Hôm nay,  

LUẬN TỘI TỔNG THỐNG TRUMP

03/10/201910:23:00(Xem: 6664)

 

            Hạ Viện Mỹ đang từng bước điều tra luận tội (impeachment) Tổng Thống Donald Trump, liệu ông ta có bị truất phế không?

            Câu trả lời là khó lắm.  Điều tra luận tội là một việc, truất phế được tổng thống hay không là một việc khác.  Luận tội là trách nhiệm của Hạ Viện.  Truất phế tổng thống là quyền của Thượng Viện.  Sau khi Hạ Viện điều tra và đúc kết, nếu đủ túc số dân biểu đòi hỏi chấp thuận (trên 50%), hồ sơ luận tội đó sẽ được đưa lên Thượng Viện.  Thượng Viện sẽ mở một phiên toà để xét xử.  Phiên toà nầy không phải do Chủ tịch Thượng Viện chủ trì, mà do Chủ tịch Tối Cao Pháp Viện ngồi ghế chánh án.  Nhưng dù ai làm chánh án cũng không quan trọng vì họ không phải là người quyết định tổng thống có tội hay không có tội.  Sau phần thủ tục phân tích, tìm hiểu, tranh luận, phiên toà sẽ biến thành “toà án nhân dân”(“dân” là các cụ Thượng nhà ta chứ không ai khác).  Nói rõ ra, quyết định sau cùng nằm trong tay các Thượng Nghị Sỹ (TNS).  Thượng Viện Mỹ có 100 TNS.  Để có thể truất phế được tổng thống phải có tối thiểu 2/3 TNS hay 67 ông Thượng đồng ý mới được.  Hiện nay, Thượng Viện Hoa Kỳ do Cộng Hoà (đảng của TT. Trump) chiếm đa số (53TNS/CH, 45TNS/DC, 02 TNS độc lập).  Giả sử các TNS/DC đoàn kết một lòng, nhưng nếu không có được 22 TNS từ phía Cộng Hoà và độc lập ủng hộ, phe thiểu số Dân Chủ kiếm đâu ra cho đủ 67 ông Thượng để truất phế Tổng Thống Trump?!  Hạ Viện điều tra luận tội không phải ngày một ngày hai mà có thể kéo dài hàng tháng.  Sau khi Hạ Viện chuyển hồ sơ luận tội lên Thượng Viện, Chủ tịch Thượng Viện còn có quyền “ngâm tôm” vụ án, nghĩa là ông có thể không tổ chức xét xử trong một thời gian nào đó. Như thế, chuyện TT. Trump bị bay chức giữa nhiệm kỳ là chuyện khó thể xẩy ra.  Nếu luận tội không đi tới đâu, TT. Trump vẫn có quyền tranh cử nhiệm kỳ hai.  Và ông vẫn có khả năng tái đắc cử.  TT. Trump vẫn được một thành phần “đặc biệt” nào đó người MỸ hậu thuẩn, bất luận những gì xẩy ra.

            Biết thế, tại sao Hạ Viện (do Dân Chủ chiếm đa số) vẫn cứ tiến hành luận tội?  Với hành động của TT. Trump, họ không làm không được.  Đó là trách nhiệm hiến định (công tố) của họ.  Từ lâu nay, ai cũng biết phía Dân Chủ rất cay cú TT. Trump, có thể nói họ có một sự hận thù chính trị đối vị tổng thống đương nhiệm nầy.  Nhưng họ chưa làm gì được vì chưa có lý do chính đáng.  Nay thì chính TT. Trump đã “giúp” họ. 

            TT. Trump bị một kẻ nào đó mà truyền thông gọi là whistle-blower (nghe nói người nầy là CIA từng làm việc trong Toà Bạch Ốc)) tố cáo là đã lạm dụng chức quyền cho mục đích chính trị cá nhân.  Ngày 25 tháng 7 vừa qua, TT. Trump đã điện đàm với tân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.  Ngoài sự chúc mừng ông ta đắc cử, TT. Trump còn nhấn mạnh sự quan trọng của Hoa Kỳ đối với Ukraine.  Nhưng đây mới là chuyện gây nên sóng gió: TT. Trump đã áp lực tân Tổng thống Ukraine điều tra cha con ông Joe Biden.  Tuy TT. Trump và cả TT. Volodymyr Zelensky đều phủ nhận “không có áp lực” nhưng, theo The Washinton Post, trong hồ sơ do White House chuyển qua Quốc Hội, TT. Trump đã nhiều lần đề cập đến chuyện nầy khi nói chuyện với ông Volodymyr Zelensky.  Ngoài ra, trước khi có cuộc điện đàm nầy, TT. Trump đã ra lệnh giữ lại 400 triệu đô la viện trợ cho Ukraine.  Tại sao giữ lại?  Để ra điều kiện, gây áp lực chăng?  Người ta có thể nghĩ như thế, nhưng TT. Trump lại giải thích rằng “không chuyển tiền cho Ukraine vì quốc gia nầy tham nhũng”?!  Ai tin được sự giải thích nầy của tổng thống?  Và đó mới là vấn đề rắc rối cho TT. Trump.   TT. Trump cũng biết như vậy nên khi Quốc Hội yêu cầu chuyển giao hồ sơ về cuộc nói chuyện nầy, ông ra lệnh cho White House làm ngay.  (Khác với trước đây Quốc Hội đã từng yêu cầu TT. Trump công khai hồ sơ khai thuế cá nhân cũng như nội dung buổi nói chuyện với TT. Nga Putin tại Phần Lan nhưng đều bị TT. Trump từ chối, quốc hội cũng đành bó tay).

            Cha con ông Biden làm gì trong quá khứ?  Nếu thấy họ sai trái, tại sao Mỹ không điều tra mà phải nhờ Ukraine? Là người quyền lực nhất nước, tại sao TT. Trump không lệnh cho CIA, FBI…đều tra mà phải mượn tay nước ngoài?  Ông Trump đã làm tổng thống gần được ba năm.  Tại sao khi mới lên tổng thống, ông Trump không “trị” nhà Biden ngay mà đợi đến khi cựu Phó Tổng thống Joe Biden tham gia vận động tranh cử tổng thống mới tung đòn độc?  Đây chính là yếu huyệt của TT. Trump.  Và đây cũng là điểm “xệ” nhất của TT. Trump về khả năng chính trị và tư cách lãnh đạo.  Với đối tượng (Joe Biden) và thời điểm (đang tranh cử tổng) rõ ràng như thế, TT. Trump khó mà phủ nhận mục tiêu chính trị cá nhân trong việc nhờ nước ngoài can thiệp bầu cử của Mỹ.

            Tuy ông Joe Biden mới chỉ là ứng cử viên tổng thống trong đảng Dân Chủ.  Nhưng vì thấy rằng ông ta có thể là một đối thủ nặng ký trong kỳ bầu cứ năm tới nên TT. Trump “tiên hạ thủ vi cường” chăng? TT. Trump không biết có “hạ thủ” được không, hay chỉ chứng tỏ ông ta đã lạm dụng quyền lực, vi phạm đến an ninh, quyền lợi, và uy tín quốc gia, nghĩa là vi phạm hiến pháp, lại được các viên chức White House che dấu (cover up).  Và đây là lý do chính để phía Dân Chủ ra tay điều tra luận tội.  Họ không có quyền tự tung tự tác, “ngồi xổm trên luật pháp” hành xách tổng thống để “săn phù thuỷ” như một số dư luận trên các diễn đàn nói đâu. Ngày 27 tháng 9 vừa qua, tờ The Washington Post lại đưa tin: “Hơn 300 cựu chuyên viên an ninh quốc gia thuộc cả hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ cùng ký tên trong một bức thư yêu cầu quốc hội tiến hành luận tội TT. Trump về điều mà họ gọi là “sự lạm quyền vô lương tâm” của tổng thống. 

            Chuyện TT. Trump kêu gọi Ukraine đều tra nhà Biden hiện nay làm người ta liên tưởng đến kỳ bầu cử trước.  Năm 2016, trong khi vận động tranh cử tổng thống, ông Donald Trump là dõng dạc kêu gọi nước Nga: “Russia, if you are listening, please find out 30,000.00 hidden emails from Hillary Clinton”.  Không ai biết Putin và nước Nga có giúp đỡ ông Trump hay không, và giúp đến mức nào nhưng rõ ràng, với lời kêu gọi trên, ông Trump đã trực tiếp “mời” nước ngoài can thiệp vào bầu cử Mỹ (và cuối cùng ông đã thắng cử).  Thấy ngon ăn nên “ngựa quen đường cũ”, kỳ nầy ông Trump lại nhờ đến một “đồng minh” nước ngoài khác can thiệp để tranh cử vào năm tới chăng?  Khó mà nghĩ các Dân Biểu Hạ Viện có thể ngồi yên trước hiện tượng quái đản đó.  Cuộc chiến luận tội đang tiến hành tuy gay cấn và còn nhiều chông gai. 

            Tình hình chính trị Mỹ đang rối như tơ vò.  Nước Mỹ hiện nay đang bị phân hoá, chia rẽ trầm trọng.  Nhiều người nghĩ rằng tinh thần văn minh chính trị (Political Civility) của Mỹ đang xuống dốc thê thảm. Truyền thống sinh hoạt chính trị ôn hoà, tôn trọng sự khác biệt chính kiến, tôn trọng đối thủ chính trị không còn.  Năm 2016 ông Donald Trump mở một chiến dịch tranh cử độc đáo có tính cách “cạn tàu ráo máng” với đối thủ Hillary Clinton bên phía Dân Chủ.  Ông ta không xem bà Clinton là đối thủ chính trị trong một nước dân chủ văn minh mà coi bà ta như kẻ thù, như kẻ phạm tội.  Đi tới đâu ông Trump cũng hô hào “Bỏ tù bà ta”, “Nhốt bà ta lại”.  Kết quả bầu cử như thế nào mọi người đã biết.  Nỗi đau thất cử cộng với việc bị xúc phạm cá nhân, hận thù từ đó mà phát sinh, mà hình thành.  Sự hận thù ấy không giới hạn trong phạm vi cá nhân và gia đình Clinton mà có thể đã lan toả, ăn sâu vào tâm thức của những thành phần Dân Chủ khác.  Với thành phần nầy, sự hô hào của ông Trump chỉ là một sự kích động hận thù chính trị nhằm thoả mãn mục đích cá nhân, không phải vì quyền lợi và danh dự của nước Mỹ.  Bằng chứng là từ đó đến nay, dưới chính thể TT. Donald Trump, bà Clinton vẫn vô sự, không ai bỏ tù hoặc bắt nhốt bà ta cả.  Lúc tranh cử ông Trump hô hào bắt bỏ tù bà Hillary, nhưng khi đã làm tổng thống, với quyền sinh sát trong tay, tại sao ông Trump không làm chuyện đó?! 

            Ông tổng thống nhà ta có tật ăn nói bạt mạng không cần phân biệt đúng sai, hôm nay nói thế nầy ngày mai nói thế khác.  Nhưng tệ hại nhất là ông hay nặng lời xúc phạm những người không đồng tình với ông, chống đối ông.  Vấn đề nầy của tổng thống nhiều lắm, không những đối với bà Clinton, một số các Dân Biểu/Thượng Nghị Sỹ Dân Chủ mà còn với nhiều người khác trong xã hội Mỹ, nói không hết được.  Tôi xin nêu hai ví dụ gần nhất.  Ngày thứ Năm, 26 tháng 9 vừa qua, ông Joseph Maguire Quyền Giám Đốc Cơ Quan Tình Báo Hoa Kỳ ra điều trần trước quốc hội.  Khi được Dân Biểu Devin Nunes (CH/CA) hỏi: “Ông nghĩ thế nào về việc làm của whistle-blower”.  Ông ta trả lời “Việc làm của whistle-blower rất tốt, rất cần”.  Thế mà TT. Trump lại lớn tiếng :”Hắn là một tên phản quốc”!  Ngày 29 tháng 9, TT. Trump còn tung ra một cái tweet có thể nói là kinh thiên động địa, ông viết: “Tiến hành luận tội là hành vi phản quốc có thể đưa đến nội chiến”.  Do đó, ông đòi bắt giam những giới chức đang đang điều tra và luận tội ông!!!

            Ông Trump có lẽ làm vua thích hợp hơn làm tổng thống.  Vua coi đất nước là của riêng mình.  Ai chống lại vua tức là phản bội sơn hà xã tắc.  Tổng thống chỉ là người quản lý và điều hành đất nước trong một thời gian nhất định, không thể tự xem mình là tổ quốc được.  Làm vua thì có quyền hạn tuyệt đối, nhất hô bá ứng, “thần dân” mà lỡ gặp mặt vua thì phải cúi đầu thi lễ, đừng nói chi chuyện phê bình chỉ trích.  Làm tổng thống, nhất là Tổng thống nước Mỹ, một nước dân chủ bậc nhất, quyền lực bị giới hạn; nơi mọi người dân đều được luật pháp cho phép quyền lên tiếng phê bình chỉ trích các giới chức lãnh đạo quốc gia, kể cả tổng thống.  Như thế, phê bình chỉ trích tổng thống không thể là tội phản quốc.  Làm tổng thống, để có sự bình tĩnh và phản ứng thích hợp, phải biết có hàng triệu cặp mắt đang theo dõi mình, có hàng triệu khối óc đang sẵn sàng phê bình mình.  TT. Trump không có được những yếu tính ấy.  Trước những sự chỉ trích và phê bình mình, Tổng thống Trump thường nỗi đoá, không có được những hành động/lời nói mang tính chính trị và đắc nhân tâm để giải thích xoa dịu tình thế.  Ông chỉ cần lớn tiếng mạt sát/sỉ nhục/đe doạ đối tượng để chứng tỏ uy quyền và thoả mãn tự ái.

            Với tính khí bất thường như thế, vì sự hiểu biết hạn chế luật pháp nước mình như thế, TT. Trump khó có thể  “Bring the country together”.

            Việc làm của đảng Dân Chủ hiện nay cũng không phải để gây đoàn kết dân tộc.  Họ đang thực hiện một đòn trí mạng vào vị tổng thống cũng như những thành phần hậu thuận ông ta.  Luận tội, nếu không đi tới đâu, cũng chỉ là một sự ngụp lặn trong một vùng biển đầy sóng gió và bất an, và sẽ làm cho sinh hoạt chính trị Mỹ tồi tệ thêm, hố chia rẽ sâu thêm.

 

Thượng tuần tháng 10, năm 2019

Định Nguyên

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mỗi khi tai qua nạn khỏi hay gặp một điều lành, chúng ta đều nhắc tới chữ Phúc Đức: “Nhờ phúc ông bà nên tôi vừa thoát nạn.” “Nhờ phúc nhà nên cháu vừa thi đỗ.” “Cầu phúc tổ tiên cho được mẹ tròn con vuông.”...
Có 6 loại cán bộ, đảng viên sẽ bị loại khỏi thành phần Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa XIV, nhưng tiêu chuẩn người được chọn “vẫn cũ như trái đất”...
Ông Bill Burns, Trùm CIA, hôm 19/04/24, cảnh báo « Ukraine có thể thua cuộc chiến sanh tử với Poutine từ đây tới cuối năm ». Lời tuyên bố đưa ra trước hôm Hạ viện Huê kỳ biểu quyết có nên tháo khoán 61 tỷ USD để giúp Ukraine hay không? Nay thì Ukraine có 61 tỷ, và còn thêm phần viện trợ của Otan nữa, để tăng cường khả năng quân sự và cả kinh tế để đối đầu với Poutine. Vậy tới cuối năm, chiến tranh Ukraine sẽ kết thúc và thắng lợi sẽ ngả về phía Ukraine?
Thời gian còn làm Trung Sĩ Thông Dịch Viên trong Bộ Tư Lệnh Lục Quân Hoa Kỳ ở căn cứ Long Bình, Việt Nam vào năm 1969, trước khi tôi được chuyển sang phục vụ trong ngành phi hành của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa, thì tôi có dịp tháp tùng phái đoàn Dân Sự Vụ (Civic Action) Lữ Đoàn 18 Quân Cảnh Hoa Kỳ (U.S. 18th Military Police Brigade) đi công tác ở Nhật Bản. Cũng trong chuyến công du này tôi đã phát hiện ra rằng, Nhật Bản là một quốc gia thực thi được chính sách phát triển kinh tế làm thịnh vượng cho toàn thể xã hội, và xóa bỏ được nhiều điều bất công...
Trong bất kỳ cuộc đấu tranh nào, cần phải phân loại, xác định rõ ràng các loại “địch” để tìm cách đối phó hoặc vận động gây cảm tình làm đồng minh, tùy loại địch. Mọi người thường nói, “biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng” là vậy.
Chỉ trong vòng 465 ngày (26/04/2024-17/01/2023) đảng CSVN đã trải qua 3 cuộc khủng hoảng lãnh đạo thượng tầng chưa từng có trong lịch sử. Người duy nhất vẫn “vững như bàn thạch” là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, 80 tuổi, nhưng ai sẽ thay ông Trọng để lãnh đạo đảng, sau Đại hội toàn quốc tháng 01 năm 2026 là câu hỏi chưa có câu trả lời...
Mới đây ở Việt Nam lại bùng nổ ra một vài vụ tham nhũng khá nghiêm trọng như vụ Vạn Thịnh Phát và Việt Á. Vào đầu năm nay, Transparency International báo cáo kết quả nghiên cứu tình trạng tham nhũng tại 180 nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Nhân dịp này chúng ta duyệt lại tình trạng tham nhũng ở Việt Nam.
Câu nói của cố thủ tướng Việt Cộng là Võ Văn Kiệt rằng ngày 30-4 có một triệu người vui và một triệu người buồn...
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.