Hôm nay,  

Đọc Thơ Tùy Anh: Quê Hương, Mẹ, Tình Bạn, Tình Yêu và Đạo Pháp

06/09/202309:26:00(Xem: 2178)

bia tap tho Tuy Anh

 

“Còn một chút quê hương trong màu nắng

Thêm mặn mà trên từng đợt phù sa!”

 

Đó là hai câu thơ trong bài “Tháng Tư Ngóng Về Phương Đông” trong tập thơ “Cũng Đành Dâu Bể Với Thời Gian” của nhà thơ Tùy Anh mà tôi may mắn đọc được.

Đó là hai câu thơ mà chỉ cần đọc qua một lần tôi đã không thể quên được, bởi vì nó quá nên thơ và tuyệt vời khi diễn tả tâm trạng nhớ quê hương của nhà thơ lưu vong Tùy Anh dù thời gian có là bao lâu, dù không gian có là nơi nào. Đơn giản chỉ bằng hai câu thơ, nhà thơ Tùy Anh đã có thể vẽ nên bức tranh miêu tả tâm cảnh của một người nhớ quê hương da diếc theo tháng ngày lưu vong và tia nắng hy vọng vẫn rực rỡ!

Nhà thơ Tùy Anh còn có bút hiệu khác là Phù Vân, một bút hiệu rất thơ mộng mà mỗi khi nhắc tới tôi không thể không liên tưởng đến khung trời lãng mạn với vầng mây trôi bồng bềnh, thong dong, chợt có chợt không. Hoặc tôi lại nghĩ tới uy danh của một vị thiền sư sống ẩn dật trên núi Yên Tử là Quốc Sư Phù Vân, người đã từng dạy cho Vua Trần Thái Tông câu Thiền ngữ thâm thúy, “Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ ở trong tâm” (Sơn bản vô Phật, duy tồn hồ tâm). Có lẽ nhà thơ Tùy Anh khi lấy bút hiệu khác là Phù Vân đã nghĩ tới vị thiền sư và câu Thiền ngữ độc đáo này. Chẳng thế mà trong tập thơ “Cũng Đành Dâu Bể Với Thời Gian” bàng bạc Thiền vị và Pháp vị. Tôi bắt gặp ý nghĩ này trong bài thơ “Trở Giấc Đêm Xuân,” mà trong đó nhà thơ Tùy Anh đã tự giới thiệu mình.

“…em nhìn xem trên khung trời xanh biếc

đám phù vân nào vẫn mãi lang thang?

đó là anh với ước vọng vô vàn

thênh thang được đặt chân lên đất tổ!”

Tôi chưa một lần gặp mặt nhà thơ Tùy Anh ngoài đời, nhưng tôi đã biết anh từ lâu vì những hoạt động và đóng góp của anh cho văn hóa và văn học Việt Nam và Phật Giáo Việt Nam ở xứ người trong nhiều thập niên qua, đặc biệt thông qua tờ báo Viên Giác do Hòa Thượng Thích Như Điển làm Chủ Nhiệm và anh làm Chủ Bút. Vài năm gần đây, qua những sinh hoạt trên Zoom của Hội Đồng Hoằng Pháp thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tôi đã nhìn thấy anh qua màn ảnh máy điện toán.

Tập thơ được đặt tên là “Cũng Đành Dâu Bể Với Thời Gian.” Tên của tập thơ đã cho người đọc hiểu được phần nào tâm cảnh của nhà thơ và ý hướng triết lý ẩn chứa bên trong tập thơ này. Mấy chữ “dâu bể” và “thời gian,” cho người đọc liên tưởng đến bản chất vô thường biến dịch không dừng trụ của cuộc đời, của tất cả các pháp trên thế gian, bao gồm thời gian và không gian. Nhưng, mấy chữ “cũng đành,” gợi mở cho người đọc hiểu được thái độ của nhà thơ: tùy duyên đối với vạn cảnh, hay chấp nhận điều không thể trốn chạy vì đó là quy luật thiên thu của vũ trụ. Ngay nơi tựa đề của tập thơ cũng cho người đọc nhận ra một chút manh mối rằng tác giả của tập thơ phải là người từng trải bao kinh nghiệm cuộc đời. Bài thơ chủ đề “Thôi Cũng Đành Dâu Bể Với Thời Gian” cho người đọc cảm nhận được điều đó.

“Xin mời bạn, rượu nồng quên ngày tháng

Nhớ làm chi, bèo bọt chuyện mây trôi!

Ly chưa cạn mà nghe đời đã cạn

Ai đong đầy cho thế sự đầy vơi?

Hãy đón Xuân như đón niềm mong đợi

Buổi giao mùa còn đọng… chút men say.

Dù năm mới ngọt từng lời mời gọi

Cũng chỉ là gió thoảng với mây bay!

 

Nào ai hiểu Xuân như người tình phụ

Mỗi lần Xuân, mỗi quay quắt bất an!

Nhưng ta hiểu đã làm thân lữ thứ

Thôi cũng đành dâu bể với thời gian!”

Tập thơ “Cũng Đành Dâu Bể Với Thời Gian” của nhà thơ Tùy Anh chuyên chở tâm trạng nhớ quê hương của một người tị nạn sống lưu vong và trên quê hương đó còn có bóng dáng không phai mờ của người Mẹ hiền của nhà thơ. Còn nữa, tập thơ còn chuyển tải đến người đọc chân tình bằng hữu, tình yêu ngọt ngào và đạo lý giải thoát của Nhà Phật.

Từ khi rời bỏ đất nước ra đi để thoát cảnh đọa đày trong nhà tù nhỏ và nhà tù lớn ở Việt Nam và đi tìm cuộc sống tự do nơi xứ lạ quê người, quê hương đối với nhà thơ Tùy Anh dù không còn là mảnh đất nâng đỡ từng bước chân lưu lạc trong cuộc sống tha hương vẫn là một thứ hình ảnh và tình cảm đã thấm sâu vào huyết quản mà lúc nào anh cũng canh cánh bên lòng dù đã mấy mươi năm cách xa biền biệt.   

“Thôi đành vậy, ba mươi năm viễn xứ

Như mây trời phiêu bạt tận mười phương!

Vẫn hun hút trên dặm ngàn lữ thứ

Ôm xót xa bao nỗi nhớ niềm thương.” (Ba Mươi Năm Viễn Xứ)

Nỗi nhớ quê hương đã gây cho nhà thơ Tùy Anh niềm cảm thông sâu sắc tâm trạng của nhà thơ Thế Lữ trong bài thơ “Nhớ Rừng” của thời Tiền Chiến xa xưa và tạo cảm hứng cho anh họa lại bài thơ đó để thổ lộ tâm sự của mình:



“Ta đeo đẳng cả trăm thương ngàn nhớ

Thuở lưu đày vương vấn chuyện ngày xưa

Tuổi trẻ mộng mơ, biển cả, rừng già

Khi tha thiết suối nguồn, khi đậm tình sông núi

Khi cuồng nhiệt cất tiếng ca vang dội…”

Tâm trạng nhớ quê hương của nhà thơ Tùy Anh càng thêm se sắt vào mỗi độ Tháng Tư về. Tháng Tư là tháng đánh dấu biến cố đau thương nhất của người dân Miền Nam Việt Nam khi Cộng Sản Miền Bắc xua quân xâm chiếm toàn đất nước vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Bài thơ “Tháng Tư Ngóng Về Phương Đông” là tiếng kêu thống thiết của loài chim “quốc”:

“Mỗi buổi sáng khi mặt trời thức giấc

Nghe tiếng chim tha thiết gọi bình minh

Ngóng về phương đông, lòng thêm quặn thắt

Cố hương ơi! sao vẫn mãi điêu linh?”

Trên cố hương ấy, còn có người Mẹ già mà nhà thơ Tùy Anh vẫn hằng nhớ thương. Ở trên thế gian này không có gì thiêng liêng và cao quý cho bằng tình Mẹ.

“Trên trần thế,

có nơi nào đẹp đẽ

bằng hình ảnh Mẹ trong tâm!

Ở nhân gian

có kỳ quan nào hùng vĩ

bằng thần tượng Mẹ trong đời!” (Rồi Một Ngày Nào, Mẹ Ơi…)

Người con nhờ tình thương của Mẹ mà khôn lớn và trưởng thành. Cho nên, dù người con có một trăm tuổi vẫn nhớ “lời mẹ ru” từ thuở ấu thơ, như nhà thơ Tùy Anh kể trong bài thơ “Mẹ Trong Nỗi Nhớ Khôn Nguôi.”

“Nghìn năm sông nước đầy vơi

Con, trăm năm vẫn nhớ lời mẹ ru

Vòng tay mẹ ủ hương nhu

Bao nhiêu âu yếm cũng từ đấy thôi.”

Dường như tình yêu của nhà thơ Tùy Anh dù không thiếu hương vị lãng mạn, ngọt ngào, nhưng lại được tô thắm một chút sắc màu mơ màng và lãng đãng như ánh trăng lung linh hàng cau ngoài dậu. Bài thơ “Em và Trăng” đã nói lên điều này. 

“Hôm em về quê cũ

Trăng vằng vặc dõi theo

Em thấm đời lữ thứ

Ngủ quên trong kinh chiều.

 

Anh trầm trong cõi tịnh

Trăng lung linh hàng cau

Mơ màng giấc thiền định

Đành bỏ quên đời nhau!”

Phải chăng vì nhà thơ “ngủ quên trong kinh chiều” mà bỏ quên tình yêu của mình? Chắc là không phải, bởi vì bài thơ “Lần Nữa Cảm Ơn Em” đã cho người đọc thấy.

“Viết cho em giữa mùa trăng lời yêu không nói hết

Lời thiết tha bàng bạc, dịu ngọt cõi thanh yên

Đó là nhân ta gieo trồng từ vô lượng kiếp

Nay là quả ta gặt hái theo từng độ nhân duyên.”

Tình bạn trong nhà thơ Tùy Anh cũng rất mực đậm đà, chân thật. Khi tiễn biệt người “bạn hiền” Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa, anh đã không giấu được cảm xúc trống vắng khi mất bạn.

“Từ giã nhé, cuộc đời đầy huyễn mộng

Đời thư sinh, màu áo trắng hoang sơ

Nghe trong nắng có tiếng cười lồng lộng

Mà âm vang nghe lạnh cả hư vô…”

Điểm đặc biệt và nổi bật trong tập thơ “Cũng Đành Dâu Bể Với Thời Gian” của nhà thơ Tùy Anh là giáo nghĩa của Đạo Phật bàng bạc khắp nơi cho dù là nỗi nhớ quê hương, tình Mẹ, tình bạn hay tình yêu. Tư tưởng Phật học chừng như đã thấm sâu trong từng nhịp thở con tim và trong từng niệm tưởng của nhà thơ Tùy Anh làm cho nó tuôn chảy ra theo lời thơ một cách tự nhiên không gắng gượng. Bài thơ “Qua Ngõ Phù Vân 2” là một thí dụ điển hình.

“Này em, thế sự đổi thay

Trăm sông ngàn suối nào quay về nguồn?

Bâng khuâng nhìn giọt mưa tuôn

Ngẩn ngơ cảm những giọt buồn thế nhân!

 

Em về qua ngõ phù vân

Buồn vui thôi cũng chỉ ngần ấy thôi!

Vinh hoa để lại cho đời

Thị phi cũng để cho người thị phi!

 

Thương làm chi, ghét làm chi

Hơn thua thêm nặng chu kỳ hóa thân!

Em đi vào cuộc hồng trần

Anh về lãng đãng mấy tầng mây xa”

Nhờ thấm nhuận giáo lý Nhà Phật, nhà thơ Tùy Anh dù đang bị bệnh nằm trong Bệnh viện AK Aklepios Harburg, ngày 4 tháng 6 năm 2023 vừa qua cũng thản nhiên chấp nhận “nghiệp quả” và an nhiên niệm Phật.

Dang tay ôm nghiệp quả

Thiện ác tự tiền duyên

Âu cũng đều nhân quả

Không ta thán oán phiền.

 

Hôm nay vào bệnh viện

Phát hiện lắm hoài nghi

Sợ rằng gặp tai biến

Cần chữa trị cấp kỳ.

 

Đong đưa bình nước biển

Nhỏ từng giọt Cam Lồ

Theo kinh cầu đại nguyện

Nhịp nhàng tiếng Nam Mô.”

Đó chính là lợi ích lớn lao và cụ thể mà một người Phật tử như nhà thơ Tùy Anh có tín tâm và tinh tấn hành trì lời Phật dạy đạt được ngay trong đời này.

Khép lại tập thơ “Cũng Đành Dâu Bể Với Thời Gian” của nhà thơ Tùy Anh, lòng tôi tự nghĩ rằng phải chăng chính tâm hồn an nhiên tự tại và giải thoát nhờ thấm nhuận giáo lý Nhà Phật đã giúp anh có được nguồn cảm hứng và sáng tạo vô bờ để cống hiến cho nền văn học Dân Tộc và Phật Giáo Việt Nam những áng thơ làm rung động lòng người!

Xin cảm ơn nhà thơ Tùy Anh. Cầu mong anh “chân cứng đá mềm” để tiếp tục con đường phục vụ Đạo Pháp và Dân Tộc.

Mỹ quốc, những ngày giữa mùa Hạ 2023

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cầm trên tay tập thơ “Thơ hai dòng & cỏ biếc” của anh Trần Hoàng Vy gởi tặng mà thấy vui chi lạ. Tập thơ đẹp, trang nhã và tươi rói như còn thơm mùi mực. Tập thơ dày 148, được ấn hành bởi nhà xuất bản Nhân Ảnh, tháng 4/2024...
Lịch sử Phật Giáo thế giới hơn hai mươi lăm thế kỷ qua không thiếu những câu chuyện có sức thu hút đặc biệt về những đấng minh quân đem Chánh Pháp của đức Phật ra để trị quốc. Chẳng hạn, Vua A-dục (Aśoka – 304-232 BC) ở Ấn Độ, Vua Lương Võ Đế (464-549) ở Trung Hoa, Vua Songtsän Gampo (thế kỷ thứ 7 Tây lịch) ở Tây Tạng, Thánh Đức Thái Tử (574-622) ở Nhật Bản, Vua Trần Nhân Tông (1258-1308) ở Việt Nam, v.v…
“Chân dung” do Ngô Thế Vinh vẽ ra không giống các chân dung của các tác giả khác. Đặc biệt là với các cây viết đã khuất núi, anh phân tích chi tiết căn bệnh đưa tới sự ra đi của các bạn này. Như bệnh ung thư cột sống sarcoma của Nguyễn Xuân Hoàng, ung thư gan của Nguyễn Mộng Giác, ung thư mắt của Cao Xuân Huy, ung thư tụy tạng của Nghiêu Đề, ung thư tuyến tiền liệt của Đinh Cường. Những chi tiết này sẽ là những tài liệu quý báu cho văn học sử sau này.
Tập “Thơ Khánh Trường” ra đời chỉ để “Vui thôi mà”, gồm ba phần: Phần 1: Ngẫu Hứng. Phần 2: Mai Anh Về Miền Trung & Những Bài Thơ Khác; và Phần 3: Khổ Lụy. Ngẫu Hứng là phần tôi thích nhất, tập hợp những bài thơ ngắn “bất chợt nẩy ra trong đầu”. Thơ được viết tự nhiên, không màu mè, không cơ bắp, không gồng, không làm dáng. Là phần mở đầu, Ngẫu Hứng cũng là phần tách riêng khỏi tập thơ, ở một vùng đất cao hơn, trên một khí hậu tươi mát, có nhịp sống tâm linh riêng. Trong khuôn khổ bài này xin chỉ đọc phần “Ngẫu Hứng”.
Lịch sử không mắc kẹt trong Nguyễn Thanh Việt, tác giả cuốn tiểu thuyết The Sympathizer (Cảm tình viên, Kẻ hai mặt, Kẻ nằm vùng, Kẻ nội tuyến) xuất bản năm 2015, nó bùng nổ dữ dội với nỗi phẫn nộ rát bỏng hiếm thấy trên một trang viết văn học nào...
Alexander Solzhenitsyn sau 8 năm lao tù (1945-1953) trong chế độ Cộng Sản Liên Xô đã ghi lại hình ảnh kinh hoàng, đau thương đó trong các tác phẩm The First Circle (Tầng Đầu Địa Ngục), One Day in The Life of Ivan Denitsovich (Một Ngày Trong Đời Của Ivan Denitsovich), Khu Ung Thư (Cancer Ward), Tầng Đầu Địa Ngục (The First Circle), Quần Đảo Ngục Tù (The Gulag Archipelago)… Những tác phẩm này đã được dịch sang Việt ngữ, ấn hành trước năm 1975 ở Sài Gòn...
Hồi ký "Người muôn năm cũ" của nhà văn Phạm Gia Đại dày trên 500 trang gồm có 17 chương, mỗi chương với vẻ riêng, đặc sắc của từng chương. Cuốn sách đưa chúng ta trở về những năm tháng tươi đẹp đầy kỷ niệm thương yêu của Sài Gòn, của miền Nam và những ký ức đau buồn sau ngày mất miền Nam, và những năm tháng sống trở lại với cuộc đời mới trên miền đất tạm dung...
Tuyển tập Những Mẩu Chuyện Đời của Đào Ngọc Phong là những dòng chữ phần lớn rất buồn, kể lại chuyện đời của anh, chuyện đời của những người anh gặp trong đời từ Việt Nam cho tới xứ người, chuyện của những người trong thế hệ của anh bị cuốn vào cuộc chiến phân đôi, chuyện của những người xa xứ đang ra sức mưu sinh, và chuyện vui buồn của một kiếp người. Chuyện rất buồn xen lẫn với chuyện rất vui. Và hầu hết là giữa những dòng chữ vẫn có các niềm vui có hậu.
Chủ Nhật (2PM-5PM), 24 tháng 3 năm 2024, GS Trần Gia Phụng từ Canada sang thuyết trình “Những Học Thuyết Chính Trị Hoa Kỳ Về Chiến Tranh Việt Nam” tại Viện Việt Học, 15355 Brookhurst St, Suite 222, thành phố Westminster và tham dự Giỗ Lễ Nhà Cách Mạng Phan Chu Trinh Lần Thứ 98 cùng ngày của Hội Ái Hữu Phan Chu Trinh Đà Nẵng (ông là giáo sư dạy sử của trường nầy)...
Nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc vừa ấn hành tác phẩm “9 Khuôn Mặt, 9 Phong Khí Văn Chương” – nội dung là viết về Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên. Cuốn sách dày 440 trang, chữ nhỏ, gồm các nhận định của Bùi Vĩnh Phúc (BVP) về các nhà văn, nhà thơ đã nuôi lớn một thời tuổi trẻ của tôi. Họ là những cây đa bóng mát của tôi, không chỉ ngoài đời và trong văn học, mà cũng là cả trong các giấc mơ những ngày tôi còn ôm sách tới trường. Tôi đã nói với Bùi Vĩnh Phúc như thế, rằng những người này, trong sách của bạn, thiệt sự là cả một cánh đồng tuổi thơ của tôi. Và tôi nghĩ rằng không thể nào viết đầy đủ về các khuôn mặt văn học này.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.