LTS: Tờ Việt Báo Kinh Tế số 28 ngày 13 tháng 2 năm 1993 có đăng bài thơ “Lửa, Thấy Từ Stockholm” của nhà thơ Trần Dạ Từ, nhân tuần lễ nhà văn Thảo Trường thoát khỏi nhà tù lớn đến định cư ở Hoa Kỳ. Đây là bài thơ Trần Dạ Từ viết từ 1989 rời Việt Nam, khi được các bạn Văn Bút Thụy Điển mời ăn cơm chiều, Ông nhớ đến bạn còn ở trong tù khổ sai dưới chân núi Mây Tào, Hàm Tân.
33 năm đã trôi qua kể từ ngày chúng ta chào đón nhà văn Thảo Trường đến Hoa Kỳ, 15 năm kể từ ngày Thảo Trường từ bỏ thế gian, Chiều Chủ Nhật tuần này, 22 tháng Sáu, nhân dịp tái xuất bản bốn cuốn sách của Thảo Trường (Hà Nội, Nơi Giam Giữ Cuối Cùng; Người Khách Lạ Trên Quê Hương; Ngọn Đèn; Lá Xanh), bạn bè văn hữu và gia đình cùng tề tựu tưởng nhớ Nhà Văn. Việt Báo trân trọng mời độc giả cùng đọc, cùng nhớ nhà văn lớn của chúng ta, một thời, một đời.
*
Nhà văn Thảo Trường tên thật là Trần Duy Hinh, sinh ngày 25.12.1938 (âm lịch ghi là tuổi Bính Tý, 1936) tại làng Quang Sán, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.
Ngay từ các truyện ngắn đầu tiên xuất hiện trên tạp chí Sáng Tạo và các tạp chí văn học tại Saigon từ 1956, Thảo Trường đã nổi danh với bút pháp độc đáo, thuộc lớp nhà văn hàng đầu của miền Nam Việt Nam từ cuối thập niên năm mươi. Trước 1975, với nhiều tác phẩm đã xuất bản và bộ trường thiên tiểu thuyết “Bà Phi” đăng hàng ngày trên nhật báo Tiểu Thuyết, Ông là tác giả có số lượng người đọc đông đảo.
Là thiếu tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Sau 17 năm quân ngũ, chiều 30 tháng Tư, 1975, Ông bị cộng sản bắt khi đang trên đường về miền Tây tính chuyện lập chiến khu chống Cộng. Ông đã trải qua các nhà tù cộng sản khắp nam bắc Việt Nam dòng dã 16 năm, 4 tháng, 4 ngày.
Năm 1993 Nhà Văn Thảo Trường sang Mỹ đoàn tụ với gia đình, cư ngụ tại Bolsa Chica, thành phố Huntington Beach. Ông qua đời ngày 26 Tháng Tám 2010 nhằm ngày 17 tháng Bẩy năm Canh Dần.
Tác phẩm trước 1975 trong nước: Thử Lửa, Chạy Trốn, Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp, Viên Đạn Bắn Vào Nhà Thục, Th. Trâm; Chung Cuộc (với Du Tử Lê); Vuốt Mắt; Bên Trong, Ngọn Đèn; Cánh Đồng Đã Mất, Bên Đường Rầy Xe Lửa; Người Khách Lạ Trên Quê Hương; Lá Xanh, Mé Nước, Hà Nội, Nơi Giam Giữ Cuối Cùng; Cát; Bà Phi (trên báo Tiểu Thuyết). Viết và in ở hải ngoại sau 1993: Tiếng Thì Thầm Trong Bụi Tre Gai; Chạy Trốn; Đá Mục; Tầm Xa Cũ Bắn Hiệu Quả, Mây Trôi, Miểng, Thử Lửa, Thềm Đá Xanh Rêu, Những Miểng Vụn của Tiểu Thuyết; Rừng Tràm…
Gửi ý kiến của bạn