Hôm nay,  

Hải Quân VNCH Ra Khơi, 1975 Vùng IV Sông-ngòi Và Hải-vận-hạm Lam-giang, HQ 402 Một Huyền Thoại

03/05/201918:41:00(Xem: 6488)

HẢI QUÂN V.N.C.H. RA KHƠI, 1975

 

VÙNG IV SÔNG-NGÒI

HẢI-VẬN-HẠM LAM-GIANG, HQ 402

MỘT HUYỀN THOẠI

 

Điệp Mỹ Linh

Biên khảo

 

Khoảng tháng 3 và tháng 4 năm 1975, Việt-Cộng đưa nhiều đơn vị về chung quanh Cần-Thơ, cố tạo áp lực ngay “trung tâm não bộ” của Vùng IV Chiến-Thuật.

 

Lúc bấy giờ, những Lực-Lượng Hải-Quân, một phần phải yểm trợ sông Đại-Ngãi – dòng sông huyết mạch từ Cần-Thơ xuống Cà-Mau, đi qua Bạc-Liêu – để hộ tống các ghe lúa gạo từ Bạc-Liêu về; phần còn lại rút về phòng thủ Cần-Thơ.

 

Tuy có nhiều đụng độ giữa Lực-Lượng Hải-Quân V.N.C.H. và Lực-Lượng Việt-Cộng chung quanh Cần-Thơ; nhưng vì Việt-Cộng dồn mọi nỗ lực lớn để tấn công Saigon, cho nên, tương đối áp lực địch tại Cần-Thơ không đủ làm bận tâm những giới chức thẩm quyền V.N.C.H.

 

Bằng cớ là Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam – Tư-Lệnh Quân-Đoàn IV – đã tăng phái cho mặt trận Vùng III một số lực lượng của Vùng IV. Và, theo chỉ thị của Tư-Lệnh Hải-Quân V.N.C.H., Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng IV Sông-Ngòi kiêm Tư-Lệnh Hạm-Đội Đặc-Nhiệm 21 – Phó-Đề-Đốc Đặng Cao Thăng – đã cho di chuyển một số đơn vị về yểm trợ Vùng III Sông-Ngòi.

 

Tình hình Vùng IV Sông-Ngòi còn rất yên tĩnh; nhưng Tổng-Lãnh-Sự Mỹ tại Cần-Thơ – Francis Terry McNamara – cũng đặt kế hoạch di tản nhân viên Việt và Mỹ của Tòa Tổng-Lãnh-Sự.

 

Ngày 21 tháng 4, trong dịp về Saigon nhận tiền phát cho nhân viên, Tổng-Lãnh-Sự Francis T. McNamara trình bày với Đại-Tá George Jacobson về kế hoặch di tản nhân viên. Theo Tổng-Lãnh-Sự McNamara, di tản bằng trực thăng sẽ gặp trở ngại về vấn đề tiếp tế nhiên liệu; vì vậy, Tổng-Lãnh-Sự McNamara yêu cầu được di tản bằng đường thủy. Đại-Tá Jacobson đồng ý. Nhờ ngoại giao khéo, Tổng-Lãnh-Sự McNamara được một nhân viên USAID – Cliff Frink – cung cấp hai LCM8.

 

Sau khi Phan-Thiết thất thủ, Vũng-Tàu bị đe dọa trầm trọng và các mặt trận Long-An, Tuyên-Nhơn, Trà-Cú, v. v… bùng nổ, Phó-Đề-Đốc Đặng Cao Thăng triệu tập đơn vị trưởng của những đại đơn vị Hải-Quân Vùng IV Sông-Ngòi, đặt kế hoạch di tản để bảo vệ lực lượng trong trường hợp Vùng IV Chiến-Thuật bị tấn công. Trong phiên họp này, Hải-Quân Đại-Tá Nguyễn Bá Trang – Tư-Lệnh Lực-Lượng Thủy-Bộ kiêm Tư-Lệnh Lực-Lượng Đặc-Nhiệm 211 – tỏ vẻ không đồng ý với giải pháp di tản.

 

Ngày 27 tháng 4, Phó-Đề-Đốc Thăng gặp Thiếu Tướng Lê Văn Hưng – Tư-Lệnh-Phó Quân-Đoàn IV. Hai vị sĩ quan cao cấp trao đổi tình hình chiến sự. Tướng Hưng cho Phó-Đề-Đốc Thăng biết rằng Tướng Nguyễn Khoa Nam đã liên lạc với Bộ-Tổng-Tham-Mưu Saigon, nhưng không có một kế hoạch nào từ Bộ-Tổng-Tham-Mưu về việc rút xuống Vùng IV cả. Phó-Đề-Đốc Thăng hỏi dò Tướng Hưng về việc di tản. Tướng Tư-Lệnh-Phó Vùng IV Chiến-Thuật đáp: “Tôi không đi đâu cả. Tôi sẽ ở lại, bắn đến viên đạn cuối cùng rồi tôi sẽ tự sát!”

 

Ngày 28 tháng 4, lúc 3 giờ chiều, Phó-Đề-Đốc Thăng liên lạc với Thiếu Tướng Nguyễn-Khoa-Nam, trình bày những biến chuyển quân sự mới nhất. Tướng Nam bảo có vài chính trị gia và tướng lãnh đã bàn kế hoạch rút về Vùng IV, cố thủ. Nhưng dường như đó là những ý kiến cá nhân, chưa có sự đồng thuận nào của chính phủ trung ương. Tướng Nam cũng cho Phó-Đề-Đốc Thăng biết là Ông vừa liên lạc với Bộ-Tổng-Tham-Mưu, có thể, với vị Tổng-Tham-Mưu-Trưởng mới – Trung Tướng Vĩnh Lộc – chính phủ sẽ cố thủ để điều đình.

 

Chiều 28 tháng 4, một chiếc phà và hai LCM8 chở khoảng 30 người Mỹ, một số đông nhân viên Việt-Nam và Tổng-Lãnh-Sự Mỹ tại Cần-Thơ – Francis T. McNamara – trên đường ra biển, bị Giang-Đoàn 25 Xung-Phong chận lại.

 

Được thông báo về sự việc này, Thiếu Tướng Hưng yêu cầu Phó-Đề-Đốc Thăng đến nơi, tăng phái vài giang đỉnh để kéo chiếc phà và hai LCM8 chở số người Việt Mỹ đó về lại Cần-Thơ.

 

Khi đến nơi, Phó-Đề-Đốc Thăng chỉ hỏi: “Có quân nhân Việt-Nam nào đào ngũ, trốn trên đó không?” Sau khi được xác nhận là “Không”, Phó-Đề-Đốc Thăng cho phép chiếc phà và hai LCM8 ra đi. Quyết định này của Phó-Đề-Đốc Thăng không có sự tham khảo ý kiến của Tướng Lê Văn Hưng hoặc Tướng Nguyễn Khoa Nam; vì hai vị Tướng này đang bay chỉ huy hành quân.

 

Chiều 29 tháng 4, một Thiếu-Tá tòng sự tại phòng hành quân Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân Saigon gọi cho Phó-Đề-Đốc Thăng, thông báo rằng Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân Saigon đã chuẩn bị rút! Tối, vị Thiếu-Tá này gọi lại và cho hay: Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân Saigon và nhiều chiến hạm đã rời Saigon!

 

 

Vì sự liên lạc từ trung ương đến các Vùng không còn chặt chẽ nữa, cho nên, đến giờ phút đó Phó-Đề-Đốc Thăng vẫn chưa biết Trung Tướng Vĩnh Lộc đã được bổ nhiệm vào chức vụ Tổng-Tham-Mưu-Trưởng Quân-Lực V.N.C.H.!

 

Tối 29 tháng 4, khoảng 8 giờ, Trưởng Khối An-Ninh Hải-Quân – Đại-Tá Chiến-Binh Nguyễn Văn Tấn – gọi điện thoại mời Phó-Đề-Đốc Thăng về Saigon; nhưng Đại-Tá Tấn không cho biết lý do. Phó-Đề-Đốc Thăng bảo để Ông suy nghĩ, 11 giờ đêm gọi lại, Ông sẽ trả lời.

 

Ngay sau đó, Phó-Đề-Đốc Đặng Cao Thăng – Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng IV Sông-Ngòi – ra lệnh “tự do vận chuyển”! Lệnh này được chuyển sang Hải-Quân Đại-Tá Nguyễn Văn Thông – Tư-Lệnh Lực-Lượng Trung-Ương kiêm Tư-Lệnh Đặc-Nhiệm 214 – chứ không chuyển cho Hải-Quân Đại-Tá Nguyễn Bá Trang – Tư-Lệnh Lực-Lượng Thủy-Bộ kiêm Tư-Lệnh Lực-Lượng Đặc-Nhiệm 211.

 

11 giờ đêm, Phó-Đề-Đốc Thăng cho tập họp tất cả sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ, rồi thông báo quyết định của Ông là sẽ ra đi. Ai muốn đi, về đem gia đình vào; ai không muốn đi, xin giữ an ninh giùm cho những người đi.

 

Đến giờ phút đó Phó-Đề-Đốc Thăng cũng vẫn chưa nghe Đại-Tá Tấn gọi lại.

 

Khuya 29 rạng ngày 30 tháng 4, trong khi các LCM đưa Phó-Đề-Đốc Đặng Cao Thăng và Bộ-Tham-Mưu Hải-Quân Vùng IV Sông-Ngòi đang chạy trên sông Cửa Tiểu thì Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam liên lạc truyền tin, muốn nói chuyện với Phó-Đề-Đốc Thăng; nhưng Phó-Đề-Đốc Thăng không trả lời.

 

Trong khi những sự việc kể trên xảy ra tại Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng IV Sông-Ngòi thì tại Căn-Cứ Tiếp-Vận Bình-Thủy, tình thế vẫn yên, cho đến…

 

…Sáng 30 tháng 4, sau khi nghe lệnh Tổng Thống Dương Văn Minh đầu hàng, Căn-Cứ Tiếp-Vận Bình-Thủy trở nên rối loạn.

 

10 giờ sáng, Đại-Tá Cơ-Khí Nguyễn Ngọc Xuân – Chỉ-Huy-Trưởng Căn-Cứ Tiếp-Vận – tập họp nhân viên và tuyên bố tan hàng!

 

12 giờ trưa, Đại-Tá Xuân lấy một LCM đi ra hướng biển cùng với khoảng 20 PBR của Lực-Lượng Thủy-Bộ.

 

Sau đó, Tư-Lệnh Lực-Lượng Thủy-Bộ kiêm Tư-Lệnh Lực-Lượng Đặc-Nhiệm 211 – Hải-Quân Đại-Tá Nguyễn Bá Trang – từ một PBR đang chạy song song với LCM chở Đại-Tá Xuân, hỏi: “Đi làm chi, Xuân? Ở lại đi.” Đại-Tá Xuân im lặng. LCM vẫn tiến. Một lúc sau, Đại-Tá Trang cho lệnh PBR quay về.

 

Tại Bộ-Tư-Lệnh Trung-Ương, sau khi nhận được lệnh “tự do vận chuyển” từ Phó-Đề-Đốc Thăng, Hải-Quân Đại-Tá Nguyễn Văn Thông – Tư-Lệnh Lực-Lượng Trung-Ương – truyền lệnh này đến những đơn vị ở xa và thông báo một cách hạn chế cho nhân viên tại Đồng-Tâm. Đại-Tá Thông nhắn nhủ: “Ai không muốn đi thì cố giữ an ninh, trật tự giùm cho những người muốn đi.”

 

Sau đó, Đại-Tá Nguyễn-Văn-Thông cùng một số người xuống ba chiếc LCM8, đi ra sông Cửa Tiểu.

 

 

MẶT TRẬN TUYÊN-NHƠN

NHỮNG ĐỤNG ĐỘ NHỎ TẠI VÙNG IV SÔNG-NGÒI

 

Trong khi những biến cố trọng đại xảy ra tại Bộ-Chỉ-Huy Hải-Quân Vùng IV Sông-Ngòi và tại Bộ-Tư-Lệnh Lực-Lượng Trung-Ương thì những Lực-Lượng Hải-Quân đóng rải rác trong lãnh thổ Vùng IV Sông-Ngòi phải chống trả với các đơn vị chủ lực của Việt-Cộng tại những mặt trận sau đây:

 

Xã Hòa-Thành thuộc địa phận Cà-Mau

 

Tin tình báo của Tiểu-Khu An-Xuyên và Trung-Đoàn 32 Bộ-Binh tại Cà-Mau cho hay: Sau khi viên Phó-Xã-Trưởng xã Hòa-Thành bỏ hàng ngũ Quốc-Gia sang đầu thú với Việt-Cộng, Việt-Cộng đưa quân cấp tiểu đoàn về tấn công xã Hòa-Thành.

 

Xã Hòa-Thành cạnh bờ sông, cách Tiền-Doanh Yểm-Trợ khoảng ba cây số. Xã này là vị trí chiến lược của Tiểu-Khu An-Xuyên và cũng là nơi Bộ-Chỉ-Huy Liên-Đoàn 2 Thủy-Bộ cùng nhiều Giang-Đoàn Thủy-Bộ khác trú đóng.

 

Ngày 16 tháng 4, sau khi được yêu cầu, Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 72 Thủy-Bộ – Đại-Úy Khai – đưa đoàn chiến đỉnh về xã Hòa-Thành. Sau khoảng 15 phút khởi hành, đoàn giang đỉnh bị Việt-Cộng xử dụng B40, B41 và các loại súng nhỏ tấn công.

 

Đoàn giang đỉnh phản công nhưng rất hạn chế vì hai bên bờ sông là nhà dân. Khi phát hiện Bộ-Chỉ-Huy Việt-Cộng đóng ngay cạnh bờ sông, đầu con rạch dẫn nước ra sông, đoàn chiến đỉnh phải xử dụng M79 và súng cối 81 ly bắn trực xạ.

Khoảng nửa giờ giao tranh, Bộ-Chỉ-Huy Liên-Đoàn 2 Thủy-Bộ cho tăng cường thêm vài chiến đỉnh nữa. Sau đó không lâu, quân V.N.C.H. làm chủ tình hình.

 

 

Rạch Sỏi thuộc tỉnh Kiên-Giang

 

Lực lượng Hải-Quân vùng Kiên-Giang trong tháng 4 năm 1975 gồm những đơn vị sau đây:

  • Căn-Cứ Hải-Quân Kiên-An, đóng tại Xẻo-Rô.
  • Tiền-Doanh Yểm-Trợ Rạch-Sỏi, đóng tại Rạch-Sỏi.
  • Toán Sưu-Tập 5, đóng trong Tiền-Doanh Yểm-Trợ Rạch-Sỏi.
  • Liên-Đoàn 1 Thủy-Bộ

 

Liên-Đoàn 1 Thủy-Bộ – dưới sự chỉ huy của Hải-Quân ThiếuTá Phan Hữu Niệm – gồm có:

  • Bộ-Chỉ-Huy lưu động, đóng tại Rạch-Sỏi vào thời điểm này.
  • Giang-Đoàn 70 Thủy-Bộ, do Hải-Quân Thiếu-Tá Thùy Trinh Bạch chỉ huy.
  • Giang-Đoàn 71 Thủy-Bộ, do Hải-Quân Đại-Úy Dương Văn Tèo chỉ huy.
  • Một Monitor, một LCM6 và một Fom do Giang-Đoàn 29 Xung-Phong biệt phái.
  • Bốn PBR do Giang-Đoàn 53 Tuần-Thám tăng phái.

 

Ngoài nhiệm vụ phòng thủ an ninh những khu vực kể trên, Liên-Đoàn 1 Thủy-Bộ còn phối hợp hành quân với Tiểu-Khu Kiên-Giang, hai Chi-Khu Kiên-Thành, Kiên-An và hai Trung-Đoàn 32 - 33 Bộ-Binh.

 

Vì tình hình quân sự trong vùng trách nhiệm của Hải-Quân trong tháng 4 hơi sôi động hơn những tháng trước, cho nên, công tác của Hải-Quân lúc bấy giờ hơi nặng về:

  • An ninh Căn-Cứ Hải-Quân Kiên-An.
  • An ninh Tiền-Doanh Yểm-Trợ Rạch-Sỏi.
  • An ninh những tiền đồn vòng đai Tiểu-Khu Kiên-Giang.

 

30 tháng 4, lúc 4 giờ sáng, Việt-Cộng tấn công Tiền-Doanh Yểm-Trợ Rạch-Sỏi bằng B40, B41, súng cối và đại liên. Chỉ-Huy-Trưởng Tiền-Doanh Yểm-Trợ và nhiều nhân viên bị thương. Lập tức, các giang đỉnh tại bến được phái đến chận tuyến Bắc và tuyến Nam kinh Cái Sắn. Những giang đỉnh hoạt động xa được điều động về yểm trợ Căn-Cứ Hải-Quân Xẻo-Rô, đề phòng địch “dương Đông, kích Tây”.

 

 

Khi trận chiến đang tiếp diễn, Tiểu-Khu Kiên-Giang thông báo cho Hải-Quân biết rằng Việt-Cộng đột kích vào phi trường Rạch-Sỏi, lấy hai thiết giáp M113 và đang chạy về hướng Kiên-Tân.

 

Hai Alpha trang bị M72 được lệnh án ngữ đầu cầu phía Bắc Tiền-Doanh Yểm Trợ để ngăn hai chiến xa. Không có Pháo-Binh yểm trợ, vì Tiền-Doanh Yểm-Trợ tọa lạc ngay khu thị tứ.

 

Khoảng 7 giờ sáng, Hải-Quân đưa từng toán quân ra ngoài, đẩy lui địch. Địch rút lui khoảng một cây số, nhưng vẫn tiếp tục pháo kích vào đơn vị Hải-Quân.

 

10 giờ 30 sáng cùng ngày, nghe lệnh đầu hàng của Tổng Thống Dương Văn Minh, Chỉ-Huy-Trưởng Liên-Đoàn 1 Thủy-Bộ – Hải-Quân Thiếu-Tá Phan Hữu Niệm – liên lạc Bộ-Tư-Lệnh Lực-Lượng Thủy-Bộ và được chỉ thị theo lệnh địa phương – nghĩa là theo lệnh Bộ-Binh! Thiếu-Tá Niệm rất ngạc nhiên, nhưng vẫn liên lạc Tiểu-Khu. Tiểu-Khu cho biết lệnh Quân-Đoàn: Tử thủ!

 

Lúc này Việt-Cộng lại pháo kích nặng hơn. Ban tham mưu Hải-Quân đặt kế hoạch rút khỏi Tiền-Doanh Yểm-Trợ Rạch-Sỏi vào lúc 6 giờ chiều. Nhưng sau đó, Việt-Cộng pháo kích dữ dội hơn, Hải-Quân quyết định rút sớm hơn dự dịnh.

 

Ba giờ chiều cùng ngày, tất cả đơn vị Hải-Quân thuộc Tiểu-Khu Kiên-Giang thực hiện kế hoạch di tản rất chu đáo.

 

Ngày 1 tháng 5, lúc 3 giờ chiều, Lực-Lượng Hải-Quân thuộc Tiểu-Khu Kiên-Giang đến Hòn Tre, neo phía Bắc Hòn Tre. Thiếu-Tá Niệm triệu tập cuộc họp khẩn cấp. Kết quả cuộc họp là không ai muốn tiếp tục đi. Ban tham mưu đi đến quyết định: Vào Hòn Tre – nơi Duyên-Đoàn 43 trú đóng – giao tất cả chiến đỉnh cho ban tiếp thu Việt-Cộng!

 

Kinh Chợ Gạo

 

Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.2 – dưới sự chỉ huy của Hải-Quân Thiếu-Tá Võ Văn Bảy – gồm Giang-Đoàn 21 Xung-Phong và Giang-Đoàn 42 Ngăn-Chận.

 

Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.2 có nhiệm vụ tuần tiễu, phục kích ngăn chận địch vượt sông, yểm trợ hải pháo cho các đồn, phối hợp hành quân với Tiểu-Khu và Chi-Khu, thuộc lãnh thổ Định-Tường và Kiến-Hòa.

 

Từ cuối tháng 3, đơn vị du kích 232 của Việt-Cộng tạo áp lực nặng trên quốc lộ 4, với mục đích cầm chân Sư-Đoàn 7, Sư-Đoàn 9 và Sư-Đoàn 22 – từ Qui-Nhơn vào, đang dưỡng quân – của Quân-Lực V.N.C.H.

Ngày 1 tháng 4, Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.2, Bộ-Chỉ-Huy đặt tại Chi-Khu Chợ Gạo, được chỉ định phối hợp hoạt động trực tiếp với Chi-Khu Chợ Gạo để bảo vệ thủy lộ huyết mạch từ miền Tây về Saigon.

 

Ngày cũng như đêm, trong những cuộc hành quân giải tỏa chướng ngại vật do Việt-Cộng đặt trên kinh Chợ Gạo, hoặc tuần tiễu bảo vệ ghe thuyền, hay hành quân hộ tống những đoàn ghe, v. v… các đơn vị của Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.2 lúc nào cũng bị địch phục kích và tấn công bằng đủ loại vũ khí.

 

Ngày 14 tháng 4, Giang-Đoàn 21 Xung-Phong đang biệt phái cho Biệt-Khu Thủ-Đô, được Giang-Đoàn 45 Ngăn-Chận – do Hải-Quân Đại-Úy Nguyễn Văn S. chỉ huy – đến thay thế.

 

Đêm 26 tháng 4, Việt-Cộng pháo kích vào Chi-Khu Chợ Gạo.

30 tháng 4, lúc 2 giờ sáng, sĩ quan trực trung tâm hành quân Bộ-Tư-Lệnh Lực-Lượng Trung-Ương – tức là Lực Lượng Đặc-Nhiệm 214 – thông báo Lực-Lượng chấm dứt chỉ huy, các đơn vị tùy nghi định liệu!

 

 

 

blank

Hải Quân Thiếu Tá Lê Anh Tuấn

 

MẶT TRẬN TUYÊN-NHƠN

 

Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1 – dưới sự chỉ huy của Hải-Quân Thiếu-Tá Đoàn Quan Vũ – đóng cạnh Chi-Khu Tuyên-Nhơn; gồm hai đơn vị sau đây:

  • Giang-Đoàn 43 Ngăn-Chận – dưới sự chỉ huy của Hải-Quân Thiếu-Tá Lê Anh Tuấn.
  • Giang-Đoàn 64 Tuần-Thám – dưới sự chỉ huy của Hải-Quân Thiếu-Tá T.M.H.

 

Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1 chịu trách nhiệm hai vùng sông rạch thuộc tỉnh Kiến-Tường (Mộc-Hóa) và Định-Tường.

 

Là một chướng ngại đáng kể đối với những đơn vị Việt-Cộng lâm le muốn đưa quân vào Long-An bằng đường thủy, Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1 luôn luôn sẵn sàng chấp nhận những trận thư hùng. Trong tất cả những trận đụng độ, phải kể đến những cuộc tấn công quy mô của Trung-Đoàn E1 Việt-Cộng vào Tuyên-Nhơn vào cuối năm 1974.

 

Đêm 6 tháng 12 năm 1974, Việt-Cộng tấn công dữ dội và chiếm được chợ Tuyên-Nhơn cùng nhiều đồn. Nhưng Việt-Cộng cũng vẫn không thể xâm nhập vòng đai đơn vị Hải-Quân và Chi-Khu Tuyên-Nhơn; vì Chi-Khu đóng cạnh Bộ-Chỉ-Huy Hải-Quân.

 

Trong thời điểm này, Chỉ-Huy-Trưởng Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1 – Hải-Quân Thiếu-Tá Đoàn Quan Vũ – và Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 64 Tuần-Thám đều về Đồng-Tâm hội. Chỉ-Huy-Phó Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1 – Hải-Quân Thiếu-Tá Phạm Văn Tạo – phải túc trực tại Bộ-Chỉ-Huy Sư-Đoàn 9 Bộ-Binh để điều hợp hành quân. Chỉ còn Hải-Quân Thiếu-Tá Lê Anh Tuấn – Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 43 Ngăn-Chận – là sĩ quan thâm niên hiện diện tại đơn vị.

 

Thiếu-Tá Tuấn điều động và chỉ huy phản công. Việt-Cộng rút lui, bỏ lại hơn 20 xác!

 

Đêm 7 tháng 12 năm 1974, để rửa hận, Việt-Cộng lại tấn công tàn bạo hơn, quyết dứt điểm Hải-Quân để tiến chiếm Chi-Khu Tuyên-Nhơn; nhưng vẫn bị Hải-Quân chống trả mãnh liệt. Việt-Cộng lại rút lui, bỏ lại 11 xác!

 

Sau đó, biết không thể dứt nổi Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1, Việt-Cộng vẫn cố giữ những địa điểm đã chiếm; đồng thời pháo kích dai dẳng vào đơn vị Hải-Quân và Chi-Khu Tuyên-Nhơn.

 

Không-Quân Việt-Nam được điều động đến và Sư-Đoàn 9 Bộ-Binh cũng tham chiến, chận đường tiến quân của địch.

 

Ngày 11 tháng 12 năm 1974, trên đường viện binh, một Chinook chở một đại đội Trinh-Sát thuộc Sư-Đoàn 9 bị Việt-Cộng dùng SA7 bắn hạ. Rất nhiều thương vong!

 

Kể từ thời điểm này cho đến tháng 3 năm 1975, đơn vị Hải-Quân và Chi-Khu Tuyên-Nhơn luôn luôn bị áp lực của địch rất nặng nề.

 

Ngày 26 tháng 3 năm 1975, Việt-Cộng lại tấn công hết sức quy mô và tàn bạo vào Chi-Khu Tuyên-Nhơn. Hải-Quân và quân bạn chống trả rất mãnh liệt. Cuối cùng, Việt-Cộng phải rút lui, để lại trận địa khoảng 200 xác! Vũ khí của địch bị tịch thu phải chuyển vận bằng GMC.

 

Sau chiến thắng tại Tuyên-Nhơn, Hải-Quân Thiếu-Tá Lê-Anh-Tuấn được đề nghị thăng Trung-Tá tại mặt trận.

 

Ngày 23 tháng 4, Thiếu-Tá Tuấn về Saigon họp. Khi trở lại đơn vị, trên đường từ Cai-Lậy vào Mộc-Hóa để vào Tuyên-Nhơn, Thiếu-Tá Tuấn xử dụng GMC và bị Việt-Cộng pháo kích liên tục. Thiếu-Tá Tuấn liên lạc truyền tin với người bạn cùng khóa – Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận – xin tiếp viện. Nhưng ăng-ten bị gãy, cuộc điện đàm đứt đoạn.

 

Tối 24 tháng 4 Thiếu-Tá Tuấn về đến Tuyên-Nhơn.

 

Ngày 26 tháng 4, Việt-Cộng dốc toàn lực tấn công Tuyên-Nhơn. Chỉ-Huy-Trưởng Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1 đi phép. Lực-Lượng Hải-Quân tại Tuyên-Nhơn bị pháo kích nặng nề. Tất cả hệ thống truyền tin bị hư hại. Thiếu-Tá Tuấn cố gắng liên lạc với Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 64 Tuần-Thám. Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 64 Tuần-Thám cho Thiếu-Tá Tuấn biết rằng Giang-Đoàn 64 Tuần-Thám cũng đang bị địch pháo kích dữ dội. Và, với giọng thất vọng, Ông nói với Thiếu-Tá Tuấn: “Thôi, mày báo cáo chi nữa. Hai đứa mình chịu trận cho đến chết thôi!” Cuộc điện đàm vừa đến đó, bỗng, một tiếng nổ lớn, mọi tần số liên lạc truyền tin đều bất khiển dụng! Cùng lúc đó, Việt-Cộng đứng thẳng người, vừa tràn vào phòng tuyến của quân V.N.C.H. vừa bắn chứ không còn ẩn núp nữa!

 

Tuy trận chiến khốc liệt như vậy, nhưng Tuyên-Nhơn vẫn đứng vững như tinh thần chiến đấu kiên cường của Người Lính V.N.C.H.

 

Sau khi không phá vỡ được phòng tuyến Tuyên-Nhơn, Trung-Đoàn E1 Việt-Cộng phong tỏa Tuyên-Nhơn bằng một hệ thống phòng không dày đặc và thả thủy lôi trên mọi thủy trình dẫn đến Tuyên-Nhơn. Sự tiếp tế cho Chi-Khu và Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1 vô cùng khó khăn.

 

Tối 29 tháng 4, Tư-Lệnh-Phó Lực-Lượng Trung-Ương – Hải-Quân Đại-Tá Vũ Xuân An – từ Đồng-Tâm, liên lạc được với Thiếu-Tá Lê Anh Tuấn và ra lệnh Thiếu-Tá Tuấn, bằng mọi cách, phải đưa đơn vị rời Tuyên-Nhơn.

 

Là một sĩ quan nặng tinh thần kỹ luật, Thiếu-Tá Tuấn triệu tập ngay cuộc họp khẩn cấp. Tất cả sĩ quan chỉ mới tề tựu được mấy phút thì Việt-Cộng tiến vào và dừng lại cách vòng đai căn cứ Hải-Quân một khoảng ngắn. Hai bên không nổ súng. Thiếu-Tá Tuấn liên lạc, hỏi Đại-Tá An: “Có đi được không, Commandant?” Đến lúc đó Đại-Tá An mới cho Thiếu-Tá Tuấn biết là đã rã ngũ! Thiếu-Tá Tuấn lại liên lạc với Chỉ-Huy-Phó Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1 – Hải-Quân Thiếu-Tá Phạm Văn Tạo – để được xác nhận.

 

Hiểu rõ tình hình, Thiếu-Tá Lê-Anh-Tuấn nhân danh Tư-Lệnh Hải-Quân, tuyên bố giải nhiệm những đơn vị Hải-Quân trong vùng trách nhiệm; rồi Ông mở đường máu, đưa đoàn chiến đỉnh về Bến-Lức.

 

Khi đoàn chiến đỉnh vừa rời nơi đồn trú khoảng một cây số thì bị Việt-Cộng tấn công. Giang-Đoàn 43 Ngăn-Chận và Giang-Đoàn 64 Tuần-Thám vừa phản công vừa xuôi theo sông Vàm-Cỏ.

 

Tối 30 tháng 4, khoảng nửa đêm, đoàn giang đỉnh về gần đến kinh Thủ-Thừa, Việt-Cộng bắn chỉ thiên, gọi đoàn giang đỉnh lại. Để tránh đổ máu, Thiếu-Tá Tuấn ra lệnh đoàn tàu cứ tiến, không được bắn trả; trừ trường hợp Việt-Cộng cố tình tiêu diệt mình thì mình mới tự vệ.

 

Thấy đoàn chiến đỉnh vẫn tiếp tục di chuyển, chiến xa Việt-Cộng hạ nòng súng bắn trực xạ. Nhiều nhân viên Giang-Đoàn chết và bị thương. Tức tốc, đoàn chiến đỉnh bắn trả.

 

Khi bắt được tần số truyền tin nội bộ của Hải-Quân, Việt-Cộng kêu gọi Thiếu-Tá Tuấn cho chiến đỉnh ủi bãi, lên bờ trình diện. Quá phẫn uất, Thiếu-Tá Tuấn đưa nòng súng “ru-lô” lên…

 

Khuya 30 tháng 4, rạng ngày 1 tháng 5 năm 1975, trên sông Vàm-Cỏ-Tây, Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 43 Ngăn-Chận – Hải-Quân Thiếu-Tá Lê Anh Tuấn – đi vào lịch sử!

 

ĐIỆP MỸ LINH

http://www.diepmylinh.com/

 

    

 

HẢI QUÂN V.N.C.H. RA KHƠI, 1975

  

Hải-Vận-Hạm Lam-Giang, HQ 402

Một Huyền Thoại

 
blank

                                                 

 

 ĐIỆP MỸ LINH

Biên khảo

 

      Sau nhiều chuyến chuyển quân và dân từ miền Trung vào, HQ 402 vào tiểu kỳ tại Hải-Quân Công-Xưởng.

 

      Tình trạng kỹ thuật của HQ 402 đáng lẽ phải vào đại kỳ; nhưng vì kế sách của Bộ-Tư-Lệnh đã hoạch định, HQ 402 chỉ được tiểu kỳ thôi.

 

      Vì tình trạng chiến hạm đang sửa chữa, cả Hạm-Trưởng lẫn Hạm-Phó đều vắng mặt. Quân số của HQ 402 chỉ còn khoảng 50 nhân viên, 10 Thiếu-Úy và một sĩ quan cơ khí – Trung-Úy Cao Thế Hùng.

 

      Sáng 30 tháng 4, khoảng 6 giờ 30, lệnh gọi tất cả sĩ quan và nhân viên chiến hạm đang sửa chữa tại Hải-Quân Công-Xưởng tập họp tại Bộ-Tư-Lệnh Hạm-Đội. Một sĩ quan cao cấp Hải-Quân tuyên bố rã ngũ.

 

      Từ Bộ-Tư-Lệnh Hạm-Đội trở lại HQ 402, với tư cách sĩ quan thâm niên hiện diện, Trung-Úy Cao Thế Hùng ra lệnh Thiếu-Úy Ninh, sĩ quan an ninh, bắn vỡ ổ khóa phòng Hạm-Trưởng, lấy tiền trong tủ sắt phát cho nhân viên để họ tùy nghi. Nhân viên ngậm ngùi rời chiến hạm, chỉ còn một hạ sĩ, một hạ sĩ nhất, một hạ sĩ quan tiếp liệu, vì nhà xa không về được.

 

      Lúc này nhiều ngàn người đã tuôn vào Hải-Quân Công-Xưởng và tràn lên HQ 402. Sau khi tuyên bố tàu hư không đi được, Trung-Úy Hùng rời chiến hạm, đi về bến Bạch-Đằng.

 

      Tại bến Bạch-Đằng, thấy xe tăng Việt-Cộng đang tiến vào công trường Mê-Linh và nghe nhiều tiếng súng, Trung-Úy Hùng trở lại HQ 402.

 

      Sau khi trở lại, Trung-Úy Hùng thấy trong số người trên HQ 402 có Trung-Úy Thước, thuộc HQ 402; một số sĩ quan Hải-Quân khóa 19; Thiếu-Úy Hải, cùng ngành với Trung-Úy Hùng và rất nhiều Đại-Tá Bộ-Binh. Tất cả đều yêu cầu Trung-Úy Hùng sửa chữa HQ 402 để di tản.

 

      Biết tình trạng hư hại nặng nề của HQ 402, Trung-Úy Hùng tự nghĩ một mình Ông không thể sửa được; Ông lén trốn lên bờ. Vừa cho chìa khóa vào cổ xe Jeep, Trung-Úy Hùng bị nhiều người kéo lại, đưa trở lại HQ 402.

 

      Lần trở lại thứ hai này, Trung-Úy Hùng gặp giáo sư Triết của Ông, Cha Huynh, hiệu trưởng trường trung học Hưng-Đạo Saigon. Trung-Úy Hùng giải thích với Cha Huynh: 24 bình điện của chiến hạm đều hết hơi, cần charge. Mỗi bình rất lớn và nặng. Nếu được đưa lên Hải-Quân Công-Xưởng thì cũng mất khoảng một ngày mới charge được một bình! Thêm nữa, la bàn điện (Gyro Compass) ở đài-chỉ-huy đã bị tháo, đưa lên Hải-Quân Công-Xưởng sửa mấy ngày nay. Trung-Úy Hùng trình với Cha Huynh, với trách nhiệm tinh thần cho cả 2.000 người trên HQ 402, Cha Huynh nên yêu cầu mọi người rời chiến hạm vì chiến hạm bất khiển dụng và Việt-Cộng đang tiến vào ngõ Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân.

 

      Sau khi Cha Huynh thông báo, mọi người đồng lòng ở lại, chết chung với HQ 402!

 

      Trước tình thế như vậy, Trung-Úy Hùng đành phải huy động tất cả đàn ông, thanh niên phụ giúp. Ngại nội tuyến thảy lựu đạn xuống hầm máy, nhiều Đại-Tá phụ trách an ninh. Thanh niên hăng hái di chuyển những máy điện theo lời chỉ dẫn của Trung-Úy Hùng.

Sau nhiều giờ sửa chữa, một máy tàu nổ, nhưng dầu xịt ra tung tóe. Trung-Úy Hùng bảo mọi người lấy áo quần, khăn trải giường quấn quanh các ống dẫn dầu. Khi máy chính nổ, Trung-Úy Hùng tức tốc cho tắt tất cả hệ thống điện – trừ máy ép gió.

 

      3 giờ chiều cùng ngày, máy tàu chạy êm. Trung-Úy Hùng bảo mọi người lấy tất cả phao trên những chiến hạm bỏ trống, đem sang HQ 402. Trung-Úy Hùng chọn một số thanh niên lực lưỡng – không cần biết họ là Hải-Quân hay không – để lái tàu; nhóm khác sắp hàng một từ đài-chỉ-huy đến hầm máy để chuyền khẩu lệnh.

 

      Sau khi chỉ cho nhóm thanh niên bẻ tay lái sang phải, sang trái, Trung-Úy Hùng chạy lên, chạy xuống đài-chỉ-huy và hầm máy, tìm cách đưa chiến hạm ra sông.

 

      Ra đến sông, Trung-Úy Hùng ra lệnh “tiến 5”. Lệnh được chuyền miệng từ hầm lái lên đài-chỉ-huy cũng mất cả một phút. Không hiểu những “nhân viên vận chuyển (!)” lái như thế nào mà phần sau của HQ 402 đâm vào câu-lạc-bộ-nổi của Hải-Quân! Nước chảy xiết! Trung-Úy Hùng vội thét lên: “phải 5”. Nhóm thanh niên lái tàu vặn tay lái như thế nào mà mũi chiến hạm đâm sang Thủ-Thiêm, làm hư hại một số nhà sàn! Cứ “phải 5”, “trái 5”, HQ 402 quay vòng vòng trước công trường Mê-Linh chứ không chạy thẳng được.

 

      Ngại bị Việt-Cộng bắn, Trung-Úy Hùng bảo mọi người nằm sát xuống sàn chiến hạm, không để Việt-Cộng thấy. Đồng thời Trung-Úy Hùng lấy vạt áo trắng của một người nào đó, bảo mấy ông Hải-Quân cột vào giây cờ, kéo lên.

 

      Trên công trường Mê-Linh, Việt-Cộng tưởng rằng HQ 402 từ xa về cho nên họ đưa tay vẫy chào. Trên chiến hạm, mấy ông Hải-Quân cũng giả vờ vẫy tay reo hò.

 

      Sau gần một tiếng đồng hồ loanh quanh trước công trường Mê-Linh, cuối cùng HQ 402 từ từ “bò” thẳng.

 

      Từ nhà hàng Majestic đến Nhà-Bè, HQ 402 vớt thêm rất nhiều người từ những ghe nhỏ chạy theo hai bên hông tàu.

 

      Khoảng 5 giờ chiều, lúc đến sông Soài Rạp, HQ 402 gặp HQ 601 trở về. Hạm-Trưởng HQ 601, Hải-Quân Đại-Úy Trần Văn Chánh, bảo Trung-Úy Hùng đừng đi ngã Vũng-Tàu, Việt-Cộng chận rồi. Chiếc Việt-Nam Thương-Tín bị bắn lúc sáng.

 

      Đang lúng túng ở ngã ba sông Soài Rạp, Trung-Úy Hùng thấy từng đoàn PBR và rất nhiều loại chiến đỉnh của Lực-Lượng Tuần-Thám, Lực-Lượng Trung-Ương, Lực-Lượng Đặc-Nhiệm 99 và những đơn vị Hải-Quân khác chạy vòng vòng bên Bắc-Cầu-Nổi.

 

      Biết Lực-Lượng Đặc-Nhiệm 99 thuộc quyền chỉ huy của Hải-Quân Đại-Tá Lê Hữu Dõng, Thiếu-Úy Hải trên HQ 402 liên lạc vô tuyến tìm Đại-Tá Dõng, nhờ Đại-Tá Dõng đưa HQ 402 ra biển.

 

      Từ LCM8 Đại-Tá Dõng lên HQ 402. Sau khi xem xét tình trạng HQ 402 và nghe Trung-Úy Hùng trình bày, Đại-Tá Dõng cũng phải lắc đầu, thán phục những người đã có công đưa được HQ 402 đến đây!

 

      Sau khi lái thử, thấy HQ 402 cứ chạy được một chốc lại quay một vòng 30 độ – vì lệnh truyền miệng từ đài-chỉ-huy đến phòng lái mất thời gian tính – Đại-Tá Dõng không dám tự tin vào kinh nghiệm hải vụ của Ông nữa. Lúc này Trung-Úy Hùng lại huy động thêm một toán tác nước, vì nước ngập phòng máy.

 

      Cũng thời điểm này, Phó-Đề-Đốc Nghiêm Văn Phú, bác sĩ Trần Quốc Dũng và rất nhiều quân nhân của những Lực-Lượng Hải-Quân nhập hạm.

 

      Sáng 1 tháng 5, hì hục mãi, Đại-Tá Dõng cũng hướng dẫn HQ 402 ra đến biển. Một Destroyer, thuộc Đệ Thất Hạm-Đội, thấy HQ 402 chạy một chốc lại quay 30 độ thì biết có sự bất thường. Destroyer này muốn đến yểm trợ HQ 402. Nhưng khi Destroyer vừa đến gần, gặp lúc HQ 402 quay, suýt đụng vào Destroyer,  Destroyer hoảng, kéo còi bỏ chạy!

 

      Bất ngờ mọi người ngạc nhiên thấy sự hiện diện của hai người Mỹ trên HQ 402. Nhiều người Việt uất, vì cho rằng Mỹ bỏ rơi Nam Việt-Nam, muốn giết hai người Mỹ này. Trung-Úy Hùng đưa hai người Mỹ lên phòng, bảo vệ họ. Đại-Tá Dõng nhờ hai người Mỹ này gọi Đệ Thất Hạm-Đội, xin tiếp cứu; nhưng hai người Mỹ này không biết tần số liên lạc của Đệ Thất Hạm-Đội.

 

      Đại-Tá Dõng gọi Phó-Đô-Đốc Cang trình bày tình trạng của HQ 402. Cựu Tư-Lệnh Hạm-Đội, Hải-Quân Đại-Tá Nguyễn Xuân Sơn “lên” máy, bảo Đại-Tá Dõng cố đưa HQ 402 đến càng gần Côn-Sơn càng tốt, sẽ có chiến hạm khác trợ giúp.

 

      Sáng 2 tháng 5, chiếc Destroyer hôm qua trở lại, liên lạc vô tuyến hỏi Đại-Tá Dõng về tình trạng HQ 402. Sau khi nghe Đại-Tá Dõng trình bày, Hạm-Trưởng Destroyer chuyển sang HQ 402 một toán chuyên viên kỹ thuật.

 

      Sau 20 phút quan sát, toán chuyên viên trình lên Hạm-Trưởng Destroyer. Hạm-Trưởng Destroyer trình lên Đề-Đốc Tư-Lệnh Đệ Thất Hạm-Đội Hoa-Kỳ.

 

      Lệnh di chuyển tất cả mọi người khỏi HQ 402 được ban hành. HQ 2 được lệnh cặp sát bên hông HQ 402 để đồng bào và quân bạn chuyển sang.

 

      Sau khi kiểm soát, rung chuông nhiều lần mà vẫn không thấy còn ai trên HQ 402, lệnh đánh chìm HQ 402 được thi hành.

 

      3 giờ chiều cùng ngày, hai chiến hạm thuộc Đệ Thất Hạm-Đội Hoa-Kỳ bắn chìm Hải-Vận-Hạm Lam-Giang HQ 402.

 

ĐIỆP MỸ LINH

http://www.diepmylinh.com/

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mới đây ở Việt Nam lại bùng nổ ra một vài vụ tham nhũng khá nghiêm trọng như vụ Vạn Thịnh Phát và Việt Á. Vào đầu năm nay, Transparency International báo cáo kết quả nghiên cứu tình trạng tham nhũng tại 180 nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Nhân dịp này chúng ta duyệt lại tình trạng tham nhũng ở Việt Nam.
Câu nói của cố thủ tướng Việt Cộng là Võ Văn Kiệt rằng ngày 30-4 có một triệu người vui và một triệu người buồn...
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.