Hôm nay,  

Ngô Thế Vinh: Nhà văn của một thời bão nổi

17/02/202410:20:00(Xem: 1565)
ngo-the-vinh
Nhà văn Ngô Thế Vinh.

1.

Trong một bối cảnh đất nước nhiễu nhương, hỗn loạn, nhà văn thường đóng một vai trò quan trọng bằng cách sử dụng ngôn từ của mình để phản ánh, phê bình, truyền cảm hứng và đôi khi thậm chí thách thức hiện trạng. Trong suốt chiều dài lịch sử, nhà văn phản ứng với những biến động khác nhau, cho dù đó là xã hội, chính trị hay văn hóa. Các nhà văn thường đóng vai trò là người quan sát nhạy bén về thế giới xung quanh. Trong thời kỳ hỗn loạn, họ có thể suy ngẫm về nguyên nhân và hậu quả của biến động xã hội, cung cấp những hiểu biết và phân tích có giá trị. Thông qua các tác phẩm của mình như tiểu thuyết, tiểu luận, kể cả những bài báo và xã luận, nhà văn có thể đưa ra những bình luận giúp người đọc hiểu rõ hơn về sự phức tạp của tình huống.
    Quan trọng hơn cả, văn học luôn là phương tiện mạnh mẽ để diễn tả những trải nghiệm của con người, kể cả những thời kỳ hỗn loạn. Nhà văn có thể sáng tác tiểu thuyết, truyện ngắn hoặc thơ ca nắm bắt được tác động về mặt cảm xúc và tâm lý của những thời kỳ hỗn loạn. Những tác phẩm này có thể phục vụ như một hình thức thanh lọc cho cả tác giả và độc giả.
    Tôi nghĩ về nhà văn Ngô Thế Vinh như thế suốt mấy chục năm qua từ khi có cơ hội đọc những cuốn tiểu thuyết của ông xuất bản trước 1975 cho đến mãi gần đây với những bài biên khảo giá trị về mối hiểm họa ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long do nguy cơ con sông Mekong đang bị thách thức trầm trọng.
    Tác phẩm của ông thường xoay quanh các chủ đề hướng về quê hương Việt Nam, những vấn nạn mảnh đất đang gánh chịu và những con người cùng khổ trong đó. Ông là nhà văn “nổi trôi” cùng vận nước, những tư duy siêu hình mang tính triết học không nằm trong bộ từ vựng của ông Ông viết từ trái tim của mình, và những điều đó đi thẳng vào trái tim người đọc.
 
2.
 
ntv 1
Cuốn tiểu thuyết Vòng Đai Xanh của ông được khởi viết từ những năm giữa của thập niên ‘60, khi có phong trào FULRO nổi dậy trên Tây Nguyên (1964). Lúc đó ông đang giữ chức Chủ bút báo Tình Thương (1963-1966), một cơ quan tranh đấu văn hóa xã hội của sinh viên Y khoa Sài Gòn. Cuốn sách được hoàn tất trong thời gian ông gia nhập Lực lượng Đặc biệt, giữ chức vụ Y sĩ trưởng Liên đoàn 81 Biệt cách Dù, với địa bàn hoạt động chính là Tây Nguyên, nhà Thái Độ xuất bản lần đầu năm 1970, và năm sau, được trao tặng giải thưởng Văn chương Toàn quốc bộ môn Văn.
     Khi Ngô Thế Vinh hoàn tất cuốn sách này, chiến tranh Việt Nam đang đi vào giai đoạn khốc liệt nhất, đó là đầu thập niên ‘70 khi chính quyền Mỹ đẩy mạnh cuộc “Việt Nam hóa” chiến tranh để tìm cách rút lui khỏi miền Nam trong danh dự sau khi nhận ra họ không thể chiến thắng bằng quân sự mặc dù đã đổ không biết bao nhiêu tài nguyên và xương máu vào cuộc chiến. Cuộc chiến kết thúc năm năm sau đó với một kết quả và hệ quả cực kỳ bi thảm cho một tập thể con người miền Nam, hoặc bị ném vào những trại giam khắc nghiệt mệnh danh là “trại cải tạo” hoặc phải bồng bế nhau liều chết vượt biên đi kiếm sống ở những chân trời xa lạ đầy trắc trở, khó khăn. Cuộc chiến đã gây chấn thương trong lòng dân tộc, một vết thương quá lớn đến nỗi dù đã gần nửa thế kỷ trôi qua từ ngày tiếng súng ngưng nổ mà dư âm và nỗi ám ảnh quá khứ vẫn đau nhức khôn nguôi trong tâm tư người dân Việt, dù ở bên này hay bên kia chiến tuyến.
    Sinh trưởng trong một bối cảnh lịch sử nhiễu nhương cộng thêm nhiệt huyết phẫn nộ của tuổi trẻ và lòng yêu quê hương tha thiết, nhà văn Ngô Thế Vinh đã hoàn tất tác phẩm của mình như một thực chứng cho một giai đoạn lịch sử. Vòng Đai Xanh được đánh giá bởi giới trí thức và phê bình là một trong những tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam trung thực nhất. Ở đây không thấy “ta-địch,” không thấy “chính-ngụy,” mà chỉ thấy nỗi thống khổ của những nạn nhân bất hạnh bị ném vào lò lửa chiến tranh bởi những mưu đồ thâm hiểm và tàn bạo của những thế lực đối nghịch sử dụng ý thức hệ và những lý tưởng tuy đẹp đẽ nhưng đầy màu sắc hoang tưởng để biện minh cho một cuộc phân liệt tranh giành ảnh hưởng, đất đai trong bối cảnh cuộc Chiến tranh Lạnh toàn cầu.
    Tác phẩm tiểu thuyết quan trọng khác nhà văn Ngô Thế Vinh viết trong thời đoạn này là cuốn Mây Bão. Cuốn sách – viết năm tác giả mới 19 tuổi, xét về mặt biên niên, là cuốn tiểu thuyết đầu tay – nhưng ngay cả thế, người đọc vẫn thấy sự tàn bạo của chiến tranh hiển hiện một cách đau đớn trên trang sách. Hãy đọc lại đôi dòng trong cuốn tiểu thuyết: “Đó là một thứ nhân đạo trong chiến tranh để tránh cho đồng bạn khỏi mòn mỏi đau đớn đi dần tới cái chết và thực tiễn hơn nữa là để khỏi phải rơi vào tay địch, khỏi phải sợ những trường hợp bị ‘fuite’ tin cơ mật.” Và cuộc “mổ sống” diễn ra như phân cảnh một cuốn phim kinh dị, rùng rợn quá sức chịu đựng cho một độc giả bình thường: “Vũ nhanh nhẹn cầm dao xẻ những mảnh da thịt vắt lên, kẹp máu các động mạch rồi đưa những nhát cưa xoèn xoẹt như cưa gỗ. Mặc sức cho con bệnh la hét chửi rủa giãy giụa trên mặt bàn đã bị siết cứng. Làm gì còn thuốc mê hay gây ngủ ở chốn đèo heo hút gió này…”
    Làm sao một thanh niên 19 tuổi lại có thể viết được những dòng chữ về những điều bạo tàn dường ấy? Nhiều khi tôi tự hỏi.
    Ngô Thế Vinh là một trong những nhà văn tích cực tham gia vận động và hoạt động thông qua tác phẩm của mình. Cụm từ “nhà văn dấn thân” có thể bị lạm dụng ở chừng mực nào đó, nhưng có lẽ khó tìm được một danh xưng nào khác nói về họ. Họ sử dụng ngòi bút như một nền tảng để nâng cao nhận thức về các vấn đề xã hội, sự bất công, thậm chí sự phẫn nộ, bất mãn. Nơi đây, nhà văn có thể truyền cảm hứng cho sự thay đổi bằng cách huy động dư luận và khuyến khích hành động tập thể. Trong thời kỳ hỗn loạn, nhà văn có thể thách thức các chuẩn mực, hệ tư tưởng hoặc quyền lực chính trị đã được thiết lập. Nhà văn Ngô Thế Vinh đã làm như thế với bút ký ngắn Mặt Trận Ở Sài Gòn.
    Trong thiên truyện này, nhà văn thuật chuyện một đám lính của ông đang đi hành quân bỗng bị gọi về thủ đô Sài Gòn để dẹp những đám người biểu tình. Cảnh huống mười phần vô lý đó đã khiến ông phẫn nộ phải hạ bút viết những dòng chữ: “Không lẽ những mộng tưởng binh nghiệp chỉ có thể biến chúng tôi thành những tên gác-dan cho bọn nhà giàu, một thứ cảnh sát công lộ chỉ đường trên dòng luân lưu của lịch sử… Rằng ngoài chiến trường súng đạn quen thuộc, họ còn phải đương đầu với một trận tuyến khác mỏi mệt hơn, đó là cảnh thối nát bất công của xã hội mà dân tộc đang phải hứng chịu trong tối tăm và tủi nhục…”
    Chẳng có gì ngạc nhiên, vì những dòng chữ đó mà Ngô Thế Vinh bị bắt ra hầu tòa với tội danh “phổ biến những luận điệu phương hại trật tự công cộng và làm suy giảm kỷ luật, tinh thần chiến đấu của quân đội…”
    Thật là khôi hài. Nhưng không phải vì thế mà Ngô Thế Vinh chịu khuất phục, ông vẫn tiếp tục viết như thế rải rác trên nhiều trang sách khác, chỉ vì ông là nhà văn của lương tâm. Ngoài vai trò một nhà văn, ông còn là một người lính, ông không muốn sự hy sinh của mình và các bạn đồng đội chỉ nhằm bảo vệ cho một “xã hội trên cao”, một xã hội hưởng thụ thừa mứa của “một đám người kêu gọi chiến tranh nhưng lúc nào cũng ở trên và đứng ngoài cuộc chiến ấy.”
 
3.
 
Với một tâm thức và cảm thức luôn hướng về đất nước, dân tộc, nhà văn Ngô Thế Vinh, khi bước sang lĩnh vực biên khảo, đã không chọn con đường dễ dãi ngồi nhà đọc vài cuốn sách rồi xướng lên thuyết này thuyết nọ. Ông chọn con đường gai góc hơn nhiều.
    Trong vòng mấy chục năm qua – với hai tác phẩm quan trọng gây tiếng vang không ít, Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy SóngMekong Dòng Sông Nghẽn Mạch, cộng thêm hàng chục tiểu luận biên khảo, nghiên cứu giá trị về những biến đổi nguy hại của hệ sinh thái sông Mekong – ông mặc nhiên được xem như một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này, và một cách ưu ái hơn, con chim “báo bão” về mối đe dọa thường xuyên và ghê rợn từ phương Bắc đối với sự sinh tồn của đất nước và dân tộc. Để thực hiện các bộ sách về sông Mekong ông đã lặn lội từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc xuống các quốc gia Lào, Thái Lan, Kampuchia và đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam. Qua các chuyến đi quan sát thực địa, ông đã tận mắt chứng kiến sự suy thoái bất khả đảo nghịch của con sông Mekong, “hậu quả dây chuyền của những bước khai thác tự hủy, tàn phá sinh cảnh, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường,” do chính sách phát triển kinh tế bất chấp hậu quả tai hại ra sao của nhà cầm quyền Trung Quốc, mà Việt Nam là quốc gia lãnh chịu hậu quả nặng nề và thiệt thòi nhất.
    Gần đây hơn, chính xác là năm 2023, ông liên tiếp tung ra một loạt những bài biên khảo về dự án kênh Phù Nam Techo, một thủy lộ vận tải đầu tiên của Kampuchia nối liền hệ thống sông Mekong và đường biển. Nhà văn Ngô Thế Vinh cảnh báo rằng con kênh này, do nhà nước Kampuchia đang gấp rút triển khai, “không chỉ có mục đích đơn thuần nhằm giải quyết những thách đố khó khăn trong lãnh vực vận chuyển đường thủy, nhưng xa hơn thế, đây là một Con Kênh Đa Năng với nhiều tham vọng, nhằm kích hoạt các hoạt động kinh tế và xã hội tới một tầm mức cao mới.” Và quan trọng hơn hết, sự phát triển có tính bừa bãi, bất chấp đến hệ sinh thái thiên nhiên, sẽ gây nên tình trạng tàn phá rộng rãi, “một Biển Hồ như trái tim của Kampuchia chỉ còn một nhịp đập thoi thóp do thiếu nước, không còn sáu tháng với nước sông Mekong chảy ngược vào Biển Hồ, nơi cũng là vựa cá lớn nhất và là nguồn protein chính của người dân Kampuchia.”
    Lời cảnh báo của nhà văn Ngô Thế Vinh từ mấy chục năm nay có tính tiên tri. Thực tế cho thấy, mùa khô những năm gần đây, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn thường xuyên xảy ra ở các địa phương vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Đơn cử thời điểm giữa mùa khô 2021-2022, nước mặn từ biển theo các kênh rạch xâm nhập sâu vào nội đồng các huyện Long Phú, Trần Đề, Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng với nồng độ mặn rất cao, gây ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.
    Báo chí địa phương và cả các cơ sở thông tin quốc gia cho biết là vào khoảng cuối tháng 2 năm 2022, nồng độ mặn đo được tại các trạm trên một số tuyến sông, kênh rạch ở các huyện tỉnh Sóc Trăng dao động từ 2,5 đến trên 18,4‰. Không chỉ thế, nước mặn từ biển ngày càng tiến sâu vào đất liền và ngâm lâu ở các kênh, rạch, gây nhiều khó khăn cho người dân lấy nước cho việc sản suất, sinh hoạt. Tại thành phố Cần Thơ, từ năm 2015 đến nay, một số khu vực thuộc địa bàn thành phố xuất hiện rõ nét tình trạng mặn xâm nhập từ biển vào qua tuyến sông Hậu.
    Liệu có ngày có hiện tượng “Cửu Long cạn dòng” không? Dĩ nhiên ta phải hiểu “cạn dòng” đây là cạn dòng nước ngọt, nước sẽ vẫn lênh láng trên mặt sông, nhưng là nước biển mặn, chẳng còn phù sa màu mỡ tưới khắp ruộng đồng nữa. Lúc đó có ai còn nhớ đến Ngô Thế Vinh không?
 
4.

ntv 3ntv 2 
Nhà văn Ngô Thế Vinh và tôi có mối giao tình từ lâu. Tôi quý mến và quý trọng nhân cách, tài năng của ông, ngược lại, ông cũng rất quý mến tôi. Điều đó tôi nghĩ một phần là do tấm lòng nhân hậu của ông. Sự nhân hậu đối với bằng hữu đã khiến ông cho xuất bản bộ sách Tuyển Tập Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật & Văn Hóa gồm hai tập. Đó là một bộ sách vẽ “chân dung” bằng chữ nghĩa các văn nghệ sĩ và các nhà văn hóa trong mắt nhìn của ông.
    Những chân dung văn học nghệ thuật và văn hóa, qua giọng văn đầy thân ái và nhân hậu của nhà văn Ngô Thế Vinh, là một công trình biên soạn phong phú tư liệu, một tập hợp quý hiếm quy tụ những khuôn mặt văn nghệ và văn hóa tiêu biểu của một thời đại vốn được xem là nhiễu nhương nhất của dân tộc, suốt nửa sau thế kỷ XX cho đến nay. Ngô Thế Vinh không khoác áo nhà phê bình, ông không làm kẻ đứng trên bục giảng nghiêm khắc phê phán tác phẩm hay sự nghiệp mỗi văn nghệ sĩ được nhắc đến. Ông không làm thế, bởi họ chẳng phải ai xa lạ mà chính là những bằng hữu văn nghệ, những vóc dáng tài năng, gần như trọn đời người, đã cùng ông dấn thân trên những chặng đường trắc trở nhất, trong những điều kiện ngặt nghèo nhất, để xây dựng một nền văn nghệ nhân bản đích thực và có giá trị nghệ thuật cao cho dân tộc. Ông mượn tác phẩm của họ như cái cớ để ngồi xuống nhẩn nha lần giở từng trang ký ức bộn bề, len lỏi vào từng ngõ ngách tâm hồn dưới lớp bụi dày thời gian, cố tìm lại những cung bậc hoài niệm mù tăm để làm nên những trang viết thật đẹp, thật ấm áp tình bằng hữu, thật chan chứa tình người. Tất cả những gì ông viết trong bộ sách gần như chỉ là những nét phác họa đại cương về con người, khung cảnh sống, hoàn cảnh sáng tạo của những văn nghệ sĩ, mà chính ông cũng là một thành viên. Đan xen vào đấy là những không gian và thời gian kỷ niệm, đầy ắp kỷ niệm, kỷ niệm nào cũng được nâng niu, trân quý như món bảo vật khó tìm. Tuy thế, đọc kỹ hơn, chúng ta có thể cảm nhận ra một điều, là bên dưới lớp sắc màu tương đối hiền hòa, dịu êm ấy là niềm xác tín chắc nịch, một cái nhìn quả quyết cộng thêm chút tự hào, về một nền văn nghệ, văn hóa miền Nam Việt Nam tự do thời kỳ 54-75 và, trong chừng mực nào đó, vẫn tiếp nối ở hải ngoại, mà sự đột phá về các mặt tư tưởng, nghệ thuật, nhân sinh, tưởng như chưa thời nào qua mặt nổi.
    Bộ sách hai tập ấy có những trang viết chân tình, đẹp đến nao lòng. Tình bằng hữu, nhất là bằng hữu văn nghệ, không phải một sớm một chiều có ngay. Từ điểm hội tụ, nó cần được chưng cất, tinh luyện nhiều tháng năm với tấm lòng chân thành, tha thiết. Điểm hội tụ đó chính là lòng đam mê văn chương, nghệ thuật mà Ngô Thế Vinh cùng các bằng hữu của ông có thừa.
 
5.
 
Hình như tố chất đam mê đã chảy rất sớm trong huyết quản nhà văn Ngô Thế Vinh. Chính niềm đam mê đã giúp ông suốt văn nghiệp có thể đảm nhận trách nhiệm bảo tồn ký ức văn hóa và lịch sử của xã hội Việt Nam trong thời kỳ nhiễu loạn. Thông qua các tác phẩm tiểu thuyết cũng như biên khảo, hoặc các tài liệu phi hư cấu, ông góp phần tạo nên ký ức chung và giúp đảm bảo rằng những câu chuyện quan trọng không bị lãng quên.
    Trong những thời điểm xung đột hoặc chia rẽ, ông đã cố gắng xây dựng những cầu nối hiểu biết giữa các nhóm khác nhau. Thông qua công việc của mình, ông nuôi dưỡng sự đồng cảm và thúc đẩy đối thoại, tìm kiếm điểm chung và tính nhân văn chung.
    Ngay cả trong những thời điểm đen tối nhất, một nhà văn như Ngô Thế Vinh vẫn có thể mang đến cảm giác hy vọng và cảm hứng. Thông qua lời nói của ông, chúng ta có thể đưa ra tầm nhìn về một tương lai tốt đẹp hơn, thúc đẩy các cá nhân kiên trì và hướng tới sự thay đổi tích cực.
    Nói như thế bởi tôi luôn luôn nghĩ ông là kẻ dầm mình đi trong bão tố để tìm con đường sáng sủa hơn cho tương lai dân tộc Việt Nam, một dân tộc chịu quá nhiều khổ đau và thiệt thòi.

 

Trịnh Y Thư

Ý kiến bạn đọc
27/02/202402:26:04
Khách
NHƯNG CÓ PHẢI là Nhà văn NTV " đi tìm con đường sáng sủa hơn cho tương lai dân tộc Việt Nam, một dân tộc chịu quá nhiều khổ đau và thiệt thòi " nhưng VẪN LÀM NGƠ hay KHÔNG CHỊU NHÌN THẤY những khổ đau và thiệt thòi cho dân tôc do CSVN GÂY RA ?
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Vũ Hoàng Chương là một nhà thơ lớn của nước Việt trong thế kỷ 20. Ộng có địa vi cao cả trên thì văn đàn miền Nam và là người duy nhất được tôn xưng là thi bá...
Những phân đoạn này thuộc vào phần có tựa là “Dưới những gốc nho biển,” nằm trong tiểu thuyết “Đường về thủy phủ.” Tuy nhiên, cũng như phân đoạn [1-3] tôi đã nói ở trên, nó vẫn mang đủ những yếu tố của một truyện ngắn. Hẳn nhiên người đọc sẽ thấy rõ đây là dụng ý của tác giả. Và chỉ đến lúc đọc xong trọn “Đường về thủy phủ,” thì mới có một suy nghiệm tổng thể, và có thể bật ra cách ráp nối những mảnh hình, những sự kiện, và lóe sáng một sợi dây xuyên suốt tác phẩm qua bản chất của các nhân vật, để từ đó hiểu rõ hơn chủ đề của nhà văn Trịnh Y Thư...
Bùi Giáng qua đời tại Sài-gòn tháng 10-1998, tới tháng 10 năm này, 2023, đúng là 25 năm, một phần tư thế kỷ “Vắng bóng người Điên giữa kinh thành”. Trong tất cả các bút hiệu của Bùi Giáng, Sáu Giáng là tên hiệu dễ thương với mọi người, Bùi Giáng lại thích “anh Sáu Giáng” nhất; bởi/từ cái gốc gác quê mùa, đồi sim, ruộng lúa, tiếng gà trưa, con cò bãi nước xa, cái nền nhà lát gạch hoa, đứa con thứ sáu trong gia đình tộc Bùi, thằng bé Giáng tập bò tập đi.
Tôi viết những cảm nhận ở đây căn cứ vào những trích đoạn đã phổ biến, không đặt nó vào bối cảnh toàn diện của cuốn tiểu thuyết “Đường Về Thủy Phủ”, vì cuốn sách chưa ra đời, nhưng cũng có được cái nhìn về thủ pháp bố cục truyện và văn phong của nhà văn Trịnh Y Thư...
Có cách nào để tìm hòa bình cho vùng Trung Đông? Hãy hình dung về một phép thần nào đó, làm cho quân Israel và quân Hamas buông súng, cùng bước tới bắt tay nhau bùi ngùi, nước mắt ràn rụa, cùng nói rằng tất cả chúng ta hãy sống như một trẻ em mới sinh ra, rằng hãy quên hết tất cả những ngày đau đớn cũ, và cùng trải bản đồ ra vẽ lại, sao cho các thế hệ tương lai không bao giờ nghĩ tới chuyện cầm súng giết nhau nữa. Hình như là bất khả. Đúng là có vẻ bất khả, để có thể sống như một trẻ em mới sinh ra đời. Chỉ trừ, vài thiền sư và nhà thơ. Tôi có một giấc mơ. Vua Trần Nhân Tông bay từ đỉnh núi Yên Tử tới vùng Gaza, ngay nơi cửa khẩu đang mịt mù khói súng. Bên ngoài cửa khẩu là hàng ngàn xe tăng Israel đang chờ tiến vào, bên trong là nhiều đường hầm và hố chiến hào nơi chiến binh Hamas thò mắt nhìn ra để chờ trận chiến cuối đời của họ. Ngay nơi cửa khẩu là một giáo sĩ Đạo Do Thái ngồi đối diện, nói chuyện với một giáo sĩ Đạo Hồi, trước khi họ có thể nhìn thấy đồng bào của họ xông vào nhau.
Tiểu thuyết gia, thi sĩ và kịch tác gia người Na Uy Jon Fosse – người ngày càng thấy số lượng độc giả trong thế giới nói tiếng Anh càng tăng vì những cuốn tiểu thuyết viết về những đề tài tuổi già, cái chết, tình yêu và nghệ thuật – đã được trao Giải Nobel Văn Chương hôm Thứ Năm, 5 tháng 10 năm 2023, “vì những vở kịch và văn xuôi đầy sáng tạo giúp tiếng nói cho những điều không thể nói,” theo bản tin của báo The New York Times cho biết hôm 5 tháng 10 năm 2023. Điều này đã làm cho Fosse trở thành người đầu tiên lãnh giải thưởng Nobel Văn Chương viết bằng tiếng Nynorsk. Ông là người Na Uy thứ tư đoạt giải này và là người đầu tiên kể từ Sigrid Undset trúng giải vào năm 1928. Là tác giả đã xuất bản khoảng 40 vở kịch, cũng như tiểu thuyết, thơ, tiểu luận, sách thiếu nhi và nhiều tác phẩm được dịch sang nhiều thứ tiếng, Fosse đã từ lâu được quý trọng vì ngôn ngữ bao dung, siêu việt và thử nghiệm chính thức của ông.
Kỷ vật, không trừu tượng, là một thứ gì bằng vật chất ghi lại, cưu mang, hoặc ẩn tượng một kỷ niệm nào đó. Loại kỷ niệm có động lực gợi lại những vui buồn, thương tiếc, nhớ nhung; có khả năng làm nhếch một nụ cười hoặc làm mờ khóe mắt. Có những kỷ vật dù đã mất nhưng không quên. Mỗi đời người càng sống lâu, càng có nhiều kỷ vật. Điều này cất vào kho tàng quá khứ, có hay không, nhiều hạnh phúc đã qua mà mùi hương không bao giờ xao lãng.
Có một tương đồng giữa Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden và Tổng Bí Thư CSVN Nguyễn Phú Trọng. Đó là đôi khi họ làm thơ. Nhưng dị biệt lớn giữa hai nhà thơ tài tử này chính là chủ đề, là nguồn cảm hứng để làm thơ. Nguyễn Phú Trọng làm thơ ca ngợi ông Hồ Chí Minh và những chủ đề tương tự, thí dụ, một lần ông Trọng làm ca ngợi khách sạn Mường Thanh Grand Phương Đông. Nhưng Tổng Thống Biden chỉ làm thơ tình, và chỉ tặng vợ thôi. Chúng ta không nói rằng thơ hay, hay dở, chỉ muốn nói rằng trong tâm hồn của Biden là hình ảnh thướt tha của Đệ nhất phu nhân Jill Biden. Và trong tâm hồn của ông Trọng là những khối xi măng có hình Lăng Ông Hồ, và rồi hình khách sạn Mường Thanh. Không hề gì. Thơ vẫn là thơ (giả định như thế). Bây giờ thì hai nhà thơ Joe Biden và Nguyễn Phú Trọng đã gặp nhau.
Truyện Thạch Sanh Lý Thông lưu truyền trong dân gian dưới hình thức chuyện kể truyền miệng chắc có đã lâu, phải hiện hữu trước khi ông Dương Minh Đức đưa bản văn sáng tác của mình sang bên Quảng Đông khắc ván ‒ cũng như đã từng đưa vài chục tác phẩm khác của nhóm, nhờ đó miền Nam Kỳ Lục tỉnh có được một số tác phẩm Nôm đáng kể mà người nghiên cứu Nôm thường gọi là Nôm Phật Trấn...
Sau tháng Tư năm 1975, tất cả những tác phẩm truyện ngắn truyện dài của các tác giả Việt Nam Cộng Hòa [1954-1975] đều bị chế độ mới, Xã hội chủ nghĩa cấm in ấn, phổ biến, lưu trữ. Tên tuổi tác giả, tác phẩm được công bố rõ ràng. Việc tưởng xong, là quá khứ. Bỗng dưng 32 năm sau năm, 2007, từ Hà Nội một nhà văn có chức quyền, có Đảng tịch, ông Phạm Xuân Nguyên, vận động, hô hào sẽ in lại một số tác phẩm Miền Nam, đang bị cấm. Trước tiên là 4 [bốn] tập truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu. Đó là các tác phẩm Đôi mắt trên trời, Cũng đành, Tiếng sáo người em út và Nhan sắc. Khi sách được phát hành có ngay phản ứng. Rất nhiều bài báo lần lượt xuất hiện liên tiếp trên các báo tại Sàigòn “đánh/ đập” ra trò. Hóa ra, những người vận động in lại sách là các cán bộ văn hóa từ Hà Nội. Hung hăng đánh phá là những cây bút… Sàigòn. Trong đó có Vũ Hạnh, một cán bộ nằm vùng, người trước kia bị chế độ Miền Nam bắt giam tù, Dương Nghiễm Mậu là một trong số các nhà văn, ký đơn xin ân xá cho Vũ Hạnh.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.