Hôm nay,  

Điều Luật 23 Có Ý Nghĩa Gì Đối Với Tương Lai Của Hồng Kông Và Phong Trào Dân Chủ Từng Một Thời Rực Rỡ?

29/03/202400:00:00(Xem: 474)

hong kong

Hồng Kông ngày càng trở thành một khu vực ‘an ninh cao.’ (Nguồn: pixabay.com)

 
Ngày 19 tháng 3 năm 2024, các nhà lập pháp ở Hồng Kông đã thông qua luật an ninh mới, trao cho các cơ quan chính quyền ở thành phố bán tự trị quyền lực mạnh mẽ hơn để trấn áp những người bất đồng chánh kiến.
 
Luật mới, theo Điều 23 (Article 23), đã mất hàng thập niên để hoàn thiện, nhưng cũng vấp phải sự phản đối trong một thời gian dài. Nhiều người đã biểu tình để phản đối Article 23 vì lo ngại luật sẽ hạn chế quyền tự do dân sự ở Hồng Kông, một khu vực hành chánh đặc biệt ngày càng bị Bắc Kinh kiểm soát gắt gao.
 
Để hiểu rõ ý nghĩa của việc áp dụng Điều 23, dự kiến được ký thành luật vào ngày 23/3/2024, đối với tương lai của Hồng Kông, trang The Conversation đã tìm đến Michael C. Davis, một giáo sư luật đã giảng dạy về luật hiến pháp và nhân quyền ở Hồng Kông trong hơn 30 năm, và là tác giả cuốn sách “Freedom Undone: The Assault on Liberal Values in Hong Kong.” (Tháo Gỡ Tự Do: Cuộc Tấn Công vào Các Giá Trị Dân Chủ ở Hồng Kông.”
 
Lịch sử và nguồn gốc của Điều 23
 
Điều 23 (Article 23) là một câu chuyện dài. Đây vốn là một điều khoản trong Đạo Luật Căn Bản của Hồng Kông, yêu cầu chính phủ Hồng Kông ban hành một sắc lệnh địa phương để kiểm soát và giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia. Đạo Luật Căn Bản cũng chính là Hiến pháp của Hồng Kông. Việc ban hành Đạo Luật Căn Bản và việc chính phủ Trung Quốc tham gia vào quá trình này là một phần của Bản Tuyên Ngôn Chung Anh-Hoa (Sino-British Joint Declaration) năm 1984 – quy định về việc trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc. Mười ba năm sau, vào năm 1997, lãnh thổ Hồng Kông đã được chuyển lại dưới trướng Trung Quốc sau hơn một thế kỷ thuộc quyền kiểm soát của Anh.
 
Đạo Luật Căn Bản được Quốc Hội Trung Quốc chính thức thông qua vào năm 1990, thiết lập một trật tự hiến pháp khá tự do cho Hồng Kông sau khi được giao từ Anh cho Trung Quốc. Luật bảo đảm các nguyên tắc của pháp luật và các quyền tự do căn bản cho người dân Hồng Kông, cũng như hứa hẹn về quyền bầu cử cho mọi công dân Hồng Kông.
 
Theo Điều 23 trong Đạo Luật Căn Bản, chính phủ Hồng Kông phải “tự mình” ban hành một số luật về an ninh quốc gia, liên quan đến các tội danh phản quốc, ly khai, kích động nổi loạn, âm mưu lật đổ chính quyền hoặc đánh cắp bí mật quốc gia; đồng thời cũng liên quan đến việc kiểm soát các tổ chức nước ngoài.
 
Chính phủ Hồng Kông lần đầu tiên đưa ra một phiên dự luật liên quan đến Điều 23 vào năm 2003. Tuy nhiên, do lo ngại về những tác động đối với quyền tự do báo chí và quyền tự do của các tổ chức, cũng như tăng cường quyền lực của cảnh sát quá mức, dự luật đã vấp phải sự phản đối rộng rãi từ cộng đồng.
 
Một nhóm gồm bảy luật sư và hai học giả pháp lý hàng đầu đã phản đối dự luật; họ xuất bản và phân phát các tờ rơi chỉ ra những thiếu sót của dự luật, dựa theo các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền. Trong khi đó, khoảng nửa triệu người ở Hồng Kông đã tràn xuống đường để biểu tình.
 
Trước sự phản đối mạnh mẽ cùng với việc làm ‘mất lòng’ một đảng ủng hộ chính phủ hàng đầu, dự luật không thể được thông qua và buộc phải rút lại.
 
Nhưng thay vì soạn ra một dự luật thay thế để giải quyết những mối lo ngại về nhân quyền, chính phủ lại chọn cách để Điều 23 nằm phủ bụi một xó suốt hai thập niên.
 
Sau đó, vào năm 2020, Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia, mang lại cho chính quyền Hồng Kông quyền lực lớn hơn. Các cơ quan chức năng ở Hồng Kông có thể bắt giữ và đàn áp các nhân vật đối lập, khiến cho phong trào dân chủ từng mạnh mẽ một thời bị suy yếu, rơi vào “nốt trầm.”
 
Sau khi đã dọn sạch những “trở ngại” đáng kể và sẵn đà trấn áp bất kỳ ai chống đối, chính phủ theo phe Bắc Kinh ở Hồng Kông biết rằng đã đến thời điểm chín muồi để tung ra một phiên bản luật mới – còn khắc nghiệt hơn bản cũ.
 
Với sự khích lệ từ Bắc Kinh, Chính phủ Hồng Kông đã có thể tổ chức một cuộc tham khảo ngắn gọn về dự thảo luật Điều 23 mới, mà người ta chẳng có chút mảy may cơ hội để bày tỏ ý kiến phản đối.
 
Quá trình này được hỗ trợ bởi hệ thống bầu cử “chỉ dành cho những người yêu nước” do Bắc Kinh thiết lập vào năm 2021, hệ thống này đã thắt chặt sự kiểm soát của Bắc Kinh đối với cơ quan lập pháp Hồng Kông, giúp cho dự luật được tán thành “100%.”
 
Điều 23 sẽ gây ảnh hưởng gì đến quyền tự do dân sự ở Hồng Kông?
 
Song song với Luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh ban hành năm 2020, Điều 23 mới sẽ có tác động mạnh mẽ đến quyền tự do dân sự.
 
Luật an ninh quốc gia – với các điều khoản mơ hồ về ly khai, lật đổ chính quyền, khủng bố và thông đồng – đã được kết hợp với luật cấm xúi giục nổi loạn từ thời thuộc địa, để bắt giữ và đàn áp những người bất đồng chánh kiến ở Hồng Kông. Nhiều nhân vật đối lập đang bị bỏ tù hoặc đã phải lưu vong, trốn chạy sang nước ngoài. Và những người bất đồng chánh kiến còn lại chỉ đành giữ im lặng.
 
Dự luật mở rộng những điều khoản và quy định hiện hành của luật an ninh quốc gia trong các lĩnh vực chính: đánh cắp bí mật quốc gia, nổi loạn, phá hoại và sự can thiệp ngoại lai vào Hồng Kông.
 
Về cơ bản, Điều 23 thừa nhận và tán thành các nguyên tắc và chế độ an ninh quốc gia của Trung Quốc đại lục, vốn vẫn luôn tập trung đàn áp bất kỳ phản đối hay biểu hiện nào được cho là đe dọa đến sự ổn định chính trị, nhắm vào nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống người dân, ảnh hưởng đến quyền tự do của các tổ chức, của báo chí và cả học thuật.
 
Điều 23 cũng thừa nhận định nghĩa bao la của TQ về “bí mật quốc gia,” thậm chí có thể bao gồm cả việc báo cáo hoặc viết về các chính sách phát triển kinh tế và xã hội.
 
Hồng Kông ở đâu?
 
Điều 23 cũng mở rộng quyền hạn của chính phủ để có thể giam giữ những người bị kết án trong thời gian dài và cũng có thể kéo dài thời gian giam giữ tạm thời các nghi can trước khi được mang ra xét xử. Luật còn tăng cường giám sát “ảnh hưởng của nước ngoài” – khiến việc hợp tác với người ngoài tiềm ẩn nhiều nguy hại cho công dân Hồng Kông.
 
Dự thảo luật cũng ‘dè bỉu’ các hoạt động được cho là ‘núp bóng’ phong trào đấu tranh vì nhân quyền hoặc giám sát nhân quyền, và chỉ trích “cái gọi là” tổ chức phi chính phủ. Tất cả những điều này khiến cho việc hợp tác hoặc ủng hộ các tổ chức nhân quyền quốc tế có nguy cơ bị coi là hành vi phạm pháp.
 
Tóm lại, trong khoảng hai thập niên, trật tự hiến pháp tự do của Hồng Kông đã chuyển mình thành trật tự an ninh quốc gia, làm suy yếu hoặc loại bỏ các quyền tự do cơ bản của người dân nơi đây.
 
Ngữ cảnh rộng hơn của Điều 23
 
Để hiểu rõ về dự luật này, cần phải nói về mối ‘huyết hải thâm thù’ của TQ đối với các giá trị tự do và thể chế dân chủ, chẳng hạn như nhà nước pháp quyền, quyền tự do dân sự, tòa án độc lập, quyền tự do báo chí và trách nhiệm giải trình trước công chúng. Các giá trị này được coi là mối đe dọa đến sự ổn định và quyền lực của Đảng cầm quyền ở Trung Quốc.
 
Tư duy này đã khiến cho chương trình nghị sự về an ninh quốc gia của TQ, dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, được tăng cường và mở rộng đáng kể.
 
Bắc Kinh đã tập trung vào sự phát triển kinh tế trong những thập niên gần đây, coi sự hợp lệ của mình phụ thuộc vào việc tăng trưởng kinh tế. Họ đánh cược rằng người dân sẽ quan tâm đến việc cải thiện mức sống nhiều hơn là đến quyền tự do chính trị. Tuy nhiên, khi tăng trưởng kinh tế bắt đầu chững lại, các nhà lãnh đạo bắt đầu lo ngại về vấn đề an ninh và sự phản đối từ phía nhân dân. Điều này đã dẫn đến khái niệm an ninh quốc gia toàn diện hiện đang được áp đặt đối với Hồng Kông.
 
Với việc thúc đẩy một chương trình nghị sự coi các giá trị dân chủ và ý niệm tự do là mối đe dọa, Bắc Kinh há có thể bỏ qua một Hồng Kông tự do nhởn nhơ trước mắt, khi đã thuộc về tay đại lục.
 
Các cuộc biểu tình rộng rãi ở Hồng Kông trong năm 2019 đã làm trầm trọng thêm mối lo ngại này, và cũng tạo cơ hội cho Bắc Kinh có cái cớ để giải quyết mối đe dọa được nhìn nhận dưới cái gọi là “cách mạng màu” (color revolution).
 
Những ‘quân cờ’ được Bắc Kinh cài cắm và nuôi dưỡng trong chính quyền Hồng Kông bấy lâu, nay đã trở thành công cụ đắc lực cho cuộc đàn áp.
 
Các phong trào biểu tình ở Hồng Kông đã ‘im hơi lặng tiếng’
 
Chính sách đàn áp và đe dọa đã rất hiệu quả trong việc khiến cho người dân ở Hồng Kông ‘không có gan’ để phát biểu hoặc tham gia vào các hoạt động biểu tình.
 
Trong quá khứ, phong trào ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông đã nhận được sự ủng hộ đa số đáng kể từ cử tri, đặc biệt trong các cuộc bầu cử trực tiếp; với khoảng 60% cử tri đã bầu cho các ứng viên thuộc phong trào ủng hộ dân chủ; và một phần lớn số ghế trong cơ quan lập pháp được bầu cử trực tiếp bởi cử tri.
 
Nguyên tắc ‘bầu cử chỉ dành cho những người yêu nước’ đã khiến số lượng cử tri đi bỏ phiếu giảm đáng kể. Tình hình sụt giảm số cử tri tham gia bầu cử cùng với khuynh hướng người ta lũ lượt di cư sang nước khác cho thấy phần lớn người dân Hồng Kông không ủng hộ loại ‘trật tự phi tự do’ mới mẻ này.
 
Nhưng mà, khi hầu hết các nhà lãnh đạo ủng hộ dân chủ đều đang bị tù tội hoặc phải sống lưu vong, còn ai dám lên tiếng phản đối nữa đâu!
Nguyên Hòa biên dịch
 
Nguồn: “What Article 23 means for the future of Hong Kong and its once vibrant pro-democracy movement” được đăng trên trang TheConversation.com.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Buổi ra mắt sách của nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc hôm Chủ Nhật 21/4/2024 tại Nhà sách Tự Lực cũng là một cơ duyên để nhiều bạn văn gặp nhau, trong một thời đại thống trị của văn học Internet, khi không còn bao nhiêu sách giấy được xuất bản, và cũng không còn bao nhiêu buổi ra mắt sách giấy ngay giữa Quận Cam, California.
Một người đàn ông tên là Xiaolei Wu đã theo dõi và đe dọa một nữ sinh viên Trung Quốc tại đại học Boston sau khi cô này dán tờ rơi ủng hộ dân chủ đã bị Tòa Mỹ kết án 9 tháng tù liên bang và Wu sẽ bị trục xuất về TQ khi mãn hạn tù. Các công tố cho biết sau khi thiếu nữ dán tờ rơi thể hiện tình đoàn kết với người biểu tình ở Trung Quốc, Xiaolei Wu, 26 tuổi, đã cố gắng tìm ra địa chỉ của cô và đe dọa chặt tay cô trong một tin nhắn trên ứng dụng WeChat, theo CNN.
Tuần này trong mục “nói thêm”, Project Syndicate trò chuyện với GS Bùi Mẫn Hân, là Giáo sư về Công quyền học của trường Cao đẳng Claremont McKenna và là thành viên cao cấp không thường trú tại Quỹ Marshall Đức của Hoa Kỳ. Ông còn là tác giả của cuốn sách “The Sentinel State: Surveillance and the Survival of Dictatorship in China” (Nhà nước canh gác: Giám sát và sự sống còn của chế độ độc tài ở Trung Quốc).
Cuộc bầu cử Tổng thống 2024 chỉ còn hơn 6 tháng nữa, để giúp quý độc giả nắm được tình hình bầu cử, Việt Báo sẽ thường xuyên cập nhật các bài phân tích đáng tin cậy từ những nguồn thông tin uy tín. Các bài phân tích này dựa vào các cuộc thăm dò dư luận, các cuộc phỏng vấn với các chiến dịch và chiến lược gia, báo cáo, hoạt động của các chiến dịch, cũng như các khuynh hướng lịch sử và nhân khẩu học.
Thứ Năm (25/4), Đại học Nam California (University of Southern California, USC) cho biết sẽ hủy lễ tốt nghiệp ra trường năm nay, một tuần sau khi thông báo hủy bài phát biểu của thủ khoa khóa 2024 – một nữ sinh viên gốc Hồi Giáo, theo Reuters.
NEW YORK – Thứ Năm (25/4), trong phiên tòa hình sự xét xử Donald Trump về vụ ‘tiền bịt miệng,’ cựu giám đốc tờ báo lá cải National Enquirer David Pecker cho lời khai trước tòa rằng ông từng tranh cãi với Trump và luật sư cũ của Trump trước cuộc bầu cử năm 2016 về việc ai nên trả tiền để ‘bưng bít’ câu chuyện ‘bê bối tình dục’ của cựu Tổng thống, theo Reuters.
LHQ – Thứ Tư (24/4), tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Nga đã phủ quyết một nghị quyết do Hoa Kỳ soạn thảo có nội dung kêu gọi các nước ngăn chặn cuộc chạy đua vũ trang ngoài không gian, theo Reuters.
Phim cao bồi được tái hiện ở các sân trường, lớp học ở một tiểu bang. Khi những người biểu tình hô vang “Bàn tay của bạn dính máu”, Hạ viện tiểu bang Tennessee hôm thứ Ba đã thông qua dự luật cho phép một số giáo viên và nhân viên mang súng ngắn trong khuôn viên trường học. Đạo luật này trước đây đã được Thượng viện tiểu bang thông qua và tờ báo Tennessean loan tin rằng nó "gần như được đảm bảo sẽ trở thành luật trong vòng vài tuần"
Nhân chứng đầu tiên trong phiên tòa hình sự xét xử Donald Trump về vụ ‘tiền bịt miệng,’ cựu giám đốc David Pecker (báo lá cải The National Enquirer) thừa nhận đã sử dụng tờ báo lá cải của mình để ‘ém nhẹm’ những tin không hay về Trump để giúp ông đắc cử năm 2016, theo Reuters.
Một báo cáo của Liên hợp quốc công bố hôm thứ Ba nói rằng châu Á là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu trong năm 2023, với lũ lụt và bão đứng đầu danh sách các yếu tố gây thương vong và thiệt hại kinh tế. Các nhà khoa học cảnh báo về điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt vì biến đổi khí hậu do khí nhà kính do con người thải ra khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn. Trung Quốc là nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới.
Các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện (TCPV) Hoa Kỳ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng vô gia cư trong vụ kiện liên quan đến chính sách chống lối sống lang thang (anti-vagrancy) của một thành phố phía tây nam Oregon. TCPV sẽ xem xét, xác định tính hợp pháp của các luật mà nhiều địa phương áp dụng để cấm người vô gia cư cắm trại, dựng lều trên đường phố và công viên công cộng, theo Reuters.
Trong ngày đầu tiên của phiên tòa hình sự tại New York, xét xử Donald Trump về vụ ‘tiền bịt miệng,’ các công tố viên cho biết cựu Tổng thống đã vi phạm luật pháp và phá hoại quy trình bầu cử năm 2016 bằng cách cố gắng che giấu việc có quan hệ tình dục với một tài tử phim khiêu dâm. Trong khi đó, luật sư bào chữa tuyên bố Trump không phạm tội, theo Reuters.
Nhiều tháng qua, đảng Cộng hòa tại Hạ viện Hoa Kỳ luôn tìm cách ngăn chặn việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine, một dự luật mà tổng thống Joe Biden thúc giục thông qua lâu nay. Sau nhiều cuộc đàm phán giữa hai đảng, cảnh bế tắc tại nghị trường làm cho công luận thế giới càng bi quan hơn về triển vọng chiến thắng quân Nga trên chiến trường Ukraine...
Một học sinh trung học ở North Carolina đã bị truy tố tội hành hung sau khi bị camera ghi lại cảnh tát vào mặt một giáo viên trong một cuộc trao đổi mà học sinh này chửi mắng cô giáo bằng ngôn từ tục tĩu. Vụ này liên quan đến thiếu niên được ẩn danh vì là vị thành niên, xảy ra tại trường trung học Parkland ở Winston-Salem vào ngày 15 tháng 4, theo Văn phòng Cảnh sát trưởng Quận Forsyth (FCSO) cho biết trên Facebook.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.