Hôm nay,  

Khi Khói Lửa Mặt Trận Lụi Tàn

26/04/202400:00:00(Xem: 741)

__HORSE THAI wall art 1848

Hình chiến mã trên vách một ngôi chùa Thái Lan, vẽ năm 1848.

  
Thế giới đang bùng nổ nhiều cuộc chiến tranh, và đang ngún lửa ở nhiều nơi khác: Trung Đông, Ukraine, Miến Điện, Đài Loan, Biển Đông… Một thời Việt Nam cũng đã trải qua nhiều cuộc binh lửa. Khi đọc kỹ Tam tạng Kinh điển, chúng ta cũng sẽ thấy có những cuộc chiến. Bản thân Đức Phật khi mới lớn cũng học kỹ thuật kiếm cung. Trong nhiều kiếp quá khứ, Đức Phật, khi còn ở cương vị Bồ Tát, cũng đã từng ra trận. Nhiều hình ảnh ẩn dụ trong kinh điển cũng cho thấy dấu tích chiến tranh: ngựa chiến, voi chiến, áo giáp, mũi tên… Và rồi tận cùng, Đức Phật nói trong Kinh SN45.7 rằng chiến thắng vinh quang nhất chính là nhiếp phục tham, sân, si – nơi đó chính là Niết Bàn. Đó là mặt trận lớn nhất, gian nan nhất.

Như thế, mặt trận này nằm ngay trong tâm mỗi người, và cũng là nơi tương tác của tâm với cảnh. Thắng được chính mình như thế, mới là chiến thắng tối thượng. Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật giải thích trong hai bài kệ sau, theo bản dịch của Thầy Minh Châu.

103. "Dầu tại bãi chiến trường
Thắng ngàn ngàn quân địch,
Tự thắng mình tốt hơn,
Thật chiến thắng tối thượng."
 
104. "Tự thắng, tốt đẹp hơn,
Hơn chiến thắng người khác.
Người khéo điều phục mình,
Thường sống tự chế ngự."
 
Chúng ta sống trong một thế giới đầy chiến tranh. Một thời mở ra các trang báo, đều đọc thấy các bản tin về chiến tranh. Đối với nhân loại, hình như chưa có năm nào thế giới hoàn toàn hòa bình, kể cả thời rất xa xưa, thời mà chiến binh vẫn còn ngồi trên lưng ngựa, hay phải đi bộ. Nhưng nên thấy rằng chiến tranh là những chuyện phù phiếm nhất trong đời người. Đức Phật cấm nói các chuyện như thế. Đức Phật cấm nói chuyện vua chúa, chuyện đại thần, chuyện binh lính, chuyện đàn bà, chuyện đàn ông, chuyện người chết… Nghĩa là, rất nhiều chuyện chúng ta gặp trong đời đều là chuyện nhảm, chuyện phù phiếm, chẳng cần phải nói, bất kể chuyện gọi vong, chuyện giải vong…

Tại sao? Bởi vì cuộc chiến nhiếp phục tham sân si gay go lắm, Hễ sơ suất trong khoảnh khắc, các niệm tham sân si có thể lôi kéo chúng ta đi lạc nhiều kiếp. Do vậy, ngay tới vua, các bậc đại thần… cũng không là cái gì để người tu phải để tâm vào.

Trong Kinh SN 56.10, trong bản dịch của Thầy Minh Châu, Đức Phật dạy rằng đừng nói các chuyện nhảm, như sau:

Này các Tỷ-kheo, chớ có nói những câu chuyện của loài súc sanh, như câu chuyện về vua chúa, câu chuyện về ăn trộm, câu chuyện về đại thần, câu chuyện về binh lính, câu chuyện về hãi hùng, câu chuyện về chiến tranh, câu chuyện về đồ ăn, câu chuyện về đồ uống, câu chuyện về vải mặc, câu chuyện về giường nằm, câu chuyện về vòng hoa, câu chuyện về hương liệu, câu chuyện về bà con, câu chuyện về xe cộ, câu chuyện về làng xóm, câu chuyện về thị tứ, câu chuyện về thành phố, câu chuyện về quốc độ, câu chuyện về đàn bà, câu chuyện về đàn ông, câu chuyện về vị anh hùng, câu chuyện bên lề đường, câu chuyện tại chỗ lấy nước, câu chuyện người đã chết, các câu chuyện tạp thoại, các câu chuyện biến trạng của thế giới, câu chuyện về biến trạng của đại dương, câu chuyện về sự hiện hữu và sự không hiện hữu. Vì sao?

Những câu chuyện này, này các Tỷ-kheo, không đưa đến mục đích, không phải căn bản cho Phạm hạnh, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.”

Vậy thì, nếu có bạn trẻ nào đang mặc áo lính, nên suy nghĩ như thế nào. Dĩ nhiên, nhiệm vụ thì không tránh được, không chạy đâu được, nhưng nên tu học tinh tấn, và giữ gìn tâm từ bi đối với tất cả các chúng sanh. Đọc lại các truyện bản sanh, chúng ta thấy rằng Đức Phật cũng từng xông pha trong các trận binh lửa. Thí dụ, như truyện bản sanh Ajanna Jataka số 24, khi ngài là một chiến mã.

Lúc đó, Bồ tát (tiền thân Đức Phật) từng là ngựa chiến của một vị vua. Ngựa chiến này được vua cho một cuộc sống xa hoa hơn hầu hết người dân. Thức ăn của ngựa chiến được đặt trong một chiếc đĩa vàng trị giá một trăm ngàn đồng tiền, và chuồng ngựa có xông hương thơm bốn mùi và được trang trí bằng những tấm màn màu đỏ thẫm và những vòng hoa.

Một lần nọ, bảy vị vua từ các vùng đất lân cận đã bao vây vương quốc nơi Bồ tát sống và ra lệnh cho nhà vua này  đầu hàng, nếu không sẽ phải đối mặt với chiến tranh. Nhà vua thảo luận chiến lược với các cố vấn của mình và họ quyết định cách hành động tốt nhất là cử người đánh xe hàng đầu ra tác chiến với cả bảy đội quân. Nếu phương pháp này thất bại, họ sẽ xem xét kế hoạch khác. Người đánh xe, cùng với Bồ-tát và chiến mã em cùng kéo xe, đã chiến đấu một cách anh hùng, bắt được sáu vị vua, và đưa họ trở về cung điện làm tù nhân. Nhưng khi bắt được vị vua thứ sáu, Bồ tát bị thương.

Người đánh xe quay trở lại cổng cung điện và bắt đầu mặc áo giáp cho một chiến mã khác. Khi Bồ tát nhìn thấy điều này, ngài tự nghĩ rằng không có con ngựa chiến nào khác uy dũng bằng ngài: nếu ngài không quay lại trận chiến, người đánh xe và nhà vua chắc chắn sẽ bị giết và vương quốc sẽ sụp đổ. Vì vậy, Bồ tát [chiến mã] bảo người đánh xe hãy băng vết thương để cầm máu, rồi họ lại lên đường và bắt được vị vua đối thủ cuối cùng.

Vương quốc được cứu, nhà vua bước ra chào đón họ. Bồ Tát (thời xa xưa, chiến mã biết nói tiếng người) mới khẩn cầu nhà vua đừng giết bảy vị vua bị bắt mà hãy bắt họ thề sẽ không bao giờ gây chiến với ngài nữa. Sau đó, sau khi bảo nhà vua hãy cai trị bằng chánh nghĩa và từ bi trong suốt quãng đời còn lại của mình, Bồ tát viên tịch.

Tại sao Đức Phật kể lại chuyện tiền kiếp trên? Bởi vì lúc đó, có một môn đệ của Đức Phật đột nhiên lười biếng, tu học lui sụt, thế là Đức Phật kể lại chuyện bản sanh khi ngài còn là một chiến mã, để khuyến khích tinh tấn tu học. Sau khi nghe kể xong, vị học trò kia chứng quả A La Hán. Vị vua trong truyện là tiền kiếp của ngài Ananda, vị sư thị giả của Đức Phật.

Chúng ta nên nhớ rằng, nghiệp binh lửa có khi không mấy người thoát được. Bởi vì, cõi này của chúng ta là ngôi nhà lửa. Nếu bạn đang là công dân các nước đang chiến tranh, hay thậm chí đang là công dân các nước bên bờ chiến tranh, thí dụ như Đài Loan và Hàn Quốc, nghiệp lính là toàn dân. Do vậy, nói rằng đừng nói chuyện chiến tranh thì bất khả. Vấn đề là, tất cả những chuyện nên nhìn dưới con mắt nhà Phật, để kham nhẫn, để từ bi, và để tận lực giữ giới trong khả năng từng người. Bởi vì không bao giờ có chuyện các nhà sư khuyến khích người dân trốn lính. Hãy nhớ rằng, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã từng động viên toàn dân để toàn lực cứu nước, cứu dân.

Bây giờ, xin mời đọc một tích truyện khác. Đó là truyện bản sanh Pancavudha Jataka số 55.

Trong kiếp đó, tiền thân Đức Phật là một vị thái tử. Ngay sau khi Bồ tát ra đời, tám trăm tu sĩ Bà-la-môn đã tiên đoán rằng ngài sẽ vừa là một nhà lãnh đạo đầy quyền lực, đức hạnh nghiêm túc, và là một chiến binh tài năng. Khi Bồ tát tròn mười sáu tuổi, cha ngài gửi ngài đến học ở Taxila. Sau khi buổi học kết thúc, vị thầy đưa cho Bồ tát một bộ gồm năm vũ khí và ngài lên đường trở về nhà. Trên đường đi, Bồ tát gặp một khu rừng nơi một con yêu tinh đang cư trú và giết chết tất cả những người yêu tinh này gặp. Mặc dù đã được cảnh báo về mối nguy hiểm này, Bồ tát vẫn không hề sợ hãi và bước vào rừng thay vì đi vòng quanh.

Con yêu tinh cao như cây cọ và trông rất khủng khiếp, nhưng khi Bồ tát nhìn thấy nó, nó không chạy. Bồ tát bắn 50 mũi tên độc vào con yêu tinh, đều dính vào bộ lông dày của yêu tinh và không có mũi tên nào xuyên nổi qua da. Khi con yêu tinh tấn công Bồ tát, ngài đánh trả bằng thanh kiếm nhưng kiếm không thể xuyên qua bộ lông. Sau đó, Bồ tát dùng cây gậy của mình đập con yêu tinh, thì cây gậy này cũng bị mắc kẹt trong bộ lông xù xì của con yêu tinh. Bồ tát hét vào mặt yêu tinh rằng Bô tát sẽ nghiền nát yêu tinh này thành bụi và tung một cú đấm bằng tay phải. Nhưng, giống như các vũ khí khác, không gì xuyên qua bộ lông dày của yêu tinh, và Bồ tát tiếp tục chiến đấu, bằng tay trái, chân phải, chân trái và cả đầu nữa.

Con yêu tinh khâm phục trước lòng can đảm phi thường của Bồ tát và nhận ra rằng Bồ tát không phải là người bình thường nên đã cho ngài ra đi tự do. Nhưng trước khi rời đi, Bồ tát giải thích rằng yêu tinh đã sống một cuộc sống sát nhân đầy đau khổ, dầy đặc tội lỗi từ những ngày quá khứ. Con yêu tinh xúc động, hứa rằng sẽ sống một cuộc sống tốt đẹp từ đó trở đi và yêu tình thề sẽ làm như vậy. Bồ tát trở về cung điện, một thời gian sau trở thành vua, cai trị với đức hạnh và độ lượng.

Lý do Đức Phật kể truyện bản sanh này, bởi vì có một môn đệ lười biếng, nên kể truyện này để kêu gọi tinh tấn, rằng bản thân phải tu luyện cho giỏi, cho siêng, mới đủ sức đánh với các con yêu tinh trên đời này, và vũ khí tận cùng vẫn là lòng từ bi. Con yêu tinh chính là tiền thân của Angulimala, một tên cướp đáng sợ, kẻ đã chặt ngón tay của mỗi người mà y giết và đeo chúng quanh cổ, và về đã trở thành một đệ tử giác ngộ của Đức Phật.

Chiến tranh là một nghiệp chung của một đất nước, hay của một khu vực. Chúng ta là Phật tử tại Hoa Kỳ, là những người yêu hòa bình và đang sống trong một xã hội hòa bình, nhưng cũng không chắc gì tương lai Chiến tranh Thế giới sẽ không bùng nổ. Trong khi đó, giới trẻ gốc Việt tại Hoa Kỳ cũng đã, đang và sẽ có mặt trong quân đội Hoa Kỳ. Tất nhiên, các em sẽ có những suy nghĩ riêng, nhưng trong cương vị những phụ huynh Phật tử, chúng ta cũng cần nhìn được vấn đề trong đôi mắt của Chánh pháp, để khi các em cần lời khuyên, chúng ta sẽ không nói nhầm lần. Riêng biệt, tự chúng ta cũng phải lo tu học cho vững vàng, để hướng dẫn được các em, rồi nghiệp tới đâu thì tùy, người Phật tử vẫn liên tục cố gắng tu học không rời.

Trên đài PBS, chương trình Religion & Ethics Newsweekly trong năm 2003 đã phỏng vấn Thầy Thích Nhất Hạnh về cái nhìn của Phật giáo về bạo lực. Chương trình được chép lại trên báo World Religion News, ấn bản ngày 15/5/2015, qua bài viết “Thich Nhat Hanh Talks Violence and How Buddhists and Judeo-Christians are Connected” trong đó có một câu hỏi từ Bob Abernethy nêu lên, và được nhà sư nổi tiếng của Việt Nam trả lời, trích dịch từ bản tiếng Anh, như sau.

Hỏi: Có khi nào cần thiết phải sử dụng bạo lực để bảo vệ bản thân, bảo vệ gia đình hoặc đất nước của mình hay không?

Đáp: Nếu bạn thấy ai đó đang tìm cách bắn, để hủy diệt, bạn phải gắng hết sức của bạn để ngăn chặn người đó làm như thế. Bạn phải tận lực ngăn cản. Nhưng bạn phải làm điều đó vì lòng từ bi, vì thiện ý muốn bảo vệ, chứ không phải vì giận dữ. Đó là điểm cốt tủy. Nếu bạn cần dùng tới vũ lực thì bạn phải dùng vũ lực, nhưng bạn phải bảo đảm rằng bạn hành động vì lòng từ bi và vì thiện ý muốn bảo vệ, chứ không phải vì giận dữ.” (Hết trích dịch)
Cả thế giới đều biết rằng Phật giáo yêu chuộng hòa bình. Do vậy, một câu hỏi thường gặp tại Hoa Kỳ là, làm thế nào một người thực hành Phật pháp mà có thể ở trong quân đội được.

Bài viết nhan đề "Do you believe a person can practice Buddhism and be in the military?" (Bạn có tin rằng một người có thể tu học Phật pháp và là một quân nhân không?) trên tạp chí Lion's Roar ấn bản ngày 1 tháng 3/2007 đã phỏng vấn 3 vị thầy Hoa Kỳ. Nơi đây, chúng ta trích dịch lời của Thầy Ringu Tulku Rinpoche, một Lạt ma thuộc dòng Kagyu của Phật giáo Tây Tạng.

Thầy Ringu Tulku Rinpoche trả lời như sau:

“Thực hành Pháp không dành cho bất kỳ nghề nghiệp, giới tính, lục địa, màu da, quốc gia, đẳng cấp hay cộng đồng cụ thể nào. Thực hành Pháp dành cho tất cả mọi người và bất kỳ ai cũng có thể thực hành nó ở mức độ nào đó mà họ cảm thấy thoải mái.

Một người trong binh nghiệp có thể thực hành Phật pháp giống như bất kỳ ai khác. Dĩ nhiên, một số Phật tử có thể do dự trong việc chọn binh nghiệp, vì nó đòi hỏi phải giết khi thực sự cần thiết. Nhưng mục đích chính của quân đội là bảo vệ đất nước và duy trì hòa bình. Và trong nhiều trường hợp, đây thậm chí không phải là một sự lựa chọn. Dù nghề nghiệp của một người là gì, người đó có thể làm công việc đó một cách lương thiện, từ bi và vì lợi ích của người khác trong trái tim mình.

Chánh mạng là rất quan trọng, và thật tốt khi cố gắng tìm một nghề mang lại hạnh phúc tốt hơn cho nhiều người và không liên quan đến việc gây ra những điều có hại, nhưng điều đó không có nghĩa là một người không trong một nghề hoàn toàn bất bạo động thì không thể tu tập Phật pháp. Tôi nghĩ việc thực hành Pháp thậm chí còn cần thiết hơn đối với những người trải qua những biến cố đau thương, như trải qua những trận chiến quân sự có nhiều chết chóc và đau khổ.

Tu học Phật pháp không phải là làm việc này hay làm việc kia. Nó chính là về cách bạn sống cuộc sống của bạn trong từng khoảnh khắc này tới khoảnh khắc kia, từng ngày, trong bất kỳ hoàn cảnh nào bạn đang hiện trú. Nó chính là về cách bạn chuyển hóa cách bạn hiện hữu, cảm xúc, phản ứng và khuynh hướng thói quen của bạn.

Bất bạo động là tinh yếu của Phật giáo, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải đầu hàng trước bất công, hay không thể nói hay làm bất cứ điều gì nếu người dân đang phải gánh chịu bạo hành thảm khốc. Ý niệm về một vị Bồ Tát là phải uy dũng và can đảm, làm việc và chiến đấu vì lợi ích của chúng sinh mà trong tâm không sân hận bất kỳ ai.

Khi ai đó làm hại bạn, bạn không nên ghét người kia, mà nên hiểu rằng người đó đang bị cơn giận chi phối, và trong khi những hành động tiêu cực của người đó đang làm hại bạn một chút, các hành động đó còn làm hại anh ta nhiều hơn. Anh ta không nên là đối tượng của hận thù mà phải là của lòng từ bi. Do vậy, bạn vẫn có thể yêu thương anh ta và giữ được tâm không hận thù. Điều đó không có nghĩa là chúng ta nên khuyến khích người đó hành động xấu và cho phép anh ta gây hại cho mọi người xung quanh, kể cả cho chính anh ta. Tìm cách ngăn cản anh ta thực hiện những hành động tiêu cực, ngay cả với một số sức mạnh, có lẽ sẽ hữu ích hơn cho anh ta.” (Hết trích dịch)

Khó, thực sự là khó để sống như một Phật tử. Nhưng đây là con đường hạnh phúc nhất trên đời này. Nếu có bạn trẻ nào còn do dự, nghĩ rằng Phật pháp mênh mông, chưa biết nên tu học thế nào cho tiện dụng với đời sống bận rộn trong quân ngũ, xin mời thường trực nhìn vào tâm để thấy rằng Niết bàn chính là tâm không tham, không sân, không si. Bạn có thể nhìn tâm thường trực như thế dù là ở trên tàu chiến, trên quân xa, hay ở chiến hào. Từ bi cũng sẽ tự động lớn dậy theo tâm này.

Đức Phật cũng dạy một pháp nhìn tâm đơn giản khác, mà nhiều bạn có thể sẽ thấy thích nghi. Trọn cuốn Kinh Kim Cương được tóm gọn trong 4 câu Pháp Cú sau, rằng hãy thấy trong tâm đừng nắm giữ, đừng nương tựa, đừng dính mắc bất cứ thứ gì trong quá khứ, vị lai và cả hiện tại. Bản dịch của Thầy Minh Châu như sau:

421 "Ai quá, hiện, vị lai
Không một sở hữu gì,
Không sở hữu không nắm,
Ta gọi Bà-la-môn."
 
Bất kỳ ai sống thường trực như thế, khói lửa sẽ sớm lụi tàn trong tâm của bạn.
Nguyên Giác

(Viết trong những ngày cuối tháng 4/2024)
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hư vỡ là đặc tính bất biến của cuộc đời, của tất cả những gì có mặt trong vũ trụ này. Nghĩa là những gì hợp lại, thì sẽ tan; những gì sinh ra, rồi sẽ biến mất. Không có gì kiên cố, bất biến trên đời. Đức Phật đã chỉ ra sự thật đó, và biến những thái độ sống không vui thành sự kham nhẫn mỹ học: cái đẹp chính là vô thường. Bởi vì vô thường, nên có hoa mùa xuân nở, có những dòng suối chảy từ tuyết tan mùa hè, có những trận lá mùa thu lìa cành, và có những trận mưa tuyết mùa đông vương vào gót giày. Bởi vì sống hoan hỷ với hư vỡ là tự hoàn thiện chính mình, hòa hài làm bạn với hư vỡ là sống với sự thật, và cảm nhận toàn thân tâm trong hư vỡ từng khoảnh khắc là hòa lẫn vào cái đẹp của vũ trụ. Và sống với chân, thiện, mỹ như thế tất nhiên sẽ đón nhận được cái chết bình an.
Mỗi 30 tháng 4 là mỗi năm xa hơn ngày đó, 1975, thêm một bước nữa xa hơn, đi vào dĩ vãng. Hầu hết những người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến trước 75, nay đã vắng mặt. Non nửa thế kỷ rồi còn gì. Khi không còn ai nữa, không hiểu những thế hệ trẻ tha hương sẽ nhớ gì? Một thoáng hơi cay? Có khi nào bạn đọc ngồi một mình chợt hát lên bài quốc ca, rồi đứng dậy, nghiêm chỉnh chào bức tường, thằng cháu nhỏ thấy được, cười hí hí. Ông ngoại mát rồi. Trí tưởng tượng của người thật kỳ diệu. Rượu cũng kỳ diệu không kém. Nửa chai vơi đi, lơ mơ chiến sĩ trở về thời đó. Lạ lùng thay, quá khứ dù kinh hoàng, khốn khổ cách mấy, khi nhớ lại, có gì đó đã đổi thay, dường như một cảm giác đẹp phủ lên như tấm màn mỏng, che phía sau một thiếu phụ trẻ đang khóc chồng. Cô có mái tóc màu nâu đậm, kiểu Sylvie Vartan, rủ xuống che nửa mặt. Nhưng thôi, đừng khóc nữa. Chỉ làm đất trời thêm chán nản. Để tôi hát cho em nghe, ngày đó, chúng tôi, những người lính rất trẻ.
Ngày 30 tháng 4 năm nay, 2024, đánh dấu 49 năm ngày Sài Gòn thất thủ vào tay cộng sản Bắc Việt (30 tháng 4 năm 1975). Biến cố này đã mở ra một tương lai đen tối cho dân tộc Việt Nam mà một trong những hệ lụy thảm khốc nhất là hàng triệu đồng bào đã bỏ nước ra đi tìm tự do, trong đó có khoảng hơn 400,000 người chết thảm giữa lòng biển cả. Cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài trong 20 năm đã khiến cho hơn 950,000 bộ đội và thường dân miền Bắc chết và khoảng 600,000 lính cộng sản bị thương. Trong khi đó, có khoảng hơn 700,000 thường dân và binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa thiệt mạng, cùng với 1,170,000 lính VNCH bị thương. Phía Hoa Kỳ có 58,281 binh sĩ tử thương và 303,644 lính bị thương. Đó là chưa kể số thương vong của binh sĩ các nước tham chiến ở hai miền Nam-Bắc, theo www.en.wikipedia.org.
Vào ngày 6 tháng 12, 2023, nhà thơ, nhà văn, giáo sư văn học và nhà hoạt động xã hội được yêu mến người Palestine Refaat Alareer đã thiệt mạng trong một cuộc không kích từ Israel cùng với người anh, em gái và bốn đứa con của họ. Trong tuần để tang kể từ đó, những lời tri ân dành cho cuộc đời, sự nghiệp viết lách và các hoạt động nghệ thuật tích cực của Alareer đã tràn ngập khắp nơi trên thế giới. Nhiều lời tri ân được đăng cùng với bài thơ cuối cùng “Nếu tôi phải chết” được ông đăng trên Twitter của mình vào ngày 1 tháng 11 năm 2023. Cho đến nay, bài thơ chia tay như một điềm báo đau lòng của Alareer hiện đã được dịch sang hơn 40 thứ tiếng; được đọc trên các sân khấu thế giới và được viết trên các bức tường sân ga tàu điện; được in trên các biểu ngữ, bảng hiệu, cờ và diều, được giương cao trong các cuộc biểu tình đòi ngưng bắn trên khắp thế giới.
Nhà xuất bản của Ocean Vương trên Marketplace cũng như Ocean Vương trên Instagram của mình đã thông báo về cuốn tiểu thuyết mới sẽ được xuất bản vào tháng 6 năm 2025, Emperor of Gladness. “Emperor of Gladness” là cuốn tiểu thuyết thứ hai của Ocean Vương, “kể về một năm trong cuộc đời của một thanh niên ương ngạnh ở New England, người tình cờ trở thành người chăm sóc cho một góa phụ 82 tuổi bị mất trí nhớ, tạo nên câu chuyện về tình bạn. sự mất mát và mức độ chúng ta sẵn sàng mạo hiểm để đòi hỏi một trong những ân huệ quý giá nhất của cuộc đời: cơ hội thứ hai.”
Tuyển tập “9 Khuôn Mặt: 9 Phong Khí Văn Chương” của Bùi Vĩnh Phúc là những trang sách phê bình văn học độc đáo, nơi đây 9 người cầm bút nổi tiếng của Miền Nam – Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên – được chiếu rọi trên trang giấy rất mực trân trọng, công phu, phức tạp, và nổi bật là kiểu phê bình văn học rất mực thơ mộng của họ Bùi.
Nhận được tin buồn nhà thơ Phan Xuân Sinh sau một cơn bạo bệnh, nhập viện vì bệnh tim mạch, hôn mê sau 10 ngày vô phương cứu chữa đã qua đời tại Texas ngày 28/2/2024. Thọ 76 tuổi...
Từ hồi trẻ, tôi đã có thói quen là những ngày giáp Tết thì bắt đầu chọn một vài bài nhạc xuân để nghe; và trong những ngày đầu năm thì sẽ đọc một cuốn sách. Thói quen “khai sách đầu xuân” có thêm một chi tiết khi tuổi quá độ “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”: đọc một cuốn sách có chủ đề về Phật Giáo. Trong năm Giáp Thìn này, tôi chọn cuốn “Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn” của một tác giả cũng tuổi con rồng: cư sĩ Nguyên Giác, cũng là nhà báo Phan Tấn Hải. Giới thiệu “tác giả, tác phẩm” dài dòng như vậy, nhưng đối với tôi, người viết đơn giản chỉ là anh Hải, một người anh thân thiết, đã từng có một thời ngồi gõ bàn phím chung trong tòa soạn Việt Báo ở phố Moran. Đọc sách của anh Hải, tôi cũng không dám “điểm sách” hay “phê bình sách”, vì có thể sẽ bị anh phán rằng “… viết như cậu thì chỉ… làm phí cây rừng thôi!” Bài viết này chỉ ghi lại một vài niềm hứng khởi khi được tặng sách, khi đọc qua cuốn sách mà cái tựa cũng đã chạm sâu thẳm vào những điều bản thân đang chiêm nghiệm.
Chúng ta thường được nghe nói, rằng mọi người đều bình đẳng trước Thượng Đế. Tuy nhiên, Thượng đế thì không ai thấy, nhưng có một thứ còn đáng sợ hơn nhân vật cổ sử đó (nếu thật sự là có Thượng Đế): đó là những trận mưa bom. Người dân Ukraine và Palestine ý thức rất rõ, vì đó là chuyện hằng ngày của họ: mọi người đều bình đẳng khi đứng dưới mưa bom. Già, trẻ, nam, nữ, trí thức, nông dân, nhà thơ, họa sĩ… đều bình đẳng: khi bom rơi trúng là chết. Cuộc chiến giữa người Palestine muốn giữ đất và người Israel từ nơi xa tới nhận phần đất mới do quốc tế trao tặng từ đất Palestine đã kéo dài nhiều thập niên. Bây giờ căng thẳng mới nhất là ở Gaza, cuộc chiến đang tiếp diễn giữa nhóm Hamas, thành phần chủ trương bạo lực của dân Palestine, và quân Israel. Trong những người chết vì bom Israel, có những người hiền lành nhất, đó là trẻ em và phụ nữ.
Thông thường khi nghe hai chữ “cô đơn” chúng ta liên tưởng đến trạng thái tinh thần yếm thế, tâm tư buồn bã, ngày tháng chán chường, thậm chí, cuộc đời trống rỗng. Có lẽ, vì ý nghĩa từ điển của từ vựng này; có lẽ, vì ảnh hưởng văn chương nghệ thuật; có lẽ vì chúng ta đã từ lâu tin như thế, mà không bao giờ đặt một nghi vấn nào. Đây là định nghĩa của “cô đơn” qua Bách thư toàn khoa Wikipedia: “Cô đơn là một trạng thái cảm xúc phức tạp và thường gây khó chịu, đáp ứng lại với sự cách ly xã hội. Cô đơn thường bao gồm cảm giác lo lắng về sự thiếu kết hợp hay thiếu giao tiếp với những cá nhân khác, cả ở hiện tại cũng như trong tương lai. Như vậy, người ta có thể cảm thấy cô đơn ngay cả khi xung quanh có nhiều người. Nguyên nhân của sự cô đơn rất đa dạng, bao gồm các vấn đề về xã hội, tâm thần, tình cảm và các yếu tố thể chất.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.