
Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ hôm thứ Hai đã tạm thời dỡ bỏ một phán quyết của tòa cấp dưới, vốn yêu cầu chính quyền Trump phải báo trước ít nhất 15 ngày trước khi trục xuất người di dân sang một quốc gia không phải quê hương họ, theo bản tin của NPR.
Lệnh tạm hoãn này – tuy chỉ có hiệu lực trong khi chờ xét xử tại tòa cấp dưới – đã vô hiệu hóa yêu cầu pháp lý trước đó, buộc chính phủ phải cho người bị trục xuất thời gian tiếp xúc với luật sư và cung cấp bằng chứng cho thấy họ có thể gặp nguy hiểm nếu bị đưa đến những quốc gia đó.
Vấn đề bắt nguồn từ một chuyến bay chở nhiều người đến từ Miến Điện, Lào, Việt Nam, Cuba và Mexico. Máy bay ban đầu định hạ cánh ở Nam Sudan nhưng sau cùng đáp xuống Djibouti, Đông Phi – nhằm cho phép các hành khách có cơ hội khiếu nại điểm đến cuối cùng. Chính phủ Hoa Kỳ khẳng định những người này đều là tội phạm hình sự, từng bị kết án vì giết người, hiếp dâm, bắt cóc và cướp của – do đó không xứng đáng được ở lại Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, theo Thẩm phán Brian Murphy thuộc Tòa Liên bang Massachusetts, mọi người – dù mang tội danh gì – vẫn có quyền được phỏng vấn đánh giá "nỗi sợ chính đáng" bằng tiếng mẹ đẻ, và được ít nhất 15 ngày để phản bác việc bị trục xuất sang một nước thứ ba.
Hiện nhóm người nói trên đang bị giam trong các thùng container cải biến tại căn cứ quân sự Hoa Kỳ ở Djibouti – nơi nhiệt độ cao, muỗi sốt rét hoành hành, và khói từ các hố đốt rác và chất thải khiến không khí ngột ngạt.
Lệnh tạm hoãn của Tối Cao Pháp Viện – không ký tên, ban hành hôm thứ Hai – cho phép chính quyền tiếp tục tiến trình trục xuất, trong khi vụ kiện vẫn đang chờ xét xử.
Ba vị thẩm phán cấp tiến phản đối quyết định này gay gắt, lên án đa số thẩm phán bảo thủ đã "thưởng cho hành vi xem thường luật pháp" của chính phủ.
Thẩm phán Sonia Sotomayor viết thay mặt nhóm: “Chính phủ đã công khai chứng minh rằng họ cảm thấy không bị ràng buộc bởi pháp luật – tự do trục xuất bất kỳ ai, bất kỳ nơi nào, không cần thông báo hay cho họ cơ hội được lên tiếng.”
Bà nhắc lại rằng chính quyền Trump từng vi phạm trắng trợn phán quyết của tòa cấp dưới – như việc đưa bốn người không có quốc tịch đến Vịnh Guantanamo rồi chuyển sang El Salvador; hay việc trục xuất sáu người sang Nam Sudan trong đêm chỉ với chưa đầy 16 tiếng báo trước – không luật sư, không tòa án. “Họ ngang nhiên phớt lờ hai lệnh của tòa, trước cả khi đệ đơn lên Tối Cao Pháp Viện,” bà viết.
“Đây không phải lần đầu Tòa án nhắm mắt làm ngơ trước hành vi bất tuân. Và tôi e rằng cũng không phải lần cuối,” Sotomayor cảnh báo.
Chính phủ biện hộ rằng họ đang phải đối mặt với “khủng hoảng di dân bất hợp pháp,” trong đó “những người đáng bị trục xuất nhất lại là những người khó trục xuất nhất.” Trình bày trước Tối Cao Pháp Viện ngày 27 tháng Năm, Tổng Biện Lý John Sauer lập luận rằng phán quyết của Thẩm phán Murphy đang "gây rối loạn nghiêm trọng" cho tiến trình trục xuất sang nước thứ ba. Ông nói Bộ An ninh Nội địa (DHS) đã phải dùng đến phương pháp “ngoại giao nhạy cảm” để thuyết phục một số quốc gia nhận lại những người mà chính quê hương họ từ chối, và việc bị buộc tuân thủ thủ tục kéo dài chỉ khiến chính phủ bất lực.
Tuy vậy, giới luật sư di trú – từ các tổ chức như Northwest Immigrant Rights Project, Human Rights First, và National Immigration Litigation Alliance – phản bác rằng ngay cả người mang tiền án cũng đáng được báo trước và có cơ hội phản biện nếu có nguy cơ bị tra tấn hay đàn áp tại quốc gia đích đến.
Họ nêu ví dụ: nhóm người bị đưa sang Nam Sudan chỉ nhận được thông báo vào tối hôm trước chuyến bay – không đủ thời gian để chuẩn bị hồ sơ hay liên lạc luật sư. Họ cũng cho rằng việc chọn trục xuất sang các quốc gia như Nam Sudan – một trong những nước nghèo và bất ổn nhất thế giới – là hành vi "trừng phạt có chủ ý."
Chính sách dùng nước thứ ba để giam giữ và trục xuất không phải là mới, nhưng dưới thời ông Trump, Bộ Ngoại Giao được chỉ đạo đẩy mạnh chiến dịch buộc nhiều quốc gia như Trung Cộng, Venezuela và Cuba nhận lại công dân – càng xa biên giới Mỹ càng tốt. “Càng xa thì càng khó quay lại,” Ngoại trưởng Marco Rubio tuyên bố trong một phiên họp nội các hồi tháng Tư.
Theo chính sách hiện hành, DHS phải thông báo cho người bị trục xuất quốc gia họ sẽ bị đưa đến, và cung cấp cơ hội xét duyệt "nhanh chóng" nếu họ trình bày nỗi sợ bị tra tấn. Tuy nhiên, chính quyền nói thủ tục này chỉ mất “vài phút,” không cần kéo dài nhiều tuần. Trong trường hợp chuyến bay đi Nam Sudan, các đương sự chỉ được báo trước chưa đầy 24 giờ – một khoảng thời gian mà theo các luật sư, "khiến việc kháng cáo trở thành vô vọng" – nhất là với những người không nói được tiếng Anh.
Một số công dân hay thường trú nhân Hoa Kỳ gần đây cũng đã bị ICE bắt giữ và trục xuất, các trường hợp gây chú ý gần đây là ba trẻ em công dân Mỹ bị trục xuất cùng mẹ sang Honduras, trong đó có một bé 4 tuổi đang điều trị ung thư giai đoạn cuối. Một người phụ nữ mang thai quốc tịch Mỹ khác cũng bị ICE bắt giữ tại Los Angeles dù không có tiền án và đang ở tháng cuối thai kỳ. Các tổ chức nhân quyền lo ngại phán quyết hôm nay không chỉ làm tăng các vụ sai sót hành chính mà còn dẫn đến cố tình vi phạm hiến pháp nghiêm trọng. (VB)