Hôm nay,  

Học Cái Khôn

30/09/202200:00:00(Xem: 5911)

garden
Hình minh họa
 
Tối qua ngủ được, sáng sớm chị Ngà thức dậy, khỏe khoắn, lòng vui vui. Đứng lên quơ tay quơ chưn, làm vài động tác cho giãn gân cốt. Hai cánh tay dơ lên cao khỏi đầu, hạ xuống ngang vai, rồi khỏi hông.  Hít thở vài cái.  Một hồi.

Chị Ngà vô bếp nấu nước pha cà phê rồi vô làm vệ sinh, xong, chị trở ra bếp rót một ly bưng ra sân sau, đi một vòng “kinh lý ấp chiến lược”. Chị có một cây ổi, cao hơn đầu người. Ổi nầy là giống xá lị lai ổi núi hay sao mà ngon chảy nước miếng. Ổi dầy cơm ruột hồng hồng, chua chua ngọt ngọt, ủa kìa, sao lá cây bị con gì ăn lỗ chỗ? Ờ phải rồi, bữa trước thấy con cào cào đậu trên lá, chắc là bị cào cào châu chấu nhắm nháp rồi. Cây cỏ nhà chị không có sâu mà bị cào cào. Đám cào cào “chưn dài” màu xanh lè lẫn trong lá, dòm kỹ mới thấy. Thấy nó rồi thì cứ để cho nó mặc sức nhảy nai chồm chồm trên cây đi. Vừa bị động nó búng cẳng một cái. Mất tiêu. Châu chấu dễ thấy hơn, mập ù màu nâu nâu, có khi rào rào bay ngang đầu, chị để cho nó qua luôn. Vì vậy mà cây cối nhà chị lá nào lá nấy như cái tổ ong. Ngó cây mãng cầu chị thấy sốt ruột. Cây gì mà toàn lá. Lá xanh dờn, lá nào lá nấy bự tổ chảng như lá bàng, có thấy bông thấy trái nào đâu mà cành thì de ra che hết một góc sân. Mấy cô thợ trong tiệm biểu chị:

- Thôi, cây hổng có trái chắc là cây đực, để choáng chỗ chị đốn bỏ mẹ nó đi cho rồi kiếm cây khác trồng chẳng hạn như trồng cây xoài cây mít ra trái cho tụi em ăn còn có nghĩa hơn he he .

Hừmh! Tính khôn! Tụi bây tính khôn dàn trời!  Cây đang sống mạnh mẽ xanh dờn như vậy sao nỡ đốn? Cây cũng biết đau mờ.  Mà lạ nha, lá mấy cây bông với mấy bụi rau sống, luôn đám rau cay thấy mồ như lá húng cây, cũng bị mấy cô “chưn dài xanh lè” nhai rau ráu, trừ ra cây mãng cầu, không một lá nào bị ăn hết. Tại sao ta?

Hai cây đu đủ lớn kế bên nhau quá dễ thương, năm nay vươn khỏi bờ tường rồi.

Vừa bước lên phần đường tráng xi măng vòng quanh sân cỏ, kế bên cái bồn bông thì chị hết hồn,

khựng lại. Cái gì một đống đen đen nằm đó. Cúi xuống dòm cho kỹ, hoá ra là một con… con chim. Con chim lớn, cỡ gần con gà con, nằm chết queo. Xung quanh xác chim, kiến bu đen. Ớn quá, chị bước lui.

Dòm lên cành cây. Sau lưng nhà chị, bên kia tường rào là sân sau của nhà hàng xóm. Nhà nầy, giữa sân có một cây cổ thụ, hổng chừng, ít nhứt cũng cả trăm tuổi. Chị suy tính, nguyên khu

nhà này xây lên cùng năm 1923, có lẽ tất cả đám cây thuộc loại cổ thụ nầy cũng được trồng hồi năm đó. Dầu cho trồng từ cây đã lớn, cây chiết nhánh hay bằng hột thì những cây nầy kể như cả thế kỷ rồi. Già hơn mình nhiều. Cây cổ thụ quá lớn, hình dạng tròn, những cành tủa ra như cái dù khổng lồ, bao giáp, rợp bóng nguyên cái sân sau và chìa qua che một góc sân nhà chị. Mỗi mùa thu chị phải hốt lá mệt nghỉ! Có phàn nàn với chủ nhà, họ không thèm trả lời. Có gởi đơn khiếu nại với thành phố, chẳng ăn thua gì. Thành phố cho biết đã có nhiều đơn thưa nhà ấy, cách hay nhứt là, “Chị hãy mướn người tới cắt dọn cành cây ấy rồi gởi hóa đơn tới chủ nhà đòi họ thanh toán”.

Chị bực tức lắm. Ở Mỹ, tưởng có luật pháp, ai dè pháp luật cũng bó tay, cũng có kẽ hở cho ngừơi ngang ngạnh lỳ lợm lướt qua. Chị chịu thua luôn, đành phải tiếp tục quét lá, tự an ủi, cứ tưởng tượng mình là một nàng thơ, quét lá cũng thú vị, “gió bay lá, lá bay gió…” cầm cây chổi quét tới quét lui, như thể dục thể thao mà, tốt cho mình, than gì!
 
Trên cây có biết bao nhiêu tổ chim. Ngước lên kiếm thì thấy kẹt giữa mấy chỗ cháng ba cành cây có nhiều cái tổ, chim từ đó bay ra, toàn giống quạ đen. Tiếng quạ kêu rất chói tai, rầm trời. Con chim chết nầy là một con quạ, lớn gần bằng con gà con. Tại sao nó chết? Chị lùi lại, suy nghĩ. Ờ bữa nay là ngày có thợ cắt cỏ tới, cậu ta sẽ dọn xác chim.

Chị trở vô nhà. Mất hứng “kinh lý”. Mở ti-vi ra coi tin tức, vừa lúc cậu người Mễ tới, đẩy đồ nghề vô, bắt đầu cắt cỏ rồi thổi lá. Khi hết nghe tiếng động quen thuộc đó, chắc mẩm cả sân đều sạch sẽ, chị lại bước ra sân sau. Trời đất! Xác con chim còn y nguyên. Mọi thứ đều ngăn nắp. Cỏ ngắn xuống, đường viền xung quanh bồn bông gọn gàng, lá cây được thổi sạch sẽ ... chừa xác con chim.

Thiệt tình!

Con chim chết nằm giữa vùng kiến bu đen ngòm. Họ hàng nhà kiến không bỏ món mồi ngon, lớp ăn lớp tha đem về tổ. Con đường “xa lộ kiến” dài ngoằn ngoèo tuốt luốt vô đám lá đám cỏ rậm rạp mà chị không bao giờ dám đụng tay vô phá. Tổ kiến có lẽ đã có từ lâu trước khi chị dọn về nhà nầy, phá nó làm chi? Ở xứ Mỹ nầy, rõ ràng là chuyện ai nấy làm. Thợ làm “neo” chỉ được làm móng tay móng chưn, không được đụng tới da mặt. Thợ dưỡng da không được đụng tới bàn tay làm móng. Cái nghề gì mà cũng trên một cơ thể con người nhưng có đường ranh giới rạch ròi hẳn hòi. Phá luật? Phạt nặng à! Anh chàng cắt cỏ nầy, mình tưởng thấy con chim chết thì sẽ tiện tay dẹp luôn, ai mà ngờ anh ta tỉnh bơ “để y nguyên” như vậy, chắc cũng có liên quan nghề nghiệp?

Thiệt tình!

Ờ. Phải chi chị nói một tiếng, nhờ cậu ta liệng xác cho rồi. Mà khổ cái là, cậu ta không nói được câu tiếng Mỹ nào hết. Chị nhớ rồi, hồi trước, khi cần gì chị phải bắt điện thoại nói chuyện với chị chủ thầu cắt cỏ mà. Hồi đó nghe ai nói là, phủ xác cỏ mới cắt xung quanh gốc cây, làm mát gốc và cỏ không mọc lan. Chị ra dấu cho anh thợ giữ bọc cỏ lại cho chị. Anh ta ngẩn tò te ra một hồi rồi gật gật đầu, miệng cười khì khì. Tưởng ảnh hiểu, chị bỏ vô nhà. Chừng anh ta xong việc chị trở ra tính để lấy bịch cỏ đổ lên gốc cây thì anh ta đã rinh mọi thứ đi mất. Có nghĩa là anh ta không hiểu gì hết. Thôi đành, phải tự mình làm thôi. Kiếm khúc cây đùa xác chim vô cái đồ hốt rác, rớt lên rớt xuống. Đã nói con chim bự lắm mà. Kiến bu theo, thấy ghê!.

Con chim nầy chết như vầy, chị mong không phải là chim mẹ. Chị mong không có một đàn chim non còn trong tổ đang há mỏ chờ mẹ bay về đút mồi nuôi cho lớn. Chị mong không có mấy con thú đang rình rập, như con “possum” dữ dằn khi bất chợt chị bắt gặp, nó chẳng những hông sợ, chạy đi, mà còn đứng lại nhe nanh nghinh chị, trong họng gầm gừ phát ớn; hay con “skunk”, có lần chị bị nó xịt cho một cái, hôi khủng khiếp. Cũng may đứng xa không bị văng vô quần áo; hay con mèo vá thường lững thững thong dong như mấy chị đi sắm đồ, ngang bờ tường, gặp chị nó nhìn chị “xì-nẹt” một cái rồi phóng vô bụi?  Nhưng, mấy con thú chạy dưới đất, làm sao vật chết con chim bay trên trời?

Chị ngó lên mấy cái tổ chim trên cao. Có thấy được gì đâu!

Giống quạ nầy rất dạn và thông minh. Chị thường thấy mấy con, ngậm trong mỏ hột gì đó, bay ngang mặt đường nhựa, nhả hột xuống cho rớt trên mặt đường tráng nhựa, cho hột bể ra rồi xà xuống đớp, bay vút lên gọn gàng nhanh chóng. Nó ăn hay đem về nuôi con?

Chị ngó lên mấy cái tổ chim lần nữa. Mong là đám chim non, nếu có, đã học được cái khôn nầy của mẹ, trước khi mẹ nó rớt xuống, nằm chết cong queo.

Tội nghiệp quá./.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trước hết, chúng ta thừa hưởng một nền văn hóa phụ hệ. Người đàn ông nắm hết quyền hành và đàn áp đàn bà theo ý riêng. Những thế hệ trước năm 1950, hầu hết đàn bà Việt là nô tỳ cho đàn ông, một loại nô lệ tự nguyện theo truyền thống và có thể bị hành hạ nhiều hơn nữa, nhưng không được xã hội, chính quyền bênh vực. Về sau, nhờ du nhập văn hóa, văn minh tây phương và bộ luật gia đình thời đệ nhất cộng hòa, người đàn bà Việt mới trút bớt gánh khổ bị áp bức, tuy nhiên, tinh thần tự nguyện nô tỳ vẫn hiện diện trong huyết mạch của những thế hệ trẻ, kéo dài qua hải ngoại, cho dù nơi đây tôn trọng phụ nữ bậc nhất.
Nghe họ nói chuyện với nhau thì hiểu ra. Nhóm phụ nữ này hầu hết hơi phúng phính nên họ đã tạo ra một trò chơi vừa vui vừa có ích, họ mang vô sở cái cân và mạnh ai nấy leo lên cân rồi ghi số cân vô sổ. Họ mở ra một cái quỹ, mỗi tuần mỗi người góp vô quỹ 5 đô la rồi bắt đầu ăn cữ ăn kiêng, tới cuối tháng, người nào sụt số cân nhiều nhứt sẽ được thưởng số tiền gom chung đó, rồi họ bắt đầu góp tiền cho tháng tới. Họ làm sao mà giống giống như chơi hụi mở hụi khui hụi góp hụi vậy ta.
Hiểu biết về màu sắc làm nền cho nghề nghiệp thẩm mỹ, đặc biệt trong công việc trang điểm và nhuộm, tẩy tóc; ví dụ như: Màu đỏ dự phần vào đời sống con người qua máu và lửa. Chúng ta cũng nhận xét rằng những người thời xưa đã kết hợp màu đen với bóng đêm, và màu vàng cho những ngày tươi sáng. Màu trắng tượng trưng cho sự trinh trắng, trong khi màu tím chỉ được dùng trong giới trưởng giả mà thôi.
Có những chiều thu vương nắng cuối thôn …mùa thu đã về trên bầu trời thênh thang mây, mùa thu về với những chiếc lá nâu vàng thay nhau đổi màu, mùa thu về trên vai áo nâu non, tóc mùa thu cũng nâu vàng theo nắng thu rất vội. Mùa thu chỉ vừa mới chớm.
Đường nâu + sữa = hợp chất tẩy da chết cho toàn thân thể. Da-ua + mật ong = dưỡng chất dành cho da nhạy cảm (sensitive skin) và da hay bị ửng đỏ
Chúng ta thường đi bộ, nhiều người thích đi bộ. Từ đi bộ trong nhà, cho tới ngoài đường, chợ búa, mua sắm, trong sở làm v…v…như là một sinh hoạt tự nhiên. Đi bộ thực ra cũng là một môn thể thao chậm, kiểu “Low-impact”. Đi bộ vừa thong thả tự do, thích hợp với mọi lứa tuổi mà còn rất tốt cho sức khoẻ và sắc đẹp cho cả hai phái nam và nữ.
Phần mái ở trước trán (bang), nhiều bạn gái thích cắt ngắn, trông nhí nhảnh trẻ trung, nhất là khi cột tóc đuôi ngựa. Nhưng phần tóc nầy mọc ra dài rất nhanh, chúng ta nên tập tự cắt lấy, để khỏi phải chạy ra tiệm chỉ để cắt chút xíu ở phần tóc nầy, vừa mất thì giờ lại tốn tiền.
Nè mấy người, ai muốn học gắn lông mi từ sợi từ sợi y như lông mi thiệt hông tui dạy tính rẻ, lấy vốn đồ nghề lại coi. Thu chanh chua càng nói càng lớn tiếng: Xời ơi bà nầy, vừa vô ơn vừa bòn. Trong túi có chín đồng, cố ngó quanh quất xung quanh coi có lòi ra thêm một đồng nào đâu đó đặng bỏ vô túi. Chẵn mười đồng!
Quí vị muốn tránh cảm giác choáng váng hay nhức đầu dữ dội sau khi uống rượu chăng ? Hãy ăn vài lát dưa leo trước khi đi ngủ. Khi thức dậy, quí vị sẽ thấy tỉnh táo và hết nhức đầu. Dưa leo chứa một lượng đường vừa đủ, các loại vitamin B, và các chất điện giải để tái bổ sung những tinh chất sinh tố cần thiết mà cơ thể đã bị mất đi, hầu tái lập sự cân bằng, xua tan cảm giác choáng váng hay nhức đầu.
Mùa thu, mùa đẹp nhất trong năm khi những ngọn gió thu thổi nhẹ, xua tan cơn nóng mùa hè. Những chiếc khăn choàng cổ mỏng nhẹ được lôi ra từ tủ, phủ quanh bờ vai hờ hững, nhẹ nhàng đủ ấm, hay dầy hơn một chút, quấn quanh cổ, vừa làm đẹp vừa mang lại ấm áp dễ chịu.