
(Ngày 23 tháng 6, Reuters) – Tình hình căng thẳng tại Trung Đông tiếp tục leo thang khi Iran phóng 14 phi đạn nhắm vào một căn cứ quân sự của Hoa Kỳ tại Qatar rạng sáng thứ Hai. Mặc dù không gây ra thương vong nào, sự việc đã khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về nguy cơ cuộc xung đột kéo dài suốt 12 ngày qua sẽ càng lan rộng. Tổng thống Donald Trump “chê” vụ tấn công này là “đòn gãi ngứa,” và lên tiếng kêu gọi cả Iran lẫn Israel cùng hướng đến hòa bình.
Hồi cuối tuần qua, vụ không kích bằng bom xuyên phá hầm (bunker-busters) nặng tới 30,000 pound của Hoa Kỳ vào các cơ sở phát triển chương trình nguyên tử của Iran đánh dấu việc Washington trực tiếp tham gia chiến dịch không kích cùng Israel. Tehran cảnh báo sẽ đáp trả và Tổng thống Trump thậm chí còn úp mở chuyện lật đổ chính quyền Hồi giáo tại Iran.
Ayatollah Ali Khamenei, Lãnh tụ tối cao Iran, nhấn mạnh: “Chúng tôi không gây hấn trước, nhưng sẽ không để ai kiếm chuyện với mình. Người dân Iran không bao giờ chấp nhận khuất phục trước áp lực hay bạo lực – đó chính là tinh thần của dân tộc Iran.”
Trước khi tiến hành vụ tấn công, Iran đã thông báo trước cho phía Hoa Kỳ thông qua các kênh ngoại giao, đồng thời cũng báo cho chính quyền Qatar. Tổng thống Trump tỏ ra không mấy lo lắng. Trên mạng xã hội Truth Social, ông viết:
“Tôi rất cảm kích việc Iran đã báo trước, nhờ vậy không có ai bị chết hay bị thương. Có lẽ giờ là lúc Iran hướng về hòa bình và sự hòa hợp trong khu vực, và tôi sẽ mạnh mẽ vận động Israel cũng làm điều tương tự.”
Trump cũng cho biết thêm phía Iran đã phóng tổng cộng 14 phi đạn vào căn cứ Mỹ ở Qatar. Tuy nhiên, ông coi đó là “phản ứng yếu ớt, đúng như chúng tôi đã liệu trước và đã ngăn chặn hiệu quả.”
Ông nhấn mạnh rằng không có người Mỹ nào bị thương và thiệt hại cũng gần như không đáng kể. Quan trọng nhất, theo Trump, Iran đã “xả giận” xong và hy vọng từ đây sẽ không còn sân hận nữa.
Vụ tấn công lần này của Iran được giới quan sát đánh giá là để “giữ thể diện” mà vẫn có thể tránh tạo ra một chuỗi leo thang quân sự nguy hiểm vượt tầm kiểm soát.
Thông qua một tuyên cáo chính thức đăng trên tài khoản Telegram của Bộ Ngoại Giao, Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi, tuyên bố Iran sẵn sàng đáp trả nếu Hoa Kỳ có thêm hành động quân sự.
Tuy nhiên, vụ tấn công khiến mối quan hệ giữa Iran và các nước láng giềng Ả Rập thêm căng thẳng. Qatar, dù có quan hệ thân cận với Tehran, cũng lên án sự việc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Qatar Majed Al Ansari cho biết: “Dù quan hệ giữa hai quốc gia và hai dân tộc vẫn luôn bền chặt, nhưng về chuyện này thì cần phải có buổi gặp mặt trực tiếp để nói cho rõ.”
Bahrain, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Ả Rập Saudi, Kuwait và Iraq cũng ra thông cáo phản đối Iran.
Cùng ngày, Israel cho hay đã thực hiện đợt không kích có quy mô lớn nhất từ trước đến nay nhằm vào thủ đô Iran, với nhiều mục tiêu trọng yếu, trong đó có nhà tù Evin, nơi giam giữ nhiều tù nhân chính trị và nhân vật đối lập.
Đài truyền hình IRIB của Iran phát đoạn clip cho thấy đội cứu nạn đang tìm kiếm người sống sót dưới đống đổ nát, và đưa một người đàn ông bị thương ra ngoài bằng cáng. Theo hãng thông tấn Mizan của Iran, nhà chức trách đang khẩn trương tìm cách đảm bảo an toàn cho tù nhân.
Evin là nơi từng giam giữ hàng loạt nhân vật bị xem là chống đối chính quyền và bị buộc tội làm gián điệp. Đây cũng là nơi từng diễn ra nhiều vụ hành quyết mà đến nay vẫn là nỗi ám ảnh với phe đối lập. Hiện có một số tù nhân nước ngoài nổi bật cũng đang bị giam tại đây.
Israel cũng tấn công vào các trung tâm chỉ huy của Lực lượng Vệ binh Cách mạng, chuyên trách an ninh nội địa tại Tehran. Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Israel Katz, cho biết họ “đang tiến hành những đợt tấn công mạnh chưa từng có nhằm vào các cơ sở của chính quyền ngay giữa trung tâm Tehran.”
Sau 10 ngày oanh kích liên tục, nhiều khu dân cư tại Tehran (thành phố vốn có 10 triệu dân) đã phải di tản. Hãng tin Tasnim đưa tin một trạm điện tại khu vực Evin bị trúng đạn. Công ty điện lực Tavanir xác nhận có nhiều khu vực trong thủ đô hiện nay không có điện.
Không còn lựa chọn nào khác
Kể từ khi Hoa Kỳ tham gia vào chiến dịch quân sự của Israel vào sáng Chủ Nhật (22/6), phía Iran đã liên tiếp đưa ra các lời cảnh cáo trả đũa.
Trong một đoạn clip bằng tiếng Anh, phát ngôn viên của Tổng hành dinh quân sự Khatam al-Anbiya, Ebrahim Zolfaqari, tuyên bố: “Trump là một kẻ liều lĩnh. Ông ta có thể khơi mào cuộc chiến này, nhưng chính chúng tôi sẽ là người kết thúc nó.”
Tuy nhiên, chính quyền Trump vẫn khẳng định mục tiêu duy nhất là phá hủy chương trình nguyên tử của Iran, chứ không tìm cách mở rộng cuộc chiến. Dù vậy, trên mạng xã hội, Trump lại cứ úp mở về chuyện lật đổ tầng lớp giáo sĩ cứng rắn đang kiểm soát Iran – kẻ thù lâu năm của Washington kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979.
Theo tiết lộ từ năm nguồn tin thân cận, giới chức Iran đang ráo riết chuẩn bị cho việc tìm người kế vị Lãnh Tụ Tối Cao Ayatollah Ali Khamenei, năm nay đã 86 tuổi. Hai nhân vật được xem là ứng viên hàng đầu là Mojtaba Khamenei (56 tuổi) – con trai của lãnh tụ hiện tại, và Hassan Khomeini (53 tuổi) – cháu nội của Ayatollah Ruhollah Khomeini, người sáng lập Cộng hòa Hồi giáo Iran.
Dư luận Hoa Kỳ tỏ ra ngày càng bất an trước khả năng cuộc xung đột Mỹ – Iran sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát. Một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos kết thúc hôm thứ Hai (24/6) cho thấy đa số người dân lo ngại bạo lực sẽ leo thang, đặc biệt sau khi Tổng thống Trump ra lệnh ném bom vào các cơ sở nguyên tử của Iran.