Hôm nay,  

Ai Vui Mừng Làm Người Cúi Xin? *

3/7/202500:00:00(View: 2889)
GettyImages-2202600432
Người dân Ukraine biểu tình phản đối Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Warsaw. Một người biểu tình cầm tấm biển có dòng chữ "Không phải bộ vest làm nên sự vĩ đại của một người đàn ông" trong cuộc biểu tình bên ngoài đại sứ quán Hoa Kỳ tại Warsaw, Ba Lan vào ngày 3 tháng 3 năm 2025. Hàng chục người Ukraine và những người ủng hộ họ đã tập trung bên ngoài đại sứ quán Hoa Kỳ để phản đối tổng thống Donald Trump, sau cuộc gặp của ông với tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Bạch Ốc vào ngày 28 tháng 2 vừa qua.
 
Một nữ nhà văn sống ở Pháp, bày tỏ trên Facebook của bà rằng: “Xin tiền, rất khổ! Zelenski không chỉ khẩu chiến với Trump mà cả... Biden. Hai tổng thống đã cãi nhau trong một cuộc điện đàm tháng 6/2022, khi Biden nói với Zelensky rằng ông vừa phê duyệt thêm $1 tỷ viện trợ quân sự cho Ukraine, Zelenski lập tức liệt kê tất cả các khoản viện trợ bổ sung mà ông ấy cần. Sự không biết điều này đã khiến Biden mất bình tĩnh, ông liền nhắc nhở Zelenski rằng người Mỹ đã rất hào phóng với ông ấy và đất nước Ukraine, rằng ông ấy nên thể hiện lòng biết ơn nhiều hơn.”

Báo chí năm 2022 có tường thuật câu chuyện này. Nhưng có một sự khác biệt rất lớn giữa tháng 6/2022 và 28/2/2025. Một bên là sự mất kiểm soát tích tắc và một bên là gài bẫy có chủ đích. Một bên là phía sau cánh cửa đóng kín đúng nghi thức đàm phán và một bên là mở ra cho cả thế giới nhìn thấy. Do đó, không thể đặt lên bàn cân hoặc đánh đồng hai lần “cãi vã” này. Cho dù, cả hai lần đều là “xin tiền” – dựa theo cách nói bình dân, mang tính giễu cợt, châm biếm xuất hiện khá nhiều trên mạng xã hội gần đây, từ những người Việt Nam trong và ngoài nước.

Viện trợ!

Kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine vào ngày 24/2/ 2022, phản ứng của toàn cầu là một trong những khoản viện trợ và hỗ trợ chưa từng có. Trong ba năm qua, các quốc gia trên thế giới đã đứng về phía Ukraine, hỗ trợ tài chính, viện trợ quân sự, cứu trợ nhân đạo và hỗ trợ ngoại giao. Sự hỗ trợ này không chỉ là một hành động từ thiện mà là một nhu cầu thiết yếu được thúc đẩy bởi các yếu tố đạo đức, địa chính trị và kinh tế. Sự ủng hộ của thế giới đối với Ukraine nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ chủ quyền, duy trì luật pháp quốc tế và duy trì an ninh toàn cầu.

Nói cách khác, viện trợ của thế giới cho Ukraine trong ba năm qua là phản ứng thiết yếu cho một trong những cuộc xung đột quan trọng nhất của thế kỷ 21. Hỗ trợ quân sự, tài chính và nhân đạo đã giúp Ukraine chống lại sự xâm lược của Nga và bảo vệ chủ quyền của mình. Quan trọng hơn, viện trợ này không chỉ liên quan đến Ukraine, mà còn liên quan đến việc bảo vệ luật pháp quốc tế, ngăn chặn các cuộc xung đột tiếp theo và duy trì các giá trị dân chủ. Khi cuộc chiến vẫn tiếp diễn, cộng đồng toàn cầu phải kiên định với cam kết của mình đối với Ukraine, bảo đảm cuộc xâm lược phi quân sự không thể chiến thắng công lý.

Thế giới vẫn chưa hết bàng hoàng về những gì diễn ra trong Phòng Bầu Dục ngày 28/2 khi phải tận mắt chứng kiến một vở kịch phản ngoại giao do dàn diễn viên tồi của chính quyền Donald Trump trình diễn. Thật sự khó để mà không thể không ngạc nhiên nếu chúng ta đã sống đủ lâu trong một quốc gia luôn lấy tự do, dân chủ làm kim chỉ nam, lấy hòa bình thế giới làm đòn bẩy cho sức mạnh tồn vong của dân tộc.

Chỉ ba ngày sau, trong căn phòng đặt tên của cố Tổng Thống Franklin Delano Roosevelt, người đặt tiêu chuẩn hiện đại cho sự hồi sinh của xã hội, tổng thống Donald Trump đã thẳng tay chặt đứt hy vọng chiến đấu của Ukraine, một quốc gia đang bị xâm lăng bằng cách ngừng viện trợ quân sự. Cũng cần nhắc lại, những gói viện trợ quân sự luôn luôn thông qua sự đồng thuận của Quốc Hội. Nay Donald Trump không cần Quốc Hội đồng ý, tuyên bố ngừng. Một điều mà ai cũng đoán trước khi xem màn trình diễn tồi của Trump và Vance.

Oleksandr Merezhko, thành viên của Quốc Hội Ukraine nói với ABC News: “Trump đang giúp Putin giết người Ukraine. Có vẻ như ông ta đang cố gắng để đạt được một thỏa thuận với Nga bằng cái giá phải trả là Ukraine.” Trump hoàn toàn không áp dụng đòn bẩy đối với kẻ xâm lược mà đang cố gắng buộc nạn nhân, bên yếu hơn, phải chấp nhận các yêu cầu của kẻ xâm lược.

ABC News trích lời một viên chức Tòa Bạch Ốc giấu tên nói: “Nếu Trump có một kế hoạch khác trong đầu, ông ấy ít nhất nên nói chuyện với Zelenskyy trong phòng họp, đằng sau cánh cửa đóng kín, chứ không phải trước ống kính truyền hình. Điều này chưa bao giờ xảy ra.”

Ai làm người cúi xin?

Nếu Tổng Thống Ukraine Zelenskyy đi “xin tiền” trong ba năm qua, thì Donald Trump, trong vòng một tháng qua, được khuyến khích bởi tiếng cổ vũ của những kẻ nịnh hót, được trao quyền bởi sự im lặng của những người ủng hộ, ông ta đã tiến thêm một bước nữa vào con đường đáng sợ và nguy hiểm là phản bội Ukraine và đứng về phía Vladimir Putin.

Đáng sợ hơn hết, là những đồng minh “trung thành” hiện tại của Trump, những người mặc âu phục trang trọng (đắt tiền?) ngồi trong Phòng Bầu Dục vỗ tay, đồng tình bằng nụ cười mỉa mai vị tổng thống đang đi “xin tiền” thế giới để cứu quốc gia của ông khỏi bị diệt vong.

Cũng trong bộ âu phục chỉnh tề, Ngoại trưởng Mỹ, cựu thượng nghị sĩ đến từ Florida, cựu ứng cử viên tổng thống, Macro Rubio đã không ngừng tấn công Donald Trump trong các cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa năm 2016. Rubio từng gọi Trump là “diễn viên lừa đảo” và chế giễu ngoại hình của ông ta. Nay, cũng chính Rubio ca ngợi Trump đã vì nước Mỹ trên hết nên đã hạ nhục tổng thống Ukraine.

Marco Rubio từng ủng hộ Ukraine trong việc phòng thủ chống lại xâm lược của Nga. Tháng 6/2022, Rubio đã đồng tài trợ cho Đạo luật Bảo đảm Mua sắm, Sẵn sàng và Dự trữ Quân sự (ARMS) của Hoa Kỳ, nhằm mục đích bổ sung dự trữ quốc phòng sau khi cung cấp viện trợ cho các đồng minh như Ukraine.
Nhưng từ khi đội ngũ của Trump tỏ ý bổ nhiệm Rubio vào vị trí Ngoại trưởng Mỹ, ông ta đã trở thành một trong những tiếng nói hậu thuẫn cho tất cả chính sách của Trump, kể cả phản lại phẩm giá của chính mình. Một bài xã luận đăng trên Davis Center For Russian And Eurasian Studies của Harvard University có nhận định: Rubio cũng là một người ủng hộ trung thành của Trump về Trung Quốc, tuyên bố quan điểm diều hâu về Bắc Kinh, mà ông coi là mối đe dọa lớn hơn cả Moscow.

Không chỉ riêng Donald Trump, Marco Rubio, JD Vance, mà còn rất nhiều những bộ vest đắt tiền khác có mặt trong Phòng Bầu Dục hôm đó, đã chứng tỏ hai đẳng cấp hoàn toàn đối lập, cả về bản lĩnh ngoại giao lẫn nền tảng cơ bản của đạo đức, với bộ áo lính quen thuộc suốt ba năm nay của Tổng Thống Zelenskyy. Tấm thảm đỏ trải dài từ ngoài cửa White House vô tình đã trở thành tấm thảm lót chân cho sự suy đồi đạo đức giẫm lên để bước vào căn phòng quyền lực của quốc gia.

Trên tấm thảm đó, họ chấp nhận làm người cúi xin. Như Donald Trump chấp nhận bán đứng trật tự thế giới, bán đứng danh dự quốc gia, để xin có một chỗ đứng với trục độc tài. Trump đã xin một chỗ đứng cạnh Putin bằng việc cắt giảm viện trợ không thông báo trước với NATO, chỉ đạo cho một “trung thành” khác là Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Pete Hegseth ra lệnh Bộ Tư Lệnh Không Gian Mạng Hoa Kỳ (U.S. Cyber Command) ngừng tất cả những hoạt động xâm nhập vào hệ thống tin tức mạng chống lại các cuộc tấn công mạng của Nga.

Nếu Tổng Thống Ukraine Zelenskyy đi “xin tiền” trong ba năm qua, thì những tỷ phú công nghệ quyền lực nước Mỹ, từ Mark Zuckerberg, Tim Cook, Shou Zi Chew, Jeff Bezos, bằng một hình thức khác, cũng đang cúi xin được bảo vệ xin quyền lợi từ một chính quyền không dành cho người lao động. Họ chấp nhận “làm người cúi xin” trong sự tàn phá các giá trị, thể chế và cam kết với thế giới từ Trump.

Không có gì để bảo đảm con tàu tàn phá của thời đại Golden Age sẽ chậm lại, hoặc bị trật bánh. Trump có sự ủng hộ tuyệt đối từ những tỷ phú luôn “vui lòng làm người cúi xin”, sự tuân thủ khiếp sợ của Quốc Hội và sự thần phục mê muội của thần dân MAGA.

Robert Kagan mô tả trong cuốn “The Jungle Grows Back: America and Our Imperiled World” rằng thế giới luôn đầy rẫy những kẻ nguy hiểm, những kẻ nếu không được kiểm soát, sẽ chiếm hữu mong muốn và khả năng khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Một khu rừng sẽ mọc um tùm trở lại nếu con người để mặc nó. Chúng ta và thế hệ sau nữa có thể sẽ phải đối mặt với một thế giới của những kẻ độc tài chiến thắng, khuyến khích các cuộc chiến tranh xâm lược, phát triển không hạn chế vũ khí hạt nhân, trao quyền cho chủ nghĩa độc đoán.

Khu rừng rậm đó được xây dựng nên bởi những “ai vui mừng làm người cúi xin.”
 
Kalynh Ngô
 
*Mượn lời ca khúc Hãy Sống Dùm Tôi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
  

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Mới đây một người bạn online gởi đến một video clip và bản chụp mấy trang trong cuốn Kỷ niệm sân khấu của MC Nguyễn Ngọc Ngạn, hỏi ý kiến tôi về cách ông này kiến giải thành ngữ “Phận con gái mười hai bến nước”. Trong clip -- cắt từ một sản phẩm Paris by Night -- ông Ngạn cho biết trong chương trình trước MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên hỏi ông ý nghĩa của thành ngữ “Phận con gái mười hai bến nước” và lúc đó ông “đoán” ra hai điều: về vần, từ “gái” liền vần với “mười hai” và, về nghĩa, “số 12 trùng với 12 tuổi Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.”
Ngay sau khi nhậm chức, tân Tổng thống Trump đã ký khoảng 100 sắc lệnh hành pháp để giải quyết nhiều vần đề cấp bách cho đất nước. Nhìn chung trong toàn cảnh, có nhiều nhận định tỏ ra dè dặt hơn khi cho rằng, một số sắc lệnh này có hiệu lực pháp lý tức thời, một số khác có lẽ chỉ là một màn trình diễn làm thoả lòng mong đợi của đa số cử tri và một số khác còn cần nhiều thời gian hơn nữa để cho các toà án tái thẩm nội dung. Tại sao các giải pháp này không hữu hiệu như Trump tuyên hứa với toàn dân? Sau đây là ba trường hợp điển hình để biện minh tại sao một kỷ nguyên hoàng kim chưa được khởi đầu...
Nhà nước CSVN đã có một cái nhìn bi quan về tình hình chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực khi bước vào năm 2025, một năm trước Đại hội đảng kỳ XIV để bầu Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2026-2030...
Thời Hoàng Kim (Golden Age) – khẩu hiệu mới của chính quyền Trump – hiện ra rõ nhất trong buổi lễ nhậm chức không như mong đợi của Trump và những cử tri ủng hộ. Ngồi ở hàng ghế đầu, vị trí xưa nay vốn thuộc về gia đình tổng thống, các cựu tổng thống, và những vị khách danh dự khác, là những tỷ phú giàu nhất thế giới. CEO Meta Mark Zuckerberg và vợ; CEO Amazon Jeff Bezos và hôn thê Lauren Sánchez, CEO Google Sundar Pichai và Elon Musk, người giàu nhất thế giới đã dựng “bệ phóng Space X” đưa Trump trở lại Tòa Bạch Ốc, đã soán chỗ của các tổng thống tiền nhiệm. Điều này đối lập hẳn với những phát ngôn tranh cử khi Trump luôn xem mình là một tổng thống đứng cùng tầng lớp trung lưu và lao động.
Nếu chúng ta, trong thị trường giải trí, từng một thời ướt át “tân cổ giao duyên” thì bây giờ người Mỹ, trong “thị trường chính trị”, như là biến thể mới nhất của nền chính trị quốc gia, đang khô khốc với sát khí “chăn lái giao duyên”. Nước Mỹ của thế kỷ 21, xem ra, đang đối mặt với nguy cơ tụt lùi về thế kỷ 19 của chủ nghĩa tư bản hoang dã và chủ nghĩa thực dân.
Ngày 20 tháng 1 năm 2025, lịch sử Hoa Kỳ lật qua một trang sử mới. Qua một thủ tục chuyển quyền hiến định, tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 47 và sẽ thay đổi một số chính sách cơ bản cho nhiệm kỳ sắp tới...
Đó là cuốn sổ thông hành vừa đóng con dấu bất tử cho nước Mỹ đi vào một kỷ nguyên vô pháp, siêu thực, bất chấp hiến pháp – kỷ nguyên của một tội phạm lên ngôi vua, sẵn sàng để đưa nước Mỹ quay ngược về thời đại bành trướng bờ cõi bằng quân đội và vũ lực. Tất cả bốn vụ án hình sự, dân sự của Donald Trump mở ra bằng những khẩu đại bác và kết thúc bằng những viên pháo xì hơi. Tất cả cơ quan luật pháp truy tố Trump với hàng loạt tội chứng, bằng chứng, đều bất lực, trong khi cơ quan duy nhất là Bộ Tư Pháp có quyền kết tội Trump thì đã không bao giờ thực hiện đúng cán cân công lý.
Ở trong giai đoạn nước Mỹ chia rẽ cùng cực như hiện nay, việc chuyển giao quyền lực tổng thống vào ngày 20/01/2025 hứa hẹn sẽ có nhiều thay đổi mang tính đối nghịch. Khi chính phủ chuyển sang nhiệm kỳ mới dưới sự lãnh đạo mới của tổng thống đắc cử Donald Trump, bối cảnh quản lý công nghệ thông tin tại Hoa Kỳ cũng sẽ đối mặt với nhiều sự thay đổi.
Cuộc bầu cử tổng thống Belarus năm 2020 bị ảnh hưởng bởi gian lận bầu cử tràn lan, cùng lúc với sự trấn áp dữ dội phe đối lập và đàn áp tàn bạo những người biểu tình phản đối kết quả. Tuyên bố chiến thắng với 80% số phiếu bầu của nhà độc tài Alexander Lukashenko đã gây tranh cãi và bị lên án rộng rãi, với Liên minh Âu châu và một số các quốc gia khác từ chối công nhận kết quả. Alexander Lukashenko đã nắm quyền từ năm 1994. Kể từ đó, tổ chức nhân quyền Belarus Viasna đã báo cáo hơn 50.000 người đã bị bắt vì lý do chính trị. Không có khả năng có thay đổi trong cuộc bầu cử sắp tới, dự kiến diễn ra vào ngày 26/01/2025. Theo hãng thông tấn nhà nước Belta vào tháng 11, Lukashenko đã cảnh báo có thể cắt hoàn toàn quyền truy cập internet trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2025 nếu nổ ra các cuộc biểu tình tương tự như năm 2020 .
Cô Tổng Thống Park Geun-hye của chú bé dân chủ Nam Hàn đang tại chức, làm bậy, bị lôi ra tòa kết án, cho vào tù tức thì, người khác lên thay. Mọi sinh hoạt của quốc gia vẫn tiếp tục và đất nước phát triển như thường lệ. Tổng thống Trump của Mỹ, làm bậy trong lúc đang tại chức. Hết nhiệm kỳ, bị kết 34 tội, không bị một ngày tù, rồi lại ra tranh cử, thắng lợi, thành Tổng thống Mỹ ngon lành. Cùng theo chế độ dân chủ, hiến pháp, luật lệ nước nhỏ, nước lớn không mấy khác biệt. Nước Mỹ không vì to quá, lớn quá, mà luật pháp trở nên hết thiêng, hóa thành chuyện khôi hài.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.