Hôm nay,  

Trước Bầu Cử 2024: Cộng Hòa Nhắm Mục Tiêu Vào Những Ai Nghiên Cứu Về Vấn Đề Thông Tin Sai Lệch

23/06/202300:00:00(Xem: 6213)
 
truoc bau cu
Một chiến dịch pháp lý đang diễn ra chống lại các trường đại học và tổ chức tham vấn nhằm suy yếu cuộc chiến chống lại những tuyên bố sai sự thật về bầu cử, vắc xin và các chủ đề chính trị nóng bỏng khác. (Nguồn: pixabay.com)

Ở Capitol Hill và các tòa án, các nhà lập pháp và nhà hoạt động của Đảng Cộng Hòa đang tiến hành một chiến dịch pháp lý sâu rộng nhắm vào các trường đại học, các tổ chức tham vấn, các công ty tư nhân và các cá nhân nghiên cứu về sự lan truyền của thông tin sai lệch. Những người này sẽ bị cáo buộc là thông đồng với chính phủ để đàn áp phát ngôn của phe bảo thủ trên mạng.
 
Nỗ lực này đã gây trở ngại cho giới đấu tranh chống tin giả, với hàng loạt các yêu cầu thông tin và thậm chí là trát đòi – yêu cầu thông tin về giấy tờ, email và thông tin khác liên quan đến các công ty truyền thông xã hội và chính phủ kể từ năm 2015. Để tuân thủ, họ đã tiêu tốn thời gian và nguồn lực, và kết quả là bị ảnh hưởng đến khả năng nghiên cứu và gây quỹ.
 
Chiến dịch này được cảnh báo là đã làm suy yếu cuộc chiến chống lại thông tin sai lệch trong thời gian xã hội Hoa Kỳ ngày càng có nhiều vấn đề, và khi sắp diễn ra một cuộc bầu cử tổng thống khác.
 
Jameel Jaffer, giám đốc Knight First Amendment Institute thuộc Columbia University, cho biết: “Tôi nghĩ rõ ràng đó là một nỗ lực khinh bạc, mang đậm chất phe phái, để ngăn cản các cuộc nghiên cứu.”
 
Vào tháng 1, Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện dưới sự kiểm soát của đa số Đảng Cộng Hòa, đã gửi rất nhiều thư và trát đòi cho các nhà nghiên cứu, mà chỉ một số trong số đó được công khai. Những người đã không kịp phản ứng hoặc không đáp ứng đầy đủ đều bị đe dọa vướng vào lao lý.
 
Vào tháng trước, một nhóm bảo thủ dẫn đầu bởi Stephen Miller, cựu cố vấn của Trump, đã đệ đơn kiện tập thể tại U.S. District Court ở Louisiana, lặp lại nhiều cáo buộc của ủy ban và tập trung vào một số mục tiêu giống nhau.
 
Các mục tiêu bao gồm các trường Stanford, Clemson, New York và University of Washington; Atlantic Council, Marshall Fund của Đức và National Conference on Citizenship, tất cả đều là các tổ chức phi đảng phái, phi chính phủ ở Washington; Wikimedia Foundation ở San Francisco; và Graphika, một công ty nghiên cứu về các thông tin sai lệch trực tuyến.
 
Bên cạnh đó, ủy ban cũng đã tống trát đòi cho World Federation of Advertisers và Global Alliance for Responsible Media. Các nhóm này bị cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền bằng cách âm mưu cắt giảm doanh thu quảng cáo cho các nhà nghiên cứu nội dung và các công ty công nghệ bị coi là có hại.
 
Ngoài ra, các tổ chức này cũng bị cáo buộc “cấm đoán những phát ngôn bất lợi” liên quan đến các vấn đề như: các chính sách xung quanh đại dịch Covid-19 và tính chính trực của hệ thống chính trị Hoa Kỳ, bao gồm cả kết quả của cuộc bầu cử năm 2020.
 
Phần lớn thông tin sai lệch xung quanh cả hai vấn đề đều đến từ cánh hữu. Nhiều dân cử Cộng Hòa tin chắc rằng các chuyên gia nghiên cứu thông tin sai lệch đã thúc ép các nền tảng mạng xã hội phân biệt đối xử với những tiếng nói của phe bảo thủ.
 
Năm ngoái, Bộ trưởng tư pháp của Missouri và Louisiana, cả 2 đều thuộc Đảng Cộng Hòa, đã đệ đơn kiện chính quyền Biden tại U.S. District Court ở Louisiana, lập luận rằng các viên chức chính phủ đã chơi chiêu ‘vừa đấm vừa xoa’ với Twitter, Facebook và các nền tảng truyền thông xã hội khác.
 
Trọng tâm của chiến dịch hiện tại không phải là các viên chức chính phủ, mà là các cá nhân tư nhân làm việc cho các trường đại học hoặc các tổ chức phi chính phủ. Họ có quyền tự do ngôn luận theo Tu Chính Án Số Một, bao gồm cả những tương tác của họ với các công ty truyền thông xã hội.
 
Nhóm đứng sau vụ kiện tập thể, America First Legal, kiện các bị cáo là hai nhà nghiên cứu tại Stanford Internet Observatory, Alex Stamos và Renée DiResta; một giáo sư tại Trường Washington, Kate Starbird; một giám đốc điều hành của Graphika, Camille François; và giám đốc Digital Forensic Research Lab của Atlantic Council, Graham Brookie.
 
Trong khi đó, các bị cáo trong vụ kiện do Bộ trưởng Tư Pháp của Missouri và Louisiana đệ đơn bao gồm Jill Hines, giám đốc của Health Freedom Louisiana; và Jim Hoft, nhà sáng lập trang tin tức cánh hữu Gateway Pundit. Tòa án Western District của Louisiana đã trở thành địa điểm ưa thích cho các vụ thách thức pháp lý chống lại chính quyền Biden.
 
Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện chủ yếu xoáy vào chất vấn vào hai dự án hợp tác. Một là Election Integrity Partnership, mà Trường Stanford và University of Washington đã thành lập trước cuộc bầu cử năm 2020 để xác định các nỗ lực “ngăn cản bỏ phiếu, giảm sự tham gia, gây nhầm lẫn cho cử tri hoặc làm mất tính hợp pháp của kết quả bầu cử mà không có bằng chứng.” Dự án còn lại là Virality Project, cũng do Trường Stanford tổ chức, tập trung vào việc nghiên cứu những vấn đề của thông tin sai lệch về vắc xin Covid-19.
 
Cả hai dự án này đã trở thành tâm điểm chính trị, khiến các nhà nghiên cứu có liên quan phải đối mặt với các cuộc tấn công đảng phái trực tuyến, thậm chí có lúc trở thành thù hằn cá nhân.
 
Trong vụ Stanford Internet Observatory, các yêu cầu cung cấp thông tin thậm chí còn mở rộng ra những sinh viên tình nguyện làm thực tập sinh cho Election Integrity Partnership.
 
Các trường đại học và tổ chức nghiên cứu đã cố gắng tuân thủ những đòi hỏi của ủy ban, mặc dù việc thu thập thư từ điện tử trong nhiều năm rất tốn thời gian phức tạp do các vấn đề về quyền riêng tư. Họ phải đối mặt với các chi phí kiện tụng ngày càng tăng và những nghi vấn từ các giám đốc và nhà tài trợ. Các cuộc tấn công trực tuyến cũng đã ảnh hưởng đến tinh thần và khiến nhiều sinh viên sợ hãi.
 
Vào tháng 5, Trường Stanford đã bị đe dọa bị kiện cáo vì không tuân thủ trát đòi trước đó, dù rằng các luật sư của trường đã thương lượng với các luật sư của ủy ban về cách bảo vệ quyền riêng tư của sinh viên. Ủy ban từ chối thảo luận chi tiết về cuộc điều tra, bao gồm tổng cộng có bao nhiêu yêu cầu hoặc trát đòi, và cũng không tiết lộ về phương hướng sắp tới của các cuộc điều tra.
 
Những tranh cãi, bất đồng đảng phái không chỉ ảnh hưởng đến các nhà nghiên cứu mà còn cả những công ty truyền thông xã hội.
 
Twitter, dưới thời Elon Musk, đã đưa ra quan điểm gỡ bỏ các hạn chế và tái khôi phục các tài khoản đã bị cấm, bao gồm cả Gateway Pundit's. YouTube gần đây cũng thông báo rằng họ sẽ không còn cấm các video có nội dung về “các tuyên bố sai sự thật liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2020 và các cuộc bầu cử khác.”
 
Việt Báo phỏng dịch theo bài viết “G.O.P. Targets Researchers Who Study Disinformation Ahead of 2024 Election” của Steven Lee Myers và Sheera Frenkel, được đăng trên trang NYTimes.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khổng Tử và những nhà hiền triết Phương Đông đề cao nguyên tắc vương đạo, đức trị, quang minh chính đại làm tiêu chuẩn cho con người lãnh đạo. Người quân tử thì lời nói – viêc làm trước sau như một (ngôn hành hợp nhất) khác biệt với những hành động bá đạo, ma giáo, biểu diễn chính trị của kẻ tiểu nhân...
Cuộc Bầu Cử Tổng Thống Hoa Kỳ được dự kiến diễn ra vào Thứ Ba ngày 5 tháng 11 năm 2024, yêu cầu công dân Hiệp Chủng Quốc bầu chọn một vị tổng thống và vị phó tổng thống, nhằm tổ chức điều hành lãnh đạo Chính Quyền Liên Bang theo nhiệm kỳ 4 năm. Trước hết là Ứng Cử Viên Dân Chủ Joe Biden, tổng thống đương nhiệm đã được Đảng Dân Chủ chấp thuận, và cho tiếp tục thực hiện chiến dịch tranh cử theo Hiến Pháp Hoa Kỳ...
Trong nền chính trị Hoa Kỳ, cử tri gốc da trắng ở các vùng nông thôn từ lâu đã nắm trong tay quyền lực lớn hơn nhiều so với tỷ lệ dân số thực tế của họ. Họ có sức ảnh hưởng lớn trong các cuộc bỏ phiếu tại cả Thượng Viện, Hạ Viện và Cử Tri Đoàn. Theo Sở Thống Kê Dân Số (Census Bureau), dù không có định nghĩa thống nhất thế nào là “vùng nông thôn,” và thậm chí các cơ quan liên bang cũng không thể đưa ra một tiêu chuẩn chung, nhưng có khoảng 20% dân số Hoa Kỳ sống ở các cộng đồng nông thôn. Và 3/4 trong số đó – tương đương khoảng 15% dân số Hoa Kỳ – là người gốc da trắng.
Còn khoảng bảy tháng nữa sẽ đến ngày thực sự bầu phiếu vào đầu tháng 11. Thời gian không dài lắm nhưng đủ để sóng gió thăng trầm. Nếu bạn đọc tò mò hỏi tôi, ai sẽ là người chiến thắng? Tôi chưa có câu trả lời dứt khoát, nhưng tôi sẽ lý luận với các bạn và dựa lên câu trả lời của câu hỏi then chốt: Đa số người Mỹ hoặc sống ở mỹ đi bầu phiếu, có phải là những kẻ ngây thơ? Ông Biden và ông Trump, cả hai đều có ưu và khuyết điểm, có kẻ khôn theo phò và có kẻ khờ hùa theo. Nhưng điểm then chốt mà bạn đọc muốn biết, hơn cả ai sẽ thắng, đó là, bạn là người khôn hay kẻ khờ, dù là bạn bỏ phiếu cho ai? Có khi nào bạn tự hỏi, mình khôn hay khờ khi sử dụng lá phiếu? Sự khôn hay khờ này không mắc mớ đến bằng cấp, giàu nghèo, màu da, địa vị, vân vân, mà chỉ mắc mớ đến khả năng lý luận và phẩm chất đạo lý, không phải đạo đức, mà bạn đang có
Joe Biden và Donald Trump đều đã đảm bảo được số phiếu đại biểu (delegates) cần thiết để được đề cử làm ứng viên của đảng mình cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Nếu không xảy ra sự kiện bất ngờ, cả hai sẽ được chính thức đề cử tại đại hội đảng vào mùa hè này, và sẽ đối đầu tại các điểm bầu cử vào ngày 5 tháng 11. Rất có thể là cũng giống như trong các cuộc bầu cử gần đây, cuộc bầu cử 2024 sẽ diễn ra chủ yếu trên Internet, và các phương tiện truyền thông xã hội sẽ tràn ngập tin tức thật cùng thông tin sai lạc. Mới trong năm nay, sự xuất hiện của các công cụ trí tuệ nhân tạo tổng hợp (generative AI) mạnh mẽ như ChatGPT và Sora, giúp việc lan tràn thông tin tuyên truyền và thông tin sai lạc trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Các công cụ này cũng có khả năng tạo ra các tác phẩm giả mạo nhưng đầy thuyết phục: những lời nói ra từ chính miệng của các chính trị gia (mà họ vốn chẳng hề nói thế)
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
Hôm cuối tháng Hai vừa qua, Tòa Tối cao của bang Alabama phán quyết rằng: “Phôi đông lạnh là trẻ em.” Tuyên án này tuy chỉ có uy lực theo Hiến pháp và luật pháp ở Alabama, tuy nhiên, sự bắt đầu này tạo ra tiền lệ cho tất cả những vụ án vế sau của tất cả các bang khác và kề cả hiến pháp Hoa Kỳ, ảnh hưởng đến thời kỳ cho phép phá thai. Nhiều người và nhiều cơ quan sẽ phải chịu trách nhiệm, sẽ bị trừng phạt nếu làm hỏng phôi thai, như một tội giết trẻ em. Phán quyết của Alabama, được công bố hôm thứ Sáu, bắt nguồn từ hai vụ kiện của ba nhóm cha mẹ đã trải qua thủ tục thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) để sinh con và sau đó chọn đông lạnh số phôi còn lại. Giáo sư Nicole Huberfeld của Trường Luật Đại học Boston cho biết, đó cũng là một quyết định có thể gây ảnh hưởng lan rộng đến việc sử dụng các phương pháp điều trị sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Người ta thường nghe hai chữ “âm mưu”, ít khi nghe cái gì là “dương mưu.” Theo sách mưu lược, âm mưu là những kế hoạch tính toán ngấm ngầm, bí mật, không tỏ lộ bên ngoài, những ai không liên can sẽ không thể biết. Ngược lại, dương mưu là loại mưu kế biểu lộ ra ngoài, ai cũng thấy. Như trường hợp chiến tranh Irag (2003) dưới thời tổng thống George W. Bush. Hàng ngày, truyền hình, đài phát thanh đều loan tin trước những chiến thuật hành quân của quân đội đồng minh. Thậm chí, vẽ cả bản đồ báo trước những nơi sẽ tấn công, không cần giấu giếm. Điểm lợi hại của dương mưu này là gây tinh thần sợ hãi cho quân đội Irag. Chưa đánh đã hàng. Mọi kế sách đều có thể áp dụng theo âm mưu hoặc dương mưu, tùy vào bối cảnh, sức mạnh và tâm lý đối phương. Phần lớn, dương mưu được sử dụng để che giấu âm mưu. Ví dụ: Sử dụng “Khoa trương thanh thế” là để ngấm ngầm “Ám độ trần thương.” Khi phân biệt được giá trị và lề lối áp dụng khác nhau giữa dương mưu và âm mưu, chúng ta sẽ nhìn rõ hơn ý nghĩa chính trị
Chúng ta đang làm nhân chứng cho một cuộc bầu cử kỳ quặc và đa sự chưa từng xảy ra trong lịch sử đầu phiếu ở Hoa Kỳ. Có thể nói, không chỉ lịch sử, mà rộng lớn hơn, chính là "sự cố" văn hóa chưa từng thấy. Bước vào năm 2024, sự tranh đua giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ càng gay go, khốc liệt với âm mưu, độc kế, thủ đoạn, ám toán, bôi nhọ, mánh mung, để xem ai sẽ là chủ nhân của ngôi Nhà Trắng trong bốn năm tới. Tất cả những ý nghĩ, hành vi đó đều gôm vào chính sách, chiến lược và chiến thuật vận động bầu cử. Bạn đọc sẽ có dịp theo dõi các thầy bàn người Mỹ và thầy bàn người Việt (trong và ngoài nước) phong phú hóa, hư cấu hóa, ảo tưởng hóa về việc bầu cử, tạo ra câu chuyện nửa thực, nửa hư, thú vị, bất ngờ với giận dữ và thất vọng, sung sướng và buồn bã, rung đùi và cụng ly, nguyền rủa và chửi bới, vân vân. Thông thường những luận lý, âm mưu, phê phán, dự đoán đó… được mổ xẻ qua kiến thức và kinh nghiệm tây phương, nơi có hàng ngàn sách vở nghiên cứu chính trường, chính đạo,
Chúng ta đang bước vào năm bầu cử. Năm 2024 sẽ có một cuộc bầu cử có tính quyết liệt, vì các lựa chọn chắc chắn sẽ gây tranh cãi trong nội bộ cộng đồng gốc Việt, trong các gia đình người Việt, giữa các lựa chọn về cấp tiến và bảo thủ, giữa các thế hệ trẻ và già ở hải ngoại. Và chắc chắn là bầu cử tháng 11/2024 tại Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng tới cuộc chiến Trung Đông, cuộc chiến ở Ukraine, và ở cả Đài Loan. Tác động như thế nào, chúng ta khó đo lường hết tất cả các ảnh hưởng. Trong đó, một tác động lớn là từ tin giả, nói kiểu Mỹ là Fake News, tức là tin không thật.