
(SEVILLE, Tây Ban Nha, ngày 29 tháng 6, Reuters) – Giữa cái nắng gay gắt của miền nam Tây Ban Nha, hàng trăm người đã tuần hành qua thành phố Seville hôm Chủ Nhật, kêu gọi xóa nợ cho các quốc gia đang phát triển, thúc đẩy công bằng về trách nhiệm ứng phó với biến đổi khí hậu và đánh thuế giới siêu giàu. Hoạt động này diễn ra ngay trước khi hội nghị của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về tài trợ phát triển chính thức bắt đầu.
Dù được quảng bá là sự kiện mang tính bước ngoặt, diễn ra mười năm một lần và nhằm giải quyết các khủng hoảng toàn cầu như nghèo đói, bệnh tật và khí hậu, hội nghị vẫn đối mặt với nhiều hoài nghi. Sự rút lui của Hoa Kỳ cùng với khuynh hướng giảm viện trợ từ các nước giàu đã khiến nhiều người không còn quá mong chờ vào hiệu quả và sức ảnh hưởng thực sự của hội nghị lần này.
Trong đoàn biểu tình, tổ chức Greenpeace thu hút sự chú ý khi mang theo một mô hình mô phỏng tỷ phú Elon Musk trong hình hài trẻ nhỏ, tay cầm cưa máy và ngồi trên quả địa cầu. Nhiều người khác giương cao nhiều biểu ngữ với thông điệp như: “Hãy Làm Cho Nhân Quyền Vĩ Đại Trở Lại” (Make Human Rights Great Again), “Chính sách thuế phải công bằng” và “Ai gây ô nhiễm, kẻ đó phải chịu trách nhiệm.”
Beauty Narteh, thuộc Liên minh Chống Tham nhũng Ghana, cho biết tổ chức của bà đấu tranh cho một hệ thống thuế công bằng hơn, và nhấn mạnh rằng họ “cần được tôn trọng, chứ không phải thái độ ban ơn.”
Còn theo Sokhna Ndiaye thuộc Mạng lưới Phát triển Phi Châu, các công ty và cơ quan chính phủ “cần mở lòng hơn, bớt ích kỷ và chân thành giúp đỡ cho các quốc gia đang phát triển.”
Vài giờ trước đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết: “Chỉ riêng việc hội nghị này diễn ra giữa lúc cả thế giới chìm trong xung đột cũng đã là một dấu hiệu cho thấy hy vọng vẫn còn.”
Tại sự kiện của tổ chức vô vụ lợi Global Citizen, Sanchez tái khẳng định cam kết của Madrid trong việc dành 0.7% GDP cho viện trợ phát triển – một mục tiêu lâu dài của LHQ. Ông kêu gọi các quốc gia khác cũng nên có hành động tương tự để cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc thúc đẩy phát triển toàn cầu.
Trong khi đó, Jason Braganza, Giám đốc tổ chức vận động toàn Phi Châu AFRODAD và cũng là một trong những người tham gia tiến trình đàm phán suốt một năm về văn kiện tổng kết hội nghị, cho biết Hoa Kỳ, Liên Âu và Anh đã cản trở nỗ lực tổ chức một hội nghị quốc tế về vấn đề nợ của các quốc gia. Ông nói thêm: “Đáng tiếc là họ đã chọn đứng về phía lợi ích riêng và các chủ nợ, trong khi sinh mạng con người đang bị đe dọa từng ngày.”