Hôm nay,  

Vì Sao Hết Bịnh Rồi Mà Vẫn Còn Dai Dẳng?

02/02/202400:00:00(Xem: 2444)

ho hoai
Có rất nhiều người đã khỏi các bịnh như cảm lạnh, cúm, RSV hoặc COVID nhưng vẫn cứ ho dai dẳng hoài không dứt. (Nguồn: pixabay.com)

Gần đây quý vị vừa bị cảm lạnh, cúm, RSV hoặc COVID, bệnh đã qua nhưng mãi vẫn không thể hết ho? Rất nhiều người bị giống như vậy. Triệu chứng này có thể tồn tại trong nhiều tuần sau khi cơ thể chúng ta đã loại bỏ vi-rút.
 
Michael Shiloh, một bác sĩ chuyên nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế UT Southwestern cho biết những bệnh nhân bị ho thường kể là họ đã bị bịnh từ 8 tuần trước khi đến gặp ông. Ông nói: “Chúng tôi thực sự không thể phát hiện thấy vi rút gì ở những người này nữa nhưng họ vẫn bị ho.”
 
Hoa Kỳ đã chứng kiến sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh cúm, RSV và COVID-19 vào cuối năm 2023 và kéo dài sang 2024. Và mặc dù tình hình mắc những loại bịnh trên đã chững lại hoặc giảm xuống trên toàn quốc trong những tuần qua, số người cần chăm sóc sức khỏe đối với các bệnh về đường hô hấp vẫn còn khá cao ở nhiều nơi.
 
Các khoa học gia vẫn chưa tìm ra chính xác lý do tại sao những người khỏe mạnh lại gặp phải những con ho dai dẳng như vậy. Nhưng nghiên cứu về cách nhiễm trùng can thiệp vào dây thần kinh trong đường hô hấp đang hé lộ những manh mối mới.
 
Ho là gì?
 
Ho là một phản xạ quan trọng giúp bảo vệ đường hô hấp khỏi những nguy hiểm như khói độc hại, nước hoặc các mẩu thức ăn bị lọt vào. Phản xạ này được kích hoạt bởi các dây thần kinh đi vào đường hô hấp. Những dây thần kinh này có các protein thụ thể phản ứng với mọi thứ từ không khí lạnh đến chất cay, gắt. Khi một chất kích thích kích hoạt các thụ thể đó, các dây thần kinh sẽ gửi tín hiệu từ dây thần kinh phế vị đến não, khiến chúng ta cảm thấy giống như cảm giác như muốn ho.
 
Từ đó, não sẽ gửi lệnh trở lại đường hô hấp để ho hoặc không ho. Con đường dẫn tới não này giải thích lý do tại sao chúng ta có thể kiểm soát có ý thức ở mức độ nào đó đối với một số loại ho.
 
Các khoa học gia đã tìm hiểu rõ ràng về nhiều tác nhân khác nhau có thể gây ho, nhưng vẫn chưa thống nhất ý kiến về các cơ chế sinh học cụ thể gây ho khi chúng ta bị bịnh, đó là chưa nói đến thời gian sau khi hết bịnh.
 
Mặc dù có vẻ như cơn ho được tạo ra để dọn sạch chất nhầy trong cổ họng của chúng ta, nhưng cũng có khả năng là do vi-rút kích thích phản xạ khiến chúng lây lan. Có nhiều bịnh nhiễm trùng gây ra những cơn ho khan mà không tạo ra chút đờm nào. Nên nếu nói chúng ta ho để làm sạch đường hô hấp khi bị nhiễm trùng, thì lại không giải thích được vì sao các dây thần kinh lại kích thích cơn ho trong những trường hợp trên.
 
Chuyên gia về điện sinh lý học Thomas Taylor-Clark thuộc Đại học Nam Florida cho biết: “Có thể nói một trong số những nguyên nhân là nhiễm vi-rút gây ra tình trạng viêm nhiễm.”
 
Nhiễm trùng khiến các dây thần kinh trở nên nhạy cảm
 
Khi chúng ta bị bịnh, tình trạng viêm nhiễm sẽ làm tăng độ nhạy cảm của các dây thần kinh đường hô hấp, khiến chúng phản ứng thái quá. Có một giả thuyết cho rằng những cơn ho dai dẳng sau khi đã hết bịnh là do lúc đó các dây thần kinh vẫn còn quá nhạy cảm.
 
Ngay từ năm 1990, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng việc nhiễm một loại vi-rút giống cúm đã làm tăng độ nhạy cảm của các dây thần kinh đường hô hấp ở chuột lang (vật thử nghiệm), loài động vật cũng bị ho giống như con người. Chuột lang bị bịnh sẽ ho nhiều hơn khi tiếp xúc với chất kích thích như chất capsaicin so với những con khỏe mạnh, điều này cũng tương tự như ở người.
 
Hiện nay, các khoa học gia đang liên kết tình trạng nhạy cảm quá mức này với các chất gây viêm và những thụ thể trên dây thần kinh đường hô hấp.
 
Vào năm 2016, các khoa học gia đã phát hiện ra rằng việc nhiễm một loại vi-rút giống cúm đã khiến một số dây thần kinh trong đường hô hấp tạo ra thêm nhiều bản sao của protein thụ thể có tên là TRPV1, phản ứng với các chất như capsaicin và các tác nhân kích thích khác. Một số nghiên cứu khác trên chuột lang hoặc tế bào người được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm cũng phát hiện sự gia tăng số lượng bản sao TRPV1 và các thụ thể khác khi đường hô hấp bị nhiễm vi-rút.
 
Một nghiên cứu năm 2017, được tiến hành trên tế bào người được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, đã chỉ ra rằng ngay cả khi vi-rút đã bị “tiêu diệt” bằng tia UV, nó vẫn làm tăng số lượng bản sao TRPV1 và một thụ thể khác.
 
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
 
Chứng ho sau khi hết bịnh thường kéo dài trong khoảng hai đến ba tuần. Nhưng nếu cơn ho của quý vị kéo dài hơn 8 tuần, quý vị nên đi khám bác sĩ. Nếu cơn ho xảy ra kèm theo các triệu chứng khác như sốt, khó thở, đờm có máu hoặc sụt cân, quý vị nên đi khám sớm hơn.
 
Lukasz Antoniewicz, bác sĩ chuyên khoa phổi của Đại học Y Vienna ở Áo, cho biết ho kéo dài vài tuần sau khi vừa hết bịnh là điều bình thường. Tuy nhiên, dù tám tuần được cho là mốc thời gian để tính thành bịnh ho mãn tính, nhưng đây khoảng thời gian khá dài và không dễ dàng chịu đựng khi triệu chứng ho không thuyên giảm.
 
Antoniewicz cũng chia sẻ một trường hợp bệnh nhân của ông đã bị gãy xương sườn chỉ vì ho, mặc dù họ không có bất kỳ vấn đề xương cốt nào trước đó. Ông cho rằng chỉ cần bị ho liên tục trong khoảng một tháng thôi là đã đủ để đi khám bác sĩ rồi.
 
Nguồn: “You’re not sick anymore—so why are you still coughing?” được đăng trên trang Nationalgeographic.com.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.