DỆT MAY, GIÀY THIẾU THỢ
Bạn,
Theo các chuyên viên về thị trường lao động, miền Đông Nam phần và thành phố Sài Gòn đã từng được xem là miền đất hứa của những người lao động. Phương Nam "đất lành chim đậu" đã từng tạo nên cơn sốt khi một lượng lớn lao động phổ thông từ các tỉnh đổ về các khu công nghiệp ở đây. Riêng ngành dệt may, da giày của Việt Nam đã thu hút lượng công nhân nhập cư rất lớn. Thế nhưng, hiện 2 ngành hàng xuất cảng chính của VN đang đối diện với áp lực "rơi rụng" nguồn lao động,thiếu công nhân trầm trọng. Báo SGGP ghi nhận thực trạng này qua bản tin như sau.
Trong thời điểm kinh tế còn khó khăn như hiện nay, vấn đề đơn hàng sản xuất, xuất khẩu không phải là lý do bận tâm của doanh nghiệp dệt may, da giày mà việc sụt giảm, thiếu hụt lao động mới là vấn đề lớn và đáng lo nhất. Dù biết rằng, nguồn lao động đang bị cạnh tranh khốc liệt vì sự phát triển nhanh chóng của các ngành dịch vụ, nhưng với tốc độ "rơi" nhanh chóng như hiện nay thì quả là đáng báo động. Ngay cả các doanh nghiệp lớn có quy mô sản xuất lớn với khoảng gần 3 ngàn lao động, cũng bất lực vì lượng lao động sụt giảm quá lớn, khi mất khoảng 700 lao động trong năm 2009. Việc thiếu lao động đối với ngành dệt may, da giày là nỗi ám ảnh của doanh nghiệp khi năm hết tết đến. Doanh nghiệp lo sẽ có biến động lao động sau tết.
So với dệt may, các doanh nghiệp da giày gặp khó khăn hơn về lao động. Ngành dệt may có khoảng 2 ngàn doanh nghìệp với trên 2 triệu lao động. Ngành da giày có khoảng 500 doanh nghiệp với khoảng 650 ngàn lao động. Trong đó, doanh nghiệp da giày có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm đến 3/4. Tuy lượng lao động ít hơn nhưng lao động da giày vẫn thiếu. Dù thời gian gần đây, ảnh hưởng khó khăn từ các công ty chính ở nước ngoài, nhiều doanh nghiệp da giày của Hàn Quốc, Đài Loan đã đóng cửa, ngưng sản xuất, một lượng lớn lao động từ đây dôi ra, nhưng các doanh nghiệp vẫn không tuyển được lao động.
Một thực tế dẫn đến tình trạng thiếu lao động như hiện nay là việc chuyển dịch lao động từ đô thị lớn như TPSG về các tỉnh. Việc thiếu lao động tại các đô thị lớn như hiện nay cũng là điều tất yếu khi các khu công nghiệp, khu chế xuất đang hình thành tại các địa phương. Nhiều doanh nghiệp dệt may ở TPSG, Bình Dương cũng tìm đường, mở hướng đầu tư vào các tỉnh miền Trung, miền Tây để đón đầu xu thế này.
Bạn,
Báo SGGP cho biết tại nơi tưởng chừng có nguồn dồi dào như ở các tỉnh,doanh nghiệp vẫn không thể tuyển ra lao động. Ngay cả những doanh nghiệp đi trước đón đầu, chuyển sản xuất từ quận trung tâm Sài Gòn về huyện ngoại thành như Củ Chi cũng bị thất sách vì lao động ở đây cũng bỏ nhà máy, đi xuất cảng lao động.Và hiện nay, nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày đang rơi vào thế "đi cũng dở, ở không xong".