Hôm nay,  

Hòn Kẽm -- Đá Dừng

27/03/202407:54:00(Xem: 876)


quy 1
Tác giả ở bến thuyền sông Thu Bồn.


Rất nhiều lần trong những năm tháng xa quê, nhìn một áng mây, nghe một tiếng chim, một bản nhạc, cảm nhận thời tiết chuyển mùa, tôi bỗng thấy nhớ quê da diết, nơi ông bà cha mẹ gắn bó một thời gian dài vì tôi rời làng quê năm 12 tuổi, đi học, đi làm, biền biệt nửa thế kỷ nay. Những lần về thăm thường không nhiều ngày, ở với mẹ và người thân rồi đi, vốn hiểu biết của tôi về địa lý Quảng Nam, Quế Sơn nghèo nàn.
    Hôm đi Cần Thơ, đứa cháu gọi bằng chú kể chuyện đi Hòn Kẽm- Đá Dừng, ranh giới tự nhiên hiện nay giữa 2 huyện Quế Sơn-Hiệp Đức, một địa danh mà thời trung học và đến mãi sau này tôi vẫn nghĩ là vùng núi non hiểm trở phía thượng nguồn sông Thu Bồn, nơi được biết đến nhiều bởi trận lụt kinh hoàng ở Quảng Nam năm Giáp Thìn 1964.
    Nói đến nơi này, tôi lại liên tưởng đến 2 câu ca dao nghe được rất nhiều lần: “Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng / Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi”. Hồi mấy năm đầu trung học, mỗi dịp Quốc Khánh (26/10), quận (bây giờ gọi là “huyện”) tổ chức trại, các xã Phú Thạnh, Phú Hương, Phú Diên miệt Bà Rén, Mộc Bài; Sơn Phúc, Sơn Thượng phía trên Đèo Le thường là những xã dẫn đầu mọi mặt, các bạn học của tôi ở Trung Phước, Cà Tang vẫn nổi trội trong học hành sinh hoạt, có vẻ văn minh hơn dân xã tôi và các xã chung quanh dầu là dân miền núi, nghe nói vì là “dân đường nước”(*). Năm 1963 tôi cũng có dịp theo bạn đi xe đạp lên Trung Phước qua ngả Đèo Le và ngủ đêm lại nhà bạn ở Cà Tang.
 
quy 2
Thị trấn Trung Phước.
 
Nửa thế kỷ qua, vật đổi sao dời, cảnh vật đã thay đổi nhiều. Huyện lỵ Nông Sơn, chợ Trung Phước đã mặc một lớp áo mới như nhiều tỉnh thành, thị xã, thị trấn kể cả vùng cao trên toàn quốc. Tôi được đi qua cầu Trung Phước nơi xảy ra tai nạn chìm đò làm chết nhiều học sinh và được cả nước chung góp xây dựng qua vận động của báo Tuổi Trẻ.
    Những địa danh: Trung Phước, Cà Tang, Đại Bình, Bình Yên, Dùi Chiêng, Tí, Sé lần lượt hiện ra, lần lượt được nhìn thấy trên đường đi hay nhắc đến trên chuyến ghe máy ngược sông Thu lên Hòn Kẽm như được tái hiện qua những câu thơ của nhà thơ xứ này: Tường Linh.
    Quế Lộc, chợ Thơm ngày xưa là vựa lúa của cả vùng nhờ nhận phù sa sông Thu qua những mùa lụt bây giờ là những soi bắp bạt ngàn đã thu hoạch chỉ còn trơ lại những gốc khô và những cánh đồng 2 bên đường còn trơ rạ, những nơi nào không thể trồng hoa màu suốt từ Đèo Le đi lên là màu xanh bạt ngàn của bạch đàn và keo lá tràm, thứ nguyên liệu làm giấy, xẻ gỗ 1×3 đóng thùng đựng hàng đã làm thay da đổi thịt mọi vùng quê của Quế Sơn, Nông Sơn, Đại Lộc, Điện Bàn, Hòa Vang…
 quy 3
Cầu Nông Sơn.
 
Từ Đà Nẵng, theo đường Hương An lên Quế Sơn đúng 80km thì đến bến đò Cầu Treo Nông Sơn rồi thuê thuyền máy ngược dòng Thu Bồn để ngắm cảnh. Tôi cũng được nghe 2 câu ca dao này: “Sông Thu bên lở bên bồi / Nửa trôi về biển, nửa xuôi về nguồn”.
    Bây giờ đang là mùa nước cạn, dòng sông hiền hòa, nước lững lờ trôi, cảnh “lở-bồi” hiện ra rất rõ và phong cảnh 2 bên bờ sông tuyệt đẹp. Trong một lúc, người ta bỗng dưng quên hết những ồn ào phố thị, những đua chen áo cơm giành giật mà chỉ thấy hồn mình lắng xuống và hòa nhập với cảnh hữu tình của sông nước, của núi đồi! Riêng tôi, cứ nghĩ về 2 câu sau: Thương cha nhớ mẹ thì về / Nhược bằng nhớ kiểng nhớ quê thì đừng, cứ như là một nhắc nhở cho những ai có ước muốn tìm về sinh sống vì nơi đây quá nghèo, cuộc sống cơ cực và đồng tiền làm ra phải qua nhiều gian khó, nhất là đò giang cách trở. Mà có lẽ cũng đúng với vùng ven sông từ Tí, Sé ngược lên vì đất đồi núi trung du khô cằn.
 
quy 5
Nơi khúc sông Thu Bồn uốn lượn.
 
Suốt dọc dài từ bến đò Cầu Treo đi lên, tôi cố tìm câu trả lời bằng việc Cầu Nông Sơn quan sát đồi núi triền sông, nhà cửa thưa thớt thi thoảng có vài rẫy bắp, phần lớn còn lại cũng là keo lá tràm và bạch đàn nhưng nhìn thấy những con trâu ra sông tắm và uống nước, con nào cũng mập tròn như trái sim chín, vài chiếc xe máy của khách theo thuyền cũng Air Blade, cũng Nouvo, tệ nhất là Yamaha Sirius. Nên chăng chúng ta mừng cho đời sống cư dân nơi đây khi bỏ qua ý tưởng đua đòi của họ? Quan sát khi thuyền ngược sông Thu, tôi cố tìm coi đâu là Hòn Kẽm, đâu là Đá Dừng nhưng không thấy, hỏi tài công cũng không có câu trả lời chính xác mà chỉ nói chung chung. Thấy trên trang của Cục Du Lịch Việt Nam có bài viết cung cấp chi tiết:
 
quy 4
 
“Đây là khúc sông nằm giữa 2 dãy núi cao chừng 500m, có đoạn dòng rất hẹp bởi 2 vách đá với muôn vẻ hình thù kỳ bí nhô hẳn ra như để chắn ngang dòng nước nên có tên gọi Đá Dừng.
    Cái tên Hòn Kẽm-Đá Dừng có từ lâu đời và nơi đây gắn liền với những truyền thuyết dân gian đậm sắc màu huyền hoặc của núi, của sông, của bao phận người nghèo khó vùng hạ du sông Thu Bồn ngược dòng đi khai hoang, mở đất. Thu Bồn là con sông dài và lớn nhất của tỉnh Quảng Nam, với nhiều tên gọi qua từng chặng, từ phía thượng nguồn là sông Tranh, sông Thiêng rồi sông Thu Bồn, dằng dặc hơn 100km”. https:// vietnamtourism.gov.vn/ post/37552.
    Nghe kể lại là vào những đêm trăng sáng mùa hè, mặt sông mượt mà như một tấm thảm nhung, được đi thuyền trên sông hát hò, ngâm thơ, uống rượu với vài người bạn tâm tình thì có thể sánh với niềm vui của Lý Bạch. Nhưng vào mùa mưa, nước từ thượng nguồn đổ về, mực sông dâng cao có khi đến 3m cũng là một đe dọa khôn cùng.
    Chỉ với đúng 12 giờ, từ khi rời nhà (9h30 AM) đến khi trở về, vượt qua 160km, gần 2 giờ ngồi trên thuyền máy chưa kể thời gian dừng lại hỏi đường, mua đồ ăn thức uống và đón đưa những người quen biết đi cùng, chỉ có thể ghi vội những cảm nhận của mình như kỷ niệm về một chuyến đi thú vị về vùng đất mà tôi chỉ biết qua sách báo và nghe kể lại.

-- Nguyễn Hoàng Quý

(*) “dân đường nước” là từ chỉ những người từ quê theo ghe xuống vùng Vĩnh Điện, Hội An, ra Đà Nẵng buôn bán, sớm tiếp nhận nếp sống thành phố hơn những xã khác ở xa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Dù có nao nức đợi chờ hay hững hờ thờ ơ, dù có mong mỏi hay chẳng cầu vọng thì mùa xuân vẫn hiển hiện trong đất trời, trong lòng người. Nhớ ngày xưa còn bé, như muôn vạn đứa trẻ khác trên đời này, gã cũng mong chờ, nao nức tết để được lì xì, được mặc áo mới, được đi chơi thoải mái mà không bị la, được nghỉ học và không phải học bài…
Gần nửa thế kỷ rồi, mà giờ đây, nhắc tên Nguyên, trong trí nàng hiện lên hình ảnh nhà Hường, êm đềm, thân thiết. Lệ thường, khi nàng đến, Hường lôi tuồn tuột nàng vào phòng học. Ngang qua phòng khách, “giang sơn” của bạn bè anh Hưng, nàng liến thoắng chào hỏi các anh...
Ông bóc tờ lịch cuối cùng của năm 2023. Giao thừa bước vào 2024 đã qua năm phút, ông hồi hộp chờ chuông điện thoại reo. Từ năm Canh Thìn 2000 đến nay Giáp Thìn 2024, đã hai mươi bốn năm, mỗi năm ông đều nhận được hai cuộc điện đàm từ Paris vào giao thừa tây lịch và giao thừa âm lịch...
Tôi may mắn hơn nhiều người Việt sống bên ngoài Việt nam là được sống trong một thành phố không cần biết tiếng Anh vì mọi dịch vụ đều có người Việt phục vụ đồng hương. Dịch vụ mới nhất tôi nghe được trong chiều ba mươi từ người bạn bị mất việc hôm tháng trước, anh giao hết cho dịch vụ trương bảng nhận khai thuế nhưng có làm thêm dịch vụ xin tiền thất nghiệp, nghĩa là lo khâu xin việc mỗi tuần ở những hãng xưởng khác nhau theo yêu cầu của Sở thất nghiệp TWC để được hưởng tiền thất nghiệp hàng tuần nhưng bảo đảm không ai gọi đi làm đâu mà sợ. Tiền thất nghiệp cứ chuyển vào tài khoản nhà băng người thất nghiệp mỗi tuần, không phải lo gì hết ngoài việc trả cho dịch vụ vài chục bạc. Nghe xong không biết nên vui hay buồn với cộng đồng mình vào một chiều cuối năm ở hải ngoại.
Trong buổi họp chuẩn bị cho ngày liên hoan Tết năm ấy, cô giáo trẻ sung sức là tôi, cao hứng giao cho nhóm lớp trưởng lớp phó lo phần trang trí, mua bánh kẹo, nước uống, còn tôi sẽ nấu một nồi chè bà ba và một hũ đậu phộng rang...
Kể từ năm 1558, con ông Nguyễn Kim là chúa Nguyễn Hoàng vào cai trị Thuận Hóa, gọi là Đàng Trong. Đàng Ngoài là ngoài Bắc vẫn thuộc quyền của chúa Trịnh. Họ chia đôi đất nước, lấy sông Gianh làm giới tuyến. Rồi Trịnh Nguyễn đánh nhau suốt 200 năm vẫn không phân thắng bại, con sông Gianh oan nghiệt là đề tài cho bao nhiêu đau thương, bao nhiêu than vãn...
Bà vợ của Martsa đã ra khỏi phòng với thằng bé, còn lại tôi đối mặt với Martsa, không khí trong phòng như cô đặc lại. Toàn bộ sự chú ý của tôi tập trung vào bàn tay phải, tôi nắm chặt cây dao găm. Tôi xua hết ý nghĩ trong tâm trí, chỉ còn trong đầu một ý kiến: giết Martsa để trả thù cho chàng Khampa và cha anh ta...
Đã gần đến Tết. Trời vẫn rét căm căm nhưng có lẽ mùa đông năm nay Seattle không có tuyết. Nhiều năm giờ này băng giá đã phủ kín các cành cây khẳng khiu trụi lá. Toàn cảnh như một cánh rừng bằng pha lê lóng lánh, trông đẹp như trong cảnh thần tiên, nhưng bước ra ngoài trên mặt đất giá băng lại rất nguy hiểm. Trượt té gẫy xương là chuyện thường...
Mấy ngày nay John cứ như một cái xác vô hồn, vẫn ăn uống, vẫn đi làm như mọi người nhưng John chỉ làm theo quán tính; toàn bộ mọi hoạt động và nói năng cứ như thể lập trình sẵn trong người máy chứ không hề có mộtc cảm xúc gì về việc mình làm. Đâu phải chỉ tuần này, đã lâu rồi, cái tình trạng này trong John tiếp diễn khi thì lên cao lúc xuống thấp. John thấy đời mình vô vị và vô nghĩa quá, chẳng biết sống để làm gì...
Không có đồng hồ đeo tay nên tôi chẳng biết Oanh đã vào chợ được bao lâu rồi. Con nhỏ định để tôi chết đứng ở đây. Trời đã trưa, khu chợ vắng dần. Ôm cặp, áo dài trắng đứng trước chợ giờ nầy, chướng ơi là chướng. Tôi cúi mặt, không dám nhìn ai vừa rủa thầm con nhỏ...
Có lời bái hát xưa nào đó mà tôi còn nhớ loáng thoáng trong đầu, “ngoài kia tuyết rơi đầy, sao em không đến bên tôi chiều nay…” chỉ nhớ mỗi câu ấy thôi nên ngân nga cho đỡ buồn khi mỏi mắt nhìn ra cửa sổ… ngoài kia tuyết rơi đầy. Dù sao cũng đỡ nản hơn nhìn vào chỗ làm là những hàng bàn làm việc dài im lặng, những hàng ghế ngồi có bánh xe xếp ngay ngắn; tiếng nói cười của đồng nghiệp hoà quyện vào âm thanh phát ra từ máy móc đã lui về quá khứ như một triều đại huy hoàng đã lụi tàn. Mọi thứ chưa đóng bụi thời gian đã thành phế tích của nền kinh tế đã chết trước cả chính quyền điều hành nó là thực tế nước Mỹ.
Tôi lái xe về nhà, trong lòng nặng trĩu nỗi buồn, thương cho Vi và giận chồng của Vi quá, tôi đâm xe thẳng vào garage và xồng xộc đi vào nhà, chồng tôi có lẽ vẫn đang lúi húi trong bếp nên không thấy tôi. Thay quần áo, nằm lăn trên giường, tôi nghĩ đến những lời Thu nói, nếu như tôi lấy phải một người chồng như của Vi?