Hôm nay,  

Trung Quốc Đóng Chốt Trung Á

28/05/200500:00:00(Xem: 5287)
Uzbekistan và Trung Quốc vừa ký kết 14 thỏa ước, mở màn cho cho việc Bắc Kinh đóng chốt Trung Á. Hoa Kỳ tính sao"...
Mở đầu cho ba ngày thăm viếng Bắc Kinh, hôm 27 vừa qua, Tổng thống Islam Karimov của Uzbekistan đã cùng Chủ tịch Hồ Cầm Đào giám sát lễ ký kết 14 thỏa ước hợp tác về kinh tế, kỹ thuật, năng lượng và an ninh giữa hai nước.
Uzbekistan là nước Cộng hòa Trung Á vừa nổi tiếng thế giới về vụ tàn sát mấy trăm người biểu tình chống đối tại thị trấn Andijan, cũng tàn bạo như vụ Thiên an môn tại Bắc Kinh năm 1989, và Tổng thống Karimov là người bị quốc tế lên án nặng nề vì vụ thảm sát này. Truyền thông quốc tế ít loan tải tin tức về vụ ký kết này. Thực ra, với dân số có 26 triệu, vụ giết hại khoảng 400 người tại Uzbekistan có thể sánh với một vụ tàn sát tám triệu người trong dân số một tỷ 250 triệu của Trung Quốc vào năm xảy ra biến cố Thiên an môn.
Nhưng, với giới lãnh đạo hai nước, đó là chuyện nhỏ.
Chuyện lớn là Trung Quốc đang tìm cách đóng chốt tại Trung Á, và kế hoạch này tất nhiên được Bắc Kinh chuẩn bị từ lâu, trước khi làn sóng dân chủ quét qua nước Cộng hòa Trung Á lân cận là Kyrgyzstan mà nhiều dư luận cho là có bàn tay khích động của Hoa Kỳ.
Trước khi đi vào nội vụ, có lẽ phải mở lại chút địa dư lịch sử Trung Á, vùng đất lạ mà quen của Trung Hoa.
Trung Á hoang vu và bất ổn
Trung Á như ta hiểu ngày nay, gồm năm nước Cộng hòa có tổng số khoảng 60 triệu dân trên một diện tích bát ngát giữa một vùng ít người nhất của đại lục địa Âu-Á. Đó là Kazahkstan - nước giàu nhất, là Kyrgyzstan, Takjikistan, Turmenistan và Uzbekistan - nước đông dân nhất.
Khu vực này chỉ toàn sa mạc, thảo nguyên (đồng cỏ dại) và núi non, ngoại trừ một thung lũng trù phú nhất là thung lũng Fergana, được cả năm nước cùng chia sẻ và khai thác. Nơi đây, dân chúng vẫn sinh sống từ mấy ngàn năm trong tinh thần bộ tộc, đa số là du mục, nhận mệnh lệnh từ tộc trưởng, và thường xuyên tranh giành miếng sống với nhau vì sự hoang vu khắc nghiệt của thiên nhiên. Nơi đây, ý niệm quốc gia như ta thấy từ thế kỷ 19 qua suốt thế kỷ 20 vẫn là điều mới lạ, y như sản xuất kỹ nghệ hay khai thác tài nguyên khoáng sản.
Khu vực trống trải này là vùng đất không người, khiến các đế quốc lân bang đã đòi kiểm soát, như Hy Lạp, Ả Rập, Trung Hoa, Ba Tư (Persian - xứ Iran ngày nay). Bốn thế kỷ trước Công nguyên, người Trung Hoa cũng đã để ý đến khu vực nay và mở đường thông thương với các nước Nam Á hay Cận Đông - tiền thân của con đường tơ lụa nổi tiếng. Mãi tới giữa thế kỷ 11, dân Seljuk của tộc Thổ phồn (Turk) mới thiết lập được ách cai trị kéo dài được gần 200 năm thì bị quân Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn khuất phục vào thế kỷ 13. Cuối thế kỷ 14, một bậc hùng tài là Timur (Tamerlane) đã đẩy lui quân Nguyên Mông và lập ra một đế quốc kéo dài hơn trăm năm cho con cháu. Đầu thế kỷ 16, một bộ tộc Thổ-Mông là Shaybani Uzbek kết thúc đế quốc Timurid và cai trị khu vực này cho tới khi Đế quốc Nga của các Sa hoàng bước vào, khoảng giữa thế kỷ 18 và đặt ách thống trị từ giữa thế kỷ 19 cho đến ngày Đế quốc Xô viết xuất hiện, thay thế và tồn tại đến năm 1991.
Tóm lại, khu vực bát ngát này là đất săn của các đế quốc lân cận, và mỗi khi các bộ tộc địa phương bị suy yếu - có khi vì tương tranh - khoảng trống chính trị nơi ấy trở thành một cám dỗ cho các đế quốc vây quanh, là điều đang xảy ra.
Trong các đế quốc từng ngự trị trong vùng, Liên bang Xô viết đã gây nhiều ảnh hưởng nhất.
Chế độ Cộng sản cưỡng bách hợp tác hóa, công nghiệp hóa và đô thị hóa một vùng đất hoang vu được họ đặt tên là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Tự trị Turkestan. Họ xây cầu đường để mở rộng giao thông, phát triển hệ thống giáo dục và cải tạo theo ý thức hệ cộng sản. Họ tiêu diệt đạo Hồi và tuyên truyền cho chủ nghĩa, đồng thời lập ra các tổ chức tôn giáo quốc doanh để kiểm soát sinh hoạt tư tưởng.
Đến thời Stalin, thấy xứ Cộng hòa Tự trị quá lớn này có thể là một rủi ro cho đế quốc nên Stalin áp dụng chánh sách chia để trị. Lần đầu tiên trong lịch sử của khu vực, năm nước Cộng hòa đã ra đời, theo lối phân ranh quái đản của chế độ Xô viết.
Stalin không chia để trị toàn khu vực mà còn chia để trị từng nước Cộng hòa. Các bộ tộc bị dời khỏi đất tổ sống lẫn với bộ tộc khác trong tinh thần nghi kỵ có lợi cho chính quyền trung ương ở Moscow. Đã vậy, đây còn là vùng "kinh tế mới" của các thành phần bất hảo được đầy tới đó: dân Cao Ly tại vùng Viễn Đông của Liên xô hay dân Chechen tại vùng Caucasus vì dốn tới để sinh sống cùng các bộ tộc bản xứ, dưới sự cai trị của đảng viên cán bộ Nga.
Đường lối tai ác ấy giờ đây vẫn di hại trong cộng đồng các sắc tộc sinh sống trong từng nước Cộng hòa. Ý niệm "quốc gia" của Tây phương đã xuất hiện dưới hình thái quái đản và lệch lạc của Liên xô và thực ra chưa thấm nhập trong dân chúng: họ chưa có ý thức là công dân một nước mà chỉ có phản ứng liên thuộc của từng bộ tộc. Vậy mà ranh giới kỳ quặc đó giữa năm nước ngày nay vẫn được quốc tế công nhận - và đành chấp nhận luôn rất nhiều mầm mống xung đột bên trong.
Đã vậy, Liên xô còn áp đặt một chánh sách thuộc địa tệ lậu hơn chế độ thuộc địa Tây phương mà Tây phương và cả người cộng sản da màu - như Hồ Chí Minh - không hề biết. Hoặc có biết cũng câm. Khu vực này cung cấp nguyên vật liệu, khoáng sản, nông phẩm và bán chế phẩm cho chính quyền trung ương và được phân phối lại các tiêu thụ phẩm được chế biến nơi khác. Năm nước Cộng hòa này không có khả năng sản xuất tự túc và phải tranh giành ảnh hưởng với nhau để phục tùng Moscow cho ngoan ngoãn hơn hầu giành phần hơn trong nhân sách. Thành phần ưu tú của họ chỉ còn đường tiến thân là trở thành cánh tay nối dài của Moscow để cai trị dân bản địa theo đúng chủ trương của trung ương. Đa số lãnh đạo Trung Á thồi nay đều từng là đảng viên cộng sản của chế độ Xô viết thời xưa.
Khi chế độ này sụp đổ năm 1991, kinh tế Trung Á lập tức bị khủng hoảng vì hết tiền, thiếu phương tiện sản xuất độc lập, và một số nhân sự người Nga có hiểu biết về chuyên môn hay quản lý thì đã trở về Nga. Đã vậy, mọi luồng giao thông vận tải - kể cả ống dẫn dầu hay khí đốt - lại chỉ nối liền từng nước với Moscow, chứ không giúp gì cho việc trao đổi buôn bán giữa năm nước với nhau để cầm hơi. Tình trạng bi thảm ấy kéo dài mất nhiều năm và chỉ tạm ổn định khi các tổ chức quốc tế bước vào giúp đỡ. Một di sản văn hóa có hậu quả kinh tế tai hại là dưới chế độ Xô viết rồi sự hoang tàn hậu cộng sản, tham nhũng là giải pháp sinh hoạt phổ biến, không là một điều xấu! Còn dân chủ hay tinh thần quốc gia thì chỉ có trên giấy.
Tai hại hơn thế là sự xuất hiện của Thánh chiến Hồi giáo - là xu hướng Hồi giáo cực đoan, coi đấu tranh võ trang và khủng bố là giải pháp phải đạo.
Hồi giáo hồi sinh và dân chủ nảy mầm
Khoảng trống chính trị và tư tưởng do Liên xô để lại đã gây phản ứng dội ngược là sự phục sinh của đạo Hồi. Nhưng trong khi đa số dân chúng tìm đến Hồi giáo như nơi nương tựa về tư tưởng và tâm linh thì các nhóm Thánh chiến đã xâm nhập từ bên ngoài. Chủ yếu là từ Saudi Arabia với các trưởng giáo theo khuynh hướng Wannabist và từ Pakistan với các trưởng giáo theo khuynh hướng Deobandist - thuộc dòng Sunni. Các khuynh hướng này đã góp phần tạo ra al Qaeda hay chế độ Taliban tại Afghanistan. Cuộc kháng chiến chống Liên xô tại đây là cơ hội phát triển các lực lượng Thánh chiến trong vùng Trung Á, dù chưa lôi cuốn được dân cư địa phương.
Nhưng khi Liên bang Nga bị nguy cơ ly khai, tại Chechnya và nhiều vùng khác, nhân danh nhu cầu diệt trừ khủng bố, chính quyền Moscow mở cuộc truy lùng và tàn sát mọi mầm mống đối lập Hồi giáo. Chính sách ấy gặp phản tác dụng và là nguồn cổ võ cho các nhóm Hồi giáo cực đoan nhất cho Thánh chiến Jihad.
Khu vực Trung Á vì vậy là một thùng thuốc súng, với nền kinh tế kiệt quệ, hiềm khích giữa các sắc tộc bị hòa lẫn với nhau và cả xung đột của dân bản địa với cán bộ Nga hay thành phần công nhân viên chức thân Moscow. Vì vậy, năm 1993, nội chiến đã bùng nổ tại Tajikistan và kéo dài năm năm, khiến 10 vạn người thiệt mạng. Lúc đó, dư luận quốc tế còn nhìn qua chỗ khác, cho đến tháng Ba vừa qua mới chú ý đến vùng này, khi dân biểu tình đã khiến Tổng thống Askar Akayev của Kyrgyzstan phải từ chức. Lúc ấy, người ta mới biết đến sự bất mãn lan rộng của quần chúng và một hy vọng nảy mầm dân chủ vẫn còn mong manh.

Suốt thời nhiễu nhương ấy, Bắc Kinh vẫn theo dõi tình hình.
Thiên triều nhập cuộc
Tại Trung Á, Uzbekistan là nước đông dân nhất, có sức mạnh quân sự đáng kể nhất, mà cũng là nơi tích tụ các mâu thuẫn tiêu biểu nhất cho toàn khu vực.
Nếu tài nguyên dầu khí tại Cộng hòa Kazahkstan tương đối được phân phối đồng đều xuống tới người dân và xứ này tương đối thịnh vượng hơn cả, thì bốn nước kia lại không được vậy. Riêng Uzbekistan lại là tệ nhất, dù quốc gia này có khá nhiều tài nguyên, kể cả về nông nghiệp. Tài sản và quyền lực thường tập trung vào tay một thiểu số các bộ tộc hay gia đình thống trị trong khi dân số tăng trưởng mạnh đã khiến một thành phần rất trẻ, thất nghiệp vì không được giáo dục đào tạo đúng mức đang là ngòi nổ cho những chấn động chính trị.
Từ đầu năm 2005, tình hình Trung Á bắt đầu chuyển động do những bất công dẫn tới bất mãn và do những tiền lệ đã xảy ra tại Georgia và Ukraine. Kyrgyzstan là nơi đầu tiên trong vùng mà sự nổi loạn của một số dân chúng đã khiến tổng thống đương nhiệm phải bỏ chạy.
Hôm 12 tháng Năm, vị chỉ huy bộ máy an ninh (KGB cũ) Liên bang Nga là Nikolai Patrushev đã tố cáo trước Hạ viện Duma là các thế lực nước ngoài đang chuẩn bị những cuộc nổi dậy khác, tương tự như cuộc Cách mạng Da cam tại Ukraine, để phá hoại ảnh hưởng của Nga trong vùng Trung Á. Patrushev nói rằng với phương pháp tân kỳ và qua chương trình giáo dục và viện trợ kỹ thuật của các tổ chức ngoài chính phủ (NGOs), bộ máy an ninh đối ngoại của các thế lực ngoại quốc đang tuyên truyền trong dân chúng và nhắm vào nhân sự lãnh đạo các nước Trung Á.
Patrushev tố cáo thẳng, rằng đấy là hoạt động tình báo của Hoa Kỳ, Anh, Saudi Arabia và cả Kuweit. Đáng chú ý là trùm tình báo Patrushev đưa ra lời cáo buộc trước Hạ viện Nga, nghĩa là phải có sự đồng ý của Tổng thống Vladimir Putin.
Đáng chú ý hơn nữa là trong khi ấy, Bắc Kinh vẫn nín thinh, mặc dù làn sóng dân chủ hay cơn chấn động chính trị Trung Á đã lan đến rặng Thiên San và gây ảnh hưởng trực tiếp đến Khu Tự trị Tân Cương của Trung Quốc, nơi có nhiều tài nguyên khoáng sản và dầu khí và là vùng sinh sống của sắc tộc Uighur theo Hồi giáo (tùy phiên âm mà gọi là Hồi hột, Đột quyết hay Duy Ngô Nhĩ, theo cách gọi của Bắc Kinh).
Từ khi vụ tàn sát xảy ra vào trung tuần tháng Năm tại Andijian, chính quyền của Tổng thống Islam Karimov tại Thủ đô Tashkent bị thế giới lên án và bị cô lập. Các đại cường trong vùng dù có muốn hỗ trợ Karimov cũng ở vào thế kẹt. Các đại cường đó là Nga, Trung Quốc và Ấn Độ.
Ấn Độ thì ở quá xa và cũng không có thế lực đủ mãnh để kết ước với Uzbekistan, chưa kể tới mối quan tâm ưu tiên hiện nay là cải thiện quan hệ với Pakistan để ổn định vùng Kashmir. Liên bang Nga cũng ở vào hoàn cảnh tế nhị khi phải bênh vực một việc quá sai trái như vậy. Chính Moscow còn phải yêu cầu quốc tế mở cuộc điều tra để làm sáng tỏ nội vụ. Chỉ còn Trung Quốc. Bắc Kinh nín thinh.
Mục đích của đôi bên
Usbekistan của Karimov nhìn vào Bắc Kinh như nguồn yểm trợ và sức bảo vệ sau cùng vì chẳng còn ai. Đi với Trung Quốc còn có lợi hơn nữa vì Bắc Kinh không đòi hỏi diều kiện tiên quyết là cải thiện nhân quyền và xây dựng dân chủ như các nước Tây phương, chủ yếu là Mỹ và Anh, vẫn yêu cầu. Lãnh đạo dân Uzbek quanh Tổng thống Karimov cho rằng viện trợ của Tây phương có nhiều điều kiện chính trị quá nguy hiểm cho chế độ và đi với Bắc Kinh có thể là an toàn hơn, như lập luận của một số lãnh đạo trong đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay.
Ngược lại, Trung Quốc nhìn ra nhiều mối lợi trong quan hệ với Tashkent nên đã lặng lẽ chuẩn bị kế hoạch hợp tác.
Xứ này nằm giữa vùng Trung Á - tiếp giáp với cả bốn nước kia - có nhiều tài nguyên quý báu cho kinh tế Trung Quốc, và là nơi mà một liên minh chiến lược có thể giúp Bắc Kinh ngăn được hai nguy cơ là dân chủ và Thánh chiến.
Uzbekistan có thể là nguồn cung cấp dầu khí thay thế hay bù đắp cho nguồn Trung Đông đầy bất ổn và hiện đang do Hoa Kỳ kiểm soát phần lớn. Uzbekistan lại đang có lập trường chống Tây phương và là nơi Trung Quốc có thể ngăn ngừa hoặc thách thức thế lực Hoa Kỳ mà không ra mặt trực diện đối đầu.
Một lý do nữa là cả Tashkent và Bắc Kinh đều e ngại lực lượng Thánh chiến Hồi giáo. Tại Uzbekistan đã xuất hiện Phong trào Hồi giáo Uzbek (IMU), trong toàn vùng, đã xuất hiện Phong trào Hồi giáo Turkestan (IMT), tổ chức Thánh chiến đang chiêu mộ đặc công và có căn cứ mạnh nhất là ở Uzbekistan. Các nhóm Thánh chiến này còn kết hợp hoạt động với lực lượng Hồi giáo ly khai trong vùng Tân cương của Trung Quốc. Mục tiêu của IMT là thiếp lập một quốc gia Turkestan bao gồm cả năm nước Trung Á lẫn Tân cương - ta không quên rằng khởi thủy, năm nước này đã từng thống nhất làm một dưới tên Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Tự trị Turkestan, sau mới bị Stalin chia làm năm mảnh.
Trung Quốc chú ý đến vùng này từ hơn 10 năm trước, khi Giang Trạch Dân và Boris Yeltsin vận động sự liên kết giữa Trung Quốc, Liên bang Nga và các nước Cộng hòa tiếp giáp với cả hai. Từ đấy mới thành hình Thỏa ước Thượng Hải rồi Tổ chức Hợp tác Thượng Hải để ổn định toàn khu vực, với lời cam kết là các nước sẽ hợp tác về ngoại thương, quan thuế, kỹ thuật, và giúp nhau giải trừ phiến loạn hay cướp bóc, buôn lậu, đồng thời ngăn ngừa mọi biến động chính trị trong từng nước.
Nhưng suốt 10 năm qua, trong khi Liên bang Nga cứ lụn bại dần và mất ảnh hưởng tại miền Tây, ở Cộng hòa Serbe, Georgia rồi Ukraine thì Trung Quốc lại vươn lên thành một thế lực kinh tế rồi chính trị đáng kể. Nay chẳng những Bắc Kinh không lên án chế độ Karimov về vụ bạo loạn và tàn sát tại Andijan, mà còn hứa hẹn sẽ ủng hộ Uzbekistan gia nhập tổ chức WTO!
Trong ba ngày thăm viếng Bắc Kinh của Tổng thống Islam Karimov, ngoài 14 thỏa ước đã ký kết, lãnh tụ đôi bên còn thỏa thuận với nhau về những điểm sau đây: 1) tăng cường hợp tác về an ninh, kể cả trao đổi tin tức tình báo và viện trợ quân sự, 2) hai nước cùng hợp tác để chống ảnh hưởng lan rộng của Hoa Kỳ, 3) Trung Quốc yểm trợ nỗ lực bảo vệ độc lập của Uzbekistan nằm ngoài khả năng chi phối của Mỹ, 4) Bắc Kinh sẽ giúp Tashkent diệt trừ phiến loạn và Thánh chiến.
Ngưu tầm ngưu….
Trong hoàn cảnh nhiễu nhương phức tạp của toàn khu vực Đông Á, việc quảng bá và xây dựng dân chủ trên một nền móng kinh tế tự do và công bằng là việc khó, bắt buộc dẫn tới những đổi thay khiến kẻ được người mất. Nếu như Hoa Kỳ có chủ trương ấy, nỗ lực "cách mạng dân chủ" đòi hỏi rất cố gắng và sẽ chỉ có kết quả rất chậm, lâu dài hơn một nhiệm kỳ tổng thống hay một mùa tranh cử tại Mỹ.
Ngược lại, nếu hợp tác với các chính quyền tại chức ở Đông Á, và nhắm mắt trước những bất công và tham nhũng, các đaiï cường có nhiều lợi thế trước mắt là điều Bắc Kinh đang làm. Vì vậy, trong cuộc thi đua gây ảnh hưởng vào Trung Á giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, Trung Quốc có nhiều lợi thế. Điều ấy không có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ bó tay.
Người ta có thể chứng nghiệm khả năng hay ý chí của Mỹ tại một nơi rất xa xôi khác. Đó là Việt Nam. Chuyến thăm viếng Hoa Kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải vào tháng tới sẽ là cơ hội thẩm định.
Vấn đề ở đây là lãnh đạo Hà Nội muốn gì và ông Khải có đủ bản lãnh thúc đẩy một sự xoay chuyển lớn hay không" Hay là khi trở về, ông sẽ vấp ngã ở nhà vì đã đồng ý với một số yêu cầu cải cách của Hoa Kỳ" Ông chưa đi đã thấy cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu than phiền về tham nhũng trong bộ máy chính phủ và gián tiếp quy tội cho Thủ tướng! Quy luật Việt Nam thời nay là khi lãnh đạo tố giác tham nhũng thì là lúc nội bộ có đấu đá quyền lực.
Thực ra, Việt Nam cũng chẳng khác Trung Á là bao: lợi tức trung bình một đầu người tại Uzbekistan còn cao gấp bốn lợi tức của người Việt và tham nhũng, độc tài hay bất công xã hội không là một đặc tính Trung Á. Ngoài ra, phản ứng địa phương giữa ba vùng Bắc, Nam, Trung cũng là trọng lực chi phối hệ thống cai trị hiện nay, với các cán bộ miền Nam thì muốn đổi mới cho nhanh và nếu cần hợp tác với Hoa Kỳ cũng được; trong khi đa số các lãnh tụ miền Bắc lại vẫn có cảm tình với đường lối cai trị của Bắc Kinh, nếu không coi Bắc Kinh là điểm tựa cho chế độ.
Tưởng rằng nói chuyện Trung Á, ai dè nói chuyện Việt Nam!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.