Hôm nay,  

Em Bi Tại Mi Na

09/02/201100:00:00(Xem: 11964)
Em Bi Tại Mi Na
Nguyễn Xuân Nghĩa

Trong vụ khủng hoảng Ai Cập, Em-Bi vẫn là một ẩn số....
Khi nghe tin tức về tình hình Ai Cập, chúng ta cứ thấy bật lên một cái tên lạ là "Muslim Brotherhood", được gọi tắt là MB - hay đọc là Em-Bi. Đó là lực lượng xưng danh Huynh Đệ Hồi giáo, con ngáo ộp cho nhiều người, nhưng một nguồn sáng cho nhiều dân Hồi giáo. Chúng ta khó bình luận hoặc dự đoán những xoay chuyển chính trị tại Ai Cập và trong khu vực Trung Đông - Bắc Phi mà thế giới viết tắt là MENA (Middle-East North-Africa, gọi là Mi-Na) nếu không rõ vài điều sơ đẳng về Em-Bi.
Vì vậy, bài này không bình lkuận mà chỉ thu thập một số dữ kiện về Em-Bi và ảnh hưởng của lực lượng này tại Mi-Na.
***
AI CẬP VÀ EM-BI
Ai Cập đã xây dựng chế độ hiện tại được gần 60 năm, từ cuộc đảo chánh Quốc vương Farouk năm 1952 đưa quân đội lên cầm quyền. Rồi quân đội tiếp tục làm chủ tình hình đằng sau một chế độ độc tài dân sự cho đến ngày nay.
Do vị trí địa dư, Ai Cập là bản lề cho toàn khu vực Mi-Na. Đã có lúc xứ này ngả theo Liên bang Xô viết để xây dựng xã hội chủ nghĩa... dưới màu sắc kaki, đòi phong tỏa Kênh đào Suez để bắt bí Tây phương. Rồi lại tách khỏi quỹ đạo Xô viết nghiêng về phía Hoa Kỳ sau khi Gamal Nasser tạ thế. Đã có lúc Ai Cập muốn lãnh đạo toàn khối Á Rập Hồi giáo và khai chiến với Israel bên kia bán đảo Sinai, rồi lại giảng hòa và trở thành một trục ổn định cho Hoa Kỳ trong toàn khu vực với nền kinh tế chuyển sang quy luật thị trường từ năm 1991.
Mỗi xoay chuyển như vậy của quốc gia có đông dân Á Rập Hồi giáo nhất - hơn 80 triệu người trên một diện tích gấp ba với sản lượng hơn gấp đôi Việt Nam - tất nhiên ảnh hưởng đến sự sống còn của Israel và sự ổn định của các nước Hồi giáo khác, từ Maroc tới Syria, Saudi Arabia hay Yemen, Ethiopia, Somalia... Chưa nói đến quyền lợi của Hoa Kỳ.
Ai Cập duy trì được chế độ độc tài - dù sao còn thua Việt Nam về sự hà khắc - chính là vì một mối lo: xu hướng Hồi giáo cực đoan, muốn tái lập một đế quốc Hồi giáo, cai trị bằng Giáo luật Shariah, được diễn giải một cách nghiêm khắc và nghiệt ngã. Xu hướng ấy kết tinh vào lực lượng Em-Bi, với một ấn bản khác mà giống, là Iran, quốc gia của sắc tộc Ba Tư - không phải Á Rập - và theo hệ phái Shia, không phải là Sunni như tại đa số các nước Á Rập.
Nhìn sơ như vậy, ta đã thấy rắc rối phức tạp!
Trong thế giới Á Rập Hồi giáo đó, lực lượng Em-Bi là tổ chức có nhiều cán bộ và ảnh hưởng nhất mà cũng là tổ chức đầu tiên của phong trào Hồi giáo cực đoan vì được thành lập từ năm 1928, khi Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak ra đời.
Chúng ta không quên rằng khi thế kỷ 20 mở ra, các nước Hồi giáo bị Tây phương khống chế. Phong trào độc lập của họ dẫn tới sự hình thành của một tầng lớp lãnh đạo theo thế quyền thay vì thần quyền, có lúc ngả theo con đường xã hội chủ nghĩa kiểu Xô viết để canh tân bằng đường tắt rồi bị lôi vào Chiến tranh lạnh.
Trước làn sóng đó, những người Hồi giáo "trọng căn" - coi trọng căn cước bản sắc của đạo Hồi - muốn hiện đại hóa đạo Hồi bằng cách diễn giải lại Giáo luật. Họ còn tiến xa hơn, lập ra phong trào xã hội làm lực đối trọng với phong trào độc lập theo duy vật biện chứng kiểu Marx. Phong trào đó kỵ cả cộng sản lẫn các nước Tây phương - đối với họ là cùng "duy vật" - và tìm sự cứu rỗi cho cả xã hội bằng tôn giáo.
Trong cái trớn của phản ứng này, năm 1928, tại thành phó Ismailia của Ai Cập, có giáo viên Hassan l-Banna đã lập ra Huynh đệ Hồi giáo Em-Bi. Nhưng lực lượng Em-Bi sớm bung khỏi khuôn khổ hoạt động tôn giáo, xã hội và từ thiện mà thành phong trào chính trị theo một ý thức hệ khá đặc biệt: canh tân giáo lý bằng một số lý luận hiện đại hơn của Tây phương, cho mục tiêu là tìm lại vị trí thống trị của tôn giáo trong một xã hội quá sa đọa.
Nhìn từ một giác độ nào đó thì Em-Bi cũng như phong trào cộng sản và nhiều giáo phái Âu-Á: dùng kiến thức Tây phương để hiện đại hóa tư tưởng thành khí cụ chống Tây phương và nếp sống Tây phương.
Câu chuyện trở thành rắc rối hơn khi ta đối chiếu với một phản ứng khác từ đạo Hồi, phong trào "Thánh chiến" - Jihad - xuất hiện trễ hơn. Đó là phong trào Hồi giáo cực đoan, dùng bạo lực và cả khủng bố làm phương pháp để vãn hồi sự thống trị của Hồi giáo.
Huynh đệ Em-Bi có áp dụng phương pháp "Thánh chiến" - bạo lực - để giành độc lập. Giành độc lập từ Đế quốc Anh trong trường hợp Ai Cập, hay từ Chính quyền Israel của dân Do Thái trong trường hợp Palestine sau này.
Ngược lại, trong các nước Hồi giáo khác, Huynh đệ Em-Bi nhắm vào những hoạt động đa diện hơn, vừa giáo dục, vừa xã hội, vừa chính trị vừa tôn giáo, nhằm cảnh tỉnh người Hồi giáo. Trong mối tranh chấp của các xu hướng Hồi giáo với nhau, Huynh đệ Em-Bi tìm sự dung hoà, đứng ở trên hay ở ngoài, bằng lý luận về giáo lý. Nhờ sắc thái đa diện này, Em-Bi bành trướng rất nhanh và khi Thế chiến II bùng nổ, Ai Cập chưa giành lại độc lập thì lực lượng đã có một triệu cán bộ.
Hãy tưởng tượng là khi các đảng phái Việt Nam xuất hiện để đánh đuổi thực dân Pháp vào những năm 1930-1940 thì lực lượng Em-Bi đã có cả triệu cán bộ!
***
NGHIỆP PHÂN THÂN
Nhưng, nếu nhờ sắc thái đa diện nên thỏa mãn những nguyện vọng nhiều khi mâu thuẫn của quần chúng để trở thành phong trào - xin chú ý đến sự khác biệt giữa "lực lượng" và "phong trào" - Huynh đệ Em-Bi vẫn bị một mâu thuẫn trong xương tủy.
Các lãnh tụ ban đầu gặp áp lực mạnh để lập ra một bộ máy bạo lực, là các nhóm "dân quân" có võ tranh và khả năng tác chiến chống Đế quốc Anh. Nhu cầu đấu tranh vừa tư tưởng vừa võ trang dẫn tới mâu thuẫn giữa văn và võ. Văn thì chậm có kết quả chứ võ là có tác động ngay.
Vì vậy, các nhóm dân quân đã xuất hiện và ra tay mà lãnh tụ và nhà sáng lập Hassan al-Banna không biết. Và dù có biết thì cũng không cản nổi. Thành thử, chủ trương "bán văn bán võ" và "biến võ thành văn" đã có lúc là "biến văn thành võ". Nội tình Em-Bi có hoạt động tuyên truyền và kết nạp đặc công - để chơi trò khủng bố.

Trong Thế chiến II, khi lãnh đạo Em-Bi ở trên chính thức ban bố chủ trương trung lập, các nhóm dân quân ở dưới lại cộng tác với Đức quốc xã để tấn công quân Anh. Khi quốc gia Israel ra đời năm 1948, các nhóm dân quân này tạo thành tích qua việc tấn công dân Do Thái, làm nức lòng quần chúng Á Rập. Hoạt động quân sự ấy khiến Quốc vương Ai Cập lo ngại và quyết định giải tán Huynh đệ Em-Bi và truy lùng các lãnh tụ.
Đầu não ở trên bị tê liệt thì các nhóm bạo động ở dưới càng rộng tay hoành hành.
Khi họ ám sát Thủ tướng Ai Cập Mahmoud Fahmi an-Nukrashi Pasha cuối năm 1948 thì đấy là giọt nước tràn ly. Lãnh tụ al-Banna kết án vụ ám sát này thì năm sau đến lượt mình thiệt mạng! Lãnh tụ mới, một thẩm phán có uy tín là Hassan al-Hudaybi lại không được các cơ sở ở dưới quý trọng. Em-Bi càng tách làm hai. Tích cực hoạt động nhất vẫn là các nhóm dân quân có võ trang.
Năm 1952, khi Gamal Nasser cùng một số sĩ quan đảo chánh Quốc vương và lập ra chế độ mới, lực lượng Em-Bi đứng về phe quân đội và tin rằng sẽ được chia quyền sau ngày cách mạng thành công! Nhưng các tướng lãnh vẫn e ngại lực lượng đã có vẻ võ hơn văn, mà nếu Em-Bi lại tham chính với nhiều tay súng bên trong thì quân đội sẽ kẹt.
Tuy nhiên, Nasser khôn khéo hơn: ông giải tán các đảng phái chính trị khác trừ Huynh đệ Em-Bi và mời Em-Bi gia nhập phong trào chính trị vừa thành lập "Tập hợp Giải phóng". Mục tiêu là đưa Em-Bi vào biên chế để kiềm chế, đồng thời khai thác những mâu thuẫn "văn võ" trong nội bộ của tổ chức này.
Kết quả thần sầu vì thẩm phán Hassan al-Hudaybi tham chánh, giải tán các nhóm võ trang và... mất cơ sở. Nhiều nhóm dân quân bắt đầu nổi loạn nên Em-Bi cũng bị giải tán, thủ lãnh là al-Hudaybi vào tù.
Nhưng khi Nasser đấu lực với Tướng Muhammad Naguib đã thành Tổng thống và lật Naguib để lên ngai thì ông lại mời al-Hudaybi bước ra và cho phép Em-Bi tái hoạt động, cán bộ được trả tự do... Việc đổi chác ấy có lợi cho Nasser, nhưng khiến Em-Bi lại thêm khủng hoảng từ bên trong. Qua ngần ấy xoay chuyển chính trị - rất có mùi Việt Nam - lực lượng võ trang của Em-Bi càng có thêm thế giá. Huynh đệ Em-Bi trở thành huynh đệ dân quân!
Tình trạng đấu tranh nhì nhằng ấy kéo dài khá lâu khiến Em-Bi bị tê liệt và huynh đệ dân quân tha hồ tung hoành. Đó là lý do vì sao người viết đã nói đến chuyện "huynh đệ tương tàn" trong phong trào "Huynh đệ Hồi giáo" (Việt Báo số ra ngày 20110204 - "Ai Cập - Ai Sẽ Nhập Trận"")
Chế độ Nasser không hẳn là vô can trong sự phân hoá đó.
Thế rồi một thế hệ thứ ba đứng ra lãnh đạo phong trào, kết tụ quanh khuôn mặt mới là nhà văn - và công chức - Sayyid Qutb, với tư tưởng và lý luận cực đoan hơn sau nhiều năm tháng tù đầy. Từ văn, chính lãnh đạo Em-Bi đã nhích sang võ và là nguồn cảm hứng cho phong trào Thánh chiến Jihad. Rồi càng trở thành quá khích khi lãnh tụ Qutb bị kết tội là có âm mưu lật đổ chính quyền và lãnh án tử hình năm 1966.
Ở bên dưới, một thế hệ dân quân khác cũng thành hình, với trình độ nghiệp vụ cao hơn và bất mãn lớn hơn khi các nước Á Rập thua trận chiến Sáu Ngày với Israel năm 1967. Khi lãnh đạo Em-Bi lại chính thức từ bỏ bạo lực kể từ năm 1970, Huynh đệ dân quân thực tế thay thế Huynh đệ Hồi giáo, các dân quân trở thành đặc công và sát thủ.
Năm 1970 đó, Nasser tạ thế là Phó Tổng thống Anwar Sadate lên thay. Trong việc xoay chuyển ra khỏi quỹ đạo Xô viết, Sadate giải toả dần áp lực quanh lực lượng Em-Bi để có thêm đồng minh hầuđẩy lui khuynh hướng cực tả hay thân cộng. Em-Bi hồi sinh ở trên và trong chính trường, nhưng bên dưới, các lực lượng dân quân đã thành đặc công và ngoài Huynh đệ Hồi giáo, nhiều nhóm Thánh chiến khác đã thành hình, như Tandheem al-Jahad hay Gamaa al-Islamya...
Sau đó, trong mấy chục năm liền, Em-Bi vẫn giữ được thế giá là phong trào chính trị Hồi giáo có ảnh hưởng nhất, nhờ sự tương nhượng của Sadate và Mubarak. Và cũng nhờ chính quyền Ai Cập đã thẳng tay truy lùng các nhóm Thánh chiến, tức là loại bỏ các đối thủ cực đoan hơn Em-Bi ở cánh hữu! Nhưng ngay trong phong trào này, các nhóm dân quân võ trang vẫn còn đó, và không muốn ngồi yên làm chính khách.
***
Câu chuyện đến đây đã quá dài - và nhức đầu - nên xin dành chuyện Em-Bi trên sân khấu quốc tế cho một kỳ sau.
Chúng ta chỉ cần nhớ rằng ngay trong lá tử vi hay tờ gia phả, lực lượng EM-Bi này có lúc là phong trào xã hội, tôn giáo, là chính đảng thuộc xu hướng bảo thủ. Nhưng bên trong lại có hạt mầm bạo động, thường xuyên giao du với phong trào khủng bố xưng danh Thánh chiến. Những thủ đoạn của Chính quyền Ai Cập, từ Nasser qua Sadate rồi Mubarak có thể góp phần làm phân hoá Em-Bi, tuy nhiên mầm bạo lực thì đã có sẵn bên trong tổ chức.
Vì vậy, ai cũng ngại là trong thời kỳ "hậu Mubarak", nếu lực lượng này tham gia bầu cử - là chuyện đã có từ năm 2005 - và góp phần xây dựng chế độ mới mà các nhóm võ trang hay xu hướng cực đoan ở bên trong lại dùng cái vỏ Em-Bi để dẫn Ai Cập qua hướng khác thì sao"
Khi các nhà bình luận bảo thủ Mỹ nói đến nguy cơ Hồi giáo hay "để mất Ai Cập", họ nghĩ đến lực lượng Em-Bi bán văn bán võ này.
Trong một kỳ sau, ta sẽ châm vào bài toán rắc rối ấy vài thông số - parameters - quốc tế nữa thì may ra sẽ hiểu ra lập trường của các phe đang tranh luận tại Hoa Kỳ và nhiều xứ khác. Nói theo kiểu Mỹ... xin stay tunned.....
___________

Giới thiệu: Bỉnh bút Nguyễn Xuân Nghĩa là bình luận gia thường xuyên của Việt Báo từ nhiều năm nay. Nguyên là Phụ tá Tổng trưởng Tài chánh của Việt Nam Cộng Hoà trước 1975, ông tham gia làm Trưởng ban Tuyển chọn Giải thưởng Viết Về Nước Mỹ của Việt Báo từ năm 2003 và là Chủ biên Giai phẩm Xuân Việt Báo từ Xuân Giáp Thân năm 2004. Từ năm 2011, tác giả mở ra một blog riêng để giới thiệu các bài viết từ nhiều xuất xứ tới quý độc giả gần xa. Việt Báo xin ân cần giới thiệu tới quý vị một địa chỉ đáng tham khảo:
www.dainamax.org

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Dù đã từ trần từ lâu, Võ Văn Kiệt vẫn được người đời nhắc đến do một câu nói khá cận nhân tình: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Tôi vốn tính hiếu chiến (và hiếu thắng) nên lại tâm đắc với ông T.T này bởi một câu nói khác: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to”. Dù chỉ ngắn gọn thế thôi nhưng cũng đủ cho người nghe hiểu rằng Việt Nam là một cường quốc, chứ “không phải dạng vừa” đâu đấy!
Lý do ông Thưởng, ngôi sao sáng mới 54 tuổi bị thanh trừng không được công khai. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, thì ông Võ Văn Thưởng “đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm...
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.