Hôm nay,  

TRANG THƠ THỨ BẨY

29/07/202309:17:00(Xem: 1363)
Willem de Kooning
Tranh Willem de Kooning.



NGUYỄN-HÒA-TRƯỚC

 

Một vòng mặt trời,

 

thơ xuôi

 

1

 

Khi mỏ ả quạ vàng vùi sâu dưới gối và đôi mắt quả bàng của ả dần dần đờ đẫn mà cân cấn nước, hãy đơn hành tìm đến cội nguồn không màu của lặng lẽ (nơi đã một lần trần trụi từ đó bước lên) là dòng xiết nuốt đất mở bờ lềnh bềnh củi lũ.

Hãy sống lại, chỉ trong cõi hồng hà hoang hốt đó:

 

cái nhen nhén dị hình cháy khê trong tiết hạ chí ngậm cây kẹo kéo (ngắn dài theo nặng nhẹ mấy đồng xu kẽm) nấu bằng đường thô điểm xuyết sẹo lạc vỏ sò rang chỉ mới độ tám đu dây theo chùm bóng vú mướp mà bọn học trò gầy lỏng khỏng bậm bầm môi vận toàn lực vẫn chỉ khoắng quậy được chưa đến nửa bầu õng thiên địa;

cái thinh thích xuýt xoa chùn thun xoăn xẹo khi mùa thu cõi mộng địa giới lơi lả hội chèo đuôi khoen trăm hồng ngàn tía lụa the thướt lướt vấu cành lá bọn sấu ngà xanh mép đê cắn thử mà tiếc rẻ xem thế vẫn còn chua chun mũi;

cái man mác quắp tôm theo trận đông phong roi quất hả hê những cơn thê thiết sụt sùi rả riết mưa lựu trĩu mái gianh mưa ghềnh mưa suối lội tròng trành trong cái hẻm sặc sụa mưa ngô nhắp mồi cá nắp ao mưa nhện nguệch bản đồ trên lòng giấy không ô vuông lép nhép vài ý là lạ khiến chợt có lúc-hồ-nghi-hoảng-hốt chẳng lẽ mình đang bị rứt xa trần tục nhốn nháo bạn bè một loáng lưu đày vù lên linh-địa-yên-bình-của-thiên-thi?

 

*

 

Sách mực xếp gọn

một ngày nghỉ học quý-hiếm-vàng-mười đi tìm trong đại-vũ-trụ vụ vần trong độ xoãi tay cái-tiểu-biến-tướng-nhưng-khá-quen-hình-như-là-mình lẩn ngẩn thất thường bỏ cả bữa trưa khiến bà đôn đáo chạy tìm cháu yêu đến long đong cả rễ tóc.

 

Vài gió khảy đỡ lưng vịn;

khá nhiều khe nắng xắn tay áo nhung bung tam giác đều bóp eo cô nàng khế tím vị thành niên hay đỏ mặt;

hoa phấn rụng thơm như lát quạt xua nồng dẫn dụ lối vào căn nhà gạch duy nhất trong cái ngõ ngắn cắn hoài chưa lần cấn mí;

duy nhất trong cái xóm hẻo gia cư chùm đụp mộc thổ này nó là căn-nhà-thật-sự-là-nhà có hai dãy kiểng-bát-tiên mai chiếu thủy lúc nào ngang qua ta cũng nhìn thấy (như chúng đã thuê nơi này dài hạn) hình ảnh thật yêu đởi một cặp oanh vàng chíp chíp mớm mỏ cùng nhận+cho sâu trên cành khảnh cao nhất.

 

*

 

Thời gian không chắc có chuyển dịch dầu mốc đồi kia đang lộ dung từng phút một với gió chuyển cung hợp xướng theo biến thái của địa hình mà đôi guốc vông càng dặm dài càng trúc trắc khi cuối cùng bước trên biển đồng bao la gù lưng rạ bặt huyên náo thợ hát đối hẹn hò bỡn cợt và màn trời chớp bóng lồng lộng với phiên chiếu thường trực cách giao hàng lạ lùng của mây.

 

Tìm em nơi nào cho tôi hỏi hộ cậu nắng đang chờ áo cô làng giềng phơi sào lên ngủ ghé?

(nhân nắng hỏi dò, tôi vỡ):

mùa xuân đang mở then chốt cài vào lĩnh không đoàn tụ của cay mắt khói lam chiều.

 

2

 

Những quả những hạt thổ nhưỡng mát mướt có mờ có rạng

đồi mô nương luống cơi lài đất tơi đá mẻ

nhúm hạt vừng gieo giáp mùa dụi mắt.

Bó tranh ngồn ngộn gái non ai hái quên mang về đang phợt phà cạ đất

bó tranh cắt ngọt khô nhanh đợt mồ hôi đã nhạt nhiều mặn chát

lối qua trại chõm cọ thừa ngủ gục

hơi thở các nan hoa đuối mùi sương ngọt như nõn mía

các đóm bay sù sụ mê sảng

buổi trưa vữa ôi tay chạy liềm đầu gật gà cắt nhịp

mỗi mẻ lá là mỗi mảnh chăn an hòa ngon giấc

mặt trời đốt thiêu nhưng mặt trời vẫn gia ân chắn rét

chưa hết bàng hoàng năm rồi hai mùa cuối chẳng đứa nào chịu trắc ẩn nhả cho người chút sinh khí ấm áp.

 

*

           

Đời trải chiếu ngược hướng rừng nai thỏ chạy.

Ảo quang chệnh choạng leo lên bụng nữ thần hoàng hôn làm nhúm nhó nghẹn ngào cái lõi phôi thai khởi hứng của cây-nhân-sinh yêu chiều phóng dật;

nhịp tắc lưỡi đánh vỡ rào rạo áo hào hoa tài tử (óng ánh đến độ phiêu linh) vốn bấy lâu chỉ tồn tại nhờ vào tràng vỗ sứt sẹo xỏ xâu của thuật hóa trang diệu thủ;

cây nêu thơ hơi hắt ngọn phong chướng

rùng mình trả lại tất phấn son dầy dạn.

 

*

 

Ta sẽ không về nếu chưa hôn lên được chiếc lá mầu nhỏ nhất mà dòng suối sắp đến giờ đưa sang;

trong chấm lá:

đời sóng sánh như bát nước rau xanh hút hết dưỡng trấp từ địa mẫu, dễ ly tâm như hạt gạo bé níu vành rổ cạp thưa vách khi vo nước nhúng vào chẳng dám chờ thấm đẫm;

cuộc sống mầm ngoi từ một hai ranh tiểu tiết chập chênh như ngủ thấy được bay lên mỗi quạt tay là cách địa cập thiên.

Căn nhà em xưa ta chỉ nhớ mặt tiền

hai gốc ngọc anh tranh với em vị ngôi gia chủ mời vào khi ta còn chưa gọi cổng.

 

Bay đến em dễ thường trăm tuyến dài không viền mối

tiếp và tiếp hành trình trên chim di chưa cánh oải

mỏ vỏ cam ngậm hoa hồng hoa bạch nhụy tóc bướm

vũ mao biết nói và lông măng thơm ơi là mùi kẹo bột!

 

3

 

Khi vầng dương ngủ

ta sẽ sống, rất tiết kiệm

học cách đếm thật chuẩn chấm hạnh phúc, từng giây

(quyển sổ đời giờ cứ để mở vô tư

giấy sẽ thơm và tơ vàng sẽ nổi)

rượu vị mới và bình lọ sạch tươm tướp

rượu chắt chiu ngụm nhỏ ngậm thật lâu vị sữa nếp đỉnh ngàn thông nhánh cỗi

say lắc lư bảy vòng gom hết quang hợp về nghịch ngợm chanh chao

quả hạt gà mimosa bậc thang cuối dám xù lông mịn

giáp vòng rộng mênh.

 

Cửa vào lai sử phong phanh

lan can có tiếng cựa mành gỗ thưa.

 

07-2023

 

***

 

TRẦN HẠ VI

 

DEJA VU

một thoáng deja vu
chợt nghe lòng thanh tĩnh
phải chăng
nàng đã quá vội vàng?

con sóc bò ngang
đường tình ướp mật vàng óng
lũ kiến vàng nhởn nhơ đánh chén
điều gì chờ nhau
ở cuối con đường?

là yêu là thương
hay giận hờn ghét bỏ
người khinh cửa ngỏ
người nhờn tình cho

đọc hiểu những đắn đo
trong trái tim đàn ông hoang dại
hay cứ yêu một lần hớt hải
nàng cúi mặt cười cười
đến đến rồi lại đi đi...

một thoáng deja vu
cảm xúc
thầm thì...

TƯƠNG TƯ

chúng ta xa nhau
không đếm tháng đếm ngày
không đếm những giấc mơ
giấc mơ hình nắng gắt
đồng hồ cúc cu mười hai tiếng

là nợ là duyên là quyến luyến
em chạy trốn điều gì?
chặn hủy – hủy chặn mà chi
hình ảnh em đã đóng đinh vào tâm khảm

nụ cười nghiêng
mái tóc búi cao
khuôn mặt
nét nhìn
tuồng thân thuộc
tuồng vợ chồng
anh ăn trái tình vật vã
nhớ em

đi tích phân về tất cả
em không đẹp bằng bạn gái anh
chúng ta không có mười mấy năm ân tình
em chỉ như con dao
đâm thẳng vào tim
một nhát
anh chết lịm
đến giờ vẫn chết

đàn ông có đâu vì tình phờ phạc
anh nhớ em
anh nhớ em
anh khắc khoải nhớ em

cô gái mùa thu
chẳng lẽ
chúng ta chỉ có duyên gặp một lần...

***

 

TRẦN YÊN HÒA

 

Vô ngôn (ngữ)

 

Thất tán tình lơ mơ lộng ngữ

Mưa tháng năm quày quả quay về

Đất trời đó không còn linh nữa

Hồn ậm ừ vuột khỏi cơn mê

 

Hồn quay lưng khôn cùng ta níu

Tiếc người xưa tỏ rõ mặt người

Trăng quạnh quẽ như là mê ngủ

Ta mình ên ngất tạnh mù khơi

 

Hồn mười năm trở thành lưu lạc

Vô âm. thanh sắc. quá nao lòng

Mưa. mưa. mưa. động lòng tháng bảy

Xa mặt người trở lại long đong

 

Em! em hỡi. Ta không câu nói

Mắt mù câm dấu chấm than buồn

Vuốt mặt khóc đá đeo nguyệt tận

Những hàm hồ một thuở long đong

 

Trí nhớ lạ. về bên cội phúc

Vô ngôn. hơn nói. cả trăm lần

Em trì hoãn một đời mê mệt

Riêng mình ta. ngôn ngữ lần khân

 

Thôi không nói. Im hơi lặng tiếng

Thất tình. là nghiệp kiếp. riêng chung.

 

Tâm thức

 

Quạnh hiu lớn. quạnh hiu quá đỗi

Ngước nhìn mây. mây trắng lướt qua

Gió thốc tháo gió tuôn xốc nổi

Lời trăm năm. còn chút đậm đà

 

Ta tự nhủ xác thân lưu lạc

Năm mươi năm rời bỏ quê nhà

Ngước mắt chảy trông đâu bản quán

Những mùa xưa. ngày tháng can qua

 

Ta bươn bả giữa đời thất tán

Ta lên cơn hú gọi từng hồi

Những thành quách. những tường rào vỡ

Tung tóe. lòng đau. những đãi bôi

 

Xin nhắn gởi cơn mưa lưu lạc

Xứ mù sương. sống cứ dật dờ

Mây viễn xứ. quây quần. tụ họp

Chìm sâu vào tận mãi cơn mơ

 

Đừng riết róng nha em. cuồng lũ

Hãy bình yên một giấc muộn màng

Yên bình nhé. Bình yên tâm thức

Vẽ vời chi một cõi hoang mang

 

Em bất tận

 

Có phải em ngồi hong tóc bên sông

Buổi chiều sau lưng đặc quánh

Tóc em xõa bờ vai óng ả

Gió thổi vào lồng lộng giấc mơ ngông

Dòng sông, em còn nhớ hay quên?

Có bến Chương Dương có nhà hàng đặc sản

Anh và em nhiều lần đến đó

Sao nay chỉ mình ên

 

Có phải em bận chiếc áo dài màu vàng ngày ấy

Ơi màu vàng một thuở anh yêu

Áo vàng giống nam phương

hoàng hậu

Trong giấc mơ anh. em cũng là hoàng hậu

Em đi nghiêng bóng nhỏ đường chiều

 

Có phải là em đã để lại trong anh khoảng trống

Không có gì lấp cạn

Biển cạn. sông cạn. suối cạn.

Nhưng em thì không

Máu chảy trong anh. em bất tận

 

Bất tận em.

Bất tận thời gian một thuở

Cuộc tình khuya. tình sớm. tình chiều

Kêu hoài hủy. tiếng ca giọng vỡ

Em à em. một tiếng thương yêu

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viet Book Fest cho thấy thế hệ trẻ gốc Việt nay đã vượt qua được những ràng buộc cơm áo gạo tiền của thế hệ đi trước, để cộng đồng Việt nay có thể vươn lên với giấc mơ văn học nghệ thuật trên đất nước Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Hư vỡ là đặc tính bất biến của cuộc đời, của tất cả những gì có mặt trong vũ trụ này. Nghĩa là những gì hợp lại, thì sẽ tan; những gì sinh ra, rồi sẽ biến mất. Không có gì kiên cố, bất biến trên đời. Đức Phật đã chỉ ra sự thật đó, và biến những thái độ sống không vui thành sự kham nhẫn mỹ học: cái đẹp chính là vô thường. Bởi vì vô thường, nên có hoa mùa xuân nở, có những dòng suối chảy từ tuyết tan mùa hè, có những trận lá mùa thu lìa cành, và có những trận mưa tuyết mùa đông vương vào gót giày. Bởi vì sống hoan hỷ với hư vỡ là tự hoàn thiện chính mình, hòa hài làm bạn với hư vỡ là sống với sự thật, và cảm nhận toàn thân tâm trong hư vỡ từng khoảnh khắc là hòa lẫn vào cái đẹp của vũ trụ. Và sống với chân, thiện, mỹ như thế tất nhiên sẽ đón nhận được cái chết bình an.
Mỗi 30 tháng 4 là mỗi năm xa hơn ngày đó, 1975, thêm một bước nữa xa hơn, đi vào dĩ vãng. Hầu hết những người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến trước 75, nay đã vắng mặt. Non nửa thế kỷ rồi còn gì. Khi không còn ai nữa, không hiểu những thế hệ trẻ tha hương sẽ nhớ gì? Một thoáng hơi cay? Có khi nào bạn đọc ngồi một mình chợt hát lên bài quốc ca, rồi đứng dậy, nghiêm chỉnh chào bức tường, thằng cháu nhỏ thấy được, cười hí hí. Ông ngoại mát rồi. Trí tưởng tượng của người thật kỳ diệu. Rượu cũng kỳ diệu không kém. Nửa chai vơi đi, lơ mơ chiến sĩ trở về thời đó. Lạ lùng thay, quá khứ dù kinh hoàng, khốn khổ cách mấy, khi nhớ lại, có gì đó đã đổi thay, dường như một cảm giác đẹp phủ lên như tấm màn mỏng, che phía sau một thiếu phụ trẻ đang khóc chồng. Cô có mái tóc màu nâu đậm, kiểu Sylvie Vartan, rủ xuống che nửa mặt. Nhưng thôi, đừng khóc nữa. Chỉ làm đất trời thêm chán nản. Để tôi hát cho em nghe, ngày đó, chúng tôi, những người lính rất trẻ.
Ngày 30 tháng 4 năm nay, 2024, đánh dấu 49 năm ngày Sài Gòn thất thủ vào tay cộng sản Bắc Việt (30 tháng 4 năm 1975). Biến cố này đã mở ra một tương lai đen tối cho dân tộc Việt Nam mà một trong những hệ lụy thảm khốc nhất là hàng triệu đồng bào đã bỏ nước ra đi tìm tự do, trong đó có khoảng hơn 400,000 người chết thảm giữa lòng biển cả. Cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài trong 20 năm đã khiến cho hơn 950,000 bộ đội và thường dân miền Bắc chết và khoảng 600,000 lính cộng sản bị thương. Trong khi đó, có khoảng hơn 700,000 thường dân và binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa thiệt mạng, cùng với 1,170,000 lính VNCH bị thương. Phía Hoa Kỳ có 58,281 binh sĩ tử thương và 303,644 lính bị thương. Đó là chưa kể số thương vong của binh sĩ các nước tham chiến ở hai miền Nam-Bắc, theo www.en.wikipedia.org.
Thế giới đang bùng nổ nhiều cuộc chiến tranh, và đang ngún lửa ở nhiều nơi khác: Trung Đông, Ukraine, Miến Điện, Đài Loan, Biển Đông… Một thời Việt Nam cũng đã trải qua nhiều cuộc binh lửa. Khi đọc kỹ Tam tạng Kinh điển, chúng ta cũng sẽ thấy có những cuộc chiến. Bản thân Đức Phật khi mới lớn cũng học kỹ thuật kiếm cung. Trong nhiều kiếp quá khứ, Đức Phật, khi còn ở cương vị Bồ Tát, cũng đã từng ra trận. Nhiều hình ảnh ẩn dụ trong kinh điển cũng cho thấy dấu tích chiến tranh: ngựa chiến, voi chiến, áo giáp, mũi tên… Và rồi tận cùng, Đức Phật nói trong Kinh SN45.7 rằng chiến thắng vinh quang nhất chính là nhiếp phục tham, sân, si – nơi đó chính là Niết Bàn. Đó là mặt trận lớn nhất, gian nan nhất.
Vào ngày 6 tháng 12, 2023, nhà thơ, nhà văn, giáo sư văn học và nhà hoạt động xã hội được yêu mến người Palestine Refaat Alareer đã thiệt mạng trong một cuộc không kích từ Israel cùng với người anh, em gái và bốn đứa con của họ. Trong tuần để tang kể từ đó, những lời tri ân dành cho cuộc đời, sự nghiệp viết lách và các hoạt động nghệ thuật tích cực của Alareer đã tràn ngập khắp nơi trên thế giới. Nhiều lời tri ân được đăng cùng với bài thơ cuối cùng “Nếu tôi phải chết” được ông đăng trên Twitter của mình vào ngày 1 tháng 11 năm 2023. Cho đến nay, bài thơ chia tay như một điềm báo đau lòng của Alareer hiện đã được dịch sang hơn 40 thứ tiếng; được đọc trên các sân khấu thế giới và được viết trên các bức tường sân ga tàu điện; được in trên các biểu ngữ, bảng hiệu, cờ và diều, được giương cao trong các cuộc biểu tình đòi ngưng bắn trên khắp thế giới.
Nhà xuất bản của Ocean Vương trên Marketplace cũng như Ocean Vương trên Instagram của mình đã thông báo về cuốn tiểu thuyết mới sẽ được xuất bản vào tháng 6 năm 2025, Emperor of Gladness. “Emperor of Gladness” là cuốn tiểu thuyết thứ hai của Ocean Vương, “kể về một năm trong cuộc đời của một thanh niên ương ngạnh ở New England, người tình cờ trở thành người chăm sóc cho một góa phụ 82 tuổi bị mất trí nhớ, tạo nên câu chuyện về tình bạn. sự mất mát và mức độ chúng ta sẵn sàng mạo hiểm để đòi hỏi một trong những ân huệ quý giá nhất của cuộc đời: cơ hội thứ hai.”
Tuyển tập “9 Khuôn Mặt: 9 Phong Khí Văn Chương” của Bùi Vĩnh Phúc là những trang sách phê bình văn học độc đáo, nơi đây 9 người cầm bút nổi tiếng của Miền Nam – Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên – được chiếu rọi trên trang giấy rất mực trân trọng, công phu, phức tạp, và nổi bật là kiểu phê bình văn học rất mực thơ mộng của họ Bùi.
Nhận được tin buồn nhà thơ Phan Xuân Sinh sau một cơn bạo bệnh, nhập viện vì bệnh tim mạch, hôn mê sau 10 ngày vô phương cứu chữa đã qua đời tại Texas ngày 28/2/2024. Thọ 76 tuổi...
Từ hồi trẻ, tôi đã có thói quen là những ngày giáp Tết thì bắt đầu chọn một vài bài nhạc xuân để nghe; và trong những ngày đầu năm thì sẽ đọc một cuốn sách. Thói quen “khai sách đầu xuân” có thêm một chi tiết khi tuổi quá độ “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”: đọc một cuốn sách có chủ đề về Phật Giáo. Trong năm Giáp Thìn này, tôi chọn cuốn “Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn” của một tác giả cũng tuổi con rồng: cư sĩ Nguyên Giác, cũng là nhà báo Phan Tấn Hải. Giới thiệu “tác giả, tác phẩm” dài dòng như vậy, nhưng đối với tôi, người viết đơn giản chỉ là anh Hải, một người anh thân thiết, đã từng có một thời ngồi gõ bàn phím chung trong tòa soạn Việt Báo ở phố Moran. Đọc sách của anh Hải, tôi cũng không dám “điểm sách” hay “phê bình sách”, vì có thể sẽ bị anh phán rằng “… viết như cậu thì chỉ… làm phí cây rừng thôi!” Bài viết này chỉ ghi lại một vài niềm hứng khởi khi được tặng sách, khi đọc qua cuốn sách mà cái tựa cũng đã chạm sâu thẳm vào những điều bản thân đang chiêm nghiệm.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.