Hôm nay,  

Khi Phụ Nữ Xuống Đường Làm Lịch Sử

29/03/202400:00:00(Xem: 1328)

Hình-chính-lớn-trang-nhất
Biểu tình giữa Quảng trường Alameda và Quảng trường Rossio ở Lisbon, Bồ Đào Nha, vào ngày 8 tháng 3 năm 2024 để vinh danh Ngày Quốc Tế Phụ Nữ. (Ảnh của Lucas Neves/NurPhoto qua Getty Images)
 
Tháng Ba là tháng vinh danh những đóng góp của người phụ nữ cho xã hội, không chỉ ở Hoa Kỳ mà còn ở nhiều nước khác.

Nhà văn người Anh Charlotte Brontë (1816-1855) đã viết trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của bà “Jane Eyre,” được xuất bản vào năm 1847, rằng, “Tôi không phải là chim; và không có cái lưới nào bẫy được tôi: Tôi là một con người tự do với ý chí độc lập.”

Charlotte Brontë đã khai hỏa trên mặt trận văn chương cho cuộc chiến kéo dài hàng nhiều thế kỷ để đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ trong xã hội mà tới hôm nay vẫn chưa thực sự chấm dứt. Những thanh thiếu nữ tại Afghanistan đã và đang bị cấm thừa hưởng nền giáo dục học đường mà đáng lý ra các em phải có được! 

Nhưng, không phải chỉ ở thời đại của tác giả “Jane Eyre” người phụ nữ mới gióng lên tiếng nói tự do và độc lập mà trong lịch sử nhân loại từ xưa tới nay người phụ nữ đã bao lần lên tiếng, xuống đường để tranh đấu cho tự do và độc lập của họ cũng như của xã hội và đất nước họ.

Bạn đừng tưởng người phụ nữ trông “liễu yếu đào tơ” thì không đủ nghị lực để làm nên những chuyện mà các đấng mày râu làm được. Không đâu! Người phụ nữ bình thường nhìn có vẻ mảnh mai, dịu hiền thế đấy, nhưng khi gặp chuyện lớn cần làm thì họ sẽ biến sức mạnh “mềm” thành sức mạnh cứng vô song làm đảo lộn càn khôn và tạo nên lịch sử, chứ chẳng chơi đâu.

Bạn không tin ư? Vậy, nhân tháng ba vinh danh phụ nữ, xin kể vài câu chuyện liên quan đến những đóng góp to lớn của người phụ nữ cho đất nước và xã hội, mà cụ thể là qua những cuộc xuống đường phản kháng lịch sử của phụ nữ. Trước hết là chuyện người phụ nữ Việt Nam.
 
Phụ nữ Việt đánh đuổi giặc Tàu xâm lăng
 
Đúng như tục ngữ Việt Nam có nói, “giặc tới nhà, đàn bà phải đánh,” tháng 2 năm 40 sau Tây lịch, Trưng Trắc cùng em gái là Trưng Nhị đã tập họp các Lạc tướng người Việt thuộc Âu Lạc và Nam Việt cũ đứng lên chống lại sự cai trị hà khắc của nhà Hán. Họ đặt cứ địa tại Hát Giang, nay là xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội, theo Đào Duy Anh trong “Lịch sử cổ đại Việt Nam” (2005).

Nguyên nhân gần của cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là vào khoảng năm 39, 40 sau Tây lịch, Thái thú nhà Hán là Tô Định đã giết chết Thi Sách là chồng của bà Trưng Trắc đã làm bùng lên ngọn lửa căm thù của người Việt đối với chính sách cai trị tàn bạo của nhà Hán. Sử liệu cũng ghi rằng quân của Hai Bà Trưng đã chiếm được 65 thành ở Lĩnh Nam và đuổi Tô Định chạy về Tàu. Sau khi đánh đuổi quan quân nhà Hán, Trưng Trắc lên làm vua, xưng là Trưng Nữ Vương, hay còn gọi là Trưng Vương.

 Trưng Nữ Vương làm vua được 3 năm thì bị nhà Hán sai Mã Viện là Phục Ba Tướng Quân đem quân theo hai ngả, đường bộ và đường thủy, sang đánh. Quân Hai Bà không đủ sức kháng cự nên phải lui về giữ Cẩm Khê, cũng thuộc khu vực Hà Nội ngày nay, để cố thủ. Nhưng vì quân đội Hai Bà gồm nhiều thành phần ô hợp, nên năm 43 sau Tây lịch quân nhà Hán đã đánh bại quân Việt. Sử Việt ghi rằng khi thấy không chống cự nổi với quân Hán, Hai Bà đã nhảy xuống Sông Hát tự vẫn để bảo toàn khí tiết.

Điều đặc biệt là trong đoàn quân của Hai Bà Trưng có tới 70 vị tướng lãnh, mà trong đó đa phần là nữ tướng. Điều này đã được chứng thực qua các đền thờ những vị nữ tướng này hiện còn tại miền Bắc Việt Nam và miền Nam Trung Hoa. 

Hai trăm năm sau ngày Hai Bà Trưng gieo mình xuống dòng Sông Hát tự vẫn và nhà Hán áp đặt nền đô hộ lên dân Việt, sử Việt ghi thêm một nữ anh hùng dân tộc đứng lên chống lại giặc ngoại xâm phương Bắc. Đó là cuộc khởi nghĩa chống quân Đông Ngô của Bà Triệu, còn gọi là Triệu Ẩu, hay Triệu Thị Trinh.

Theo Trần Trọng Kim trong “Việt Nam Sử Lược” (1968), Bà Triệu sinh ngày 8 tháng 11 năm 226 sau Tây lịch tại Quan Yên, quận Cửu Chân, nay thuộc làng Quan Yên, xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Bà Triệu mồ côi cha mẹ từ lúc còn bé, nên ở với người anh tên Triệu Quốc Đạt, là một hào trưởng, có nơi cho là một huyện lệnh ở Quan Yên. Bà Triệu giỏi võ nghệ và có chí lớn. Đến năm 19 tuổi, Bà Triệu vào núi Nưa ở Thanh Hóa để chiêu mộ hơn hai ngàn dũng sĩ chuẩn bị khởi nghĩa chống giặc nhà Đông Ngô tàn ác với dân Việt. Mùa xuân năm 248, Bà Triệu cùng với anh là Triệu Quốc Đạt dấy binh khởi nghĩa từ núi Nưa và Yên Định đánh chiếm huyện Tư Phố là căn cứ quân sự lớn của quân Đông Ngô ở Cửu Chân. Thừa thắng, quân Bà Triệu chuyển xuống vùng đồng bằng Sông Mã hoạt động công khai.

Khi Triệu Quốc Đạt tử trận, các nghĩa quân tôn Bà Triệu lên làm chủ soái. Bà đã phối hợp với anh em họ Lý ở Bồ Điền để đánh chiếm các vùng còn lại ở phía Bắc Thanh Hóa và xây dựng tuyến phòng thủ từ Bồ Điền đến cửa biển Thần Phù, Thanh Hóa để ngăn viện binh của giặc nhà Ngô.

Khi tin tức về cuộc khởi nghĩa đến Đông Ngô, Ngô Tôn Quyền đã phong tướng Lục Dận làm Thứ sử Giao Châu, An Nam hiệu úy và đem 8,000 quân sang đàn áp cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu. Bà Triệu cùng nghĩa quân đã chiến đấu ác liệt để bảo vệ căn cứ Bồ Điền, nhưng vì thiếu binh lính và hậu cần hỗ trợ nên Bồ Điền bị bao vây cô lập và chỉ chống cự được hơn hai tháng. Theo Trần Trọng Kim trong “Việt Nam Sử Lược,” Bà Triệu đã chống cự với quân nhà Ngô được nửa năm mới thua. Bà đã tự vẫn trên núi Tùng, thuộc xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa vào năm 248, lúc đó bà mới 23 tuổi. Tại núi Tùng hiện vẫn còn di tích lăng mộ của Bà Triệu.

Thì ra, phụ nữ Việt đã làm vua trước phụ nữ Tàu tới 7 thế kỷ, vì bà Võ Tắc Thiên (624-705) lên làm vua nước Tàu vào cuối thế kỷ thứ 7 đầu thế kỷ thứ 8. Trong khi đó Bà Trưng Trắc lên ngôi Trưng Nữ Vương của Việt Nam vào thế kỷ thứ nhất Tây lịch.

Bây giờ kể sang chuyện quý bà bên Mỹ, bên Tây, bên Phi Châu xuống đường làm lịch sử như thế nào.
 
Phụ nữ Mỹ chống thực dân Anh
 
Các bạn có thể đã nghe nói đến vụ người dân Mỹ đổ bỏ những thùng trà xuống Hải Cảng Boston vào thế kỷ thứ 18 để chống đối luật thuế của đế quốc Anh áp đặt lên dân thuộc địa Bắc Mỹ. Nhưng bạn có biết chuyện một người phụ nữ Mỹ đã sáng lập Đảng Tea Party để chống thuế Anh và tạo đòn bẩy cho cuộc Cách Mạng Mỹ sau đó?

Người phụ nữ ấy là Penelope Barker, mà tên gọi đủ của bà là Penelope Hodgson Craven Barker (1728-1796), theo www.en.wikipedia.org. Bà là nhà hoạt động đã tổ chức cuộc tẩy chay hàng hóa Anh vào năm 1774 được dàn dựng bởi một nhóm phụ nữ trong Edenton Tea Party. Đây là cuộc phản kháng chính trị đầu tiên của phụ nữ tại Mỹ. Bà được biết như là một nhà ái quốc của cuộc Cách Mạng Mỹ. Bà đã thành lập Đảng Edenton Tea Party với 50 người phụ nữ khác, sau khi Đảng Boston Tea Party ra đời 10 tháng trước. Bà đã viết tuyên ngôn đề xuất một cuộc tẩy chay hàng hóa, áo quần và trà của Anh. Vào ngày 25 tháng 10 năm 1774, Barker và những người ủng hộ, Edenton Ladies Patriotic Guild, họp tại nhà của Elizabeth King để ký kiến nghị Edenton Tea Party phản đối Luật Trà vào năm 1773 của Anh.

Hình biếm họa chính trị về Edenton Tea Party đã được đăng lên báo chí tại London, Anh. Hình biếm họa chính trị này đã mô tả những phụ nữ là những người mẹ tồi với đạo đức lôi thôi và nhận được nhiều lời chế giễu khinh thường phụ nữ. Bản kiến nghị đã được đăng lên các tờ báo tại thuộc địa Anh ở Mỹ và tại London. Barder cũng đã gửi một “lá thư nẩy lửa” tới London.

Ngược lại, báo chí của người Mỹ ở Thuộc Địa thì ca ngợi những phụ nữ này như là những nhà ái quốc. Nhiều phụ nữ khác đã noi gương phản kháng bằng việc từ bỏ trà. Các phụ nữ miền Nam khiêu vũ trong những chiếc váy dạ hội làm bằng vải dệt ở nhà, mà đã khơi mào cho phong trào dệt vải tại nhà. Phụ nữ miền Bắc tự sản xuất vật liệu làm tại nhà. Một chiếc tàu chất đầy trà nhập cảng của công ty East India Company đã bị nhốt ở cảng Charles Town, South Carolina qua nhiều tháng bởi vì nó không thể bán được với thuế.
 
Phụ nữ Tây xuống đường làm cách mạng
 
Vào lúc khởi đầu cuộc Cách Mạng Pháp các phụ nữ Pháp đã có cuộc xuống đường, được gọi là Cuộc Tuần Hành Của Phụ Nữ Ở Versailles (The Women's March on Versailles). Giận dữ vì giá cả cao và thiếu bánh mì trong các ngôi chợ, những người phụ nữ đã bắt đầu nổi loạn, xông vào kho vũ khí để lấy khí giới và những đàn ông làm cách mạng đã tham gia cùng với họ, tụ tập tại lâu đài Versailles. Họ đến đó vào rạng sáng ngày 6 tháng 10 năm 1789, chiếm phòng ngủ của Vua Louis XVI và buộc ông, gia đình ông và triều thần trở lại Paris.


Những người làm cách mạng đòi hỏi cải tổ chính trị tự do và lập thể chế quân chủ lập hiến cho nước Pháp. Cuộc xuống đường này đã chấm dứt độc quyền của nhà vua và báo trước sự quân bình quyền lực mới mà cuối cùng thay thế các trật tự đặc quyền đã được thiết lập của giới quý tộc Pháp để ủng hộ thường dân, được biết như là Đẳng Cấp Thứ Ba, nói nôm na là công dân hạng ba. Cuộc tuần hành tới Versailles của giới phụ nữ đã chứng thực đó là thời khắc của cuộc Cách Mạng bằng việc quy tụ mọi người đến với nhau đại diện cho nguồn gốc của Cách Mạng với số lượng đông đảo chưa từng có.
 
Phụ nữ Tân Tây Lan đòi quyền bỏ phiếu
 
Vào năm 1891, khi một dự luật được đưa vào Quốc Hội Tân Tây Lan (New Zealand) cho phép người phụ nữ quyền bầu cử, nhiều nhà hoạt động đòi quyền bỏ phiếu địa phương đã phân phát các kiến nghị trong khắp nước để kêu gọi ủng hộ. Chín ngàn phụ nữ đã ký tên vào kiến nghị; dự luật đã được thông qua tại Hạ Viện nhưng đã bị đánh bại tại Thượng Viện. Năm sau đó, dự luật này lại được vào quốc hội lần nữa. Lần này có 20,000 phụ nữ đã ký tên vào kiến nghị, nhưng dự luật cũng đã bị đánh bại tại Thượng Viện. Rồi, vào năm 1893, dự luật ấy lại được giới thiệu vào quốc hội lần thứ ba; 32,000 phụ nữ, tất cả phụ nữ gốc Châu Âu tại Tân Tây Lan, đã ký kiến nghị gửi tới Quốc Hội. Khi nó được thông qua tại Hạ Viện, các nhà vận động bầu cử đã tổ chức các cuộc tập họp đông người và gửi hàng loạt điện tín để thuyết phục các thành viên Thượng Viện. Họ đã thành công; dự luật đã được thông qua với tỉ số phiếu 20 trên 18, và thủ hiến thuộc địa đã ký ban hành luật, đánh dấu lần đầu tiên quốc gia tự trị Tân Tây Lan cho phép phụ nữ bỏ phiếu bầu cử.
 
Phụ nữ Nga xuống đường lật đổ Sa hoàng
 
Dù các phụ nữ tại Mỹ và Châu Âu đã tổ chức tuần hành “Ngày Phụ Nữ Quốc Tế” qua nhiều năm, các phụ nữ ở Nga đã biến ngày này thành một mức độ mới vào năm 1917. Ngày 8 tháng 3 (theo lịch Nga thì vẫn còn trong tháng 2), các nữ công nhân dệt may tại thành phố Petrograd (hiện nay là thành phố Saint Petersburg) đã xuống đường biểu tình, đòi hỏi chấm dứt Thế Chiến Thứ Nhất, chấm dứt việc thiếu hụt thực phẩm, và chấm dứt sự cai trị của Sa hoàng. Khi chính quyền Nga bắt đầu hạn chế việc phân phối bột mì và bánh mì, những tin đồn về thiếu hụt thực phẩm đã lan rộng và các cuộc bạo loạn vì bánh mì đã bùng nổ khắp thành phố Petrograd.

Những phụ nữ đã kêu gọi các nam công nhân tại các hãng xưởng cùng tham gia biểu tình với họ, và theo nhà cách mạng Leon Trotsky, có tới 90,000 người đã xuống đường hôm đó. Vào ngày kế tiếp, 9 tháng 3, gần 200,000 người biểu tình tràn ngập các đường phố. Đến ngày 10 tháng 3, gần như tất cả các hãng kỹ nghệ tại Petrograd đều bị đóng cửa bởi cuộc nổi dậy. Mặc dù tất cả mọi cuộc tụ tập trên đường phố đều bị cấm tuyệt đối, khoảng 250,000 người đã xuống đường biểu tình, theo John Shelton Curtiss viết trong “The Russian Revolutions of 1917,” Van Nostrand xuất bản năm 1957. Kết quả là chưa đầy một tuần sau đó, Sa hoàng đã phải thoái vị. Kể từ năm 1975, Liên Hiệp Quốc đã lấy ngày 8 tháng 3 làm Ngày Phụ Nữ Quốc Tế.
 
Phụ nữ Abeokuta xuống đường đòi nữ quyền
 
Abeokuta hiện nay là một thành phố thuộc nước Nigeria, nhưng vào thập niên 1940s, thì nó là một thành phố thuộc địa nằm dưới sự kiểm soát của thực dân Anh thông qua một vua bù nhìn địa phương.

Ở đó, có người phụ nữ tên là Funmilayo Ransome-Kuti (1900-1978) đã sáng lập “câu lạc bộ phụ nữ” cho những phụ nữ có học như bà. Nhưng ngay sau đó Kuti và câu lạc bộ của bà hợp nhất với các phụ nữ đi chợ bị đóng thuế bất công. Qua cuộc đấu tranh kéo dài, hàng chục ngàn phụ nữ đã xuống đường, đã hát vang những bài ca mắng nhiếc bên ngoài khu nhà ở của vị vua bù nhìn. Theo Hannah Jewell của báo The Washington Post trong cuốn sách “She Caused a Riot” của bà, thì những phụ nữ đã lột áo quần và đánh các quan chức đàn ông là những người chống đối họ. Một số các phụ nữ già có thể cũng đã tham gia vào cuộc cách mạng này. Nó mất một chút thời gian, nhưng có hiệu quả: thuế đã bị đảo ngược, và vị vua bù nhìn đã phải thoái vị và sống lưu vong.

Fumilayo Ransome Kuti sinh ra tại Abeokuta mà hiện nay là Ogun State. Bà là phụ nữ đầu tiên vào học Trường Abeokuta Grammar School. Khi còn thanh nữ, bà làm nghề dạy học, tổ chức một số lớp học mẫu giáo đầu tiên tại nước này và sắp xếp các lớp học xóa mù chữ cho những phụ nữ nghèo. Vào thập niên 1940s, bà thành lập Hiệp Hội Phụ Nữ Abeokuta và cổ võ nữ quyền, đòi hỏi phụ nữ được đại diện nhiều hơn nữa trong các cơ chế chính quyền địa phương và chấm dứt thuế bất công đối với phụ nữ đi chợ.

Khi-phu-nu-xuong-duong-02

Các phụ nữ tại Lesotho, Nam Phi biểu tình chống bạo lực đối với phụ nữ trong cuộc biểu tình kỷ niệm Ngày Phụ Nữ Toàn Quốc tại Đại Học National University of Lesotho. (Photo: By K. Kendall - originally posted to Flickr as National Women&#039s Day, CC BY 2.0, https://commons.wikimedia.org)  

 
Phụ Nữ Nam Phi: Đánh phụ nữ là chọi đá, chỉ có chết thôi!
 
Có rất nhiều việc khủng khiếp về chế độ kỳ thị chủng tộc tại Nam Phi. Một trong những điều tồi tệ nhất là “luật đi lại” mà trong đó cấm đàn ông da đen di chuyển tự do trong đất nước mà không có giấy phép. Vào năm 1952, chính quyền áp dụng luật này cho phụ nữ đã khơi dậy những cuộc biểu tình chống đối.

Vào ngày 9 tháng 8 năm 1956, gần 20,000 phụ nữ tham gia vào cuộc biểu tình tại thủ đô Pretoria của Nam Phi. Đó là cuộc tập họp đa chủng tộc đáng ghi nhớ đối với một quốc gia nơi mà sự kết hợp chủng tộc đã bị cấm. Các lãnh đạo cuộc biểu tình đã tuyên đọc những kiến nghị chống lại luật đi lại của chính quyền, rồi đám đông người biểu tình đứng im gần nửa tiếng đồng hồ trước khi cùng hát lên. Lời ca viết rằng:

“Bạn đánh phụ nữ,
bạn đánh vào tảng đá,
bạn sẽ bị nghiền nát!”

Bản nhạc có tên “Rallying Call For Women,” theo Alistair Boddy-Evans trong “Women's Anti-Pass March on the Union Buildings, Pretoria,” 2014.
 
Phụ nữ Ái Nhĩ Lan nghỉ làm, bỏ mặc đàn ông, đòi bình đẳng
 
Vào ngày 24 tháng 10 năm 1975, phụ nữ Ái Nhĩ Lan (Iceland) không đến sở làm cũng không thèm làm việc nhà, kể cả việc nuôi con ở nhà. 90% phụ nữ đã tham gia, gồm các phụ nữ trong những cộng đồng nông thôn. Các hãng làm cá bị đóng cửa vì nhiều công nhân là phụ nữ. 

Trong Ngày Nghỉ đó, 25,000 trong số 220,000 dân số tại Ái Nhĩ Lan đã tập họp tại trung tâm thủ đô Reykjavik của Ái Nhĩ Lan để biểu tình. Tại cuộc tập họp, các phụ nữ nghe diễn thuyết, ca hát và trò chuyện với nhau về điều gì có thể làm được để đạt tới sự bình đẳng giới tính tại Ái Nhĩ Lan. Có nhiều diễn giả, gồm một bà nội trợ, 2 thành viên của quốc hội, một đại diện của phong trào phụ nữ, và một nữ công nhân. Người phát biểu cuối cùng của ngày hôm đó là Aðalheiður Bjarnfreðsdóttir, người đại diện Sókn, công đoàn của phụ nữ được trả lương thấp nhất tại Ái Nhĩ Lan, theo bài viết “The day the women went on strike,” được đăng trên báo The Guardian vào ngày 18 tháng 10 năm 2005, cho biết.

Các nhân viên đã chuẩn bị cho ngày không có phụ nữ bằng cách mua kẹo, bút chì, và giấy để làm vui trẻ em mà được những người cha mang tới sở làm. Kết quả là xúc xích, món ăn phổ biến, được bán sạch tại nhiều cửa tiệm ngày hôm đó.

Một Ngày Nghỉ đó đã có tác động lâu dài và đã trở thành nổi tiếng với tên gọi là “Thứ Sáu Dài.”

Quốc hội Ái Nhĩ Lan đã thông qua luật bảo đảm quyền bình đẳng trong năm sau đó. Cuộc biểu tình cũng đắp đường cho cuộc đắc cử của Vigdís Finnbogadóttir, là nữ tổng thống được bầu một cách dân chủ đầu tiên trên thế giới 5 năm sau Ngày Nghỉ đó tức năm 1980.

Ngày 24 tháng 10 năm 2023, cuộc biểu tình cả ngày lần thứ hai của phụ nữ kể từ năm 1975 đã diễn ra, để tạo chú ý tới sự chênh lệch lương bổng theo giới tính và bạo hành chống lại phụ nữ. Có khoảng 100,000 người đã xuống đường biểu tình, mà cao điểm là cuộc tuần hành đông đảo tại thủ đô Reykjavik. Trong số người biểu tình đó có Thủ tướng Ái Nhĩ Lan Katrín Jakobsdóttir, là người đặt ra mục tiêu đạt tới “sự bình đẳng giới tính hoàn toàn” trong quốc gia này vào năm 2030.

Tất nhiên, không phải chỉ có chừng ấy câu chuyện về phụ nữ đã xuống đường tạo nên lịch sử, mà còn nhiều câu chuyện khác nữa. Nhưng ở đây trong giới hạn của bài báo không cho phép kể quá dài, nên đành dừng lại.  

Điều chắc chắn là phụ nữ đang và sẽ tiếp tục lên tiếng, xuống đường và tranh đấu để chống lại bất công, bất bình đẳng và bạo lực đối với họ.
 
Huỳnh Kim Quang
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Thế giới đã phải đối mặt với muôn vàn hỗn loạn và khó khăn trong những năm 2020. Sau đại dịch COVID là các cuộc xung đột và chiến tranh nổ ra ở Châu Âu, khiến cho giá cả lương thực và nhiên liệu tăng cao chưa từng thấy. Ngoài ra, biến đổi khí hậu đang gây ra những sự kiện thiên tai thảm khốc chưa từng có. Những cụm từ “chưa từng có,” hay “chưa từng thấy” đã trở nên quá quen thuộc đến mức nhàm tai.
“Trung Cộng muốn đưa quân tràn qua biên giới Việt Nam để đánh lạc hướng và cầm chân quân đội Bắc Việt, ngăn chận cuộc tổng tấn công Miền Nam đang tiến hành,” Phụ Tá Tổng Trưởng Quốc Phòng VNCH, ông Bửu Viên nói với chúng tôi ngay sau cuộc rút quân khỏi Pleiku (15/2/1975). Ít lâu sau, lại được nghe Ngoại Trưởng Vương Văn Bắc cho biết sau một cuộc Họp Nội Các, rằng: “TC có liên lạc và đề nghị một kế hoạch để tiếp cứu VNCH, nhưng TT Thiệu đã từ chối.” Vào thời điểm ấy thì chúng tôi cho rằng câu chuyện TC muốn can thiệp để ngăn chận cuộc tấn công của BV là hoang tưởng, viển vông nên không để ý, và sau này cũng quên không hỏi thẳng TT Thiệu.
Vào thế kỷ 18, Đảng Dân Chủ Cộng Hòa (Democratic Republican Party) được gọi tắt là Cộng Hòa (Republican) hoạt động ở Hoa Kỳ do Thomas Jefferson và James Madison thành lập, nhằm chống lại chủ trương và chính sách của Đảng Liên Bang (Federalist Party) lãnh đạo bởi Luật Sư Alexander Hamilton hoạt động mạnh về kinh tế, xã hội, ngoại giao...
Các di tích bằng đá gọi là megalith rải rác khắp nơi trên thế giới, tiếng Việt gọi là “cự thạch” (“cự” có nghĩa là lớn như trong cự phách, cự đại, cự phú, dịch prefix mega; thạch là đá)...
LTS. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, nguyên Tổng Trưởng Kế Hoạch VNCH, là người được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ủy thác nhiều công việc trong những ngày tháng cuối, trước khi Sàigòn sụp đổ . Tại Hoa Kỳ, sau 1975, ông là tác giả nhiều cuốn sách được phổ biến rộng rãi như "Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập", "Khi Đồng Minh Tháo Chạy", "Khi Đồng Minh Nhảy Vào", và sắp xuất bản cuốn BỨC TỬ VNCH - KISSINGER VÀ 8 THỦ ĐOẠN NHAM HIỂM. Bước vào tháng Tư, mời đọc bài bài viết đã đăng trên báo xuân Việt Báo Ất Dậu (2005), vừa được tác giả gửi lại bản có hiệu đính.
Mỗi dân tộc đều có ngôn ngữ riêng và chưa có bảng thống kê về ngôn ngữ, kể từ khi có mặt loài người sống trên hành tinh trái đất này. Có hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn ngôn ngữ khác biệt nhau, và chưa có ai qủa quyết con số chính xác về ngôn ngữ từng được sử dụng trong lịch sử phát triển của xã hội con người...
Cho dù Hoa Kỳ trong thế yếu không còn thúc đẩy Trung Quốc dân chủ hóa nhưng bù lại cả hai chính quyền Bush (con) và Obama đều bang giao với Trung Quốc như một đối tác trách nhiệm (responsible party). Thực tế trái ngược vì tham vọng địa chính trị của Bắc Kinh tăng theo đà phát triển kinh tế nên Trung Quốc không còn muốn nép mình trong trật tự thế giới tự do (liberal world order) do Mỹ lãnh đạo...
Vào thập niên 1970 kinh tế và dân số Ấn Độ và Trung Quốc tương đương với nhau nhưng rồi 30 năm sau đó tăng trưởng bên Tàu vượt xa Ấn. Nếu so sánh Trung Quốc với nhiều nước đang mở mang khác như Ai Cập, Brazil, Indonesia…kết quả đều tương tự. Câu hỏi đặt ra nơi đây tại sao tham nhũng ở Trung Quốc không cản trở tăng trưởng, mà trái lại nền kinh tế bốc hỏa nhanh chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại?
Vào đầu thế kỷ 20, xã hội Nga cũng tương tự như xã hội Pháp trước cuộc cách mạng 1789 vậy. Một mặt triều đình thối nát, công quỹ kiệt quệ. Mặt khác giáo hội Chính Thống Giáo cũng liên kết với vương quyền và giới quý tộc bóc lột người dân. Cuộc cách mạng lật đổ Nga Hoàng năm 1917 không phải hoàn toàn, hoặc chủ yếu, do người Cộng Sản Bolshevik. Cũng như cuộc cách mạng Pháp và những cuộc cách mạng khác, thành quả có được là do sự đóng góp của nhiều cá nhân và đảng phái khác nhau. Tuy nhiên tổ chức nào nghiêm túc, chặt chẽ và kỷ luật sẽ nắm được thế thượng phong...
Một thế hệ trí thức Việt Nam mới xuất hiện trong thập niên đầu thế kỷ XX, quyết tâm đấu tranh vì độc lập dân tộc và hiện đại hóa xã hội Việt Nam...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.