
Mười năm trước, một phán quyết lịch sử của Tối cao Pháp viện (TCPV) Hoa Kỳ không chỉ thay đổi luật pháp, mà còn mở ra một cánh cửa mới cho hạnh phúc và sức khỏe tinh thần của hàng triệu người. Khi nhìn lại chặng đường này, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc công nhận quyền kết hôn của các cặp đôi đồng tính đã mang lại cho họ những lợi ích sâu sắc mà đời sống hôn nhân mang lại. (Nguồn: pixabay.com)
Vào ngày 26 tháng 6 năm 2015, trong vụ kiện Obergefell v. Hodges, quyền kết hôn và xây dựng gia đình – những quyền cơ bản của con người – đã được chính thức công nhận cho các cặp đôi đồng tính trên toàn nước Mỹ. Với 7.6% dân số Hoa Kỳ thuộc cộng đồng LGBTQ+, quyết định này đã và đang tạo ra những thay đổi sâu sắc, không chỉ trong luật pháp mà còn trong trái tim và đời sống của hàng triệu con người.
Theo các nhà nghiên cứu tâm lý học Matthew D. Johnson (Giáo sư Tâm lý học và Giám đốc Đào tạo Lâm sàng, Đại học Binghamton) và Alana L. Riso (đang học Tiến sĩ ngành Tâm lý học lâm sàng, Đại học Binghamton), hôn nhân mang lại những lợi ích đặc biệt. Nhờ được kết hôn, người đồng tính cũng có thể tận hưởng trọn vẹn những điều đó.
Những lợi ích của một cuộc hôn nhân lành mạnh
Từ lâu, các khoa học gia về tâm lý đã nhận thấy có vô số lợi ích mà một cuộc hôn nhân lành mạnh mang lại, dù phần lớn các bằng chứng ban đầu đến từ những cặp đôi khác phái tính. Những người đã yên bề gia thất thường sống tích cực hơn, lạc quan hơn và hồi phục sức khỏe tốt hơn, nhất là khi phải đối mặt với các căn bệnh hiểm nghèo như ung thư hay trải qua các cuộc đại phẫu. Trẻ em trong các gia đình này cũng lớn lên khỏe mạnh và tự tin hơn.
Một cuộc hôn nhân hạnh phúc có thể mang lại những tác dụng tích cực mà mối quan hệ sống thử hay yêu lâu chưa chắc có, ngay cả khi hai người đã sống chung (nhưng không kết hôn). Những người đã lập gia đình thường ít bị trầm uất hơn và có sức khỏe tốt hơn so với các cặp đang yêu nhưng chưa tiến tới hôn nhân.
Tất nhiên, “phép màu” này không xảy ra với những cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Sức khỏe, tinh thần, niềm vui sống, sự phát triển của con cái – tất cả đều tùy thuộc vào việc gia đình có êm ấm hay không.
Điều gì khiến hôn nhân trở nên đặc biệt?
Giữa một cuộc hôn nhân hạnh phúc và một mối quan hệ sống chung lâu dài, cả hai đều có thể bền vững và viên mãn – nhưng hôn nhân lại mang đến nhiều lợi ích hơn về mặt tinh thần. Vì sao lại như vậy? Dù chưa có câu trả lời chính xác, giả thuyết được ủng hộ nhiều nhất đến từ một khái niệm vật lý: quán tính (inertia).
Trong lĩnh vực nghiên cứu các mối quan hệ, “quán tính” có thể hiểu là một mối quan hệ sẽ tiếp tục diễn tiến theo hướng hiện tại nếu không có tác nhân bên ngoài tác động để thay đổi quỹ đạo đó.
Khi hai người gắn bó lâu dài, mối quan hệ của họ cũng dần đi xa hơn theo thời gian. Họ bắt đầu dành nhiều tình cảm, thời gian và cả công sức cho nhau: tặng nhau món quà nhỏ, giới thiệu bạn bè thân thiết, rồi dần quen với việc qua đêm ở nhà nhau. Từ đó, chuyện sống chung hay kết hôn trở thành bước đi tiếp theo hết sức tự nhiên.
Điểm khác biệt mấu chốt nằm ở đây. Hôn nhân không chỉ là nghi lễ, đó là cột mốc quan trọng, mở ra một chương mới trong cuộc đời. Để đi đến quyết định kết hôn, nhiều người phải suy nghĩ và chuẩn bị suốt nhiều năm. Trong khi đó, sống chung thường diễn ra theo dòng chảy của mối quan hệ: dễ bắt đầu mà không cần quá nhiều toan tính. Đôi khi, người ta ở với nhau lâu vì thấy thuận tiện hơn là vì một ý định nghiêm túc.
Chính sự cam kết rõ ràng, sâu sắc và có chủ đích của hôn nhân được cho là chìa khóa mở ra nhiều lợi ích hơn so với việc chỉ chung sống đơn thuần.
Thực tế sau 10 năm: Các cặp đôi đồng tính đang gặt hái “trái ngọt”
Khi ngày càng có nhiều cặp đôi đồng tính bước vào cuộc sống hôn nhân, câu hỏi đặt ra là: khi bước vào khuôn khổ pháp lý, liệu tình yêu ấy có mang lại cho họ những lợi ích giống như bao cặp khác phái tính khác?
Dù nghiên cứu vẫn đang trong giai đoạn ban đầu, những dấu hiệu tích cực đầu tiên đã bắt đầu xuất hiện. Theo một cuộc thăm dò năm 2024, phần lớn những người đã kết hôn đồng tính cho biết họ cảm thấy gắn bó hơn với bạn đời của mình và thấy cuộc sống ý nghĩa hơn sau khi cưới.
Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng các cặp đôi đồng tính đã kết hôn có sức khỏe tinh thần tốt hơn so với các cặp sống chung có đăng bộ nhưng không lập hôn thú.
Thêm vào đó, một nghiên cứu khác cho thấy những người đồng tính đã kết hôn thường cảm thấy hạnh phúc hơn và ít rơi vào trầm uất hơn so với những người chỉ sống chung mà không kết hôn.
Về chuyện con cái, các dữ liệu hiện nay cho thấy con của các cặp cha mẹ đồng tính cũng phát triển tốt không thua kém gì con của các cặp cha mẹ khác phái tính. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nhiều nghiên cứu tìm hiểu về tác động khi các cặp cha mẹ đồng tính ly hôn.
Lợi ích hôn nhân giữa các cặp đồng giới và khác giới có gì khác biệt?
Thật ra, cảm giác hạnh phúc trong các mối quan hệ đồng giới hay khác giới phần lớn đều được quyết định bởi các yếu tố giống nhau. Tuy nhiên, có hai điểm khác biệt quan trọng: phái tính của hai người trong mối quan hệ và những áp lực đến từ sự kỳ thị xã hội.
Trong các mối quan hệ khác phái tính, phụ nữ thường phải chịu thiệt thòi và ít khi được xem ngang hàng. Trong khi đó, các cặp đồng tính không bị ràng buộc bởi các chuẩn mực nam-nữ truyền thống. Họ dễ dàng chia sẻ việc nhà, giúp đỡ nhau và cùng nhau đưa ra quyết định, giải quyết những bất đồng một cách công bằng. Chính điều đó giúp tình cảm của họ thêm bền chặt.
Một điều dễ thấy ở các mối quan hệ đồng tính là họ thường bị tổn thương bởi ánh nhìn kỳ thị của xã hội. Đây cũng là thách thức lớn nhất. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, dù có người thương yêu bên cạnh, sức nặng của sự kỳ thị từ xã hội vẫn không dễ xóa nhòa. Thậm chí, nó còn khiến những trăn trở trong mối quan hệ trở nên nhức nhối hơn. Không ít người dần dần mang trong lòng cảm giác xấu hổ về chính tình cảm chân thật của mình, chỉ vì họ đã tin vào lời phán xét của xã hội rằng tình yêu ấy là sai trái. Và chính điều đó làm hao mòn tinh thần, làm tổn thương mối quan hệ mà họ đã cố gắng vun đắp.
Giới chuyên gia cho rằng, nếu không vượt qua được sự dè bỉu của xã hội, các cặp đồng tính sẽ rất khó có thể tận hưởng trọn vẹn những điều quý giá mà hôn nhân có thể mang lại.
Từ pháp lý đến xã hội: một vòng tròn tích cực
May mắn thay, khi luật pháp thay đổi, xã hội cũng dần thay đổi theo. Kể từ phán quyết vụ kiện Obergefell, xã hội cũng ngày càng mở lòng. Đến năm 2025, 67% người trưởng thành thuộc cộng đồng LGBTQ+ đồng tình rằng nước Mỹ đã cởi mở hơn nhờ việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính.
Mà không chỉ riêng ở Hoa Kỳ. Nhiều nơi khác trên thế giới, người dân ủng hộ hôn nhân đồng tính hơn nếu quyền này đã được pháp luật công nhận. Dù chưa thể xác định rõ là xã hội thay đổi dẫn đến pháp luật thay đổi, hay luật pháp thay đổi khiến xã hội tiến bộ hơn, nghiên cứu từ nhiều nước cho thấy: nếu cấm, xã hội sẽ tiếp tục kỳ thị; còn nếu công nhận, sự ủng hộ sẽ tăng lên.
Dù vậy, cuộc đấu tranh vẫn chưa kết thúc. Vẫn còn 19% người dân ở Hoa Kỳ phản đối mạnh mẽ hôn nhân đồng tính. Nói cách khác, luật pháp đã tiến một bước dài, nhưng sự khắt khe, kỳ thị thì vẫn chưa hoàn toàn biến mất. Hành trình đi đến sự bình đẳng và chấp nhận hoàn toàn vẫn còn ở phía trước.
Cung Đô biên dịch
Nguồn: “Expansion of marriage rights to same-sex couples also expanded access to the psychological benefits that come with tying the knot” được đăng trên trang TheConversation.com.
Gửi ý kiến của bạn