Hôm nay,  

Về, trên những cơn mơ

29/10/202212:37:00(Xem: 1897)
Nhatthuc 012
Nhật thực -- Tranh Nguyễn Đình Thuần.



Tuy chật chội, căn nhà của ta vẫn ưu ái dành nơi trú cho những cơn mơ dăm khi ghé nghỉ; thật bồi hồi khi giữa khuya được lần mở lại những hoạt cảnh của một phần đời rũ bỏ tưởng chừng sẽ mãi bị lạnh lùng vùi dập.

Vùng sơn lâm thác núi diệu kỳ thổ nhưỡng phong nhiêu ngọt vị mận trại-hầm thơm hương hoa phù dung chùa linh-phong-sư-nữ.

Chòi rạ rối bời còn lấm trang cổ sử

những chiếc xe cắt cạnh từ tranh vẽ thiếu nhi vào ra bến đỗ cheo leo

cả sim đồi lặng lẽ ngó chào theo.

 

Thành phố vẫn mãi là của ta!

trên từng nấc dốc chưa lên đã ngừng lại thở

uốn lượn từng rặng đèo thông hát ngơi với gió

thành phố có

mimosa rây vàng mái đỏ.

 

Dãy nối dãy nhà ngói âm dương cáu rêu gầy gò như những khung tranh lụa thế kỷ trước hun hút dài đến mực suốt thời gian mùa về vẫn chưa đi được giáp vòng mức thước thủy ngân đo nhiệt độ.

Điện đường vàng ẩm người qua kẻ đến thấy ngay được chính bóng mình trong vòng ôm ấp của chiếc nôi ánh sáng ru êm đó.

Đêm, sương mưa tắm gội tận tình các khung cửa kính dầy lớp ngự hàn.  

Phố xá tinh khôi mặt mũi hồng hào thắt nơ tím cúi đầu trình diện sau tràng chổi quét dọn sạch trơn trước cả tràng hót thứ nhất chim sáo đốm tung chăn ấm rạng đông.

*

Hành trang túm tròn xinh xinh như búp bông cải mới nhổ còn lấm đất dưới truông hào, nêm nới tay cả một thời lưu lạc vào vẫn còn chỗ cho những nếp trán sẽ kẻ đều tuần tự.

Những bẹ non tẻ nhánh, những ngả đời rối rắm ngược xuôi, những vấp ngã lênh đênh và bàn-tay-em-hoa-mắt-mèo đưa nâng kịp lúc.

Kính cẩn hôn lên quả mơ sơ sinh mỏng phấn rìn rịn: điểm ươm cho một kỳ bụ bẫm chín ngon.

Sao bảy đóa trên đầu giăng chỉ nhện,

mỗi rời xa hai vú núi lâm-viên trì níu dùng dằng.

 

Trong bể mù sàn sạn muối hồn ta bơi ngược về em trên đỉnh thiên thu kia mai chiều sẽ ra ngồi hong tóc trên rìa đá cuội tựa lưng thành cầu (tự tay ta đóng cột)?

ngón đũa ngà quơ quào chải lược,

cổ thiên nga ba ngấn đọ gang trời,

gùi nắng quảy gánh làm rơi mấy giọt xuống cuốn truyện tình mở hờ trang sẽ đọc.



Lạ, năm này hè cứ oi oi sôn sốt

giàn đậu ván trúng cảm ngủ mê man cất cả mùi thơm như dầu hương nhu vào gân chùm dẹp măng óng ả li ti

gờ tường đóng tai thỏ chạy con thoi

bập bùng áo cánh gián em bần thần hong hóng gió

viền không đủ dày cho hai bờ khuy xướt cạy nhau.

 

“Ôi! trưa nồng quá!”

 

Cô bướm mệt khờ,

em tỉnh bơ,

sao ta mặt đỏ?

 

*

 

Ta thời thôi từng độ ngoan ngoãn xòe tay hứng sương đêm.

Uống trữ năng lượng cho việc nhận diện từng khúc quanh co trùi trụi nhão nhợt đợt ngày bão rớt từ lớp học về bươn lên trước mặt em giả vờ vẫn còn thật sung sức.

Rất thực là đôi khi cán đích mừng đến muốn vái lạy trần gian và tạ ơn cái kiến trúc (nào khác viện nữ tu áo chùng đen) xám ngắt với mái vòm cối xay gió (hệt như cái cơ ngơi huyền thoại trong quyển tiểu thuyết dịch vừa xem) mà căn phòng ta trọ sát trần nhà là nơi lý tưởng để họp vầy cùng nhật nguyệt.

Nhẹ nhõm thay là được nhảy nhót theo điệu tù và lông trâu ngứa nhột cạ vào môi (thinh thích) rồi chân xọ đá chân xiêu loanh quanh đánh vòng cả góc thị xã thơm ấm đỗ-hữu-trà-cà-phê nước một.

Chiêu chút khói căm căm rét và nhắp khẽ hạnh phúc từng lòng cam hạt trái xoan.

Vất nghi hoặc những ngày thời tiết nồng nàn chẳng buồn vận trang phục vào gò đống thịt da trứng bóc rưng nứt hở.

 

Rồi sẽ om tất thành trí nhớ.

 

*

 

Có những cơn mơ (trong đó) ta tranh hùng cùng tưởng tượng

bị ảo giác truy đuổi tận mép thung lũng cụm chổi gà mồng dựng đứng

ném nỗi tự ái phút quy hàng ngay xuống vực.

Những bức khắc nữ nhân linh hoạt đội lốt chim mỏ bầu dục.

Những giò lan hài đa sắc vuốt ó rậm rì rễ mẹ rễ con nạy được từ thượng nguồn thác thiêng.

Ta ngụy trang trốn chạy bằng ngoại hình con cuốn chiếu xọ xiên.

Thả xuống cọng thép gió từ đỉnh thu lôi giăng loa âm thanh rè rè trống du mục.

 

Nắng tanh tách võng đưa mềm giấc hạ

giấy học trò trót vấy thơm ngái mùi mồ hôi.

 

Rồi sẽ ủ tất vào bài thi cuối khóa!

*

Ta vẫn về trong những cơn mơ

có một lần nhớ đến em với len cuộn bồn chồn thật lạ

nước râm ran đàn cá lia thia ngủ từ lâu

cỏ gấu đan nệm lưng và én trắng quây vương miện trên đầu.

Ta nghĩ đến em mà dãy thủy liễu quanh hồ lại háo hức!

Cụ bích đào bô lão                                                                                         

vỏ thâm niên vui tí tách

khi nhạc tím lên và sấm gảy suối đờn.

 

Em ngồi đó mà ta đang thức nửa

em bây giờ mới là thật trăm hơn.

 

– Nguyễn-hòa-Trước

(08-2022)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hư vỡ là đặc tính bất biến của cuộc đời, của tất cả những gì có mặt trong vũ trụ này. Nghĩa là những gì hợp lại, thì sẽ tan; những gì sinh ra, rồi sẽ biến mất. Không có gì kiên cố, bất biến trên đời. Đức Phật đã chỉ ra sự thật đó, và biến những thái độ sống không vui thành sự kham nhẫn mỹ học: cái đẹp chính là vô thường. Bởi vì vô thường, nên có hoa mùa xuân nở, có những dòng suối chảy từ tuyết tan mùa hè, có những trận lá mùa thu lìa cành, và có những trận mưa tuyết mùa đông vương vào gót giày. Bởi vì sống hoan hỷ với hư vỡ là tự hoàn thiện chính mình, hòa hài làm bạn với hư vỡ là sống với sự thật, và cảm nhận toàn thân tâm trong hư vỡ từng khoảnh khắc là hòa lẫn vào cái đẹp của vũ trụ. Và sống với chân, thiện, mỹ như thế tất nhiên sẽ đón nhận được cái chết bình an.
Mỗi 30 tháng 4 là mỗi năm xa hơn ngày đó, 1975, thêm một bước nữa xa hơn, đi vào dĩ vãng. Hầu hết những người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến trước 75, nay đã vắng mặt. Non nửa thế kỷ rồi còn gì. Khi không còn ai nữa, không hiểu những thế hệ trẻ tha hương sẽ nhớ gì? Một thoáng hơi cay? Có khi nào bạn đọc ngồi một mình chợt hát lên bài quốc ca, rồi đứng dậy, nghiêm chỉnh chào bức tường, thằng cháu nhỏ thấy được, cười hí hí. Ông ngoại mát rồi. Trí tưởng tượng của người thật kỳ diệu. Rượu cũng kỳ diệu không kém. Nửa chai vơi đi, lơ mơ chiến sĩ trở về thời đó. Lạ lùng thay, quá khứ dù kinh hoàng, khốn khổ cách mấy, khi nhớ lại, có gì đó đã đổi thay, dường như một cảm giác đẹp phủ lên như tấm màn mỏng, che phía sau một thiếu phụ trẻ đang khóc chồng. Cô có mái tóc màu nâu đậm, kiểu Sylvie Vartan, rủ xuống che nửa mặt. Nhưng thôi, đừng khóc nữa. Chỉ làm đất trời thêm chán nản. Để tôi hát cho em nghe, ngày đó, chúng tôi, những người lính rất trẻ.
Ngày 30 tháng 4 năm nay, 2024, đánh dấu 49 năm ngày Sài Gòn thất thủ vào tay cộng sản Bắc Việt (30 tháng 4 năm 1975). Biến cố này đã mở ra một tương lai đen tối cho dân tộc Việt Nam mà một trong những hệ lụy thảm khốc nhất là hàng triệu đồng bào đã bỏ nước ra đi tìm tự do, trong đó có khoảng hơn 400,000 người chết thảm giữa lòng biển cả. Cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài trong 20 năm đã khiến cho hơn 950,000 bộ đội và thường dân miền Bắc chết và khoảng 600,000 lính cộng sản bị thương. Trong khi đó, có khoảng hơn 700,000 thường dân và binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa thiệt mạng, cùng với 1,170,000 lính VNCH bị thương. Phía Hoa Kỳ có 58,281 binh sĩ tử thương và 303,644 lính bị thương. Đó là chưa kể số thương vong của binh sĩ các nước tham chiến ở hai miền Nam-Bắc, theo www.en.wikipedia.org.
Thế giới đang bùng nổ nhiều cuộc chiến tranh, và đang ngún lửa ở nhiều nơi khác: Trung Đông, Ukraine, Miến Điện, Đài Loan, Biển Đông… Một thời Việt Nam cũng đã trải qua nhiều cuộc binh lửa. Khi đọc kỹ Tam tạng Kinh điển, chúng ta cũng sẽ thấy có những cuộc chiến. Bản thân Đức Phật khi mới lớn cũng học kỹ thuật kiếm cung. Trong nhiều kiếp quá khứ, Đức Phật, khi còn ở cương vị Bồ Tát, cũng đã từng ra trận. Nhiều hình ảnh ẩn dụ trong kinh điển cũng cho thấy dấu tích chiến tranh: ngựa chiến, voi chiến, áo giáp, mũi tên… Và rồi tận cùng, Đức Phật nói trong Kinh SN45.7 rằng chiến thắng vinh quang nhất chính là nhiếp phục tham, sân, si – nơi đó chính là Niết Bàn. Đó là mặt trận lớn nhất, gian nan nhất.
Vào ngày 6 tháng 12, 2023, nhà thơ, nhà văn, giáo sư văn học và nhà hoạt động xã hội được yêu mến người Palestine Refaat Alareer đã thiệt mạng trong một cuộc không kích từ Israel cùng với người anh, em gái và bốn đứa con của họ. Trong tuần để tang kể từ đó, những lời tri ân dành cho cuộc đời, sự nghiệp viết lách và các hoạt động nghệ thuật tích cực của Alareer đã tràn ngập khắp nơi trên thế giới. Nhiều lời tri ân được đăng cùng với bài thơ cuối cùng “Nếu tôi phải chết” được ông đăng trên Twitter của mình vào ngày 1 tháng 11 năm 2023. Cho đến nay, bài thơ chia tay như một điềm báo đau lòng của Alareer hiện đã được dịch sang hơn 40 thứ tiếng; được đọc trên các sân khấu thế giới và được viết trên các bức tường sân ga tàu điện; được in trên các biểu ngữ, bảng hiệu, cờ và diều, được giương cao trong các cuộc biểu tình đòi ngưng bắn trên khắp thế giới.
Nhà xuất bản của Ocean Vương trên Marketplace cũng như Ocean Vương trên Instagram của mình đã thông báo về cuốn tiểu thuyết mới sẽ được xuất bản vào tháng 6 năm 2025, Emperor of Gladness. “Emperor of Gladness” là cuốn tiểu thuyết thứ hai của Ocean Vương, “kể về một năm trong cuộc đời của một thanh niên ương ngạnh ở New England, người tình cờ trở thành người chăm sóc cho một góa phụ 82 tuổi bị mất trí nhớ, tạo nên câu chuyện về tình bạn. sự mất mát và mức độ chúng ta sẵn sàng mạo hiểm để đòi hỏi một trong những ân huệ quý giá nhất của cuộc đời: cơ hội thứ hai.”
Tuyển tập “9 Khuôn Mặt: 9 Phong Khí Văn Chương” của Bùi Vĩnh Phúc là những trang sách phê bình văn học độc đáo, nơi đây 9 người cầm bút nổi tiếng của Miền Nam – Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên – được chiếu rọi trên trang giấy rất mực trân trọng, công phu, phức tạp, và nổi bật là kiểu phê bình văn học rất mực thơ mộng của họ Bùi.
Nhận được tin buồn nhà thơ Phan Xuân Sinh sau một cơn bạo bệnh, nhập viện vì bệnh tim mạch, hôn mê sau 10 ngày vô phương cứu chữa đã qua đời tại Texas ngày 28/2/2024. Thọ 76 tuổi...
Từ hồi trẻ, tôi đã có thói quen là những ngày giáp Tết thì bắt đầu chọn một vài bài nhạc xuân để nghe; và trong những ngày đầu năm thì sẽ đọc một cuốn sách. Thói quen “khai sách đầu xuân” có thêm một chi tiết khi tuổi quá độ “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”: đọc một cuốn sách có chủ đề về Phật Giáo. Trong năm Giáp Thìn này, tôi chọn cuốn “Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn” của một tác giả cũng tuổi con rồng: cư sĩ Nguyên Giác, cũng là nhà báo Phan Tấn Hải. Giới thiệu “tác giả, tác phẩm” dài dòng như vậy, nhưng đối với tôi, người viết đơn giản chỉ là anh Hải, một người anh thân thiết, đã từng có một thời ngồi gõ bàn phím chung trong tòa soạn Việt Báo ở phố Moran. Đọc sách của anh Hải, tôi cũng không dám “điểm sách” hay “phê bình sách”, vì có thể sẽ bị anh phán rằng “… viết như cậu thì chỉ… làm phí cây rừng thôi!” Bài viết này chỉ ghi lại một vài niềm hứng khởi khi được tặng sách, khi đọc qua cuốn sách mà cái tựa cũng đã chạm sâu thẳm vào những điều bản thân đang chiêm nghiệm.
Chúng ta thường được nghe nói, rằng mọi người đều bình đẳng trước Thượng Đế. Tuy nhiên, Thượng đế thì không ai thấy, nhưng có một thứ còn đáng sợ hơn nhân vật cổ sử đó (nếu thật sự là có Thượng Đế): đó là những trận mưa bom. Người dân Ukraine và Palestine ý thức rất rõ, vì đó là chuyện hằng ngày của họ: mọi người đều bình đẳng khi đứng dưới mưa bom. Già, trẻ, nam, nữ, trí thức, nông dân, nhà thơ, họa sĩ… đều bình đẳng: khi bom rơi trúng là chết. Cuộc chiến giữa người Palestine muốn giữ đất và người Israel từ nơi xa tới nhận phần đất mới do quốc tế trao tặng từ đất Palestine đã kéo dài nhiều thập niên. Bây giờ căng thẳng mới nhất là ở Gaza, cuộc chiến đang tiếp diễn giữa nhóm Hamas, thành phần chủ trương bạo lực của dân Palestine, và quân Israel. Trong những người chết vì bom Israel, có những người hiền lành nhất, đó là trẻ em và phụ nữ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.