Hôm nay,  

Có Vàng Còn Phải Có Tâm

02/03/201300:00:00(Xem: 7261)
Chuyện vàng vọt, khi vàng vọt giá

Chúng ta đang ở giữa giai đoạn điều chỉnh giá vàng. Sau khi từ 1.500 Mỹ kim một troy ounce vào giữa năm 2011 bỗng vọt lên 1.800 đô la trong có vài tháng rồi tuột. Bây giờ giá vàng đang xập xình bên ngưỡng cửa ngàn sáu. Rồi sẽ lên hay xuống, ra sao? Nếu biết được, người viết đã mua máy bay riêng để đi nghỉ mát từ năm kia!

Trong khi chờ ngày xán lạn huy hoàng đó, xin hãy cứ đào vàng trong cái kho vô tận... là tin tức!

Ngày 16 Tháng Giêng vừa qua, Ngân hàng Liên bang Bundesbank của Đức thông báo là sẽ tuần tự hồi hương từng phần số vàng dự trữ mà Đức đã tạm ký thác (từ 60 năm nay) tại Ngân hàng Trung ương của Pháp và Ngân hàng Dự trữ Liên bang của Mỹ ở New York.

Cụ thể là từ nay đến cuối năm 2020, Đức sẽ trữ tại Frankfurt am Main phân nửa lượng vàng của mình (từ tỷ lệ 31% hiện nay). Lượng vàng gửi tại London thì không thay đổ, giữ nguyên tỷ 15% của tổng số dự trữ. Nhưng vàng gửi tại New York từ mức 45% sẽ còn là 37%, và số vàng gửi tại Paris từ mức 11% hiện nay thì sẽ đem về hết. Cũng lạ vì Pháp và Đức là hai lang giềng cột trụ của kiến trúc Âu Châu. Trừ dân trong nghề, ít ai chú ý đến cái tin lạ ấy.

Nếu chú ý thì ta thấy là từ Tháng 10 năm ngoái, ngân hàng trung ương Đức có giải thích rằng suốt thời Chiến tranh lạnh, Đức ký thác một phần dự trữ vàng của mình cho các đồng minh Mỹ, Anh, Pháp tại New York, London và Paris. Lượng vàng ấy còn có công dụng là vật thế chấp tại chỗ khi Đức cần Mỹ kim, đồng Bảng của Anh hay Phật lăng Pháp trong luồng giao dịch kinh tế.

Vài tuần sau, khi thấy dư luận xôn xao về chuyện chọn mặt gửi vàng, giới chức Bundesbank giải thích thêm rằng trong sáu chục năm, họ hoàn toàn tin cậy và không nghi ngờ gì về uy tín và sự an toàn của Ngân hàng Dự trữ New York. Niềm tin đá vàng giữa các đồng minh!

Tức là ai ơi, xin đừng sợ.

Diễn giải cho êm đềm, việc Đức tái phối trí lại 300 tấn vàng tại New York hay 374 tấn từ Paris về Frankfurt chẳng có ý nghĩa chính trị gì hết. Nhưng còn ý nghĩa kinh tế? Hoa Kỳ cứ tăng chi bừa phứa và mắc nợ lung tung nên có khi nào lại học thói... ngân hàng Việt Nam mà vọc tay vào kho vàng của thân chủ hay chăng? Nghi lắm!

Các nhà báo đa sự - không đa sự thì ai đi làm báo – bèn phỏng đoán lung tung, rằng có kho mà chẳng có vàng, hoặc vàng đã đổi tuổi, từ già bỗng thành trẻ, hay bốc hơi tới nơi nảo nơi nao... Nên Bundersbank phải ra sức trấn an, cứ như văn chương Hà Nội. Rằng "chuyện không có gì mà ầm ĩ"!

Bây giờ, hãy tạm rời thị trường vàng mà bước vào thế giới trinh thám gián điệp, ở gần hơn.

Tháng Tám năm 2011, Tổng thống Hugo Chavez là người hùng của nước hung Venezuela đã quyết định chuyển về nước 99 tấn vàng ký thác trong ngân hàng trung ương Anh quốc. Mà không chỉ bỏ Bank of England, Bộ Tài Chánh và Ngân hàng Trung ương của Venezuela còn lập kế hoạch đưa vàng của mình từ các nước Tây phương, kể cả Hoa Kỳ, về thủ đô Caracas.

Hoặc ký thác cho các nước đồng chí như Trung Quốc hay Liên bang Nga.


Chuyện trinh thám gián điệp là phải hộ tống vàng qua các quan ải thiếu thân thiện của bọn Đế quốc Tây phương. Chuyện đại thế chính trị là liệu ta có trở lại thời Chiến tranh lạnh hay chăng? "Dù sao mặc lòng" - lại một chữ nghĩa kiểu Hà Nội – sau quyết định của Hugo Chavez là vàng vọt giá lên đỉnh là 1.900 đô la vào Tháng Chín 2011!

Nghĩa là chưa thấy chiến tranh lạnh đâu cả thì dường như đã có trận chiến âm thầm trên mặt trận hối đoái: nếu xứ nào cũng hạ lãi suất, in tiền và phá giá đồng bạc cho rẻ để kích thích kinh tế qua gia tăng xuất cảng và hạn chế nhập cảng, thì cái mặt hàng phổ biến nhất, gọi là đồng tiền, có còn giá trị gì không? Câu hỏi đó mới dẫn đến câu hỏi kế tiếp: mặt hàng kia, là đồng vàng, sẽ ra sao?

Đồng tiền có giá trị đích thực nhất chính là đồng tiền vàng. Dự trữ vàng mới là bản vị đáng tin nhất cho giá trị của đồng tiền giấy. Khi thấy sợ vì nạn in tiền thả giàn, nhà nhà đều hết tin vào bàn tay vô hình của thị trường mà ghim vàng cho chặt. Venezuela, Đức, Hoà Lan, hay Cộng hoà Azerbaijan tại Trung Á đều lặng lẽ chuyển vàng về nước. Một đại gia đại bá như Trung Quốc cũng sẽ thông báo là tích thêm vàng trong kho dự trữ ngoại tệ trị giá hơn 3.300 tỷ đô la hiện nay.

Nếu Bắc Kinh xì ra rằng họ có vài ba hay ba bốn ngàn tấn vàng dự trữ thì chợ vàng của chúng ta sẽ ra sao? Đấy là chuyện vàng vọt của những năm tháng tới.

Nhìn trong trường kỳ, chúng ta đều thấy một trào lưu chung, là từ mấy chục năm nay các nước đang phát triển đã thủ vai con ong cái kiến: thắt lưng buộc bụng để nín thở qua sông cho con cái đời sau sẽ có một tương lai sáng láng hơn quá khứ lầm than của họ. Cụ thể là gia tăng sản xuất và lập kho dự trữ ngoại tệ rất dày để phòng xa những ngày thất bát. Từ năm 1995 đến 2011, tỷ trọng dự trữ của các nước "nghèo" trong kho ngoại tệ toàn cầu đã tăng vọt và lớn hơn dự trữ của các nước công nghiệp hoá giàu có.

Khi các nước giàu có lại học thói con ve mà tiêu xài không thèm tính thì những con kiến đó mới thấy sự bi quan của mình là chí lý.

Nhưng khi các nước đều thi đua phá giá và tăng chi để kích cầu - Obama chẳng phát minh ra cái gì hết – thì các nước nghèo đều chột dạ. Kho ngoại tệ của họ bị mất giá oan uổng nên vàng ròng mới là giải pháp an toàn hơn, còn hơn đồng Ếch xanh hay thùng dầu đen khó trữ mà dễ cháy!

Sự chuyển động âm thầm chậm rãi ấy cũng góp phần giải thích hiện tượng vàng lên giá, tăng 1.600 đồng trong 11 năm, từ 250 đô la đã lên tới 1850.

Trông người lại ngẫm đến ta. Dự trữ ngoại tệ của Việt Nam hiện chỉ có vỏn vẹn hai chục tỷ đô la, đủ cho hai tháng rưỡi nhập cảng. Nghĩa là mỏng teng! Khoan nói đến chuyện đại gia chuyển bạc ra ngoài, nhiều lắm, mà nói đến cảnh ngộ nhà nước rắp tâm đào vàng... của dân. Hãy theo dõi chuyện trong nước mà xem.

Nhưng, như nàng Châu Long đã dạy trong vở chèo cổ Lưu Bình Dương Lễ, "có vàng còn phải có tâm!" Tâm không có thì vàng cũng hết.

Nghĩa tình hay quyền bính gì cũng chỉ là chuyện vàng vọt!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.