Hôm nay,  

Báo Chui Đối Thoại: Thêm 2 Trí Thức Đòi Dân Chủ

23/02/200100:00:00(Xem: 3713)
HANOI (VB) - Báo chui Đối Thoại số ngày 20/2/2001 lại vừa gửi được ra hải ngoại, nội dung đăng bài của một số nhà khoa học yêu cầu Đảng CSVN phải trả ngay tự do dân chủ cho người dân vì “đây là ước mơ ngàn đời của nhân dân,” và Lời Kêu Gọi Số 6 của Linh Mục Nguyễn Văn Lý. Dưới đây là tiếng nói của các khoa học gia.

Nối kết, 20/2/2001
Nối kết tiếp tay tán phát Đối thoại cho đến khi nào có tự do dân chủ thực sự:

ĐỐI THOẠI - ĐỐI THOẠI - ĐỐI THOẠI (20 tháng 2 năm 2001)

Tại sao có vụ Thái Bình, có vụ Tây nguyên vừa qua, có lời kêu gọi của các linh mục Huế. Vì đất nước ta không có dân chủ mà còn lại áp đặt những cái viễn vông XHCN để làm bình phong áp bức nhân dân

“Tự do dân chủ: khát vọng ngàn đời của dân tộc, là nhu cầu hàng đầu của dân tộc. Và Việt Nam chưa thể đặt chân lên chuyến tàu kinh tế tri thức của thế kỷ mới, nếu không thực thi những quyền tự do dân chủ như đã ghi trong Hiến pháp 46 và Hiến pháp 59 nhằm xây dựng thành công một nước Việt Nam dân chủ và giàu mạnh". Chính hai nhà khoa học Trần Văn Khuê và Nguyễn T. Thanh Xuân đã phải cảnh giác Đảng như thế. "Những kẻ nào mượn danh nghĩa Đảng và Nhà nước để tước đoạt những quyền thiêng liêng này của Nhân dân thì cần phải vạch mặt chúng, bêu rõ tên tuổi chúng để cho Lịch sử và Nhân dân đời đời phỉ nhổ".

Cần nhớ rằng tự do dân chủ là thuộc quyền sở hữu của Nhân dân, không ai có quyền ban phát. Và cũng không ai có quyền mở rộng hay mở hẹp gì cả!

Trên tinh thần đối thoại để có dân chủ. Đối thoại số này xin đăng tải bài viết về tự do dân chủ của nước ta dưới đây của hai nhà khoa học Trần Văn Khuê và Nguyễn Thị Thanh Xuân, cùng lời kêu gọi số 6 của nhóm linh mục Huế.

DÂN CHỦ: NHU CẦU HÀNG ĐẦU CỦA DÂN TỘC

Lại nhớ hôm toạ đàm với Hội đồng Lý Luận Trung Ương, Gs Phạm Minh Hạc thân ái phê bình chúng tôi:

"Các đồng chí biểu dương đồng chí Lê Khả Phiêu phất cao ngọn cờ dân chủ hoá đất nước, lại phê bình đồng chí Đỗ Mười không quan tâm đến các vấn đề dân chủ, như thế chứng tỏ các đồng chí thiếu thông tin. Thực ra đồng chí Đỗ Mười cũng rất quan tâm đến vấn đề này."

Chúng tôi trả lời rằng chúng tôi biết khá rõ về đồng chí Đỗ Mười. Những thành tích hoạt động của đồng chí Đỗ Mười từ hồi đầu khởi nghĩa và chống Pháp ở vùng Nam Định và Liên khu III, cho đến nay nhân dân địa phương vẫn còn truyền tụng. Cuộc đời cách mạng của đồng chí đã đi vào lịch sử, chúng tôi thấy không có gì phải nói thêm. Nhưng khi đồng chí Đỗ Mười cùng với Đại hội VII rút đi từ dân chủ của Bác Hồ thì cần phải phê bình.

Đồng chí Dương Phú Hiệp lại nói:
- Các đồng chí yên trí, kì này lại đưa vào rồi: vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
- Vâng, nếu dưa từ dân chủ vào thì chúng tôi không phê bình nữa! Nhưng tại sao lại đưa dân chủ vào giữa. Phải dân chủ rồi mới nói chuyện "công bằng, văn minh được chứ!".

Rõ ràng đây không phải chỉ là vấn đề từ ngữ, mà là nội dung của cả một cuộc cách mạng, một chế độ mới trên đất nước này. Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là phương tiện, động lực của cách mạng Việt Nam.

Thử hỏi, trong nửa thế kỉ vừa qua, nếu chúng ta thiếu ý thức dân chủ, thiếu tinh thần dân chủ, thiếu hành động dân chủ, ta có thể vận động toàn dân hoàn thành được sự nghiệp "hoà bình, thống nhất, độc lập" hay không"

Dân Việt Nam đi theo Cụ Hồ và Đảng này không phải chỉ vì tin rằng sẽ có độc lập mà còn có cả tự do nữa. Đi làm cách mạng, đi kháng chiến, người ta thấy mình được là mình, được tôn trọng, được khẳng định giá trị của một con người tự do.

"Mẹ đi theo Đảng, mẹ theo Bác Hồ,
Mai sau con lớn làm người tự do"
(Nguyễn Khoa Điềm - Khúc hát ru em bé ngủ trên lưng mẹ)

Đây cũng không chỉ là vấn đề từ ngữ mà là khát vọng ngàn đời của 54 dân tộc đang sống trên đất Việt này.

Không phải ngẫu nhiên mà câu nói của Cụ Hồ lại trở thành khẩu hiệu vang vọng núi sông, lay động lòng người: "Không có gì quí hơn Độc lập Tự do". Cũng không phải ngẫu nhiên mà người ta in trong tâm khảm mình câu nói: "Nước độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập ấy cũng chẳng có nghĩa lý gì".

Chúng tôi có đôi chút kinh ngạc khi nghe Gs Đặng Xuân Kỳ chê chúng tôi đọc còn ít và chưa hiểu Tư tưởng Hồ Chí Minh: "Hai đồng chí chưa đọc cuốn "Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam" của chúng tôi nên chưa hiểu đúng Tư tưởng Hồ Chí Minh".

Chúng tôi đã thưa với đồng chí Đặng Xuân Kỳ rằng, khi được Võ Đại tướng có nhã ý tặng cho cuốn sách "Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam", chúng tôi đã đọc khá kỹ, không chỉ một lần. Chúng tôi không thấy các tác giả bàn về một trong những điểm cốt lõi của Tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề dân chủ. Không có một chương nào bàn về tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh.

Vừa rồi sách tái bản ghi là có sửa chữa và bổ sung (5-2000) vẫn không thấy bổ sung chương này. Và những dòng mà chúng tôi quan tâm nhất vẫn thấy nguyên vẹn trong sách tái bản (trang 95):
"Khái quát lại, Tư tưởng Hồ Chí Minh là gì"
(...)

Đó là tư tưởng cách mạng không ngừng, từ cách mạng Dân tộc dân chủ tiến lên Chủ nghĩa xã hội, nội dung cốt lõi là giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội (giai cấp), và giải phóng con người. Nói ngắn gọn hơn là độc lập dân tộc, dân chủ, chủ nghiã xã hội, hay nói gọn hơn: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội."

Thế là cứ nói "ngắn gọn" theo kiểu này thì mất đứt hai chữ dân chủ của Cụ Hồ.

Chúng tôi càng kinh ngạc hơn nữa khi nghiên cứu cuốn "Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng nước Việt Nam dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" của đồng chí Lê Khả Phiêu (NXB Chính trị Quốc gia - Hà Nội - 8/2000) thấy có những dòng sau đây:

(...) Đảng ta là đội tiên phong của giai cấp công nhân, hết lòng phục vụ nhân dân. Mục tiêu chiến đấu của Đảng là vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của đồng bào; không có mục tiêu nào khác.
(Trích: "Trong quá trình đổi mới phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh", trang 202).

Chúng tôi có trao đổi với một số bạn bè, nhiều người nói cứ nên hiểu trong mục tiêu hạnh phúc là có mục tiêu tự do rồi. Chúng tôi bảo: không được! Vì nếu cứ phải hiểu ngầm ý nhau như thế thì cái tiêu đề trên các công văn đơn từ hẳn phải phải viết gọn là:

Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập - Hạnh phúc
và cái khẩu hiệu lừng danh của cụ Hồ hẳn cũng phải "cập nhật" thành:
Không có gì quý hơn độc lập, hạnh phúc!

Không phải chuyện cứng nhắc hay méo mó nghề nghiệp hoặc "chẻ sợi tóc làm tư làm tám", đã là thuật ngữ khoa học thì phải chính xác. Đặc biệt thuật ngữ chính trị càng phải chính xác, không thể đại khái, tuỳ tiện. Vì ở đây một từ, một cụm từ hay một mệnh đề biểu hiện một mục tiêu chiến lược bao hàm nội dung một giai đoạn cách mạng hoặc cả một cuộc cách mạng. Đúng thì thắng, sai thì bại.

"Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi!" (Hồ Chí Minh).

Cứ thử rút đi một từ nào xem!
"Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Thần tốc, thần tốc hơn nữa!" (Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp).

Cứ thử thay đi một từ nào xem!
"Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động (...) Đẩy mạnh công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa; xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền văn hoá mới, con người mới xã hội chủ nghĩa (...) xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập và xã hội chủ nghĩa".

Đó là những mệnh đề then chốt nằm trong "Đường lối chung của cách mạng xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới ở nước ta" (Trích trong Nghị quyết Đại hội IV- 1976)

Đại hội V vẫn "khẳng định tiếp tục thực hiện đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa do Đại hội IV vạch ra". (Trích trong Nghị quyết Đại hội V Ọ 1981)

Và Đại hội VI sở dĩ vĩ đại chính là vì đã sửa lại đường lối sai lầm của Đại hội IV và Đại hôi V để mở ra một thời kỳ phát triển của đất nước.

Nói một cách không quá đáng rằng tất cả những ai đã bàn về tư tưởng Hồ Chí Minh mà không bàn thấu đáo về tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh, có thể coi như chưa bàn về Tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì tư tưởng dân chủ là một nét đặc trưng cơ bản khu biệt tư tưởng Hồ Chí Minh với những tư tưởng trước Hồ Chí Minh. Quá trình lịch sử 2000 năm trước Hồ Chí Minh, tư tưởng độc lập dân tộc giữ địa vị chủ đạo và thống soái. Phan Chu Trinh và một số nhà yêu nước khác có đề cập đến vấn đề dân chủ nhưng chưa thành một hệ thống lý luận, thực thi còn ít và chưa đạt hiệu quả.

Với Hồ Chí Minh, tư tưởng dân chủ của Người đã thành một hệ thống được thực tiễn kiểm nghiệm và đạt những thành quả rực rỡ chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc: Đó là bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, bản Hiến pháp năm 1946, 30 năm chống thực dân Pháp và đánh đuổi đế quốc Mỹ và nhất là bản Di chúc thiêng liêng của Người để lại cho chúng ta. Hay nói khác đi tất cả những gì mà Hồ Chí Minh đã suy nghĩ và hành động suốt đời mình để dẫn dắt toàn thể Dân tộc bước sang một kỷ nguyên mới, đánh dấu bằng việc thành lập Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên trong lịch sử, đó là kỷ nguyên Việt Nam độc lập và dân chủ.

Không một lực lượng nào có quyền ngăn cản chúng ta đi lên chủ nghĩa xã hội, thực thi chủ nghĩa xã hội. Nhưng trong Đối thoại năm 2000, chúng tôi đã khẳng định đó không phải là chủ nghĩa xã hội lý thuyết của Mác, càng không phải chủ nghĩa xã hội Stalin mà chính là chủ nghĩa xã hội Hồ Chí Minh - chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Việt Nam.

Một lần nữa chúng tôi nhấn mạnh: hoàn thành chủ nghĩa xã hội Hồ Chí Minh chính là tạo điều kiện và tiền đề để tiếp cận chủ nghĩa xã hội Các Mác. Theo Mác, con đường lên chủ nghĩa cộng sản là con đường tất yếu của nhân loại mà giai đoạn đầu của nó là chủ nghĩa xã hội. Vậy nó đã là tất yếu thì cần gì phải hò hét nhiều! Ta cứ làm xong chủ nghĩa xã hội Hồ Chí Minh rồi ta tổ chức trưng cầu dân ý về bước đường đi tiếp. Chắc chắn khi toàn thể nhân dân hiểu được rằng chủ nghĩa xã hội Các Mác là giai đoạn phát triển kế tiếp cao hơn chủ nghĩa xã hội Hồ Chí Minh, nghĩa là dân chủ nhiều hơn, tự do nhiều hơn, giàu mạnh nhiều hơn, công bằng nhiều hơn, sung sướng nhiều hơn, hạnh phúc nhiều hơn thì có ai lại chối bỏ, trừ những vị quá ngu xuẩn hoặc mất trí.

Nhiều bạn đã thân ái phê bình chúng tôi là hay đi lan man. Quả có thế. Tản mạn, lan man và cả trùng điệp là một nhược điểm không thể ngày một ngày hai mà khắc phục ngay được khi cứ phải bàn đi bàn lại một vấn đề quá trọng đại của dân tộc và thời đại: vấn đề dân chủ. Biết là quá tải, vượt tải mà vẫn cố sức làm, không tính đến thành bại, chẳng kể đến mất còn, chỉ mong sao noi theo được chút nào tấm gương sáng của cụ Nguyễn Trường Tộ để tránh được cái tiếng bất nhân bất nghĩa (biết mà không nói là bất nhân, nói mà không nói hết là bất nghĩa); đặng có thể yên tâm nhắm mắt khi từ giã cõi đời này.

Lịch sử nước nhà, xét toàn cục là lịch sử oanh liệt cứu nước chống ngoại xâm. Cả một dân tộc anh hùng như thế, trí tuệ như thế mà cứ thắng giặc xong lại loay hoay trở về với con trâu và cái cày; ngay cả thời kỳ đánh thắng Điện Biên Phủ xong, ta quyết tâm đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Thực hiện công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa thì vẫn cứ là cái cày và con trâu. Hợp tác xã nào thiếu trâu đen mà lại sợ "trâu đỏ" (trâu đen ăn cỏ, trâu đỏ ăn gà) thì đành ca bài "Kéo bừa thay trâu" hoặc dàn hàng ngang mà cuốc tập thể. Vì thế nên lại phát huy cái trò chơi chữ châm biếm: "công nghiệp hoá toàn cuốc" (toàn quốc). Gần đây nghị quyết của mấy Đại hội Đảng ta liên tục chủ trương lấy nông nghiệp làm mặt trận hàng đầu. Thế là mấy chục thế kỷ qua đi, Việt Nam ta vẫn cứ phải "dĩ nông vi bản".

Do quan hệ sản xuất phong kiến và sau này là những chính sách cai trị của chủ nghĩa thực dân cũ cũng như chủ nghĩa thực dân mới kìm hãm, nền nông nghiệp nước ta chưa bao giờ được cơ giới hoá, chưa bao giờ thành đại nông, chỉ là tiểu nông lạc hậu, quanh đi quẩn lại, manh mún vẫn hoàn manh mún. Trong một môi trường kinh tế như thế, người ta có tư duy một cách manh mún tiểu nông cũng không có gì lạ: "Cơm ai nấy ăn, việc ai nấy làm", "đèn nhà ai nhà ấy rạng", "mũ ni che tai chuyện ai nấy biết",. . . đó là những nếp nghĩ, nếp sống đã kéo dài qua nhiều đời, dường như trở thành máu thịt trong một xã hội tự cấp tự túc chủ yếu sống bằng kinh nghiệm.

Cho đến năm cuối thế kỷ XX, nếp tư duy này vẫn hằn sâu và tác động vào đời sống văn hoá - xã hội và để lại các dấu ấn rõ nét trên cả các Dự thảo văn kiện Đại hội IX. Văn kiện các Đại hội trước như thế nào, giờ lại cứ ang áng chép lại, có sửa sang đôi chút gọi là có bổ sung cái mới. Vì thế nên mới có chuyện: vấn đề độc lập dân tộc giải quyết xong từ 25 năm rồi, nay lại vẫn "kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc".

Làm kinh tế xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc ngót 20 năm đã thấy là không thích hợp làm tiếp 10 năm nữa trong cả nước lại thấy càng không thích hợp, lâm vào tình trạng khốn đốn, khủng hoảng, trì trệ. Đại hội VI đã khẳng định là sai lầm, phải sửa sai, phải đổi mới. Nhưng rồi các văn kiện Đại hội VII, Đại hội VIII mà nay là văn kiện Đại hội IX vẫn không dám bỏ mấy chữ xã hội chủ nghĩa, cũng chẳng xác định cho chính xác đó là chủ nghĩa xã hội nào. Biết rõ Trung Quốc mở cửa trước mình hàng chục năm, kinh tế phát triển rầm rộ hơn hẳn mình mà vẫn chưa dám đổi tên nước, mình đổi tên nước như thế là vội vã, cũng chẳng dám sửa. Tư duy "pháp tiên vương" tái sinh chính là thế đó. Nhưng khốn nỗi giữ lại tên nước mình thì lại tự mình mâu thuẫn với mình. Đã là nước xã hội chủ nghĩa rồi mà vẫn nêu định hướng xã hội chủ nghĩa thì chẳng hoá ra giậm chân tại chỗ hay sao" Mạnh dạn cất bước đi tới thì thấy tiến bộ phát triển. Vừa mừng rỡ nhưng rồi lại vừa lo sợ, chỉ hãi chệch hướng. Nếu quả thật mình là con tàu xã hội chủ nghĩa, quyền cầm lái ở trong tay mình thì cứ việc lái tuốt lên chủ nghĩa cộng sản chứ còn thần hồn nát thần tính, lo sợ cái nỗi gì"

Còn nếu thấy không phải như thế thì tổ chức thảo luận cho đàng hoàng, bắt buộc báo chí phải đăng những ý kiến khác nhau, trái nhau, cứ tranh luận rồi để cho công luận phán xét định giá. Cớ sao chỉ đăng bài của những người này mà không đăng bài của những người khác" Không đăng bài của người ta cũng là cách bịt mồm người ta lại và như thế là vi phạm Hiến pháp và Luật pháp (chúng tôi sẽ bàn sau về những ý kiến không đúng của các đ/c Hà Đăng, Vũ Ngọc Ngoạn... đã đăng trên Tạp chí Cộng sản và báo Nhân Dân những số gần đây).

Trở lại vấn đề dân chủ. Tại sao có thể nói đó là nhu cầu của Dân tộc và Thời đại"

Hãy tạm gác ra ngoài cái món hàng "dân chủ, nhân quyền" mà các nước phương Tây thường rêu rao rồi dùng nó để gây sức ép với Việt Nam ta và nhiều nước khác.

Vấn đề dân chủ mà chúng tôi bàn ở đây cũng như ở hai văn bản trước (Chỉnh đốn để tồn tại và phát triển và Đối thoại năm 2000) là dân chủ Hồ Chí Minh - dân chủ Việt Nam - chứ không thể lẫn lộn với bất cứ thứ dân chủ nào khác.

Ai muốn tranh luận, xin kính mời! Miễn mọi sự xuyên tạc hoặc "gắp lửa bỏ tay người".

Như chúng tôi đã từng nói và mọi người cũng thấy rõ, hàng nghìn năm qua ông bà ta chỉ mới giải quyết được vấn đề Độc LậP DÂN TộC, chưa hề giải quyết được vấn đề DÂN CHủ. Cái gọi là "dân chủ thời Trần" khá là tốt đẹp nhưng chưa bao giờ được trở thành một định chế, một thể chế chính trị hẳn hoi, chế độ chính trị thì càng không. Có giặc thì triệu tập Hội Nghị Diên Hồng, hết giặc thì thôi. Chẳng bao giờ có Diên Hồng về kinh tế, hay về văn hoá xã hội.

Cái mới mà Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản mang lại cho Dân Tộc không phải là vấn đề thắng giặc ngoại xâm giành lại độc lập mà chính là chế độ dân chủ: Việt Nam dân chủ cộng hoà. Cái Mới này đáp ứng được nhu cầu của dân tộc và vì đã thực thi được một phần cái Mới này nên Dân ta mới dốc hết mọi của cải và trí tuệ, dốc hết cả sinh mạng mình và con cháu mình để bảo vệ bằng được Nhà nước dân chủ cộng hoà của mình, do đó mà lập nên những chiến công thần kỳ chưa từng có. Đó là thành tích của chế độ dân chủ chứ không phải của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Lâu nay ta cứ nói đó là sự ưu việt của chế độ XHCN là nói nhầm, nói oan cho cụm từ này và làm xấu mặt chủ nghĩa Mác - Lênin.
- Kinh tế ở trình độ nào mà cứ nói là xây dựng CNXH"
- Xây dựng thành công CNXH ở miền Bắc hồi nào mà sao dám vội đưa cả nước lên CNXH"
- Xây dựng xong CNXH hồi nào mà dám đổi tên nước do cụ Hồ đặt: Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà thành Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam"
- Tài sản XHCN là thế nào mà lại ghi vào trong Luật hẳn một tội danh: tội xâm phạm, chiếm đoạt tài sản XHCN..."
- Con người dân chủ mới đã xây dựng xong chưa mà nói đến phải đào tạo con người XHCN"

Rồi nào là công nghiệp XHCN, nông nghiệp XHCN, văn hóa XHCN, tư tưởng XHCN, giáo dục XHCN, thương mại XHCN, đạo đức XHCN, cứ làm như càng nói thật nhiều XHCN thì CNXH càng chóng trở thành hiện thực.

Sau hội chứng XHCN thì lại đến hội chứng định hướng XHCN. Rồi cũng phải để thời giờ điều tra, thống kê, xem hàng ngày trên báo chí và các phương tiện truyền thông khác và ngay trong văn kiện Đại hội IX đã lặp đi lặp lại bao nhiêu lần cụm từ định hướng XHCN"

Tần số chắc không nhỏ đâu. Đến nỗi ngay giáo sư Trần Văn Giầu - một người từng tốt nghiệp Đại học Phương Đông ở thập kỷ 30, từng nghiên cứu bạc đầu về chủ nghĩa Mác Lênin, thế mà đến năm cuối thập kỷ 90, lại đúng vào năm ăn mừng thượng thọ 90 tuổi cũng phải sốt ruột, chất vấn Ban soạn thảo văn kiện rằng: thế nào là XHCN" Và thế nào là định hướng XHCN" Cụ Sáu Giầu mà còn phải thắc mắc như thế nói chi đến lũ hậu sinh thất học về chủ nghĩa Mác hoặc chỉ lơ mơ ăn theo, nói leo về chủ nghĩa Mác. Tất nhiên về tài nghệ sao chép, trích dẫn kinh điển Mác Lênin thì đáng được ghi vào kỷ lục Guiness từ lâu rồi.

Cho nên, thật buồn cười mà cũng thật đau lòng khi thấy dân gian châm biếm: chủ nghĩa xã hội là cả ngày xếp hàng (CNXH) nếu không thì cũng xếp hàng cả ngày (XHCN). Một học thuyết hay như thế, một chế độ đáng mơ ước như thế mà ta nỡ làm sai làm hỏng để đến nỗi mọi chuyện đều đi "từ nghiêm túc đến buồn cười"" (tên một chuyên mục trên Họa báo Liên Xô trước đây).

Buồn cười nhất là khi đọc bài "Cái mới trong dự thảo báo cáo Đại hội IX" của tác giả Hà Đăng vừa in trên Tạp chí Cộng sản số 18 tháng 9-2000 và trên báo Nhân Dân ngày 12/10/2000.

Tác giả Hà Đăng nêu lên 15 điểm mới thì có tới 8 điểm cũ, hoàn toàn cũ và 6 điểm cũ có tân trang chút đỉnh. Duy có một điểm mới, thực sự là mới, nhưng lại mới từ năm 45, rồi do sự nhầm lẫn quá lâu ngày - ít nhất cũng từ Đại hội IV năm 1976 đến nay nên khi lục ra xem lại vẫn thấy còn mới tinh khôi. Đó là vấn đề Dân Chủ.

Mạn phép chạy theo thú trích dẫn và xin bạn đọc vui lòng đọc nguyên văn điểm mới thứ tư này do tác giả Hà Đăng phát hiện:

(...) " Bốn: mục tiêu dân chủ:

Cho đến Đại hội VIII, mục tiêu lý tưởng của chúng ta là chủ nghĩa xã hội đã được trình bày khái quát bằng công thức đi vào lòng dân: "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh" Nay dự thảo thêm hai từ "dân chủ", thành ra "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Trước đây cứ nghĩ rằng bản chất của chủ nghĩa xã hội là dân chủ, cho nên dù có nêu hay không nêu hai từ đó, chế độ ta vẫn là chế độ dân chủ. Song thực tiễn cho thấy, cái bản chất dân chủ ấy không chỉ phải được nói lên mà còn cần nhấn mạnh thêm và nhất là đưa vào cuộc sống hằng ngày. Dân chủ, hay quyền làm chủ của nhân dân, vừa là bản chất của chế độ, vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là một động lực phát triển xã hội. Việc bổ sung hai từ dân chủ làm cho công thức 12 chữ này trở nên trọn vẹn hơn, sống động hơn." (Tạp chí Cộng Sản-số 18, trang 6).

Mong bạn đọc vui lòng cho phép chúng tôi lan man một chút về vấn đề này.

Đầu tiên là cái tiêu đề của điểm mới thứ tư: mục tiêu dân chủ.

Sao lại mục tiêu" Thế 55 năm qua chế độ ta là chế độ gì" Chẳng lẽ Bác Hồ của chúng ta khẳng định "nước ta là một nước dân chủ" lại là chuyện nói đùa chăng" Chẳng lẽ Tuyên ngôn độc lập 2-9 lại không phải là một tuyên ngôn về Độc lập và Dân chủ" Chẳng lẽ Hiến pháp 46 (và sau đó sửa thành Hiến pháp 59) lại chưa phải là Hiến pháp dân chủ hay sao" Chẳng lẽ 30 năm toàn dân chiến đấu, hy sinh lại không phải là để bảo vệ nhà nước dân chủ cộng hoà của mình và giành bằng được độc lập, tự do, hạnh phúc thực sự.

Chúng tôi nhắc lại vì thực sự nhớ ra rằng nhân dân ta chưa bao giờ chấp nhận cái thứ độc lập bánh vẽ mà các vị ngoại xâm đã từng trao trả cho ông cựu hoàng Bảo Đại bù nhìn và ông tổng thống Ngô Đình Diệm bán nước. (Viết đến đây chúng tôi kinh hoàng liên tưởng đến việc mấy nhà soạn Từ điển của ta lại có nhã ý đưa ông Ngô Đình Diệm và em ruột ông là cố vấn Ngô Đình Nhu vào mục từ danh nhân văn hoá("!) Đúng là "đổi mới tư duy"). Chẳng lẽ đã kiên quyết từ chối món độc lập bánh vẽ lại vui lòng xơi món dân chủ tự do bánh vẽ hay sao" Chẳng có gì phải khó khăn khi cần nhất trí với tác giả Hà Đăng rằng "mục tiêu lý tưởng của chúng ta là CNXH" nhưng xin hỏi bạn Hà Đăng: Chủ nghĩa xã hội nào vậy" CNXH của Mác" CNXH của Lênin" hay CNXH của Hồ Chí Minh"

Sở dĩ trong tác phẩm Chỉnh đốn để tồn tại và phát triển, chúng tôi tỏ ý không tán thành quan điểm của đồng chí Cựu tổng bí thư Đỗ Mười và các Đại hội VII, Đại hội VIII biểu hiện trong công thức "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh" vì thấy công thức này đã đi chệch mục tiêu chiến lược Hồ Chí Minh. Xén đi hai chữ dân chủ thử hỏi còn gì là tư tưởng Hồ Chí Minh" Làm gì mà lũ cơ hội trong Đảng không lợi dụng để ra sức vơ vét, bóp hầu bóp cổ nhân dân, làm tổn thất nghiêm trọng uy tín của Đảng, bôi nhọ chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Hà Đăng lại còn viết rằng: "Trước đây cứ nghĩ rằng bản chất của chủ nghĩa xã hội là dân chủ nên dù có nêu hay không nêu hai từ đó, chế độ ta vẫn là chế độ dân chủ".

Xin thưa với đồng chí Hà Đăng: dân chủ là một từ ghép chứ không phải là hai từ. Và nghĩ như đ/c là nghĩ theo sách vở, hoàn toàn không xuất phát từ thực tế Việt Nam. Chủ nghĩa xã hội của Mác với tư cách là giai đoạn đầu của phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa thì dứt khoát bản thân nó là dân chủ rồi, về mặt chính trị. Còn các lĩnh vực kinh tế, văn hoá-xã hội phải được tiếp tục hoàn thiện. Ngay về mặt chính trị mà phần dân chủ nào mới chỉ được đề ra trên giấy, chưa được thực thi thì trách nhiệm của CNXH phải tiếp tục hoàn thiện và phát triển thêm. Nhưng đó là chuyện thuộc các nước tư bản phát triển khi chuyển lên CNXH, không phải chuyện của ta.

Đại hội IX sắp tới sẽ chỉ thực sự thành công và mang ý nghĩa lịch sử nếu mọi người tập trung trí tuệ thảo luận đường đi nước bước của tiến trình thực thi sự nghiệp dân chủ hoá đất nước, cụ thể là thực thi Hiến pháp 46 và Hiến pháp 59, những hiến pháp đã được soạn thảo theo tư tưởng Hồ Chí Minh, chứ không phải theo Hiến pháp 80 và Hiến pháp 92, những hiến pháp được sao chép mô phỏng theo hiến pháp Liên Xô, gò bó và thủ tiêu mọi quyền tự do dân chủ bằng cụm từ "theo luật pháp quy định".

Theo "luật pháp quy định" có nghĩa là đối với mọi quyền tự do dân chủ đã được ghi trong hiến pháp, ta lại ban hành những đạo luật có khả năng vô hiệu hoá những quyền tự do đó. Điển hình là Luật báo chí và xuất bản. Một lần nữa chúng tôi nhắc lại lời nói nổi tiếng của văn hào Voltaire (Pháp):
"Tự do ngôn luận là linh hồn của mọi thứ tự do"

Không có tự do ngôn luận nghĩa là không có tự do nào hết. Thực tế 25 năm qua đã chứng minh rằng vì thiếu tự do ngôn luận mà đất nước ta phát triển rất chậm chạp, thua kém bạn bè một cách đáng xấu hổ. Thiếu tự do ngôn luận nên những sự ức hiếp, bóc lột vẫn dai dảng tồn tại, lòng dân không yên, sức sản xuất không thể phát triển tương xứng với nội lực trí tuệ và văn hoá của dân tộc. Đất nước tiếp tục tụt hậu một cách đáng sợ.

Do đó, ngày nào còn chưa có báo chí và xuất bản ngoài quốc doanh, như đã từng có doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên lĩnh vực kinh tế, trường học ngoài quốc doanh trên lĩnh vực giáo dục, bệnh viện ngoài quốc doanh trên lĩnh vực y tế.v.v... thì ngày ấy chúng ta còn lạc hậu một cách thảm hại. Phải có tự do báo chí, tự do lập hội và những quyền tự do khác đã được ghi trong hiến pháp do chính cụ Hồ chỉ đạo soạn thảo vào năm 46 và năm 59.

Xin phép hỏi các đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Hà Đăng, Hồng Hà, Nguyễn Khánh, Trần Đình Nghiêm, Vũ Hữu Ngoạn- những người được tin cậy giao phó việc soạn thảo văn kiện Đại hội IX:
"Các đồng chí cho biết câu nói của Bác Hồ "Nước có độc lập mà dân không được hưởng tự do hạnh phúc thì độc lập ấy cũng chẳng có nghĩa lý gì" liệu còn có giá trị hay không" có còn là chân lý đối với cuộc sống của nhân dân ta nữa hay không""

Nếu còn giá trị sao các đồng chí không mang tinh thần đó thể hiện trong việc soạn thảo văn kiện Đại hội IX"

Và xin thẳng thắn thách thức tất cả những ai dám cho rằng câu nói trên của Hồ Chí Minh đã trở thành vô nghĩa, không còn là chân lý của Việt Nam và thời đại nữa. Trân trọng kính mời tranh luận!

Chúng tôi tin chắc rằng: Ta sẽ chẳng thể "đi tắt đón đầu", chẳng thể đặt chân lên chuyến tàu kinh tế tri thức của thế kỷ mới, nếu chúng ta không đồng lòng thực thi những quyền tự do dân chủ đã ghi trong Hiến pháp 46 và Hiến pháp 59 nhằm xây dựng thành công một nước Việt Nam dân chủ và giàu mạnh.

Tự do dân chủ là một vấn đề đã cũ, cũ từ 55 năm qua, nhưng thực sự vẫn còn hết sức mới mẻ với Việt Nam ta hiện nay. Chúng ta chỉ có thể vươn lên sánh ngang hàng với bạn bè quốc tế nếu chúng ta nghiêm chỉnh tuân theo lời di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xây dựng xong một nước Việt Nam dân chủ, giàu mạnh rồi ta sẽ xây tiếp một Việt Nam xã hội chủ nghĩa, một Việt Nam cộng sản chủ nghĩa hoặc gì gì nữa. . . tất cả hoàn toàn thuộc quyền của chúng ta.

Cũng xin mạn phép thưa với những quý vị nào còn đang bi quan với tình hình hiện tại: Hãy tin vào Dân tộc, tin vào Nhân dân!

Dân tộc ta không phải là một dân tộc hèn kém; nhân dân ta không phải là một nhân dân chịu khuất phục trước bất công, đói khổ. Nhân dân chính là lực lượng sáng tạo ra lịch sử và quyết định hướng đi của lịch sử. Từ mấy ngàn năm qua đã như vậy, hiện tại đã như vậy và mãi mãi sau này vẫn không thể khác. Nhân dân sẽ là người có tiếng nói cuối cùng quyết định vận mệnh của mình và đất nước của mình.

Chúng tôi xin phép nhắc lại không biết mệt mỏi một điều mà chúng tôi đã nhấn mạnh trong Đối thoại năm 2000:
"Có tự do dân chủ là có tất cả! Mất tự do dân chủ là mất tất cả! Vậy còn lại gì"- Chỉ còn lại một bầy nô lệ mới cho bọn tài phiệt bản xứ và tài phiệt quốc tế mà thôi!"

Cũng như độc lập dân tộc, tự do dân chủ đã được trả giá bằng xương máu của hàng chục thế hệ Việt Nam trong 117 năm đấu tranh (1858-1975). Những kẻ nào mượn danh nghĩa Đảng và Nhà nước để tước đoạt những quyền thiêng liêng này của Nhân dân thì cần phải vạch mặt chúng, bêu rõ tên tuổi chúng để cho Lịch sử và Nhân dân đời đời phỉ nhổ.

Cần nhớ rằng tự do dân chủ là thuộc quyền sở hữu của Nhân dân, không ai có quyền ban phát. Và chúng ta cũng không có quyền mở rộng hay mở hẹp gì cả!

Đại hội IX của Đảng ta phải là một Đại Hội Dân Chủ!
Thế kỷ XXI phải trở thành một Thế Kỷ Dân Chủ của Việt Nam!

Đó là bảo đảm chắc chắn cho thắng lợi của Việt Nam trong công cuộc hội nhập ở thời đại Toàn cầu hóa. Chỉ có thể đối trọng với Toàn cầu hóa bằng Toàn dân hóa tài năng và trí tuệ Việt Nam.

TRẦN KHUÊ - NGUYỄN T. THANH XUÂN
Địa chỉ liên lạc:
Tại TP Hồ Chí Minh:
Ô. Trần Khuê
296-Nguyễn Trãi-Quận 5
Tel/Fax: (08) 8.363.825
Tại Hà Nội:
Ô. Nguyễn Đắc Kính
91-Trần Quốc Toản
Tel: (04) 8.229.730

VB ghi chú: Phần sau của báo chui Đối Thoại số này đăng toàn văn Lời Kêu Gọi Số 6 của Linh Mục Nguyễn Văn Lý “Hỡi Các Giaó Sư, Giáo Viên, Sinh Viên, Học Sinh Việt Nam Đừng Dạy và Đừng Học Chủ Nghĩa Xã Hội, Chủ Nghĩa Cộng Sản và Lịch Sử Đảng CSVN Nữa.” Lời Kêu Gọi Số 6 đã được đăng trên Việt Báo từ lâu.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.