Hôm nay,  

Thanh Thiếu Niên Đọc ‘Sách Cấm’: lợi hay hại?

08/03/202400:00:00(Xem: 533)

Hình-minh-họa-từ-iStock
Theo một nghiên cứu, thanh thiếu niên cho biết họ trở nên chín chắn hơn sau khi đọc những câu chuyện về các nhân vật phải đối mặt với những vấn đề khó khăn, phức tạp. (Nguồn ảnh: iStock.com)

Có nên lo ngại rằng thanh thiếu niên sẽ bị ảnh hưởng xấu bởi một số loại sách, như những nỗ lực cấm sách vẫn thường rao ra rả khắp nơi? Trong hơn một thập niên và qua hàng trăm cuộc phỏng vấn, nhóm các giáo sư về giáo dục Peter Johnston và Gay Ivey đã nghiên cứu về kinh nghiệm đọc sách của thanh thiếu niên khi họ được tự do tiếp cận với các tác phẩm văn học dành cho giới trẻ. Và kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc đọc những cuốn sách này không chỉ không gây hại mà còn mang lại nhiều lợi ích.
 
Nhóm nghiên cứu đã dành một năm tại một trường trung học công lập ở một thị trấn nhỏ thuộc khu vực Trung-Đại Tây Dương, quan sát và trò chuyện với các học sinh lớp tám. Thay vì giao cho học sinh đọc những “kiệt tác” hoặc tác phẩm văn học truyền thống, giáo viên cho phép học sinh tự chọn sách để đọc và cho các em thời gian để đọc trong lớp mỗi ngày. Để khuyến khích sự quan tâm và tham gia của học sinh, họ cung cấp hàng trăm cuốn sách đương đại có liên quan đến cuộc sống học đường. Các cuốn sách này bao gồm nhiều tựa sách đang dính líu đến kiện tụng, theo thông tin từ tổ chức vô vụ lợi PEN America, chẳng hạn như “Identical” của Ellen Hopkins, “Thirteen Reasons Why” của Jay Asher, “Sold” của Patricia McCormick, cùng với nhiều cuốn khác đã bị cấm vì có chủ đề liên quan đến tình dục và bạo lực.
 
Đến cuối năm học, nhóm nghiên cứu đã phỏng vấn 71 học sinh về những thay đổi trong việc đọc cũng như mối quan hệ với bạn bè và gia đình. Họ cũng đặt những câu hỏi mở để tìm hiểu xem bản thân học sinh có thay đổi gì so với từ đầu năm học. Ngoài việc đọc nhiều hơn đáng kể so với trước đây, học sinh còn báo cáo về những thay đổi tích cực trong đời sống xã hội, tình cảm và trí tuệ, được cho là nhờ vào việc đọc sách và qua những đoạn hội thoại trong sách. Dưới đây là sáu thay đổi tích cực mà học sinh cho là nhờ vào việc đọc những cuốn sách có nội dung ‘nhạy cảm’
 
1. Khả năng đồng cảm cao hơn
 
Hầu hết học sinh đều chọn đọc tiểu thuyết, những câu chuyện hư cấu về các nhân vật có hoàn cảnh khác biệt so với bản thân các em, từ chủng tộc, giới tính, phái tính, văn hóa, ngôn ngữ, tâm lý và gia cảnh. Tiểu thuyết có thể giúp cải thiện khả năng đồng cảm, bởi vì những câu chuyện này mở ra cánh cửa nhìn vào tâm trí người khác, khiến người đọc có thể đặt mình vào hoàn cảnh của nhân vật, hiểu được những suy nghĩ và cảm xúc của họ. Khả năng đồng cảm càng được cải thiện nhiều hơn khi người đọc mang cảm xúc đặt vào những gì đang xảy ra trong câu chuyện.
 
Điều này phù hợp với những báo cáo của học sinh. Một học sinh đã giải thích sau khi đọc một cuốn sách về một nhân vật bị bắt nạt, “Khi chúng ta nhìn ai đó… ta nghĩ, họ chẳng có vấn đề gì cả hoặc có thì cũng chả liên quan đến gì mình cả. Nhưng sau khi đọc một số cuốn sách, em thấy mình có thể hiểu được tâm trạng của người khác hơn.”
 
2. Cải thiện các mối quan hệ
 
Nhiều cuốn sách vạch trần những sự thật phũ phàng về con người. Thí dụ, một số sách đề cập đến việc trẻ em và thanh thiếu niên có thể bị người lớn lợi dụng như thế nào, hoặc bệnh tâm thần có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành vi của một người như thế nào.
 
Học sinh chia sẻ rằng khi đọc những cuốn sách đó, lần đầu tiên các em gặp phải những thông tin như vậy. Và theo bản năng, các em sẽ tìm ai đó cũng đã đọc qua cuốn sách để cùng chia sẻ, thảo luận. Do đó, có nhiều học sinh trước đây hiếm khi nói chuyện với nhau, về sau lại chơi chung với nhau nhờ việc đọc sách. Trong quá trình thảo luận, các em hiểu thêm về nhau, trở thành bạn bè hoặc không thì cũng có thái độ tôn trọng nhau hơn. Học sinh cũng nói chuyện với người thân trong gia đình, bao gồm cả cha mẹ, và đã thuyết phục được một số người đọc sách chung.
 
Các mối quan hệ trong sách khiến thanh thiếu niên phải suy nghĩ lại về các mối quan hệ của chính mình. Một học sinh kể lại về một nhân vật: “Mẹ của nhân vật đó đã rất thô lỗ với cô ấy. Điều đó khiến em cảm thấy xấu hổ vì đã hỗn hào với dì của mình, và thái độ của em có khi còn tệ hơn.”
 
Các học sinh chia sẻ rằng các nhân vật lâm vào hiểm cảnh trong sách đã thay đổi suy nghĩ của các em về gia đình mình. Thí dụ, một số học sinh thừa nhận rằng sau khi đọc một cuốn sách về một cô gái đồng trang lứa bị kẻ xấu bắt cóc và lạm dụng, các em trở nên thận trọng hơn và biết lắng nghe lời khuyên của cha mẹ. Nhiều học sinh còn cho biết mình muốn bảo vệ anh chị em nhiều hơn.
 
3. Suy nghĩ chín chắn hơn
 
Theo dõi những quyết định mà các nhân vật trong sách đưa ra giúp học sinh có cơ hội hiểu rõ những hậu quả cỏ thể xảy ra từ những lựa chọn của bản thân. Các nhân vật tích cực được các em lấy làm gương. Còn các nhân vật đưa ra những quyết định không đúng đắn sẽ được xem như những câu chuyện cảnh giác để tự suy ngẫm.
 
Một học sinh chia sẻ rằng “Em đã thay đổi vì trước khi làm việc gì đó, em suy nghĩ cẩn thận hơn.” Đây cũng là ý kiến được nhiều học sinh chia sẻ nhất, và có liên quan đến những vấn đề mà thanh thiếu niên đang hoặc sẽ phải đối mặt, chẳng hạn như các mối quan hệ độc hại, lạm dụng chất gây nghiện, tụ tập chia bè kết phái, và các hành vi tình dục nguy hiểm.
 
4. Trở nên hạnh phúc hơn
 
Dù có nhiều học sinh chọn những cuốn sách có nội dung đáng sợ và nhạy cảm, nhưng các em lại khẳng định việc đọc sách khiến các em cảm thấy tốt hơn. Một học sinh nói về khoảng thời gian em dành để đọc sách: “Đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của em.”
 
Nhiều học sinh mô tả những chuyến du lịch tinh thần qua các trang sách đã giúp các em nhìn lại những lo lắng của bản thân, so sánh với những nhân vật có hoàn cảnh khó khăn hơn nhiều. Một học sinh giải thích: “Ta sẽ biết trân quý những gì mình có, và, kiểu như là, cảm thấy biết ơn trước những điều tốt đẹp mà cuộc đời đã ban tặng. Có một số cuốn sách mà nhân vật trong đó khổ không để đâu cho hết, gặp phải toàn những chuyện quái gở, điên rồ.”
 
5. Sách giúp tự chữa lành
 
Một số học sinh cho biết sách đã giúp các em chữa lành khỏi trầm cảm và đau buồn. Một em chia sẻ sau khi đọc về một nhân vật mất mẹ: “Khi còn nhỏ, em đã mất đi người bạn thân nhất của mình. Em đã trải qua khoảng thời gian rất khó khăn, nhưng những cuốn sách này thực sự khiến em nhớ về bạn mình mà không còn quá buồn bã.”
 
Nhiều học sinh nói về những cảm xúc tốt đẹp mà các em có được từ những cuộc tâm sự đầy ý nghĩa với bạn bè về cuốn sách. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các mối quan hệ xã hội tích cực mang lại hạnh phúc cho thanh thiếu niên.
 
6. Khả năng đọc tốt hơn
 
Một số cuốn sách khá là khó đọc đối với học sinh, nhưng các em vẫn kiên trì đọc và cố gắng để hiểu. Và sự kiên trì này có liên quan đến mối quan tâm của học sinh đối với các chủ đề trong sách.
 
Nhiều học sinh cho biết các em đã phải đọc đi đọc lại nhiều chỗ trong sách hoặc thậm chí toàn bộ cuốn sách để có thể hiểu rõ về cốt truyện. Các em cũng nhờ thầy cô và bạn bè giúp đỡ khi gặp phải những từ lạ. Kết quả là điểm môn đọc cuối năm của các em được cải thiện, trong khi điểm của các học sinh khác vẫn không thay đổi nhiều.
 
Và học sinh cũng cho biết các em bắt đầu ghé thăm thư viện công cộng và hiệu sách nhiều hơn. Nhiều em còn tuyên bố “Bây giờ em là mọt sách rồi,” hoặc “Em thấy mình sáng dạ hơn.”
 
Những thay đổi tích cực được báo cáo bởi học sinh không thể mang đi áp dụng chung cho tất cả mọi người, nhưng các nghiên cứu có kiểm soát thực nghiệm cũng đã chỉ ra nhiều kết quả có liên quan. Thí dụ, những thanh thiếu niên đọc và thảo luận với nhau về những câu chuyện chủ đề xã hội cho biết họ có động lực đọc cao hơn, chiến lược đọc tốt hơn, chẳng hạn như đọc lại những gì chưa hiểu, và hiểu rõ hơn về bản chất con người so với những người không đọc.
 
Nghiên cứu mới gợi cho chúng ta suy ngẫm về mục đích đầu tiên của việc khuyến khích thanh thiếu niên đọc sách. Liệu đó có phải là để giới trẻ có được những lợi ích về giao tiếp xã hội, tình cảm, đạo đức, và học thuật từ việc đọc hay không? Nếu câu trả lời là ‘Có,’ thì việc quan trọng cần làm là phải bảo vệ sự tự do của thanh thiếu niên trong việc chọn đọc những cuốn sách mà họ cảm thấy có ý nghĩa và liên quan đến cuộc sống và trải nghiệm của mình, kể cả những cuốn sách có nội dung “đáng lo ngại.”
 
Cung Đô biên dịch
Nguồn: “How teens benefit from being able to read ‘disturbing’ books that some want to ban” được đăng trên trang TheConversation.com.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cục Hàng không Liên bang hôm thứ Hai cho biết họ đã mở một cuộc điều tra về Boeing sau khi công ty báo cáo rằng các công nhân tại một nhà máy ở Nam Carolina đã làm giả hồ sơ kiểm tra trên một số máy bay 787. Boeing cho biết các kỹ sư của họ đã xác định rằng hành vi sai trái không tạo ra "vấn đề an toàn ngay lập tức cho chuyến bay".
Báo The Hill thắc mắc, rằng vì sao nhà thờ rủ nhau tin Trump, rủ nhau bầu Trump. Một trong những bí ẩn lớn nhất của thời đại Donald Trump là tại sao rất nhiều giáo dân Cơ đốc lại có cái nhìn tích cực về Trump. Trong số 46 người từng làm tổng thống, chỉ có ba người không theo đạo Thiên Chúa. Nhưng không ai trong số 46 người - ngoại trừ Donald Trump - thường xuyên và công khai vi phạm các giáo lý cơ bản của Cơ đốc giáo.
Michigan: Các sinh viên biểu tình đoàn kết với Gaza đã phất cờ cờ và khắn vấn đầu keffiyeh của Palestine, đồng thời hô vang các khẩu hiệu phản chiến trong lễ ra trường của Đại học Michigan hôm thứ Bảy. Video trên mạng xã hội cho thấy các sinh viên mặc trang phục tốt nghiệp và hô vang: “Bom Israel, UMich trả tiền!” và "Hôm nay bạn đã giết bao nhiêu đứa trẻ [Palestine]?"
Người cư sĩ tại gia có khả năng phát huy đạo đức cao thượng, từ từ bước lên nấc thang thánh vị, qua việc trì giữ giới luật: Năm Giới, Tám Giới, Mười Giới và Bồ Tát Giới Tại Gia. Chính những giới này giúp cho hàng đệ tử tại gia cũng như xuất gia ngăn ngừa nghiệp xấu, vun trồng tâm lành để hiện tại và mai sau có được cuộc sống an vui, lợi mình, lợi người. Kính mời quý Phật tử phát tâm về Chùa Hương Sen thọ giới, nhận giới và giữ giới.
Một người đàn ông ở California đã bị đại bồi thẩm đoàn liên bang ở Atlanta (Georgia) truy tố về tội đe dọa Biện lý quận Fulton Fani Willis vì Willis đã truy tố cựu Tổng thống Donald Trump, theo Bộ Tư pháp cho biết hôm thứ Sáu trong một thông cáo. Marc Shultz, 66 tuổi, ở Chula Vista, California, xuất hiện lần đầu vào thứ Năm tại tòa án liên bang ở San Diego. Theo thông cáo báo chí, y bị truy tố vào ngày 24 tháng 4 và sẽ bị buộc tội ở Atlanta vào tháng 6.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin gặp Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles tại trụ sở Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ở Hawaii. Hai bên đã thảo luận các cách để tăng cường hợp tác công nghiệp quốc phòng song phương, bao gồm thông qua hiệp ước AUKUS về Vũ khí dẫn đường và vật liệu nổ của Australia và của Anh quốc, nhằm tăng cường khả năng sản xuất vũ khí dẫn đường của Australia.
Cầm trên tay một chiếc túi xách có tất cả những điểm đặc trưng của mẫu túi xách Chanel cổ điển: lớp da chần bông sang trọng, phụ kiện vàng lấp lánh, đường khâu tinh tế. Chỉ có một số chi tiết nhỏ khác lạ. Zekrayat Husein nhận xét khi nghiên cứu chiếc túi qua kính hiển vi: “Phần da quá cân đối, và kích thước của mỗi hạt trang trí rất đồng đều.” Bà cho hay, đó là một món đồ giả có chất lượng tốt, nhưng chẳng có giá trị gì khi so với một chiếc Classic Flap chính hiệu từ Chanel giá 11,000 Mỹ Kim.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết họ đã phát hiện 15 khinh khí cầu giám sát của Trung Quốc bay lượn trên eo biển Đài Loan hôm thứ Năm. Theo thông báo, 4 trong số các vật thể được phát hiện đã vi phạm không phận phía trên hòn đảo tranh chấp.
Hôm nay ngày 30/4/2024, tròn 49 năm Miền Nam sụp đổ. Thơ Nguyễn Phúc Sông Hương: Tiểu Đoàn hai hàng đều bước / Tay không súng đạn,/ Vẫn ngước cao đầu,/ Dân làng bên đường / Vỗ tay chào đón,/ Người được thắng trận/ Ngơ ngác nhìn nhau.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.