Hôm nay,  

Phật Giáo và Di Dân

18/06/202508:42:00(Xem: 402)
blank

Phật Giáo và Di Dân
 

Nguyên Giác
 

Đạo Phật là đạo của từ bi và trí tuệ. Hai phẩm chất này không liên hệ chút gì tới màu da, sắc tộc. Con đường giải thoát là Bát Chánh Đạo, cũng hoàn toàn không phân biệt gì tới sắc tộc, màu da. Tu tập hàng ngày là phải viễn ly, buông bỏ, xa lìa tham sân si -- và như thế, cũng hoàn toàn không dính chút gì tới những bức tường biên giới hay các bãi mìn giữa các quốc gia tranh chấp.
 

Chúng ta không tránh khỏi những suy nghĩ về các vấn đề đang sôi động trong xã hội Hoa Kỳ, khi cộng đồng mình được nhắc nhở rằng khi đi ra phố nhớ mang theo giấy tờ chứng minh mình là công dân Mỹ hay là người cư trú hợp pháp. Bài này sẽ không nói tới những tranh luận nhạy cảm. Nơi đây, chỉ nêu lên câu hỏi rằng: trong các môn đệ đầu tiên của Đức Phật, có phải có một vị A la hán da trắng, gốc di dân từ xa vào Ấn Độ?
 

Thực tế, Đạo Phật tại Việt Nam thời rất xa xưa, và tại Hoa Kỳ hai thế kỷ qua, là tôn giáo do di dân mang tới, và cũng từ các vị sư Hoa Kỳ sang Châu Á tu học và rồi về Mỹ thiết lập các tu viện. Nhà sư di dân nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa là ngài Bồ Đề Đạt Ma.
 

Nhà sư di dân đầu tiên hoằng pháp tại Việt Nam là ngài Phật Quang, dạy đạo cho cặp vợ chồng Chử Đồng Tử và Tiên Dung, rồi hai người này trở thành hai Phật tử đầu tiên tại Việt Nam. Tiên Dung là con gái của vua Hùng Vương thứ 18, cũng là đời Vua Hùng cuối cùng - khoảng năm 258 trước Tây lịch. Theo sử, các thương nhân nước ngoài xuất hiện tại khu chợ của Chử Đồng Tử và Tiên Dung rất có thể là từ Ấn Độ. Do vậy, khi cùng các thương gia đi buôn trên biển, Chử Đồng Tử đã ghé vào một hòn đảo để lấy nước ngọt và gặp nhà sư Ấn Độ có tên Phật Quang. Phật giáo Việt Nam từ cơ duyên này bắt đầu.
 

Chúng ta rất khó nói được thời Đức Phật, vị sư nào là di dân hay không phải di dân. Thời xưa, chưa có chuyện cửa khẩu dựng lên giữa các quốc gia, và lúc đó khái niệm quốc gia cũng không giống như chúng ta suy nghĩ bây giờ. Thời đó là của các vương triều, các lãnh chúa. Biên giới co thể thay đổi rất nhanh. Thêm nữa, hẳn là thời kỳ đó, sự kỳ thị rất hiếm xảy ra giữa các sắc tộc gần nhau. Thí dụ, một người ở Đồng Tháp khi gặp một người từ Nghệ Tĩnh tới, giọng nói sẽ khó hiểu, khó tương tác với nhau, nhưng cảm xúc kỳ thị sẽ không có, hoặc rất ít.
 

Thời Đức Phật hẳn cũng như vậy, đôi khi trở ngại ngôn ngữ, nên Đức Phật khi thuyết pháp phải nói nhiều ngôn ngữ khác nhau. Theo các sử gia, Đức Phật Thích Ca thường nhất là đã thuyết pháp bằng tiếng Magadhi Prakrit (ngôn ngữ của vùng Ma Kiệt Đà – Magadha), một dạng ngôn ngữ Prakrit phổ biến ở vùng Magadha, nơi Ngài giảng dạy. Tùy vào địa phương, Đức Phật có thể đã sử dụng một số phương ngữ khác thuộc hệ Prakrit, vì ngài đi khắp các vương quốc như Kosala, Vajjī, Kuru, v.v. Đức Phật cũng không kỳ thị, vì ngài từng nói: Này các Tỳ-kheo, ta cho phép học lời Phật bằng ngôn ngữ riêng của mỗi người. Các kinh điển Phật giáo sau này được ghi chép lại bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, bao gồm tiếng Pali, Sanskrit, Gandhari-Prakrit, và Buddhist Hybrid Sanskrit.
 

Có một quan điểm từ một số truyền thống Phật giáo rằng lời Đức Phật nói là Phật Âm Vi Diệu, tức là một âm thanh mà mọi chúng sanh đều có thể hiểu được bất kể ngôn ngữ của họ. Điều này có lẽ chỉ muốn nhấn mạnh sự phổ quát của Chánh pháp, vượt qua rào cản ngôn ngữ thông thường.
 

Trong một cuộc thảo luận, nhà sư Sujato -- Trưởng ban Biên tập SuttaCentral, một kho kinh tạng Phật giáo lớn nhất thế giới hiện nay -- nói rằng có một vị A La Hán da trắng, mũi cao, có vẻ như người từ Châu Âu, hay từ Iran (tên cổ là Ba Tư) là môn đệ trực tiếp của Đức Phật. Ngài Sujato cũng là người dịch hầu hết (và có thể là tất cả) các Kinh trong Tạng Pali sang tiếng Anh, nên nhận định này là dựa vào kinh điển.
 

Bhikkhu Sujato viết, trích: “Nhà sư ‘da trắng’ đầu tiên là Tôn giả Mahākappina, một trong những đệ tử vĩ đại. Ngài xuất hiện trong một số đoạn văn, nhưng hầu hết đều không tiết lộ bất cứ điều gì về nguồn gốc của ngài. Nhưng trong SN 21.11, Đức Phật mô tả ngài như thế này: trắng, gầy, có mũi nhọn. Ba đặc điểm này, cùng với từ ‘cao’, chính xác là những đặc điểm thể chất của các nhà sư phương Tây ở các quốc gia Phật giáo ngày nay. Các thuật ngữ Pali rất chính xác và khác thường.”
 

Nơi một đoạn khác, ngài Sujato cũng viết: “Trong khi các EBT (Kinh Phật Sơ Kỳ) không cung cấp thêm thông tin nào về lý lịch của ngài, thì các Chú giải nói rằng ngài đến từ một vùng đất xa về phía tây. Đất nước đó được gọi là Kukkutavati, hay ‘Chookland’, và tôi không chắc liệu có thể xác định được hay không. Giữa vùng đó và vùng đất ở giữa, người ta nhấn mạnh rằng phải vượt qua ba con sông lớn, một trong số đó, Candabhāgā, được xác định là Sông Chenab hiện đại ở Pakistan.”
 

Trong một kết luận, Bhikkhu Sujato viết: “Về nguồn gốc thực sự của ông, thật khó để nói: có rất nhiều vùng đất ở phía tây Ấn Độ. Tất nhiên ông có thể là người Hy Lạp, trong trường hợp đó ông sẽ là người châu Âu đầu tiên được nhắc đến trong các văn bản Ấn Độ. Nhưng có nhiều khả năng ông đến từ đâu đó ở vùng đất rộng lớn phía tây Pakistan, có lẽ là Persia.
 

Vùng đất có tên Persia trong tiếng Việt thường dịch là Ba Tư, tên mới bây giờ gọi là Iran. Dĩ nhiên, không ai có thể khẳng định 100% những chuyện xảy ra thời Đức Phật, vì lúc đó chưa có sử, chưa có giấy mực như vài thế kỷ sau, lúc đó các nhà sư gìn giữ Chánh pháp phải chia kinh ra theo các bộ để học thuộc lòng, truyền khẩu từ thế hệ này qua thế hệ sau.
 

Nơi đây, chúng ta có thể trích từ Kinh SN 21.11, theo bản dịch của Thầy Minh Châu, để thấy rằng  Tôn giả Mahà Kappina nổi bật lên với da trắng, gầy cao và mũi cao như thế nào. Trích:
 

Rồi Tôn giả Mahà Kappina đi đến Thế Tôn.

Thế Tôn thấy Tôn giả Mahà Kappina từ đường xa đi đến.

Sau khi thấy, Thế Tôn liền gọi các Tỷ-kheo:

— Các Ông có thấy không, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo kia đi đến, da bạc trắng, ốm yếu, với cái mũi cao?

— Thưa có, bạch Thế Tôn.

— Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, có đại thần thông, có đại uy lực. Thật không dễ gì đạt được sự chứng đắc mà trước kia vị Tỷ-kheo ấy chưa chứng đắc. Vị ấy còn ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô thượng cứu cánh Phạm hạnh mà vì mục đích này, con các lương gia chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. (ngưng trích)
 

Chúng ta có thể suy đoán rằng, nếu ngài Mahākappina là di dân vào Ấn Độ từ thơ ấu, thì học ngôn ngữ dễ dàng, nghe pháp không trở ngại. Nhưng nếu ngài di dân vào Ấn Độ khi tuổi cao, thì ngôn ngữ là trở ngại. Chúng ta có thể đoán thêm, khi đó, pháp tiện lợi nhất để dạy rất ít lời là Niệm Hơi Thở.
 

Trong Trưởng Lão Tăng Kệ Thag 10.3, theo bản Việt dịch của ngài Bhikkhu Indacanda, chúng ta thấy rằng Trưởng lão Mahākappina kể rằng ngài niệm hơi thở như Đức Phật dạy, rồi thấy tâm ngài chiếu sáng cõi này, như trăng rời mây, trong trắng, chiếu sáng các phương. Trích như sau:
 

Niệm hơi thở vào hơi thở ra của vị nào được tròn đủ, khéo được tu tập, được tích lũy theo thứ lớp giống như điều đã được thuyết giảng bởi đức Phật, vị ấy chiếu sáng thế gian này, tựa như mặt trăng được thoát khỏi đám mây.

Thật vậy, tâm của tôi trong trắng, không hạn lượng, đã được khéo tu tập, đã được thấu triệt, và đã được nắm chắc, nó chiếu sáng tất cả các phương. (ngưng trích)
 

Đứng về cách nhìn của nhà Phật, chúng ta thấy hoàn toàn không có chuyện xem người này hay người kia là hạ tiện, là thấp kém, chỉ vì dựa theo nơi họ ra đời, hay dựa theo giai cấp. Kẻ hạ tiện, hay kẻ thấp kém, là do hành động của họ, chứ không phải do dòng tộc hay quốc độ họ xuất thân. Nơi đây, chúng ta trích dịch, dựa theo hai bản Anh dịch, lời Đức Phật dạy trong Kinh Snp 1.7 về Kẻ Hạ Tiện (The Lowlife, The Outcaste). Như sau:
 

“Một người giận dữ, cay độc, có những hung ác giả hình, lừa gạt và có ác kiến, được gọi là "kẻ hạ tiện."

Kẻ đó làm hại các sinh vật sinh ra từ tử cung hoặc từ trứng, và không có lòng thương xót với các sinh vật, được gọi là "kẻ hạ tiện."

Kẻ giết người trong thị trấn và làng mạc, mang lại sự hủy diệt, và rồi cư xử áp bức - được biết đến vì điều đó, được gọi là "kẻ hạ tiện."

Kẻ nào trong rừng hoặc trong thị trấn ăn cắp bất cứ thứ gì không được cho, từ những người khác mà nó có giá trị, được gọi là "kẻ hạ tiện."

Bất kỳ ai vay nợ nhưng khi được thúc giục trả nợ, sau đó trả lời, "Tôi thực sự không nợ bạn", được gọi là "kẻ hạ tiện."

Kẻ nào, vì một món đồ nhỏ từ người lữ hành trên đường, đã giết người để cướp, được gọi là "kẻ hạ tiện."

Bất kỳ ai vì của cải của bản thân hoặc của người khác, hoặc vì lợi ích tài sản, khi bị chất vấn về điều này, đã nói dối, được gọi là "kẻ hạ tiện."

Bất kỳ ai "được nhìn thấy" với vợ của người khác, của họ hàng và của bạn hữu, những người đồng thuận hay cưỡng ép, được gọi là "kẻ hạ tiện."

Bất kỳ ai đối với mẹ hoặc cha của họ đã qua tuổi trẻ và đã đến tuổi già, mặc dù giàu có, nhưng không hỗ trợ cha mẹ, được gọi là "kẻ hạ tiện."

Bất kỳ ai tấn công hoặc thốt ra lời căm ghét đối với mẹ, cha, anh em trai, chị em gái hoặc mẹ  của người hôn phối, được gọi là "kẻ hạ tiện."

Người được yêu cầu cho lời khuyên tốt nhưng lại trả lời bằng cách đưa ra lời khuyên xấu, rồi đưa ra lời khuyên với mục đích ẩn giấu, được gọi là "kẻ hạ tiện."

Bất kỳ ai trù ẻo nghiệp xấu cho người khác mà họ có thể không biết, rồi che giấu những hành động xấu này, được gọi là "kẻ hạ tiện."

Ai đến nhà người khác, được tiếp đãi tử tế, rồi không tôn trọng lại người kia, thì được gọi là "kẻ hạ tiện."

Bất kỳ ai, Bà la môn, Sa môn, hoặc thậm chí những người nghèo khổ đi ăn xin, lừa dối họ bằng lời nói dối trá, được gọi là "kẻ hạ tiện."

Bất kỳ ai khi đến giờ ăn, chửi mắng các Bà la môn, Sa môn và sau đó không cúng cho họ thứ gì, thì được gọi là "kẻ hạ tiện."

Bị che phủ, bị si mê, người bói toán những điều không đúng sự thật mong muốn ngay cả vì chút lợi ích nhỏ, thì được gọi là "kẻ hạ tiện."

Bất kỳ ai tự đề cao mình trong khi coi thường người khác, mặc dù thấp kém, do lòng tự phụ, thì được gọi là "kẻ hạ tiện."

Cũng khiêu khích và ích kỷ, có những ham muốn xấu xa, keo kiệt, xảo quyệt, vô liêm sỉ, không hối hận, thì được gọi là "kẻ hạ tiện."

Bất kỳ ai xúc phạm Đức Phật, sỉ nhục các đệ tử của Ngài, dù là người xuất gia hay tại gia, thì được gọi là "kẻ hạ tiện."

Người nào, mặc dù không phải là A-la-hán, nhưng lại giả vờ là A la hán. Trong thế giới với các vị thần, kẻ gian đó thực sự là kẻ hạ tiện nhất. Những kẻ đó được gọi là hạ tiện. Ta đã giải thích cho các ngươi.

Không ai là kẻ hạ tiện từ khi sinh ra, cũng không phải là Bà la môn từ khi sinh ra. Họ là kẻ hạ tiện bởi những hành động của họ, và là Bà la môn bởi những hành động của họ."(hết trích dịch)
 

Đó là lời Đức Phật dạy. Không phải vì họ khác màu da với mình, cũng không phải vì họ nghèo hơn, học kém hơn, và làm việc nặng nhọc hơn mà mình có quyền khởi tâm coi thường họ. Hãy nhớ rằng, nếu không có di dân, chúng ta sẽ không gặp Đạo Phật như hiện nay.
 

Và hãy nhớ rằng, Đức Đạt Lai Lạt Ma và Thầy Nhất Hạnh là hai vị trong các Phật tử di dân nổi tiếng nhất trong thế kỷ 20 và 21 của chúng ta. Hãy nghĩ xem, thế giới sẽ ra sao nếu không có di dân.
 

THAM KHẢO:

. Racism and the first white monk:

https://discourse.suttacentral.net/t/racism-and-the-first-white-monk/2920

. Kinh SN 21.11, bản dịch Thầy Minh Châu:

https://suttacentral.net/sn21.11/vi/minh_chau

. Trưởng Lão Tăng Kệ Thag 10.3. Bản dịch Bhikkhu Indacanda:

https://suttacentral.net/thag10.3/vi/indacanda

. Kinh Snp 1.7. Who is the Outcaste? / The Lowlife

https://suttacentral.net/snp1.7/en/mills

https://suttacentral.net/snp1.7/en/sujato

 



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
13/06/202500:00:00
Vào ngày 2 tháng 6 năm 2025, thành phố Istanbul một lần nữa trở thành sân khấu cho các nỗ lực ngoại giao khi phái đoàn Ukraine và Nga có cuộc gặp thứ hai trong vòng một tháng. Tuy nhiên, trên bàn đàm phán cấp cao, hai chiếc ghế quan trọng nhất vẫn bị bỏ trống. Cả Putin và Zelenskyy lại một lần nữa vắng mặt. Trước đó, vào giữa tháng 5, một tia hy vọng mong manh đã lóe lên về viễn cảnh hai nhà lãnh đạo sẽ cùng xuất hiện tại Istanbul, ngồi lại trong cùng một phòng để đối thoại trực tiếp. Nhưng rồi hy vọng đó nhanh chóng vụt tắt. Putin đã thẳng thừng từ chối lời đề nghị của Zelenskyy; và với nhiều nhà quan sát, điều này không có gì đáng ngạc nhiên.
10/06/202510:11:00
Có một lời Đức Phật nói thường được nhắc tới. Đó là câu, “Ai thấy Pháp, là thấy Ta.” Nghĩa là, thấy Pháp, là thấy Phật. Câu nói này không có nghĩa là, thấy thân xác ngũ uẩn của Đức Phật. Pháp nơi đây có thể hiểu theo nhiều nghĩa, có thể là lời Đức Phật dạy, là con đường giải thoát, là nhận diện ra vạn pháp vô ngã trong lý nhân duyên, nguyên tắc vận hành của vạn pháp, và cả của thân tâm ta. Như thế, có thể hiểu là pháp vô vi nằm sẵn trong các pháp hữu vi, tức là Niết bàn đã có sẵn trong pháp ấn vô thường của sinh và tử.
08/06/202514:03:00
Rạng sáng chủ nhật, một người đàn ông, 36 tuổi, theo đoàn người đói khác đến địa điểm phân phát lương thực nơi họ được chính quyền thông báo sẽ mở cửa sớm với hy vọng có chút thực phẩm đem về nhà cho vợ con đang thoi thóp chờ chết vì đói. Một viên đạn xuyên trán. Người đàn ông chết tươi ngay tại chỗ. Bên cạnh anh, một người thanh niên 30 tuổi, cũng đang hướng về khu vực cứu đói, một viên đạn xuyên qua cằm, anh ta sống sót chỉ vừa kịp để nhận ra rằng một chiếc xe tăng đang quay nòng bắn vào họ. Đoàn người chạy tán loạn. Những phát súng tiếp tục bắn xối xả vào đám đông. Cảnh trên không phải xảy ra trong trò chơi video Squid Game hay trong phim. Mà chính là những gì đã và đang diễn ra tuần qua, hay mới hôm qua, hôm nay. Các nhân chứng Palestine cho biết, vào sáng Chủ nhật hôm nay, lực lượng Israel đã nổ súng khi người dân đến nhận hàng cứu trợ tại một điểm phân phát ở Rafah do Tổ chức Gaza Humanitarian Foundation (GHF) — một tổ chức được Israel và Hoa Kỳ hậu thuẫn — điều hành.
06/06/202506:01:00
Bài viết này sẽ phân tích lời dạy của sách Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh về ý chỉ Thiền Tông: thấy được cái không được thấy, nghe được cái không được nghe. Trong sách này, gọi ý chỉ đó là Tiếng Không Thành – viết theo âm Hán-Việt là Bất Quả Thanh. Sách Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh là một tác phẩm về Thiền Tông Việt Nam xuất bản lần đầu vào năm 1796. Tác phẩm này được in trong Ngô Thì Nhậm Toàn Tập - Tập V, ấn hành năm 2006 tại Hà Nội, do nhiều tác giả trong Viện Nghiên Cứu Hán Nôm biên dịch.
06/06/202500:36:37
“Nếu không có tôi, Trump đã thua cuộc bầu cử, Đảng Dân Chủ đã kiểm soát Hạ Viện và Thượng Viện với tỷ lệ 51-49. Thật là vô ơn.” Musk tức giận và kiêu ngạo. Tức giận vì số tiền đầu tư quá lớn ($275 triệu) đã không thể mang lại cho Musk điều ông ta muốn từ Donald Trump. Đáp lại, Donald Trump gửi ra: “Cách dễ nhất để tiết kiệm tiền trong ngân sách của chúng ta, hàng $tỷ đô-la, là chấm dứt các khoản trợ cấp và hợp đồng mà chính phủ dành cho Elon.”
02/06/202507:38:00
Có một thiền ngữ nổi tiếng, thường được nhắc tới trong nhà thiền. Thiền sư Thanh Nguyên Duy Tín đời Tống nói: “Hồi 30 năm trước, khi lão tăng còn chưa tham thiền, thấy núi là núi, thấy sông là sông. Về sau, gặp được thiện tri thức, có chỗ hội nhập, thấy núi không là núi, thấy sông không là sông. Bây giờ được chỗ dứt sạch, thấy núi chỉ là núi, thấy sông chỉ là sông.”
27/05/202510:00:00
Bài viết này sẽ phân tích lời dạy của sách Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh về ý chỉ Thiền Tông: qua sông, bỏ bè, thấy thường trực không Phật, không ta, không người. Sách Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh là một tác phẩm về Thiền Tông Việt Nam xuất bản lần đầu vào năm 1796.
23/05/202500:32:00
Cuộc tấn công gần như toàn diện của chính quyền Donald Trump vào khoa học và học thuật của Hoa Kỳ, không chỉ Harvard còn vào ít nhất chín trường đại học tư thục khác, như Columbia và Johns Hopkins, và các trường công lập, chẳng hạn như University of Minnesota và U.C.L.A. Một bản dự thảo bị rò rỉ cho truyền thông hồi tháng 4 vừa qua cho thấy ngân sách y tế dân sinh năm 2026 của Trump đề xuất cắt giảm thêm 40% tại N.I.H. và tại C.D.C. Các trường đại học trên toàn quốc hiện đang cắt giảm hoặc thậm chí hủy bỏ việc tuyển sinh sau đại học. Scott Weinhold, một viên chức cao cấp của Cục Văn hóa Giáo dục thuộc Bộ Ngoại Giao nói với IIE: “Kinh nghiệm học tập tại Hoa Kỳ không chỉ định hình cuộc sống của các cá nhân, mà còn định hình tương lai thế giới gắn kết của chúng ta. Mối quan hệ giữa sinh viên Mỹ và sinh viên quốc tế ngày nay là cơ sở của các mối quan hệ cho các mối quan hệ kinh doanh và thương mại trong tương lai, khoa học và đổi mới, và cả các mối quan hệ chính phủ.”
21/05/202510:11:00
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt là một người làm cách mạng. Cuốn Hồi Ký của ông là hồi ký của một người làm cách mạng. Ông là cán bộ Duy Dân Cách Mạng Đảng, dấn thân vào con đường làm cách mạng do kế thừa tinh thần và tấm gương của thân phụ ông là cụ Lang Nhân.
19/05/202508:45:00
Tóm gọn lại, lời hướng dẫn của quý ngài Trúc Lâm nêu trên có thể tóm tắt là: lòng tắt, nhập định, yên định cái tình (mừng, giận, thương, ghét, buồn, vui, sợ), trong tịch lặng nhìn vào cái triệu của các pháp (khi niệm chưa dậy lên), ly dục sạch làu, ý riêng sạch làu (vô niệm, vô tâm), sẽ thấy hiện ra bản tánh, tỏ rõ được cái tâm của chính mình, nơi đó là vạn pháp bình đẳng (trong gương tâm) và đó chính là sức hư không (Tánh Không) thì tham sân si vắng bặt. Đó là giải thoát.
“Đây là quan điểm của người viết, không nhất thiết là quan điểm của Việt Báo.”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.