Hôm nay,  

Tôi Đi Quảng-Bá Phim Hồn Việt

01/11/201200:00:00(Xem: 8516)
Ai chả biết, tiếp thị đâu phải là nghề của tôi. Vậy mà oái oăm thay, nhân vừa rồi tôi có dịp đi công-tác ở một số nơi, các anh em trong Vietnam Film Club đã giao cho tôi một công việc hoàn-toàn xa lạ đối với tôi: đi quảng-bá phim "Hồn Việt." Thế là tôi lên đường.

Ra mắt Nhìn Lại Sử Việt 3

Phần Houston, tôi đã kể lại trong tuần trước. Kỳ này, tôi xin kể lại những ngày ở Cali. Như đã thưa trong đoạn trên, công-tác chính của tôi tại Nam Cali lần này là vụ ra mắt tập 3 bộ Nhìn Lại Sử Việt của tác-giả Lê Mạnh Hùng, có tiểu-tựa là "Tự chủ II: Từ thuộc Minh đến thống nhất," tức từ năm 1407 đến 1802.

Phục-hồi từ một cơn bạo-bệnh, ông bạn tôi bị bác-sĩ cấm không cho đi đâu trong sáu tháng. Nên khi anh được đi, không chỉ riêng gia-đình anh mừng rỡ, các bạn bè của anh cũng náo nức muốn được gặp lại anh chị để cùng chung vui. Do đó mà Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông (là nhà xb bộ NLSV) đã nghĩ ra cách, tốt nhất có lẽ là tổ-chức ra mắt cuốn NLSV 3 trong dịp anh và chị Lê Phan sang Mỹ kỳ này.Như vậy, vừa độc-giả vừa bạn bè có thể hội-ngộ với anh chị qua mấy buổi ra mắt đó trong những ngày ngắn ngủi anh chị có mặt ở Hoa-kỳ.

Thế là ba buổi được dự-kiến: hai buổi dưới hình-thức "Mạn-đàm" cho nhẹ nhõm, một ở miền Đông (CN 7/10/2012 ở Hội Cao Niên vùng Hoa Thịnh Đốn) và một ở Nam Cali (CN 21/10 ở Viện Việt Học, Westminster, CA).Xen kẽ vào giữa là một buổi ra mắt trịnh trọng hơn do các bạn của anh tổ-chức tại miền Bắc Cali (CN 14/10 tại Trung-tâm VIVO của nhà thơ Ngô Đức Diễm ở San Jose): Diễn-giả hôm đó gồm những bộ mặt quen thuộc trong cộng-đồng như các ông Nguyễn Đức Cường, Khương Hữu Điểu, Hoàng Đức Nhã, và một bài nói chuyện xuất sắc của Tiến-sĩ Tường Vũ (dạy ở trường đại-học Oregon) so sánh Nhìn Lại Sử Việt của tác-giả Lê Mạnh Hùng với cuốn Việt Nam Sử Lược của cụ Trần Trọng Kim.
nguyen_ngoc_bich_hopbao__5_
GS Nguyễn Ngọc Bích đang đứng nói chuyện, người ngồi là nhà văn Giao Chỉ Vũ Văn Lộc. (Photo Lê Bình)
Cả ba buổi đều được xem là rất thành công bởi không-khí cởi mở, rất thẳng thắn và thân thiện giữa tác-giả Lê Mạnh Hùng và cử-toạ khá chọn lọc, đa-phần là những thức-giả thực-sự quan tâm đến vấn-đề sử-học của nước nhà.Hình-thức "Mạn-đàm" cũng cho phép tác-giả trực-tiếp trao đổi với các khách đến nghe, không phải qua trung-gian của ai khác.Buổi mạn-đàm ở Viện Việt Học còn cho thấy các khán-thính-giả đến nghe ngồi chặt phòng, một số còn phải tràn cả ra ngoài hành-lang.Có lẽ đây cũng là vì Đài Little Saigon Radio thông-báo là ngoài tác-giả, còn có cả sự hiện diện của ký-giả Lê Phan quen thuộc trong chương-trình "Chào Bình Minh" của Đài.Không ít người đến nói: "Vui quá!Chúng tôi được nghe giọng chị Lê Phan mỗi sáng trong bao nhiêu năm nay, bây giờ mới được gặp mặt."

Tóm gọn, qua ba buổi, tác-giả Lê Mạnh Hùng đã có cơ-hội chia xẻ với cử-toạ về quan-niệm "những bước ngoặt" quan-trọng trong lịch-sử của một quốc gia hay dân-tộc. Ông cho rằng chính những bước ngoặt này đã làm nên sắc thái và định nghĩa lịch-sử của một nước như của chúng ta. Và dựa lên trên những kinh-nghiệm lịch-sử đó, chính chúng ta tạo nên cái căn-cước chung của Việt-nam.

Gặp gỡ Câu Lạc Bộ Báo Chí Bắc Cali

Ngay ngày hôm sau, 22/10, tôi lấy xe đò Hoàng đi San Jose, nơi tôi có nhiều bạn bè và cả người nhà.Chiều cùng ngày, anh Tuấn Khanh, một tác-giả đang nghiên cứu thâm sâu về Cải lương, đã ra đón chúng tôi và ngày hôm sau, đã thu xếp cho tôi gặp nhà văn-nhà báo Nguyễn Xuân Hoàng.Là chỗ quen biết từ khi ông định cư ở Virginia khi ông mới sang Mỹ, chúng tôi rất vui mừng gặp lại nhau.Hỏi tôi đang làm gì, tôi chia xẻ với ông là tôi đi chuyến này một phần chính cũng là để quảng-bá một tin vui: Vietnam Film Club đã hoàn-tất một bộ DVD rất ý nghĩa về Quốc-kỳ và Quốc-ca Việt-nam mang tên "Hồn Việt."

Sau khi được xem phim 54 phút, ông Nguyễn Xuân Hoàng đã vui vẻ cho biết là ông tin tưởng đủ để sẽ viết bài giới-thiệu phim "Hồn Việt" trên báo Viet Tribune của bà Trương Gia Vy và có thể cả vào trang Blog của ông trên Đài VOA.Có mặt hôm đó còn hai anh Nguyễn Doãn Vượng và Michael Đỗ của Trường Việt-ngữ Văn Lang và ký-giả Cao Sơn.Ít lâu sau, ký-giả Cao Sơn lại mời được anh Hải, một bộ mặt quen thuộc ở miền Bắc Cali và nổi tiếng là có nhiều kinh-nghiệm tổ-chức những sinh-hoạt thiện-nguyện qui-mô trong công-đồng.Sau khi nghe tôi trình bầy về yêu-cầu có một buổi ra mắt DVD "Hồn Việt" ở Bắc Cali, anh Hải đã vui vẻ nhận lời.Anh hứa anh sẽ đi tìm chỗ và thông-báo lại cho Vietnam Film Club sau.Anh phát biểu: "Đây là một công-tác có ý nghĩa chung cho cả cộng-đồng nên tôi sẵn sàng góp một tay."

Cũng trong tuần, tôi có dịp nói chuyện với một vài chị Trưng Vương (và cả Gia Long) ở đây cũng như đi gặp một vài người, như bà Việt Nữ, người đã sớm sủa ủng-hộ Vietnam Film Club khi mới chỉ được nghe đến việc thành-lập câu-lạc-bộ làm phim tài-liệu này. Giờ được nghe là dự-án đầu tiên của Vietnam Film Club đã hoàn-tất, bà rất hoan-hỉ và tặng tôi một số hồng (vừa hồng dai vừa hồng mềm) và Phật-thủ lấy từ vườn nhà của bà.

Có lẽ cũng nên thưa là trong hai ngày 24 và 25/10, xen kẽ giữa những cuộc gặp gỡ để quảng-bá phim Hồn Việt, tôi cũng đã có dịp đi thăm ông bạn Nguyễn Đức Cường và phu-nhân Bùi Mỹ Dung là bạn của chúng tôi từ những ngày còn làm sinh-viên ở New York (trong thập niên 60) và giờ là chủ hai tiệm Phở Wagon rất nổi tiếng ở đây. Sau đó, tôi cũng tranh thủ được mấy tiếng đến thăm cụ Đặng Cao Ruyên, tác-giả của ba cuốn sách về Nguyễn Du và Kiều do Tổ Hợp XB Miền Đông Hoa Kỳ đã in ra.Nhân dịp này, chúng tôi còn bàn về cách nào tốt nhất in ra cuốn Mục-lục chuyên-đề về Nguyễn Du và Truyện Kiều của cụ mà giờ đây đã lên đến 5 nghìn trang.

Chiều thứ Năm, 25/10, gặp Câu Lạc Bộ Báo Chí Bắc Cali

Vui nhất trong thời-gian tôi ở Bắc Cali là cuộc gặp gỡ với Câu Lạc Bộ Báo Chí Bắc Cali do nhà báo Huỳnh Lương Thiện (báo Thằng Mõ) và nhà báo Lê Bình (Chủ-tịch CLB) thu xếp để cho tôi được gặp với hơn 10 vị trong Câu Lạc Bộ.

Sở dĩ vui là vì cuộc họp diễn ra ở tiệm Hội An mà ông chủ không ai khác là Luật-sư Nguyễn Tâm, một sinh-viên xuất sắc của Viện Đại-học Cửu Long trước năm 1975. Bắt đầu buổi họp, anh Tâm đã chia xẻ: hồi đó anh theo học ở Cửu Long vì đó là một trong những trường hiếm có dạy về Truyền-thông Đại-chúng, một lãnh-vực rất mới đối với VN vào thập niên 70, và anh đã biết tôi từ hồi đó.

Đến lượt anh Lê Bình giới-thiệu các thành-viên Câu Lạc Bộ có mặt hôm đó.Từ nhà báo lão thành Giao Chỉ Vũ Văn Lộc đến GS Nguyễn Châu, nhà báo Nguyên Thanh, LS Nguyễn Tâm, nhà báo Huỳnh Lương Thiện, XNV Mây Lan, nhà báo Nguyễn Xuân Nam, nhà báo Duy Văn, nhà báo Vi Anh, Nhiếp ảnh gia Trương Xuân Mẫn, nhà báo Lê Bình, và một số thân hữu.

Cuộc họp mặt vui hẳn lên khi tôi nhận được ra nhiều người quen trong những vị có mặt: ông Vũ Văn Lộc đã sinh-hoạt với Nghị-hội trong nhiều năm, nhà báo Nguyên Thanh còn đem theo một số báo cũ với nhiều bài nói về Đại-hội Văn-bút VN Hải-ngoại từ năm 1997 trong đó ông ngồi chủ-toạ (và cũng có nhiều hình của tôi), nhà báo Huỳnh Lương Thiện thì lại có duyên là đi học ở Nhật nhiều năm sau khi tôi cũng sang học ở Kyodai (Viện Đại-học Kyoto) về văn-học cổ-đại Nhật-bản, v.v. Thành thử một lúc không-khí gần như trong gia-đình.

"Trong dịp nầy," anh Lê Bình về sau tường-trình trong báo Cali Today, "GS Nguyễn Ngọc Bích trình bày một số chi tiết về bộ phim Hồn Việt, do Viet Nam Film Club thực hiện."

Nhiều câu hỏi được đặt ra, và có lẽ vì tôi trả lời được tương-đối cặn kẽ nên ngay tối hôm đó, sau bữa ăn, tôi đã được mời lên chương-trình Radio Phố Đêm, một chương-trình radio được khá nhiều người nghe do báo Cali Today thực-hiện. Phỏng vấn tôi chính là anh Lê Bình, CT Câu Lạc Bộ Báo Chí Bắc Cali, và L.S. Nguyễn Tâm và chúng tôi đã có nửa giờ trao đổi thật hứng thú trên đài.

Cũng trong thời-gian ở San Jose, tôi được chị Đồng Thảo của Đài Vietnam Radio Tự Do 1500 AM phỏng vấn gần 1 tiếng đồng-hồ về phim Hồn Việt vào chiều thứ Năm 25/10.Cuộc phỏng vấn lại được phát lại vào ngày hôm sau trong khi tôi sửa soạn lên đường về Nam Cali.

Nguyễn Ngọc Bích

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.