
Chuyến bay chở những người Nam Phi da trắng đến Mỹ xin tị nạn đã làm dấy lên tranh cãi gay gắt. Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện này là một luận điệu chính trị có lịch sử kéo dài hơn hai thế kỷ, bắt nguồn từ nỗi sợ của các chủ nô Mỹ đối với cuộc cách mạng khai sinh ra quốc gia da đen độc lập đầu tiên trên thế giới: Haiti. (Nguồn: Chụp lại từ YouTube)
Tháng 5 vừa qua, một chuyến bay từ Johannesburg, Nam Phi đã đáp xuống phi trường Quốc tế Dulles, Hoa Kỳ. Trên phi cơ là khoảng 50 công dân Nam Phi da trắng thuộc cộng đồng Afrikaner. Những người này cho biết sinh kế của họ đang bị đe dọa nghiêm trọng do xã hội ngày càng “kỳ thị người da trắng.”
Cách mô tả tình hình Nam Phi như vậy ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các nhà bình luận cánh hữu có ảnh hưởng ở Mỹ như Tucker Carlson, Charlie Kirk, và Stephen Miller.
Kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, các vị này đã liên tục tô vẽ một bức tranh về Nam Phi. Những nỗ lực sửa sai cho thời kỳ Apartheid, theo lời Miller, là “một dạng đàn áp sắc tộc.” Các vị lập luận rằng chính màu da trắng của người Afrikaner đã khiến họ dễ bị đối xử bất công, có cơ nguy bị tịch thu đất đai và trở thành nạn nhân của các vụ tấn công bạo lực.
Đáp lại, chính quyền Trump đã dành một ngoại lệ hiếm hoi cho nhóm người Afrikaner: cấp quy chế tị nạn cho họ (trong khi các đơn xin tị nạn từ các khu vực khác phần lớn đều bị từ chối). Để biện minh, Trump đã trích dẫn những tường trình vô căn cứ về các cuộc tấn công sắc tộc, thậm chí còn tuyên bố với báo giới rằng “đó là nạn diệt chủng.” Cũng với lập luận đó, ông tìm cách gây áp lực với Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa trong buổi gặp tại Tòa Bạch Ốc gần đây. Nhờ vậy, người Afrikaner da trắng đang được ưu ái cho nhập tịch Hoa Kỳ theo “đường tắt.”
Việc khắc họa một chính quyền do người da đen lãnh đạo như một mối đe dọa đến sự tồn vong không phải là chuyện mới. Trong những năm 1790, giới chủ nô Mỹ đã dùng Haiti như một “thí dụ tiêu biểu” về sự hỗn loạn mà họ cho là hậu quả rành rành của việc trao quyền cho người da đen – rằng tự do của người da đen đồng nghĩa với sự diệt vong của người da trắng.
Những lời lẽ đầy định kiến mang mục đích rõ ràng: biến Haiti thành biểu tượng cảnh báo cảnh báo người Mỹ da trắng về viễn cảnh của một xã hội đa sắc tộc. Những hình ảnh về Nam Phi ngày nay được xây dựng theo logic tương tự. Và chính sách tị nạn của Hoa Kỳ, từ xưa đến nay, đã cho thấy rõ quan niệm này.
Trước khi tuyên bố độc lập vào ngày 1 tháng 1 năm 1804, Haiti được biết đến với cái tên Saint Domingue, một thuộc địa của Pháp nằm ở phía tây đảo Hispaniola, từng tạo ra khối tài sản kếch xù cho mẫu quốc nhờ bóc lột tàn bạo nô lệ Phi Châu. Cuộc Cách mạng Haiti kéo dài 14 năm, là một chuỗi sự kiện rung chuyển thế giới, khai sinh ra quốc gia độc lập thứ hai ở Tây Bán cầu, với một hiến pháp triệt để: bãi bỏ hoàn toàn chế độ nô lệ, định nghĩa mọi công dân đều là người “Da đen,” chia sẻ đất đai, và bất kỳ nô lệ nào bỏ trốn đặt chân lên đất Haiti đều ngay lập tức được tự do.
Đối với các chủ nô Mỹ, sự ra đời của Haiti là một cơn ác mộng. Họ nhìn những người thực dân Pháp da trắng ở đây bằng một “lòng cảm thông sâu sắc.” Trong thư gửi Đại Hội Đồng thuộc địa vào tháng 9 năm 1791, Thống đốc Nam Carolina từng viết: “Tình cảnh giữa các tiểu bang miền Nam của chúng tôi và Saint-Domingue rất giống nhau, đặc biệt là về việc sử dụng đông đảo nô lệ. Chúng tôi không khỏi cảm thấy bất an cho số phận của quý vị.”
Vào tháng 6 năm 1793, hàng ngàn người Pháp da trắng trốn khỏi Haiti đã được chào đón nồng nhiệt ở Mỹ, nhận sự giúp đỡ từ mọi cấp: các tổ chức dân sự, chính quyền tiểu bang và cả Quốc hội. Ngược lại, những người Haiti da màu bị mô tả như những “hình tượng khủng bố.” Cụm từ “những tên Pháp da đen” (French negroes) len lỏi vào tâm trí người dân miền Nam như một cơn ác mộng dai dẳng. Các bang miền Nam vội vã ban hành luật cấm người da đen tị nạn, và không chút do dự, buộc những người đã đến phải lập tức rời đi.
Mọi cuộc nổi dậy của nô lệ ở Hoa Kỳ, từ Gabriel ở Virginia năm 1800 đến Denmark Vesey ở Nam Carolina năm 1822, đều bị nghi ngờ gắn liền với giới lãnh đạo Haiti.
Thực chất, “nỗi kinh hoàng ở St. Domingo” là một công cụ để giải quyết các vấn đề bên trong nước Mỹ. Gieo rắc nỗi sợ về một “thế giới đảo ngược” – nơi người da đen được tự do và người da trắng bị giết chóc – giới chủ nô đã củng cố hình ảnh Hoa Kỳ là quốc gia của người da trắng. Luận điệu này trở thành công cụ để phản bác các phong trào bãi nô và dập tắt mọi lý tưởng bình đẳng, vốn bị xem là hiểm họa cho hệ thống quyền lực của người da trắng lúc bấy giờ.
Sức sống của luận điệu này vô cùng dai dẳng. Năm 1859, gần 70 năm sau cách mạng Haiti, một nhà văn ủng hộ chế độ nô lệ đã không ngần ngại gán cho nhà hoạt động bãi nô John Brown cái mác “nỗ lực lặp lại cuộc cách mạng da đen ở St. Domingo năm 1791, nhưng trên quy mô rộng lớn hơn.”
Bốn năm sau, vào năm 1863, một bức tranh biếm họa của phe ủng hộ Liên minh Miền Nam vẽ cảnh Tổng thống Abraham Lincoln đang viết bản Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ (Emancipation Proclamation): dưới chân ông đạp lên cuốn Hiến pháp Hoa Kỳ, trên bàn là bức tượng con quỷ, còn phía sau là bức tranh về cảnh tượng đẫm máu ở Haiti. Họ vẽ ra một Haiti mà ở đó người da đen làm chủ vận mệnh, còn người da trắng thì bị tiêu diệt, mang theo thông điệp rằng: giữ nguyên một nước Mỹ da trắng với chế độ nô lệ mới là điều “hiển nhiên.”
Tuy nhiên, đâu phải người Mỹ nào cũng đồng tình. Có những tiếng nói khác đã nhìn về Saint-Domingue với sự tôn trọng: một biểu tượng cho lòng can đảm, cho công lý sắc tộc. Cùng với làn sóng Cách mạng Pháp, cuộc đấu tranh ở Haiti đã thắp lên niềm tin rằng một làn sóng dân chủ toàn cầu, dựa trên giá trị nhân quyền, có thể dập tắt mọi thế lực áp bức.
Thực tế là, ở Hoa Kỳ, cuộc chiến giành độc lập đã khép lại không lâu trước đó. Độc lập thì có rồi, nhưng cách tổ chức đất nước, lý tưởng, bản sắc dân tộc… thì vẫn chưa ổn định. Người dân, bất kể là da trắng hay da đen, vẫn đang tranh luận xem: Nước Mỹ mới này có nên có nô lệ hay không? Có thật sự là đất nước của tự do và bình đẳng không? Và những gì người Mỹ da trắng thể hiện trước tình hình ở Saint-Domingue đã mở lối cho những suy nghĩ về một tương lai không còn chế độ nô lệ trên lãnh thổ Hoa Kỳ.
Năm 1973, những người tị nạn da trắng từ Haiti đặt chân đến Philadelphia. Họ được cưu mang, nhưng không được phép sở hữu nô lệ. Sang thế kỷ 19, đối với người Mỹ da màu, Haiti trở thành một “biểu tượng của niềm hy vọng,” khơi dậy niềm tự hào và thúc đẩy hành động. Giống như cách mà những người bênh vực chế độ nô lệ từng lấy Haiti ra làm lý lẽ phản đối, thì ở chiều ngược lại, Haiti được sử dụng như một lý lẽ tích cực trong cuộc đấu tranh vì dân quyền, công bằng sắc tộc và các quyền cơ bản tại Hoa Kỳ.
Ngày nay, quyết định của chính quyền Trump đối với người Afrikaner dường như đang tái hiện lại kịch bản cũ. Nó hoàn toàn đi ngược lại Đạo luật Tị nạn 1980 của Hoa Kỳ, yêu cầu người tị nạn phải chứng minh được họ có nỗi sợ bị đàn áp thực sự, chứ không chỉ là cảm giác mơ hồ.
Chính sách này mang đậm dấu ấn của Trump: nó bắt nguồn từ cái nhìn phiến diện về tình hình ở Nam Phi, đến cách biện minh bằng những lời lẽ khoa trương và sự áp đặt, và cuối cùng là nhằm phục vụ lợi ích cá nhân. Về cốt lõi, nó nhằm củng cố thông điệp chính trị của Trump về sự nguy hiểm của các sáng kiến bình đẳng chủng tộc. Theo góc nhìn này, những người Afrikaner chính là “những sứ giả da trắng” theo đúng nghĩa đen: đại diện cho hình ảnh nạn nhân của trào lưu cấp tiến. Hoàn cảnh của họ khớp một cách hoàn hảo với các cuộc tấn công của Trump vào các trường đại học và cơ quan chính phủ, vốn bị ông cáo buộc là “chứa chấp, dung dưỡng chủ nghĩa bài Do Thái và các sáng kiến DEI.”
Với tất cả những hành động và lập luận đó, chính quyền Trump không đơn giản là chỉ thay đổi chính sách nhập cư, mà còn đang công khai tuyên bố lập trường của mình: nước Mỹ như trong mong muốn của Trump không phải là một quốc gia đa sắc tộc, mà là đất nước dành riêng cho chủ nghĩa da trắng.
Cung Đô biên dịch
Nguồn: “From South Africa to Haiti: The History of White Refugee Narratives” được đăng trên trang Time.com.
Gửi ý kiến của bạn