Hôm nay,  

Nỗi Buồn Của Thần Chết

17/06/202016:16:00(Xem: 2097)

(Truyện tâm linh giả tưởng)

Phiên đại triều của Thiên Đình cứ trăm năm một lần kỳ này diễn ra trong bầu không khí thật hoang mang, mệt mỏi. Thái Bạch Kim Tinh nay đã già yếu lắm rồi. Cụ tâu trình quên trước quên sau khiến Ngọc Hoàng Thượng Đế chau mày rồi cũng phải thông cảm, khoát tay ra hiệu cho qua. Nam Tào, Bắc Đầu tai đã nghễng ngãng, gầy ốm hom hem, vầng trán nhăn nheo vì quá căng thẳng với chuyện của trần gian. Bà Lê Sơn Thánh Mẫu có lẽ nhờ Vườn Đào và biết sửa sang sắc đẹp cho nên trông vẫn trẻ. Thiên Lôi tuy còn khoẻ nhưng kể từ khi loài người chế ra cột thu lôi thì ông chỉ còn “ vớ ” được một vài người ngu ngơ chẳng may lang thang ngoài đồng ruộng trong lúc trời mưa gió. Ngoài ra uy quyền của ông còn bị sứt mẻ vì Ngọc Hoàng Thượng Đế vừa bổ nhiệm thêm Ông Cuồng Phong Tornedo để lâu lâu ra oai cho trần thế biết tay. Còn Long Vương vì là mình rồng cho nên không biết ông ta có “lão hóa” đi không. Nhưng tính tình ông này hay “nổ sảng”, mưa nắng bất thường cho nên hạ giới đốt sớ tâu trình tai ương lụt lội về Thiên Đình không ngớt. Còn Thiên Binh, Thiên Tướng cũng chẳng có gì để báo cáo. Sau cuộc Đại Náo Thiên Cung của Tôn Ngộ Không, Thiên Đình êm ru, chẳng có cuộc phản loạn nào khiến Thiên Binh, Thiên Tướng, Thác Tháp Thiên Vương và Na Tra Thái Tử không có chuyện gì làm, tối ngày uống rượu, đánh cờ giải khuây, lính tráng để lè phè, đi phép liên miên.

Sau khi các quan đã lần lượt tâu trình đâu vào đó thì một người bước ra, qùy mọp dưới sân rồng. Thân hình  ông này khô đét, mắt sâu hoắm và được phủ kín bằng chiếc áo choàng đen rách bươm cho nên ông ta trông giống như một bộ xương biết đi. Tay ông ta cầm chiếc lưỡi hái, có lẽ vì xử dụng quá lâu ngày cho nên mòn trơ như chiếc lưỡi liềm. Nhìn thấy ông ta Ngọc Hoàng Thượng Đế ngạc nhiên hỏi:

- Ngươi là ai vậy ?

Nghe hỏi thế, có lẽ vì quá bi lụy, ông ta bật khóc hu hu, đáp:

- Muôn tâu Thượng Đế, kẻ hạ thần là Tử Thần đây!

- Thần Chết đấy hả, mới có trăm năm mà ta không nhận ra nhà ngươi ! Tại sao hình dung ngươi tiều tụy quá vậy? 

Nghe Ngọc Hoàng Thượng Đế hỏi thế Tử Thần  cảm thấy an ủi phần nào nhưng vẫn chưa trấn áp được niềm xúc động cho nên sụt sùi tâu:

- Hạ thần là kẻ khốn khổ nhất trong cái vũ trụ này. Kể từ lúc khai thiên lập địa tới giờ, Thiên Đình mới chỉ có vài ngàn năm nhưng hạ giới đã vài triệu năm. Chúng nó bây giờ đẻ đái nhiều quá, nhất là cái thằng Trung Hoa và thằng Ấn Độ. Cả thằng Việt Nam cũng thế. Năm 1954 mới có 45 triệu thế mà bây giờ đã 96 triệu ! Dân số thế giới giờ đây đã trên sáu tỉ. Chúng nó sinh đẻ nhiều dĩ nhiên phải chết nhiều. Mỗi khi chúng nó chết thì hạ thần phải cầm cái lưỡi hái này đi rước linh hồn chúng nó về Âm Phủ. Dù là sức thần thông nhưng hạ thần cũng không làm sao cho xuể. Suốt mấy triệu năm qua hạ thần một mình phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi. Thần không bao giờ được ăn uống nghỉ ngơi đàng hoàng vì cái chết không bao giờ báo trước, cho nên  hình hài cứ mỗi ngày mỗi tiều tụy đi ! 

Nói xong, có lẽ vì quá cảm khái cho nên Thần Chết lại bật khóc thút thít. Như thông cảm, Ngọc Hoàng Thượng Đế  gật gù, vuốt râu, nói:

- Vậy nhà ngươi muốn ta làm cái gì ?

- Hạ thần mạo muội xin Ngọc Hoàng cho nâng cơ quan của hạ thần lên cấp Phủ và cho tuyển thêm phụ tá cùng nhân viên thì hạ thần mới có thể chu toàn trách nhiệm mà Nhà Trời giao phó.

Sau vài giây suy nghĩ, Ngọc Hoàng Thượng Đế phán:

- Diêm Vương còn có Phán Quan, Quỷ Sứ và đầu trâu mặt ngựa phụ tá lẽ nào ngươi mang trọng trách như thế mà không có ai phụ giúp. Được rồi, ta chuẩn tấu nâng cơ quan của nhà người lên cấp Phủ, từ nay chỗ ngươi làm việc gọi là Diêm Phủ, vậy ngươi còn có gì để tâu nữa không?

- Khải tấu Ngọc Hoàng, còn chuyện này nói ra có thể phạm đến uy danh Nhà Trời. Nếu bệ hạ tha tội chết thì thần mới dám tâu trình.

- Chuyện gì ghê gớm vậy? Ngươi cứ nói cho trẫm rõ .

- Khải tấu Ngọc Hoàng. Trước đây chuyện sống chết là do bệ hạ quyết định. Nhưng kể từ ngày chúng nó chế ra bom nguyên tử và vũ khí giết người hàng loạt thì muốn giết cả triệu người cũng dễ như trở bàn tay. Khi tụi nó bấm nút rồi thì thực ra hạ thần chỉ làm cái công chuyện hợp thức hóa mà thôi. Lúc đó chuyện sống chết chẳng còn là chuyện của Trời Đất nữa mà là chuyện của con người với nhau. Bây giờ dưới trần gian chúng nó đang “cải số Trời” dữ lắm.

Nghe Thần Chết nói thế Ngọc Hoàng Thượng Đế đập bàn, giận dữ quát:

- Cha chả, đứa nào dám cãi lại ý Trời ? Ngươi nói lại cho rõ nếu không ta bỏ vào Lò Bát Quái giống như con khỉ già Tôn Ngộ Không năm xưa đó nghe !

        Thấy Ngọc Hoàng Thượng Đế nổi trận lôi đình, Thần Chết run run quỳ mọp xuống sân rồng rồi thu hết can đảm nói tiếp:

- Tâu Bệ Hạ, chuyện đó chưa ghê gớm bằng chuyện phá thai dưới trần thế bây giờ. Năm xưa chúng nó phá thai bằng thủ thuật nạo cho nên mỗi khi thấy chúng nó mang chậu, kẹp, muỗng ra thì hạ thần chờ đó để rước linh hồn  đứa hài nhi về Diêm Phủ. Thế nhưng bây giờ chúng nó chế ra thuốc phá thai. Người mẹ uống viên thuốc nhẹ nhàng giống như viên kẹo mà hạ thần cũng không biết đó là thuốc gì. Hài nhi trong bụng mẹ chết một cách êm thấm và bị trục ra ngoài lúc nào không hay. Nam Tào Bắc Đẩu chưa xóa sổ, thần chưa đến rước đi mà Con Người đã đưa một mạng người về Âm Phủ rồi. Bệ Hạ có thấy quyền uy của chúng nó mỗi ngày mỗi ghê gớm không ?

- Cha chả ! Tại sao Thái Bạch Kim Tinh không khải tấu ta vụ này sớm để trần gian làm loạn cả đất trời ?

- Tâu bệ hạ. Cụ Thái Bạch Kim Tinh có ém nhẹm vụ này thì chẳng qua cũng là để Nhà Trời được yên ổn. Theo thần nghĩ dù có tâu trình thì cũng chẳng giải quyết được gì cả !

Nghe nói thế, Ngọc Hoàng Thượng Đế nổi trận lôi đình:

- Cha chả ! Ngươi cũng cả gan về hùa với hạ giới để hạ uy linh của Nhà Trời phải không ? Thiên Binh, Thiên Tướng, Nhị Lang Thần đâu, đem Tử Thần  bỏ vào Lò Bát Quái cho ta!

Ngay lúc đó, Cụ Thái Thượng Lão Quân từ trong đại chúng, lật đật bước ra qùy tâu:

- Muôn tâu Bệ Hạ, Tử Thần đáng tội chết ! Tử Thần đáng tội chết! Nhưng xin Bệ Hạ bớt cơn thịnh nộ cho hạ thần sáng tỏ đôi lời. Tâu Bệ Hạ, Tử Thần làm cái công việc gớm ghiếc, chẳng học hành chữ nghĩa chi cả cho nên hắn  mới ăn nói lỗ mãng. Thực ra cái tội này mà khéo nói thì đó là tội của hạ giới chứ không phải tội của Thần Chết. Tâu Bệ Hạ, hạ thần nghe Táo Quân tâu trình nhiều chuyện khác còn động Trời hơn cả chuyện mà Thần Chết vừa nói, xuất phát từ  xứ Giao Chỉ  mà cũng không dám tâu trình.



- Lại chuyện động Trời nữa! Thái Thượng Lão Quân mà cũng có chuyện phỉ báng Nhà Trời sao?

- Khải tấu Ngọc Hoàng. Không hiểu phát xuất từ năm nào mà xứ Giao Chỉ chúng nó có câu hát “Con cóc là cậu Ông Trời”. Cứ thử tưởng tượng con cóc mà cậu của Bệ Hạ thì uy quyền Nhà Trời còn gì chứ ! Lại nữa, uy quyền của đàn bà xứ Giao Chỉ không hiểu sao lại quá lớn, đàn ông phần lớn đều râu quặp cho nên người dân xứ này mới có câu vè “Nhất vợ nhì Trời!”

- Trời ơi là Trời !

Ngọc Hoàng Thượng Đế chỉ thốt lên được như thế rồi mặt rồng đỏ gay, mắt long lên sòng sọc. Ngài đứng dậy, ôm đầu lảo đảo, té xỉu xuống ngai vàng khiến các Tiên Nga phải xúm lại để đỡ ngài lên. Rồi các tay tiên ra sức quạt liên tu bất tận, một hồi sau Ngọc Hoàng Thượng Đế mới lai tỉnh. Thấy Ngọc Hoàng Thượng Đế đã tỉnh lại, trăm quan mừng rỡ, đồng loạt quỳ xuống tung hô:

- Thánh Thượng vạn tuế ! Vạn, vạn tuế !

Thấy quần thần khó nhọc vì mình, Ngọc Hoàng Thượng Đế dù chưa tỉnh táo hẳn nhưng cũng gượng gạo nói:

- Cám ơn các khanh, các khanh hãy bình thân. Trẫm đây là Đấng Chí Tôn dĩ nhiên không thể suy nghĩ và hành động hồ đồ được. Nay dưới trần gian có nhiều chuyện xáo trộn như thế âu cũng là quy luật biến thiên của vạn vật mà trẫm và các khanh đây cũng không sao hiểu biết hết. Qua kỳ đại hội này trẫm mới biết uy quyền của Nhà Trời không hẳn tuyệt đối như người ta tưởng. “Ngoài Trời Lại Có Trời “ không hiểu dưới hạ giới tên nào nói câu đó thế mà linh thiêng!

Nói tới đây Ngọc Hoàng Thượng Đế ngừng lại,  nhìn Bà Lê Sơn Thánh Mẫu, ngao ngán hỏi:

- Thánh Mẫu là người hiểu hết lý lẽ cùng thông của Tạo Hóa, Thánh Mẫu có ý kiến gì không ?

Là người duy nhất ở Cõi Trời hiểu thấu nhân tình, thế thái ở trần gian, Bà Lê Sơn Thánh Mẫu nghe thế vội vàng bước ra giữa điện, quỳ tâu:

- Muôn tâu Bệ Hạ, thần trộm nghĩ có lẽ dưới hạ giới bây giờ âm thịnh dương suy, đàn bà, nhất là đàn bà ở Mỹ nhiều uy quyền quá. Có thể đó là nguyên do làm đảo lộn Đất Trời chăng?

Nghe Bà Lê Sơn Thán Mẫu nói thế cả triều đình đều lặng thinh không có ý kiến chi cả nhưng Ngọc Hoàng Thượng Đế còn bán tín bán nghi nên hỏi:

- Tại sao Âm thịnh Dương suy lại làm loạn Đất Trời ?

Bà Lê Sơn Thánh Mẫu đáp:

- Đêm là Âm và ngày là Dương. Nếu đêm dài quá tức Âm thịnh thì vạn vật cây cỏ thiếu ánh sáng, u sầu ảm đạm không sao tươi tốt được. Ở Xứ Giao Chỉ chúng nó có câu hát  rất thịnh hành “ Có khi đời hoa chóng già vì thiếu mặn mà “. Ngược lại nếu ánh sáng nhiều quá tức Dương thịnh thì tiết trời như sa mạc, cây cối khô cằn giống như một thằng cha thi sĩ nào đó nói “ Đời vắng em rồi say với ai !” Vắng đàn bà thì cuộc đời này giống như sa mạc vậy. Do đó mới có quy luật Âm Dương điều hòa. Nay đàn bà dưới hạ giới nhiều quyền quá cho nên đàn ông con trai sợ không dám lấy vợ. Rủi lấy vợ mà nó ly dị một cái thì chỉ có nước ra homeless. Mà đàn ông con trai sợ không dám lấy vợ thì các bà các cô chỉ có nước “chổng mông mà gào” hoặc du hí với những cô gái khác cho nên nạn Bê Đê và Lesbian ở hạ giới ngày càng gia tăng khủng khiếp, làm đảo lộn cả truyền thống gia đình đã mấy ngàn năm nay !

Nghe Thánh Mẫu nói thế mọi người ngơ ngác không hiểu gì cả vì Thiên Đình đã trừ tuyệt ái-dục cho nên không hiểu chuyện Bê Đê và Lesbian ra làm sao. Tuy nhiên lời tâu trình đó cũng làm giảm nhẹ tội cho Thần Chết và tự ái của Ngọc Hoàng được vuốt ve cho nên mặt rồng tươi tỉnh trở lại:

- Thôi, vì đức hiếu sinh trẫm tha tội cho Thần Chết và cho phép tâu trình lần cuối trước khi quay về hạ giới làm phận sự.

            Nghe Ngọc Hoàng Thượng Đế phán thế, Thần Chết mừng rỡ rập đầu thưa:

- Cảm ơn uy đức trời biển của Bệ Hạ. Nhưng hạ thần vẫn còn oan ức lắm. Thần làm cái công việc điều hòa sự sống sự chết trong Trời Đất đáng lẽ phải được mọi người thương mến quý trọng mới phải. Thế nhưng hạ thần toàn gặp chuyện bẽ bàng. Trần gian sợ hãi xa lánh thần đã đành nhưng Thiên Đình cũng chẳng ai muốn gặp thần. Cô Thần, Qủa Tú còn có vợ con. Còn hạ thần thì không những không vợ con mà cũng chẳng có ai thân thích họ hàng. Bất công hơn nữa, các Hung Thần, Ác Sát gieo tai họa cho loài người thì được loài người tạc tượng, lập đền thờ, cầu nguyện, khấn vái, cung phụng đủ thứ. Còn Táo Quân hằng năm chỉ về Trời báo cáo vu vơ cũng được lễ vật cúng kiếng, tiễn đưa long trọng. Xét ra hạ thần cũng đã phục vụ Nhà Trời lâu lắm rồi. Nay tuổi đã già, sức đã yếu, cúi xin bệ hạ rộng xét cho thần vài năm nữa được nghỉ ngơi, hưu trí.

            Nghe Tử Thần tâu thế, Ngọc Hoàng Thượng Đế  vội vã khóat tay, nói:

- Không được ! Không được! Uy quyền của Nhà Trời nằm trong Sự Chết. Nếu con người không chết nữa thì Nhà Trời cũng giống như cây củi mục. Ngoài ra nếu nhà ngươi về hưu bây giờ thì trần gian đại loạn ngay. Với cái nhịp đẻ đái như thế này mà loài người không chết thì lấy gạo đâu mà ăn ? Lấy nhà đâu mà trú? Lấy đất đâu mà ở ? Tuy nhiên ngươi khỏi lo. Khoảng một tỷ năm nữa - tức mười triệu năm trên Thiên Đình thì Thần Thái Dương tuyệt mệnh. Mặt Trời tắt rồi thì loài người sẽ tận thế, đương nhiên ngươi sẽ về hưu, về hữu vĩnh viễn, muốn có việc làm cũng chẳng được. Không có Sinh thì làm gì có Tử ? Loài người chết hết rồi thì lưu giữ Thần Chết để làm gì ? Thôi ngươi quay trở về trần gian ngay đi.

Nói xong, Ngọc Hoàng Thượng Đế ra lệnh bãi chầu và được các Tiên Nữ dìu vào hậu cung. Còn các quan thì cũng lục tục rút lui. Điện Diêu Trì phút chốc vắng tanh để lại một mình Thần Chết vẫn còn phủ phục trước sân rồng.

Giây phút sau, nặng nề chống chiếc lưỡi hái đứng dậy, vén mây nhìn xuống thế gian, Tử Thần sùi sụt:

- Thân phận mình cũng giống như thân phận thằng cha nhà đòn dưới hạ giới vậy !

Văng vẳng từ Cung Quảng Hàn, tiếng sáo của Hằng Nga vọng đến một điệu nhạc buồn xa vắng, kể lể nỗi buồn của người con gái ngàn năm lẻ bóng, như để chia xẻ với bao nỗi niềm cô đơn và bẽ bàng của Thần Chết - người làm chuyện hữu ích nhất cho thế gian nhưng cũng là chuyện mà thế gian kinh hoàng và thù ghét nhất.

Đào Văn Bình

(Trích trong tuyển tập Mê Cung do Ananda Viet Foundation xuất bản, Amazon phát hành 2019)

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sau khi nhổ răng, tôi xin anh nha sĩ trẻ mấy cái răng chết, khá thê thảm, để mang về. Lần trước cũng vậy. Anh tỏ vẻ thông cảm. “Bác giữ làm kỷ niệm?” “Vâng. Chúng nó theo tôi bảy mươi mấy năm rồi. Chiến đấu giỏi lắm. Giữ xác lại để nhớ.” Đúng. Răng kề cận người hơn tình nhân. Ở với người trung thành hơn vợ. Nói cắn là cắn, nói nhai là nhai, nói nhe là nhe, nói ngậm là ngậm. Tuyệt nhiên vâng lời, không cãi cọ gì. Chỉ có già đi, lỏng chân, rồi vĩnh biệt.
Gần đây cô cũng hay nghĩ về người chồng xấu số. Đúng ra cô thấy anh trong những giấc mơ. Cô thấy anh và cô đi dạo tại những nơi chốn thơ mộng của vùng đất cố đô nơi cô sinh ra và lớn lên. Những giấc mơ lạ, bởi cô gặp anh và kết hôn với anh khi cô đã vào Nam. Anh là người miền Nam và không hề ra thăm miền đất đó bao giờ. Nhưng trong giấc mơ cô thấy cô và anh thật rõ, khi thì ngồi bên nhau trong ngôi nhà cổ của ba mạ cô ở khu Gia Hội, khi thì thơ thẩn bên bờ sông Hương gần ngôi trường Trung học thân yêu của cô, khi thì đứng dưới bóng mát ngôi nhà thờ uy nghiêm sừng sững trên một ngọn đồi.
Trong buổi tiếp kiến ban biên tập nguyệt san “Phụ nữ Giáo hội Thế giới” của báo Quan sát viên Roma của Toà Thánh, trong tuần qua, dịp kỷ niệm 10 năm thành lập, Đức Thánh Cha khích lệ mọi người và nói: “Phụ nữ có khả năng nói ba ngôn ngữ: lý trí, trái tim và đôi tay”. Có phải Đức Thánh Cha muốn nói: Đối với phụ nữ ba điều này là một: Một người phụ nữ thông minh họ có thể dùng đầu óc mình để thành đạt trong học vấn, trong nghề nghiệp nhưng đồng thời với trí óc thông minh, trái tim mẫn cảm, họ cũng dùng thêm đôi tay của mình để tạo ra những sản phẩm đẹp đẽ và đầy trí tuệ, đầy tình yêu.
Trên Văn Việt ngày 16 tháng 2 vừa qua, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (University of New South Wales, Sydney, Úc) cho biết một số độc giả trên mạng đã hiểu một cách sai lầm rằng câu “Lưỡi lê no máu rửa Tây hồ” là thơ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Từ chuyện ngộ nhận ấy, nhiều vị viết lời bình luận rằng Vũ Hoàng Chương là một người sắt máu, chẳng khác gì Tố Hữu ngoài Bắc. Cũng qua câu trên, có người cho rằng thơ văn miền Nam thời Việt Nam Cộng Hoà cũng “máu me” lắm chứ chẳng nhân bản, nhân văn gì. Theo Giáo sư Tuấn, “Sự thật có lẽ không phải vậy, mà chỉ là một sự bịa đặt trong một cuốn tiểu thuyết, cuốn Ván Bài Lật Ngửa của tác giả Nguyễn Trương Thiên Lý” (tức nhà văn, nhà biên khảo, Ủy viên Tuyên huấn Trung ương Trần Bạch Đằng). Giáo sư Tuấn cho biết là câu ấy không có trong bài “Lửa từ bi” của Vũ Hoàng Chương, và chụp lại bài thơ “Từ đây” trong tập thơ Hoa Đăng của thi nhân họ Vũ (Sài Gòn : Văn Hữu Á Châu, 1959) để chứng minh rằng câu thơ ghê gớm ấy cũng không có trong đó:
Trong tiểu thuyết HIỆP KHÁCH HÀNH, nhà văn Kim Dung kể chuyện về cuộc phiêu lưu của chàng trai trẻ Thạch Phá Thiên từ năm 12 tuổi, không cha mẹ, anh em, họ hàng, bạn hữu, không học hành chữ nghĩa, không võ công, không tiền của, mà tình cờ lạc vào giữa chốn võ lâm giang hồ. Đọc xong bộ truyện, tôi tò mò muốn tìm hiểu bài thơ HIỆP KHÁCH HÀNH của thi hào Lý Bạch...
Ngày Xuân Phân là ngày chính giữa của mùa Xuân theo âm lịch và cũng là ngày đầu tiên của mùa Xuân ở Bắc bán cầu theo dương lịch (Vernal Equinox). Trong ngày này, thời gian của ban ngày và ban đêm bằng nhau, nói cách khác là âm dương cân bằng. Nhờ thế vạn vật bắt đầu sinh sôi nảy nở, hoa sẽ dâng hương cho niệm xuân tình. Trong một ngày lập xuân nhiều thế kỷ trước, Sư Huyền Quang [?] ngẫu nhiên bắt gặp hình ảnh một thiếu nữ bên song liền viết bài “Xuân Nhật Tức Sự”. Bài thơ tả người thiếu nữ đang thêu thùa, bỗng chim hoàng oanh líu lo từ lùm tử kinh bên ngoài khiến nàng ngừng mũi kim. Không tiếng lời vì xuân tràn trong ngỏ ý, ngoại cảnh cũng như tâm tư. Nói lời gì cũng bằng thừa khi mạch mới tràn dâng. Nụ đang chúm, không chỉ hoa, nụ còn là môi bung cánh sen, đỏ hường xuân thắm. Bởi vì bây giờ đã sang xuân. Xuân đang thì...
Ly dị, thông thường, bắt đầu bằng vết thương lòng. Những vết thương sâu đậm, máu chảy dai dẳng sẽ từ từ ẩn vào tiềm thức và ảnh hưởng vô thức hoạt động đưa ra những ý nghĩ về khuynh hướng ly hôn. Trong một số trường hợp, vết thương nhẹ, rướm máu sơ sài, nhưng bỗng dưng lớn chuyện, vì tự ái, vì tiếp tục tranh cãi, vì giận quá lỡ lời, vì bạo hành thiếu suy nghĩ. Từ đó, ly nước đã đổ xuống đất, làm sao để hốt lên? Trong một số trường hợp khác, có kẻ muốn ly dị vì nhiều lý do, từ tài chánh cho đến người thứ ba; từ xung đột trong đại gia đình đến thành công hoặc thất bại trên đường đời. Những trường hợp này vô cùng phức tạp, khó có thể giải thích cặn kẽ. Khó phân định lỗi phải. Tuy nhiên, có thể kết luận: Nếu yêu nhau đủ thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua. Nhà nhân loại học Paul Bohannan đưa ra lý thuyết về ly dị, trình bày sáu giai đoạn riêng biệt mà một cá nhân sẽ trải qua trên đường ly hôn. Bohannan xác nhận: sáu giai đoạn có thể xảy ra theo thứ tự khác nhau và với cường độ khác nhau
Buổi ra mắt tập thơ “Tháng năm là mộng đang đi” của Nguyễn Thị Khánh Minh đã hoàn tất, nhưng nhiều câu hỏi vẫn lơ lửng sau khi nhà thơ nổi tiếng này nói rằng ấn phẩm này có lẽ là tập thơ cuối cùng của chị. Không có lời giải thích rõ ràng vì sao tập thơ thứ 12 này có thể là ấn phẩm cuối cùng của chị, nhưng buổi ra mắt sách hôm 25/2/2023 tại một quán cà phê giữa Little Saigon đã để lại nhiều kỷ niệm trong những người yêu thơ tham dự.
Đã năm mươi năm trôi qua, nguyên nhân thực sự về cái chết của nhà thơ Pablo Neruda vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ đối với nhiều người trên thế giới. Ông đột ngột lìa đời sau cuộc đảo chánh năm 1973 của Chile. Pablo Neruda không chỉ là nhà thơ từng đoạt giải Nobel danh giá, mà còn là một trong những nhà hoạt động chính trị có ảnh hưởng nhất ở Chile. Pablo Neruda công khai theo chủ nghĩa cộng sản, thẳng thắn ủng hộ và làm việc trong chính quyền của Salvador Allende, vị tổng thống cánh tả của Chile, cầm quyền từ năm 1970 đến năm 1973.
Tôi viết về Nhạc sĩ Phạm Duy, một bài khá dài, nhiều chương, với một tình cảm thân thiết, rõ ràng, đơn giản, như ta nói thân hình ông ta chia làm ba phần đầu mình và tay chân, trong đầu có bộ não, vầy thôi, nhưng/ hẳn sẽ làm rất nhiều người không đồng tình. Thậm chí cay đắng, “Thằng này đã ca ngợi thằng kia”.Đây là những người vốn không thích, chẳng ưa, rất ghét Phạm Duy. Tôi không có quyền bình phẩm đúng sai. Tôi vẫn tôn trọng những người này. Vì tôi hiểu, Tự do phải cần được tôn trọng.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.