Hôm nay,  

Lão Giuốc-Đanh Thời Nay Của Kennedy Center

21/02/202500:00:00(Xem: 3198)

tn-500_kamalaharrisandthecastandcrewofgypsyonbroadway-photobyjennyanderson

Ảnh: Vợ chồng cựu Phó Tổng Thống Kamala Harris chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ sĩ biểu diễn của GYPSY (Ảnh: Twitter Harris Democrat)

 
Cuối tuần qua, ở nhà hát Majestic, New York tràn ngập tiếng vỗ tay khi cựu Phó Tổng Thống Kamala Harris và phu quân Doug Emhoff bước vào. Đoạn video đăng trên broadwayworld và danh khoản Twitter Latina for Kamala cho thấy, vợ chồng cựu phó tổng thống đến thưởng lãm buổi nhạc kịch GYPSY của đạo diễn sáu lần đoạt giải Tony George C. Wolfe. Khi cả hai bước vào, khán giả đồng loạt đứng dậy vỗ tay và hô vang “Kamala” cho đến khi dàn nhạc bắt đầu chơi bản nhạc mở đầu của GYPSY. Cuối buổi biểu diễn, Harris và Emhoff đứng lên, gửi tràng pháo tay dài cho nghệ sĩ Audra McDonald và các bạn diễn.

Chỉ vài ngày trước đó, bà Deborah Rutter, giám đốc của Trung Tâm Nghệ Thuật Biểu Diễn John F Kennedy – John F. Kennedy Center for the Performing Arts, thường được gọi là Kennedy Center, bị sa thải. Thay thế bà, không ai khác hơn chính là tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ, Donald Trump.

Quyết định sa thải diễn ra nhanh chóng trong một cuộc điện thoại, khi bà Deborah Rutter đang họp với đội ngũ nhân viên dưới tầng hầm của Kennedy Center. Trước đó, Trump đã sa thải hàng loạt thành viên hội đồng quản trị để đưa vào những đồng minh của mình, trong đó có Bộ trưởng Tư Pháp Pam Bondi, Đệ Nhị Phu Nhân Usha Vance, cựu Bộ trưởng Giao Thông Elaine Chao. Hội đồng quản trị mới đã không chần chừ, bầu tổng thống lên làm chủ tịch của Kennedy Center – điều chưa từng có tiền lệ.

Kennedy Center là “cái nôi nghệ thuật” của thủ đô Hoa Thịnh Đốn, được biết đến như một đài tưởng niệm sống động dành cho cố Tổng thống John F. Kennedy, người đã thúc đẩy nghệ thuật như một phần quan trọng của bản sắc Mỹ. Với khán phòng Opera House; Concert Hall, Eisenhower Theater, Terrace Theater, Family Theater, và Millennium Stage, The REACH, mỗi một nhà hát dùng để biểu diễn một thể loại nghệ thuật khác nhau, từ nhạc thính phòng, nhạc kịch, cho đến các buổi diễn tập cho mục đích giáo dục.

Đối với bà Deborah Rutter, Kennedy Center là “ngọn hải đăng cho nghệ thuật trên khắp nước Mỹ.” Bà nói với NPR: “Chúng tôi đã làm việc rất chăm chỉ, đạt được rất nhiều thành tựu trong thập kỷ qua để thực sự mở rộng nhiều chương trình, mời gọi các loại hình nghệ thuật và nghệ sĩ đến với sân khấu của chúng tôi. Khán giả đến với Kennedy Center ngày càng nhiều là nhờ như thế. Tôi cầu nguyện cho điều đó có thể được duy trì. Nhưng đó lại chính là mối quan tâm lớn nhất của tôi.”

Không quan tâm sao được, khi tân chủ tịch của Trung Tâm Nghệ Thuật Biểu Diễn John F Kennedy, người kinh doanh bất động sản và sòng bài, tổng thống đương nhiệm Donald Trump, nói với truyền thông trên chuyên cơ Air Force One ngày ông ta đến New Orleans xem Super Bowl LIX: “Tôi có thông tin báo lại rằng (Kennedy Center) rất tệ.” Chính vì vậy nên, “Không. Tôi đã không muốn đến đó xem. Chẳng có gì để tôi phải xem.” Đó là câu trả lời cho câu hỏi của một phóng viên, “tổng thống đã xem bất kỳ buổi biểu diễn nào ở đó chưa?”

Cựu chủ tịch của Kennedy Center là tỷ phú David Rubenstein, do Tổng tống George W. Bush bổ nhiệm năm 2004. Ông là một nhà từ thiện nổi tiếng trong việc quyên góp tiền để phục chế các hiện vật của lịch sử Hoa Kỳ, đóng góp cho Viện Smithsonian. Ông cũng là chủ tịch của Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia. Chính tỷ phú Rubenstein là người đã phỏng vấn Donald Trump năm 2014 tại Economic Club of Washington, chỉ sáu tháng trước khi Trump mở đầu chiến dịch tranh cử, làm ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa. Trong buổi phỏng vấn đó, Trump đã khẳng định “rất nghiêm túc trong ý định tranh cử 2016.”

Không ai không biết, trước khi Donald Trump bước vào con đường chính trị ngày nay thì ông ta đã dùng ngành công nghiệp giải trí để đầu tư sự nghiệp trong nhiều thập kỷ, bao gồm nhiều vai trò khác nhau. Từ talk-show, khách mời trong phim ảnh, các giải đấu vật, cho đến nhà sản xuất chương trình. Vai trò đa diện của Donald Trump trong các lĩnh vực đó không có gì khác hơn là thu về lợi nhuận. Thực tế là Donald Trump cũng từng thành công. Cùng với gia sản $413 triệu đô-la thừa hưởng từ người cha quá cố, Trump nghiễm nhiên là một quý tộc giàu có, được thế giới biết đến là tỷ phú Donald Trump. Dinh thự Mar-a-lago của Trump dát vàng khắp nơi, từ sảnh lễ tân cho đến phòng ngủ.

Thực tế là Donald Trump sống đời quý tộc. Không như lão Giuốc-Đanh (Monsieur Jourdain) của đại văn hào Pháp Jean-Baptiste Poquelin, nhờ tài sản cha mẹ để lại mà trở nên giàu có. Khao khát muốn trở thành nhà quý tộc, lão kiếm hai tên hầu nhưng chẳng biết sai bảo chúng làm gì. Lão mời thầy về dạy nhạc, dạy múa. Để ra dáng nhà quý phái, lão phải mặc bộ áo dài để nghe nhạc. Hàng tuần Giuốc-Đanh đều tổ chức một buổi hòa nhạc tại nhà vì lão được biết những người sang trọng đều làm như vậy. Bác phó may mang tới cho Giuốc-Đanh bộ lễ phục may hoa ngược, khiến lão tức giận. Nhưng khi nghe giải thích rằng quý tộc đều mặc như vậy, lão tỏ vẻ rất hài lòng. Giuốc-Đanh cùng bộ quần áo mới với đám quân hầu của mình. Bà vợ ngạc nhiên trước những trò hề của chồng, tìm mọi cách can ngăn nhưng đều vô ích.

Rõ ràng mười mươi lão Giuốc-Đanh là “quý tộc giả,” còn Donald Trump là “quý tộc thật” – nếu hiểu theo nghĩa đen. Donald Trump cũng là người “yêu ánh đèn sân khấu” – nhưng chỉ là ánh đèn phản chiếu soi rọi chính gương mặt của mình.

Nguồn gốc của nghệ thuật có từ hàng chục ngàn năm trước, như một cách căn bản để con người thể hiện bản thân, giao tiếp và hiểu được thế giới. Nghệ thuật đã phát triển qua các nền văn hóa và khoảng thời gian, qua nhiều hình thức, thể loại. Lĩnh hội nghệ thuật, đòi hỏi không chỉ trái tim, mà còn ở tri thức. Trái tim cho sự đồng cảm. Tri thức cho sự nhận xét. Cả hai đều không tìm thấy ở Donald Trump.

Jonathan Guthrie của Financial Times mô tả ông ta là một “ám ảnh ái kỷ,” một dạng người quá yêu mình rồi từ đó đánh giá quá cao năng lực của mình, thiếu sự đồng cảm, chối bỏ bằng chứng và đánh đổi rủi ro của người khác. Những đặc điểm này thường dẫn đến các cuộc đàm phán đầy thách thức và coi thường giải pháp hợp tác hòa bình. Dạng người này sẽ không chấp nhận sự khác biệt, mà ngược lại, họ phán xét người khác dựa trên chủ nghĩa cá nhân cực hữu của chính mình. Dạng người này, sẽ ngồi nghe một bản giao hưởng với lon Coke trên tay, hoặc xem một vở nhạc kịch như xem những đồng token nhảy múa, hoặc nhìn chiếc mặt nạ của Phantom Of The Opera như miếng giấy tô màu bị lỗi.

Khi đặt mình vào vị trí chủ tịch của Kennedy Center, Trump tuyên bố nơi này sẽ không còn các chương trình “drag show” hoặc “tuyên truyền chống lại nước Mỹ” nữa, mà “chỉ những thứ tốt nhất.” Đáp lại điều này, cựu giám đốc Deborah Rutter nói với NPR:

“Tôi là một theo đuổi nghệ thuật chuyên nghiệp. Tôi là một người tin tưởng vào tác phẩm của nghệ sĩ. Tôi không phải là người tuyên truyền. Tôi không phải là một chính trị gia. Nghệ thuật tự nói lên điều đó. Nghệ thuật đôi khi không khiến bạn cảm thấy thoải mái, nhưng nó đang kể câu chuyện về con người chúng ta và tất cả các nghệ sĩ, như tất cả người Mỹ, đều có quyền tự do ngôn luận.”

Theo bà Rutter, rất nhiều người đã đến xem các buổi biểu diễn ở Kennedy Center vì họ được chào đón ở nơi ấy. Bà thật sự lo lắng làm thế nào có thể duy trì những gì trung tâm đã làm để thực sự mở rộng cánh cửa và bảo đảm rằng Kennedy Center không chỉ chào đón tất cả mọi người, mà còn nhìn thấy chính họ, lắng nghe câu chuyện của họ trên sân khấu?

Qua nhiều thập niên, Kennedy Center không chỉ là trung tâm biểu diễn nghệ thuật địa phương nữa. Nó là hình ảnh đại diện cho nước Mỹ với thế giới, mời gọi thế giới đến với thủ đô Hoa Kỳ để nơi này trở thành ngôi nhà cho tất cả các nền nghệ thuật. Nhưng chỉ ngay sau khi Kennedy Center có chủ tịch mới, nghệ sĩ Renée Fleming, người có giọng ‘soprano’ nổi tiếng, đã thông báo cô sẽ từ chức cố vấn nghệ thuật. Diễn viên và đạo diễn Issa Rae cho biết cô sẽ hủy bỏ chương trình “An Evening with Issa Rae” đã bán hết vé ở Kennedy Center trong tháng tới.

Rae viết trong một bài đăng trên Instagram: “Do những gì tôi tin là vi phạm các giá trị của một tổ chức luôn trung thành tôn vinh các nghệ sĩ của mọi loại hình nghệ thuật, tôi đã quyết định hủy bỏ sự tham dự của mình tại địa điểm này.” Rae cho biết người mua vé sẽ được hoàn trả tiền.

Trở lại với New York city, cuối tuần qua, cựu Phó Tổng Thống Kamala Harris lại có thêm một ngày đắm mình vào khuôn nhạc và chuyển động kỳ diệu của “A Wonderful World: The Louis Armstrong Musical” trên sân khấu Broadway với sự đón tiếp nồng hậu của các nghệ sĩ. Còn tổng thống đương nhiệm Donald Trump thì sao?

Sau cùng thì người ta có thể tống giam người ca sĩ, nhưng không thể giam cầm bài hát*. Trung tâm nghệ thuật quốc gia Kennedy Center có thể tạm thời lọt vào tay buôn, nhưng tinh thần nghệ thuật và những con người thực sự làm nên văn hóa sẽ không bao giờ lẫn lộn bộ trang phục của Giuốc-đanh với giá trị nghệ thuật đích thực.
 
Kalynh Ngô
* "You can cage the singer but not the song." Harry Belafonte
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Lần đầu tiên tôi được nghe kể chuyện về ca sĩ Khánh Ly là vào khoảng 10 tuổi. Lúc đó, bố tôi là giáo sư trường Sư Phạm Sài Gòn. Vào một buổi tối, nghe nói Khánh Ly được mời về trường hát. Trong nhà tôi, chị Khánh được theo bố đi nghe nhạc, khuya về kể rằng bố được giao nhiệm vụ tặng hoa cho Khánh Ly. Khi nhận hoa, cô ca sĩ nổi tiếng này còn hỏi rằng: “…Trong truyện Giòng Sông Định Mệnh, tại sao anh không cho Thiệu và Yến lấy nhau?”
Chiều Chủ Nhật 8 tháng Sáu, 2025 vừa qua, giữa lòng thành phố Fountain Valley, Nam California, trong một không gian âm nhạc nhỏ bé, ấm cúng nhưng trang trọng và thân mật, khoảng trên dưới 30 khán giả mộ điệu đã được thưởng thức một chương trình nhạc thính phòng tuyệt vời với ban tam tấu TrioniCity...
CÓ NHAU TRONG ĐỜI: 7 GIỜ TỐI CHỦ NHẬT 29 THÁNG 6 NĂM 2025 tại Coffee Factory: 15582 Brookhurst St., Westminster, CA 92683. Vé bảo trợ $150 - Vé VIP $100 - Vé đồng hạng $80. Để đặt vé và bảo trợ cho chương trình, vui lòng nhắn tin ban tổ chức 714-725-5445 hoặc 714-592-8941. Ban tổ chức chân thành cảm ơn Coffee Factory hỗ trợ Lê Uyên thực hiện chương trình tưởng niệm này.
Viết cho thế hệ trẻ là quan tâm lớn của nhiều nhà văn gốc Việt. Và mới trong tháng qua, nhà văn Trần Ngọc Ánh vừa ấn hành 2 bản dịch tiếng Anh, tiếng Pháp của tập hồi ký “Ba, Con Không Muốn Là Người Cộng Sản.” Bản dịch sang tiếng Anh do dịch giả Kim Vũ từ California thực hiện, nhan đề “Daddy, I don't Want to be a Communist.” Bản dịch sang tiếng Pháp do dịch giả Bảo Hưng từ Paris thực hiện, nhan đề “Papa, Je ne voudrais pas être communiste.” Cả hai bản dịch này ấn hành chung trong cuốn sách dày 184 trang. Bìa sách thực hiện bởi hai họa sĩ: Trần Nho Bụi và Phan Trường Ân. Một số tranh trong sách là từ họa sĩ Nguyễn Tư.
Cuốn phim trinh thám – kinh dị này của đạo diễn Victor Vũ khẳng định rằng trình độ làm phim giải trí của Việt Nam nay có thể so sánh ngang hàng với những nền điện ảnh lớn trong khu vực, đồng thời tìm được những dấu ấn của riêng mình.
Nhạc Lê Uyên Phương là một hiện tượng độc đáo của âm nhạc Việt Nam xuất hiện từ cuối thập niên 1960s. Lúc đó là thời của quê nhà chinh chiến. Nhạc của Phương là lời ca ngợi tình yêu, như một cách kêu gọi hòa bình. Lúc đó là thời của những nỗi lo lắng về sống và chết nơi quê nhà chỗ nào cũng đạn bom, nhưng Phương lại hát lên lời ca ngợi hạnh phúc đôi lứa giữa một khung trời "Chờ trăng lên, nghe sao thì thầm"... Tình yêu của Lê Uyên Phương giữa bối cảnh đó tự thân đã là một triết lý của hiện sinh, rằng cuộc sống này là một hạnh phúc có thực, xa lìa mọi ý thức hệ.
Chỉ kéo dài hơn 30 phút, cuốn phim tài liệu Đất Lành Chim Đậu (On Healing Land, Birds Perch) đã để lại cho khán giả nhiều cảm xúc, nhiều điều để suy gẫm. Phim được công chiếu ra mắt ở Quận Cam vào tối ngày 9 tháng 5 năm 2025 tại rạp Lido Newport Beach, nhân tháng tưởng niệm 50 chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Buổi chiếu phim do Orange County Film Society thực hiện, với sự phối hợp của Newport Beach Film Festival, và Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA). Phim do Naja Phạm Lockwood đạo diễn; với giám đốc sản xuất là nhà văn Lan Cao.Bộ phim tài liệu xoay quanh câu chuyện của những gia đình, những đứa trẻ từ hai miền Nam, Bắc là nạn nhân của cuộc chiến tranh Việt Nam. Đó là bà June (Dung) con gái của Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan; ông Nguyễn Từ Huấn con trai của Trung Tá Nguyễn Tuấn thuộc quân đội VNCH;
Thưa anh Trần Hoài Thư rất kính mến, Những gì anh mong mỏi đã thành tựu viên mãn. Tất cả mọi người đều như thấy có sự hiện diện của anh trong ngày tang lễ. Làm sao giải thích được lúc đi đến nhà quàn ở New Jersey ngày thứ Bảy (8/6), ba nhóm trong tiểu bang Virginia xuất phát từ ba ngả khác nhau lại cùng dừng chân và gặp nhau ở Delaware Rest Area. Những cái ôm thật chặt từ những người mới gặp nhau lần đầu mà tưởng như đã quen nhau từ lâu.
Cánh cửa gỗ mộc mạc mở ra chỉ sau vài giây tôi đến trước cổng, chưa kịp gọi chuông. Hình như người nghệ sĩ nào cũng có một điểm chung, đó là sự tinh tế và chú ý từng chi tiết nhỏ sự việc quanh mình. Philippa Pham Hughes xuất hiện sau cánh cửa với nụ cười rạng rỡ. Gương mặt của người nghệ sĩ gốc Việt này, đúng như cô đã viết trong lá thư khi đang ở Thái Lan: “Tôi xin lỗi tôi không nói được tiếng Việt. Tôi ước gì mình có thể. Không ai nghĩ tôi là người Việt Nam.” Cung mệnh ‘thiên di’ và một cuộc bắt cóc. Philippa ngồi trước tấm ảnh chụp và cắt dán theo phong cách nhiếp ảnh ý niệm (conceptual photography), sắp đặt một cách có chủ đích, không phải khoảnh khắc tự nhiên. Một phụ nữ đang bay lên khỏi mặt đất. Một người đàn ông đang nằm trên bãi biển. Sợi dây trói buộc một chân của người phụ nữ vào thân hình của người đàn ông. Một sự giải thoát đang diễn ra, từ tốn. Tấm ảnh ra đời sau khi Philippa chấm dứt cuộc hôn nhân của cô, là một trong những điểm nhấn độc đáo của ngôi nhà.
Khi trả lời phỏng vấn với người điều hợp Eric Nong (VAALA) trong buổi chiếu ra mắt Daydreamers (Người Mặt Trời) tại rạp Frida Cinema (Santa Ana) tối Thứ Sáu 2 tháng 5, 2024, nhà sản xuất kiêm đạo diễn Timothy Linh Bùi nói rằng ma ca rồng không phải là chủ đề chính của bộ phim. Người Mặt Trời được giới thiệu là một trong những bộ phim Việt Nam đầu tiên với những nhân vật chính là “vampire”. Theo ông, đằng sau câu chuyện về những con quỉ hút máu người xuất hiện ngay ở thành phố Sài Gòn, Daydreamers chứa đựng nhiều thông điệp về xã hội, con người, tình gia đình…
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.