Hôm nay,  

Hơn Một Nửa Số Hồ Lớn Trên Thế Giới Đang Cạn Nước

26/05/202300:00:00(Xem: 6825)
ho can nuoc
Theo một nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí Science, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, mà nguyên nhân chủ yếu là do biến đổi khí hậu. (Nguồn: Chụp lại từ YouTube)
 
LONDON – Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
 
Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã báo cáo rằng một số nguồn nước ngọt quan trọng nhất trên thế giới – từ Biển Caspi giữa Châu Âu và Châu Á đến Hồ Titicaca của Nam Mỹ – đã bị mất nước với tốc độ tích lũy khoảng 22 gigaton mỗi năm trong gần ba thập niên. Con số đó là khoảng 17 lần thể tích của Hồ Mead, hồ chứa lớn nhất của Hoa Kỳ.
 
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Science. Fangfang Yao, một nhà thủy văn học tại Trường University of Virginia và là người đứng đầu nghiên cứu, cho biết 56% sự suy giảm của các hồ tự nhiên là do sự nóng lên của khí hậu và mức tiêu thụ của con người, trong đó, sự nóng lên là nguyên nhân lớn hơn nhiều.
 
Các khoa học gia về khí hậu thường cho rằng các khu vực khô cằn trên thế giới sẽ trở nên khô hạn hơn do biến đổi khí hậu, còn các khu vực ẩm ướt sẽ trở nên ẩm ướt hơn, nhưng nghiên cứu cho thấy lượng nước mất đi đáng kể ngay cả ở những vùng ẩm ướt. Yao nói: “Không nên xem nhẹ điều này.”
 
Các khoa học gia đã đánh giá gần 2,000 hồ lớn bằng cách sử dụng các phép đo vệ tinh kết hợp với các mô hình khí hậu và thủy văn. Họ phát hiện ra rằng việc sử dụng không bền vững của con người, những thay đổi về lượng mưa và dòng chảy, bồi lắng và nhiệt độ tăng cao đã khiến mực nước hồ giảm trên toàn cầu, khoảng 53% số hồ có biểu hiện suy giảm từ năm 1992 đến năm 2020.
 
Gần 2 tỷ người sống trong lưu vực hồ khô cạn bị ảnh hưởng trực tiếp và nhiều khu vực phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trong những năm gần đây.
 
Từ lâu, các khoa học gia và các nhà vận động đã cảnh báo rằng cần phải ngăn chặn, không để sự nóng lên toàn cầu vượt quá 1.5 độ C (2.7 độ F) để tránh những hậu quả thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu. Thế giới hiện đang nóng lên khoảng 1.1C (1.9F).
 
Nghiên cứu mới cho thấy việc sử dụng không bền vững của con người đã làm cạn kiệt các hồ, chẳng hạn như Biển Aral ở Trung Á và Biển Chết ở Trung Đông, trong khi các hồ ở Afghanistan, Ai Cập và Mông Cổ thì bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ tăng cao, có thể làm tăng lượng nước bốc hơi vào khí quyển.
 
Ngoài ra, 1/4 số hồ có mực nước dâng cao, chủ yếu là kết quả của việc xây dựng đập ở những vùng xa xôi, như ở tận Tây Tạng, khu vực Inner Tibetan Plateau.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.