Hôm nay,  

Cho Mẹ nhìn trăng đêm

12/05/202408:08:00(Xem: 2875)
Truyện -- Ngày Lễ Mẹ

full-moon

 

 
“Khi ấy em còn thơ ngây, đôi mắt chưa vương lệ sầu.
Cười đùa qua muôn ánh trăng, đắm xinh đôi môi hồng thắm
Em ngắm mây hồng hay dòng nước trong
Thấy lòng vẩn vơ như tìm một bóng ai…” (1)
  
    Mấy bạn trẻ reo lên:
    “Ôi chao, bác nhớ bài hát giỏi quá! Bác còn bài nào nữa không, cho tụi con nghe với!”
     “Còn, còn chứ!”
    Thế là Mẹ hát luôn mấy bài nữa, rồi đọc tiếp mấy bài thơ. Các bạn say mê nghe, tấm tắc khen. Một bạn nói:
     “Mình có khi nhìn chữ chạy trên màn hình karaoke mà hát theo vẫn không trôi chảy, còn bác hay quá!”
    Một bạn khác:
     “Bác hát cứ như là có chữ hiện ra trước mắt vậy!”
     “Không ngờ một bà cụ trên chín mươi tuổi mà trí nhớ tốt quá, tụi con nể lắm!”
     “Bác ơi! Làm cách nào mà bác nhớ quá nhiều bài thơ, bài nhạc như vậy hở bác?”
     “Bác có bí quyết gì, bác chỉ cho tụi cháu với!”
     “Bác ơi, bác thường ngày ăn uống ra sao, nhờ đâu mà bác minh mẫn như vậy ạ?”
    Ôi thôi, một rừng câu hỏi! Như thể mọi người đang làm một buổi phỏng vấn “người cao niên đặc biệt” vậy. Ngoài những lúc các con, các cháu của Mẹ thay nhau đến chăm sóc Mẹ, thường xuyên có những bạn trẻ hay thân hữu đến chơi, lúc nào cũng yêu cầu Mẹ hát hay đọc thơ như vậy. Mẹ lắc đầu, xua tay, cười:
     “Các cháu ơi! Bác chẳng có cái gì gọi là bí quyết cả đâu! Bác nhớ được như vậy là nhờ bác may mắn thôi, bác cũng đâu có biết tại sao. Còn ăn uống gì ư? Mấy cháu nhìn bữa cơm của bác nè, một miếng đậu hũ kho, một tô canh thơm cà nấu suông, một ít muối mè đậu phụng. Ngày này qua tháng nọ bác ăn như vậy. Con cái muốn đổi món, rồi bác cũng xin quay về cái thực đơn cũ. Cái gì bác cũng nếm một chút rồi cũng không thèm thuồng. Bác coi vậy chứ yếu lắm, đi không vững, nhìn không rõ, tai nghe cũng kém lắm! Chỉ được cái nhớ dai.”
     “Bác ơi! Người già minh mẫn là một ơn phước lớn lắm ạ!”
    Cô bạn trẻ nói xong, bỗng cúi đầu, nét mặt buồn bã. Mẹ tinh ý, liếc thấy, yên lặng vài giây rồi hỏi:
     “Cháu gái, con có gì buồn hả?”
    Cô bạn khóc rưng rức, nghẹn lời:
     “Bác ơi! Con gặp mẹ của con hàng ngày, nhưng mẹ của con… giờ không còn nhận ra con nữa!”
 
***
 
   Một ơn phước lớn lắm, mẹ lẩm bẩm. Mỗi sáng, cứ coi như là “thức dậy” sau một đêm không hề chợp mắt, mẹ tự hỏi tối hôm nay mình sẽ ngủ được không, hay vẫn cứ chong mắt để không làm gì. Thật ra, trong những đêm sâu mất ngủ, trí nhớ của Mẹ làm việc không ngừng. Mẹ nhớ tuổi thơ cơ cực của mình, những ngày tháng không có sự chọn lựa ăn cái gì, vì cái gì có trước mặt là có thể ăn. Đứa bé ba tuổi, mẹ đi làm, cha ở xa, thơ thẩn một mình, chơi một trò chơi kỳ lạ: gỡ vôi tường và… nhai.  Ngày qua ngày. Bà ngoại không hay biết, cho đến khi thấy bức tường mất một mảng vôi lớn. Thế đó! Đến bữa vẫn ăn cơm ngon lành. Đứa bé lớn lên, may sao, đã trở thành cô thiếu nữ trắng trẻo. Tuổi mới lớn, cô đã biết đan áo kiếm tiền, đã biết gánh gồng. Ngày cuối tuần không phải đi làm, cô cùng các bạn lên núi lượm củi. Trưa, ngồi giở cơm vắt ra ăn, cô cất tiếng hát làm vui các bạn. Mãi rồi các bạn bảo cô thôi khỏi lượm củi, để các bạn làm giúp cho, cô chỉ cần ngồi hát và ngâm thơ là đủ. Cô không được học nhiều, nhưng nhờ mê đọc sách, yêu thơ, nhạc, nên cô đã có cả một kho văn nghệ trong đầu. Những bản nhạc, những bài thơ, cứ vậy, lâu dần, giống như thấm, như khắc vào óc, vào tim. Thời của Mẹ là thời của Sơn Nữ Ca, Lỡ Chuyến Đò, Lời Người Ra Đi… Cái thời của:
 
Người nghệ sĩ lăn lóc gió sương
Tơ đàn say đắm quên sầu thương 
Dành tình này cho kẻ khổ đau 
Quên tình xưa thôn nữ chờ mong.
(2)
 
Cho đến một ngày, tiếng hát của cô bỗng như có một giai điệu phụ vào. Ai đang đàn mandolin văng vẳng! Các cô gái, với gánh củi trên vai, men theo dòng suối nhỏ. Tiếng đàn mandolin rõ dần…
 
***
 
Con trai út hỏi:
     “Đêm qua Mẹ có ngủ được không?”
     “Không con ạ!”
     “Vậy ban ngày Mẹ ngủ bù lại đi!”
     “Cũng ngủ nhưng rất ít. Chắc là cái đồng hồ trong đầu của người già quay ngược.”
    Hai mẹ con cùng cười.
     “Con đi làm đây! Chút xíu nữa có em gái út tới chăm Mẹ.”
    Anh con trai ôm hôn Mẹ. Mẹ bảo:
     “Khoan đã, con rót cho Mẹ thêm chút nước sôi đi! Ly nước nguội rồi!”
    Đó là “chiến thuật câu giờ” của Mẹ. Mẹ vẫn muốn trì hoãn một chút, trước khi con đi làm. Cái thuở Mẹ còn khỏe mạnh, Mẹ thường ở nhà một mình. Con cái đi đâu thì đi, Mẹ quán xuyến mọi việc, nấu ăn cho cả nhà, dọn dẹp nhà cửa, thắp nhang tụng niệm, đi chợ, thăm hỏi lối xóm… Nay thì Mẹ chỉ được quanh quẩn trong phòng, muốn đi đâu phải dùng “walker” và có người bên cạnh để đỡ Mẹ. Mẹ có cái cảm giác sợ ở một mình. 
     “Mẹ nhắm mắt lại đi, tưởng tượng đang là ban đêm nhé! Mẹ cần ngủ bù, không thôi bị bệnh. Con đi đây!”
Vâng, nhắm mắt lại thì ngày cũng là đêm. Mẹ cố gắng. Vậy rồi trí nhớ lại bắt đầu làm việc. Mỗi khi nhắm mắt lại, Mẹ thường thấy con đường tối tăm mà Mẹ đi sớm về khuya, làm việc thay cho Bà ngoại khi bà bệnh. Cứ cắm đầu mà đi như chạy, cho ấm. Vừa sợ ma, vừa sợ người. Cô gái nhỏ chứng kiến cảnh sung túc của gia đình “ông tây bà đầm” mà thương thân. Nhưng cô rất cố gắng làm việc, bù lại, cô được “bà đầm” dạy cho nghề đan len. Cô đã có một nghề để phụ giúp Bà ngoại. Cái nghề đó cũng giúp cho đàn con cháu sau này được mặc những chiếc áo len đan rất đẹp. Và Ba cũng có một chiếc áo “ghi-lê” màu len xám Mẹ đan.
    Mẹ không phải ở một mình. Mẹ có Ba!
 
“Có một bận em ngồi xa anh quá,

Anh bảo em ngồi xích lại gần hơn.
Em xích gần thêm một chút: anh hờn.
Em ngoan ngoãn xích gần thêm chút nữa.
Anh sắp giận, em mỉm cười, vội vã
Đến kề anh, và mơn trớn: “Em đây!”
Anh vui liền, nhưng bỗng lại buồn ngay,
Vì anh nghĩ: “Thế vẫn còn xa lắm.” (3)

“Đúng rồi! Bài thơ này Mẹ thường ngâm cho Ba nghe. Sau này các con đã lớn, chúng thường trêu chọc Ba Mẹ bằng cách cho hai đứa giả làm đôi tình nhân ngồi xa xa rồi xích lại gần nhau. Cái thời sao mà vui quá!”
     “Ba nhớ không, mình đám cưới xong là chạy tản cư. Mẹ bị bệnh thương hàn, rồi lại đau sốt rét. Ai cũng nói Mẹ là cọng bún. Mẹ nằm đến nỗi tóc kết lại như đội một cái mũ, không chải được.”
     “Tội nghiệp Mẹ! Vậy mà thời làm dâu cũng cực khổ lắm, làm lụng vất vả, chiều chuộng hết tất cả mọi người.”
     “Cái thời của mình là vậy. Mẹ không than van. Mẹ vui vì mình đã có đàn con ngoan và giỏi.”
     “Ừ, hết con lại đến cháu. Ôm từng đứa, từng đứa, hát ru, nuôi lớn. Ba thật cảm phục Mẹ. Mẹ là cái kho của những bài hát ru và ca dao tục ngữ.”
 
***

Nhà vắng vẻ. Mẹ nghĩ mình thật lẩm cẩm khi tự hỏi: “ Người ta nói dân số thế giới tăng mạnh, vì sao bây giờ nhà nào cũng chỉ có một, hai người? Người ta đã đi đâu?”
    Trong ngôi nhà này, Ba Mẹ từng có một đàn con. Nhà trở nên chật vì con hay ăn chóng lớn. Bây giờ các con đi lập nghiệp, tỏa ra khắp chốn. Cũng trong ngôi nhà này, có lúc tụ tập đến năm mươi người, là bà con chạy loạn từ các nơi về. Lúc đó, Mẹ sắm mấy cái nồi to tướng, nấu cho chừng đó người ăn. Nấu mãi rồi thịt cá cũng không đủ, Mẹ phải nấu canh rau muống với hến. Sau này, Mẹ còn giữ cái nồi nấu canh làm kỷ niệm. Cái nồi ám màu xanh um, chùi rửa không ra.
    Trong ngôi nhà này, cũng đã có lúc nực nồng mùi thịt kho mắm ruốc sả ớt. Nguyên liệu chính là thịt, nhưng lại là thịt hiếm hoi, đi mua phải xếp hàng. Vì vậy, khi hoàn thành món thịt kho mắm ruốc sả ớt, Mẹ cho các con “chấm mút” miếng ruốc còn dư, sau khi đã múc hết thịt vào một cái hũ, đậy kín lại, họp cùng những món khô khác, để đi “thăm nuôi.” Vậy mà cái món thịt kho mắm ruốc sả ớt của Mẹ đã trở thành món cao lương mỹ vị đối với các con cho đến bây giờ.
     Người ta đã đi đâu? Mẹ hỏi vọng lại phía Ba. Ba mỉm cười. Ba đã đi đâu? Gần hai mươi năm rồi!
    Đi lên chùa Ba ạ! Ngày xưa Ba không thích đi chùa, nhưng Mẹ thường đi với mấy bà bạn, rủ mãi Ba cũng chịu đi. Đi ra khỏi thành phố, lên vùng núi một chút, ra vùng biển một chút, về thôn quê một chút, cũng là dịp để du ngoạn. Mẹ cũng “rủ” Ba ăn chay. Mẹ thì ăn chay trường, quen rồi. Ba tập dần, cũng ăn được một tháng bốn ngày. Thật đơn giản, dễ dàng. Mẹ nói lòng mình muốn thì làm gì cũng được. Ba nói: “Vouloir, c’est pouvoir!”
    Ba có biết không, bây giờ những người bạn cùng đi chùa với mình không còn đầy đủ nữa. Nay nghe người này bệnh, mai nghe người kia mất, Mẹ buồn lắm! Thỉnh thoảng có người đến thăm Mẹ, là những người còn khỏe. Họ khen Mẹ còn thuộc lòng kinh sách. Là mình may mắn thôi, phải không Ba? Cái gì đã in vào đầu, sẽ không xóa được. Ngày xưa Mẹ tụng kinh sáng, tối. Mẹ trải tấm chiếu trước bàn thờ Phật, đánh chuông gõ mõ, tụng kinh hàng giờ. Nay thì Mẹ chỉ ngồi trên giường, trang nghiêm niệm Phật mỗi chiều, khoảng mười lăm phút. Chỉ trong những phút giây như vậy Mẹ mới thấy lòng thanh thản. Mẹ hồ như đã quên những ngày tháng cơ cực, những lúc xa con “khóc muốn mù con mắt” và giây phút tiễn Ba đi xa thăm thẳm.
 
***
 
Ngày cuối tuần, con muốn đưa Mẹ đi chơi đâu đó. Chà, lúc này Mẹ chẳng muốn đi đâu. “Cái chân chạy” đã mệt mỏi. Thật ra, Mẹ rất nhớ biển, nhớ núi, nhớ những vùng thôn quê, nhớ những ngôi chùa tĩnh mịch. Bây giờ đi đâu Mẹ cũng muốn phải về trước khi mặt trời lặn để có cảm giác an toàn. Các con chiều ý Mẹ, chỉ đi trong thành phố, sáng đi chiều về.
     “Đi lên nhà anh Cả chơi nghen Mẹ! Anh Cả đau chân, mình lên thăm ảnh.”
     “Ừ, nhưng về sớm con à! Ra khỏi nhà, con phải đẩy mẹ bằng xe lăn, lên xuống vất vả, về tối quá không tốt.”
     “Dạ được rồi Mẹ, mình sẽ về trước khi mặt trời lặn.”
    Anh con út nói như một điệp khúc, và mỉm cười.
    Khi về, đường bị kẹt xe. Đường đông nghẹt, toàn xe gắn máy. Chiếc taxi nhích từng chút, từng chút, rồi đứng luôn. Mẹ bắt đầu sốt ruột. Mẹ không thích cái cảm giác ngồi trong bóng tối. Trời tối thật. Con trai sợ Mẹ lo lắng, kiếm chuyện nói cho Mẹ vui. Mẹ cũng nói. Nhưng có một lúc, Mẹ ngước nhìn qua cửa kính xe, im lặng vài giây, rồi thốt lên:
     “Trăng kìa!”
     “Dạ, đêm nay có trăng.”
     “Lâu lắm rồi Mẹ không thấy trăng đêm.”
    Con trai cười:
     “Dạ, vì đi đâu mẹ cũng muốn về sớm, lúc trời còn sáng.”
    Mẹ lại im lặng… Trong suốt cuộc đời, Mẹ từng bày tỏ sự ngạc nhiên và vui mừng khi được xem nhật thực, nguyệt thực. Trăng đêm, nghe đơn giản và bình thường lắm, sao khiến Mẹ cảm động lạ thường!
    Mẹ lẩm bẩm:
     “Cho Mẹ nhìn trăng đêm. Đẹp quá!”
    Đêm không còn là đêm rộn ràng của người và xe chen chúc trên đường. Đêm bây giờ là đêm của ánh trăng dịu dàng, của tiếng đàn mandolin và câu hát trữ tình:
 
“Người hẹn cùng ta đến bên bờ suối
Rừng chiều mờ sương ánh trăng mờ chiếu
Một đêm thiết tha rồi đây xa cách
Rồi đây hai ngả biết tới phương nào?” (4)
 
“Người” mặc bộ đồ tây màu kem, dáng thư sinh thanh nhã, đã đến bên Mẹ rồi! Trí nhớ của Mẹ lại làm việc. Những lời của bài hát như hiện ra trước mắt, là ơn phước cho Mẹ, để Mẹ được sống lại những giây phút ngọt ngào nhất trong cuộc đời.
 
– Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
(2024)
 
(1) Trích “Thơ Ngây”, tác giả: Anh Việt
(2) Trích “Lỡ Chuyến Đò”, Anh Việt
(3) Trích “Xa Cách”, Xuân Diệu
(4) Trích “Trăng Mờ Bên Suối”, Lê Mộng Nguyên

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cô người Nha Trang, lớn lên và đi học ở đó. Cô sinh trưởng trong một gia đình gia giáo, mẹ cô đi dậy học, ông thân cô cũng là hiệu trưởng một trường trung học lớn ở Phú Yên. Năm 22 tuổi, cô học năm cuối đại học văn khoa Huế thì gặp gỡ chú Hiếu trong một dịp hội thảo sinh viên do các biến động thời cuộc miền Trung bắt đầu nhen nhúm. Chú Hiếu lúc đó đang theo cao học luật. Họ thành đôi bạn tâm giao tuổi trẻ, sau thành đôi uyên ương. Ba năm sau khi Trang vừa 25 tuổi, Hiếu đã nhậm chức chánh án tòa thượng thẩm.
Nhà trẻ kế bên bệnh xá. Trong góc một trại giam. Nhà trẻ có sáu đứa con nít. Bệnh xá có mấy bệnh nhân già. Coi bệnh xá là một tù nam nguyên là y tá ngoài đời. Coi nhà trẻ là một tù nữ án chung thân. Coi cả hai nơi ấy là một công an mà mọi người vẫn gọi là bác sĩ! Sáu đứa con nít đều là con hoang. Mẹ chúng nó là nữ tù bên khu B, đừng hỏi cha chúng đâu vì chúng sẽ không biết trả lời thế nào. Cũng đừng bao giờ hỏi mẹ chúng nó về chuyện ấy vì rằng đó là chuyện riêng và cũng là những chuyện rất khó trả lời. Thảng hoặc có ai đó được nghe kể thì lại là những chuyện rất tình tiết ly kỳ lâm ly bi đát… chuyện nào cũng lạ, chuyện nào cũng hay
Thăm nuôi năm thứ mười: trại Z30D Hàm Tân, dưới chân núi Mây Tào, Bình Tuy. Cuối năm 1985, mấy trăm người tù chính trị, trong đó có cánh nhà văn nhà báo, được chuyển từ trại Gia Trung về đây. Hồi mới chuyển về, lần thăm nuôi đầu, còn ở bên K1, đường sá dễ đi hơn. Cảnh trí quanh trại tù nặng phần trình diễn, thiết trí kiểu cung đình, có nhà lục giác, bát giác, hồ sen, giả sơn... Để có được cảnh trí này, hàng ngàn người tù đã phải ngâm mình dưới nước, chôn cây, đẽo đá suốt ngày đêm không nghỉ. Đổi vào K2, tấm màn hoa hòe được lật sang mặt trái: những dãy nhà tranh dột nát, xiêu vẹo. Chuyến xe chở người đi thăm nuôi rẽ vào một con đường ngoằn nghoèo, lầy lội, dừng lại ở một trạm kiểm soát phía ngoài, làm thủ tục giấy tờ. Xong, còn phải tự mang xách đồ đạc, theo đường mòn vào sâu giữa rừng, khoảng trên hai cây số.
Ông Hải đứng trước của nhà khá lâu. Phân vân không biết nên mở cửa vào hay tiếp tục đi. Tâm trạng nhục nhã đã ngui ngoai từ lúc nghe tiếng chim lạ hót, giờ đây, tràn ngập trở lại. Ông không biết phải làm gì, đối phó ra sao với bà vợ béo phì và nóng nảy không kiểm soát được những hành động thô bạo.
Vuốt lại tấm khăn trải giường cho thẳng. Xoay chiếc gối cho ngay ngắn. Xong xuôi, hắn đứng thẳng người, nhìn chiếc giường kê sát vách tường. Có cái gì đó thật mảnh, như sợi chỉ, xuyên qua trái tim. Hắn vuốt nhẹ bàn tay lên mặt nệm. Cảm giác tê tê bám lên những đầu ngón tay. Nệm giường thẳng thớm, nhưng vết trũng chỗ nằm của một thân thể mềm mại vẫn hiện rõ trong trí. Hắn nuốt nước bọt, nhìn qua cái bàn nhỏ phía đầu giường. Một cuốn sách nằm ngay ngắn trên mặt bàn. Một tờ giấy cài phía trong đánh dấu chỗ đang đọc. Hắn xoay cuốn sách xem cái tựa. Tác phẩm dịch sang tiếng Việt của một nhà văn Pháp. Cái va li màu hồng nằm sát vách tường, phía chân giường. Hắn hít không khí căn phòng vào đầy lồng ngực. Thoáng hương lạ dịu dàng lan man khứu giác. Mùi hương rất quen, như mùi hương của tóc.
Biết bao nhiêu bài viết về Mẹ, công ơn sinh thành, hy sinh của người Mẹ vào ngày lễ Mẹ, nhưng hôm nay là ngày Father’s Day, ngày của CHA, tôi tìm mãi chỉ được một vài bài đếm trên đầu ngón tay thôi. Tại sao vậy?
Hôm nay giống như một ngày tựu trường. Đơn giản, vắng một thời gian không ngồi ở lớp học, nay trở lại, thế là tựu trường. Ngày còn bé, mỗi lần nghỉ hè xong, lên lớp mới, trong lòng vừa hồi hộp vừa vui sướng. Có bao nhiêu chuyện để dành chờ gặp bạn là kể tíu tít. Nhưng bên cạnh đó là nỗi lo khi sắp gặp các thầy cô mới… Mỗi năm đều có ngày tựu trường như vậy, nói chung là khá giống nhau, trong đời học sinh. Nhưng cái ngày tựu trường này thật quá khác. Người ta nhìn nhau không dám cười, không dám chào hỏi. Sự e dè này, dường như mỗi người đã được tập luyện qua một năm. Một năm “học chính trị” trong cái gọi là hội trường mà tiền thân là cái rạp hát.
Cái tên Michelin không xa lạ gì với chúng ta. Vỏ lốp chiếc xe tôi đang dùng cũng mang tên Michelin. Sao hai thứ chẳng có liên quan chi lại trùng tên. Nếu tôi nói chúng tuy hai mà một chắc mọi người sẽ ngây người tưởng tôi… phiếm.
Phi là một người bạn đạt được những điều trong đời mà biết bao người không có. Là một tấm gương sống sao cho ra sống để chết đi không có gì hối tiếc. Là một niềm hy vọng cho sự tử tế vốn ngày càng trở nên xa xỉ ở nước Mỹ mà tôi đang tiếp tục sống.
Có một lần đó thầy kể lại chuyện rằng, thầy có một phật tử chăm chỉ tu học, đã hơn 10 năm, theo thầy đi khắp nơi, qua nhiều đạo tràng, chuyên tu chuyên nghe rất thành kính. Nhưng có một lần đó phật tử đứng gần thầy, nghe thầy giảng về phát bồ đề tâm, sau thầy có đặt một vài câu hỏi kiểm tra coi thính chúng hiểu bài tới đâu? Cô vội xua xua tay, “bạch thầy, những điều thầy giảng, con hiểu hết, con hiểu hết mà. Con nhớ nhập tâm. Nhưng đừng, thầy đừng có hỏi, bị là con không biết trả lời làm sao đâu.” Có lẽ là cô hiểu ý mà cô chưa sẵn sàng hệ thống sắp xếp thứ tự lại các ý tưởng.
Ở xứ ấy, người ta ngủ đến trưa mới dậy. Chàng nhớ thế khi nghĩ về mùa xuân, mùa hạ, mùa thu khi còn bé, mỗi lần nghĩ thế, đều lấy làm ngạc nhiên, và lấy làm ngạc nhiên về sự ngạc nhiên ấy. Thế mà giữa một thành phố châu Âu, chàng lại gặp chúng. Trên nền tường trắng và mặt biển xanh, giữa những màu xanh và trắng, chỉ hai màu ấy, đôi khi xanh và đỏ, chàng gặp lại chúng, hồ hởi, tưng bừng, nó và chàng như hai thằng bạn thời mặc quần xà lỏn nay gặp nhau
Lơ đảng nhìn mây trời và đèn đường, tôi từ tốn chuyển xe sang tuyến trái để cua. Cha tôi thường nói, “Con phải tập bỏ tính lơ đểnh, nếu không, sẽ có ngày gặp phiền phức.” Nhưng lơ đểnh là nơi nghệ sĩ lang thang, ngẫu hứng tìm thấy những sáng tạo không ngờ. Chợt thoáng trong hộp kính nhìn lui, thấy chiếc xe đen nhỏ bắn lên với tốc độ nguy hiểm, tôi chuyển xe về lại bên phải, sau gáy dựng lên theo tiếng rít bánh xe thắng gấp chà xát mặt đường, trong kính chiếu hậu, một chiếc xe hạng trung màu xám đang chao đảo, trơn trợt, trờ tới, chết rồi, một áp lực kinh khiếp đập vào tâm trí trống rỗng, chỉ còn phản xạ tự động hiện diện. Chợt tiếng cha tôi vang lên: “đạp ga đi luôn.” Chân nhấn xuống, chiếc xe lồng lên, chồm tới như con cọp phóng chụp mồi. Giữa mơ hồ mất kiểm soát, tử sinh tích tắc, tôi thoáng nhận ra trước mặt là thành cây cầu bắt qua sông.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.