Hôm nay,  

The Good Samaritans

05/03/202407:40:00(Xem: 1247)
Tạp ghi

IMG_9354

Hồi gia đình tôi còn ở căn nhà cũ, garage nằm ở phía sau nhà. Bữa chiều đó vợ chồng vừa về đến nhà sau khi đón hai đứa nhỏ tan học, thì tá hỏa thấy cửa garage vẫn mở tang hoang, chắc là buổi sáng lu bu nên vội chạy xe ra ngoài mà quên kéo cửa garage. Tôi đang xem xét mọi thứ có mất gì không thì hai vợ chồng hàng xóm da trắng, ở phía đối diện sau nhà, bước qua mỉm cười thân thiện. Thực ra, nhà của họ ở phía đường bên kia, nhà tôi phía đường bên này, chỉ có hai cái garage hai nhà mới là... hàng xóm của nhau, nên chúng tôi chưa bào giờ có dịp đối mặt nói chuyện, chỉ là thỉnh thoảng lúc chạy xe đi làm, đúng lúc họ luẩn quẩn trong garage hoặc đang làm vườn thì gật đầu chào nhau mà thôi. Người chồng đứng ngay cửa garage, bắt chuyện:
    – Cô quên kéo cửa garage từ buổi sáng.
    – Dạ, tôi lu bu với hai đứa nhỏ trên xe nên đã quên.
    – Nhưng cô đừng lo, đồ đạc trong garage còn y nguyên vì đã có tôi dòm chừng.
    Tôi trố mắt ngạc nhiên, tưởng ông hàng xóm nói đùa, nhưng bà vợ đã kịp chen vào:
    – Cô may mắn đấy thôi, bữa nay ổng được nghỉ làm, nên ngồi ngoài garage cả buổi sửa xe nhân tiện để mắt qua garage nhà cô.
    Thế là từ đó tôi biết tên hai vợ chồng là Jerry và Wendy. Rồi cỡ hơn một tháng sau, khi gia đình tôi đang quay quần ăn bữa cơm tối thì Jerry đến gõ cửa trước nhà, tôi ngạc nhiên:
    – Có chuyện gì vậy Jerry ?
    – Laura nè, nhà cô lại quên kéo cửa garage nữa đấy.
    – Không thể nào! Sáng nay tôi đã nhìn rất kỹ sau khi chạy xe ra ngoài.
    – Đúng vậy, buổi sáng cô có đóng, nhưng ý tôi là mới đây, cửa garage vẫn mở, tôi nhìn qua, thấy đủ hai chiếc xe, rồi đợi thêm gần nửa tiếng vẫn không thấy cửa garage đóng lại, nên tôi đi qua đây báo tin nè.
    Lúc này chồng tôi mới thú nhận:
    – Là lỗi tại tôi, hồi nãy tôi là người về nhà sau cùng, đúng lúc có người gọi phone nên tôi ra khỏi xe đi thẳng vào nhà. Cám ơn Jerry thật nhiều.
    Nhà của Jerry là một căn nhà cũ, nhưng nhờ khéo tay mà Jerry biến nó thành căn nhà xinh xắn, mỹ thuật, đẹp mắt, ai đi ngang qua cũng phải dừng lại ngắm. Jerry còn là handy man yêu thích sửa xe, thỉnh thoảng nếu không ở miếng vườn nhỏ trước nhà thì y như rằng Jerry đang ngồi ngoài garage với ngổn ngang dụng cụ xe cộ. Có lần hai vợ chồng tôi đi bộ ngang qua, thấy Jerry say sưa chăm chút một giàn hoa leo, tôi khen thật lòng:
    – Trời, nhìn khu vườn nhà ông, tôi thấy đời đẹp hơn nhiều.
    Jerry cười hài lòng nói “thank you”, đúng lúc bà vợ Wendy bưng ra khay bánh muffin còn nóng hổi, đưa Jerry một cái, và mời cả hai vợ chồng tôi, còn bỏ thêm hai cái vào túi giấy bảo đem về cho hai đứa nhỏ. Wendy cười rạng rỡ:
    – Bánh ngon không? Ngày mai tôi đem qua Nhà Thờ làm Bake Sale đó!
    – Oh,  Angelican Church ngày đầu ngã tư phải không, tôi sẽ ghé mua ủng hộ muffin của Wendy để cám ơn Jerry đã nhắc nhở chúng tôi chuyện cái cửa garage, vì tôi vẫn... rình rập nhà của ông bà, hy vọng có ngày ông bà quên đóng garage để tôi được canh chừng giúp mà vẫn chưa có dịp.
    Jerry cười vang:
    – Cô mơ đi, sẽ không có ngày ấy đâu, vì Wendy nhà tôi đã nghỉ hưu non, ở nhà mỗi ngày lo chuyện bếp núc và cuối tuần giúp việc ngoài Nhà Thờ.
    Tối hôm đó chồng tôi cảm hứng:
    – Xóm này ngay khu đường lớn, xe cộ tấp nập, hàng xóm cùng con đường không có dịp giao tiếp nhiều, nhưng bù lại, hai nhà hàng xóm ở phía hai con đường song song với con đường nhà mình rất dễ thương, tử tế.
    Ý của ông xã tôi muốn nhắc đến nhà hàng xóm bên kia con đường phía trước. Hôm ấy chúng tôi đang đứng hái trái cây táo trước nhà, có chiếc xe tấp vào bên đường và hai mẹ con người da trắng bước ra, đưa tôi gói quà nhỏ:
    – Cái này là của nhà cô, vì chúng ta chung một số nhà, nhưng nhà cô đường 97, nhà tôi đường 96, nhân viên bưu điện sơ ý giao lộn.
    Tôi nhìn qua gói quà, tên tôi là người nhận, và tên người gửi là bà chị ruột bên Texas, rồi đáp:
    – Đúng là của chị tôi, tôi có thể nhắm mắt đọc địa chỉ bà chị cho cô làm tin nhé.
    – Không cần đâu, tôi đã nhìn địa chỉ trên bảng số nhà cô rồi kìa, tôi giao cho cô luôn, khỏi mất công làm phiền bưu điện.
    Trong Kinh Thánh có câu chuyện Chúa Giesu kể một dụ ngôn, một người kia dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy chức sắc khác đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Samari, thuộc tầng lớp vô danh thấp hèn trong xã hội, tới ngang chỗ người ấy, chạnh lòng thương, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán săn sóc. Từ đó, chúng ta có câu “the good Samaritan” dành cho những người không quen biết nhưng sẵn lòng giúp đỡ người khác, dù chỉ là những việc bé mọn. Tôi cũng đã có những good Samaritans thiệt dễ thương.
    Rồi chúng tôi tìm được ngôi nhà mới ở phía Bắc thành phố. Mấy bữa lục đục khiêng mấy thùng đồ ra ngoài garage, Jerry đã mau mắn qua thăm hỏi:
    – Nhà cô sắp bỏ xóm này rồi ư?
    – Đúng vậy Jerry ơi, các con tôi đã lớn, chúng muốn đổi nhà, hơn nữa, khu đó thuận tiện hơn cho chồng tôi đi làm, mà lại gần Nhà Thờ Việt Nam nữa. Chúng tôi đã tính cuối tuần  qua chào tạm biệt ông và Wendy.
    – Mà sao không thấy cô để bảng bán nhà?
    – Dù không được làm hàng xóm với ông nữa, nhưng thỉnh thoảng chúng tôi cũng sẽ về đây, vì căn nhà này cho người ta mướn, chớ không bán.
    – Vậy thì chúc mừng, cuối tuần chắc chắn Wendy sẽ có muffins để tiễn gia đình cô.
    Về căn nhà mới hiện tại, garage dính liền phía trước căn nhà. Do “kinh nghiệm” từ căn nhà cũ, tôi luôn cẩn thận đóng cửa garage mỗi khi ra khỏi nhà cũng như khi về nhà, thậm chí buổi tối trước khi đi ngủ, tôi còn hé cửa để kiểm tra cửa garage mấy lần mới an tâm, thành ra chưa có cơ hội cho good Samaritan xuất hiện.
    Một buổi sáng cuối tuần, tôi đang nằm “nướng” trên lầu thì nghe tiếng máy thổi tuyết bên hông nhà, tôi thầm nghĩ anh chàng xúc tuyết người Việt bữa nay chịu khó đến sớm. Tôi xuống dưới nhà pha cà phê, nhân tiện mở cửa trước xem xét thì, ủa, sao tuyết vẫn ngập đầy thềm, và ngập lối đi trước nhà, chả lẽ cậu xúc tuyết sẽ trở lại làm tiếp? Đến trưa tôi đang nấu cơm thì nghe tiếng cào tuyết trước nhà, tôi liền chạy ra, gặp cậu xúc tuyết, tôi hỏi:
    – Có phải hồi sáng em đến thổi tuyết bên hông nhà?
    – Dạ không chị ơi, em mới tới à, chắc nhà hàng xóm sau nhà chị, chung cái sidewalk bên hông đó, họ làm sạch sẽ lắm, mà nhiều lần rồi đó, hổng phải bữa nay thôi đâu, em tưởng chị biết chớ!
    – Chà, chiều dài hai căn nhà, hai vườn sau nữa, cộng lại cũng không ít, mà trời thì lạnh lẽo.
    Vài bữa sau có một trận tuyết nữa, buổi sáng hôm đó tôi lại nghe tiếng máy thổi tuyết bên dưới. Tôi bước ra khỏi giường, nhìn xuống cửa sổ, thấy một người đàn ông trùm áo lạnh kín mít, nón che đầu và khăn quàng che miệng, đang đi chầm chậm thổi tuyết suốt chiều dài sidewalk, đúng như lời cậu xúc tuyết suy đoán. Tôi liền vào phòng vệ sinh đánh răng, rửa mặt, rồi xuống dưới nhà, tìm chiếc áo khoác, mang vớ và giày boots ấm áp, mở cửa trước nhà, đi bộ qua bên hông, với ý định cám ơn người hàng xóm tốt bụng, nhưng đã quá trễ, tôi chỉ kịp nhìn thấy bóng dáng người ấy đang đi bộ ngược trở về phía bên kia.
    Vậy thì hai năm đã rõ mười, chính người ấy là good Samaritan của gia đình tôi chớ còn ai trồng khoai đất này. Tôi lại chợt nhớ hồi mùa thu, một buổi chiều có một cơn mưa dữ dội, giông gió như thác đổ. Đến tối, ông xã đi làm về muộn, thấy sidewalk bên hông nhà vương đầy những nhánh cây, cỏ, hoa, lá ... có lẽ chúng kẹt lại do nước rút sau cơn mưa, định bụng sáng hôm sau ngủ dậy sẽ ra quét dọn. Nhưng dù cố dậy sớm hơn thường lệ, chồng tôi mới biết có người còn dậy... sớm hơn và đống rác cỏ đêm qua đã biến mất, sạch sẽ, như “chưa hề có cuộc bão giông”.
    Tôi quyết chí sẽ ... rình cho bằng được, để “bắt quả tang” the good Samaritan này, thì mới cuối tuần rồi, vừa nghe tiếng thổi tuyết thân quen như thường lệ, tôi nhanh chóng tung mền gối, khỏi cần vào phòng đánh răng rửa mặt, lao ngay xuống nhà, chụp vội chiếc áo khoác và xỏ vội đôi giày boots, chạy ào ra sân, đúng lúc người ấy đang thổi đoạn cuối ngay góc nhà. Tiếng máy thổi tuyết quá ồn nên anh ta không nghe tôi la lớn “hello” đến mấy lần, tôi đành phải bước ra trước mặt anh ta mới dừng máy, ngước nhìn tôi trong bụi tuyết còn bay mù trời. Tôi chắp hay tay trước ngực như thay lời cám ơn, rồi nói:
    – Té ra, anh thổi tuyết cho nhà tôi bấy lâu nay mà hôm nay tôi mới biết!
    Anh ta cười hiền hòa, xua tay:
    – No problem, cô đừng quan tâm.
    – Gia đình tôi có nhờ cậu xúc tuyết làm giùm, nhưng cậu ấy đi làm nên chỉ đến sau giờ trưa.
    – Tôi đã nói không sao mà.
    Nói rồi anh ta quay bước, tôi gọi giật lại:
    – Thank you again, à mà nè, hồi mùa thu anh cũng quét lá khúc này giùm tôi luôn, có phải?
    Anh ta lại gật đầu, cười cười, rồi tiếp tục bước đi.
    Tôi kể chuyện này cho cô bạn thân cùng xóm Edmonton, cô ấy nói:
    – Ở xứ này tình làng nghĩa xóm không đậm đà thân thiết như hồi còn bên Việt Nam, nhưng không có nghĩa là không có. Tóm lại, nơi đâu lúc nào cũng có người tốt, bất kể dân tộc, màu da, mà ông hàng xóm của bà bao nhiêu tuổi, già trẻ ra sao?
    – Ui, thỉnh thoảng hai nhà có “gặp” nhau xa xa qua hàng rào sân sau, nhưng đó là gia đình đạo Hồi, chồng thì râu ria rậm rạp, vợ thì khăn che kín chỉ lòi hai con mắt, đố ai biết ổng bao nhiêu tuổi, mà tui cũng chưa kịp hỏi tên, nhưng có một điều chắc chắn, đó là một good Samaritan.

 

– Kim Loan

Edmonton, Tháng 3/2024

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trời mưa, mưa lai rai suốt một tuần lễ và cả những ngày tháng trước đó nữa, năm nay mưa nhiều. Có lúc nắng chợt đến sưởi ấm khô đất, nắng sưởi ấm vạn vật và làm khô ráo rất mau...
Biển là nơi chất chứa nhiều kỷ niệm của nhân loại, trong đó có tôi. Biển cũng là một nghĩa địa mênh mông chôn cất hàng tỷ sinh mạng, trong đó, chưa có tôi. Nói một cách mộng mơ hơn, biển là niềm vui và nỗi buồn, là vui sướng và khổ nạn. Nhưng khó mà biết được, biển vô cùng độc ác, dù ngoài mặt xanh trong, tung tăng những đợt sóng trắng. Trông hiền lành, thậm chí dễ thương, như nhiều người xung quanh. Có bao nhiêu lần chúng ta ngạc nhiên hoặc đau lòng vì sự tráo trở của những người quen biết hiền lành? Họ là một loại biển sâu, thăm thẳm, một loại nghĩa địa nước.
Hai phụ nữ bị thưa ra Tòa án Paris về tội xúc phạm sĩ diện và đời sống riêng tư vì hai người này quả quyết bà vợ của ông Tổng thống Macron là người chuyển giới và bà vì thế không phải là mẹ của các con của bà. Hai phụ nữ loan tin thất thiệt đó sẽ ra Tòa vào ngày 16 tháng 6 tới đây. Một bà là đồng bóng, bà kia là nhà báo độc lập. Đồng thời, nhiều Twitter và hashtag #JeanMichelTrogneux đồng loạt quả quyết Đệ nhứt phu nhơn thật sự là một phụ nữ chuyển giới, tên khai sanh là Jean-Michel Trogneux.
Ảo thì không phải là sự thật, không có thật. Những từ ngữ mà chúng ta thường nghe có liên quan xa gần đến việc sống ảo là ảo ảnh, ảo giác, ảo tưởng, ảo vọng, vân. vân...Ảo thuật nhằm đánh lừa giác quan chớ không phải là thật. Đó chỉ là một trò giải trí để mua vui chớ không có hại như ảo giác, ảo tưởng, ảo vọng của những người sống ảo, xa rời thực tế. Sống ảo là một căn bệnh tâm lý gây ra bởi nhiều lý do phức tạp khác nhau, tùy trường hợp của mỗi cá nhân. Có thể là do kém hiểu biết cùng với mê tín, mê muội, có thể do một tại nạn hay một biến cố xảy ra để lại một vết thương trong tâm hồn, có thể do một chấn động vì người thân đột ngột qua đời, có thể do sự thất bại ngoài xã hội, và trong gia đình, có thể vì ảo tưởng theo đuồi một mục tiêu không thật và cuối cùng chạm phải một thực tế phủ phàng.
Ngày nhỏ chúng tôi căng miệng hát một cách thích thú bài nhạc chế từ bài La Marseillaise, bài quốc ca của Pháp. Tôi thuộc cho tới bây giờ, sau nhiều chục năm tôi vẫn còn hát được. “Thầy đồ ngày xưa quen thói nuôi móng tay dài / quần trễ tai hồng đỏ đen mực son. Đầu lúc la lúc lắc đảo như lên đồng / được dăm trẻ ghẻ lở quá hủi phong. / Quát lấy điếu, đem bình phóng , bưng cơi trầu. / Nhân chi sơ, người đi trước / ta bảo phải để vào tai dốt đặc. Ở trên đầu thầy có cái chi lúc lắc? Búi tó, nó to bằng niêu / tính ghét móng tay hằng cân / thọc luôn trong nách, bật tanh tách hoài / Ngâm thơ thích chí rung đùi”. Nhớ nhưng không chắc có đúng không, có thể có chỗ không nhớ tôi đã chế ra. Nhạc chế cũng như ca dao không bao giờ có tên tác giả. Không biết đây là một bài nhạc chế để chọc quê chính quốc lúc đó đang cai trị Việt Nam hay đùa chơi với các thầy đồ của một anh học trò không thích tới trường.
Tình cờ trong một gian hàng của nghệ nhân làm Bonsai, cây kiểng, tôi thấy trưng bày một chậu kiểng nhỏ, có nhiều nhánh cong queo, lá hình bầu dục, phía dưới có nhiều lông trắng óng ánh như nhung, trĩu nặng từng chùm quả nhỏ tròn trông giống như trái mồng tơi nhưng nhiều màu sắc: xanh, vàng, đỏ, tím đen... trông rất quen, nhưng không thể gọi ngay ra tên của loài cây này được...
Tôi quen biết một cô Tây, gọi là một cô đầm thì đúng hơn, tên gọi đầy đủ là Florence Cavalier, vợ của ông tây Jean Paul Cavalier. Florence còn trẻ, lối 30 tuổi. Ngày từ khi còn nhỏ, 9 tuổi, Florence đã là một hướng đạo sinh, scout, lớn lên em học và hành nghề y tá. Cái gốc scout và nghề nghiệp y tá bổ túc lẫn cho nhau, thêm Flor có ngoại hình xinh xắn tươi vui, thành ra trông lúc nào cô ấy cũng tràn đầy nghị lực, sức sống và yêu đời...
Muốn biết một đất nước có văn minh hay không, người ta thường quan sát nhiều khía cạnh khác nhau với một tinh thần phóng khoáng, một tâm trạng cởi mở, không thiên vị, về xã hội, cách điều hành đất nước (governance), việc bảo tồn và thăng tiến văn hóa, về mức sống người dân như việc chăm sóc sức khỏe, môi trường, giáo dục, và trên hết là sự hạnh phúc (well-being) của người dân...
Cuối tháng ba, đầu tháng tư và kéo dài đến tháng sáu, tháng bảy, du khách đến với Đà Lạt, từ những con đường Hai Bà Trưng, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, đến Hồ Xuân Hương, Chợ Đà Lạt, hay Thung Lũng Tình Yêu, Thiền Viện Trúc Lâm... sẽ thấy lòng mình chùng xuống, trước sắc tím lãng mạn, êm đềm và thơ mộng của những cây “ phượng vĩ tím” hay gọi tắt là “phượng tím”. Những cây phượng có nguồn gốc từ Châu Âu, du nhập vào Đà Lạt từ những năm 1962 của thế kỷ trước.
Trong vài thập niên gần đây, thuật ngữ “tâm linh” trở nên rất thời thượng, tràn ngập khắp trên mặt báo chí, truyền thông, mạng xã hội, người người nói, nhà nhà nói. Nó trở thành từ cửa miệng của rất nhiều người trong đạo lẫn ngoài đời. Những tà sư, thầy cúng, các nhóm lợi ích kết hợp với những thế lực chính trị và thế lực ngầm ra sức phá rừng, xẻ núi, lấp ruộng… để làm những ngôi chùa, đền, miếu khổng lồ phục vụ cho cái gọi là du lịch tâm linh, hành hương tâm linh… Ngoài những ngôi chùa khổng lồ ấy ra còn có vô số chùa tư, đền, miếu, am, dinh, miễu...mọc lên như nấm sau mưa. Có một điểm chung là các cơ sở này thờ hằm bà lằng từ Phật, thánh thần, thiên, ông đồng bà cốt, cậu hoàng… và cả những nhân vật chính trị thế tục.