
(WASHINGTON, ngày 30 tháng 6, Reuters) – Một công trình nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí The Lancet báo động rằng nếu Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ (U.S. Agency for International Development, USAID) tiếp tục bị cắt giảm ngân khoản, hoặc tệ hơn, bị giải thể, thế giới có thể sẽ có hơn 14 triệu người chết vào năm 2030.
Vì sao vấn đề này quan trọng?
Kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức hồi tháng 1, chính phủ của ông đã đẩy mạnh việc cắt giảm ngân sách dành cho USAID và các chương trình viện trợ quốc tế, với lý do là nhằm giảm bớt những khoản chi bị coi là lãng phí. Tuy nhiên, các chuyên gia và tổ chức nhân quyền đã nhiều lần cảnh báo rằng những cắt giảm này có thể dẫn đến hậu quả khôn lường, đặc biệt là đối với các nước nghèo và đang phát triển, đa phần là ở Phi Châu.
Nghiên cứu chỉ ra rằng các khoản tài trợ từ USAID đã góp phần đáng kể trong việc cải thiện sức khỏe cộng đồng tên toàn thế giới, chủ yếu nhắm vào những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất.
Những con số biết nói
Theo ước tính của nhóm nghiên cứu, trong hai thập niên qua, các chương trình do USAID tài trợ đã giúp ngăn chặn hơn 91 triệu ca tử vong trên toàn thế giới, trong đó có 30 triệu trường hợp là trẻ em.
Nếu ngân sách tiếp tục bị cắt giảm như hiện nay, và USAID bị khai tử, giới nghiên cứu ước tính từ nay đến năm 2030 sẽ có thêm ít nhất 14 triệu người thiệt mạng – bao gồm 4,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi. Đáng buồn thay, phần lớn các ca tử vong này có thể tránh được nếu các chương trình y tế công cộng vẫn tiếp tục được tài trợ.
Hoa Kỳ hiện là quốc gia viện trợ nhân đạo lớn nhất thế giới, chiếm ít nhất 38% tổng số đóng góp được ghi nhận bởi LHQ. Trong năm 2024, chính phủ Mỹ đã chi ra 61 tỷ MK cho viện trợ nước ngoài, với hơn một nửa số tiền đó được phân phối thông qua USAID.
Cảnh báo rõ ràng từ các nhà nghiên cứu
“Theo ước tính của chúng tôi, nếu không phục hồi các đợt cắt giảm ngân sách bất ngờ trong nửa đầu năm 2025, thì đến năm 2030, thế giới sẽ có rất nhiều người phải chết, mà lẽ ra hoàn toàn có thể tránh được,” nội dung trong nghiên cứu ghi rõ.
Một cơ quan bị thu hẹp đến mức hấp hối
Hồi tháng 3, Ngoại trưởng Marco Rubio loan báo rằng chính quyền Trump đã hủy bỏ hơn 80% chương trình của USAID chỉ sau sáu tuần rà soát. Khoảng 1.000 chương trình còn lại sẽ được chuyển về cho Bộ Ngoại Giao, với hứa hẹn “tái cấu trúc để hiệu quả hơn.” Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng điều này chỉ là bước đệm cho việc xóa sổ hoàn toàn USAID – một cơ quan vốn là trụ cột trong chính sách nhân đạo toàn cầu của Hoa Kỳ suốt hơn nửa thế kỷ qua.