Hôm nay,  

Condi Rice, Nữ Tướng Ra Trận

31/03/200400:00:00(Xem: 5059)
Như một Phàn Lê Huê, Cố vấn An ninh Quốc gia Condoleezza Rice sẽ lâm trận, không để diệt trừ khủng bố, mà để bảo vệ uy tín cho Tổng thống Bush và Hoa Kỳ. Nàng là ai"
Mọi bậc quân vương cổ kim đều giấu cẩm nang trong mình, và những người kém tài trí thường thủ kín bửu bối cho đến khi hữu sự. Riêng một người lại không như vậy là George W. Bush. Ngay từ khi tranh cử năm 2000, ông đã xòe ngay con tẩy lên bàn: bửu bối của ông là một phụ nữ, lại là phụ nữ da đen, trí thức siêu hạng, người có thể đảm nhiệm một trong ba chức vụ trong nội các của ông nếu Bush đắc cử, là Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng, hoặc Cố vấn An ninh.
Nhân vật đó là Condoleezza Rice, hoặc nói theo lối thân mật là Condi Rice (thay vì Tiến sĩ Rice – con người nàng lớn hơn cái bằng tiến sĩ nhiều lắm). Cuối cùng thì Condi làm Cố vấn An ninh, một chức vụ ngang hàng bộ trưởng, có mặt trong hội đồng nội các, nhưng do Tổng thống bổ nhiệm mà không cần sự phê chuẩn của Quốc hội.
Sau hai Chủ nhật sóng gió vì những phanh phui của Richard Clarke, hôm Thứ Ba vừa qua, Tòa Bạch Cung quyết định đưa Condi Rice ra trận. Nàng sẽ điều trần công khai sau khi tuyên thệ nói thẳng nói thật trước Ủy ban Điều tra vụ khủng bố 9-11.
Cuộc tranh cử tháng 11 tới và uy tín của nước Mỹ có khi tùy thuộc vào những điều Condi sẽ nói trước Ủy ban đó. Nhưng, Condi Rice là ai"
Bà (đúng hơn, phải nói là cô) là nhân vật siêu đẳng trong nhiều địa hạt.
Sinh trưởng trong một gia đình trung lưu và sùng đạo tại Alabama, Condi Rice có thể là đệ nhất danh thủ dương cầm (và tiếng hát có hạng trong ban hợp xướng của nhà thờ) ngay từ thời niên thiếu vì nghệ thuật âm nhạc của mình. Định mệnh oái oăm khiến nàng gặp một Giáo sư Đại học, thân phụ của người sẽ làm Ngoại trưởng của Bill Clinton sau này là bà Madeline Albright. Giáo sư Josef Korbel nhìn thấy năng khiếu lạ thường của cô sinh viên trẻ (hoàn tất Trung học ở tuổi 15) và khuyên nàng nghiên cứu về Liên xô. Nàng hoàn tất văn bằng tiến sĩ với một luận án về quân sự.
Kể từ đó, nền âm nhạc Hoa Kỳ mất một người tài danh nhưng được một đại trí thức về bang giao quốc tế. Ở tuổi 26, Condi Rice trở thành giáo sư về bang giao trong một Đại học khét tiếng của Hoa Kỳ là trường Stanford; năm đó là 1981, cao điểm của mâu thuẫn Đông-Tây trong thời Chiến tranh lạnh. Là một người gặp ba tầng thiểu số, da đen, phụ nữ, lại thiên về lãnh vực chiến lược xưa nay là vùng ảnh hưởng độc quyền của nam giới da trắng, Condi Rice vẫn thành công xuất sắc. Nàng không quên rằng vì màu da và phái tính của mình, từ thuở ấu thơ tại Alabama, nàng sẽ phải đánh ngược sóng để lên tới đỉnh cao của một thiểu số những người có ảnh hưởng nhất.
Từ lãnh vực nghiên cứu và giáo dục, Condi Rice bước qua lãnh vực hành động nhờ sự dìu dắt của những bậc sư: Cố vấn An ninh Brent Scowcroft và Ngoại trưởng George Shultz của Tổng thống Bush 41 (thân phụ của ông Bush 43, tổng thống thứ 43 của Mỹ). Nàng vào Tòa Bạch Cung năm 1989 làm việc với Scowcroft và trở thành người thiết kế đối sách của Hoa Kỳ với Liên xô nhờ kiến thức uyên bác và cách ứng xử rất thực tiễn, lạnh lùng trong thế giới của đàn ông..
Sau khi Bush 41 thất cử, Condi Rice rời bỏ Hội đồng An ninh Quốc gia và Tòa Bạch Cung, để trở thành nữ giám học trẻ nhất của Đại học Stanford (chức vụ thứ nhì trong một lò đào tạo thành phần ưu tú của Hoa Kỳ, một loại Harvard của miền Tây, có xu hướng bảo thủ hơn trường Harvard. Trong chức vụ này, nàng phải điều động và xử lý rất nhiều vấn đề, với các đại trí thức khoa bảng, có tài mà cũng có tật! Phụ nữ, da đen, trẻ tuổi mà ngồi vào chỗ đó thì không thể là tay mơ được.

Cuộc hội ngộ giữa Condi Rice và George W. Bush khởi sự trong thời đó, vào năm 1998. Hai người gặp nhau lập tức trở thành tri kỷ. Bush là người lắm nguyên tắc, ngoan đạo và ưa thích thể thao, yêu đời sống lành mạnh, đã gặp một người cùng sở thích và nhân sinh quan. Kể từ đó, Condi trở thành cố vấn riêng, có trọng lượng ngang hàng với các nhân vật nặng ký khác sau này đều có mặt trong nội các của Bush, như Thứ trưởng Quốc phòng Paul Wolfowitz (cũng một giáo sư, Khoa trưởng một Đại học danh tiếng), như Dick Perle, lý thuyết gia của cánh bảo thủ về đối ngoại, cố vấn Bộ Quốc phòng sau này, hoặc Robert Zoellick, Đại sứ Thương mại đặc trách về mậu dịch của Mỹ. Hai người, GWB và Condi gặp nhau thường xuyên và sau khi lễ nhà thờ ra, họ vừa chạy bộ vừa thảo luận về thiên hạ sự.
Khi GWB chuẩn bị tranh cử, người nói ra lập trường đối ngoại của ông không phải là Dick Cheney sau này là Phó Tổng thống, hay Donald Rumsfeld, Bộ trưởng Quốc phòng, hay Colin Powell, nguyên Tổng tham mưu trưởng và Cố vấn An ninh và Ngoại truởng tương lai. Người nói ra lập trường đó cho GWB là Condi Rice, một bộ máy điện tử về ngoại giao và an ninh chiến lược của Bush.
Trong nội các, người ta luôn luôn có sự cạnh tranh về nghề nghiệp giữa ba bộ phận là Ngoại giao, Quốc phòng và Tình báo. Giữa ba cái cực đó, Cố vấn An ninh là người có thể bị chết kẹt và mất hết ảnh hưởng, hoặc có thể là người thay mặt tổng thống điều động cả ba cỗ máy đầy quyền lực và phương tiện. Cố vấn An ninh Condi Rice thuộc loại thứ hai. Một phần vì quan hệ gắn bó với Tổng thống, một phần nữa vì khả năng riêng của mình. Tháng Sáu năm ngoái, khi Bộ Quốc phòng của Bush gặp lúng túng tại Iraq, người nhảy vào chữa lửa và hàn gắn mọi chuyện, nhất là sự đối nghịch giữa Ngoại giao và Quốc phòng, chính là Condi Rice. Điều động tướng tá và đại sứ lẫn cấp chỉ huy của họ là một phụ nữ.
Bây giờ, trận chiến chống khủng bố đã dội ngược vào cuộc tranh cử và nhân vật kênh kiệu nhất trong Hội đồng An ninh là Richard Clarke lại nã đạn ngược vào chính quyền ông đã phục vụ, với trọng tâm là Condi Rice. Nếu vậy thì nàng phải cầm ấn tiên phong bước ra trả lời. Condi biết rõ Richard Clarke lắm, vì đã từng gạt ông ta ra ngoài những chức vụ quan trọng và những cuộc hộp họp chiến lược: “không có sáng kiến gì độc đáo cả!” Trận đánh này vì vậy có phần công vụ mà cũng có chuyện cá nhân.
Viện dẫn một nguyên tắc có lý là Cố vấn An ninh không phải điều trần, tòa Bạch Cung đã thoái thác việc cho phép Condi Rice xuất hiện công khai, sau khi nàng đã điều trần kín suốt bốn tiếng liền trong tháng Hai. Sự thoái thác đó khiến Hành pháp bị tấn công tới tấp trong bốn ngày liền, khiến dư luận tò mò về “Condi là ai”, “sẽ nói những gì”. Đâm ra trận thư hùng này đã được quảng cáo trước, và khi Condi xuất hiện để phản bác, có cơ sở và tài liệu hậu thuẫn, người ta sẽ chứng kiến nhiều điều rất ngoạn mục.
Kiến trúc sư của chánh sách đối ngoại của Bush sẽ nói về chánh sách đó đối với khủng bố, về phương thức quyết định của nội các Bush, và nhân tiện, lột mặt nạ kẻ phản thùng là Richard Clarke.
Là thuộc cấp của Tổng thống, nàng cũng là bạn thân của GWB, nhưng lần này, nàng lâm trận vì những lý do lớn lao hơn nữa: bảo vệ thanh danh của chính quyền và sự khả tín của nước Mỹ đối với các đồng minh lẫn quân khủng bố.
Vì vậy, trận thư hùng mới thật là biến cố lý thú, rất đáng theo dõi.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.