Hôm nay,  

Đọc Sách: Biển Tuệ Thương Ca Tưởng Niệm Ni Trưởng Trí Hải

23/02/202406:56:00(Xem: 1767)
blank 

Đọc sách: BIỂN TUỆ THƯƠNG CA

Tưởng niệm Ni Trưởng Trí Hải
 

Nguyên Giác

  

Trong đời, thế nào cũng có lúc chúng ta nằm bệnh, hoặc có người thân nằm bệnh. Trường hợp như thế, lời khuyên thực dụng nhất là nên tìm đọc và áp dụng những dòng thơ Ngọa Bệnh Ca của Ni Trưởng Trí Hải. Thí dụ như những dòng thơ:
 

Hãy để tâm vắng lặng

Theo dõi hơi ra vào

Thấm nhuần chân diệu pháp

Trong từng mỗi tế bào

Hãy biến ngay giường bệnh

Thành một chốn đạo tràng.

(Nhắn Nhủ. “Biển Tuệ Thương Ca” trang 174-175)

 

Ni trưởng Thích Nữ Trí Hải là một trong những vị Thầy mà người điểm sách chịu ơn về Phật pháp. Đó là những trang sách nuôi lớn người điểm sách này, với những kỷ niệm thời mới lớn, khi còn trong khuôn viên trường học, được đọc sách của Ni Trưởng. Rồi nhiều thập niên sau, những cảm xúc khi đọc các bài thơ trong thi tập Ngọa Bệnh Ca của Ni Trưởng. Đó là những lời của Chánh pháp đầy sức chấn động. Và bây giờ, là một tuyển tập mới xuất bản nhan đề “Biển Tuệ Thương Ca” cũng là Hoa Đàm số 17, do nhà xuất bản Lotus Media ấn hành, trong này đăng trọn vẹn tập thơ Ngọa Bệnh Ca của Ni Trưởng. Lịch sử Phật giáo Việt Nam sau này sẽ giữ một chỗ đứng độc đáo cho nhiều tác phẩm và dịch phẩm của Ni Trưởng Trí Hải, trong đó có tuyển tập này.
 

Trước tiên, người điểm sách xin đề nghị rằng, các bạn Tập San Hoa Đàm, trong đó có những học giả nổi tiếng, như Tiến sĩ Giáo dục Phe X Bach (Tâm Thường Định),  nên dịch tất cả thơ của Ni Trưởng Trí Hải sang tiếng Anh cho các đơn vị Gia Đình Phật Tử hải ngoại biết về một ngôn ngữ thơ rất phiêu bồng, và đậm lý giải thoát. Để giới trẻ Phật giáo hải ngoại thấy rằng có một khuôn mặt lớn như thế trong thế giới thi ca và Phật học, một vị Ni trưởng đã giải thích Chánh pháp bằng những lời thơ rất thực dụng để tu tập, và dễ nhớ trong một không gian rất thơ.
 

 Tuyển tập có nhan đề “Biển Tuệ Thương Ca” và dòng tiêu đề “Tập san Tưởng niệm Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải (1938-2003).” Sách dày 240 trang, bên cạnh thơ của Ni Trưởng là bài viết của nhiều tác giả về Ni Trưởng:  Hòa thượng Thích Minh Châu, Huyền Không (Hòa thượng Thích Mãn Giác), Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, Ni Sư Thích Nữ Hương Nhũ, Huệ Trân, GS Trần Ngọc Ninh, GS Cao Huy Thuần, GS Thái Kim Lan, BS Đỗ Hồng Ngọc, Nhà văn Viên Linh, Cư sĩ Nguyên Đạo Văn Công Tuấn, Cư sĩ Nguyên Giác Phan Tấn Hải, Cư sĩ Nguyễn Tường Bách, Cư sĩ Tâm Quang Vĩnh Hảo, Cư sĩ Thị Nghĩa Trần Trung Đạo, Nguyên Hạnh, Nguyễn Thị Thanh Xuân.
 

Nhóm kết tập bài viết gồm: Nguyên Không, Nguyên Túc, Tâm Thường Định, Nhuận Pháp, Tâm Định, Nguyên Nhã, Quảng Pháp.  Và Nhóm cố vấn biên tập là: Cư sĩ Tâm Huy Huỳnh Kim Quang, Cư sĩ Tâm Quang Vĩnh Hảo và Thị Nghĩa Trần Trung Đạo.
 

Tuyển tập khởi đầu bằng bài thơ của Thầy Tuệ Sỹ, nơi trang 5.
 

Cánh chim đã vượt qua vũng lầy sinh tử

Bóng nắng rọi lên dòng huyễn hóa

Thân theo tro tàn bay

Hoa trắng vỡ trên đại dương sóng cả

Sao trời chợt tắt giữa lòng tay

Sương còn đọng trên đầu cây lá

Đến rồi đi nước lửng vơi đầy

Heo hút bờ hoang ảnh giả

Người sống mỏi mòn trong nhớ tiếc không khuây.

 

Quý Mùi, tháng 11, 15

Kính viếng Giác Linh Đại Tỷ Thích Nữ Trí Hải

Thích Tuệ Sỹ” (BTTC, trang 5)

  

Trong “Lời Vào Tập” ở trang 7 và 8, Ban biên tập Hoa Đàm giải thích về tuyển tập năm 2023 này (tròn 20 năm ngày Ni Trưởng Trí Hải như “cánh chim đã vượt qua vũng lầy sinh tử” – để mượn lời thơ của Thầy Tuệ Sỹ):
 

“Nghĩ rằng hai mươi năm về trước đã rất khó, hai mươi năm sau nữa càng khó hơn, khi đàn hậu học chúng con giờ đây làm sao có thể tìm thấy tung tích của bậc Chân Nhân Ni Trưởng, như cánh chim đã hút dấu trên dòng sông sinh tử, hóa trời không - Nhạn vô di tích chi ý, thủy vô lưu ảnh chi tâm - Dòng sông không cố lưu giữ bóng hình hài, mà Ni Trưởng cũng không mong giữ lại bóng hình chăng?

Kẻ hậu học đi tìm trên những cung bậc thời gian, nơi bóng nắng rọi lên dòng huyễn hóa, heo hút bờ hoang ảnh giả, Chân diện của bậc Đại sư mênh mông như BIỂN, kẻ chèo thuyền tuy thấy chân trời xa mà không thể lường hết chiều kích bao la của TUỆ pháp.

Nơi đây với lòng thành kính, tưởng niệm hai mươi năm ngày vắng bóng Thầy và để tri ân một bậc Tòng Lâm Ni Trưởng đã dâng hiến trọn vẹn cả cuộc sống thanh tu cho sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp, đã để lại một di sản cho nền văn học Việt nam hiện đại nói chung và tư tưởng Phật giáo Việt nam nói riêng, rất to lớn mà các thế hệ hậu học chúng con hôm nay và mai sau được thừa hưởng, trân quý vô cùng.

Hoa trắngvỡ trên đại dương sóng cả, ngàn năm sau vẫn trổ trên đồi.

Hoa Đàm số đặc biệt này ra mắt chủ yếu với độc giả Lam viên nhân kỷ niệm 20 năm ngày viên tịch của Ni Trưởng, từ biến cố đau thương của Phật giáo đồ nói chung và Ni Chúng nói riêng, vào ngày ngày 7 tháng 12, 2023, là kết tập có tuyển chọn một số tư liệu liên quan hành trạng của Thầy từng được phổ biến trước đây qua nhiều hình thức tập in và online. Nơi đây chỉ là sự góp nhặt và tái hiện trong một hình tướng khác, mà tâm nguyện của người biên tập thủy chung chỉ mong xây dựng một tủ sách Gia Đình Phật Tử, giúp Anh-Chị-Em Huynh trưởng có cơ sở tham khảo, học và hành Đạo trong vai trò hướng dẫn tuổi trẻ Phật giáo. Đây đích thực là một niềm vinh dự nhưng đồng thời là một trọng trách. Bởi kẻ hậu học may mắn được chèo thuyền trên dòng BIỂN TUỆ, thì chẳng thể như người đứng trong núi mà ngắm nhìn.

"Bất thức Lư San chân diện mục,

chỉ duyên thân tại thử san trung."

----- Tô Đông Pha

Ngày 07 tháng 12 năm 2023

Hoa Đàm

 

 

Hiện nay, độc giả có thể tìm đọc tiểu sử của Ni Trưởng Trí Hải qua Google và rất nhiều trang nhà. Nơi đây, người điểm sách xin trích từ tuyển tập Biển Tuệ Thương Ca một số nhận định về Ni Trưởng.
 

Thầy Thích Minh Châu trong bài Tưởng Niệm Cố Ni Trưởng Trí Hải ghi nhận:

"Cố Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải đến với đời làm lợi ích cho đời và làm sáng lên niềm tin cho Đạo. Cuộc đời và sự nghiệp của cố Ni Trưởng gắn liền với những hoạt động mang lại niềm tin yêu và an lạc lớn cho cuộc đời. Cố Ni Trưởng ra đi trong niềm thương nhớ của nhiều người.

Kinh Pháp Hoa dạy người con Phật đến với đời bằng tâm thái trân trọng và hộ trì, nhẹ nhàng như ong đến với hoa, chỉ nhận lấy chút mật của nhụy hoa rồi bay đi mà không làm tổn hại đến hương sắc loài hoa. Cố Ni Trưởng Trí Hải đã đến với đời và rồi ra đi bằng tâm thái như thế." (BTTC, trang 25)

Hòa Thượng Huyền Không Thích Mãn Giác viết: “Sống ở Hoa Kỳ những năm đầu 60 với cõi lòng ẩn mật rất Huế, khi về Việt Nam, cô đã ra mắt với người đọc quê hương hai bản dịch nổi tiếng là “Câu Chuyện Dòng Sông” của Herman Hesse và “Bắt Trẻ Đồng Xanh” của Salinger, mà không lâu sau đó người đọc đã nhận ra gương mặt tuyệt vời của dịch giả vừa uyên bác cẩn trọng, vừa trong sáng nghiêm túc. Mãi cho tới mấy chục năm sau, Cô vẫn giữ vị trí của người chuyển ngữ tài hoa nhất.” (BTTC, trang 28)
 

Ni Sư Thích Nữ Hương Nhũ nhận định: “Ni Trưởng Trí Hải với sự tinh tế và trí thông minh xuất chúng, các tác phẩm của Ni Trưởng được tuyển dịch từ những tác phẩm Hán cổ, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức và cả Hán hiện đại. Nhiều học giả cho rằng, từ xưa đến nay ở Việt Nam chưa có một vị Ni nào am tường kiến thức Đông Tây kim cổ, giỏi chữ Hán, cổ ngữ Pali và Sankrit, thông thạo cả tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Đức như Ni Trưởng Trí Hải.” (BTTC, trang 36)
 

Độc giả có thể đọc thêm nhiều lời ca ngợi Ni Trưởng Trí Hải trong tuyển tập từ nhiều vị khác nữa. Một điểm xúc động trong tuyển tập là những mẩu chuyện nhỏ, những kỷ niệm ghi lại với Ni Trưởng, cho thấy một nhân cách phi thường và tinh tế của Ni Trưởng.
 

GS Cao Huy Thuần kể rằng khi lần đầu về nước, năm 1980, đã “mười lăm năm xa cách mới gặp lại,” nên Giáo sư đã chắp tay thưa, “Xin Chị cho tôi gọi Chị là chị lần này nữa thôi, tôi chưa quen gọi Chị là Sư Cô được.” Giáo sư họ Cao cũng kể niềm vui khi một lần thăm mấy năm sau đó, nghe Thầy Thích Trung Hậu nói, “Giờ này chắc Cô Trí Hải đang ngồi thiền.” Niềm vui của Giáo sư là “thời buổi nhiễu nhương náo loạn này, còn có một người ngồi thiền không ai dám động…” (BTTC, trang 45)
 

GS Bác sĩ Trần Ngọc Ninh kể rằng một lần, được Thầy Thích Minh Châu yêu cầu Giáo sư thuyết trình về “cốt tủy của giáo lý” Phật Giáo. GS Ninh lên Thư viện Đại học Vạn Hạnh, lúc đó Ni Trưởng là Quản Thủ Thư Viện đã hướng dẫn GS Ninh tới các tủ sách. Và ba năm liền như thế, GS Trần Ngọc Ninh kể, “Mỗi năm trong ba năm liền, tôi gặp lại Ni-cô trong Thư viện, với mỗi năm một vấn đề mà tôi phải giải đáp cho tôi…” (BTTC, trang 55) Kết quả của những năm nghiên cứu đó, Giáo sư Trần Ngọc Ninh gom lại để viết cuốn “Đức Phật giữa chúng ta.” (BTTC, trang 56).
 

Giáo sư Thái Kim Lan, người từng gặp lần đầu là qua bản dịch “Câu Chuyện Dòng Sông,” và rồi gặp trực tiếp trong phong trào Phật giáo giữa năm 1964-1965. GS Thái Kim Lan về sau du học Đức, dạy triết ở một Đại học Đức, kể rằng đã giới thiệu một sinh viên Đức tìm hiểu về Phật Giáo tại Việt Nam tới gặp Ni Trưởng Trí Hải, và khi sinh viên kia về Đức đã kể rằng anh ngưỡng mộ Ni Trưởng là “vị Thầy Việt Nam.” Giáo sư TKL cũng kể về Tiến sĩ W. Boehme của Hội W.P. Schmits – Stiftung từng gặp Ni Trưởng trong các công tác từ thiện hơn 10 năm, khi về Đức kể lại rằng chương trình từ thiện nào cũng được Ni Trưởng Thí Hải bảo trợ. (BTTC, trang 62)
 

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc kể lại một kỷ niệm, “Cô cũng là người mà khi viết xong cuốn Nghĩ Từ Trái Tim tôi liền gởi bản thảo viết tay đến nhờ đọc, góp ý. Ngay sáng hôm sau, cô đã phone bảo tối hôm đó Hóc Môn cúp điện, cô đã phải đốt đèn cầy mà đọc suốt đêm thứ “chữ bác sĩ” thế này! Cô bảo được lắm, khuyên nên in ra đi, sẽ giúp ích được cho nhiều người đó. Rồi cô đọc cho tôi nghe một bài viết của cô về Có Không. Cô cũng góp ý cho tôi vài điểm ở phần kết của cuốn sách.” (BTTC, trang 68)
 

Nhà văn Nguyên Đạo Văn Công Tuấn kể rằng ông từng là sinh viên xứ Quảng vào Sài Gòn học ở Đại Học Vạn Hạnh, nơi Ni Trưởng là Quản Thủ Thư Viện, và rồi nêu nghi vấn cảm động về sự ra đi của Ni Trưởng (mà nhà văn này gọi tôn kính là Sư Bà): “Những tai nạn giao thông chết người là chuyện cơm bữa ở xứ mình. Dọc đường Sư Bà còn bảo tài xế dừng xe lại để Sư Bà làm lễ cầu siêu cho một người không quen biết chết trôi trên sông vừa mới được vớt lên. Sư Bà đã viên thành một hạnh nguyện, hạnh nguyện mang vác hết cả những nỗi khổ đau của chúng sanh.” (BTTC, trang 90)
 

Giáo sư Nguyễn Tường Bách kể về những lần từ hải ngoại về thăm nhà, và rồi tới thăm Ni Trưởng Trí Hải: “Cách đây chưa đầy một năm, cuối tháng 12 năm 2002, Cô đưa chúng tôi về thăm tịnh thất tại Nhà Bè và Hóc Môn. Nhờ Cô mà tôi được gặp thầy Nhật Từ trong lần này. Thầy Nhật Từ gọi Cô bằng “Ni trưởng” hết sức trân trọng, còn tôi xưng hô cứ như cô cháu trong nhà. Nhà Bè là một cơ sở nuôi dạy các cháu mồ côi, nay đã khang trang. Còn Hóc Môn là một ngôi chùa khiêm tốn mới xây, có phòng giảng pháp và lớp cho trẻ em học. Đất ở Hóc Môn do một đệ tử cúng dường để cho Cô có chỗ yên tĩnh để làm việc và nghỉ ngơi, xa bớt đường Nguyễn Kiệm bụi bặm. Chúng tôi ngồi uống trà trong một cái cốc lợp bằng tre lá, nghe tiếng gió bên ngoài xào xạc chen giữa các hàng cây.” (BTTC, trang 99)   
 

Bên cạnh các Trưởng Lão Hòa Thượng, các giáo sư, các nhà văn dẫn trên, còn có nhiều nhà văn nhà thơ khác đã góp bài tưởng niệm Ni Trưởng Trí Hải.

Tuyển tập này có trích phần thơ của Ni Trưởng Trí Hải, tất cả đều là ghi lại Kinh Phật và kinh nghiệm tu học độc đáo của Ni Trưởng. Theo những gì người điểm sách biết, có lẽ Ni Trưởng Trí Hải là nhà thơ duy nhất trong văn học Việt Nam ghi lại kinh nghiệm nằm bệnh trong nhiều bài thơ. Bài thơ nào cũng xuất sắc.
 

Như bài “Bờ Kia” nơi trang 198, Ni Trưởng viết những dòng chữ y hệt nhóm Kinh Tập trong Tiểu Bộ:
 

Bờ kia đâu phải ở bên kia

Cùng với tử sinh chẳng có chia

Thiện ác thị phi đừng vướng bận

Thì đây sống chết đã xa lìa.

  

Tương tự, bài thơ “Vô Niệm” của Ni Trưởng là phiên bản khác của Kinh Bahiya Sutta:

Chẳng cứ công phu chẳng tọa thiền

Nghe thanh, thấy sắc vẫn thường nhiên

Mảy trần không dính hư không nọ

Mây tạnh, trăng soi, sáng một miền.

  

Thỉnh thoảng, Ni Trưởng cũng tự cười. Như trong bài thơ “Nói Cùng Cây Cối” nơi trang 191, Ni Trưởng tự giễu cợt về  chuyện nằm bệnh:

Vũ trụ ngươi thẳng đứng

Vũ trụ ta nằm ngang

Ngươi cho đời bóng mát

Ta cho vần thơ thương.

 

Nhìn chung, tuyển tập “Biển Tuệ Thương Ca” là cuốn sách mọi người Phật tử nên đọc. Nơi đây, người điểm sách xin đề nghị lần nữa, rằng các bạn Hoa Đàm nên dịch sang tiếng Anh tập thơ “Ngọa Bệnh Ca” của Ni Trưởng Trí Hải. Đó là những dòng thơ bất tử của Phật Giáo Việt Nam.
 

Sách "Biển Tuệ Thương Ca" có thể tìm mua bằng cách vào trang Amazon và gõ nhan đề sách, hoặc vào trực tiếp ở đây:
 

https://www.amzn.com/B0CQC3QZ7P/
 

Thực sự hy hữu. Ngài là một vị Ni Trưởng hy hữu, đã xuất hiện như một ngọn núi khổng lồ, rất khó gặp trong đời.

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Chân dung” do Ngô Thế Vinh vẽ ra không giống các chân dung của các tác giả khác. Đặc biệt là với các cây viết đã khuất núi, anh phân tích chi tiết căn bệnh đưa tới sự ra đi của các bạn này. Như bệnh ung thư cột sống sarcoma của Nguyễn Xuân Hoàng, ung thư gan của Nguyễn Mộng Giác, ung thư mắt của Cao Xuân Huy, ung thư tụy tạng của Nghiêu Đề, ung thư tuyến tiền liệt của Đinh Cường. Những chi tiết này sẽ là những tài liệu quý báu cho văn học sử sau này.
Tập “Thơ Khánh Trường” ra đời chỉ để “Vui thôi mà”, gồm ba phần: Phần 1: Ngẫu Hứng. Phần 2: Mai Anh Về Miền Trung & Những Bài Thơ Khác; và Phần 3: Khổ Lụy. Ngẫu Hứng là phần tôi thích nhất, tập hợp những bài thơ ngắn “bất chợt nẩy ra trong đầu”. Thơ được viết tự nhiên, không màu mè, không cơ bắp, không gồng, không làm dáng. Là phần mở đầu, Ngẫu Hứng cũng là phần tách riêng khỏi tập thơ, ở một vùng đất cao hơn, trên một khí hậu tươi mát, có nhịp sống tâm linh riêng. Trong khuôn khổ bài này xin chỉ đọc phần “Ngẫu Hứng”.
Lịch sử không mắc kẹt trong Nguyễn Thanh Việt, tác giả cuốn tiểu thuyết The Sympathizer (Cảm tình viên, Kẻ hai mặt, Kẻ nằm vùng, Kẻ nội tuyến) xuất bản năm 2015, nó bùng nổ dữ dội với nỗi phẫn nộ rát bỏng hiếm thấy trên một trang viết văn học nào...
Alexander Solzhenitsyn sau 8 năm lao tù (1945-1953) trong chế độ Cộng Sản Liên Xô đã ghi lại hình ảnh kinh hoàng, đau thương đó trong các tác phẩm The First Circle (Tầng Đầu Địa Ngục), One Day in The Life of Ivan Denitsovich (Một Ngày Trong Đời Của Ivan Denitsovich), Khu Ung Thư (Cancer Ward), Tầng Đầu Địa Ngục (The First Circle), Quần Đảo Ngục Tù (The Gulag Archipelago)… Những tác phẩm này đã được dịch sang Việt ngữ, ấn hành trước năm 1975 ở Sài Gòn...
Hồi ký "Người muôn năm cũ" của nhà văn Phạm Gia Đại dày trên 500 trang gồm có 17 chương, mỗi chương với vẻ riêng, đặc sắc của từng chương. Cuốn sách đưa chúng ta trở về những năm tháng tươi đẹp đầy kỷ niệm thương yêu của Sài Gòn, của miền Nam và những ký ức đau buồn sau ngày mất miền Nam, và những năm tháng sống trở lại với cuộc đời mới trên miền đất tạm dung...
Tuyển tập Những Mẩu Chuyện Đời của Đào Ngọc Phong là những dòng chữ phần lớn rất buồn, kể lại chuyện đời của anh, chuyện đời của những người anh gặp trong đời từ Việt Nam cho tới xứ người, chuyện của những người trong thế hệ của anh bị cuốn vào cuộc chiến phân đôi, chuyện của những người xa xứ đang ra sức mưu sinh, và chuyện vui buồn của một kiếp người. Chuyện rất buồn xen lẫn với chuyện rất vui. Và hầu hết là giữa những dòng chữ vẫn có các niềm vui có hậu.
Chủ Nhật (2PM-5PM), 24 tháng 3 năm 2024, GS Trần Gia Phụng từ Canada sang thuyết trình “Những Học Thuyết Chính Trị Hoa Kỳ Về Chiến Tranh Việt Nam” tại Viện Việt Học, 15355 Brookhurst St, Suite 222, thành phố Westminster và tham dự Giỗ Lễ Nhà Cách Mạng Phan Chu Trinh Lần Thứ 98 cùng ngày của Hội Ái Hữu Phan Chu Trinh Đà Nẵng (ông là giáo sư dạy sử của trường nầy)...
Nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc vừa ấn hành tác phẩm “9 Khuôn Mặt, 9 Phong Khí Văn Chương” – nội dung là viết về Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên. Cuốn sách dày 440 trang, chữ nhỏ, gồm các nhận định của Bùi Vĩnh Phúc (BVP) về các nhà văn, nhà thơ đã nuôi lớn một thời tuổi trẻ của tôi. Họ là những cây đa bóng mát của tôi, không chỉ ngoài đời và trong văn học, mà cũng là cả trong các giấc mơ những ngày tôi còn ôm sách tới trường. Tôi đã nói với Bùi Vĩnh Phúc như thế, rằng những người này, trong sách của bạn, thiệt sự là cả một cánh đồng tuổi thơ của tôi. Và tôi nghĩ rằng không thể nào viết đầy đủ về các khuôn mặt văn học này.
Xưa nay, mọi cuốn tiểu thuyết đều được xây dựng quanh một chủ đề. Dù trừu tượng hay cụ thể, từ chủ đề “mẹ” rẽ ra những nhánh chủ đề “con” - tất cả bám chặt vào một (hay hơn một) nhân vật, đan xen giữa những tình tiết, nối thắt những mẩu chuyện, từ đó phần hồn cuốn tiểu thuyết xuất hiện, tồn tại giữa những trang giấy, hóa kiếp thành suy tư của người đọc.
Đây là tập sách tranh song ngữ Anh-Việt của họa sĩ Lê Triều Điển. Xuyên suốt quyển sách là quá trình sống, học hành, sáng tác và bao nhiêu kỷ niệm từ thơ ấu cho đến ngày hôm nay. Đọc qua tập sách tôi thấy họa sĩ đã chọn tên sách có ý nghĩa rất hay, đầy hình tượng, thanh âm và sắc màu. Cuộc đời nhiều chìm nổi lênh đênh của người họa sĩ y hệt như những dòng sông mang nặng phù sa của vùng đất phương Nam...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.