
Trong vòng chưa đầy hai năm, Thủ Tướng Israel Benjamin Netanyahu đã làm đảo lộn cán cân quyền lực tại Trung Đông. Với sự táo bạo, thâm sâu, quyết liệt và cả một chút may mắn, ông đã đẩy Iran – kẻ thù lớn nhất của Israel trong khu vực – vào thế bị động. Nhưng có thể nói, “chiến công để đời” trong di sản chính trị của ông lại nằm ở Washington: thuyết phục được Tổng Thống Donald J. Trump ủng hộ ý tưởng tấn công Tehran bằng toàn bộ sức mạnh quân sự của Israel.
Theo lời kể của hai viên chức Israel từng trực tiếp tham gia các cuộc thảo luận với phía Hoa Kỳ, mọi chuyện bắt đầu từ ngày 4 tháng 2, Netanyahu đến Tòa Bạch Ốc lần đầu tiên kể từ khi Trump trở lại nắm quyền. Trong Phòng Nội Các, Netanyahu không vòng vo mà nhắc lại rằng Iran từng âm mưu ám sát Trump. Sau đó, ông trình chiếu một bộ slide công phu và chi tiết, phân tích rõ từng điểm, cho thấy Iran đang âm thầm từng bước vượt qua ngưỡng nguyên tử: trữ lượng uranium làm giàu ngày càng tăng, máy ly tâm ngày càng hiện đại.
“Donald, ông coi coi,” Netanyahu nói, rồi ngưng một nhịp, nhìn thẳng vào mắt Trump: “Chúng ta phải can thiệp. Họ đang tăng tốc. Đâu thể cứ vậy mà trơ mắt ra nhìn Iran sở hữu vũ khí nguyên tử trong nhiệm kỳ của ông.”
Trump có vẻ như đã bị thuyết phục, nhưng vẫn chưa đồng ý “bật đèn xanh” cho Israel ra tay trước. Ông ưu tiên con đường ngoại giao hơn. Suy cho cùng, Trump được bầu lên với cam kết chấm dứt chiến tranh chứ không phải phát động những cuộc chiến mới. Ông cũng đã cử người bạn thân lâu năm, trùm địa ốc Steve Witkoff, đứng ra thương thuyết với Tehran. “Thử nói chuyện với họ trước đã,” Trump nói với Netanyahu.
Netanyahu không mấy hào hứng, nhưng cuối cùng cũng miễn cưỡng đồng ý nghe theo Trump. Nội các của Trump sau đó đưa ra khung thời gian 60 ngày để làm cho rõ các điều khoản đàm phán. Theo các viên chức Israel, chính việc để cho Iran kéo dài đến hết thời hạn mà không đi đến đâu đã khiến Trump thay đổi thái độ, bắt đầu nghiêng về phía giải pháp quân sự của Jerusalem. Một viên chức nói với TIME: “Trump nhận ra rằng đâu có ai đâu để mà thương lượng. Tất cả chỉ là chiêu trò đánh lạc hướng của Iran.”
Tất nhiên, đó là câu chuyện được kể từ phía Israel. Trump thì vẫn chưa công khai giải thích rõ lý do gì khiến ông thay đổi lập trường 180 độ. Tòa Bạch Ốc cũng từ chối bình luận về vấn đề này.
Mới vài tuần trước, Trump vẫn còn nói rằng ông từng cảnh báo Netanyahu không nên vội vàng dùng vũ lực khi vẫn còn cơ hội đàm phán. Nhưng đằng sau hậu trường, Netanyahu lại âm thầm chuẩn bị cho một chiến dịch tấn công toàn diện nhằm vào chương trình nguyên tử của Iran.
Tình hình nhanh chóng thay đổi theo hướng có lợi cho Israel. Vào ngày 31 tháng 5, Cơ Quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế (International Atomic Energy Agency, IAEA) đưa ra bản phúc trình cho thấy Iran đang lén phát triển vật chất nguyên tử (nuclear material), vi phạm thỏa ước năm 2019. Phía Israel liền gửi cho Trump một loạt thông tin tình báo, mà họ khẳng định là bằng chứng cho thấy Iran đang cố tình câu giờ để tranh thủ thời gian chuẩn bị cho một kho vũ khí nguyên tử. Một viên chức Israel tiết lộ: “Họ lợi dụng các cuộc đàm phán với Steve để kéo dài thời gian. Và họ làm rất lẹ, sắp xong luôn rồi, chỉ còn một bước cuối cùng nữa thôi.”
Tuy nhiên, không phải tất cả giới chức Hoa Kỳ đều tin vào lập luận từ phía Israel. Các cơ quan tình báo Mỹ, trong đó có Giám Đốc Tình Báo Quốc Gia Tulsi Gabbard, vẫn tin rằng Tehran chưa quyết định chế tạo bom nguyên tử.
Thế nhưng, ngay khi thời hạn 60 ngày do Trump đặt ra kết thúc, phía Israel nhanh chóng tận dụng sự thất vọng của ông. Họ cảnh báo rằng Iran chỉ còn vài tháng nữa là hoàn thiện vũ khí nguyên tử. Và rồi Israel thông báo với phía Hoa Kỳ rằng họ sẽ mở đợt tấn công vào rạng sáng. Trong vòng vài giờ, Iran phản công và làm ba thường dân Israel thiệt mạng. Nhưng phía Israel lập tức áp đảo. “Chúng tôi đã dọn sạch một phần ba kho vũ khí của họ chỉ trong hai ngày,” phát ngôn viên Lực Lượng Phòng Vệ Israel Mascha Michelson tuyên bố.
Giữa lúc xung đột đang leo thang, một số viên chức trong chính quyền Trump tin rằng kịch bản lý tưởng nhất là Israel có thể buộc Iran phải quay lại bàn đàm phán và chấp nhận từ bỏ chương trình nguyên tử. Tuy nhiên, một số nhân vật thân cận với Trump, bao gồm Stephen Bannon và Tucker Carlson, lại lo sợ rằng Israel có thể khiến Hoa Kỳ bị cuốn vào vòng xoáy chiến tranh.
Vậy mục tiêu sau cùng của Israel là gì? Netanyahu từng nói mục tiêu của ông không phải là “thay đổi chế độ” ở Iran, nhưng cũng úp mở rằng “điều đó vẫn có thể xảy ra.” Ngay cả các cộng sự thân tín nhất của ông cũng không rõ rồi mọi chuyện sẽ đi đến đâu. Điều duy nhất họ biết là phải sẵn sàng cho những trận chiến tiếp theo. “Chúng tôi đã khiến họ ngỡ ngàng nhiều lần,” một người trong nhóm tiết lộ. “Và có lẽ vẫn còn vài điều bất ngờ nữa mà chúng tôi chưa tung ra.”
Bất luận kết cục ra sao, rõ ràng là Netanyahu đã thành công khiến Trump tin vào lập luận của mình về tham vọng nguyên tử của Iran. Vào ngày 17 tháng 6, khi được hỏi về phát biểu của Gabbard trước Quốc Hội, Trump chỉ đáp: “Tôi chẳng bận tâm bà ta nói gì. Tôi chỉ biết họ đã sắp thành công rồi.”
Cung Đô biên dịch
Nguồn: “How Netanyahu Pushed Trump Toward War” được đăng trên trang Time.com.