Hôm nay,  

Đêm giao thừa đầu tiên trên đất Mỹ

07/02/201600:02:00(Xem: 7346)
Đêm giao thừa đầu tiên trên đất Mỹ
 
Trần Trung Đạo

Tôi xuống máy bay ở phi trường Logan, Boston khoảng 10 giờ tối, một ngày cuối tháng 11, 1981 trong cái lạnh se người. Tôi và T., một người tỵ nạn cùng chuyến và nhỏ hơn tôi vài tuổi, nhìn quanh không thấy ai. Chờ khoảng mười phút, chúng tôi tự động lần mò theo lối đi có chữ Exit để ra ngoài.
.

Bác Tôn Thất Ân làm việc cho Viện Quốc Tế (International Institute of Boston) có trách nhiệm đón chúng tôi ở phi trường. Ngày đó, người đi đón có thể vào tận cửa nhưng bác ngồi chờ ở trạm lấy hành lý vì nghĩ thế nào chúng tôi cũng ra đó trước. Tôi không có hành lý gì cả ngoài một túi nhỏ cầm trên tay, trong đó chứa vài bộ áo quần và những giấy tờ cần thiết. T. cũng thế. Bác thấy chúng tôi nên rời khỏi ghế bước lại gần. Bác Ân không lạnh lùng nhưng cũng không quá miềm nở. Bác làm việc đón đưa mỗi ngày theo phận sự một nhân viên có lương chứ không phải đón mừng một thân nhân từ bên kia trái địa cầu vừa đến. T. có bà con ở Boston còn tôi đến một mình.  Lát nữa, bác Ân sẽ đưa T. đến nhà bà con của chú ấy, và sau đó sẽ mang tôi đến nơi tạm trú đầu tiên trong hành trình tỵ nạn còn mờ mịt và chông gai của mình. Sau này gần gũi bác nhiều hơn, tôi biết bác Ân rất bao dung, rộng lượng và đầy tình nhân ái nhưng tính tình hơi nghiêm nghị. Tôi gặp lại bác Ân nhiều lần khi bác còn ở Boston và luôn nghĩ đến bác như một người ơn lớn của mình.
.

Cuối tháng 11, trời Boston khá lạnh. Với một người đến từ vùng nhiệt đới và cô đơn như tôi càng cảm thấy lạnh hơn nhiều. Nhớ lại vài giờ trước đó, người đón chúng tôi ở phi trường Chicago là một cô gái Việt làm cho cơ quan thiện nguyện. Người con gái Huế có đôi mắt đẹp và giọng nói ngọt ngào, phát cho mỗi người trong đoàn chúng tôi một chiếc áo ấm. Tôi nhỏ con nên muốn một chiếc áo cỡ nhỏ. Người đẹp nhìn tôi như thương hại cho thân hình ốm yếu nhưng lắc đầu và chỉ vào thùng áo cùng một cỡ như nhau. Nếu ở trường Luật Sài Gòn, tôi đã cám ơn đôi mắt ấy một bài thơ tả tình đầy sáo ngữ nhưng ở Chicago hồn thơ cũng đã lạnh cóng như mặt hồ Michigan gần đó. Từ Chicago, đoàn tỵ nạn từ Philippine chia tay nhau lên máy bay nội địa đi về nhiều ngã. Bầy chim xa mẹ vốn lẻ loi lại càng lẻ loi hơn.
.

Bác Ân lái xe đưa chúng tôi ra khỏi phi trường nhưng không đến thẳng khu nhà chúng tôi ở. Bác bảo phải ghé lại Viện Quốc Tế trên đường Commonwealth trước cho biết chỗ vì kể từ ngày mai chúng tôi sẽ phải đến đó nhận tiền ăn cho đến khi được cấp welfare (một loại tiền trợ cấp của chính phủ dành cho người nghèo khó), và cũng luôn tiện lấy thêm đồ dùng. Bác lấy một chiếc nệm mỏng và bảo đó sẽ là của tôi.

Bác đưa T.  về với bà con của chú ấy trước sau đó đưa tôi đến khu nhà số 15 đường Park Vale ở Allston, cách Boston chừng 10 dặm. Khi đó căn nhà đã có nhiều người ở trước. Tôi nhập chung với một số người ở tầng hai. Tầng ba cũng có vài gia đình người Việt trong đó có gia đình anh chị Liêm mà tôi vừa gặp lại ở Atlanta đầu năm nay sau hơn ba mươi năm xa cách. Tôi rất mừng khi gặp lai anh chị. Ngày xưa chúng tôi ở chung một khu nhà nhưng ít có dịp chuyện trò vì đời sống quá tất bật khó khăn. Bây giờ khi bước qua rồi và nhìn lại chúng tôi mới thấy quý khoảng không gian và thời gian chung sống.

Tôi đến sau và được xếp nằm gần cửa sổ nhưng chắc không phải là một ưu tiên. Nằm gần cửa kính thường lạnh hơn và  gió lọt vào. Sau này mới có giường nhưng mấy tháng đầu ai cũng nằm dưới sàn gỗ. Cảm giác bất an tràn ngập kín trong lòng. Tất cả đều xa lạ. Từ những người chung quanh đến cảnh vật mùa đông, không ai và không có một ngoại cảnh nào có thể gọi là cảm thông, chia sẻ với mình.  
.

Đúng như lời cô gái Việt ở Chicago cảnh cáo, Boston chào đón tôi bằng những cơn bão tuyết triền miên suốt mùa đông đầu rét buốt. Đêm giao thừa của ngày Tết Việt Nam đầu tiên trên nước Mỹ không có bánh chưng xanh, không có rượu nồng pháo nổ, không một lời chúc tụng ngoại trừ âm hưởng của những bông tuyết trắng bị gió đùa vào cửa sổ. Tôi đã băng qua nhiều ngọn núi trong đời mình nhưng những năm đầu trên đất Mỹ là ngọn núi cao nhất. Tôi phải vượt qua, nếu không, tất cả các thành tựu trong quá khứ sẽ trở thành vô nghĩa.
.

Đúng giao thừa, người anh lớn tuổi nhất trong nhà đang cặm cụi sửa soạn một bàn thờ nhỏ trong phòng khách để cúng ông bà. Bàn thờ đơn giản, chỉ một lon hương, hai cây đèn, một nải chuối và một bình hoa.

Thấy anh chuẩn bị cúng, tôi và những người ở cùng nhà ra khỏi phòng, nghiêm trang đứng sau lưng anh. Anh khấn vái xong, chúng tôi, những kẻ không họ hàng, thân thuộc gì với nhau, cũng lần lượt mỗi người thắp một cây hương, cúi đầu vái ba vái. Không biết vái về đâu và cũng không biết từ phương Đông xa xôi, tổ tiên ông bà có nghe được lời cầu nguyện của những đứa con đang lạc loài trên đất khách. Không có tiếng khóc trong đêm giao thừa đầu tiên nhưng lòng ai cũng nặng trĩu ngậm ngùi..

Không nói ra, nhưng hình như người nào cũng sợ phải đối diện với nỗi cô đơn, lạc lõng trong đêm giao thừa. Chúng tôi, thay vì về lại phòng mình, ngồi quây quần nhau chung quanh chiếc bàn dài. Vài đĩa cánh gà chiên. Vài lon bia. Một bình trà. Những bầu tâm sự. Mẹ già. Người yêu. Bè bạn. Những câu chuyện vượt biên hồi hộp và gian khổ.
.

Có một điều không ai trong chúng tôi đã hối tiếc việc ra đi. Chúng tôi kể lại cho nhau nghe chặng đường nguy hiểm của mình một cách hảnh diện. Thành quả dù lớn hay nhỏ cũng đều có giá và tự do thường phải trả giá đắt nhất, đôi khi bằng chính mạng sống của con người. Năm 2010, nhân ngày 30 tháng 4 đài VOA có phỏng vấn tôi lý do ra đi và tôi trả lời, bởi vì “Quê hương Việt Nam sau 30-4-1975 là quê hương để nhớ để thương chứ không phải để sống”.
.

Và như thế, tôi đón cái Tết đầu tiên với những người xa lạ nhưng vô cùng cần thiết trong đời sống mới, những người đã gọi nhau là đồng hương và tôi cũng được hưởng thêm một tình cảm mới mà chúng tôi gọi là tình đồng hương. Giống như một gia đình, lắm khi vui và cũng có khi buồn nhưng từ những bước đầu khó khăn, nhỏ nhoi và vui buồn đó, cộng đồng Việt Nam đã được sinh ra và lớn lên vững mạnh đến hôm nay.

Trần Trung Đạo

 




.
.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Với sự miễn nhiệm ba nhân vật ở vị trí lãnh đạo quốc gia như Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội của Việt Nam chỉ trong vòng một năm từ năm 2023 đến năm 2024 vì lý do ba nhân vật đó thiếu liêm chính đã dẫn đưa người ta có cái nhìn về viễn ảnh trước mắt là sự khủng hoảng cơ cấu và sự bất ổn kinh tế làm cho giới đầu tư nước ngoài e dè, thận trọng, và chuyển hướng đầu tư sang các quốc gia khác...
Mỗi khi tai qua nạn khỏi hay gặp một điều lành, chúng ta đều nhắc tới chữ Phúc Đức: “Nhờ phúc ông bà nên tôi vừa thoát nạn.” “Nhờ phúc nhà nên cháu vừa thi đỗ.” “Cầu phúc tổ tiên cho được mẹ tròn con vuông.”...
Có 6 loại cán bộ, đảng viên sẽ bị loại khỏi thành phần Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa XIV, nhưng tiêu chuẩn người được chọn “vẫn cũ như trái đất”...
Ông Bill Burns, Trùm CIA, hôm 19/04/24, cảnh báo « Ukraine có thể thua cuộc chiến sanh tử với Poutine từ đây tới cuối năm ». Lời tuyên bố đưa ra trước hôm Hạ viện Huê kỳ biểu quyết có nên tháo khoán 61 tỷ USD để giúp Ukraine hay không? Nay thì Ukraine có 61 tỷ, và còn thêm phần viện trợ của Otan nữa, để tăng cường khả năng quân sự và cả kinh tế để đối đầu với Poutine. Vậy tới cuối năm, chiến tranh Ukraine sẽ kết thúc và thắng lợi sẽ ngả về phía Ukraine?
Thời gian còn làm Trung Sĩ Thông Dịch Viên trong Bộ Tư Lệnh Lục Quân Hoa Kỳ ở căn cứ Long Bình, Việt Nam vào năm 1969, trước khi tôi được chuyển sang phục vụ trong ngành phi hành của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa, thì tôi có dịp tháp tùng phái đoàn Dân Sự Vụ (Civic Action) Lữ Đoàn 18 Quân Cảnh Hoa Kỳ (U.S. 18th Military Police Brigade) đi công tác ở Nhật Bản. Cũng trong chuyến công du này tôi đã phát hiện ra rằng, Nhật Bản là một quốc gia thực thi được chính sách phát triển kinh tế làm thịnh vượng cho toàn thể xã hội, và xóa bỏ được nhiều điều bất công...
Trong bất kỳ cuộc đấu tranh nào, cần phải phân loại, xác định rõ ràng các loại “địch” để tìm cách đối phó hoặc vận động gây cảm tình làm đồng minh, tùy loại địch. Mọi người thường nói, “biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng” là vậy.
Chỉ trong vòng 465 ngày (26/04/2024-17/01/2023) đảng CSVN đã trải qua 3 cuộc khủng hoảng lãnh đạo thượng tầng chưa từng có trong lịch sử. Người duy nhất vẫn “vững như bàn thạch” là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, 80 tuổi, nhưng ai sẽ thay ông Trọng để lãnh đạo đảng, sau Đại hội toàn quốc tháng 01 năm 2026 là câu hỏi chưa có câu trả lời...
Mới đây ở Việt Nam lại bùng nổ ra một vài vụ tham nhũng khá nghiêm trọng như vụ Vạn Thịnh Phát và Việt Á. Vào đầu năm nay, Transparency International báo cáo kết quả nghiên cứu tình trạng tham nhũng tại 180 nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Nhân dịp này chúng ta duyệt lại tình trạng tham nhũng ở Việt Nam.
Câu nói của cố thủ tướng Việt Cộng là Võ Văn Kiệt rằng ngày 30-4 có một triệu người vui và một triệu người buồn...
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.