Hôm nay,  

“Bring Carol Home”: Xin Lắng Nghe Tiếng Lòng Của Người Mẹ!

06/06/202500:00:00(Xem: 613)

nguoi me
Một vụ bắt giữ di dân gần đây đã làm rúng động Kennett, một thị trấn nhỏ ở tiểu bang Missouri, nơi mà Tổng thống Donald Trump từng được đa số ủng hộ. Carol Hui, người mẹ ba con gốc Hồng Kông sống tại Kennett Missouri trong suốt 20 năm qua, gần đây đã bị bắt giữ và đang đối mặt với nguy cơ bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ. (Nguồn: Chụp lại từ YouTube)
  
Câu chuyện sau đây của người mẹ ba con, được chia sẻ trong chương trình podcast The Daily Blast của The New Republic, đã nêu lên những mâu thuẫn giữa chính sách nhập cư và tình người, cũng như những góc khuất trong cuộc sống của di dân tại Mỹ. Sau đây là bản dịch bài podcast, độc giả có thể nghe bản Podcast tiếng Anh nguyên gốc ở đây.
 
Greg Sargent: Quý vị đang theo dõi The Daily Blast phát sóng từ The New Republic, chương trình do DSR network sản xuất và phát hành. Tôi là Greg Sargent, người dẫn chương trình phát sóng hôm nay.
 
Chị Carol Hui đến từ Hồng Kông, đã sinh sống tại một thị trấn nhỏ ở tiểu bang Missouri suốt hai mươi năm. Chị lập gia đình tại đây, làm phục vụ cho nhà hàng và giúp việc nhà. Theo tường trình của tờ New York Times, chị được lòng rất nhiều người dân địa phương. Thế nhưng gần đây, Carol đã bị bắt và hiện đang đối mặt với cơ nguy bị trục xuất. Sự việc này đã khiến nhiều cư dân trong thị trấn (từng hết lòng bỏ phiếu cho Trump) cảm thấy bàng hoàng và đau lòng.
 
Hôm nay, Carol Hui sẽ chia sẻ với chúng ta về câu chuyện của mình từ trại giam ở Springfield, Missouri. Chị sẽ nói về những gì mình đang trải qua và những căng thẳng đã bùng lên trong cộng đồng ủng hộ Trump tại thị trấn nhỏ này. Có lúc câu chuyện trở nên quá sức chịu đựng, Carol đã bật khóc. Trong phần sau của chương trình, chúng tôi sẽ nói chuyện với luật sư của Carol để hiểu rõ hơn về tình hình của chị. Nhưng trước hết, xin mời quý vị lắng nghe câu chuyện từ chính Carol. Xin chào Carol, cảm ơn chị đã dành thời gian với chúng tôi hôm nay.
 
Carol Hui: Xin cảm ơn mọi người, rất hân hạnh được chia sẻ (câu chuyện của tôi) với quý vị hôm nay.
 
Sargent: Tên thật của chị là Ming Li Hui, nhưng chúng tôi xin được gọi chị là Carol. Carol, chị có thể kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống của mình ở Kennett, Missouri không? Chị đã sống ở đó bao lâu, gia đình, công việc và các mối quan hệ bạn bè của chị ra sao?
 
Hui: Tôi chuyển đến Kennett hồi tháng 5 năm 2004. Ban đầu ghé thăm một người bạn sinh con ở bệnh viện. Sau đó, chúng tôi đi vòng vòng, và tôi thấy rất thích Kennett. Người ta nói Kennett nhỏ, vì lúc đó chỉ có hơn 10,000 người. Nhưng với tôi vậy là vừa đủ. Không quá đông, cũng không quá vắng. Để quen hết mọi người cũng cần thời gian. Và tôi thấy mình thực sự thuộc về nơi này, nên đã quyết định ở lại Kennett.
 
Sargent: Carol, chị sống cùng gia đình và các con đúng không? Chị có thể kể thêm đôi chút về họ?
 
Hui: Chúng tôi chưa kết hôn chính thức vì hoàn cảnh chưa cho phép, nhưng tôi vẫn gọi ảnh là chồng. Tôi sống cùng chồng và ba đứa con rất đáng yêu, hai bé trai và một bé gái. Tôi thương các con nhiều lắm. Các cháu đều khỏe mạnh, học hành đàng hoàng và ngoan ngoãn. Tôi rất tự hào về tụi nhỏ. Mọi người ở đây rất tốt bụng, họ thương và quan tâm đến các con tôi. Tuần nào tôi cũng đi lễ nhà thờ, ở đó tôi quen được rất nhiều người tốt bụng.
 
Sargent: Theo ghi nhận của Jack Healy từ The New York Times, có vẻ như thị trấn của chị đã phản ứng rất mạnh trước việc chị bị bắt giữ. Giáo hội đã tổ chức buổi cầu nguyện đặc biệt dành cho chị. Còn nhà hàng nơi chị làm việc cũng đã tổ chức một sự kiện gây quỹ “Carol Day” và quyên góp được 20,000 đô. Hàng trăm người đã ký vào đơn thỉnh nguyện yêu cầu bảo vệ chị. Chị có hay biết về tất cả tình cảm đó không? Chị cảm thấy thế nào?
 
Hui: Tôi hoàn toàn không biết gì. Và khi biết rồi thì tôi chết lặng. Tôi chưa từng nghĩ rằng có nhiều người thương mình như vậy.
 
Sargent: Tôi muốn làm rõ thêm điều này. Carol vừa nói là “Tôi không ngờ có nhiều người thương mình như vậy.” Chị có thể nói thêm về điều này?
 
Hui: Mỗi ngày tôi chỉ biết làm việc, lo cho con cái. Gặp ai tôi cũng quý. Mỗi ngày gặp biết bao nhiêu người lạ nhưng tôi luôn cố gắng để mỗi cuộc gặp ấy trở nên tốt đẹp. Dù họ bước vào nhà hàng với vẻ mặt u sầu, có người giận dữ, nhưng tôi chỉ mong họ ra về với nụ cười. Tôi quan tâm đến người khác. Nhưng tôi chưa từng nghĩ, chưa từng dám nghĩ rằng người ta cũng quan tâm đến tôi như vậy. Khi đó, tôi chỉ biết tự hỏi: “Thiệt hả? Có cả ‘Ngày Carol’ luôn hả?” Tôi còn đùa với con: “Chắc mẹ nổi tiếng rồi đó.” Nó bảo: “Mẹ ơi, đúng á mẹ, mọi người chọn riêng một ngày cho mẹ mà.” Sau bữa đó, con tôi kể lại tất cả, và tôi rất xúc động. Tôi biết ơn mọi người rất nhiều. Mong sớm được gặp lại tất cả.
 
Sargent: Rất nhiều người ở thị trấn này đã bỏ phiếu cho Trump. Khi ông ấy vận động tranh cử với chủ trương trục xuất toàn bộ “di dân lậu,” phản ứng của cộng đồng ra sao? Có vẻ như nhiều người ủng hộ Trump không biết, hoặc không nghĩ tới chuyện chính sách đó sẽ ảnh hưởng những người như chị. Chị cảm thấy thế nào?
 
Hui: Buồn. Thật sự rất buồn. Ở đây bây giờ có bốn mươi chín phụ nữ. Có từ hai mươi đến hai mươi lăm người là do ICE đưa đến. Mỗi người một cảnh. Điều duy nhất mà chúng tôi cầu mong là có được một cuộc sống yên ổn hơn – cho mình, cho gia đình, cho con cái. Tôi hy vọng nhiều người sẽ hiểu. Tôi biết họ đã bầu cho Trump. Ông ấy muốn giúp nước Mỹ tốt đẹp hơn, điều đó không sai. Nhưng chúng tôi cũng là những con người. Ai rồi cũng có lúc mắc sai lầm. Xin hãy cho chúng tôi cơ hội để sửa sai.
 
Một nửa số người ở đây không phải do ICE đưa vào, cũng khoảng hai mươi lăm người. Họ ở đây vì những nguyên do khác. Họ từng dính vào ma túy, thoải mái bàn tán về ma túy, rồi nhậu nhẹt. Họ là một thế giới khác hẳn với chúng tôi. Họ chỉ thản nhiên nói, “Ở đây sáu tháng rồi về nhà là xong.” Còn chúng tôi thì sao?
 
Nếu giam tôi ở đây sáu tháng rồi cho tôi về gặp gia đình, tôi sẵn sàng chấp nhận ngay không chút do dự. Tôi chỉ muốn gặp lại gia đình mình. Tôi muốn được ôm các con. Tất cả những người phụ nữ ở đây, hai mươi người, đến từ Phi Châu, Mexico, Nga, và nhiều nơi khác. Chúng tôi chỉ cần chính phủ cho phép chúng tôi có thể ở lại đây. Chúng tôi không xin tiền. Chúng tôi không xin tem phiếu thực phẩm. Chúng tôi không đòi hỏi bất cứ sự trợ giúp nào... Chúng tôi làm việc, bất kể khó khăn thế nào. Chúng tôi làm lụng để lo cho gia đình.
 
Tôi chỉ muốn những người đã bầu cho Trump, những người ủng hộ Trump, hiểu rằng việc ông ấy giúp nước Mỹ phát triển là điều đáng mừng, nhưng xin đừng bỏ qua tình người. Chúng ta vẫn có thể vừa phát triển vừa bảo vệ và nâng đỡ những người khác mà. Chúng tôi không phải là tội nhân. Tôi xin thề, tất cả hai mươi phụ nữ ở đây – không ai trong chúng tôi có dính dáng đến ma túy hay trộm cắp. Chúng tôi sống tử tế, làm việc chăm chỉ, và tôn trọng mọi người, bất kể màu da.
 
Sargent: Carol, tôi muốn đọc cho chị nghe lời chia sẻ của chị Vanessa Cowart, người bạn đã giúp chị cải đạo sang Công giáo, với tờ Times. Chị ấy nói: “Không ai cố tình bỏ phiếu để trục xuất các bà mẹ cả. Tất cả chúng tôi đều tưởng rằng mình chỉ đang đuổi các băng nhóm tội phạm ồ ạt tràn vào đất nước này.” Đó là lời của Vanessa Cowart, bạn của chị. Chị ấy cho rằng những người ủng hộ Trump ở thị trấn thực ra không hề có ý ủng hộ những chuyện tàn nhẫn đang xảy ra lúc này. Chị nghĩ sao? Chị có tin rằng nhiều người bầu cho Trump thật sự không hay biết rằng lá phiếu của họ đã góp phần khiến những người như chị bị trục xuất?
 
Hui: Tôi biết hơn chín mươi phần trăm người dân thị trấn tôi chắc chắn ủng hộ Trump. Nhưng tôi không nghĩ trong thâm tâm, họ có ý định đẩy tất cả mọi người ra khỏi nước Mỹ. Tôi hiểu người dân thị trấn, họ là những người tử tế. Họ chỉ mong nước Mỹ trở nên tốt đẹp hơn, vật giá không leo thang, xăng rẻ hơn, và mọi người có công ăn việc làm. Mà tôi cũng không chắc nữa. Thật sự là không dám chắc.
 
Sargent: Carol, ban đầu điều gì đã đưa chị đến đất nước này? Và chuyện gì đã xảy ra khi chị mới đến?
 
Hui: Đó là một câu chuyện dài. Tuổi thơ của tôi là chuỗi ngày bị đánh đập. Mẹ tôi ghét tôi. Bà ấy đánh không hề nương tay. Khi tôi tốt nghiệp trung học, tôi trốn nhà ra đi. Tôi sống lang thang hết nhà này đến nhà khác. Có lúc tôi sống luôn trong kho chứa đồ trong lúc đi làm. Tôi cảm thấy như mình sống ở Hồng Kông chui nhủi như chuột vậy – chỉ biết lẩn trốn khắp nơi, cầu mong mẹ sẽ không tìm ra để đánh tôi nữa. Rồi tôi đến New York. Nhưng cũng không được yên ổn lắm.
 
Sargent: Khi đó chị bao nhiêu tuổi?
 
Hui: Năm đó tôi hai mươi bốn tuổi.
 
Sargent: Hai mươi bốn tuổi, còn rất trẻ. Điều gì đã đưa chị đến Missouri?
 
Hui: Một người bạn của tôi có thai, nên tôi đến thăm chị ấy. Và tôi cảm thấy bình yên. Khi tôi ngủ trong nhà chị ấy, tôi không còn thấy sợ ai đó sẽ ập vào nhà đánh đập tôi như mẹ tôi từng làm. Tôi thật sự yêu thị trấn này. Ở đây, tôi có thể sống theo cách mình muốn. Tôi cảm thấy mình được tự do và hạnh phúc.
 
Sargent: Chị đã làm công việc bồi bàn nhiều năm rồi đúng không? Có lúc làm ở tiệm bánh waffle, và cũng từng đi giúp việc nhà nữa. Chị có thể kể về chuyện đó không? Chắc chị đã gặp qua nhiều gia đình Mỹ rồi? Gần như ngày nào cũng gặp gỡ và phục vụ họ đúng không?
 
Hui: Vâng. Mà lúc ban đầu tôi không có đi giúp việc nhà. Có lần đang làm ở tiệm bánh John’s Waffle House thì có một ông cụ, khoảng 70 hay 80 tuổi gì đó, nhìn rất buồn phiền. Thế là tôi bắt chuyện với ông, lại hỏi rằng: “Cụ có sao không?” Ông lắc đầu bảo: “Cũng không ổn lắm. Nhà cửa tôi đang bừa bộn quá trời. Bà nhà thì đang bệnh, mà tôi không có nhiều tiền để thuê người đến dọn dẹp.” Tôi nghe vậy thì thấy thương quá. Thế là tôi đề nghị: “Để con lại dọn giúp cụ trong thời gian chờ bà khỏe lại nha, con không lấy tiền đâu.” Ông nhìn tôi như không tin được, hỏi: “Miễn phí hả?” Tôi nói: “Vâng, con giúp cụ được.” Ông lại hỏi: “Không lấy tiền thiệt hả?” Tôi bảo: “Thiệt. Dù sao cụ cũng nói là không có tiền mà. Cụ không cần trả gì cả, con làm giúp cụ được.” Thế là tôi bắt đầu giúp ông cụ dọn nhà mà không lấy tiền. Rồi người ta bắt đầu truyền tai nhau rằng: “Ủa, Carol có đi giúp việc nhà.” Tôi thì đính chính: “Không, tôi không phải chuyên đi giúp việc nhà.” Nhưng ông cụ lại nói: “Con bé dọn dẹp rất gọn gàng, sạch sẽ, mà lại lấy rẻ lắm.” Thế rồi mọi người bắt đầu tìm đến tôi, nhờ tôi giúp họ, hết người này tới người khác. Chuyện là vậy đó.
 
Sargent: Khi phục vụ ở nhà hàng, chắc chị đã có cơ hội quen biết rất nhiều gia đình người Mỹ. Dần dà chắc chị cũng qua lại thân thiết với họ chứ? Chị chia sẻ đôi điều được không?
 
Hui: Vâng. Đúng vậy. Tôi quen biết rất nhiều người. Họ kể cho tôi nghe về cuộc đời họ, vui có, buồn có. Nhờ đó tôi cũng học thêm được chút tiếng Anh. Trước đây tôi rất rụt rè, không dám bắt chuyện với khách hàng. Nhưng dần dần, khi họ chủ động trò chuyện, tôi bắt đầu hiểu họ nhiều hơn, biết họ muốn gì. Có những dịp như lễ Tạ Ơn, chúng tôi còn nấu đồ ăn để mang đi chia sẻ với người khác, cùng giúp đỡ lẫn nhau. Tôi cảm thấy mình như một phần của cộng đồng, và mọi người đến nhà hàng đều trở nên thân quen.
 
Sargent: Chị có thể chia sẻ cảm xúc khi biết rằng bên ngoài kia, có bao nhiêu người đang ngóng trông cô được tự do và gửi gắm tình cảm, sự ủng hộ cho chị không?
 
Hui: Tôi rất biết ơn những gì mọi người đã làm. Tôi hy vọng... tôi không biết phải nói sao. Tôi thực sự rất yêu quý họ và cảm thấy biết ơn vì họ thương tôi đến vậy. Mong rằng sẽ được gặp lại họ. Tôi muốn ôm từng người một. Tôi sẽ ôm họ, hôn họ, làm bất cứ điều gì để bày tỏ lòng mình.
 
Sargent: Carol, theo tôi được biết, chị có ba người con và hiện không được ở cạnh các con. Một người con trai năm nay mười bốn tuổi. Hai người con còn lại thì sao? Và chị cảm thấy thế nào khi không được ở bên các con?
 
Hui: Đau lòng lắm. Con trai lớn của tôi mười bốn tuổi, bị tự kỷ, khóc dữ dội. Có lần thằng nhỏ nghe người ta hỏi han gì đó, rồi ai đó nói: “Mẹ mày đang ở tù rồi.” Nó phát hoảng, cứ lo sợ sẽ không được gặp lại mẹ nữa. Sợ lắm mà không biết phải làm sao. Đứa con trai thứ hai thì mười hai tuổi. Nó gọi điện cho tôi và nói: “Mẹ cho con đi theo mẹ với, đi đâu cũng được, nha mẹ?” Còn con gái tôi thì mới bảy tuổi. Tất nhiên là con bé không hiểu gì cả. Nó nói: “Mẹ ơi, về nhà đi mà. Con nhớ mẹ lắm. Ở nhà buồn lắm.” Nó thủ thỉ: “Mẹ ơi, không ai kể chuyện cho con nữa. Mẹ hôn con với ôm con đi. Con nhớ mẹ. Con muốn mẹ về.” Lòng tôi tan nát. Tôi thấy mình thật bất lực. Tôi không muốn các con mình phải gánh nỗi đau này. Tôi chỉ mong chúng có một tuổi thơ bình thường, có cha mẹ kề bên, được yêu thương, được học hành, được tự do làm điều chúng mơ ước. Tôi chỉ mong các con không phải sống trong sợ hãi.
 
Sargent: Chị hẳn là không muốn các con mình phải lo lắng, hoảng sợ như vậy. Chúng tôi được biết là chị đang cố gắng kêu gọi Quốc Hội quan tâm và can thiệp vào trường hợp của chị. Chị có muốn nhắn gửi điều gì tới họ không?
 
Hui: Xin cho tôi được ở lại. Tôi chỉ muốn ở bên con tôi. Làm ơn hãy giúp tôi. Tôi xin lỗi, tiếng Anh của tôi không tốt, tôi không biết nói sao cho hay. Tôi chỉ mong được sống cùng con ở Mỹ, được tự do và nuôi hy vọng vào một cuộc đời mới.
 
Sargent: Carol, cảm ơn chị rất nhiều vì đã chia sẻ với chúng tôi. Chúng tôi cầu chúc mọi điều tốt đẹp nhất sẽ đến với chị. Hy vọng câu chuyện của chị sẽ được lắng nghe và có một cái kết tốt đẹp. Cảm ơn chị.
 
Hui: Cảm ơn anh. Cảm ơn anh nhiều.
 
Sargent: Cũng trong chương trình hôm nay, chúng tôi cũng đang trò chuyện với luật sư của Carol, Raymond Bolourtchi. Ông hiện đang có mặt tại đây và sẽ giải thích rõ hơn về các tình tiết của sự việc. Chào Ray, xin ông chuyện gì đã xảy ra với Carol, và tình hình hiện tại ra sao?
 
Raymond Bolourtchi: Cảm ơn anh Greg đã cho chúng tôi cơ hội chia sẻ câu chuyện của Ming. Ming đến Hoa Kỳ vào năm 2004. Sau đó, chị bị đưa vào diện trục xuất vì ở lại quá thời hạn visa, và phía chính phủ cũng đưa ra những cáo buộc không mấy tích cực liên quan đến cuộc hôn nhân đầu tiên của chị. Ming đã nộp đơn xin tị nạn lên Tòa Án Di Trú nhưng không được chấp thuận. Chị tiếp tục gửi đơn kháng cáo đến Hội Đồng Kháng Cáo Di Trú (Board of Immigration Appeals), rồi đưa sự việc lên cả Tòa Phúc Thẩm Khu Vực Tám (Eighth Circuit Court of Appeals), nhưng mọi nỗ lực đều không thành. Đơn kháng cáo của chị bị bác bỏ ở mọi cấp.
 
Sargent: Ông có nhắc đến cuộc hôn nhân trước đây. Tôi muốn hỏi rõ hơn. Theo tờ The New York Times, chị ấy đã đồng ý tham gia một cuộc hôn nhân có sắp đặt, trả phí, để được quy chế hợp pháp. Và như ông đã nói, đó là điều chị ấy luôn ân hận. Khi đó, chị ấy thực sự không còn lối thoát. Ông có thể kể sơ qua phần đó không?
 
Bolourtchi: Carol đã lầm lỡ mà tin vào những lời khuyên cực kỳ sai lạc. Bất kể ai đã gieo cho cô ý tưởng đó… thì rõ ràng là vào lúc đó, cô đang rơi vào hoàn cảnh khốn cùng sau những năm tháng đau khổ ở TQ. Cuộc hôn nhân đó hoàn toàn không có tình cảm, chỉ là hình thức. Và khi cuộc điều tra phanh phui sự thật, Bộ Nội An để mắt tới và cô bị đưa vào diện trục xuất. Tôi biết Carol từ năm 2007; tôi hay gọi cổ là Ming. Tôi dám nói rằng chưa từng có một ngày nào trôi qua mà cô không dằn vặt vì quyết định sai lầm đó. Cô đã tuyệt vọng đến mức không còn lựa chọn nào khác. Tôi nói ra không phải để bao biện, nhưng cô thật sự rất ân hận.
 
Sau khi mọi nỗ lực kháng cáo đều không thành, Carol buộc phải tuân theo “lệnh giám sát” từ Bộ Nội An. Vì con trai bị tự kỷ, mà bản thân không đủ điều kiện pháp lý để xin bất kỳ loại bảo vệ nào, cô được phép ở lại nhưng phải bị giám sát chặt chẽ. Suốt những năm sau đó, Carol đã sống trong âm thầm và kiên trì. Tôi có nhiều khách hàng cũng nằm trong diện bị giám sát, nhưng Carol nổi bật vì cô thật sự nghiêm túc: luôn đến đúng hẹn, không bao giờ sai phạm. Cô chính là hình mẫu lý tưởng của một di dân lậu nhưng luôn tuân thủ pháp luật. Cô được cấp phép làm việc, dành trọn thời gian để lao động và chăm sóc gia đình, đặc biệt là đứa con trai bị tự kỷ. Lệnh giám sát được gia hạn hàng năm và có hiệu lực cho đến tháng 8 năm nay. Nhưng ngay sau ngày 20 tháng 1 và các sắc lệnh hành pháp, chúng tôi bắt đầu thấy có những thay đổi mạnh mẽ, rồi cô nhận được cuộc gọi, yêu cầu phải trình diện trước ngày hẹn tường trình vào tháng 8 năm 2025. Cô lập tức đến trình diện theo yêu cầu – và bị bắt giữ ngay sau đó.
 
Sargent: Họ đã nói với chị ấy rằng quyền bảo vệ pháp lý mà chị có đã bị hủy bỏ và chị sẽ bị trục xuất, đúng không?
 
Bolourtchi: Đúng vậy. Đồng thời, phía cơ quan có thẩm quyền quyết định sẽ thi hành lệnh trục xuất. Sắc lệnh hành pháp đã quy định rõ: những người đang thuộc diện giám sát sẽ không còn được lưu lại nữa. Một khi lệnh trục xuất cuối cùng đã được ban hành, thì sẽ phải thực hiện. Trong trường hợp của Carol, điều chúng tôi muốn nhấn mạnh là: cô luôn tuân thủ đúng luật lệ, chưa từng vi phạm, xứng đáng được cân nhắc lại.
 
Sargent: Ông và Carol đang đấu tranh phản đối lệnh trục xuất chị ấy. Liệu có cửa nào thắng không? Mục tiêu cụ thể của hai vị là gì?
 
Bolourtchi: Dựa trên một phán quyết gần đây của Tối Cao Pháp Viện, chúng tôi tin rằng những thay đổi trong tình cảnh của Carol có thể đủ để yêu cầu xem xét lại vụ án. Vào thời điểm trước kia, cô không có bất kỳ hình thức bảo vệ nào như hiện nay. Chúng tôi rất lạc quan rằng vụ án sẽ được mở lại. Và rõ ràng là với việc có một đứa con bị tự kỷ đang sống tại Hoa Kỳ, chúng tôi tin rằng mình có cơ hội thành công – nhưng trước hết phải mở lại được vụ án đã. Chúng tôi hy vọng Hội Đồng Kháng Cáo Di Trú sẽ cân nhắc lại vì hoàn cảnh bây giờ đã khác.
 
Sargent: Vậy tức là ông đang cố gắng làm hai việc: trước hết là tìm cách ngăn việc trục xuất, và sau đó là xin Tòa Án Kháng Cáo Di Trú xét lại hồ sơ, với lý do chị ấy có con nhỏ bị tự kỷ và đang cần được hưởng sự bảo vệ pháp lý vững chắc hơn ở Mỹ. Mục tiêu là như vậy phải không? Và liệu có thể đạt được không?
 
Bolourtchi: Chính xác. Chúng tôi đã hoàn tất cả hai hồ sơ và nộp cùng lúc. Một hồ sơ là yêu cầu khẩn cấp tạm dừng việc trục xuất, ngăn không cho Carol bị đưa lên phi cơ. Hồ sơ còn lại là đề nghị xem xét lại để cô có thể trình bày tình huống hiện tại của mình. Làm mẹ của một đứa trẻ bị tự kỷ, chúng tôi tin rằng đây là lý do chính đáng để cô được trao thêm một cơ hội.
 
Sargent: Ray, chúng tôi rất cảm ơn ông, và cũng xin gửi lời cảm ơn đến Carol. Cảm ơn vì đã giúp đưa tiếng nói của chị đến với chúng tôi từ trại giam. Chúc cả hai người vững bước trong chặng đường phía trước.
 
Bolourtchi: Cảm ơn quý vị, xin trân trọng cảm ơn vì đã mang câu chuyện này ra ánh sáng. Điều đó vô cùng đáng quý.

VB lược dịch
Nguồn: “Transcript: Trump Arrest of Immigrant Shocks Small MAGA Town” được đăng trên trang Newrepublic.com.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Washington, DC – Dân biểu Derek Tran (CA-45) đã bỏ phiếu thuận để thông qua Đạo Luật Quốc Phòng FY26 (NDAA) tại Ủy ban Quân vụ Hạ viện. Dự luật này cho phép chi tiêu quốc phòng tùy nghi lên tới 882,6 tỉ Mỹ kim, đồng thời bao gồm nhiều điều khoản do ông Tran đề xướng nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, nâng cao đời sống quân nhân và đầu tư cho các chương trình cộng đồng tại miền Nam California. Đặc biệt, ông Tran đã vận động thành công việc đưa vào luật một yêu cầu Bộ Quốc Phòng tiếp tục duy trì đầu tư mạnh cho Căn Cứ Huấn Luyện Liên Quân Los Alamitos (JFTB-LA), thuộc địa hạt quốc hội mà ông đại diện. Căn cứ này giữ vai trò thiết yếu trong việc duy trì năng lực phòng thủ quốc gia, đồng thời là nơi đào tạo giới trẻ, gắn bó mật thiết với cộng đồng chung quanh.
Tối Cao Pháp Viện (TCPV) Hoa Kỳ hôm Thứ Hai đã bật đèn xanh cho chính quyền Trump tiếp tục kế hoạch giải thể Bộ Giáo Dục với việc sa thải hơn 1,000 người, theo bản tin từ New York Times. Phán quyết này là một thắng lợi lớn đối với Trump, tạo điều kiện thuận lợi để ông thúc đẩy mục tiêu giảm bớt sự can thiệp của chính phủ liên bang trong lĩnh vực giáo dục. Theo kế hoạch, hơn 1,300 nhân viên sẽ bị cho nghỉ việc. Bộ Giáo Dục – cơ quan chịu trách nhiệm quản trị các khoản vay sinh viên hàng tỷ MK, giám sát chất lượng giáo dục, và đảm bảo thực thi luật dân quyền trong môi trường học đường – sẽ phải gồng mình chống chọi khi bị cắt giảm nhân sự thê thảm như vậy.
Donald Trump từng hứa hẹn sẽ thực hiện chiến dịch trục xuất quy mô lớn, đem di dân lậu ra làm “vật tế thần,” đổ thừa họ là nguyên nhân chính gây ra những khó khăn kinh tế và bất ổn xã hội tại Mỹ. Nhưng kể từ khi nhậm chức, Trump đã lộ ra ý định mở rộng chính sách này, không chỉ nhắm vào di dân lậu mà còn bao gồm cả công dân Hoa Kỳ. Khoảng đầu tháng 7 năm 2025, khi được hỏi liệu ông có trục xuất cố vấn cũ Elon Musk vì đã chỉ trích “Dự luật bự, đẹp” hay không, Trump nói rằng “để coi lại đã.” Tỷ phú công nghệ Elon Musk sinh ra tại Nam Phi và trở thành công dân Hoa Kỳ vào năm 2002.
California là tiểu bang đang phản kháng mạnh mẽ những chính sách chống di dân của chính quyền liên bang. Trong lĩnh vực giáo dục, Tiểu Bang Vàng tiếp tục hỗ trợ cho các sinh viên thuộc các gia đình di dân chưa có giấy tờ. Vào cuối tháng 6, American Community Media tổ chức một cuộc họp báo toàn tiểu bang, trong đó Ủy Ban Hỗ Trợ Sinh Viên California (CSAC) tái khẳng định cam kết của California trong việc hỗ trợ sinh viên di dân.
Kể từ nhiệm kỳ đầu tiên, tổng thống Trump đã thường xuyên xung đột với California, thành trì của các chính sách tiến bộ về di dân, y tế toàn dân, bảo vệ môi trường. Với số lượng di dân đông đúc, luật tiểu bang bảo vệ di dân, California trở thành mục tiêu thường xuyên của phe bảo thủ. Tiểu Bang Vàng trở thành Dân Chủ kể từ những năm 1990, khi ảnh hưởng của đảng Cộng Hòa bị suy giảm do Dự Luật 187 năm 1994 của Thống Đốc Pete Wilson (Cộng Hòa), đưa ra nhằm hạn chế quyền tiếp cận giáo dục và chăm sóc sức khỏe của người nhập cư.
Những cuộc cãi vã, đối đầu gần đây giữa Elon Musk và tổng thống Trump đang thu hút sự chú ý của truyền thông dư luận, góp phần làm doanh thu và lợi nhuận ròng của Tesla, hãng xe điện lớn nhất Hoa Kỳ, trở nên tồi tệ hơn.
Chiều mồng Bốn tháng Bảy, công viên gần nhà tôi vắng hoe như sân ga bỏ hoang. Dăm ba tiếng pháo tay đì đùng lác đác từ dãy nhà xa vọng lại, vài đứa trẻ lân lê đá bóng cạnh bãi đậu xe. Dãy bàn gỗ khu lò nướng chỉ vài ba gia đình ngồi rải rác. Lần đầu tiên, Lễ Độc Lập không nghe tiếng bia leng keng ngoài ‘park’, không có nhạc xập xình, chẳng thơm phức mùi khói thịt nướng. Lá cờ Mỹ phất phơ trên chòi canh trông trơ trọi.
Luật ngân sách BBB sẽ còn làm chênh lệch giầu nghèo nghiêm trọng hơn. Từ trước đến nay chưa bao giờ có một đạo luật nào cắt giảm bảo hiểm y tế và các chương trình an sinh xã hội ở một mức quy mô và rộng lớn như vậy. Thực tế, BBB không phải là luật to lớn và đẹp vì chỉ thắng xít xao tại cả hai viện của Quốc Hội. BBB là một lỗi lầm nghiêm trọng và đáng xấu hổ. Đảng Cộng Hòa sẽ phải đối mặt với trách nhiệm của mình trong hai cuộc bầu cử sắp tới vào 2026 và 2028.
Tôi không ăn mừng Lễ Độc Lập hôm nay, vì pháo hoa không soi thấu những trại giam di dân mọc lên khắp nước Mỹ, pháo hoa không xua được ICE đập cửa dí súng còng tay bứt người mẹ ra khỏi đàn con; pháo hoa không giữ ấm được cả gia đình người đồng minh Afgan vừa mất quy chế bảo vệ. Tôi không ăn mừng vì độc lập tự do hôm nay ngụy trang dưới những khẩu hiệu vay mượn và bóp méo - vì cách đất nước chúng ta đối xử với người yếu thế dưới danh nghĩa lá cờ. Ngày vào tị nạn nước Mỹ, tôi tin đất nước này không gạt ai ra ngoài chỉ vì nơi sinh, màu da, hay tờ giấy trú thân bị bão tố cuốn trôi. Niềm tin đó chưa chết — nhưng nó không sống nhờ những tiếng nổ của pháo hoa hay sự im lặng làm ngơ. Nó chỉ còn sống khi ta đủ can đảm kể lại câu chuyện thật: di dân không xâm lăng ai cả — di dân chính là nước Mỹ, đã như thế và sẽ mãi như thế.
Dự luật One Big Beautiful Bill Act – hiện đang được phe Cộng Hòa xắn tay soạn thảo và cổ động – nếu được thông qua tuần này, sẽ bơm tiền khổng lồ cho các cơ quan công lực liên bang và hệ thống nhà tù, mở đường cho chiến dịch trục xuất chưa từng có và tham vọng quân sự hoá xã hội Mỹ dưới thời Tổng Thống Donald Trump
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.