Hôm nay,  

Chuyện Tết xưa, Tết nay...

18/01/202317:42:00(Xem: 2775)

Tùy bút ngày Xuân

tet

Xin thưa trước với độc giả, như là giới hạn không gian và thời gian bài viết: Tết xưa là Tết của MNVN thập niên 60, 1975. Tết nay: Tết của người Việt hải ngoại và trong nước.

 

Lên trung học đệ nhất cấp, cấp 2 bây giờ, tôi xuống quận học trường Trung học Quế Sơn cách nhà chừng 7km. Mười lăm tuổi rời quê theo gia đình ra phố “tỵ nạn cộng sản”. Kỷ niệm về Tết xưa luôn gắn bó suốt hành trình làm người của mình cho đến bây giờ khi đã bước vào độ tuổi trên 70. Tết ở quê tôi ngày xưa, dù là làng quê nghèo nhưng việc chuẩn bị diễn ra rộn ràng từ đầu tháng Chạp Âm lịch khi thời tiết bắt đầu có mưa phùn và trời lành lạnh. Vài gia đình bắt đầu giẫy mả (tảo mộ), không rầm rộ và đồng loạt nhưng đây là việc làm mang tính truyền thống của ý thức nhớ ơn tổ tiên và mỗi gia đình/tộc họ có ngày riêng. Giẫy mả xong về nhà cúng tạ, quê tôi thường cúng bánh xèo hoặc mì Quảng từ bột xay bằng gạo lúa mới vừa thu sau vụ mùa tháng 10. Sau đó là lo đánh gốc tre phơi khô làm chất đốt nấu bánh tổ, bánh tét.

 

Những nhà “có của” dùng cả “ảng” (1) to giã lá bứa (2) pha nước lạnh để ngâm toàn bộ đồ khí tự trên gian thờ, ba ngày sau giã nát than lau chùi rồi phơi nắng. Việc tiếp theo là cắt bờ rào chè tàu trước nhà, giẫy cỏ lối đi, riêng nhà tôi thì cha tôi còn lấy phong pháo Điện Quang đem treo trên giàn bếp hoặc phơi trên nhánh dâu trước nhà để pháo nổ giòn khi đốt. Gạo, nếp, rau quả có sẵn trong nhà và vườn nhà, có gia đình còn tát ao bắt cá chứa sẵn trong thạp để dùng dần vì có lẽ người dân nặng lòng với câu tục ngữ “Sống sao thác vậy” nên mâm cúng Tết thường đầy đủ các món mà ông bà khi sinh thời ưa thích. Quê tôi xa chợ nên thịt heo thường mua của những “ông hàng phiên”, họ rủ nhau xẻ thịt heo gánh đi bán từng nhà. Có nhà còn chung nhau với hàng xóm và dù giàu hay nghèo, mỗi nhà đều mua thịt Tết từ 5-10kg. Không có tủ lạnh nên họ thường sơ chế rồi cất dùng dần. Ngày Tết là dịp để dân quê ăn bù khi cả năm thiếu thốn. Do vậy mới có câu ca dao: “Có đói cũng ba bữa Tết/ Có hết cũng ba bữa mùa”.

 

Càng gần đến ngày, nhà cửa làng xóm phong quang thoáng đãng, lòng người càng nôn nao rạo rực hơn và mong sớm đến ngày nhất là lũ trẻ con. Chúng mong được cha mẹ đi chợ mua về các thứ đồ chơi như “lung tung”, “gà oác”, pháo hoa cải (3). Chúng mong đến sáng mồng một được diện áo quần mới đi chúc Tết bề trên trong họ hàng và thực tế, còn mong được ăn no, ăn ngon, thỏa thích vui chơi kể cả đi lượm pháo lép ở các nhà giàu mà không sợ quở mắng.

 

Tết ngày xưa ở quê thường tập trung nhiều nhất vào việc cúng kính và thăm viếng họ hàng. Do đó, chuẩn bị bàn thờ, mâm cúng luôn tươm tất. Thường thì cúng rước ông bà về ăn Tết cùng con cháu vào chiều 30, cúng Trời Đất còn gọi là hành khiển vào giao thừa, cúng chính vào sáng mồng một, cúng sáng, trưa, tối cho đến chiều mồng ba thì cúng đưa. Nhiều địa phương phía Nam còn có tục lệ đi thắp nhang mộ phần tổ tiên nếu tập trung vào một nơi hoặc thắp nhang mộ những người thân gần nhất. Ngoài cúng trong nhà còn có mâm cúng ngoài trời mời âm hồn, cô hồn, các vong linh tiền khuất. Sau ba ngày: “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy” thì được quyền vui chơi thỏa thích, coi hát bội, đánh bài chòi, thăm viếng bè bạn, v.v…

 

Sau 1975, miền Nam Việt Nam đổi chủ, phần thì ruộng đất tập trung vào hợp tác xã, phần thì chống duy tâm, phần khác thì kinh tế hoạch định, dân càng nghèo đi nên xã hội kéo theo nhiều đổi thay. Tuy vậy, người dân vẫn đón Tết dù không bằng ngày trước. Một hiện tượng phổ biến là trong những năm “bao cấp”, lượng đèn nhang, vàng mã sản xuất và bán ra trên thị trường tăng nhiều. Có lẽ do khi con người không dựa vào sức mình để vươn lên thì họ nhờ đến... thần thánh! Đến Tết, cán bộ có tem phiếu ra cửa hàng mua thịt, thường dân thì hợp tác xã nào có điều kiện mổ heo phân phối cho các hộ gia đình với số lượng tượng trưng, mỗi gia đình tự lo liệu, mua sắm các thứ là chính. Việc đi chúc Tết vẫn duy trì nhưng không còn vui vẻ như trước. Trên đường làng không còn thấy nhiều màu sắc áo quần, không thấy những em bé tung tăng theo người lớn đi chúc Tết. Phải gần đến 15 năm sau, nhờ đổi mới, nhờ kinh tế thị trường, nhờ xoá bỏ kinh tế tập trung nên xã hội mới thay đổi dần dà.

 

Cũng sau 1975, người Việt bỏ đất nước vượt biên ngày càng đông và hình thành cộng đồng tỵ nạn xa xứ, những cộng đồng này có mặt ở cả Mỹ lẫn Châu Âu, số lượng nhiều hay ít phụ thuộc vào việc sắp xếp định cư của chính quyền sở tại. Điều đáng nói là dù thế nào, đến ngày Tết cổ truyền dân tộc, người Việt cũng tổ chức đón Tết như là để con cháu nhớ đến ông bà dù Âu Mỹ chỉ đón Giáng Sinh và Tết Dương lịch, ngày Tết Việt vẫn phải đi làm. Miền Nam California có lẽ là nơi đông người Việt cư trú nhất, ở đó có quận Cam (Orange County), có khu Phước Lộc Thọ là nơi nhiều năm trước, mỗi lần Tết đến, người Việt tổ chức 3 khu chợ, bán sản vật của 3 miền: Chợ Đồng Xuân, chợ Đông Ba và chợ Bến Thành. Các chợ Việt Nam trên khắp nước Mỹ bán bánh mứt từ tháng 11 âm lịch, từ giữa tháng chạp bán bánh chưng bánh tét, dưa hành, kiệu. Điểm đặc biệt là tại trụ sở các cộng đoàn người Việt ở Mỹ làm lễ thượng kỳ VNCH vào ngày đầu năm và cũng không quên các họp mặt chúc Tết vào dịp tất niên lẫn tân niên. Các chợ Việt Nam ở nhiều tiểu bang nước Mỹ cũng thường đốt các dây pháo dài, năm nào cũng có các đoàn lân đi múa ở các chợ, chùa chiền và nhà thờ có người Việt sinh hoạt.

 

Tất cả việc làm này cũng là cách lưu giữ truyền thống, nhắc nhở con cháu nhớ về Đất Mẹ, tổ tiên, Ông Bà, đã an ủi rất nhiều cho những người tỵ nạn lớn tuổi nhớ quê. Hy vọng những việc làm này sẽ được truyền tụng qua nhiều thế hệ sau này để con cháu không quên nguồn cội và biết làm gì khi sau này lớn lên trên đất khách mà họ đã chọn làm quê hương.

 

Khi Internet du nhập vào Việt Nam, khi kinh tế ngày càng khá dần lên do chính sách kinh tế của nhà nước, do nguồn kiều hối của thân nhân từ ngoại quốc gửi về, do các nguồn vốn ODA của thế giới đổ vào Việt Nam, người Việt trong nước đón Tết khá dần lên, tươm tất hơn nhưng cũng kéo theo nhiều thay đổi. Từ thành phố đến thôn quê, ở đâu cũng mất dần không khí rạo rực chuẩn bị Tết. Chỉ cần ngày 30, dạo một vòng chợ (ở quê) hay một vòng siêu thị (ở phố) đã có thể sắm các món cúng, món ăn, món tiếp khách đầy đủ! Cảnh cả nhà lo vuốt nếp, ướp thịt, hong đậu xanh, lau lá, quay quần gói bánh chưng bánh tét và đặc biệt, ngồi chụm lửa, thay nước canh nồi bánh suốt đêm nay chỉ còn rải rác ở một ít nhà. Đèn, nhang, nến cũng không còn chuẩn bị như xưa vì đa số đã thay bằng đồ điện thậm chí khi pháo bị cấm, người ta mua pháo điện về cắm điện và bật công tắc cho nổ!

 

Tết sau này, nổi bật ở khắp nơi vẫn là hoa, lan, cây cảnh, trái cây. Đó là đào miền Bắc, mai vàng miền Nam, cúc, vạn thọ, thược dược, trạng nguyên, mãn đình hồng. Cũng có nhiều chậu kim quất (tắc). Trái cây trong nước thì ít nhưng nhập tiểu ngạch từ biên giới Bắc thì nhiều. Vì phải xử lý thuốc bảo quản nên có nhà khi trưng bàn thờ chưa hết ba ngày Tết đã thúi bủn! Người Việt trong nước không hiểu có phải cả năm không có tiền hay sao mà đợi đến cuối năm mới mua sắm những thứ cần dùng trong suốt năm. Chính việc này tạo ra cái khung cảnh rộn ràng, tất bật khác ngày thường. Cũng có rất nhiều người bận rộn buôn bán, mãi đến ngày ba mươi mới đi mua sắm và cũng không ít người đợi “quét chợ cuối năm”, đợi khi người bán không thể bán được nữa thì ép giá để mua rẻ. Thương cho những người từ miền Trung vào tận miền Tây hoặc lên Đà Lạt mua hoa đem về bán, chỉ bán được ít ngày, ngày chót ế ẩm phải vất bỏ cả xe tải!

 

Việc chiêu đãi người đến nhà thăm và chúc Tết ngày xưa khá trọng thể và linh đình. Hầu như người ta mời nhau tất cả những món mình sắm sửa nhưng sau này, đến thăm là lễ nghĩa, là xã giao, là đáp lễ, là nịnh nọt kiếm điểm của nhân viên đối với cấp trên với phong bì đỏ lì xì cho con cái hay cha mẹ chủ nhà nhiều hơn số tiền mừng tuổi (cho vui) như thông tục ngày xưa. Khách đến nhà không ung dung trò chuyện mà đến nơi, việc đầu tiên là xin phép chủ nhà thắp nhang bàn thờ, sau đó, có người uống vội ly nước trà, nói vài câu chúc Tết rồi đi, cho đủ nơi cần đến!

 

Điều đáng trân trọng và ghi nhận là ý thức giữ gìn phong tục của người Việt, chăm sóc cho thân nhân cao tuổi để họ vui trong ngày Tết, cúng kính trang trọng để làm gương cho con cháu bất kể nhà giàu hay nghèo, bất kể mấy ngày sau có thể tham gia nhiều canh bạc ăn thua tiền triệu. Chính vì điều này, Tết Việt Nam còn là dịp để đoàn tụ gia đình, dù khó khăn cách mấy, mỗi cuối năm, người đi làm ăn xa cũng tìm cách về nhà, kể cả dắt díu vợ con về quê xa cả ngàn cây số, lại phải săn lùng mua vé, kể cả vé chợ đen hoặc bị mất tiền do mua phải vé lừa của bọn bán vé giả!

 

Nhiều năm trước, đã có nhiều ý kiến nên bỏ ngày Tết Nguyên Đán mà cả nước nên tổ chức ăn Tết theo Tây lịch. Điều này sẽ có lợi cho hành chánh và công việc kinh doanh, phù hợp với thời kỳ hội nhập Quốc tế nhưng bàn đi tính lại rồi vẫn không thay đổi. Chưa biết việc này lợi-hại, hay-dở thế nào nhưng theo thiển ý của người viết, cần phải giữ lại ngày Tết cổ truyền. Qua một năm vất vả, bận rộn làm ăn, cuối năm có dịp nghỉ ngơi, nhìn lại mình, nhìn lại điều đã làm, điều chưa làm được từ làm ăn đến đối nhân xử thế và nếu có ý thức, sẽ biết định hướng cho năm sau. Tết cũng là dịp để người làm ăn không hanh thông năm trước, hy vọng và tin tưởng ở năm sau, nhất là những người tin vào vận hạn, bói toán.

 

– Nguyễn Hoàng Quý

 

(1)  Ảng là dụng cụ chứa nước ở quê làm bằng cát và xi măng có dung tích từ 60-400 lít.

(2)  Lá bứa là lá của một loài cây thân gỗ, có vị chua, ngâm nước sẽ cho mội trường acid làm chất tẩy rửa.

(3)  Lung tung là một loại trống có vành tre, dán giấy màu, cắm cây bằng chiếc đũa ở giữa, khi dùng hai bàn tay lăn qua lăn lại cây, hai sợi chỉ gắn hạt đất sét khô sẽ tạo ra âm thanh như tiếng trống. Gà oác là một loại tò he tô màu lòe loẹt, thổi tạo ra tiếng. Pháo hoa cải làm bằng giấy quyến mỏng phủ màu, giữa rải thuốc pháo, ban đêm đốt và quay sẽ bắn ra tia lửa như hoa cải.

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hư vỡ là đặc tính bất biến của cuộc đời, của tất cả những gì có mặt trong vũ trụ này. Nghĩa là những gì hợp lại, thì sẽ tan; những gì sinh ra, rồi sẽ biến mất. Không có gì kiên cố, bất biến trên đời. Đức Phật đã chỉ ra sự thật đó, và biến những thái độ sống không vui thành sự kham nhẫn mỹ học: cái đẹp chính là vô thường. Bởi vì vô thường, nên có hoa mùa xuân nở, có những dòng suối chảy từ tuyết tan mùa hè, có những trận lá mùa thu lìa cành, và có những trận mưa tuyết mùa đông vương vào gót giày. Bởi vì sống hoan hỷ với hư vỡ là tự hoàn thiện chính mình, hòa hài làm bạn với hư vỡ là sống với sự thật, và cảm nhận toàn thân tâm trong hư vỡ từng khoảnh khắc là hòa lẫn vào cái đẹp của vũ trụ. Và sống với chân, thiện, mỹ như thế tất nhiên sẽ đón nhận được cái chết bình an.
Mỗi 30 tháng 4 là mỗi năm xa hơn ngày đó, 1975, thêm một bước nữa xa hơn, đi vào dĩ vãng. Hầu hết những người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến trước 75, nay đã vắng mặt. Non nửa thế kỷ rồi còn gì. Khi không còn ai nữa, không hiểu những thế hệ trẻ tha hương sẽ nhớ gì? Một thoáng hơi cay? Có khi nào bạn đọc ngồi một mình chợt hát lên bài quốc ca, rồi đứng dậy, nghiêm chỉnh chào bức tường, thằng cháu nhỏ thấy được, cười hí hí. Ông ngoại mát rồi. Trí tưởng tượng của người thật kỳ diệu. Rượu cũng kỳ diệu không kém. Nửa chai vơi đi, lơ mơ chiến sĩ trở về thời đó. Lạ lùng thay, quá khứ dù kinh hoàng, khốn khổ cách mấy, khi nhớ lại, có gì đó đã đổi thay, dường như một cảm giác đẹp phủ lên như tấm màn mỏng, che phía sau một thiếu phụ trẻ đang khóc chồng. Cô có mái tóc màu nâu đậm, kiểu Sylvie Vartan, rủ xuống che nửa mặt. Nhưng thôi, đừng khóc nữa. Chỉ làm đất trời thêm chán nản. Để tôi hát cho em nghe, ngày đó, chúng tôi, những người lính rất trẻ.
Ngày 30 tháng 4 năm nay, 2024, đánh dấu 49 năm ngày Sài Gòn thất thủ vào tay cộng sản Bắc Việt (30 tháng 4 năm 1975). Biến cố này đã mở ra một tương lai đen tối cho dân tộc Việt Nam mà một trong những hệ lụy thảm khốc nhất là hàng triệu đồng bào đã bỏ nước ra đi tìm tự do, trong đó có khoảng hơn 400,000 người chết thảm giữa lòng biển cả. Cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài trong 20 năm đã khiến cho hơn 950,000 bộ đội và thường dân miền Bắc chết và khoảng 600,000 lính cộng sản bị thương. Trong khi đó, có khoảng hơn 700,000 thường dân và binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa thiệt mạng, cùng với 1,170,000 lính VNCH bị thương. Phía Hoa Kỳ có 58,281 binh sĩ tử thương và 303,644 lính bị thương. Đó là chưa kể số thương vong của binh sĩ các nước tham chiến ở hai miền Nam-Bắc, theo www.en.wikipedia.org.
Thế giới đang bùng nổ nhiều cuộc chiến tranh, và đang ngún lửa ở nhiều nơi khác: Trung Đông, Ukraine, Miến Điện, Đài Loan, Biển Đông… Một thời Việt Nam cũng đã trải qua nhiều cuộc binh lửa. Khi đọc kỹ Tam tạng Kinh điển, chúng ta cũng sẽ thấy có những cuộc chiến. Bản thân Đức Phật khi mới lớn cũng học kỹ thuật kiếm cung. Trong nhiều kiếp quá khứ, Đức Phật, khi còn ở cương vị Bồ Tát, cũng đã từng ra trận. Nhiều hình ảnh ẩn dụ trong kinh điển cũng cho thấy dấu tích chiến tranh: ngựa chiến, voi chiến, áo giáp, mũi tên… Và rồi tận cùng, Đức Phật nói trong Kinh SN45.7 rằng chiến thắng vinh quang nhất chính là nhiếp phục tham, sân, si – nơi đó chính là Niết Bàn. Đó là mặt trận lớn nhất, gian nan nhất.
Vào ngày 6 tháng 12, 2023, nhà thơ, nhà văn, giáo sư văn học và nhà hoạt động xã hội được yêu mến người Palestine Refaat Alareer đã thiệt mạng trong một cuộc không kích từ Israel cùng với người anh, em gái và bốn đứa con của họ. Trong tuần để tang kể từ đó, những lời tri ân dành cho cuộc đời, sự nghiệp viết lách và các hoạt động nghệ thuật tích cực của Alareer đã tràn ngập khắp nơi trên thế giới. Nhiều lời tri ân được đăng cùng với bài thơ cuối cùng “Nếu tôi phải chết” được ông đăng trên Twitter của mình vào ngày 1 tháng 11 năm 2023. Cho đến nay, bài thơ chia tay như một điềm báo đau lòng của Alareer hiện đã được dịch sang hơn 40 thứ tiếng; được đọc trên các sân khấu thế giới và được viết trên các bức tường sân ga tàu điện; được in trên các biểu ngữ, bảng hiệu, cờ và diều, được giương cao trong các cuộc biểu tình đòi ngưng bắn trên khắp thế giới.
Nhà xuất bản của Ocean Vương trên Marketplace cũng như Ocean Vương trên Instagram của mình đã thông báo về cuốn tiểu thuyết mới sẽ được xuất bản vào tháng 6 năm 2025, Emperor of Gladness. “Emperor of Gladness” là cuốn tiểu thuyết thứ hai của Ocean Vương, “kể về một năm trong cuộc đời của một thanh niên ương ngạnh ở New England, người tình cờ trở thành người chăm sóc cho một góa phụ 82 tuổi bị mất trí nhớ, tạo nên câu chuyện về tình bạn. sự mất mát và mức độ chúng ta sẵn sàng mạo hiểm để đòi hỏi một trong những ân huệ quý giá nhất của cuộc đời: cơ hội thứ hai.”
Tuyển tập “9 Khuôn Mặt: 9 Phong Khí Văn Chương” của Bùi Vĩnh Phúc là những trang sách phê bình văn học độc đáo, nơi đây 9 người cầm bút nổi tiếng của Miền Nam – Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên – được chiếu rọi trên trang giấy rất mực trân trọng, công phu, phức tạp, và nổi bật là kiểu phê bình văn học rất mực thơ mộng của họ Bùi.
Nhận được tin buồn nhà thơ Phan Xuân Sinh sau một cơn bạo bệnh, nhập viện vì bệnh tim mạch, hôn mê sau 10 ngày vô phương cứu chữa đã qua đời tại Texas ngày 28/2/2024. Thọ 76 tuổi...
Từ hồi trẻ, tôi đã có thói quen là những ngày giáp Tết thì bắt đầu chọn một vài bài nhạc xuân để nghe; và trong những ngày đầu năm thì sẽ đọc một cuốn sách. Thói quen “khai sách đầu xuân” có thêm một chi tiết khi tuổi quá độ “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”: đọc một cuốn sách có chủ đề về Phật Giáo. Trong năm Giáp Thìn này, tôi chọn cuốn “Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn” của một tác giả cũng tuổi con rồng: cư sĩ Nguyên Giác, cũng là nhà báo Phan Tấn Hải. Giới thiệu “tác giả, tác phẩm” dài dòng như vậy, nhưng đối với tôi, người viết đơn giản chỉ là anh Hải, một người anh thân thiết, đã từng có một thời ngồi gõ bàn phím chung trong tòa soạn Việt Báo ở phố Moran. Đọc sách của anh Hải, tôi cũng không dám “điểm sách” hay “phê bình sách”, vì có thể sẽ bị anh phán rằng “… viết như cậu thì chỉ… làm phí cây rừng thôi!” Bài viết này chỉ ghi lại một vài niềm hứng khởi khi được tặng sách, khi đọc qua cuốn sách mà cái tựa cũng đã chạm sâu thẳm vào những điều bản thân đang chiêm nghiệm.
Chúng ta thường được nghe nói, rằng mọi người đều bình đẳng trước Thượng Đế. Tuy nhiên, Thượng đế thì không ai thấy, nhưng có một thứ còn đáng sợ hơn nhân vật cổ sử đó (nếu thật sự là có Thượng Đế): đó là những trận mưa bom. Người dân Ukraine và Palestine ý thức rất rõ, vì đó là chuyện hằng ngày của họ: mọi người đều bình đẳng khi đứng dưới mưa bom. Già, trẻ, nam, nữ, trí thức, nông dân, nhà thơ, họa sĩ… đều bình đẳng: khi bom rơi trúng là chết. Cuộc chiến giữa người Palestine muốn giữ đất và người Israel từ nơi xa tới nhận phần đất mới do quốc tế trao tặng từ đất Palestine đã kéo dài nhiều thập niên. Bây giờ căng thẳng mới nhất là ở Gaza, cuộc chiến đang tiếp diễn giữa nhóm Hamas, thành phần chủ trương bạo lực của dân Palestine, và quân Israel. Trong những người chết vì bom Israel, có những người hiền lành nhất, đó là trẻ em và phụ nữ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.