
(BILLINGS, Mont., ngày 23 tháng 6, APNews) – Một trong những ký ức đầu đời sâu đậm nhất của Layton Tallwhiteman là khi anh ngồi xem bản tin tại nhà chú ở Montana vào năm 2003, chứng kiến cảnh Hoa Kỳ dội bom Baghdad, mở màn cho cuộc chiến tại Iraq.
Giờ đây, những ký ức ấy lại trỗi dậy mãnh liệt trong tâm trí anh, sau khi Tổng thống Donald Trump ra lệnh không kích các cơ sở nguyên tử của Iran vào cuối tuần qua, khi xung đột giữa Iran và Israel leo thang. Cuộc chiến Iraq khi xưa cũng được mở đầu với lý do tìm kiếm “vũ khí hủy diệt hàng loạt,” thứ mà cuối cùng hóa ra không hề tồn tại.
Chính quyền Trump từng nhấn mạnh rằng họ không hề muốn bị sa lầy vào chiến tranh. Nhưng với Tallwhiteman, người lớn lên trong cộng đồng Northern Cheyenne, nằm phía đông nam thành phố Billings, anh không mấy tin vào điều đó.
“Họ cho rằng chỉ cần loại bỏ mối đe dọa là xong. Như Bush đã từng nói về Iraq: ‘Chúng ta sẽ tiêu diệt mối đe dọa. Chúng ta sẽ tìm ra và tiêu hủy vũ khí hủy diệt hàng loạt.’ Nhưng rồi sao? Kết quả đâu như ông ta nghĩ,” Tallwhiteman nói.
Ở tuổi 30, làm tài xế cho một công ty phân phối thực phẩm, anh cho biết mình thường bỏ phiếu cho Đảng Tự Do (Libertarian), nhưng cũng không thể đồng tình với Trump nên đã bỏ phiếu cho Kamala Harris hồi năm ngoái.
Chủ Nhật vừa qua (22/6), khắp nước Mỹ tràn ngập phản ứng trái chiều. Có người đồng tình, có người hoang mang lo lắng, và cũng có không ít người chưa biết phải nghĩ sao về cuộc không kích khiến các cơ sở nguyên tử Iran bị tàn phá nặng nề.
Các viên chức cho biết các đợt không kích đã gây thiệt hại lớn cho chương trình nguyên tử của Iran, nhưng vẫn “chừa đường lui” cho họ quay lại bàn đàm phán. Tuy nhiên, nếu xung đột tiếp tục lan rộng, thì liệu Tổng thống Trump có thể vừa lèo lái được chính sách đối ngoại của mình, vừa giữ được lòng tin từ cử tri trong nước hay không?
“Không còn cách nào khác”
Tại Missouri, những chiếc oanh tạc cơ B-2 vừa trở về Căn cứ Không quân Whiteman sau khi tham gia các cuộc tấn công. Sống gần đó, Ken Slabaugh, cựu quân nhân Không quân, nói ông “ủng hộ 100%” hành động của Tổng thống Trump và các quân nhân tham gia chiến dịch.
Theo Slabaugh, Iran từ lâu đã quay lưng với các cuộc đàm phán nguyên tử, và đây là rắc rối mà Trump phải tiếp quản từ các đời trước. Ông nhấn mạnh rằng không thể tin tưởng Iran, cũng không thể để quốc gia này sở hữu vũ khí nguyên tử.
“Không làm thì không được,” ông cho biết, và thêm rằng ông đang lo lắng cho các quân nhân Hoa Kỳ đang làm nhiệm vụ trên khắp thế giới.
“Tôi vô cùng tự hào về những người con của đất nước đang ngày đêm gìn giữ an ninh cho chúng ta. Không nơi nào trên thế giới có thể làm được điều mà chúng ta đang làm. Nhờ có họ, chúng ta mới có cuộc sống an lành và được quyền làm chủ số phận,” Slabaugh nói.
Tại bờ Đông, ở thành phố Rehoboth Beach, Delaware, chàng trai trẻ 18 tuổi Andrew Williams chia sẻ rằng cậu không khỏi bất ngờ khi Mỹ phát động cuộc tấn công, nhất là khi nhiều thành viên Đảng Cộng Hòa từng lên tiếng phản đối việc Hoa Kỳ dính líu vào cuộc chiến Israel-Iran. Tuy nhiên, cậu cho rằng nếu Iran đang chuẩn bị sở hữu vũ khí nguyên tử, thì cần phải hành động quyết đoán.
“Nếu ta có thể triệt tiêu được mối đe dọa đó, thì rõ ràng là nên làm,” Williams nói.
Tại Billings, Robert Wallette cho rằng việc ra lệnh không kích là quyết định đúng đắn của Tổng thống Trump, và việc đó thể hiện sự ủng hộ rõ ràng của Mỹ đối với Israel.
“Iran rất tàn ác, độc đoán. Họ căm ghét người Mỹ,” Wallette nói dứt khoát.
Wallette, 69 tuổi, từng làm chuyên viên hợp đồng tại Cơ quan Indian Health Service. Ông kể rằng từng rất ghét Trump khi mới lên làm Tổng thống, đơn giản vì cái cách cư xử kênh kiệu.
Nhưng rồi suy nghĩ của ông dần đổi khác kể từ khi Trump chuyển Đại sứ quán Hoa Kỳ từ Tel Aviv sang Jerusalem. Đến năm 2024, ông bỏ phiếu cho Trump vì tin vào những lời hứa sẽ mạnh tay với vấn đề di dân lậu. Ông nằm trong nhóm 60% cử tri ở Quận Yellowstone đã bầu cho Trump vào năm ngoái.
Tuy nhiên, Wallette cũng thấy hơi lo, không biết liệu Tổng thống có đủ bản lĩnh để giữ cho Hoa Kỳ không bị cuốn vào một cuộc chiến lớn hơn với Iran hay không. Ông nói: “Nhiều nước đang nhúng tay vào, và tôi sợ là giờ mọi việc không còn nằm trong tay ông ấy nữa.”
Ở Davie, Florida, anh Kent Berame, 32 tuổi, lại có góc nhìn khác. Là chủ một công ty tiếp thị và là người ủng hộ Đảng Dân Chủ, Berame cho rằng việc Tổng thống Trump tự ý chuẩn thuận không kích mà không ngó ngàng gì đến Quốc Hội là điều không thể chấp nhận. Ông nói: “Tôi thực sự lo rằng điều này sẽ khiến các căn cứ Mỹ trở thành mục tiêu tấn công, và đẩy quân nhân của chúng ta vào thế nguy hiểm.”
Theo Berame, điều khiến ông bất an nhất là Hoa Kỳ sau nhiều năm mới rút lui được khỏi cuộc chiến ở Afghanistan, rồi bây giờ lại có vẻ như đang khơi mào thêm căng thẳng mới với Iran.
“Tôi thực sự không mong muốn thấy thêm một binh lính Mỹ nào bị rơi vào hiểm cảnh,” anh chia sẻ.
Quay trở lại Billings, Patty Ellman, một cử tri từng bầu cho Trump, thấy lo lắng rằng đất nước đang bị cuốn vào một cuộc chiến khác, dai dẳng, không hồi kết.
“Nội bộ nước Mỹ đang rối ren thế này rồi, sao còn phải tham gia vào chiến tranh của thiên hạ? Chúng ta nên tập trung lo cho dân mình trước,” bà nói.
Ellman, 61 tuổi, hiện đang chăm sóc người chồng cũ bị đột quỵ, cho rằng Hoa Kỳ chỉ nên đáp trả nếu bị tấn công, còn không thì nên tránh xa xung đột giữa Iran và các nước khác. “Đó là chuyện của họ,” bà nhấn mạnh. “Chúng ta cứ lo cho dân mình đi. Xem thử liệu chúng ta có đủ sống hay không, liệu chúng ta có còn tiền An Sinh Xã Hội hay không.”