Hôm nay,  

Tiểu Hổ Gian Truân

13/01/202300:00:00(Xem: 2441)

 
Vừa cố buộc sợi dây vào cổ con mèo bà cụ vừa mềm giọng dỗ dành. Như ngày xưa dỗ dành thằng con trai khi nó mới lên ba lên bốn, “Ngoan đi. Về ở với nhà giàu, người ta thương chúng mày.”

Vẫn đùa nghịch như mọi khi, hai con mèo dụi đầu vào nhau. Chúng nó thích vật nhau, ngã lăn vòng vòng rồi một đứa chạy, đứa kia đuổi bắt.

“Làm gì thế nào. Đứng yên một tí được không. Chúng mày không biết buồn à.”

Bà mắng cả hai đứa.

“Đến như vậy mà vẫn con nhởn nhơ được.”

Bà nhẹ nhàng túm cổ một đứa. Vòng sợi dây quanh cổ nó. Nới một vòng tròn đủ để đầu nó không tuột ra ra nhưng cũng không siết quá chặt, để nó còn thở được. Rồi bà buộc thắt nút lại. Con mèo con bị buộc dây quanh cổ, lúc đầu loay hoay tìm cách gỡ, nhưng chỉ một lúc sau đã quên, lại tiếp tục vờn bắt con kia. Bà nhoài người túm con thứ nhì. Tuốt sợi dây luộc, luồn quanh cổ nó. Đo đại khái cái vòng dây không quá lỏng để khỏi tuột qua đầu và không quá chật để không làm con mèo nghẹt thở. Xong, bà buộc hai đầu dây lại với nhau.

“Đứng yên xem nào. Hai đứa bay làm gì mà đùa giỡn không biết mệt. Đói rã họng ra mà vẫn cứ nhởn nhơ.” Bà mắng mỏ hai đứa nó. Hệt như ngày trước mắng mỏ hai đứa con. Khi hai anh em chúng nó còn bé tí, chả biết thế nào là lo âu; khi người mẹ đơn thân một mình chống chọi với cuộc đời, để cố nuôi cho hai đứa con dại lên người.

“Ở yên đó đi. Để bà xem còn cái gì ăn không đã.”

Bà bỏ hai con mèo đó, lủi thủi đi vào góc căn chòi. Tết nhất đến nơi rồi mà trời vẫn cứ nắng hanh. Gió đi đâu mất biệt. Cái lạnh gai gai những ngày cuối năm giờ chỉ còn trong trí nhớ. Ai ăn đậu hũ không. Tiếng rao hàng ngoài đầu ngõ. Tiếng reo lên bổng xuống trầm. Nhà chị này rao hàng mà cứ như đang hát karaoke. Bà cụ thầm nghĩ, rồi nuốt nước miếng. Cái lưng cong vòng. Bà cố với tay lấy chiếc hộp thiếc méo mó nằm trơ vơ trên cái dàn bếp, mà những vỉ lò bếp ga đã bị tháo đi mất từ đời thuở nào.    

Hai tay đỡ cái hộp nhẹ tênh, bà lủi thủi bước ra khoảng giữa căn chòi, nơi vạt nắng xiên nghiêng, cẩn thận đặt xuống nền nhà. Một vẩy gió lùa qua khung cửa. Cái chòi không có cửa. Như vậy cũng hay, cụ vẫn nghĩ, không có cửa nên những luồng gió hiếm hoi ra vào thoải mái. Chỉ khổ là ngày mưa, bà với mấy con mèo phải co ro, ép người sát vào cái vách tường quét vôi loang lổ để khỏi bị ướt.

Cái hộp đặt xuống đất. Mảnh giấy quảng cáo chương trình ca nhạc nhặt ngoài ngõ trải ra bên cạnh. Cô hoa hậu môi cười trào ra ngoài khung hình. Bà loay hoay với cái nắp hộp thiếc. Những đốt xương ngón tay vặn vẹo. Nắp hộp mở ra. Những hạt cơm lổn nhổn. Bà cụ bốc một nhúm cơm, bỏ lên tấm giấy quảng cáo.

Hai con mèo nhỏ ngơ ngác nhìn những hạt cơm trắng. Chúng đứng ngẩn ra đó một lúc lâu. Bà cụ đẩy cả hai đứa sát lại nhúm cơm. Hai đứa vẫn ngập ngừng. Bà đẩy mặt thằng anh sát xuống nhúm cơm. Thằng anh nhấm nháp, bà lại đẩy đầu thằng em vào nhúm cơm. Thằng em có vẻ nhanh nhẹn hơn thằng anh. Ngay cả khi đùa giỡn, thằng anh cũng chậm chạp hơn thằng em.

Khi hai con mèo đã bắt đầu nhỏ nhẻ nhấm nháp những hạt cơm trắng, bà cụ mới thong thả bốc cơm trong cái hộp thiếc bỏ vào miệng. Những hạt cơm khô khốc. Hèn gì hai con mèo liếm láp như bị bắt buộc. Nhưng mà cơm thừa của quán ăn thì như vậy là quý lắm rồi. Bà thầm nghĩ. Những ngón tay xương xẩu run run nhét những hạt cơm vào cái miệng móm mém. Bà nhai thật kỹ. Cái răng lung lay lâu rồi. Cứ chạm vào là đau nhói. Vì vậy bà luôn dòm ngó những tô canh thừa của khách trong cái quán ăn đầu ngõ. Cuối ngày, thỉnh thoảng xin được chút nước súp thừa của tiệm phở, thế là cả nhà - bà với mấy anh em nhà mèo - mới có được bữa ăn thịnh soạn.

Thằng mèo anh ăn vài miếng rồi ngưng. Thằng mèo em ngước nhìn, rồi lại cúi xuống những hạt cơm.

“Mày lười ăn lắm nghe chưa, thằng cả này.” Bà cụ lẩm nhẩm mắng thằng mèo anh.

Trong mắt cụ, trong tim cụ, đây là thằng con cả. Thằng con cả có hai cái to vểnh lên như hai cái loa. Và cũng vẫn trong mắt, trong tim cụ, thằng mèo em, tính theo ngôi thứ thì là thứ ba, nhỏ hơn anh một tí thôi, nhưng nhanh nhẹn và nghịch ngợm có hạng.

“Tiểu hổ mà ăn uống cứ như mèo ấy thôi!” Cụ mắng thằng mèo anh.

Trong mắt cụ, trong tim cụ; nhà này có bốn đứa con. Ba thằng con trai và một đứa con gái. Bốn anh em nhà mèo.

“Phải ăn mạnh lên mới có sức, có sức thì mới sống sót được ở cái đất này, con ạ.” Cụ nói, một tay bốc cơm bỏ lên miệng, một tay xoa đầu thằng con cả.
Thằng mèo anh cả ngưng ăn, đứng tần ngần nhìn thằng em. Rồi quay lên nhìn bà cụ. Bà cụ nhìn nó. Nhìn hai con mắt nó. Nhìn cái màu lông loang loang nửa đen, nửa xám trắng của nó. Cái màu lông giống hệt mẹ nó.

Có tiếng xe gắn máy rầm rộ phía trước. Chiếc Dream thắng gấp ngay trước cửa. Bà cụ ngưng bốc cơm, kéo sợi dây buộc cổ hai con mèo lại sát bên mình.
“Mẹ đang làm gì thế?” Giọng đàn ông rổn rảng.

Bà cụ ngước con mắt kéo mây lên nhìn. Bóng người lù lù trước mặt. Cụ nuốt vội miếng cơm, hỏi bằng giọng khàn đục, “Mày đi đâu đấy? Hôm nay không đi làm à?”

“Hôm nay nghỉ.” Gã thanh niên áo thun quần jean bạc phếch dựng xe. Chân khua đế giầy lộp cộp, tay lắc chùm chìa khóa leng keng. “Bà nội ăn uống gì sớm thế?”

“Cho hai đứa này ăn.” Bà cụ trả lời, một tay vẫn níu chặt sợi dây buộc cổ hai con mèo.

Hai đứa này… Mẹ làm như thể chúng nó là trẻ con không bằng.” Gã thanh niên cười khẩy.

Gã ngồi thụp xuống bên cạnh bà cụ. Bà cụ nhích vội ra sau, tay nắm chặt sợi dây. Hai con mèo bị kéo sát vào nhau, ngọ ngoạy cái đầu, tìm cách gỡ.

“Hai tiểu hổ này được đấy. Vài tháng nữa mẹ đãi con bữa tiệc tiểu hổ nhớ.”

Người thanh niên toét miệng cười. Bà cụ kéo sợi dây sát vào người. Hai con mèo nhỏ bị lôi sát vào nhau, bốn chân cào xuống đất, ngọ ngoạy cái đầu, căng kéo sợi dây.

“Mày!” bà cụ mím môi, lườm thằng con trai. “Cái đồ ác nhân ác đức!”

Giọng bà cụ khàn, pha chút uất ức, nên ẩm như thấm đầy hơi nước. Hai mắt khô gay gay đỏ chớp vội. Thằng con trai vẫn cười. Gã đưa tay xoa đầu thằng mèo anh, rồi xoa tới thằng mèo em, “Hai tiểu hổ này làm món nhậu ngon phải biết.”

“Đồ ác nhân ác đức! Mày ăn thịt mẹ nó chưa đủ sao?”

“Vật dưỡng nhân mà mẹ. Nuôi thú không để làm thịt ăn thì để làm gì.”

“Cha mày!” Bà cụ trừng mắt, lập lại câu trách móc, “Mày ăn thịt mẹ chúng nó chưa đủ hay sao!”

Gã thanh niên đứng dậy, tay vẫn vung vẩy chùm chìa khóa. “Mẹ nó là mèo già, ăn thịt đâu có ngon bằng mèo non. Non như hai con mèo này.”

Gã chỉ ngón tay xuống chỗ hai anh em nhà mèo đang ngồi. Bà cụ gạt cái hộp thiếc đựng cơm qua một bên, kéo hẳn hai con mèo vào lòng. Thằng mèo em kêu ngao một tiếng như hỏi han, thắc mắc.

“Mày cần cái gì, nói thẳng ra đi.”

“Tết này con đi Sing chơi. Mẹ lại coi nhà hộ.”

Bà cụ chần chừ suy nghĩ.

Gã thanh niên nói tiếp, “Nhưng không được đem hai con mèo này theo. Bẩn cả nhà.”

Đang phân vân, nghe thấy cái lệnh cấm mèo, bà cụ buột miệng, “Không cho đem theo, tao để chúng nó ở đâu?”

“Ở đây.” Gã thanh niên quơ tay một vòng quanh cái chòi bỏ hoang. Cái chòi èo uột bám vào vách tường nhà của một đại gia trong ngõ.

“Bỏ chúng nó ở đây cho người ta bắt đi làm thịt à?”

“Còn bé quá, chẳng ai làm thịt bây giờ đâu. Vài tháng nữa…” Gã nói, và bật cười sằng sặc một mình.

Giọng cười kéo bà cụ lại một buổi chiều, khi bà lại coi giùm thằng cháu nội, thằng cháu thủ thỉ kể với bà là bố bắt mèo của bà làm thịt, bà hỏi đứa bố, thì đứa bố cũng cười sằng sặc như thế.

Cười một hồi, gã ôm bụng, nghiêm trang nét mặt, “Lại coi nhà giùm tụi con, tụi con trả tiền sòng phẳng.”

Gã đàn ông rồ máy xe, quay một vòng bánh, thả khói mù mịt rồi mất hút đầu con hẻm.

Bà cụ nới tay níu sợi dây. Hai anh em thằng mèo lúc lắc cái đầu rồi chống chân ngồi nhìn quanh. Bà cụ xoa đầu hai đứa, đậy nắp hộp thiếc đựng cơm lại, lom khom đi lại góc căn chòi, đặt lên kệ.

“Đi thôi, hai đứa bay.”


Cụ nhặt từng đứa, thận trọng bỏ vào trong cái túi vải. Chúng nó ngao ngao thắc mắc và ngọ ngoạy lục sục trong túi.

“Có yên đi không nào! Việc gì mà làm um lên như thế chứ.”

Hai anh em nhà mèo đã một lần bị bỏ vào cái túi này, đem ra chợ. Lần ấy, cụ đi quanh quẩn mấy vòng chợ mà không tìm được chỗ để bày món hàng đặc biệt này. Lúc ấy cái túi chật cứng vì có tới bốn anh em nhà chúng nó. Ba thằng mèo anh, một con mèo em út. Vác chúng nó đi vòng quanh chợ khiến cái lưng cụ muốn gẫy thành trăm mảnh vụn. Bốn đứa nó còn lao nhao, chọc ghẹo, cấu xé nhau trong túi vải. Cụ vừa cố vác cái lưng còng, vừa đeo chúng trên vai, vừa lẩm nhẩm la rầy anh em nhà chúng nó.

“Làm gì mà ầm ĩ lên như thế, chúng bay. Anh em không còn gặp nhau lâu nữa đâu, phải biết quý lúc còn có nhau chứ.”

Cụ la rầy chúng. Như một lần; như biết bao nhiêu lần la mắng hai đứa con. Bây giờ chẳng còn phải la đứa nào. Con trai lớn ăn nên làm ra, có vợ có con, có nhà có cửa. Con gái cũng lấy chồng tận bên Hàn Quốc. Chả còn đứa nào cận kề để cụ mắng mỏ. May mà có lũ mèo. Thiên hạ thấy bà cụ lưng còng sát đất, đeo túi vải trên vai, vừa đi vừa nói một mình, giống như người mất trí, sợ vạ lây, lảng tránh ra xa. Cụ vừa vác cái túi trên vai, vừa chập choạng những bước chân rã rời.

Vác cái lưng gẫy gập, đeo hai con mắt nhấp nháy dưới ánh nắng chói lòa, bà cụ như cánh bèo trôi trong dòng sông người quẫy động. Bên mấy sạp bán cá có chỗ trống, cụ định ngồi xuống nhưng lại sợ anh em nhà mèo chúng nó ngửi mùi cá, thèm thuồng tội nghiệp, cụ lại tiếp tục lê bước. Đến gian hàng bán các đồ gia vị, cụ lại định ngồi xuống, nhưng mùi tiêu, mùi tỏi cay nồng trong không khí khiến mũi cụ ngứa ngáy, và nhất là cụ nghe được tiếng hắt hơi - thật nhỏ nhưng cụ vẫn nghe rõ - của con mèo út. Con bé đúng là con nhà tiểu thơ. Cụ nghĩ thầm và tiếp tục lê bước trong nhà lồng chợ.

Đến chỗ trống vừa đủ một người ngồi trong khu bán bánh mứt cho thiên hạ ăn tết, cụ ngập ngừng đứng lại thở. Lâu lắm cụ không được nếm mùi bánh kẹo ngày tết. Căn chòi ghếch lên vách tường ông nhà giàu là chỗ trú ngụ của cụ mấy năm nay rồi. Và thực đơn của cụ là những cơm thừa, canh cặn của quán ăn đầu con ngõ. Thừa với cặn nhưng đừng thiu đừng thối là quý rồi.

“Bà già làm gì vậy?” Người chủ quán hỏi lúc cụ mở túi, kéo bốn anh em nhà mèo ra.

“Bác cho tôi nhờ chỗ một tí.” Cụ nói.

“Bà làm gì vậy?”

“Tôi bán mấy con mèo.”

Người đàn bà có cặp lông mày sắc như hai thanh kiếm nhìn chăm chăm bốn con mèo mướp giống hệt nhau, đang loi nhoi trên cái túi vải, trải lên nền xi măng.

“Bà bán giá cả thế nào đây?” Một người đàn bà mặc áo dài, túi xách đeo vai, dừng lại, nhìn lũ mèo.

Câu hỏi bất ngờ. Bà cụ hoàn toàn không chuẩn bị cho câu hỏi này. Cả đời có bao giờ mua bán mèo đâu. Mẹ của bốn đứa này là mèo hoang. Chị mèo đói ghé căn chòi của cụ một buổi trưa trời mưa tầm tã, nước ngập đường phố, xe cộ, người ngợm lội nước lõm bõm. Con hẻm nhờ ở khu đất cao nên không bị lụt. Chị mèo sợ nước, đứng sát vào vách tường tránh mưa. Cụ cho nó ăn, nó ở lại với cụ. Nó hẹn hò chim chuột lén lút đâu đó cụ chả biết. Nó có bầu. Nó rên rỉ chuyển bụng. Rồi nó sinh cho cụ ba thằng mèo con và một út mèo. Năm mẹ con nó sống quanh quẩn bên cụ. Ngày ngày cụ lân la quán ăn, xin lau bàn, chùi ghế cho người ta, đổi lấy tí cơm, tí canh cho cụ và cho năm mẹ con nhà mèo. Mèo mẹ đang nuôi bốn đứa con mơn mởn thì thằng con trời đánh của cụ rình bắt nó đem đi làm thịt.

Thành ra cụ ngập ngừng.

“Bao nhiêu một con?” Người khách vén hai tà áo, ngồi xuống, xoa đầu mấy con mèo.

Trong kia, người đàn bà có cặp lông mày sắc như hai thanh kiếm lớn giọng, “Bà già không có giấy phép, đem đi chỗ khác bán đi.”

Như không nghe người chủ quầy hàng bánh mứt nói gì, người phụ nữ mặc áo dài màu thiên thanh hỏi, “Sao bác không để chúng nó ở với mẹ chúng nó ít lâu nữa?”

“Chúng nó mồ côi cô ạ.”

“Ô, vậy… Con này bao nhiêu?” Người khách chỉ vào con mèo út, hỏi. “Cái miệng nhọ của nó xinh ghê. Miệng này ăn vụng phải biết!” Người khách nhấc con mèo út lên, cười.

Thấy không ai để ý đến mình, người chủ quầy hàng bánh mứt la toáng lên, “Kêu bảo vệ lại. Kêu bảo vệ lại.” Hai con mắt trợn ngược, cặp lông mi sắc như hai thanh kiếm vung lên, bà ta bấm điện thoại di động, nói oang oang vào máy.

Trong chớp mắt, hai ba gã đàn ông ào đến. Bà cụ hoảng hốt, nói vội với người phụ nữ áo thiên thanh, “Cô cứ lấy một con về nuôi đi. Chỉ cần đừng làm thịt nó tội nghiệp!”

Bọn đàn ông áo xanh màu cứt ngựa, quần ka-ki vàng nhạt ùa tới như cơn lốc. Người khách áo dài màu xanh da trời ôm lấy con mèo cái có cái chấm ở mũi, vội đứng dậy, bước đi. Bà cụ hoảng hốt bốc vội đám mèo bỏ vào túi, nhưng chỉ kịp bỏ được hai anh em thằng này vào cái túi vải thì bọn lâu la kia đã đến sát bên. Những đôi chân hung hãn đá văng “quầy hàng” của bà cụ. Bàn chân đá trúng một con mèo. Một tiếng kêu thất thanh. Tiếng mèo. Tiếng bà cụ. Âm thanh lẫn vào nhau. Nhưng tiếng kêu của bà cụ kéo dài tưởng như không bao giờ ngừng, còn tiếng kêu của con mèo thì tắt ngấm. Và con vật rơi xuống đất như một nắm bột mềm. 

Chuyện đã qua. Mọi người trong khu chợ đã quên. Người chủ quầy hàng bánh mứt – có cặp lông mày song kiếm - hẳn cũng đã quên, chỉ mình bà cụ còn nhớ.

Và hai anh em thằng mèo chắc cũng còn nhớ.

Vì vậy, bà cụ không dám bén mảng đến chợ nhà lồng nữa. Cụ cũng không dám bày hàng trước cửa tiệm của thiên hạ. Cụ tìm đâu ra giấy phép để ngồi bán bây giờ. Mà cụ đâu có thực tâm muốn bán hai anh em chúng nó. Khổ nỗi ở với cụ, sớm muộn gì chúng nó cũng theo nhau lên bàn nhậu của lũ phàm phu. Thật là gian truân anh em nhà tiểu hổ.

Hôm nay, bà cụ lại lập lại chuyện ấy. Thắt cái vòng dây lỏng quanh cổ hai đứa. Buộc thắt nút cho khỏi tuột. Đem chúng nó ra phố. Cụ chọn khúc đường ít xe cộ không có những đứa trời đánh rú ga ầm ĩ khoe xe xịn, để anh em nhà mèo không bị giật mình. Cụ chọn chỗ không có bóng những tên lâu la áo màu cứt ngựa quần ka-ki vàng nhạt, mặt mũi sần sượng như những tên cướp cạn. Và lựa chỗ không có bóng dáng một con chó hoang nào để anh em nhà mèo không bất ngờ bị cấu xé oan uổng.

“Ngồi yên một tí đi mà,” cụ thì thầm nhắn nhủ, hai tay đặt trên lưng hai đứa.

Hai anh em nó ngồi bên nhau, ngơ ngác nhìn phía trước. Lề đường lồi lõm, nứt nẻ khắp chung quanh. Chỗ này an toàn. Tụi lâu la cũng ít quần thảo. Đám khách bộ hành đi qua, ném lại quầy hàng của cụ cái nhìn lạ lẫm. Nắng đã tắt, phố đã lên đèn, mà chẳng ai hỏi han gì tới hai con mèo của cụ.

“Ngồi yên tí đi mà,” cụ thì thầm, tay khẽ ấn cái lưng của thằng mèo em xuống khi nó gồng mình đứng dậy. “Gần tết rồi. Về được với nhà tử tế thì tao cũng yên tâm.” Cụ xoa lưng thằng mèo em, dỗ dành. “Đi được trước tết thì tốt hơn chứ Tết Ta hàng quán đóng cửa ăn tết tới ra Giêng mới mở cửa, mình kiếm đâu ra cơm cặn canh thừa. Tao thì nhịn được chứ để chúng mày đói tao không nỡ.”

Một người đàn ông dừng lại, nhìn hai con mèo. Tim bà cụ lạc mất một nhịp. Mừng. Tết rồi, về với người tử tế cũng đỡ khổ một đời. Cụ thầm nghĩ.  

“Bán mèo hả bà già?”

Bà cụ ngập ngừng, rồi khẽ gật đầu. Cụ cố chào hàng, “Tiểu hổ. Nuôi cho nó bắt chuột.” Cụ cố nhấn mạnh hai chữ bắt chuột để người đàn ông thấy hai anh em chúng nó cũng được việc. Cụ không muốn người ta đem hai anh em nó ra làm thịt. “Giống này hay chuột lắm!” Cụ nói.

Người đàn ông nhếch mép cười. Gã ngước nhìn ngôi chung cư cao tới tận mây trời - với đèn xanh đèn đỏ chớp nháy giữa ban ngày - ở trước mặt. Rồi lại nhìn xuống hai anh em nhà tiểu hổ.

“Bé tí thế này thì nhai chả bõ dính răng!” Gã nói, rồi nhún vai bước đi.

Bà cụ sững người ra một giây, rồi cúi xuống hai anh em nhà mèo, thì thầm đủ cho hai đứa nó nghe, “Thôi về bay ơi, tối rồi!”

Chủ nhật 06 tháng 01, 2018

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cô người Nha Trang, lớn lên và đi học ở đó. Cô sinh trưởng trong một gia đình gia giáo, mẹ cô đi dậy học, ông thân cô cũng là hiệu trưởng một trường trung học lớn ở Phú Yên. Năm 22 tuổi, cô học năm cuối đại học văn khoa Huế thì gặp gỡ chú Hiếu trong một dịp hội thảo sinh viên do các biến động thời cuộc miền Trung bắt đầu nhen nhúm. Chú Hiếu lúc đó đang theo cao học luật. Họ thành đôi bạn tâm giao tuổi trẻ, sau thành đôi uyên ương. Ba năm sau khi Trang vừa 25 tuổi, Hiếu đã nhậm chức chánh án tòa thượng thẩm.
Nhà trẻ kế bên bệnh xá. Trong góc một trại giam. Nhà trẻ có sáu đứa con nít. Bệnh xá có mấy bệnh nhân già. Coi bệnh xá là một tù nam nguyên là y tá ngoài đời. Coi nhà trẻ là một tù nữ án chung thân. Coi cả hai nơi ấy là một công an mà mọi người vẫn gọi là bác sĩ! Sáu đứa con nít đều là con hoang. Mẹ chúng nó là nữ tù bên khu B, đừng hỏi cha chúng đâu vì chúng sẽ không biết trả lời thế nào. Cũng đừng bao giờ hỏi mẹ chúng nó về chuyện ấy vì rằng đó là chuyện riêng và cũng là những chuyện rất khó trả lời. Thảng hoặc có ai đó được nghe kể thì lại là những chuyện rất tình tiết ly kỳ lâm ly bi đát… chuyện nào cũng lạ, chuyện nào cũng hay
Thăm nuôi năm thứ mười: trại Z30D Hàm Tân, dưới chân núi Mây Tào, Bình Tuy. Cuối năm 1985, mấy trăm người tù chính trị, trong đó có cánh nhà văn nhà báo, được chuyển từ trại Gia Trung về đây. Hồi mới chuyển về, lần thăm nuôi đầu, còn ở bên K1, đường sá dễ đi hơn. Cảnh trí quanh trại tù nặng phần trình diễn, thiết trí kiểu cung đình, có nhà lục giác, bát giác, hồ sen, giả sơn... Để có được cảnh trí này, hàng ngàn người tù đã phải ngâm mình dưới nước, chôn cây, đẽo đá suốt ngày đêm không nghỉ. Đổi vào K2, tấm màn hoa hòe được lật sang mặt trái: những dãy nhà tranh dột nát, xiêu vẹo. Chuyến xe chở người đi thăm nuôi rẽ vào một con đường ngoằn nghoèo, lầy lội, dừng lại ở một trạm kiểm soát phía ngoài, làm thủ tục giấy tờ. Xong, còn phải tự mang xách đồ đạc, theo đường mòn vào sâu giữa rừng, khoảng trên hai cây số.
Ông Hải đứng trước của nhà khá lâu. Phân vân không biết nên mở cửa vào hay tiếp tục đi. Tâm trạng nhục nhã đã ngui ngoai từ lúc nghe tiếng chim lạ hót, giờ đây, tràn ngập trở lại. Ông không biết phải làm gì, đối phó ra sao với bà vợ béo phì và nóng nảy không kiểm soát được những hành động thô bạo.
Vuốt lại tấm khăn trải giường cho thẳng. Xoay chiếc gối cho ngay ngắn. Xong xuôi, hắn đứng thẳng người, nhìn chiếc giường kê sát vách tường. Có cái gì đó thật mảnh, như sợi chỉ, xuyên qua trái tim. Hắn vuốt nhẹ bàn tay lên mặt nệm. Cảm giác tê tê bám lên những đầu ngón tay. Nệm giường thẳng thớm, nhưng vết trũng chỗ nằm của một thân thể mềm mại vẫn hiện rõ trong trí. Hắn nuốt nước bọt, nhìn qua cái bàn nhỏ phía đầu giường. Một cuốn sách nằm ngay ngắn trên mặt bàn. Một tờ giấy cài phía trong đánh dấu chỗ đang đọc. Hắn xoay cuốn sách xem cái tựa. Tác phẩm dịch sang tiếng Việt của một nhà văn Pháp. Cái va li màu hồng nằm sát vách tường, phía chân giường. Hắn hít không khí căn phòng vào đầy lồng ngực. Thoáng hương lạ dịu dàng lan man khứu giác. Mùi hương rất quen, như mùi hương của tóc.
Biết bao nhiêu bài viết về Mẹ, công ơn sinh thành, hy sinh của người Mẹ vào ngày lễ Mẹ, nhưng hôm nay là ngày Father’s Day, ngày của CHA, tôi tìm mãi chỉ được một vài bài đếm trên đầu ngón tay thôi. Tại sao vậy?
Hôm nay giống như một ngày tựu trường. Đơn giản, vắng một thời gian không ngồi ở lớp học, nay trở lại, thế là tựu trường. Ngày còn bé, mỗi lần nghỉ hè xong, lên lớp mới, trong lòng vừa hồi hộp vừa vui sướng. Có bao nhiêu chuyện để dành chờ gặp bạn là kể tíu tít. Nhưng bên cạnh đó là nỗi lo khi sắp gặp các thầy cô mới… Mỗi năm đều có ngày tựu trường như vậy, nói chung là khá giống nhau, trong đời học sinh. Nhưng cái ngày tựu trường này thật quá khác. Người ta nhìn nhau không dám cười, không dám chào hỏi. Sự e dè này, dường như mỗi người đã được tập luyện qua một năm. Một năm “học chính trị” trong cái gọi là hội trường mà tiền thân là cái rạp hát.
Cái tên Michelin không xa lạ gì với chúng ta. Vỏ lốp chiếc xe tôi đang dùng cũng mang tên Michelin. Sao hai thứ chẳng có liên quan chi lại trùng tên. Nếu tôi nói chúng tuy hai mà một chắc mọi người sẽ ngây người tưởng tôi… phiếm.
Phi là một người bạn đạt được những điều trong đời mà biết bao người không có. Là một tấm gương sống sao cho ra sống để chết đi không có gì hối tiếc. Là một niềm hy vọng cho sự tử tế vốn ngày càng trở nên xa xỉ ở nước Mỹ mà tôi đang tiếp tục sống.
Có một lần đó thầy kể lại chuyện rằng, thầy có một phật tử chăm chỉ tu học, đã hơn 10 năm, theo thầy đi khắp nơi, qua nhiều đạo tràng, chuyên tu chuyên nghe rất thành kính. Nhưng có một lần đó phật tử đứng gần thầy, nghe thầy giảng về phát bồ đề tâm, sau thầy có đặt một vài câu hỏi kiểm tra coi thính chúng hiểu bài tới đâu? Cô vội xua xua tay, “bạch thầy, những điều thầy giảng, con hiểu hết, con hiểu hết mà. Con nhớ nhập tâm. Nhưng đừng, thầy đừng có hỏi, bị là con không biết trả lời làm sao đâu.” Có lẽ là cô hiểu ý mà cô chưa sẵn sàng hệ thống sắp xếp thứ tự lại các ý tưởng.
Ở xứ ấy, người ta ngủ đến trưa mới dậy. Chàng nhớ thế khi nghĩ về mùa xuân, mùa hạ, mùa thu khi còn bé, mỗi lần nghĩ thế, đều lấy làm ngạc nhiên, và lấy làm ngạc nhiên về sự ngạc nhiên ấy. Thế mà giữa một thành phố châu Âu, chàng lại gặp chúng. Trên nền tường trắng và mặt biển xanh, giữa những màu xanh và trắng, chỉ hai màu ấy, đôi khi xanh và đỏ, chàng gặp lại chúng, hồ hởi, tưng bừng, nó và chàng như hai thằng bạn thời mặc quần xà lỏn nay gặp nhau
Lơ đảng nhìn mây trời và đèn đường, tôi từ tốn chuyển xe sang tuyến trái để cua. Cha tôi thường nói, “Con phải tập bỏ tính lơ đểnh, nếu không, sẽ có ngày gặp phiền phức.” Nhưng lơ đểnh là nơi nghệ sĩ lang thang, ngẫu hứng tìm thấy những sáng tạo không ngờ. Chợt thoáng trong hộp kính nhìn lui, thấy chiếc xe đen nhỏ bắn lên với tốc độ nguy hiểm, tôi chuyển xe về lại bên phải, sau gáy dựng lên theo tiếng rít bánh xe thắng gấp chà xát mặt đường, trong kính chiếu hậu, một chiếc xe hạng trung màu xám đang chao đảo, trơn trợt, trờ tới, chết rồi, một áp lực kinh khiếp đập vào tâm trí trống rỗng, chỉ còn phản xạ tự động hiện diện. Chợt tiếng cha tôi vang lên: “đạp ga đi luôn.” Chân nhấn xuống, chiếc xe lồng lên, chồm tới như con cọp phóng chụp mồi. Giữa mơ hồ mất kiểm soát, tử sinh tích tắc, tôi thoáng nhận ra trước mặt là thành cây cầu bắt qua sông.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.