Hôm nay,  

Bài 3: Trường Trung Học Cộng Đồng Quận 6 Sài Gòn: Các Chuyện Ít Người Nói Đến

08/09/201500:00:00(Xem: 6508)

Trường Trung học Cộng đồng Quận 6 là một trường rất nhỏ, chỉ bắt đầu khai giảng lớp học đầu tiên vào cuối năm 1968 trong căn nhà tiền chế đơn sơ với vài ba phòng học. Rồi sau năm 1975 chẳng bao lâu, thì trường lại bị cho giải thể và học sinh được phân tán đi các trường khác. Vì thế mà ngày nay, ngọai trừ một số rất nhỏ cựu học sinh đã từng theo học tại trường, thì ít có ai còn biết đến sự hiện hữu của cơ sở giáo dục này nữa.

Là một người có tham gia trong việc vận động thành lập của trường, tôi xin ghi lại một số chuyện ngộ nghĩnh xung quanh cái ngôi trường nhỏ bé vừa “sinh sau đẻ muộn” – mà lại cũng “yểu mệnh vắn số” này. Xin lần lượt trình bày câu chuyện qua mấy mục như sau.

I – Lai lịch về cơ sở vật chất của ngôi trường.

Vào năm 1966, ông Mai Như Mạnh, Quận trưởng Quận 6, có sáng kiến mời một số nhà doanh nghiệp tại địa phương cùng họp lại với nhau để thiết lập một cơ sở nhằm trưng bày và quảng cáo cho những sản phẩm công kỹ nghệ được sản xuất trong quận. Ông nói: “Trước đây, tôi có dịp đi tham quan tại Đài Loan và Nhật Bản, tôi thấy nơi nào họ cũng có những trung tâm trưng bày sản phẩm kỹ nghệ như thế…” Ý kiến này được nhiều người hoan nghênh và đưa đến việc cấp tốc xây dựng một ngôi nhà tiền chế trên khu đất trống nằm sát cạnh bến xe Chợ Lớn mới ở góc đường Phạm Đình Hổ và Trương Tấn Bửu.

Nhằm lôi cuốn giới tiêu thụ đến quan sát tại phòng trưng bày này, ban tổ chức dự định khai trương cơ sở vào dịp Tết Đinh Mùi đầu năm 1967 kèm theo với một số gian hàng bán hàng hóa thông dụng và đồ ăn, nước uống v.v...Tất cả các gian hàng này được dựng lên bên cạnh phòng trưng bày sản phẩm và được gọi với cái tên chung là Khu Chợ Tết. Và vì cái danh xưng “Chợ Tết” này, mà sóng gió nổi lên dữ dội từ một phiên họp của Hội Đồng Đô Thành ở trung tâm Sài gòn. Các nghị viên tới tấp phản đối chuyện tổ chức “Chợ Tết”, họ coi đây là một thứ “Hội Chợ” (Foire) nhằm kiếm tiền bỏ túi cho cá nhân. Đó là một thứ việc làm “bất hợp pháp” vì không có giấp phép đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền v.v...

Cuối cùng, thì Bác sĩ Văn Văn Của là Đô trưởng vẫn đến khu Chợ Tết để cắt băng khánh thành – như vậy là đã mặc nhiên coi là việc này không có chi là trái luật và để bà con cứ tiếp tục vui chơi nhân dịp đón xuân mới.

Tuy vậy, do có sự chỉ trích của các nghị viên thành phố như đã nói ở trên, mà sau đó giới chủ nhân các công ty xí nghiệp ở địa phương – mà phần đông là người gốc Hoa - đâm ra chán nản không còn thiết tha gì với chuyện tiến hành hòan tất trung tâm trưng bày sản phẩm công kỹ nghệ nữa. Vì thế mà trong suốt năm 1967, khu nhà tiền chế rộng tới 5 gian với sườn sắt, mái và vách đều được che bằng tôle vẫn còn để im lìm trống vắng không được sử dụng vào việc gì nữa cả.

Mãi đến khi chiến cuộc mở rộng hồi Tết Mậu Thân năm 1968, thì bà con các nơi có chiến trận mới đổ xô vào lánh nạn tại khu nhà tiến chế này. Và từ đó mà nơi đây đã biến thành một trại tạm cư cho các nạn nhân chiến cuộc phải bỏ nhà cửa ở các khu vực kế cận trong suốt hai đợt tấn công liên tục của bộ đội cộng sản xuất phát từ tỉnh Long An vào thành phố.

Sau khi chiến sự lắng đọng, bà con lại kéo nhau trở về nhà mình và trả lại khu nhà tiền chế lại cho chính quyền địa phương. Nhờ thế mà Chương trình Phát triển chúng tôi mới nghĩ đến chuyện sử dụng khu nhà đó để làm trường sở cho Trường Trung Học Cộng Đồng Quận 6. Thành ra, khu nhà này tuy không còn được sử dụng cho mục tiêu kinh tế thương mại như dự trù lúc ban đầu nữa, thì nay lại được biến thành một cơ sở giáo dục. Đó cũng là một cách phục vụ lợi ích chính đáng của cộng đồng địa phương mà thôi.

2 – Chuyện vận động xin phép mở trường với Bộ Giáo Dục.

Dân số trong quận 6 vào năm 1967 có đến trên 250.000 người. Vì thế mà vào năm 1970, chính quyền phải thiết lập thêm một đơn vị mới nữa là quận 11 bằng cách chia bớt lãnh thổ của quận 6 sang cho quận mới này. Dân số quá đông như vậy, nên cần phải mở thêm trường học, đặc biệt là trường trung học cho các học sinh trong quận. Đó là mối quan tâm nóng bỏng của các phụ huynh mà chúng tôi không thể nào xem nhẹ được.

Với kinh nghiệm thu thập được từ chuyện vận động thành công để thành lập được trường trung học cộng đồng ở quận 8 từ mấy năm trước - nên lần này anh chị em trong chương trình phát triển chúng tôi cũng lại hướng dẫn đại diện phụ huynh học sinh mang thư thỉnh nguyện đến trình bày với các giới chức có thẩm quyền tại Bộ Giáo Dục để xin được phép mở trường ở quận 6. Chúng tôi còn phải nhờ đến các vị Nghị sĩ, Dân biểu và cả đến giới truyền thông báo chí để họ cùng lên tiếng kêu gọi tiếp tay với các phụ huynh tại quận 6 để xin cấp trên cho thiết lập trường trung học trong quận.

Mà nhờ đã có sẵn cơ sở vật chất là khu nhà tiền chế cộng với một số bàn ghế mới đóng sẵn, nên ban vận động (gồm đại diện các phụ huynh và đại diện chương trình phát triển) mới dễ thuyết phục được cấp lãnh đạo ở Bộ Giáo Dục thỏa thuận cấp giấy phép cho trường được thành lập. Chúng tôi phải cam kết với Bộ Giáo Dục rằng: Địa phương chúng tôi chịu trách nhiệm hòan tòan về việc xây dựng nhà cửa và trang bị bàn ghế cho tòan bộ các lớp của trường. Đổi lại về phần mình, thì Bộ Giáo Dục chỉ phải cử các thầy cô giáo đến trường để lo việc giảng dậy mà thôi.

Và cuối cùng, nhờ sự thúc đảy đặc biệt nhiệt tình của Giáo sư Lê Thanh Minh Châu lúc đó giữ chức vụ Phụ Tá Bộ Trưởng Giáo Dục đặc trách về kế hoạch, mà trường trung học cộng đồng quận 6 được giấy phép thành lập và bắt đầu khai giảng mấy lớp học đầu tiên kể từ niên khóa 1968 – 69.

Giáo sư Nguyễn Đức Tuyên được bổ nhiệm là vị Hiệu trưởng tiên khởi của trường. Với kinh nghiệm lâu năm trong ngành giáo dục, Hiệu trưởng Tuyên đã kiên trì cùng với tập thể các thầy cô giáo thiết lập được một nền nếp trật tự ngăn nắp cho ngôi trường mới mẻ và khiêm tốn này. Và với quy chế công lập, nên học sinh không phải đóng học phí như ở các trường tư thục. Mà phụ huynh chỉ phải góp một lệ phí là một số tiền rất nhỏ - để dùng vào việc bảo trì trường lớp, tân trang sửa chữa bàn ghế mà thôi.

Sau mấy năm, thì giáo sư Tuyên lại thuyên chuyển đi nơi khác và giáo sư Võ Văn Bé được bổ nhiệm vào chức vụ Hiệu trưởng thay thế giáo sư Tuyên. Và giáo sư Bé tiếp tục giữ nhiệm vụ này trong ít lâu sau năm 1975 trước khi xin nghỉ việc ra khỏi ngành giáo chức để tham gia vào ngành chế biến hóa chất.

Vì đây chỉ là một trung học đệ nhất cấp – tức là chỉ dậy có 4 lớp từ lớp 6 đến lớp 9 - nên học sinh học hết lớp 9 ở trường này, thì phải chuyển lên học tiếp lớp 10 ở một trung học đệ nhị cấp mà cụ thể ở quận 6 là trường Mạc Đĩnh Chi cũng là một trường công lập.

3 – Mối liên hệ của Trung Học Cộng Đồng với Chương Trình Phát Triển.

Mới gần đây, có một em cựu học sinh của trường Lương Văn Can tức Trung Học Cộng Đồng Quận 8 có hỏi tôi đại khái như thế này: “Em là dân ở quận 8, hồi trước năm 1975 em theo học ở trường Lương Văn Can, mà vì còn nhỏ tuổi em cũng không biết gì về mối liên hệ của trường đó với chương trình phát triển quận 8 ra sao. Xin thày vui lòng giải thích cho em với…”

Tôi đã giải thích cho em đại lược như thế này: “Chương trình Phát triển chúng tôi họat động trong cả 3 quận 6,7 và 8 trong 6 năm từ năm 1965 đến năm 1971. Bắt đầu ở quận 8 trước nhất từ năm 1965, sau đó kể từ năm 1966 thì nới rộng phạm vi họat động sang quận 6 và 7. Chúng tôi chủ trương phát triển về mọi mặt như chỉnh trang gia cư, cải thiện môi trường, chăm sóc y tế -ưu tiên cho bà con tại các khu xóm ngõ bình dân lao động. Và đặc biệt là mở mang giáo dục cả về phổ thông cũng như về huấn nghệ v.v…

Riêng về 2 trường trung học cộng đồng ở quận 6 và quận 8, thì chương trình chúng tôi góp nhiều công sức để vận động xin Bộ Giáo Dục cho phép thành lập và chúng tôi yểm trợ trong việc xây cất trường sở cũng như trang bị bàn ghế lúc ban đầu. Nhưng khi cơ sở trường học đã hòan tất và các giáo sư do Bộ Giáo Dục cử về bắt đầu giảng dậy ở trường, thì chương trình chúng tôi đã hòan tất trách nhiệm trong việc vận động rồi. Và từ lúc đó trở đi, chúng tôi không thể can dự vào sự điều hành của nhà trường nữa.”

Nghe tôi giải thích như thế, em hiểu ngay và nói với tôi như thế này: “Có thể ví như chương trình là một công ty xây dựng, sau khi xây xong ngôi nhà rồi, thì công ty trao căn nhà đó cho sở hữu chủ để họ tòan quyền sử dụng – mà nói theo ngôn ngữ hiện nay, thì đó là phương thức “Chìa Khóa Trao Tay.”

Nhân tiện, tôi cũng xin nhắc lại là vào hồi thập niên 1960, thì thủ tục xây dựng một trường học mới đòi hỏi Bộ Giáo Dục phải tham khảo trước với Bộ Tài Chánh để xem đã có ngân sách dành riêng cho ngôi trường đó chưa. Do đó mà Bộ Giáo Dục không thể dễ dàng tùy tiện để mở thêm trường mới được. Vì biết rõ tình trạng bế tắc bị động như vậy của Bộ Giáo Dục, nên chương trình chúng tôi dựa vào “cái thế chủ động của quần chúng nhân dân” mà phát động “Đi Bước Trước” – tức là địa phương quận 6 và 8 chúng tôi tự nguyện đứng ra xây cất trường sở và đóng bàn ghế sẵn trước.Và Bộ chỉ có mỗi một việc là cử giáo sư về dậy học mà thôi.

Và đó là nguyên do chính yếu của sự thành công trong việc thuyết phục được giới lãnh đạo của Bộ Giáo Dục chấp thuận cho thành lập Trung Học Cộng Đồng Quận 8 từ năm 1966 và Trung Học Công Đồng Quận 6 từ năm 1968.

4 – Để tạm kết thúc.

Vì chưa được thông tin đày đủ về sinh họat của các cựu học sinh Trung học Cộng đồng Quận 6, nên tôi hy vọng các bạn trẻ này sẽ bổ túc cho bài viết bằng những tư liệu và hình ảnh liên hệ đến “trường xưa, bạn cũ” - để giúp cho bà con độc giả hiểu biết thấu đáo hơn về một cơ sở giáo dục của địa phương quận 6 mà đã xuất hiện cách nay trên 47 năm rồi. Mong lắm thay.

San Jose California, Tháng Chín 2015

Đoàn Thanh Liêm

Ý kiến bạn đọc
09/09/201503:57:19
Khách
Kinh chao Ong Liem !
Rat vui khi doc bai viet ve ngoi truong < Truong tan Buu > , cung con goi la < trung hoc Quan 6 . Vi toi va mot so ban cung la Cuu hoc sinh cua truong khoang nam 70 - 75 . Toi nho co nam truong to chuc di cam trai o bai Chi Linh - Vung Tau bang tau HQ cua HQVN dua di , rat vui va doan ket .
Mong rang AI la Cuu hoc sinh Quan 6 nam xua , muon lien lac tim ban cu , thi hay len tieng de chia se nhung buon vui , ky niem Doi Hoc Sinh . Cam on .
Cam on bai viet cua Ong Doan Thanh Liem , hay lam
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mới đây ở Việt Nam lại bùng nổ ra một vài vụ tham nhũng khá nghiêm trọng như vụ Vạn Thịnh Phát và Việt Á. Vào đầu năm nay, Transparency International báo cáo kết quả nghiên cứu tình trạng tham nhũng tại 180 nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Nhân dịp này chúng ta duyệt lại tình trạng tham nhũng ở Việt Nam.
Câu nói của cố thủ tướng Việt Cộng là Võ Văn Kiệt rằng ngày 30-4 có một triệu người vui và một triệu người buồn...
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.