
(KANANASKIS, Alberta, ngày 17 tháng 6, Reuters) – Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Bảy nước (G7) kết thúc hôm thứ Ba: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy rời hội nghị cùng với gói viện trợ quân sự mới từ nước chủ nhà Canada, nhưng không có được tuyên cáo chung thể hiện sự ủng hộ từ các thành viên, và cũng không có cơ hội gặp mặt Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Cụ thể, Ukraine vẫn nhận được khoản viện trợ quân sự trị giá 2 tỷ CAD (1.47 tỷ MK) từ Ottawa. Thủ tướng Canada Mark Carney cho biết khoản viện trợ này sẽ đi kèm với các biện pháp trừng phạt mới nhằm tăng áp lực lên Nga.
Tuy nhiên, kế hoạch ban đầu của Canada nhằm đưa ra một tuyên cáo chung mạnh mẽ của G7 về chiến sự Ukraine đã phải hủy bỏ do sự phản đối từ phía Hoa Kỳ. Một viên chức Canada xác nhận điều này với giới báo chí.
Trong thông điệp đăng tải trên Telegram, Tổng thống Zelenskiy thẳng thắn cho biết: “Các nỗ lực ngoại giao hiện đang rất bế tắc,” và các ngoại trưởng G7 cần tiếp tục kêu gọi Tổng thống Trump “sử dụng ảnh hưởng thực sự của mình để buộc Nga phải chấm dứt chiến tranh.”
Dù Canada là một trong những quốc gia ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất, khả năng hỗ trợ thực tế của nước này vẫn không thể sánh với Hoa Kỳ – nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Kyiv. Zelenskiy cho biết rất muốn có cuộc gặp với Trump để bàn chuyện tăng cường vũ khí cho Ukraine.
Sau khi hội nghị kết thúc, Thủ tướng Carney đã đưa ra một bản tóm tắt tổng kết bế mạc, thay vì một tuyên cáo chung được tất cả các nhà lãnh đạo ký tên.
“Các lãnh đạo G7 bày tỏ sự ủng hộ đối với nỗ lực của Tổng thống Trump trong việc đạt được một nền hòa bình bền vững và công bằng cho Ukraine,” bản tóm tắt nêu rõ. “Nhóm ghi nhận rằng Ukraine đã cam kết ngừng bắn vô điều kiện và thống nhất rằng Nga cũng cần phải làm như vậy. G7 quyết tâm tiếp tục tìm kiếm mọi giải pháp nhằm gia tăng sức ép đối với Nga, bao gồm cả biện pháp chế tài về tài chánh.”
Trong vai trò Chủ tịch luân phiên G7 năm nay, Canada được quyền ban hành tuyên cáo của chủ tọa mà không cần sự đồng thuận từ các lãnh đạo khác.
Tại buổi họp báo bế mạc, Thủ tướng Carney nói rõ: “Sẽ có những điều mà một số quốc gia, trong đó có Canada, muốn nói thêm so với nội dung trong bản tóm tắt của chủ tọa.”
Tổng thống Trump tuy không tham gia tuyên cáo chung về Ukraine, nhưng đã tán thành bản tuyên cáo chung được công bố vào thứ Hai, trong đó kêu gọi giải quyết tình hình căng thẳng giữa Israel và Iran.
Carney giải thích: “Tình hình tại Iran lúc này rất đặc biệt và thay đổi quá nhanh, nên chúng tôi đã quyết định tập trung vào đó trong một tuyên cáo riêng. Còn nội dung liên quan đến Ukraine, tôi để dành trong bản tóm tắt của chủ tọa.”
Theo một viên chức Âu Châu, các nhà lãnh đạo đã tìm cách thuyết phục Tổng thống Trump về lập trường cứng rắn hơn với Nga, và ông có vẻ bị thuyết phục, “dù về nguyên tắc, ông không thích các biện pháp trừng phạt.”
“Sau hội nghị, tôi trở về Đức, cũng có chút hy vọng rằng trong vài ngày tới, Hoa Kỳ sẽ đưa ra quyết định áp đặt thêm các biện pháp chế tài đối với Nga,” Thủ tướng Đức Friedrich Merz cho biết.
Mặc dù không đạt được tuyên cáo chung về Ukraine, các lãnh đạo G7 vẫn thống nhất công bố sáu tuyên cáo chung khác liên quan đến: nạn buôn lậu người, trí tuệ nhân tạo, khoáng sản thiết yếu, cháy rừng, nạn đàn áp liên quốc gia và công nghệ điện toán lượng tử.
Kremlin: G7 “trông có vẻ vô dụng”
Tổng thống Trump giải thích rằng ông cần quay lại Washington càng sớm càng tốt vì tình hình căng thẳng ở Trung Đông đang leo thang, Israel và Iran đang đẩy khu vực vào nguy cơ khiến chiến sự lan rộng. Một viên chức Tòa Bạch Ốc sau đó giải thích rằng Trump cần về Mỹ để chủ trì trực tiếp các cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia, thay vì họp qua điện thoại.
Lúc vừa mới đến hội nghị, Trump đã tuyên bố rằng việc Nhóm Tám nước (G8) trục xuất Nga sau khi Putin sáp nhập Crimea vào năm 2014 là một sai lầm.
Đáp lại, phát ngôn viên của Kremlin ngợi khen Trump đã nói đúng, và nhấn mạnh rằng G7 hiện nay “chẳng còn nghĩa lý gì với Nga nữa” và “trông có vẻ khá vô dụng.”
Nhiều nhà lãnh đạo G7 khác từng hy vọng sẽ tận dụng hội nghị này để thương lượng các thỏa thuận mậu dịch với Hoa Kỳ. Nhưng kết quả duy nhất đạt được là việc hoàn tất thỏa ước thương mại giữa Hoa Kỳ và Anh (vốn đã được công bố từ tháng trước). Bộ Trưởng Tài Chánh Scott Bessent vẫn ở lại hội nghị sau khi Trump rời đi.
Với mong muốn mở rộng quan hệ và bớt lệ thuộc vào Hoa Kỳ, Thủ tướng Carney đã mời thêm sáu quốc gia ngoài G7 tham dự hội nghị: Mexico, Ấn Độ, Úc, Nam Phi, Nam Hàn và Brazil.
Đặc biệt, vào thứ Ba, Carney đã nồng nhiệt đón tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi – một dấu hiệu tích cực cho thấy quan hệ hai nước đang được hàn gắn sau hai năm bất ổn.