đại Hàn Yoon Suk Yeol, cảm thấy bị bó tay, khó làm việc, vì đảng cầm quyền của ông thuộc phe thiểu số tại Quốc Hội. Chả hiểu nghe ai xúi dại, vào hồi 10 giờ đêm tối Thứ Ba, mùng 3 tháng 12, 2024, giống một cuộc đảo chánh qua làn sóng điện, Tổng Thống Yoon đã truyền đi một thông điệp làm sửng sốt mọi người. Mở đầu, ông tấn công đảng đối lập về đủ thứ tội, như tham những, bất tài, và quan trọng nhất, là đã ngăn cản, làm trì trệ những kế hoạch an dân giúp nước của ông. Cho nên, ông phải công bố tình trạng Thiết Quân Luật, để khai thông những bế tắc, hầu có thể đem lại hạnh phúc và thịnh vượng cho dân, cho nước. Tiếp theo, để thực hiện Lệnh Thiết Quân Luật, là lệnh đặt sinh hoạt truyền thông dưới sự kiểm soát của quận đội. Cấm tụ họp, cấm biểu tình… Cả Quốc Hội cũng bị bao vây.

Bất chấp giữa đêm Đông giá lạnh, dân chúng đã truyền tin dữ cho nhau, ùn ùn kéo tới Quốc Hội. Nhiều dân biểu vượt vòng vây, trèo tường vào phòng họp. Sau nửa đêm, đã có đủ túc số, mở phiên họp bất thường, và đến 1 giờ 02 sáng mùng 4, Quốc Hội đã biểu quyết chặn Lệnh Thiết Quân Luật của Tổng Thống. Đến 4 giờ sáng, Tổng Thống  phải tuyên bố rút lại Lệnh này. Cuộc xáo trộn chỉ tồn tại trong 6 giờ.

Nhưng không phải thế là xong; kẻ làm ẩu phải chịu hậu quả. Năm ngày sau, 7-12, 24, Tổng Thống Yoon Suk Yeol đã bị Quốc Hội đàn hạch (impeached), với hàng chục Dân Biểu thuộc đảng của tổng thống đã bỏ phiếu cùng phe đối lập. Một tuần sau, ngày 14-12-2024, Tổng Thống Yoon bị Quốc Hội bỏ phiếu truất phế. Ông đã bị bắt, rồi được tại ngoại. Vào ngày Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2025, toàn thể Viện Bảo Hiến (Constitutional Court), tương đương Tối Cao Pháp Viện, đã ra phán quyết chót: Chấp thuận quyết định truất phế Tổng Thống của Quốc Hội. Sẽ bầu tổng thống mới trong 60 ngày. Cậu bé Dân Chủ Đại Hàn đã giải quyết một chuyện quan trong như vậy, chỉ trong đúng bốn tháng. Đây là lần thứ nhì Đại Hàn truất phế tổng thống đương nhiệm theo thủ tục pháp luật. Lần trước xẩy ra vào năm 2017, với Tổng Thống Park Geun-hye, vì tội tham những.

Trong khi một nền dân chủ già nua và nặng nề như Hoa Kỳ, cũng đã bị vấp ngã, và mất bốn năm, vẫn không ngồi dậy được.

Qua bầu cử tổng thống tháng 11 năm 2020, Joe Biden đã thắng cử rõ ràng, bằng cả phiếu cử tri đoàn: 306 trên 232, và phiếu đại chúng: 81 triệu 283 ngàn 501 phiếu, so với 74.223.975 phiếu của người về nhì. Cuộc bầu cử đã diễn ra khi ông Trump là Tổng Thống, có nghĩa là khó có mưu mô gian lận nào có thể qua mặt được hệ thống kiểm soát của chính quyền đương nhiệm. Nhưng người thất cử đã nhất định không chịu thua, lớn tiếng tố cáo rằng phần thắng đáng lẽ thuộc về mình, đã bị đối phương ăn cắp, mặc dù không nêu được bằng chứng gian lận nào. Cuối cùng, ông đã hô hào một cuộc biểu tình lớn, mang danh “chặn ăn cắp – stop the steal”, đưa đến bạo động tại Quốc Hội vào ngày 6 tháng 1, 2021, nhằm mục đích ngăn chặn thủ tục chính thức chấp nhận kết quả bầu cử. Có xung đột với nhân viên công lực, có người chết, và hư hại tài sản. So với vụ ban hành Lệnh Thiết Quân Luật tại Đại Hàn ngày 3-12-2024, vụ 6-1-2021 trầm trọng hơn nhiều. Nhưng trong bốn năm, chính quyền Biden kế nhiệm vẫn không giải quyết dứt khoát được vụ này. Hệ quả là, trớ trêu thay, kẻ phá luật lệ đã có thể tiếp tục cuộc chơi, trở lại nắm guồng máy… thi hành luật!. Đó là hình ảnh người khổng lồ ngã, mà không dậy được.


Sau bầu cử, vào cuối tháng 1-2025, Chú Sam giống người bị đột quỵ, chỉ có nửa người còn cử động được, nửa kia bất động. Đặc biệt, Chú trong tình trạng khoả thân, phơi bầy trước mắt mọi người đầy đủ các chi tiết vốn được che đậy trên thân thể mình.

Trước kia, Bạch Ốc, nhất là Phòng Bầu Dục, nơi làm việc của tổng thống, được coi là chốn thâm cung bí sử. Hiếm người biết rõ mọi sự diễn ra ở đó, ngoài những tấm hình đã được chọn lựa kỹ, hay bản thông cáo báo chí được chính thức công bố. Tổng Thống Franklin D. Roosevelt từng bị tê liệt, mà trong hàng chục năm, chẳng mấy người dân biết ông phải ngồi xe lăn. Ngay cả Đệ Nhất Phu Nhân Hillary, cũng không biết Tổng Thống Clinton đã tiếp ai ở đó. Vậy mà bây giờ, chẳng còn gì che đậy nữa. Qua màn hình, người dân có thể nhìn rõ mọi sinh hoạt diễn ra ở Phòng Bầu Dục. Có lúc giống như cảnh một vườn trẻ, người lớn nói năng, khua chân múa tay trong một cuộc họp báo, bên cạnh trẻ con chơi đùa. Có lúc giống cảnh tranh cãi hơn thua tại một sòng bài, giữa hai vị nguyên thủ quốc gia, qua cuộc đối thoại gay gắt: -- Anh có con bài nào đáng giá không? –Tôi không chơi bài! –Không chơi bài thì nhà anh vác mặt đến đây làm gì? Đại loại là như thế!

Qua cảnh trên đây, dân coi TV chợt nhớ ra, đương kim Tổng Thống vốn là một chủ sòng bài vĩ đại. Bảy chục năm trước, tại VN, Vua Bảo Đại đã toan trao vận mệnh Quốc Gia cho ông chủ sòng bài Bảy Viễn, đi đến chấm dứt Nguyễn Triều. Đặc điểm của những tay tổ cờ bạc, một khi được những người ngây thơ hùn vốn để mong “làm giầu tắt”, thường chơi những nước bài rất bạo. Vì đó là tiền bá tánh, không phải tiền túi cùa mình. Thắng, mình hưởng trước. Thua, mình sướng tay và thiên hạ trắng tay.

Năm 1955, Nhà Nguyễn diệt vong, do Vua Bảo Đại tỏ ý muốn trao lá bài chủ cho chủ sòng. Có “King” trong tay, Chú Bảy ra tối hậu thư, buộc đối phương nhượng bộ trong 48 giờ.  Nhưng Nam VN đã thoát hiểm trong gang tấc, và sống thêm được 20 năm. Theo báo chí Mỹ hồi đó, là nhờ Phép Lạ.

Bây giờ, Mỹ là một nước dân chủ; không ai có lá bài King; chủ quyền thuộc về toàn dân. Qua cuộc bầu cử năm ngoái, 77 triệu, 302 ngàn, 580 cử tri đã trao vận mệnh quốc gia, cùng vận mệnh mình và con cháu mình, vào tay một chủ sòng bài vĩ đại, với hy vọng để làm cho nước mỹ vĩ đại trở lại. Bây giờ, để thoát hiểm, Mỹ cũng cần một phép lạ. Xin Chúa ban Phước Lành cho Hoa Kỳ!

Nhớ lại biếm hoạ “Việt Chịu Nạn” 50 năm trước, người viết cũng muốn có một biếm hoạ nước Mỹ hôm nay, nhưng TUÝT đã đi rồi, mà mình không biết vẽ. Đành lại phải nhờ tới phát minh mới của thời đại là AI vẽ hộ.

Hì hục một lúc, AI trả lời không thể vẽ theo lời yêu cầu.

Hỏi: Tại sao?
Đáp: Không vẽ quần áo, thì phải vẽ cả bộ phận sinh dục, là phạm tội khiêu dâm.
Hỏi: Tránh vẽ bộ phận sinh dục, được không?
Đáp: Không thể!
Hỏi: Tại sao?

Đáp: Tổng Thống đã ký pháp lệnh, quy định tất cả dân Mỹ chỉ có hai giới, nam hoặc nữ. Mỗi người phải có bộ phận sinh dục định hình rõ ràng, để khẳng định giới tính bẩm sinh. Ai không có, hoặc chỉnh sửa nhập nhằng, là trái luật. Có thể bị trục xuất.

Tóm lại, rồi đây, ngoài yêu cầu trình thẻ căn cước, người dân của nước Mỹ đã vĩ đại trở lại, còn có thể bị yêu cầu khoả thân, để khám xem đích thực là nam hay nữ.

Đó là lý do, dù đã yêu cầu sự giúp đỡ của AI, người viết vẫn không thể có hình Chú Sam bị đột quỵ trong tình trạng khoả thân.
 
III. Việt Mỹ cùng giải phóng!
 
Khi tìm hiểu về chuyện cũ và mới, giữa Việt Nam và Mỹ, người viết bỗng chú ý tới mấy sự việc khá đặc biệt:

Việt Nam xa Mỹ nửa vòng địa cầu, và vốn có thành kiến cho rằng Việt Nam thua Mỹ về nhiều phương diện. Nhưng qua những gì đã được đề cập tới, có những sự việc cho thấy Việt Nam đã đi trước Mỹ khá xa. Chẳng hạn:

- Bảy chục năm trước, Vua Việt Nam đã tin tưởng, chuẩn bị trao phó sứ mệnh cứu nước cho một chủ sòng bài nổi tiếng. Bảy chục năm sau, dân Mỹ mới bắt chước điều này.

- Nửa thế kỷ trước, sau khi Miền Bắc “giải phóng” Miền Nam, đa số sách báo Miền Nam, cả sáng tác lẫn dịch thuật, đều bị coi là tác phẩm đồi truỵ, được giải phóng khỏi các thư viện công và tư gia, bị gom lại và đem đốt trên đường phố. Đầu tháng 4-2025, Theo lệnh của Bộ Trưởng Quốc Phòng, Hải Quân Mỹ đã cho loại 381 loại sách tại United States Naval Academy. Bị loại là những cuốn sách chỉ trích kỳ thị, như tác phẩm nổi tiếng “ I Know Why the Caged Bird Sings”, 1970, của tác giả hàng đầu Maya Angelou, hay cuốn “Memorializing the Holocxaust”, 2010, của Janet Jacobs. Nhưng hai cuốn Mein Kampf” của Adolf Hitler thì được giữ lại trên kệ sách.

- Nửa thế kỷ trước, nhà cầm quyền Cộng Sản VN mừng chiến thắng “Giải Phóng Miền Nam” vào ngày 30 tháng 4, 1975. Nhờ biến cố này, hàng triệu người dân VN đã được giải phóng khỏi cuộc sống an cư lạc nghiệp, giải phóng khỏi sự nghiệp gò bó, giải phóng khỏi xí nghiệp, khỏi học đường để đi tù, hay tự do đi vùng kinh tế mới. Thậm chí, nhiều người đã được giải phóng khỏi mạng sống của mình! Tại “trại cải tạo”, hay ngoài biển cả.

50 năm sau, bốn tuần trước “Ngày Giải Phóng” 30 tháng 4 của VN, tại Vườn Hồng Bạch Ốc, Tổng Thống Mỹ cũng  chọn “Ngày Giải Phóng” của Mỹ, là ngày mùng 2 tháng 4: “Thưa các công dân Hoa Kỳ, đây là Ngày Giải Phóng -- đã chờ đợi từ lâu. Ngày 2 tháng 4, 2025 sẽ được nhớ mãi như là ngày tái sinh của nền kỹ nghệ Hoa Kỳ, ngày định mệnh Hoa kỳ được tái thu hồi, và là ngày mà chúng ta bắt đầu làm cho nước Mỹ giầu có trở lại”*

Ngày Giải Phóng của Mỹ ra đời sau Ngày Giải Phóng của VN 50 năm. Ngày nào cũng có phần tốt, phần xấu. Phần tốt là những lời hứa chưa thấy, và có thể không bao giờ thấy. Phần xấu đã thể hiện tức thì. Ví dụ, chỉ vài ngày sau lời hứa “chúng ta bắt đầu làm cho nước Mỹ giầu có trở lại”, thị trường chứng khoán Mỹ đã bị xuống dốc, nghèo hơn vài ba ngàn tỉ! Trong khi đó, hàng chục ngàn công chức chính ngạch đã được “giải phóng” khỏi công việc vốn được bảo đảm là không thể bị sa thải vô cớ. Đồng thời, hàng trăm sinh viên đại học nước ngoài, đã cố tìm tới học hỏi những cái hay, cái đẹp, nhất là tinh thần Tự Do, Dân Chủ tuyệt vời của Mỹ; đã được thể hiện qua các vĩ nhân, như Washington, Lincoln…; đã bị thu hồi chiếu khán, được “giải phóng” khỏi các khuôn viên Đại Học, được tức thì cho về nước bằng máy bay miễn phí.

Ngay cả Nữ Thần Tự Do, vốn ra đời tại Pháp, do cảm kích về tinh thần cao đẹp của Mỹ, đã tới đứng tại Đảo Tự Do (Liberty Island) ở Cảng New York, từ hơn trăm năm qua, ngày đêm giơ cao đuốc Tự Do, soi đường cho những ai trên thế giới muốn tìm tới Tự Do. Để tránh bị nạn giải phóng trên đất Mỹ, dân Pháp đã nghĩ tới việc vận động đón Tượng trở lại Châu Âu.
Picture4
Dù sao, những ai đã hoàn toàn tin tưởng vào khả năng lãnh đạo của Chính Quyền Mỹ hiện nay, vẫn có thể hy vọng rằng, chỉ một thời gian ngắn nữa, Mỹ sẽ đuổi kịp Việt Nam trên con đường giải phóng đất nước.
 
Đinh Từ Thức

* Nguyên văn lời tuyên bố cùa Tổng Thống Mỹ tại Vườn Hồng Bạch Ốc, ngày 2 tháng 4, 2025: “My fellow Americans, this is Liberation Day – waiting for a long time. April 2, 2025 will forever be remembered as the day American industry was reborn, the day America’s destiny was reclaimed, and the day that we began to make America wealthy again.”

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Việc cắt giảm chăm sóc sức khỏe để trả tiền cho các khoản giảm thuế sẽ là sai về mặt đạo đức và tự sát về mặt chính trị.” TNS Josh Hawley (Cộng Hòa, Missouri)
Từ năm 1949, tháng Năm được chọn là Tháng Nhận Thức Về Sức Khỏe Tâm Thần (Mental Health Awareness Month – MHAM) ở Mỹ. Đây là tháng mang ý nghĩa kêu gọi cùng nâng cao nhận thức, giảm bỏ kỳ thị và thúc đẩy bảo vệ sức khỏe tâm thần. Theo phúc trình năm 2024 của tổ chức Mental Health America ở Alexandria, Hoa Kỳ thật sự đang trong cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần. Cứ năm người trưởng thành ở Mỹ thì có trên một người đang sống chung với bệnh tâm thần, và hơn một nửa không được điều trị. Gần 60 triệu người lớn (23.8%) mắc bệnh tâm thần trong năm 2024. Gần 13 triệu người lớn (5.04%) có ý định tự tử.
Chiến dịch cắt giảm chi tiêu của chính quyền Trump, vốn đã ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực từ nghệ thuật đến nghiên cứu ung thư, nay còn bao gồm cả nỗ lực thực hiện mục tiêu lâu dài của Đảng Cộng Hòa: chấm dứt hoàn toàn nguồn tài trợ liên bang cho hai hệ thống truyền thông phục vụ công chúng lớn nhất nước Mỹ: NPR và PBS. Hiện có khoảng 1,500 đài phát thanh và truyền hình độc lập liên kết với NPR và PBS trên khắp Hoa Kỳ, phát sóng các chương trình nổi tiếng như Morning Edition, LAist, Marketplace, PBS NewsHour, Frontline và Nova... Theo dữ liệu từ các hệ thống này, có khoảng 43 triệu người nghe đài công cộng hàng tuần, và mỗi năm có hơn 130 triệu lượt xem đài PBS.
Ngày 30.04.1975 là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử cận đại của Việt Nam. Nhưng năm mươi năm sau nhìn lại, dân tộc Việt oai hùng, như vẫn thường tự nhận, đã không có đủ khôn ngoan để ngày chiến tranh chấm dứt thành một cơ hội đích thực để anh em cùng dòng máu Việt tìm hiểu nhau, cùng chung sức xây dựng đất nước.Tiếc thay, và đau thay, cái giá tử vong cao ngất của hơn 2 triệu thường dân đôi bên, của hơn 1triệu lính miền Bắc và xấp xỉ 300.000 lính miền Nam đã chỉ mang lại một sự thống nhất địa lý và hành chính, trong khi thái độ thù hận với chính sách cướp bóc của bên thắng trận đã đào sâu thêm những đổ vỡ tình cảm dân tộc, củng cố một chế độ độc tài và đẩy hơn một triệu người rời quê hương đi tỵ nạn cộng sản, với một ước tính khoảng 10% đã chết trên biển cả.
Bằng cách làm suy yếu các đồng minh của Mỹ, chính quyền Trump đã làm suy yếu việc răn đe mở rộng của Mỹ, khiến nhiều quốc gia cân nhắc liệu họ có nên có vũ khí hạt nhân cho riêng mình không. Nhưng ý tưởng về việc phổ biến vũ khí hạt nhân nhiều hơn có thể ổn định dựa trên nền tảng của các giả định sai lầm.
Tạp chí TIMES kết thúc cuộc phỏng vấn với Tổng thống Trump nhân dịp đánh dấu 100 ngày ông ta quay lại Tòa Bạch Ốc (20/1/2025) bằng câu hỏi, “John Adams, một công thần lập quốc, vị tổng thống thứ hai của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ (1797 – 1801) đã nói chúng ta là một quốc gia pháp trị, chứ không phải bất kỳ người nào, Tổng thống đồng ý không?” Donald Trump trả lời: “Chúng ta là một chính phủ do luật pháp cai trị, không phải do con người sao? Ồ, tôi nghĩ vậy, nhưng anh biết đấy, phải óc ai đó quản lý luật pháp. Bởi nên, con người, nam hoặc nữ, chắc chắn đóng một vai trò trong đó. Tôi không đồng ý với điều đó 100%. Chúng ta là một chính phủ mà con người tham gia vào quá trình thực thi luật pháp, và lý tưởng nhất là anh sẽ có những người công chính như tôi.”
Chuyện “Ngưng bắn…” kể cho độc giả Bloomington ngày ấy, đã là chuyện quá khứ. 30 tháng Tư năm sau, cuộc chiến trên đất Việt tàn. Chủ nghĩa Cộng sản, nguyên nhân của nạn binh đao, dìm quê hương tôi trong biển máu hàng thập kỷ, cuối cùng đã hưởng hết 70 năm tuổi thọ. Tưởng chuyện đau thương trong một ngày ngưng bắn của gia đình, vì sự an toàn, phúc lợi của loài người, phải trở thành cổ tích. Vậy mà hôm nay, trong thời đại này, chuyện buồn chiến tranh của tôi đang tái diễn...
Mười năm, 20 năm, và nhiều hơn nữa, khi lịch sử kể lại buổi chuyển giao quyền lực hứa hẹn một triều đại hỗn loạn của nước Mỹ, thì người ta sẽ nhớ ngay đến một người đã không xuất hiện, đó là cựu Đệ Nhất Phu Nhân Michelle Obama.
Chiến tranh là chết chóc, tàn phá và mất mát! Có những cuộc chiến tranh vệ quốc mang ý nghĩa sống còn của một dân tộc. Có những cuộc chiến tranh xâm lược để thỏa mãn mộng bá quyền của một chế độ hay một bạo chúa. Có những cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa hai chủ nghĩa, hai ý thức hệ chỉ biến cả dân tộc thành một lò lửa hận thù “nồi da xáo thịt.” Trường hợp sau cùng là bi kịch thống thiết mà dân tộc Việt Nam đã gánh chịu! Hệ lụy của bi kịch đó mãi đến nay, sau 50 năm vẫn chưa giải kết được. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, một nữ chiến binh cộng sản miền Bắc có tên là Dương Thu Hương khi vào được Sài Gòn và chứng kiến cảnh nguy nga tráng lệ của Hòn Ngọc Viễn Đông thời bấy giờ đã ngồi bệch xuống đường phố Sài Gòn và khóc nức nở, “khóc như cha chết.” Bà khóc “…vì cảm thấy cuộc chiến tranh là trò đùa của lịch sử, toàn bộ năng lượng của một dân tộc dồn vào sự phi lý, và đội quân thắng trận thuộc về một thể chế man rợ. Tôi cảm thấy tuổi trẻ của tôi mất đi một cách oan uổng ...
Ngày 30 tháng 4 năm 2025 là một ngày có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử Việt Nam đương đại, cũng là dịp để chúng ta cùng nhau hồi tưởng về ngày 30 tháng 4 năm 1975 và những gì mà dân tộc đã sống trong 50 năm qua. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã kết thúc chiến tranh và đáng lẽ phải mở ra một vận hội mới huy hoàng cho đất nước: hoà bình, thống nhất và tái thiết hậu chiến với tinh thần hoà giải và hoà hợp dân tộc. Nhưng thực tế đã đánh tan bao ước vọng chân thành của những người dân muốn có một chỗ đứng trong lòng dân tộc.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.