Hôm nay,  

Tuyết tan trái mùa

28/02/202409:09:00(Xem: 920)
Tạp ghi

IMG_9315

Từ ngày con người biết đến đại dịch Covid, chúng ta đã có nhiều đổi thay về suy nghĩ, về cách sống và cách... nhìn đời xung quanh, và riêng tôi càng thấm thía hơn câu nói “trên cõi đời này, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Vâng, bất  cứ chuyện gì.
    Cụ thể là nơi xứ lạnh tình nồng Canada của tôi, năm nay có tuyết tan trái mùa.
    Trước khi kể tiếp, tôi nhớ hồi còn tuổi thiếu niên bên Việt Nam, có bộ phim của Liên Xô rất dễ thương, khiến các trái tim thiếu nữ mơ mộng chàng hoàng tử trong cổ tích, bởi đó là bộ phim thần thoại “ Mười Hai Vị Thần Tháng”. Phim kể về cô bé xinh đẹp sống với bà dì ghẻ và đứa em ghẻ ghanh tỵ ác độc. Giống như trong Cô Bé Lọ Lem, cô bé này cũng bị làm lụng vất vả, và còn bị bà dì ghẻ ra điều kiện oái oăm, nếu muốn đi dự dạ hội, phải đi vào rừng tìm những bông hoa chỉ mọc khi trời tuyết, nhưng đó là giữa tháng Tư làm sao có tuyết cho hoa nở? Cô nàng lang thang trong rừng, tuyệt vọng, khóc nức nở, và lạc vào căn lều của Mười Hai Vị Thần Tháng. Sau khi nghe cô kể lại sự tình, vị thần trẻ và đẹp trại nhất, là vị Thần Tháng Tư liền ra phép thần thông, làm ra những bông tuyết trái mùa để giúp nàng lọ lem xinh đẹp.
    Nhớ lại bộ phim cổ tích ngày xưa, tôi mỉm cười, vì đem qua Canada chiếu là tha hồ phá sản nhé nhà sản xuất phim, vì ở Canada tuyết tháng Tư là bình thường, hổng có gì là …thần thánh hết á!
    Trở lại chuyện tuyết tan trái mùa năm nay. Lẽ ra, sau bốn tháng mùa đông, tức là vào khoảng tháng ba hay tháng tư, nhiệt độ lên cao dần, các đống tuyết ứ đọng trên các vỉa hè suốt mùa băng giá, sẽ bắt đầu tan chảy. Hôm nào nắng ấm, ôi thôi, tuyết tan thấy thương luôn, chảy thành suối rào rào xuống các cống thoát nước của thành phố, tha hồ mà nghe tiếng nước reo mà ca bài ca: “Em ơi, Edmonton mùa tuyết tan”. Nếu có ngày trời buồn trời đổ cơn tuyết thì cũng chẳng được bao lâu, chẳng ai quan tâm hay phiền hà gì, vì nhiệt độ cao sẽ làm chúng tan chảy mau chóng.
    Nhiều người nói, nghe “mùa tuyết tan” có vẻ lãng mạn, nhưng thực tế thì phũ phàng. Bụi đường hoà vào tuyết, chảy thành những dòng nước đục ngầu, chạy xe không khéo bị văng vào thành xe hoặc áo quần người đi đường thì mệt đấy, về nhà phải lo giặt ngay kẻo vết bùn thấm lâu khó sạch.
    Với tôi, dù sao, đó cũng là mùa…yêu đời, vì nó báo hiệu “đông tàn xuân sang”, nắng sẽ lên, hoa sẽ nở, cây cối xanh tươi, hà cớ gì mà sợ “mùa tuyết tan”?
    Vậy mà năm nay, chưa đến tháng ba tháng tư, tuyết đã tan ở thành phố Edmonton, ngay giữa tháng hai, tháng cao điểm của Mùa Đông Canada.
    Hồi bắt đầu mùa đông, tháng11, trời chẳng thèm đổ tuyết rơi, nhiệt độ cũng lạnh vừa đủ (ở đây là “vừa đủ” đối với dân Cà Na Điên nghen quý vị, vì như một quảng cáo du lịch của Canada có một slogan rất ư là tự hào rằng “ Canada is the country of winter”).
    Tôi có nhờ một cậu em người Việt tiếp tục xúc tuyết  cho 4 tháng mùa đông. Năm nay, cậu ấy bảo:
    – Năm ngoái tuyết rơi ít, em cầm tiền của chị ngại quá!
    – Hên xui mà em, vậy năm nay chị sẽ cầu cho tuyết rơi mịt mù cho em bớt ...áy náy nha.
    Nói chơi mà thành thiệt, đúng là “cái miệng ăn mắm ăn muối, hổng chịu ăn bơ ăn sữa”. Qua tháng mười hai, chỉ có vài trận tuyết, nhưng trận nào trận nấy “đáng đồng tiền bát gạo”, tuyết rơi mịt mù vuốt mặt không kịp, đã vậy nhiệt độ bỗng trở lạnh bất thường, có hôm lạnh cao điểm trừ 35 độ C! Không biết vùng Siberia của Liên Xô cũ như thế nào, (Siberia nổi tiếng là thành phố lạnh nhất thế giới), nhưng xóm tôi mấy bữa đó nhìn y chang Siberia, một vùng trắng xoá lạnh căm.
    Nói có Chúa làm chứng, đang đi chợ hay đi làm mà thấy tuyết rơi nhiều, tôi lại thấy thương…cậu xúc tuyết. Chiều bữa đó, tôi chạy xe về gần tới nhà, thấy chiếc xe của cậu xúc tuyết đậu bên hông nhà, cậu ấy trùm người kín mít đang hì hục xúc tuyết trước sân nhà tôi. Tôi giật mình, sợ cậu ấy nhìn thấy, tôi liền chạy xe vòng vòng trong xóm, rồi quay trở lại, cậu ấy vẫn chưa thổi tuyết xong, tôi lại chạy thêm một vòng nữa, quay lại cũng chưa thấy xong.
    Coi bộ tốn xăng quá, tôi dừng xe ngay góc đường, tắt máy, ngồi trong xe… rình rập trong bóng chiều chạng vạng của mùa đông tối thui, y như phim trinh thám. Chờ một lúc, cậu ấy đi bộ ra xe ,lui cui mở trunk chắc để lấy máy thổi tuyết , tôi liền tranh thủ cho xe chạy ào vào garage rồi đóng cửa cái rụp, không kịp thở. Chồng tôi đang ngồi trong nhà xem tivi, hỏi:
    – Em làm gì vội vội vàng vàng lén lút như vừa làm chuyện phạm pháp vậy?
    – Đâu có! Lén lút gì chớ, em trốn cậu xúc tuyết.
    – Bộ em chưa trả tiền à?
    – Tiền đã trả một nửa như hợp đồng rồi, nhưng thiệt tình là em không nỡ nhìn cậu ấy hì hục xúc tuyết giữa trời giá rét khi mình ở trong nhà ấm cúng, ngại lắm.
    – Ừ, thì cậu ta làm công việc của cậu ta thôi mà, mình đâu có bóc lột cậu ta.
    – Biết là thế, nhưng thà em đừng nhìn thấy.
    – Em khó hiểu thật đấy, năm ngoái tuyết rơi ít thì em… tiếc tiền, năm nay tuyết rơi nhiều thì em lại thương hại cậu xúc tuyết, là sao!?
    Chờ tôi hết hú hồn hú vía, chồng tôi kết luận:
    – Em đa sầu đa cảm, dễ mủi lòng, tính khí “sáng nắng chiều mưa, trưa… man mát” thì không bao giờ làm chủ cả, làm boss được đâu!
    – Ủa, mà em cũng chẳng mơ làm chủ cả, em chỉ mơ… làm thơ thôi.
    Mà phải công nhận, chưa có năm nào, trong những năm gần đây, Edmonton đón nhận nhiều tuyết và lạnh khủng khiếp như năm nay. Mỗi mùa Giáng Sinh và Năm Mới, gia đình bên chồng tôi từ Toronto bay qua sum họp, rồi cả nhà lái xe đến Phố Núi Banff cách nhà 4 tiếng lái xe. Tôi cũng hẹn gặp nhỏ bạn cùng xóm Edmonton cũng dự tính cùng gia đình đến đó nghỉ Đông. Gần đến ngày lên đường, chúng tôi phải cancel chuyến đi vì nhiệt độ lạnh lẽo. Tôi ngại ngùng, chưa dám nhắn nhỏ bạn sợ nó mất hứng, vì hai đứa đã bàn tính chương trình lang thang đêm Phố Núi vào quán cà phê rồi quán bar tìm cảm giác nóng bừng thú vị khi nhấp rượu giữa đêm đông. May quá, chưa kịp nhắn thì nó đã phone rên rỉ, trời lạnh tái tê, ở nhà luyện phim bộ Hàn Quốc thôi. Tôi mừng húm, làm bộ thả vài câu tiếc nuối cho nó an lòng .Vậy là tôi vẫn giữ được lời nguyền “thà để người phụ ta chớ ta không phụ người”.
    Mấy ông anh bà chị bên Texas cứ mỗi mùa đông lại lập lại cái điệp khúc xót xa, em ở bển lạnh quá, chịu sao nổi. Cả gần 40 triệu dân Canada chịu nổi thì mình cũng chịu được (đi vượt biên sóng gió bão bùng còn không sợ thì sợ gì chớ). Mấy đứa bạn học cũ bên Việt Nam thì thắc mắc, lạnh như cái tủ lạnh đã thấy ớn rồi, mà ở bển dưới mấy chục độ âm, đi làm xong về nhà ru rú, chẳng đi ra ngoài được, chắc là phát điên mất. Quả thật, xứ này có một chứng bệnh có tên “winter blue” nghĩa là “chán nản mùa đông”, nhiều người bị depressed. Tạ ơn trời, thời nay đã có mạng internet, googles, youtubes, ipads, iphones nên mùa đông dù ở nhà, cũng vẫn nối kết với bạn bè và thế giới xung quanh, nên tôi bớt… điên!
    Khi mọi người rét căm, quen dần với cái lạnh “teo đủ thứ”, bỗng qua giữa tháng một, trời lại giảm lạnh, nhiệt độ đẹp đến không ngờ, từ mấy chục độ âm nhảy lên mấy độ cộng (độ C), một khoảng cách nhiệt độ quá lớn, hỏi sao không mừng? Người người hớn hở có, ngỡ ngàng có, dè dặt có, hỏi nhau chuyện gì đang xảy ra vậy cà, global warming hay dấu hiệu báo tin gì đây, đang mơ hay đang thực?
    Thế là tuyết tan trái mùa, những dòng nước chảy như sau cơn mưa, như một điệu nhạc tí tách rộn ràng, hỏi sao không lạ? Vẫn biết trái mùa là ngắn ngủi, tôi cũng thấy vui, ấm được ngày nào hay ngày đó, món quà bất ngờ của thiên nhiên, thật tuyệt vời.
    Người mình thường nói, cái gì trái mùa cũng đều quý hiếm, đều đặc biệt đấy thôi (ngoại trừ ... trái tính trái nết nghen). Nào gió nghịch mùa, trái cây trái mùa, hoa nở trái mùa, thì năm nay, Edmonton tuyết tan trái mùa đã cho tôi chút bâng khuâng, hạnh phúc nhỏ nhoi giữa mùa đông giá và giữa mùa nhớ Xuân quê hương mới vừa trôi qua!
 

– Kim Loan

Edmonton, Tháng 2/2024

Ý kiến bạn đọc
28/02/202423:12:03
Khách
Lúc nào cũng thích bài viết của nhà văn nhà thơ Kim Loan. Lần nào cũng vừa đọc vừa cười mím chi hi hi... Hồi đó cách đây hơn 20 năm tôi ở Ottawa hơn 10 năm, nhớ tới cái mùa đông ở đó mà còn hãi hùng. Ai nấy bảo ở lâu rồi sẽ quen, nhưng hình như càng ở lâu càng... sợ. Tuy nhiên Canada là một quốc gia có biệt hiệu là "xứ lạnh tình nồng" , dân tình hiền lành(trừ những người dọn đi rồi !!).
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trời mưa, mưa lai rai suốt một tuần lễ và cả những ngày tháng trước đó nữa, năm nay mưa nhiều. Có lúc nắng chợt đến sưởi ấm khô đất, nắng sưởi ấm vạn vật và làm khô ráo rất mau...
Biển là nơi chất chứa nhiều kỷ niệm của nhân loại, trong đó có tôi. Biển cũng là một nghĩa địa mênh mông chôn cất hàng tỷ sinh mạng, trong đó, chưa có tôi. Nói một cách mộng mơ hơn, biển là niềm vui và nỗi buồn, là vui sướng và khổ nạn. Nhưng khó mà biết được, biển vô cùng độc ác, dù ngoài mặt xanh trong, tung tăng những đợt sóng trắng. Trông hiền lành, thậm chí dễ thương, như nhiều người xung quanh. Có bao nhiêu lần chúng ta ngạc nhiên hoặc đau lòng vì sự tráo trở của những người quen biết hiền lành? Họ là một loại biển sâu, thăm thẳm, một loại nghĩa địa nước.
Hai phụ nữ bị thưa ra Tòa án Paris về tội xúc phạm sĩ diện và đời sống riêng tư vì hai người này quả quyết bà vợ của ông Tổng thống Macron là người chuyển giới và bà vì thế không phải là mẹ của các con của bà. Hai phụ nữ loan tin thất thiệt đó sẽ ra Tòa vào ngày 16 tháng 6 tới đây. Một bà là đồng bóng, bà kia là nhà báo độc lập. Đồng thời, nhiều Twitter và hashtag #JeanMichelTrogneux đồng loạt quả quyết Đệ nhứt phu nhơn thật sự là một phụ nữ chuyển giới, tên khai sanh là Jean-Michel Trogneux.
Ảo thì không phải là sự thật, không có thật. Những từ ngữ mà chúng ta thường nghe có liên quan xa gần đến việc sống ảo là ảo ảnh, ảo giác, ảo tưởng, ảo vọng, vân. vân...Ảo thuật nhằm đánh lừa giác quan chớ không phải là thật. Đó chỉ là một trò giải trí để mua vui chớ không có hại như ảo giác, ảo tưởng, ảo vọng của những người sống ảo, xa rời thực tế. Sống ảo là một căn bệnh tâm lý gây ra bởi nhiều lý do phức tạp khác nhau, tùy trường hợp của mỗi cá nhân. Có thể là do kém hiểu biết cùng với mê tín, mê muội, có thể do một tại nạn hay một biến cố xảy ra để lại một vết thương trong tâm hồn, có thể do một chấn động vì người thân đột ngột qua đời, có thể do sự thất bại ngoài xã hội, và trong gia đình, có thể vì ảo tưởng theo đuồi một mục tiêu không thật và cuối cùng chạm phải một thực tế phủ phàng.
Ngày nhỏ chúng tôi căng miệng hát một cách thích thú bài nhạc chế từ bài La Marseillaise, bài quốc ca của Pháp. Tôi thuộc cho tới bây giờ, sau nhiều chục năm tôi vẫn còn hát được. “Thầy đồ ngày xưa quen thói nuôi móng tay dài / quần trễ tai hồng đỏ đen mực son. Đầu lúc la lúc lắc đảo như lên đồng / được dăm trẻ ghẻ lở quá hủi phong. / Quát lấy điếu, đem bình phóng , bưng cơi trầu. / Nhân chi sơ, người đi trước / ta bảo phải để vào tai dốt đặc. Ở trên đầu thầy có cái chi lúc lắc? Búi tó, nó to bằng niêu / tính ghét móng tay hằng cân / thọc luôn trong nách, bật tanh tách hoài / Ngâm thơ thích chí rung đùi”. Nhớ nhưng không chắc có đúng không, có thể có chỗ không nhớ tôi đã chế ra. Nhạc chế cũng như ca dao không bao giờ có tên tác giả. Không biết đây là một bài nhạc chế để chọc quê chính quốc lúc đó đang cai trị Việt Nam hay đùa chơi với các thầy đồ của một anh học trò không thích tới trường.
Tình cờ trong một gian hàng của nghệ nhân làm Bonsai, cây kiểng, tôi thấy trưng bày một chậu kiểng nhỏ, có nhiều nhánh cong queo, lá hình bầu dục, phía dưới có nhiều lông trắng óng ánh như nhung, trĩu nặng từng chùm quả nhỏ tròn trông giống như trái mồng tơi nhưng nhiều màu sắc: xanh, vàng, đỏ, tím đen... trông rất quen, nhưng không thể gọi ngay ra tên của loài cây này được...
Tôi quen biết một cô Tây, gọi là một cô đầm thì đúng hơn, tên gọi đầy đủ là Florence Cavalier, vợ của ông tây Jean Paul Cavalier. Florence còn trẻ, lối 30 tuổi. Ngày từ khi còn nhỏ, 9 tuổi, Florence đã là một hướng đạo sinh, scout, lớn lên em học và hành nghề y tá. Cái gốc scout và nghề nghiệp y tá bổ túc lẫn cho nhau, thêm Flor có ngoại hình xinh xắn tươi vui, thành ra trông lúc nào cô ấy cũng tràn đầy nghị lực, sức sống và yêu đời...
Muốn biết một đất nước có văn minh hay không, người ta thường quan sát nhiều khía cạnh khác nhau với một tinh thần phóng khoáng, một tâm trạng cởi mở, không thiên vị, về xã hội, cách điều hành đất nước (governance), việc bảo tồn và thăng tiến văn hóa, về mức sống người dân như việc chăm sóc sức khỏe, môi trường, giáo dục, và trên hết là sự hạnh phúc (well-being) của người dân...
Cuối tháng ba, đầu tháng tư và kéo dài đến tháng sáu, tháng bảy, du khách đến với Đà Lạt, từ những con đường Hai Bà Trưng, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, đến Hồ Xuân Hương, Chợ Đà Lạt, hay Thung Lũng Tình Yêu, Thiền Viện Trúc Lâm... sẽ thấy lòng mình chùng xuống, trước sắc tím lãng mạn, êm đềm và thơ mộng của những cây “ phượng vĩ tím” hay gọi tắt là “phượng tím”. Những cây phượng có nguồn gốc từ Châu Âu, du nhập vào Đà Lạt từ những năm 1962 của thế kỷ trước.
Trong vài thập niên gần đây, thuật ngữ “tâm linh” trở nên rất thời thượng, tràn ngập khắp trên mặt báo chí, truyền thông, mạng xã hội, người người nói, nhà nhà nói. Nó trở thành từ cửa miệng của rất nhiều người trong đạo lẫn ngoài đời. Những tà sư, thầy cúng, các nhóm lợi ích kết hợp với những thế lực chính trị và thế lực ngầm ra sức phá rừng, xẻ núi, lấp ruộng… để làm những ngôi chùa, đền, miếu khổng lồ phục vụ cho cái gọi là du lịch tâm linh, hành hương tâm linh… Ngoài những ngôi chùa khổng lồ ấy ra còn có vô số chùa tư, đền, miếu, am, dinh, miễu...mọc lên như nấm sau mưa. Có một điểm chung là các cơ sở này thờ hằm bà lằng từ Phật, thánh thần, thiên, ông đồng bà cốt, cậu hoàng… và cả những nhân vật chính trị thế tục.