Hôm nay,  

Sổ Tay Thường Dân Tưởng Năng Tiến: Dưới Lớp Tro Tàn

23/05/201400:00:00(Xem: 4687)

“Cùng với các tổ chức Xã Hội Dân Sự khác, Lao Động Việt cần phải được công khai hoạt động tại VN để hướng dẫn cho công nhân, từng bước thành lập các nghiệp đoàn của mình.” Trần Ngọc Thành (Chủ Tịch Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do)

*

Báo Người Việt, số phát hành vào ngày 14 tháng 5 năm 2014, có phóng sự (“Đến Bình Dương Sau Ngày Công Nhân Biểu Tình Bạo Động”) của ký giả Phùng Thức – gửi từ Việt Nam – với bức ảnh đính kèm, cùng với ghi chú: Những biểu ngữ đơn sơ và đống tro tàn bạo động đêm 13 tháng 5 của công nhân Bình Dương.

Hai hôm sau (xem chừng “đống tro tàn” đã nguội) nên cũng trên diễn đàn này, lại có bản tin ngắn, với sự “khẳng định” (nghe) chắc như bắp của một quan chức cao cấp của Việt Nam:

“Ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư đã ký một văn bản gửi các sứ quán, các hiệp hội doanh nghiệp ngoại quốc, khẳng định: Bạo động trong thời gian vừa qua là tự phát và có yếu tố kích động. Nhà cầm quyền Hà Nội “rất lấy làm tiếc” và đã triển khai các biện pháp để ngăn chặn ngay lập tức các hành động bạo động, bảo đảm điều đó sẽ không tái diễn.”

Dân Việt vốn can đảm, và tôi cũng đã có hân hạnh quen biết rất nhiều người rất gan dạ nhưng chưa thấy ai “liều lĩnh” cỡ như nhân vật Bùi Quang Vinh này:

“Nhà cầm quyền Hà Nội ‘rất lấy làm tiếc’ và đã triển khai các biện pháp để ngăn chặn ngay lập tức các hành động bạo động, bảo đảm điều đó sẽ không tái diễn.”

Ông Bộ Trưởng – rõ ràng – đánh giá hơi quá cao về khả năng đàn áp của “nhà cầm quyền Hà Nội,” và dường như không biết gì ráo trọi về đời sống của giới công nhân Việt Nam hiện nay. Để rộng đương dư luận, xin xem qua đôi lời tâm sự của một độc giả (có bút danh là Rùa Vàng) đăng trên blog Hiệu Minh – vào hôm 13 tháng 5 vừa qua:

“Rùa làm việc tại công ty D.A gia công đồ gỗ xuất khẩu cho Plantation Grown Timbers của Úc, ông chủ lâu lâu xuống xưởng một lần, lần nào ông xuống lại nổi cơn lôi đình, quát mắng, chửi bới lung tung vì những lý do hết sức lãng xẹt. Một hôm ông ta chửi một công nhân có kinh nghiệm 10 năm làm gỗ, sau 30 phút lăng mạ ông ta đuổi việc người công nhân đó luôn. Gần như ko có ai trong số khoảng 150 người từ quản đốc đến công nhân không bị chửi.

Buổi sáng khi mặt trời còn đang bận tiễn chân chú Cua rời WB, thì ở Bình Dương công nhân đã lò mò thức dậy đi làm, tối mặt trời lặn lâu lắm rồi họ mới về nhà. Trên đường về ghé qua chợ đêm mua đại cái gì đó rồi nấu cơm, ăn uống tắm giặt nữa là đến 21h. Trong nhà ko ti vi, báo chí và chẳng có đồ đạc gì có giá trị, ngoài mấy chiếc xe đạp, một nồi cơm điện, một bếp ga mini, một bình nước lọc. Đời sống công nhân đơn điệu và buồn tẻ một cách kinh ngạc. Chỉ lâu lắm mới có một đoàn pê đê đến biểu diễn ở ven KCN họ mới có dịp kéo nhau đi chơi.

Về lương, em mới vào làm lương 870.000đ một tháng, ngày nào cũng tăng ca đến 20h tối mới về và làm 4 chủ nhật, tiền công tháng đầu tiên em kiếm đc 1.200.000đ. Tháng thứ 2 lương cơ bản sẽ lên 960.000 ngàn, những tưởng tháng này kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng tháng đó giám đốc kêu công ty lỗ nay giảm lương, ai muốn làm thì làm không làm thì thôi, vậy là tháng thứ hai em cũng chỉ kiếm đc 1.200.000 ngàn.”

blank
Hình ảnh dưới lớp tro tàn.

Số tiền lương quá khiêm tốn, như trên, đã khiến nhiều người phải trải qua những cảnh đời vô cùng nghiệt ngã:

“Tôi lấy vợ được 4 năm rồi. Cô ấy là người ở vùng núi Vĩnh Cửu (Đồng Nai), làm chung công ty với nhau. Vẫn biết đời sống khó khăn nên hai người chỉ biết nương nhau mà sống. Từ hồi bé Trà My ra đời, cuộc sống của hai vợ chồng càng cơ cực hơn nữa vì nhiều chi phí phải dành cho con như tiền sữa, tiền bột, tiền quần áo, đồ dùng cho trẻ… mà vợ thì phải nghỉ làm ở nhà trông con. Khi bé được đúng 1 tuổi, vợ chồng đành phải gửi con ở nhà trẻ tự phát gần khu trọ để đi làm chứ một mình tôi lo không xuể. Mấy ngày đầu, bé xa cha mẹ nên khóc suốt, lại không ăn uống gì nên người cứ lả đi, rồi ốm.

Thế là lại xin nghỉ, cả hai đưa con đi Bệnh viện Nhi đồng 1 dưới quận 10 mà cả nhà chỉ còn hơn 600 ngàn đồng. Vừa đợi khám bệnh cho con, vừa lo lắng không biết có đủ tiền hay không nữa. Thấy vậy, cả hai chỉ biết quay đi, nhìn con mà rơi nước mắt. Như hiểu được nỗi lòng của vợ chồng tôi, có một bác bán cà phê cóc ở cổng bệnh viện bảo, nếu thiếu tiền khám bệnh cho con thì cứ sang bên Bệnh viện Chợ Rẫy mà bán máu kiếm tiền, dễ lắm. Hỏi kỹ ra mới biết, mỗi lần đi bán máu như vậy thu được gần 500 ngàn đồng mà cũng không ảnh hưởng gì tới sức khỏe của người bán. (Khánh Hoà, “Nghiệt Ngã Phận Đời Làm Công Nhân,” báo Dân Việt 16 tháng 02 năm 2014).


Bán máu, tuy thế, vẫn chưa phải là bước đường cùng. Đôi lúc, không ít nữ công nhân còn phải bán dâm để sinh tồn – theo tường thuật của ký giả Nguyễn Bay, báo Tuổi Trẻ Online:

“Một ngọn đèn dầu, cái giỏ nhựa đựng đồ nghề đấm bóp, giác hơi, chiếu cói, gối hoa trải sẵn hoặc chỉ là một tấm áo mưa. Thợ giác hơi quanh KCN Tân Tạo đa số là nữ với các ‘chiếu’ trên vỉa hè, ven đường, thậm chí chỉ một mô đất giữa ruộng; hoạt động từ 18g30 đến 3-4 giờ sáng...”

“Gần một năm nay, các ‘chiếu’ giác hơi ngày một dài thêm hàng cây số (đường đi Long An, An Sương). Lúp xúp trong bụi cây, bờ cỏ, chúng tôi nhận ra nhiều thợ vốn là công nhân... Những khi tan ca, họ lẫn vào dòng thợ ‘chào hàng’.... Tiền công 10.000 - 15.000 đồng/lần, bằng nửa ngày công.. làm thợ.”

Dẫy chiếu “ngày một dài thêm” vì vật giá mỗi lúc một tăng mà đồng lương thì không. Lương bổng công nhân Việt Nam không thể nào nâng cao hơn vì những người lãnh đạo ở xứ sở này đã lựa chọn một… quốc sách thấp – theo lời ông Hồ Xuân Lâm, trưởng phòng quản lý lao động các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM:

“Chúng tôi đã có cuộc họp với Hiệp hội Doanh nghiệp Đài Loan và tư vấn cho họ hãy trả lương cao hơn để tránh đình công. Họ nói là rất muốn trả cao hơn nhưng không thể vì quy định lương của Chính phủ Việt Nam quá thấp, các đối tác nước ngoài dựa vào đó kềm giá đơn hàng nên có muốn cũng không thể tăng hơn được”.

blank
Hình ảnh dưới lớp tro tàn.

Từ nhiều năm trước Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã đưa ra một nhận định rất buồn:

“Việt Nam đã bỏ cuộc trong cuộc chạy đua tri thức và kỹ thuật, hoạt động kinh tế chỉ còn tập trung trong các ngành đòi hỏi những kỹ năng thấp (đồ gỗ, may mặc, giầy dép, thực phẩm …). Những sản phẩm này đang bị cạnh tranh rất gay gắt từ những quốc gia chậm tiến sẵn sàng chấp nhận đồng lương rẻ mạt.”

Tôi còn không tin rằng giới lãnh đạo Việt Nam đã từng có lúc cố gắng (trước khi bỏ cuộc) “chạy đua tri thức và kỹ thuật” với những quốc gia lân cận. Bằng chứng là hiện nay chúng ta vẫn chưa tự làm nổi cái đinh vít cho ra cái đinh vít – theo như tường thuật của ký giả Quang Đông, báo Tiền Phong!

Mọi chủ trương lớn của Đảng và Nhà Nước đều thiển cận (theo kiểu mì ăn liền) nên chỉ chuyên chú vào việc khai thác ngay mọi tài nguyên thô sẵn có, cũng như nhân nguồn lực rẻ mạt của công nhân – kể cả lao động nước ngoài – để “vét” cho thật nhiều và thật nhanh thôi.

Người bị vơ vét – lúc cần mua một cái toa thuốc cho con khi đau ốm, hay một món tiền nhỏ gửi cho bố mẹ già ở quê nhà – phải đi bán máu, hoặc bán dâm. Kẻ có quyền vơ vét thì mua được mọi thứ.

Họ mua “rau sạch ở Thiên Đường Xanh; đồ Tây lấy ở cửa sau khách sạn Sofitel; bánhngọt ở L’Indochine; bánh bao hiệu Tâm Tâm, bánh mì ở Hilton cạnh Nhà hát lớn; đường, dấm, muối, xì dầu và gạo Thái Lan ở Westside, ốc lại lên tận Tây Hồ, còn đồ khô đến chợ Hàng Bè...” – theo như lời của nhà văn Phạm Thị Hoài.

Họ cũng có thể thưởng thức những tách cà phê hay những tô phở trị giá (cỡ)... nửa triệu đồng, tương đương với tiền lương hàng tuần của một công nhân!

Tôi không tin rằng hiện trạng chênh lệch bất công này sẽ kéo dài được mãi. Tôi cũng không nghĩ rằng những đống tro tàn sau những đám cháy vì bạo loạn ở Bình Dương đã hoàn toàn nguội lạnh, và nhà đương cuộc Hà Nội vẫn cứ có khả năng “triển khai các biện pháp để ngăn chặn ngay lập tức các hành động bạo động, bảo đảm điều đó sẽ không tái diễn ” – như lời hứa hẹn của ông Bộ Trưởng Kế hoạch / Đầu Tư, vào hôm 16 tháng 5 vừa qua.

Bên dưới lớp tro tàn hiện nay (e) vẫn còn những hòn than vẫn đang âm ỉ cháy. Trong tương lai gần không cần đến cái một giàn khoan dầu, một cái “tầu lạ” xuất hiện ở lãnh hải Việt Nam (hay sự kích động của bất cứ “kẻ xấu” nào) mà chỉ cần một cơn gió thoảng cũng vẫn có thể bùng lên những ngọn lửa bạo loạn ở rất nhiều nơi.

Hơn mười năm trước tướng Trần Độ đã có lời cảnh báo:”Đổi mới hay là chết.” Dường như, giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay đã nhất định tìm... cái chết!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
Đôi lời từ tác giả: “Sẽ có nhiều người không thích bài viết này. Họ sẽ cảm thấy bị công kích và rằng thật bất công. Phản ứng càng mạnh mẽ càng cho thấy nỗi sợ hãi về chủng tộc đã cắm rễ sâu vào nền chính trị Hoa Kỳ, và sẽ tồn tại mãi.” Tầm quan trọng của vấn đề chủng tộc trong nền chính trị của chúng ta được thể hiện rõ ràng qua chiến dịch tranh cử tổng thống hiện tại. Khẩu hiệu (slogan) đình đám nhất là từ chiến dịch tranh cử của Donald Trump: “MAGA” – Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Ý của slogan này là Hoa Kỳ đã từng rất vĩ đại, nhưng đã và đang đánh mất hào quang của mình.
Sau 11 năm chống Tham nhũng (2013-2024) nhưng Tham nhũng cứ trơ ra cười vào mũi Đảng là tại sao?
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.