Sắc mầu tháng Tư

26/04/202400:00:00(Xem: 1151)

Ann Phong-Trong Đại Dương
Tranh Ann Phong - Trong Đại Dương
 
Mắt tháng Tư không còn hạt lệ. Mắt tháng Tư chiêu niệm màu cờ. Mắt tháng Tư chập chờn bia mộ hồn tử sĩ từ cổ kim thao thức.
Mắt tháng Tư rưng màu huyết phượng. Mắt tháng Tư ngào cơn huyết biển. Thân giạt cỏ bồng hồn khua nước bao lâu rồi thủy mộ.
Trái tim người đi rơi dần từng mảnh, buồng ngực khô nhớ gió phương nam máu đỗ quyên khắc khoải quê nhà.
Mắt tháng Tư nở bông hoa trên cành hy vọng mỗi đóa hoa như một giọt nước mắt hồng rơi xuống trái tim tôi.
Mắt tháng Tư dẫu ngàn năm vô tự, mảnh lao đao lịch sử. Lật từng chương…
Giấy mực đời chép ra, ví thiếu.
Lấy da này viết để tạ nhau…
 
Tất cả hình ảnh, ý thơ, câu thơ ở đoạn trên lấy từ những bài thơ của các tác giả sau: Phạm Hồng Ân, Cao Vị Khanh, Trần Hoàng Phố, Trần Mộng Tú, Linh Phương, Khoa Hữu, Nguyễn Lương Vỵ.
 
*
 
PHẠM HỒNG ÂN
 
Mảnh tháng tư
 
Ta cắt tháng tư thành vô vàn mảnh vụn
Gửi tặng mỗi người mỗi mảnh cầm chơi
Soi vào đó để thấy đời hữu dụng
Để thấy nỗi đau chất ngất tận trời.
 
Gửi tặng anh mảnh đao binh nóng hổi
Hừng hực như hào khí tuổi thanh niên
Giữ để nhớ từng bước chân nguồn cội
Biến rừng hoang thành gấm vóc tổ tiên
.
Gửi tặng cha mảnh âm u vô tận
Như đêm dài vô tận ở quê hương
Đem trái tim làm ngọn đèn thắp sáng
Vẫn ngàn năm leo lét góc sân vườn.
 
Gửi tặng mẹ mảnh nhiễu nhương dao bén
Vì cưu mang từng thương tích trầm luân
Những đứa con như những đàn chim én
Lạc loài bay, chưa dựng nổi mùa xuân.
 
Gửi tặng em mảnh mặn mà đau khổ
Vắt lầm than trên dấu vết đoạn trường
Nước mắt có sẻ chia dòng hoen ố
Cõi lòng em lấp lánh vạn tinh sương.
 
Gửi tặng chị mảnh kinh hoàng địa ngục
Vừa thanh xuân đã góa bụa khóc chồng
Hồn tử sĩ từ cổ kim thao thức
Bồi hồi theo từng bước vợ long đong.
 
Gửi tặng bé mảnh cuồng phong phẫn nộ
Lát mì khô chan nước mắt âu lo
Tuổi thơ đứng giữa biển trời kiệt lộ
Vượt trùng dương tìm đất mới tự do.
 
Gửi tặng cháu mảnh lao đao lịch sử
Lật từng chương để sống lại tháng tư
Ghép mảnh vụn thành nỗi đau bất tử
Và ngậm ngùi tưởng tiếc đến thiên thu…
 
*
 
CAO VỊ KHANH
 
Tháng Tư và những hệ lụy của nó
 
1.
Tháng Tư và những mộ phần,
những thiên đường máu và trần gian xương.
Mỗi sinh ly, mỗi đoạn trường.
Mỗi tử biệt, mấy tang thương một đời.
Buồn tháng Tư! Hận thấu trời!
 
2.
Tháng Tư đắp hở mộ phần
hồn oan sông núi kêu than. Thiệt buồn.
Bốn mươi năm. Máu lệ tuôn
đỏ trang dị sử để hờn tổ tông.
Người đi, thân giạt cỏ bồng.
Đành thân kẻ ở tròng vòng nghiệt oan.
Mồ hoang? Lớp lớp, hàng hàng.
“Vinh-quang” so với lầm than một vần.
Lầu cao vòi vọi. Tầng tầng.
Chòi rách, rách tới phơi thân. Cặn. Cùng.
Chữ nghĩa rẻ rúng như giun!
Ngọn nguồn đâu nữa đêm mong ngày chờ.
Bốn mươi năm. Lệ như thơ.
Rồi ra chỉ một chữ KHỜ.
Chấm than.
 
*
 
TRẦN HOÀNG PHỐ
 
Sắc màu tháng Tư
 
1.
Những con chữ
như những giọt mưa vô tình rơi vào mắt tháng Tư
Không còn những giọt lệ 
của niềm vui nỗi buồn trên ký ức ngày tháng
Triệu người khóc
Triệu người cười
Triệu người hoan hô
Triệu người tung cờ
Triệu người dở hơi
Triệu người say xỉn
Triệu người bước vào giấc mơ ảo tưởng chân không chạm đất
Triệu người lặng im dáo dác ngó lui ngó tới
Triệu người nuốt chữ nhẫn vào trong lòng tủi nhục
Triệu người vênh vang quả quyết tự hào chiến thắng
Triệu người bỏ nước âm thầm lặng lẽ vượt biên
Triệu người không thuộc phe nào ngơ ngác
Triệu người thuộc phe chịu trận tập thiền
 
2.
Những bông hoa nở trên
cành nhánh xanh tươi hy vọng tháng Tư
Như linh hồn của những đám mây vĩnh cửu trầm tĩnh nhìn ngắm 
dòng sông biến cố lịch sử thế gian lạ lùng chảy trôi
Những con hạc trắng bay về
trong giấc mơ tĩnh lặng buổi sáng
 
3.
Những con chữ rơi
vào trái tim tháng Tư
Như cơn mưa rào sáng sớm
Trái tim đau nhói
như bừng tỉnh thức giấc
sau cơn mê dài phẫu thuật
 
Tháng Tư xanh
như chân trời sáng
sau đêm chiến tranh mệt mỏi nhàu nát
Tháng Tư đỏ
trong rừng cờ biểu ngữ và những khúc quân hành tụng ca
Tháng Tư đen
giăng ngọn cờ phe bại trận bị tù tội ở chốn rừng xanh nước độc
bị biến cố tàn nhẫn loại bỏ 
tương lai bị định mệnh lịch sử nhẫn tâm tước đoạt
Tháng Tư tím biếc
như niềm hoài nhớ cố hương khắc khoải
của những người mất mát bỏ xứ ra đi
Tháng Tư trắng
vành tang ảm đạm của những người thuộc phe nước mắt
Tháng Tư xám
vẽ những vết thương lâu lành
Trên cát ảo ảnh
của những người âm thầm chịu trận
mang vác cây thánh giá hoà bình khổ nạn
 
Bầy hạc trắng bay về chân trời lục biếc phục sinh
Trong tiếng chuông lễ sớm
như giấc mơ sáng tháng Tư ngọt ngào tinh khôi
 
*
 
TRẦN MỘNG TÚ
 
Tháng Ba và tháng Tư ở đây
 
Hôm qua
ở đây là ngày đầu mùa xuân
tờ lịch rơi xuống một nụ đào
Tháng Ba sắp hết
Tháng Tư như lệ sắp trào
 
Tháng Ba ở quê tôi năm đó
thành phố nào thảng thốt
con đường nào chảy máu
bãi biển nào oan khiên
 
Một người lính vừa tự kết liễu đời mình
 
Giầy trận có linh hồn
nón trận có khối óc
áo nhà binh có gói một trái tim
tất cả phủ trên anh
thành một bài “Truy Điệu”
 
Tháng Ba
người giẫm đạp lên nhau
chiếc thuyền lao ra biển
tiếng kêu thất thanh
tiếng khóc như cánh chim bay lạc
 
Tháng Ba
con chạy về tìm Mẹ
Con đi đi
Mẹ già rồi ở lại
 
Tháng Ba
Chồng chạy về tìm vợ
Em đi đi
Các con đi đi
Anh là lính
Anh ở lại
 
Thế là Mẹ mất con
Không biết mất nơi nào
Thế là vợ mất chồng
Không biết mất ở đâu
 
Tháng Tư
cả nước mất nhau
mất tất cả
không còn gì
 
Vật ngoài thân
thời gian tìm lại được
Nhưng mảnh vỡ trong tim
đã rơi dần từng mảnh
ngay bước đầu tiên
trên con đường di tản
không bao giờ tìm lại được
 
Người di tản
của bất cứ quốc gia nào
trái tim cũng mất dần từng mảnh
nên khi chết
họ chết với một trái tim không nguyên vẹn
có người chết
với lồng ngực rỗng
họ mất nguyên cả trái tim
 
Tháng Ba ở đây vào Xuân
tháng Tư đầy hoa đào nở
mỗi đóa hoa như một giọt nước mắt hồng
rơi xuống trái tim tôi.
 
*
 
LINH PHƯƠNG
 
Tháng Tư ở nghĩa trang quân đội
 
Lát nữa đây em trở về nhà
Từ giã chỗ anh nằm yên ngủ
Nơi rừng cây rì rào gió thổi
Thay lời em thương nhớ mỏi mòn
 
Lúc tiễn anh cầm súng lên đường
Em ngỡ chỉ vài năm xa cách
Chỉ vài năm thôi mà muốn khóc
Giấu khát khao-hy vọng vào lòng
 
Mới đó đã gần mấy mươi năm
Chưa một lần chúng mình gặp mặt
Hòa bình rồi được tin anh mất
Trái tim em hóa đá đợi chờ
 
Nhang sắp tàn chiều cũng nhẹ rơi
Nắng lấp lóa sau hàng bia mộ
Giã từ nhé! Những bông hoa đỏ
Dưới tượng đài quanh khắp nghĩa trang
 
Tháng Tư này trời bỗng xanh hơn
Như màu lá bạch đàn bay trong gió
Anh đâu còn để nghe em nói
“Lát nữa đây em trở về nhà”
 
*
 
KHOA HỮU (1938-2012)
 
Sự im lặng của cát bụi (trích đoạn)
 
Tháng hạ trong thịt xương ngấm độc
bước hưng vong điểm mặt da vàng
lại một nửa lưu tù rừng bắc
nửa còn theo sóng vượt biển nam
Dọc mùa thu oan hồn xác lá
tro bụi bay ám khói vừng trăng
đường tên mới, ta, người cũng lạ
lời dáo gươm dậy cõi đất bằng
Đất ấy của ta, ta còn hiểu
đồng đội của ta, ta còn đau
giấy mực đời chép ra, ví thiếu
lấy da này viết để tạ nhau…
 
*
 
NGUYỄN LƯƠNG VỴ (1952-2021)
 
Nhân đọc Thủy Mộ Quan của Viên Linh
 
Dưới hiên mưa vắng hồn khua nước
Thả chiếc thuyền con ngược bến không
(Thủy Mộ Quan – Viên Linh)
 
Hồn khua nước bao lâu rồi thủy mộ
Bến không kia có lẽ cũng nao lòng
Tiếng gào thét xé trời rung huyết đỏ
Chiếc thuyền con rách gió kiếp lưu vong…
 
Biển vẫn thức gió vẫn nồng hương muối
Sóng vô tâm kiêu bạc hỏi vang lừng:
Hồn còn ấm?! Thây còn tên với tuổi?!
Quê người đâu?! Bọt nước xóa chân dung
 
Hồn khua nước đỉnh trời rêm đáy vực
Đời chìm sâu, thủy mộ táng mưa âm
Mưa rít máu kêu thương nghe rấm rức
Dưới hiên đời thơ buốt óc cuồng ngâm
 
Thầm nhắc mộ, bến không kia, biển thức
Dẫu ngàn năm vô tự, dễ quên đâu!!!
Câu chuyện cũ, sóng bạc đầu, oan khuất
Chiếc thuyền con neo lửng bóng ngàn thâu…
 
(Trích tập thơ Hòa Âm Âm Âm Âm)
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tháng tư đưa tay nhặt / vỡ nát của ngày xưa / còn đây, chồng sách cũ / những quả chín trái mùa / còn đây, chiều gió nổi / những ngôi mộ rạp mình / bia gỗ nào run rẩy / hồn linh nào tủi thân / chiến trường lâu đã nguội / hơi sắt và hơi đồng / mấy chục mùa hoa rụng / hư không tìm hư không
Cõi thơ Viên Linh là cõi nhân sinh đầy hệ lụy của định mệnh. Định mệnh của một dân tộc điêu linh, lưu lạc. Định mệnh của con người bé nhỏ và yếu ớt trong dòng chảy cuồng lưu của kiếp sống. Định mệnh của tình yêu mệt mỏi, chán chường và bất trắc. Thơ Viên Linh là một biểu hiệu cho Con Người như là một hữu-thể-tại-thế với tất cả những khổ đau và hoan lạc. Ông vừa tạ thế hôm cuối tháng Ba vừa rồi, Việt Báo trân trọng đăng lại một số ít thơ của ông như một nén tâm hương gửi đến người Thi Sĩ quá cố.
Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ là một vị học giả uyên bác về Phật giáo, nguyên giáo sư của Đại học Vạn Hạnh tại Sài Gòn, nhà văn, nhà thơ, dịch giả và là một người bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền và đã bị cầm tù trong nhiều năm. Năm 1998, Hòa Thượng được tổ chức Human Rights Watch tặng giải thưởng về nhân quyền Hellmann-Hamett Awards. Hòa Thượng là Xử lý Thường Vụ Viện Tăng Thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Hòa Thượng thông thạo tiếng Trung Quốc, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Pali, tiếng Phạn và tiếng Nhật, đọc hiểu tiếng Đức. Hòa Thượng được giới học giả Việt Nam đánh giá cao vì đã công bố nhiều tiểu luận, chuyên khảo, thơ và nhiều công trình dịch thuật Phật giáo từ tiếng Phạn, tiếng Trung Hoa và tiếng Nhật, được coi là nhà sư uyên bác nhất của Phật giáo Việt Nam, đã soạn thảo quyển Bách Khoa Phật Học Đại Tự Điển.
Đó là tựa đề một bài viết của nhà thơ Phan Tấn Hải, và đây là kết của bài: “Chữ nghĩa không vô ích. Chúng ta trong cõi này hãy rủ nhau làm thơ, đọc thơ, ngâm thơ, in thơ, hát thơ… Nếu chúng ta không đủ sức nương vào thơ để ngộ nhập tri kiến Phật, và nếu chúng ta cũng không có đủ sức mạnh của hát thơ để chữa sản nạn như thời Vua Hùng Vương, ít nhất thơ cũng giúp chúng ta giảm được những đau đớn của trần gian này, kể cả khi buộc phải nghe tới bốn dòng thơ ly biệt tương tự của Cha Rồng và Mẹ Tiên thời lập quốc dân tộc Việt Nam (Ta là giống Rồng / Mình là giống Tiên / Thủy thổ khắc nhau / Không ở cùng được.) Nàng thơ ơi, hãy cứu lấy trần gian này. Hãy biến tất cả những trận mưa bom trên trần gian này thành các trận mưa thơ…” (Phan Tấn Hải, Thơ sẽ chữa lành thế giới
Ta về một cõi tâm không / Vẫn nghe quá khứ ngập trong nắng tàn / Còn yêu một thuở đi hoang / Thu trong đáy mắt sao ngàn nửa khuya / Ta đi dẫm nắng bên đèo / Nghe đau hồn cỏ rủ theo bóng chiều / Nguyên sơ là dáng yêu kiều / Bỗng đâu đảo lộn tịch liêu bến bờ / Còn đây góc núi trơ vơ / Nghìn năm ta mãi đứng chờ đỉnh cao
Nhà văn Jon Fosse vừa đoạt giải Nobel Văn chương về kịch nghệ năm nay, 2023. Ngoài ra, ông cũng nổi tiếng trong lãnh vực thơ và truyện. Tác phẩm của ông được dịch ra khoảng 50 ngôn ngữ. Tìm hiểu về mục đích sáng tác, ông cho biết, “I hope they can find a kind of peace in, or from, my writing.” (Tôi hy vọng người đọc có thể tìm thấy sự bình an trong các tác phẩm của tôi.) Tác phẩm nổi tiếng với nội dung sâu đậm của ông là dãy “Septology”. Đây là một từ vựng mới, có ý nghĩa là một loạt bảy cuốn sách. Có lẽ, Septology phát xuất từ “Heptalogy” mà ví dụ rõ rệt nhất là dãy tác phẩm Harry Potter.
Mùa thứ ba trong năm đã chớm về. Autumn ngoài nghĩa mùa thu, còn mang nghĩa ẩn dụ là chỉ lúc xế chiều, lúc ngày sắp tàn, là mùa mà ban ngày ngắn và dần lạnh hơn. Bên cạnh hình ảnh biểu tượng là mùa lá rụng, lại cũng là mùa phần lớn trái cây được thu hoạch, vì gắn với đời sống thiên nhiên này mà từ rất lâu văn hóa Tây phương đã nhân cách hóa mùa thu là người phụ nữ trẻ đẹp đầy sức sống với mái tóc gắn đầy lá hoa quả chín, là hình ảnh vừa nên thơ vừa chứa đựng sức sống diệu kỳ của mùa gặt hái.
Nhà phê bình văn học Trung Quốc đời nhà Thanh, Viên Mai, có nói, “Làm người không nên có cái tôi, nhưng làm thơ thì không thể không có cái tôi”. Thi hào Tagore cho rằng, “Cũng như nụ cười và nước mắt, thực chất của thơ là phản ảnh một cái gì đó hoàn thiện từ bên trong”. Cả hai nhận định này đều đề cao cái Tôi-làm-Thơ, và cách biểu hiện những thuộc tính về Tôi ấy như thế nào trên ngôn từ thơ. Có hai yếu tố không ai phủ nhận được là cảm xúc và sáng tạo, chính hai yếu tố này định hình phong cách của nhà thơ. Cảm xúc thực được chuyển tải qua thi ngữ, thi ảnh mới mẻ, cá biệt, thì thơ càng có sắc thái nổi bật để lại dấu ấn riêng trong lòng người đọc, dường như không quá để nói rằng điều này định đoạt sinh mệnh một bài thơ. Thơ chỉ thực sự sống khi nó phản ảnh được bản ngã độc đáo của nhà thơ.
Tháng 7. Mùa hè đang gửi đến đây một sứ giả vô cùng dễ thương. Phượng tím. Đi đâu chợt cũng bị màu tím thơ mộng ấy níu mắt nhìn, làm dịu đi cái nóng chói chan. Bạn đang ở đâu, buổi sáng rực nắng đi chơi hay chiều mệt nhoài sau giờ làm việc, hay tối, hay khuya, hàn huyên bạn thiết, hoặc giả nói chuyện một mình, tất cả những tâm trạng thời gian đó, bạn sẽ tìm thấy được trong Căn phòng chứa đựng mọi khoảnh khắc, nơi các nhà thơ Hoàng Trúc Ly, Duy Thanh, Nguyễn Thùy Song Thanh, Tomas Transtromer, Âu Thị Phục An, Chiêu Anh Nguyễn, Nguyễn thị Khánh Minh, Trương Đình Phượng, Inrasara, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Xuân Thiệp, đọc cho bạn nghe những vần thơ mang âm hưởng chói chan của mặt trời mùa hạ, hoang mạc gai xương rồng, mật ngọt của thiên nhiên…
Một mùa hè, khi chàng vẫn còn trẻ, chàng đứng bên cửa sổ và tự hỏi họ đã đi đâu, những người đàn bà ngồi bên biển, ngắm nhìn, chờ đợi một điều gì đó không bao giờ đến, gió nhẹ phả vào da họ, gửi những lọn tóc xoã ngang môi họ. Họ đã ngã xuống từ mùa nào, họ đã lạc lối từ ý niệm nào của nét yêu kiều? Đã lâu rồi kể từ khi chàng nhìn thấy họ trong vẻ lộng lẫy đơn độc, trĩu nặng trong nỗi biếng lười, dệt nên câu chuyện buồn về niềm hy vọng bị bỏ rơi. Đấy là mùa hè chàng lang thang trong màn đêm kỳ vĩ, trong biển tối, như thể lần đầu tiên, để tự toả ra ánh sáng của chính mình, nhưng những gì chàng toả ra là bóng tối, những gì chàng tìm thấy là đêm.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.